DƯƠNG PHƯỚC THU
Theo báo Quyết Chiến, Cơ quan Thành bộ Việt Minh Thuận Hóa, về sau là của Việt Minh Nguyễn Tri Phương (bí danh của tỉnh Thừa Thiên), do nhà báo Vĩnh Mai (bí danh và cũng là bút danh của Nguyễn Hoàng) làm chủ bút; các nhà báo Nguyễn Đức Phiên, Vĩnh Hòa, Nguyễn Cửu Kiếm kế nhau làm quản lý và trị sự.
Cột tin trên báo Quyết Chiến ngày 24/9/1945 đăng tin về Đại Hội nghị Liên đoàn Văn hóa Cứu quốc Thừa Thiên
Số 1 ra ngày 27 tháng 8 năm 1945, xuất bản đến trước ngày toàn quốc kháng chiến mấy hôm mới ngừng. Trong gần hai năm Quyết Chiến ra được gần 400 số (hiện đã sưu tầm được đến số 324 ra ngày 21 tháng 9 năm 1946). Tòa soạn Quyết Chiến lúc đầu đóng ở số 43 đường Trần Hưng Đạo, sau chuyển đến số 2 đường Nguyễn Tri Phương, đầu năm 1946 lại chuyển qua phố Hàng Bè, nay là đường Huỳnh Thúc Kháng.
Là nhật báo, Quyết Chiến đưa tin hàng ngày rất kịp thời. Ngoài tin địa phương còn có tin tức trong nước và thế giới; phóng viên Quyết Chiến lăn lộn xuống cơ sở cập nhật được nhiều thông tin mới. Kể cả việc “bắt hai cho con ông Ngô Đình Khôi” và “Ba người Pháp, một người Mọi “đổ bộ” vào cửa Thuận An hỏi thăm Phạm Quỳnh và Nguyễn Tiến Lãng bị “Giải phóng quân” của ta tước lột khí giới”. Báo còn công bố về nhiều tổ chức quần chúng của cách mạng đã được thành lập, ra mắt đồng bào Huế. Một trong những tổ chức ấy là Liên đoàn của những người hoạt động văn hóa nghệ thuật.
Để bạn đọc tiện tham khảo về những sự kiện liên quan đến việc thành lập Hội Văn nghệ, những tư liệu in nghiêng dưới đây là của báo Quyết Chiến đã công bố:
Vào lúc 20 giờ ngày 13 tháng 9 năm 1945, anh Nguyễn Duy Trinh, Ủy trưởng Thông tin Tuyền truyền Trung Bộ, đã triệu tập các nhà văn, nhà báo ở Thuận Hóa để tuyên bố về chính sách ngoại giao và nội trị của Chính phủ. Anh nhấn mạnh, tuy chính quyền Nhân dân đã thành lập khắp toàn quốc, nhưng nước ta đương trải qua một giai đoạn rất nghiêm trọng, cần phải huy động tất cả các lực lượng quốc gia để củng cố chính quyền ấy và tranh thủ hoàn toàn độc lập.
Anh nhắc đến nhiệm vụ quan trọng của các nhà văn và đề nghị việc thành lập một Liên đoàn Văn hóa Cứu quốc Trung Bộ để gia nhập vào Liên đoàn Văn hóa Cưu quốc Việt Nam. Sau khi anh Ủy trưởng Nguyễn Duy Trinh ra về, các nhà văn, nhà báo - trên bốn mươi người có mặt đều tán thành đề nghị của Ủy trưởng và đã ủy thác cho ba người đứng ra triệu tập một cuộc đại hội nghị các nhà văn, nhà báo, kịch sĩ, nhạc sĩ và các nhà nhiếp ảnh vào thứ ba ngày 18 tháng 9 hồi 7 giờ tối (tức 19 giờ) tới tại Sở Thông tin Tuyền truyền để họp.
Sau khi được hội nghị tin cậy ủy thác, cả ba nhà văn là Hải Triều, Thanh Tịnh, Hoài Thanh nhanh chóng triển khai, thống nhất chương trình và ra thông báo. Nôi dung như sau:
Để đi đến sự thống nhất thành lập Liên đoàn Văn hóa Cứu quốc Trung Bộ Việt Nam. Tối thứ ba ngày 18 tháng 9 năm 1945, vào hồi 7 giờ tối sẽ có cuộc hội nghị các nhà văn, nhà báo, kịch sĩ, họa sĩ, nhạc sĩ và các nhà nhiếp ảnh tại Sở Tuyên truyền Thuận Hóa - nay là địa điểm đóng Nhà sách Phú Xuân đối diện với cầu Trường Tiền.
Vậy xin mời các anh em trong những giới kể trên đến họp cho đông đủ để bàn chuyện thiết lập một Liên đoàn Văn hóa Trung Bộ với mục đích cấp thiết tham gia vào công cuộc cứu quốc của toàn thể đồng bào Việt Nam.
Thay mặt Ban Tổ chức kính mời:
HẢI TRIỀU, THANH TỊNH, HOÀI THANH
Theo thống báo này thì Ban Tổ chức mời các giới văn nghệ đến dự họp “cho đông đủ” để bàn chuyện khẩn trương thiết lập ngay một Liên đoàn Văn hóa Cứu quốc Trung Bộ. Nhưng vì điều kiện cách trở và cũng vì quá gấp rút nên Ban Tổ chức chưa thể triệu tập đầy đủ số đại biểu đại diện của các tỉnh, các giới trong toàn xứ về Thuận Hóa kịp họp tối 18 tháng 9. Cho nên, mọi người có mặt đã quyết định chuyển hướng, thành lập ngay Liên đoàn Văn hóa Cứu quốc Thừa Thiên, còn Liên đoàn Văn hóa Trung Bộ thì mãi đến ngày 23 tháng 11 năm 1945 mới ra đời, do nhà văn Nguyễn Lân làm Chủ tịch.
Sự kiện này được báo Quyết Chiến mô tả:
LIÊN ĐOÀN VĂN HÓA CỨU QUỐC THỪA THIÊN THÀNH LẬP
Hơn 50 nhà văn, nhà báo, nghệ sĩ ở Thuận Hóa họp tại Sở Tuyên truyền tối hôm 18 tháng 9 năm 1945 đã lập xong Liên đoàn Văn hóa Cứu quốc Thừa Thiên.
Liên đoàn này gồm 5 ban: Văn học, Hội họa điêu khắc và Kiến trúc, Âm nhạc, Ca kịch, Nhiếp ảnh dưới sự điều khiển của một Ủy ban chấp hành lâm thời gồm 5 người:
Chủ tịch: Hoài Thanh
Phó Chủ tịch: Đào Duy Dếnh
Thư ký: Thanh Tịnh, Hà Thế Hạnh
Thủ quỹ: chị Quốc Thuận.
Chương trình và điều lệ Liên đoàn do Ủy ban chấp hành lâm thời dự thảo nay mai sẽ đưa ra thảo luận trong một cuộc Đại hội nghị các nhà văn, nhà báo, nghệ sĩ ở Thuận Hóa.
Trong buổi hội họp hôm 18 tháng 9 năm 1945, toàn thể hội nghị đã chấp thuận đề án ba bức điện văn: Cương quyết ủng hộ Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chính quyền Nhân dân; Nhiệt liệt hưởng ứng anh chị em văn hóa Bắc Bộ; Tha thiết kêu gọi anh chị em văn hóa các tỉnh mau tổ chức Liên đoàn văn hóa hàng tỉnh để đi đến sự thành lập Liên đoàn Văn hóa Cứu quốc Trung Bộ.
Ngay tối hôm ấy, Hội nghị thành lập Liên đoàn Văn hóa Cứu quốc lâm thời Thừa Thiên vừa xong, trên cái nôi êm ấm ấy Ban Hội họa (Hội Mỹ thuật) cũng đã ra đời. Ban Hội họa trực thuộc Liên đoàn như các Hội chuyên ngành ngày nay trực thuộc Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh vậy.
Cũng trên báo Quyết Chiến, số ra sáng hôm sau đã loan tin:
Ban Hội họa của Liên đoàn Văn hóa cứu quốc Thừa Thiên đã thành lập Ủy ban lâm thời gồm có:
Chủ tịch: Nguyễn Đức Nùng
Phó Chủ tịch: Phạm Viết Song
Thủ quỹ: chị Mộng Hoa
Thư ký: Nguyễn Xuân Nghi
Kiểm soát: Tôn Thất Đào.
Trong dịp này Ban Hội họa cũng ra thông báo:
Vì cần rất nhiều tranh tuyên truyền có tính cách chống ngoại xâm và củng cố nền độc lập để gởi đi các tỉnh Trung Bộ, Ban Hội họa của Liên đoàn Văn hóa Cứu quốc Thừa Thiên yêu cầu tất cả các bạn họa sĩ đến ngay Phòng Tuyên truyền Trung Bộ để vẽ lại những tranh đã có.
Tiếp theo, Quyết Chiến số ra ngày 21 tháng 9 năm 1945, đăng thông báo mời đại biểu đến dự Đại hội thành lập Liên đoàn chính thức:
Tối thứ bảy ngày 22 tháng 9 năm 1945, hồi 7 giờ 30, Liên đoàn Văn hóa Cứu quốc Thừa Thiên sẽ họp Đại hội nghị tại Sở Tuyên truyền.
Điều cốt yếu trong chương trình nghị sự là thảo luận về điều lệ và chương trình hành động.
Vậy xin mời tất cả các nhà văn, nhà báo, kịch sĩ, họa sĩ, nhạc sĩ và các nhà điện ảnh, nhiếp ảnh, những người có mặt trong buổi họp hôm 18 tháng 9 cũng như những người vắng mặt hôm đó đến dự cho đông.
Lời đăng báo này thay giấy mời riêng.
Ủy ban chấp hành lâm thời kính mời.
Để chuẩn bị cho một hoạt động nghệ thuật có ý nghĩa chào mừng thắng lợi của Đại hội nghị thành lập chính thức Liên đoàn Văn hóa Cứu quốc Thừa Thiên, Ban Hội họa đã ra thông báo mời các họa sĩ tham gia triển lãm phòng tranh tuyên truyền. Đây là cuộc triển lãm mang tính lịch sử đầu tiên của giới họa sĩ Huế sau Cách mạng tháng 8 năm 1945.
Thông báo này được đăng cùng số báo với “giấy mời” của Liên đoàn:
Chủ nhật ngày 23 tháng 9 năm 1945, hồi 3 giờ chiều tại Viện Dân biểu cũ sẽ khai mạc phòng triển lãm tranh tuyên truyền của Ban Hội họa trong Liên đoàn Văn hóa Cứu quốc Thừa Thiên, dưới quyền bảo trợ của anh Phó Ủy trưởng Tuyên truyền Trung Bộ.
Vậy xin báo cho các họa sĩ biết để đem ngay tranh tới Phòng Tuyên truyền.
Và chỉ sau 4 ngày hoạt động lâm thời, Đại hội Liên đoàn Văn hóa Cứu quốc Thừa Thiên chính thức khai mạc như dự kiến. Quyết Chiến ra ngày 24 tháng 9 năm 1945, đưa tin:
ĐẠI HỘI NGHỊ LIÊN ĐOÀN VĂN HÓA CỨU QUỐC THỪA THIÊN
Tối hôm 22 tháng 9, Liên đoàn Văn hóa Cứu quốc Thừa Thiên họp Đại hội tại trụ sở Ban Tuyên truyền Trung Bộ, đã duyệt y điều lệ và chương trình hành động của Liên đoàn do Ủy ban chấp hành lâm thời dự thảo và bầu Ủy ban chấp hành chính thức như sau:
Chủ tịch: Hoài Thanh
Phó Chủ tịch: Đào Duy Dếnh
Thư ký: Hoàng Hữu Xứng, Thanh Tịnh
Ủy viên tài chính: chị Quốc Thuận.
Liên đoàn dự định xuất bản một tờ tuần báo lấy tên là Đại chúng và lập một đoàn tuyên truyền lưu động sẽ đi khắp các huyện trong tỉnh.
Trụ sở tạm thời của Liên đoàn đóng ở số 2 đường Nguyễn Tri Phương, thành phố Thuận Hóa.
Địa chỉ số 2 đường Nguyễn Tri Phương cũng chính là nơi tờ nhật báo Quyết Chiến và tuần báo Đại Chúng đóng trụ sở. Tháng 11 năm 1945, Đại Chúng ra số đầu tiên, do Tôn Thất Dương Kỵ làm chủ bút, Phan Thao làm Thư ký tòa soạn, họa sĩ Phạm Đăng Trí trình bày. Từ tháng hai năm sau, vẫn ban biên tập ấy, Đại Chúng được nâng lên thành tạp chí, mỗi tháng ra một kỳ, số 1 ra ngày 1 tháng 3 năm 1946. Từ lúc này Đại Chúng trở thành Cơ quan Văn hóa Cứu quốc Trung Bộ, chuyển về 35 phố Hàng Bè.
Để chuẩn bị một số nội dung công tác trọng tâm cho thời gian tới, Liên đoàn Văn hóa Cứu quốc Thừa Thiên ra thông báo:
Liên đoàn Văn hóa Cứu quốc Thừa Thiên rất cần nhiều tài liệu về chính sách thực dân dã man của Pháp để giúp vào việc trình bày một cuốn “Hắc thư”.
Yêu cầu toàn thể đồng bào giúp sức cho. Những tài liệu cần phải đúng sự thực. Nếu không phải là nguyên bổn thì phải có số và ngày tháng rõ ràng.
Xin gởi lại nhà báo Đại Chúng số 2 đường Nguyễn Tri Phương hoặc cho anh Đào Duy Phiên số 22 đường Hương Mỹ, Thuận Hóa.
Liên đoàn Văn hóa Cứu quốc Thừa Thiên đương dự định tổ chức tại Thuận Hóa một phòng triển lãm các tài liệu về chính sách thực dân tàn ác của bọn Pháp cùng những kỷ niệm về cuộc cách mạng trong thời Pháp thuộc. Việc sưu tầm tài liệu đương tiến hành.
Đồng bào nào sẵn có những tài liệu ấy, có thể cho Liên đoàn chúng tôi mượn về trưng bày, nên mang lại trụ sở Phủ Tôn Nhơn cũ (trong thành) chúng tôi rất đa tạ.
Trong dịp này, có một chi tiết rất vui về danh xưng, đã được Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Trung Bộ Trần Hữu Dực đồng thuận ra thông báo:
Theo lời đề nghị của Ủy trưởng Thông tin Tuyên truyền Trung Bộ, Ủy ban Nhân dân Trung Bộ thông báo cho tất cả các cơ quan, công chức, công và tư hay rằng từ nay về sau không được dùng danh từ “anh” để gọi những người có chức quyền về hành chánh, ví dụ: “Anh Chủ tịch, Anh Ủy trưởng, Anh Giám đốc, v.v.”…
Những danh từ ấy rất vô lý, có hại cho uy tín của Chính phủ. Vậy nên gọi các vị ấy bằng tiếng “ông” vừa lễ độ vừa thân mật.
Trong quá trình điều hành, mọi hoạt động của Liên đoàn đều thông qua bàn bạc dân chủ, đa số đồng thuận mới quyết định triển khai. Chẳng hạn như cuộc họp sau đây:
Vì hôm 16 tháng 12 trời mưa lụt, nên ít đoàn viên đến họp. Hoãn.
Vậy xin mời tất cả đoàn viên, 8 giờ tối ngày thứ năm 20 tháng 12 này lại đến trụ sở họp hội nghị để bầu lại Ban Chấp hành và bàn nhiều vấn đề quan hệ khác...
Căn cứ vào những tư liệu xác thực trên, hội nghị thành lập Liên đoàn Văn hóa Cứu quốc lâm thời Thừa Thiên được diễn ra tại số 43 đường Trần Hưng Đạo, thành phố Huế, vào ngày 18 tháng 9 năm 1945, đây chính là thời điểm khai sinh ra tổ chức tiền thân của Liên hiệp các hội Văn học Nghệ thuật Thừa Thiên Huế ngày nay. Và nhà văn Hoài Thanh (tức Nguyễn Đức Nguyên) là Chủ tịch đầu tiên của Liên đoàn Văn hóa Cứu quốc Thừa Thiên - Nay là Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Thừa Thiên Huế.
Như vậy, đến tháng 9 năm 2020 này, cùng với cả dân tộc kỷ niệm 75 năm Quốc khánh nước Việt Nam mới, riêng Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Thừa Thiên Huế cũng sẽ kỷ niệm lần sinh nhật thứ 75 của mình.
*
Nhân đây chúng tôi cung cấp thêm một số thông tin về việc thành lập Liên đoàn Văn hóa Cứu quốc Trung Bộ:
ĐẠI HỘI VĂN HÓA CỨU QUỐC TRUNG BỘ VIỆT NAM1
Gần 50 đại biểu các tỉnh đã làm việc suốt 6 ngày trong một bầu không khí rất hoạt động và đã cử xong Ban Chấp hành toàn xứ.
Cuộc đại hội nghị Văn hóa Cứu quốc Trung Bộ khai mạc lúc 8 giờ cùng ngày 16 tháng 11. Gần 50 đại biểu thay mặt cho các tỉnh Trung Bộ (trừ các tỉnh miền nam, từ Khánh Hòa trở vào) đến họp tại trụ sở của Đoàn Văn hóa Cứu quốc Thừa Thiên (Phủ Tôn Nhơn cũ). Dự lễ khai mạc có đại biểu Ủy ban Nhân dân Trung Bộ, đại biểu Việt Minh, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thừa Thiên (ông Tôn Quang Phiệt) và các thân sĩ trong thành phố.
Cụ Huỳnh Thúc Kháng không ngại tuổi già cũng có đến dự lễ nầy và chỉ giáo mấy lời rất thiết thực.
Đại biểu của Chính phủ, của Việt Minh và các thân sĩ ra về xong, đại biểu Văn hóa Cứu quốc các tỉnh bắt đầu làm việc. Toàn thể đại hội nghị đồng thanh đặt cuộc hội nghị dưới quyền chủ tọa danh dự của các chiến sĩ Nam Bộ.
Suốt 6 hôm (có hôm họp cả buổi tối) đại biểu các tỉnh đã làm việc trong một bầu không khí hoạt động tỏ rõ tinh thần sốt sắng và hy sinh của những nhà văn hóa trong công cuộc và dự bị kiến thiết nền văn hóa mới.
Hội nghị có gửi:
Một thông điệp ủng hộ Chính phủ lâm thời và Hồ Chủ tịch. Một thông điệp hoan nghênh tinh thần chiến đấu của các chiến sĩ miền Nam. Và một thông điệp kêu gọi các nhà văn hóa thế giới phản đối hành vi xâm lược dã man của thực dân Pháp và ủng hộ nền độc lập Việt Nam.
Chiều 10 tháng 11 năm 1945, Đoàn Văn hóa Cứu quốc Thừa Thiên có tổ chức một tiệc trà thân mật tại nhà Đại Chúng có đại biểu của Chính phủ, của Việt Minh, của các đoàn thể khác cùng nhiều thân hữu trong thành phố dự. Nhân việc Ban Văn hóa trong quân đội Trung Hoa và đại biểu Hoa kiều cũng có đến dự. Để tỏ lòng khuyến khích cùng ủng hộ Đoàn đại biểu Đoàn Văn hóa Cứu quốc Trung Bộ, Việt Minh và đại biểu Hoa kiều các nhà thương mãi kỹ nghệ trong thành phố đều có quyên vào quỹ Đoàn một số tiền lưu.
Trong hai ngày 18, 19, đại hội thảo luận xong chương trình hành động, điều lệ của Đoàn, và cử Ban Chấp hành toàn xứ gồm có anh Nguyễn Lân tức Từ Ngọc (Chủ tịch) và các anh Đào Duy Dếnh, Phan Thao, Lưu Quý Kỳ, Hoàng Hữu Xứng, Hoàng Sĩ Trinh, Nguyễn Đóa).
Sáng ngày 20, ban chấp hành làm lễ tuyên thệ trước lá Quốc kỳ. Hội nghị lại bầu thêm 25 đại biểu đi Bắc Bộ dự Đại hội nghị Văn hóa toàn quốc.
Trước khi hội nghị giải tán, ông Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Trung Bộ (Trần Hữu Dực) không nề sự mệt nhọc của cuộc kinh lý miền Nam từ Đà Nẵng đi thẳng về nơi họp của đại hội, để gặp mặt các đại biểu đi Bắc Bộ và thuật sơ lược tình hình ở mấy tỉnh mà ông đã đị qua. Các đại biểu rất cảm động trước sự nhiệt tâm của ông đối với Đoàn Văn hóa Cứu quốc…
D.P.T
(TCSH377/07-2020)
--------------
1. Báo Quyết Chiến số 78 ra ngày 23/11/45.
HỒ DZẾNH
Hồi ký
Mai sau dù có bao giờ
Đốt lò hương ấy, so tơ phím này
NGUYỄN DU
LÝ HOÀI THU
Tôi nhớ… một chiều cuối hạ năm 1972, trên con đường làng lát gạch tại nơi sơ tán Ứng Hòa - Hà Tây cũ, lần đầu tiên tôi nhìn thấy thầy. Lúc đó lớp Văn K16 của chúng tôi đang bước vào những tuần cuối của học kỳ II năm thứ nhất.
PHẠM THỊ CÚC
(Tặng bạn bè Cầu Ngói Thanh Toàn nhân Ngày Thương binh Liệt sĩ)
Người ta vẫn nói Tô Hoài là “nhà văn của thiếu nhi”. Hình như chưa ai gọi ông là “nhà văn của tuổi già”. Cho dù giai đoạn cuối trong sự nghiệp của ông – cũng là giai đoạn khiến Tô Hoài trở thành “sự kiện” của đời sống văn học đương đại chứ không chỉ là sự nối dài những gì đã định hình tên tuổi ông từ quá khứ - sáng tác của ông thường xoay quanh một hình tượng người kể chuyện từng trải qua nhiều thời kỳ lịch sử, nhiều thăng trầm của đời sống, giờ đây ngồi nhớ lại, ngẫm lại, viết lại quá khứ, không phải nhằm dạy dỗ, khuyên nhủ gì ai, mà chỉ vì muốn lưu giữ và thú nhận.
CAO THỊ QUẾ HƯƠNG
Tôi được gặp và quen nhạc sĩ Trịnh Công Sơn vào những ngày đầu mùa hè năm 1966 khi anh cùng anh Trần Viết Ngạc đến trụ sở Tổng hội Sinh viên, số 4 Duy Tân, Sài Gòn trình diễn các bài hát trong tập “Ca khúc da vàng”.
THÁI KIM LAN
Lớp đệ nhất C2 của chúng tôi ở trường Quốc Học thập niên 60, niên khóa 59/60 gồm những nữ sinh (không kể đám nam sinh học trường Quốc Học và những trường khác đến) từ trường Đồng Khánh lên, những đứa đã qua phần tú tài 1.
Nhung nhăng, tần suất ấy dường như khá dày, là ngôn từ của nhà văn Tô Hoài để vận vào những trường hợp, lắm khi chả phải đi đứng thế này thế nọ mà đương bập vào việc chi đó?
Tôi được quen biết GS. Nguyễn Khắc Phi khá muộn. Đó là vào khoảng đầu những năm 80 của thế kỉ trước, khi anh được chuyển công tác từ trường ĐHSP Vinh ra khoa Văn ĐHSPHN.
Năm 1960, tôi học lớp cuối cấp 3. Một hôm, ở khu tập thể trường cấp 2 tranh nứa của tôi ở tỉnh, vợ một thầy giáo dạy Văn, cùng nhà, mang về cho chồng một cuốn sách mới. Chị là người bán sách.
DƯƠNG PHƯỚC THU
LTS: Trên số báo 5965 ra ngày 07/02/2014, báo Thừa Thiên Huế có bài “Vài điều trong các bài viết về Cố Đại tướng Nguyễn Chí Thanh”, của tác giả Phạm Xuân Phụng, trong đó có nhắc nhiều đến các bài viết về Đại tướng đã đăng trên Sông Hương số đặc biệt tháng 12/2013 (số ĐB thứ 11), và cho rằng có nhiều sai sót trong các bài viết đó.
NGUYỄN THỊ PHƯỚC LIÊN
(Thương nhớ Cẩm Nhung của Hương, Lại, Nguyệt, Liên)
BÙI KIM CHI
Trời cuối thu. Rất đẹp. Lá phượng vàng bay đầy đường. Tôi đang trong tâm trạng náo nức của một thoáng hương xưa với con đường Bộ Học (nay là Hàn Thuyên) của một thời mà thời gian này thuở ấy tôi đã cắp sách đến trường. Thời con gái của tôi thênh thang trở về với “cặp sách, nón lá, tóc xõa ngang vai, đạp xe đạp…”. Mắt rưng rưng… để rồi…
LÊ MINH
Nguyên Tư lệnh chiến dịch Bí thư Thành ủy Huế (*)
… Chỉ còn hai ngày nữa là chiến dịch mở; tôi xin bàn giao lại cho Quân khu chức vụ "chính ủy Ban chuẩn bị chiến trường" để quay về lo việc của Thành ủy mà lúc đó tôi vẫn là Bí thư.
NGUYỄN KHOA BỘI LAN
Cách đây mấy chục năm ở thôn Gia Lạc (hiện nay là thôn Tây Thượng) xã Phú Thượng có hai nhà thơ khá quen thuộc của bà con yêu thơ xứ Huế. Đó là bác Thúc Giạ (Ưng Bình) chủ soái của Hương Bình thi xã và cha tôi, Thảo Am (Nguyễn Khoa Vi) phó soái.
(SHO). Nhân dân Việt Nam khắc sâu và nhớ mãi cuộc chiến đấu can trường bảo vệ biên giới tổ quốc thân yêu tháng 2/1979. Điều đó đã thêm vào trang sử hào hùng về tinh thần bảo vệ chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ thiêng liêng của dân tộc.
NGUYỄN CƯƠNG
Có nhiều yếu tố để Cố đô Huế là một trung tâm văn hóa du lịch, trong đó có những con đường rợp bóng cây xanh làm cho Huế thơ mộng hơn, như đường Lê Lợi chạy dọc bên bờ sông Hương, đường 23/8 đi qua trước Đại Nội, rồi những con đường với những hàng cây phượng vỹ, xà cừ, bằng lăng, me xanh... điểm tô cho Huế.
HOÀNG HƯƠNG TRANG
Cách nay hơn một thế kỷ, người Huế, kể cả lớp lao động, nông dân, buôn bán cho đến các cậu mợ, các thầy các cô, các ông già bà lão, kể cả giới quý tộc, đều ghiền một lại thuốc lá gọi là thuốc Cẩm Lệ.
PHẠM HỮU THU
Với tư cách là Bí thư Tỉnh ủy lâm thời và Chủ tịch Uỷ ban Mặt trận Việt Nam độc lập đồng minh (Việt Minh) của tỉnh Thừa Thiên - Huế, đầu năm 1942, sau khi vượt ngục trở về, đồng chí Nguyễn Chí Thanh đã có quãng thời gian gắn bó với vùng đầm Cầu Hai, nơi có cồn Rau Câu, được Tỉnh ủy lâm thời chọn làm địa điểm huấn luyện đội ngũ cán bộ, đảng viên.
Để đảm bảo bí mật và an toàn, Tỉnh ủy đã chọn một số cơ sở là cư dân thủy diện đảm trách việc bảo vệ và đưa đón cán bộ.
Số cơ sở này chủ yếu là dân vạn đò của làng chài Nghi Xuân.
TRẦN NGUYÊN
Thăm Khu lưu niệm Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, như được trở về mái nhà thân thương nơi làng quê yêu dấu. Những ngôi nhà bình dị nối nhau với liếp cửa mở rộng đón ánh nắng rọi vào góc sâu nhất.
PHẠM HỮU THU
Nhân kỷ niệm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam 22 - 12
“Có những sự thật quá lớn lao của một thời, đến nỗi hậu thế nhìn qua lớp sương mù của thời gian, không thể nào tin nổi” (Nhà văn Phùng Quán).