Tôi học Phạm Thượng Chi trong “Mười ngày ở Huế” để viết sách giới thiệu Huế

10:08 30/10/2012

NGUYỄN ĐẮC XUÂN

Đề cập đến sự nghiệp cầm bút của Thượng Chi Phạm Quỳnh cần phải có một cái viện nghiên cứu làm việc trong nhiều năm mới hiểu hết được. Do hoàn cảnh lịch sử, tôi chưa bao giờ dám nghĩ đến mình có thể tìm hiểu một khía cạnh nào đó trong sự nghiệp to lớn của ông.

Một số đầu sách của Phạm Quỳnh và viết về Phạm Quỳnh - Ảnh: NĐX

Nhưng rồi, bất ngờ trong lúc đi học Huế, nghiên cứu Huế, viết bài giới thiệu Huế, tôi gặp được ông qua bút ký “Mười ngày ở Huế” đăng trên báo Nam Phong số 10 xuất bản vào tháng 4 năm 1918. Bút ký Mười ngày ở Huế đã “hớp hồn” tôi, khiến cho tôi mê sách báo của ông và trong tủ sách của tôi có một ngăn dành cho bộ sưu tập Phạm Quỳnh gồm hàng chục số báo Nam Phong, thư mục báo Nam Phong, sách tạp chí chuyên đề về Phạm Quỳnh xuất bản trước và sau năm 1975, sách xuất bản ở nước ngoài sau năm 1975, trong đó có nhiều bản do người thân của ông ký tặng. Và, không những trước tác của ông mà còn có cả sách của người rễ rất hay chữ Nguyễn Tiến Lãng của ông nữa. Tôi rất hân hạnh nhiều lần được giới thiệu bộ sưu tập nầy với hậu duệ của ông khi họ đến thăm tôi ở cái gác bên bờ sông Thọ Lộc.

Ở đây tôi xin phép lược ghi lại chuyện “Tôi cảm thụ, học cách tư duy và thể hiện của học giả Phạm Thượng Chi trong “Mười ngày ở Huế” để viết sách giới thiệu Huế

1. Cảm thụ

Phạm Thượng Chi chỉ đến Huế có 10 ngày, vào đầu năm 1918, nhân Huế có lễ tế Nam Giao. Ông đi đò trên sông Hương, viếng các lăng vua Nguyễn, đi dự lễ tế Nam Giao, thăm Đại Nội, xem hát tuồng ở Quốc Tử Giám, thăm chùa Thiên Mụ, thăm Đạm Phương nữ sử, thăm Thiền sư Viên Thành chùa Ba La Mật v.v. Những gì ông viết trong Mười ngày ở Huế là cái kim chỉ nam cho việc nghiên cứu và viết giới thiệu Huế của tôi trong hơn 30 năm qua.

Thực vậy, tôi sinh ra ở Huế, thời học sinh Trung học và Đại học đều ở Huế, hằng ngày qua lại sông Hương. Nhưng mãi cho đến khi đi kháng chiến về, đi học Huế, tôi mới hiểu được cái đẹp và cái giá trị tuyệt vời của con sông Hương qua Mười ngày ở Huế của Phạm Thượng Chi. Ông viết:

Cái phong cảnh Huế sở dĩ đẹp là thứ nhất bởi con sông Hương Giang. Con sông xinh thay! Hà Nội cũng có sông Nhị Hà, mà sông Nhị Hà với sông Hương khác nhau biết chừng nao! Một đằng ví như cô con gái tươi cười, một đằng ví như bà lão già cay nghiệt! Nhi Hà là cái thiên tai của xứ Bắc, Hương Giang là cái châu báu của xứ Kinh. Nước trong như vắt, dòng phẳng như tờ, ít khi có tí sóng gợn trên mặt, đi thuyền trên sông như đi trong hồ vậy. Huế không có con sông Hương thì tưởng cái đẹp của xứ Huế giảm mất nửa phần. Nhưng đã có sông Hương lại có núi Ngự nữa, cái cảnh mới thực là toàn xinh. Ngự Bình không phải là một núi cao như núi Phú Sĩ nước Nhật, Hương Giang không phải là một sông rộng như sông Hoàng Hà nước Tàu. Nên nói rằng sông ấy, núi ấy làm hiểm trở cho chốn Đế kinh thì cũng là nói quá, nhưng sông ấy, núi ấy thực là vẽ nên phong cảnh xứ Huế vậy. Và cái khí vị của phong cảnh Huế không phải là cái khi vị hùng tráng, mà là cái khi vị mĩ diệu; cảnh Huế xinh mà đẹp, không phải hùng mà cường, đáng yêu mà không phải là đáng sợ, có thi vị mà không có khí tượng. Phải nhận kỹ như thế thì mới khỏi nhầm mà hiểu được tinh thần của cái bức sơn thủy hiển nhiên ấy[1].

Suốt thế kỷ qua, đã có biết bao bài viết dành cho sông Hương nhưng cho đến nay chưa có bài nào mô tả một cách súc tích mà cụ thể, đánh giá đúng mức cái vị thế đặc biệt của sông Hương bằng Mười ngày ở Huế của Phạm Thượng Chi.

Đi xem các lăng vua Nguyễn, ông viết chuyện đi thăm lăng rồi đánh giá:

Không những mấy nơi đó (lăng tẩm các vua Nguyễn) là những nơi thắng tích đệ nhất của nước ta mà lại có thể liệt vào bậc những nơi thắng tích của cả thế giới nữa. Hoàn cầu dễ không đâu có chốn nhà mồ của bậc vua chúa nào mà khéo hòa hợp cái cảnh thiên nhiên với cái cảnh nhân tạo gây nên một cái khí vị riêng như não nùng, như thương nhớ, như lạnh lẽo, như hắt hiu, mà lại như đầy những thơ những mộng, khiến người khách vãn cảnh luống những ngẩn ngơ trong lòng. Mà cái cảm giác ấy không phải là người mình mới có, dẫu người ngoại quốc đi du lịch đến đây cũng phải cảm như thế[2].

Đi thăm lăng tẩm các vua Nguyễn, Phạm Thượng Chi đã cảm nhận được cái hồn của các khu lăng. Đặc biệt nhất, từ đầu thế kỷ XX, ông đã thấy được cái giá trị của sự “hòa hợp cái cảnh thiên nhiên với cái cảnh nhân tạo”. Sự hài hòa đó chính là loại hìnhkiến trúc phong cảnh” (architecture paysagiste) mà mãi đến thế kỷ XX thế giới mới quan tâm và phấn đấu thực hiện.

Sau Mười ngày ở Huế, Phạm Thượng Chi tôn vinh cái vai trò lịch sử của Kinh đô Huế: xưa thì từ đây đi mở cõi, nay (1918) giữ được cái quốc hồn cho dân tộc. Ông viết:

Lấy lịch sử mà xét, lấy địa thế mà chứng, lấy cái tình thế chính trị ngày nay mà chiêm nghiệm, lấy lòng khuynh hướng quốc dân sau nầy mà dự đoán, thành Huế thực là chốn căn cứ, nơi yếu điểm của giống Việt Nam, xưa đã nhờ đấy mà gây dựng nên bờ cõi, nay lại nhân đấy mà nói lên cái tư cách một dân quốc hoàn toàn. Ôi! Phàm đã gọi là một dân quốc không thể giây phút thiếu cái tư tưởng, cái tinh thần một dân quốc. Tư tưởng ấy, tinh thần ấy gọi một tên tức là cái quốc hồn vậy. Quốc hồn của Việt Nam ta ngày nay phải tìm ở đâu cho thấy? Thiết tưởng phi ở Huế không đâu thấy vậy[3].

Để cho quốc dân tin vào sự đánh giá của ông, ông viết tiếp:

Cổ ngữ châu Âu “Trăm con đường đều quay đầu về thành La Mã”. Có ý nói thành La Mã là trung tâm lịch sử của châu Âu ngày xưa […] Thành La Mã của Việt Nam ta là ở đâu? Tức là nơi đế đô bây giờ, đất Thuận Hóa khi xưa, Kinh thành Huế ngày nay vậy[4]

Lúc mới đọc Mười ngày ở Huế, tôi chưa hiểu hết ý nghĩa của sự đánh giá trên. Nhưng càng về sau, tôi càng thấy hết sức sâu sắc. Năm 1918, sau Thế chiến I (1914 - 1918), kinh tế nước Pháp kiệt quệ, vì vậy chế độ cai trị của Pháp ở Việt Nam rất khắc nghiệt. Thế mà Phạm Thượng Chi vẫn ngang nhiên ca ngợi cái quốc hồn của dân tộc Việt đang ở trong tay người Pháp. Ông từng viết “Truyện Kiều còn thì tiếng ta còn, tiếng ta còn thì nước ta còn”. Cũng với dòng tư duy ấy, Kinh đô Huế còn giữ được cái quốc hồn thì dân tộc còn giữ được nước. Vai trò của Kinh đô Huế không ngờ lớn đến thế. Nhưng rồi trải qua hai cuộc chiến tranh, vai trò lịch sử của Huế mờ dần. Đến nay, dù đất nước đã thoát khỏi ách thống trị của ngoại bang nhưng với xu thế Âu hóa một cách thiếu chọn lọc, cái hồn dân tộc đang bị thử thách. Vai trò của Huế lại nổi lên. Chuyện Phạm Thượng Chi viết cách đây gần một thế kỷ nhưng tôi lại có cảm tưởng như ông viết để nhắc nhở chúng ta ngay ngày hôm nay.

2. Học cách tư duy và thể hiện “Mười ngày ở Huế” của học giả Phạm Thượng Chi để viết sách giới thiệu Huế

Đối với tôi, muốn thực hiện một đề tài, trước nhất phải định cho được phương pháp nghiên cứu cho đề tài đó. Có phương pháp đúng thì đề tài mới được triển khai thuận lợi và đúng đắn. Viết về Huế tôi học phương pháp tư duy và cách thể hiện của Thượng Chi qua bút ký Mười ngày ở Huế.

2.1. Viết từ thực tế điền dã, từ người thực việc thực, chứ không phải tưởng tượng, hư cấu

Trước khi đến Huế, ông đã nắm vững tài liệu lịch sử Thuận Hóa Phú Xuân. Nhưng với cái vốn lịch sử ấy ông đi vào thực tế tiếp xúc với sự vật và con người: Phải đi trên sông Hương mới viết sông Hương, phải đi thăm lăng các vua Nguyễn mới viết chuyện lăng, phải gặp Đạm Phương nữ sử, gặp Sư Viên Thành mới viết chuyện bà Đạm Phương, viết chuyện Sư Viên Thành. Nhờ thế thông tin trong bài viết của ông dù trải qua thử thách của thời gian vẫn còn giữ nguyên giá trị;

2.2. Thông tin dựa vào lịch sử

Ông giỏi chữ Pháp và cũng rất giỏi chữ Hán. Lịch sử triều Nguyễn, lịch sử Kinh đô Huế ông đọc từ nguyên bản chữ Hán. Ngoài chính sử, ông còn khai thác cả gia phả. Nhiều chi tiết, nhiều sự kiện lịch sử thú vị không có trong chính sử, ông rút ra từ trong gia phả. Ông tiếp xúc với bà Đạm Phương và Sư Viên Thành, ông đề cập đến gia phả họ Nguyễn Khoa. Bắt chước ông, trong mấy chục năm qua tôi đã sưu tập được hàng chục bộ gia phả, niên ký, hồi ký của các đại tộc, các nhân chứng lịch sử và nhờ thông tin trong gia phả, niên ký, hồi ký ấy mà tôi đã đính chính được nhiều sự kiện còn nằm trong góc đen của lịch sử. Loạt bài đính chính quan trọng nhất của tôi là viết về những sai lầm của ông Nguyễn Hiển Dĩnh ở Quảng Nam. Một Việt gian lại được vinh danh là người anh hùng yêu nước.

2.3. So sánh với những đồng dạng thế giới

Viết “Mười ngày ở Huế” lúc tác giả Phạm Quỳnh mới 26 tuổi (1892 - 1918). Nhưng ông đã thông kim, bác cổ. Ông viết về Kinh đô Huế với sự hiểu biết, với tầm nhìn quốc tế. Để thấy những giá trị của Kinh đô Huế ông đã so sánh những thắng cảnh, những công trình của Kinh đô Huế với những đồng dạng của thế giới. So sánh như thế mới thấy giá trị nổi bật của Kinh đô Huế.

Ông so sánh vai trò giữ cái quốc hồn Việt Nam của Kinh đô Huế giống như thành La Mã (Roma) với văn minh văn hóa châu Âu;

Ông so sánh sông Hương với sông Nhị Hà ở Hà Nội, so sánh với sông Hoàng Hà của nước Tàu;

Ông so sánh lăng các vua Nguyễn với những lăng mộ nổi tiếng trên thế giới. Ông viết:

Trong thế giới chắc còn lắm nơi lăng tẩm đẹp hơn nhiều: như ở Ấn Độ có cái mả bà chúa toàn bằng ngọc thạch, ở Âu Châu cũng có lắm nơi mộ địa rất là u sầm. Nhưng không đâu cái công dựng đặt của người ta với cái vẻ thiên nhên của giời đất khéo điều hòa nhau bằng ở đây…”[5]

Với một kiến thức uyên bác trong một tâm hồn tự tôn dân tộc mạnh mẽ, ông không đem cái vật chất khiêm tốn của mình ra so với vật chất của thế giới, nhưng ông tìm được cái hơn của mình không phải về vật chất mà chính là cái hồn sống hài hòa với vũ trụ của các lăng vua Nguyễn. Tôi đã đọc nhiều, đã đi Đông, đi Tây nhưng cho đến nay, tôi vẫn chưa dám đem những giá trị văn hóa tinh thần, giá trị văn hóa vật chất của Huế ra so với những cái đồng dạng của thế giới. Dù biết món ăn Huế nổi tiếng nhưng tôi chưa dám so sánh món ăn Huế với món ăn Pháp, chưa dám so sánh Cố đô Huế với Cố đô Kyoto, chưa dám so sánh kiến trúc cửa Ngọ Môn với Thiên An Môn của Trung Quốc. Thế mới thấy bài viết của ông cách đây gần một thế kỷ mà vẫn còn là một mục tiêu phấn đấu của thế hệ cầm bút ngày nay.

2.4. Phát hiện cái mới

Những Kinh đô Huế, lăng tẩm Huế, sông Hương núi Ngự có đó, những người cầm bút đến Huế đều có trước tác. Nhưng dưới mắt Phạm Thượng Chi những thứ ấy được đặt trên mặt bằng thế giới. Và, không chỉ có thế, ông đến Huế chỉ có 10 ngày thôi mà ông đã phát hiện ra những con người mới, những đề tài mới. Ví dụ năm 1918 ông đề cập đến Sư Viên Thành thì phải đợi đến năm 1971 Nguyễn Văn Thoa mới cho ra đời được công trình “Tra Am và Sư Viên Thành”, ông gặp gỡ Đạm Phương nữ sử, ông thấy vai trò quan trọng của Đạm Phương và thân sinh của bà là Hoằng Hóa Quận Vương Miên Triện trong văn hóa nghệ thuật của Kinh đô, thế mà mãi đến năm 2011, ở Huế mới có một Hội thảo khoa học về Đạm Phương nữ sử. Và, qua hội thảo nầy tôi mới có dịp viết về Hoằng Hóa Quận Vương Miên Triện[6]. Học Phạm Thượng Chi, tôi luôn luôn tâm niệm bắt chước ông tìm ra những vấn đề mới, những sự kiện chưa ai biết rõ, hoặc làm mới những vấn đề đã cũ với cách nhìn tiên tiến nhất.


Tôi nhập vào làng cầm bút viết về Huế chậm hơn nhiều người lứa tuổi tôi. Nhưng may mắn, tôi được đọc “Mười ngày ở Huế” của Phạm Thượng Chi sớm, sớm được trang bị một tư duy đúng đắn, rồi cứ thế mà tiến tới, chỉ sợ mình không đủ sức đi tới cùng chứ không hề sợ bị lạc đường. Cho đến nay tôi đã có gần 60 đầu sách về triều Nguyễn và Huế xưa. Trong gần 60 đầu sách đó có nhiều cuốn có thể có người cho là không hay, nhưng không có cuốn nào sai phải tặng cho bà hỏa. Có được thành quả đó nhờ tôi đã đi theo sự chỉ đường của tác giả “Mười ngày ở Huế”.

N.Đ.X
(SH284/10-12)
 



[1] Tạp chí đã dẫn, tr. 204, cột 1 và cột 2, hoặc Phạm Quỳnh, Mười ngày ở Huế, Nxb Văn học, HN. 2001, tr. 26.

[2]  Phạm Quỳnh, Mười ngày ở Huế, Nxb Văn học, HN. 2001, tr. 49.

[3] Tạp chí  Nam Phong số 10, 4 -1918, tr.202, cột 2 và tr.203 cột 1). Phạm Quỳnh, Mười ngày ở Huế, Nxb Văn học, HN. 2001, tr. 22.

[4] Tạp chí đã dẫn, tr. 202, cột 2. Phạm Quỳnh, Sđd tr. 21& tr.22.

[5] Phạm Quỳnh, Sdd. Tr. 51 và 52.

[6] Xem Hoằng Hóa Quận Vương Miên Triện - thân sinh của Đạm Phương nữ sử, Tc Kiến Thức Ngày Nay số 750, ra ngày 10-6-2011, từ tr. 11 đến tr. 15 và tr. 128.

 

Đánh giá của bạn về bài viết:
0 đã tặng
0
0
0
Bình luận (0)
Tin nổi bật
  • LTS: Đại Học Huế đang ở tuổi 50, một tuổi đời còn ngắn ngủi so với các Đại học lớn của thế giới. Nhưng so với các Đại học trong nước, Đại Học Huế lại có tuổi sánh vai với các Đại học lớn của Việt như ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Trên hành trình phát triển của mình, Đại Học Huế đã góp phần không nhỏ vào sự phát triển kinh tế, giáo dục, văn hoá ở miền Trung, Tây Nguyên, đào tạo nguồn nhân lực trình độ cao cho khu vực và cả nước. Nhân dịp kỷ niệm này, TCSH phân công ông Bửu Nam, biên tập viên tạp chí, trao đổi và trò chuyện với PGS.TS. Nguyễn Văn Toàn, Giám đốc Đại Học Huế. Trân trọng giới thiệu với bạn đọc cuộc trò chuyện này.

  • VÕ ĐẮC KHÔICó một thời người Huế loay hoay đi vỡ núi, phá rừng trồng khoai sắn. Có một thời người Huế tìm cách mở cảng nước sâu để vươn ra biển lớn, hay đón những con tàu viễn xứ xa xôi. Cả nước, các tỉnh thành láng giềng như Quảng Bình, Quảng Trị, Đà Nẵng cũng đều ra sức làm như thế, sao ta có thể ngồi yên?

  • TRẦN ĐÌNH SƠNĐất Việt là cái nôi sinh trưởng của cây trà và người Việt biết dùng trà làm thức uống thông thường, lễ phẩm cúng tế, dâng tặng, ban thưởng từ hàng ngàn năm nay.

  • NGUYỄN XUÂN HOÀNGTừng là đất Kẻ Chợ – kinh đô triều Nguyễn xưa, ẩm thực Huế dựa trên nền tảng triết lý của cái đẹp, món ăn món uống phải ngon nhưng nhất thiết phải đẹp, vị phải đi với mỹ, thiếu mỹ thì không còn vị nữa.

  • TRƯƠNG THỊ CÚCTrong vô vàn những bài thơ viết về Huế, hai câu thơ của Phan Huyền Thư dễ làm chúng ta giật mình:Muốn thì thầm vuốt ve Huế thật khẽLại sợ chạm vào nơi nhạy cảm của cơ thể Việt Nam                                                                    (Huế)

  • FRED MARCHANT(*)                                                                                      Trong chuyến viếng thăm Huế lần thứ hai vào năm 1997, tôi làm một bài thơ đã đăng trong tập thứ hai của tôi, Thuyền đầy trăng (Full Moon Boat). Bối cảnh bài thơ là một địa điểm khảo cổ nổi danh ở Huế. Có thể nói là bài thơ này thực sự ra đời (dù lúc đó tôi không biết) khi nhà thơ Võ Quê đề nghị với tôi và các bạn trong đoàn ghé thăm Đàn Nam Giao trước khi đi ăn tối ở một quán ăn sau Hoàng Thành bên kia sông Hương.

  • TRẦN KIÊM ĐOÀNDu khách là người trong mắt nhìn và qua cảm nhận của chính người đó.

  • TRƯƠNG THỊ CÚCTừ buổi hồng hoang của lịch sử, hình ảnh ban đầu của xứ Huế chỉ thấp thoáng ẩn hiện qua mấy trang huyền sử của đất nước Trung Hoa cổ đại. Tài liệu thư tịch cổ của Trung Quốc đã kể lại từ năm Mậu Thân đời vua Đường Nghiêu (2353 năm trước Công nguyên), xứ Việt Thường ở phương Nam đã đến hiến tặng vua Nghiêu con rùa thần từng sống qua ngàn năm tuổi.

  • HỒ ĐĂNG THANH NGỌCCó một hiện tượng lịch sử lý thú, ở những nơi khác vốn dĩ bình thường  nhưng ở Huế theo tôi là rất đặc biệt, đó là tại mảnh đất này sau hơn ba mươi năm ngày đất nước thống nhất, đã hình thành một thế hệ nữ doanh nhân thành đạt giữa chốn thương trường.

  • MINH TÂMTôi nghe bà con bán tôm ở chợ Bến Ngự kháo nhau: Dân nuôi tôm phá Tam Giang đã xây miếu thờ “Ông tổ nghề” của mình gần chục năm rồi. Nghe nói miếu thờ thiêng lắm, nên bà con suốt ngày hương khói, cả những người nuôi tôm ở tận Phú Lộc, dân buôn tôm ở Huế cũng lặn lội vượt Phá Tam Giang lễ bái tổ nghề.

  • PHẠM THỊ ANH NGA"Hiểu biết những người khác không chỉ đơn giản là một con đường có thể dẫn đến hiểu biết bản thân: nó là con đường duy nhất" (Tzvetan Todorov)

  • TRẦN ĐỨC ANH SƠNSau hơn 1,5 thế kỷ được các chúa Nguyễn chọn làm thủ phủ của Đàng Trong, đến cuối thế kỷ XVIII, Huế trở thành kinh đô vương triều Tây Sơn (1788 - 1801) và sau đó là kinh đô của vương triều Nguyễn (1802 - 1945).

  • TRƯƠNG THỊ CÚC Sông Hương là một trong những nét đẹp tiêu biểu của thiên nhiên xứ Huế. Sông là hợp lưu của hai nguồn Hữu Trạch, Tả Trạch, chảy qua vùng đá hoa cương cuồn cuộn ghềnh thác, đổ dốc từ độ cao 900 mét đầu nguồn Hữu trạch, 600 mét đầu nguồn Tả trạch, vượt 55 ghềnh thác của nguồn hữu, 14 ghềnh thác của nguồn tả, chảy qua nhiều vùng địa chất, uốn mình theo núi đồi trùng điệp của Trường Sơn để gặp nhau ở ngã ba Bàng Lãng, êm ả đi vào thành phố, hợp lưu với sông Bồ ở Ngã Ba Sình và dồn nước về phá Tam Giang, đổ ra cửa biển Thuận An.

  • Chúng ta biết rằng trong thời đại ngày nay, khi đầu tư xây dựng những cơ sở nhằm đáp ứng nhu cầu cao của người đi du lịch, văn hóa ẩm thực được xem như là cánh cửa đầu tiên được mở ra để thu hút du khách.

  • Chúng tôi đi thăm đầm chim Quảng Thái, theo ông Trần Giải, Phó chủ tịch huyện Quảng Điền.

  • I. Chúng tôi xin tạm hiểu như sau về văn hóa Huế. Đó là văn hóa Đại Việt vững bền ở Thăng Long và Đàng Ngoài chuyển vào Thuận Hóa - Phú Xuân.

  • Thúng mủng Bao La đem ra đựng bột. Chiếu Bình Định tốt lắm ai ơi. Tạm tiền mua lấy vài đôi. Dành khi hiếu sự trải côi giường Lào.

  • LTS: Tiến sĩ Nguyễn Thuyết Phong hiện đang dạy tại trường đại học Kent State thuộc tiểu bang Ohio, . Đây là một trong những bài trích ra từ cuốn Hồi ký âm nhạc, gồm những bài viết về kinh nghiệm bản thân cùng cảm tưởng trong suốt quá trình đi đó đây, lên núi xuống biển, từ Bắc chí Nam của ông để sưu tầm về nhạc dân tộc. Được sự đồng ý của tác giả, TCSH xin trân trọng giới thiệu cùng độc giả.

  • Từ sau ngày giải phóng đến nay, tôi chưa một lần gặp lại Anh hùng Vai và Anh hùng Kan Lịch. Về Huế hoài nhưng lên A Lưới lại không đủ giờ và không dễ dàng gì. Những năm trước, đường về A Lưới còn chật hẹp, lổm chổm đất đá, lại hay sạt lở... đi về rất khó khăn và phải mất vài ngày. Đến Huế vào mùa khô thì lại ít thời giờ. Về Huế dịp mùa mưa thì đường về A Lưới luôn tắc nghẽn.

  • Tế lễ, giỗ chạp, cúng kỵ gắn với người Huế rất sâu. Hình như nhạc lễ cổ truyền xứ Huế cũng hình thành từ đó. Món ăn Huế được chăm chút, gọt tỉa để trở thành một thứ nghệ thuật ẩm thực cũng từ đó. Màu sắc, mẫu mã của nhiều loại trang phục Huế cũng từ đó mà được hoàn chỉnh, nâng cao. Cả những phong cách sinh hoạt nói năng, thưa gởi, đứng ngồi, mời trà, rót rượu... đầy ý tứ của vùng đất nầy cũng đi từ những buổi cúng giỗ đượm mùi hương trầm.