GS Hoàng Ngọc Hiến - vanchuong.vnweblogs.com
2. Về “tứ vô” (vô ý, vô tất, vô cố, vô ngã”) của Khổng tử. Phan Bội Châu đặc biệt quan tâm đến tư tưởng “vô ngã” của Khổng tử (xem Khổng học đăng, thượng thiên về “Luận ngữ trích lục diễn giải”). Hải Lượng (pháp danh của Ngô Thì Nhậm) trong việc đánh giá Hàn Dũ (tự xưng là Hàn Xương Lê) lấy “tứ vô” của Khổng tử làm chuẩn: “Đồ đệ bạch với thầy (Hải Lượng) rằng: Xương Lê đã đến bậc nhất của phù đồ chưa? Thầy đáp rằng: Mới đến bậc ba, bậc bốn. Xương Lê cũng theo ý và tất, chẳng bằng “vô ý”, “vô tất” mới thật tốt” (Ngô Thì Nhậm, “Trúc lâm tông chỉ nguyên thanh”). Luận ngữ, chương IX, tiết 4 có câu: “Tử tứ tuyệt: vô ý, vô tất, vô cố, vô ngã” “Tử tứ tuyệt” được Nguyễn Đức Lân dịch nghĩa là: “Phu tử có bốn điều tuyệt nhiên không mắc phải”. Hiểu như thế nào đây “vô ý”, “vô tất”, “vô cố”, “vô ngã”? Tôi thiên về cách hiểu, phân tích, diễn nghĩa của François Jullien(1). Những ý kiến được trình bày dưới đây chủ yếu được tham khảo từ công trình của F. Jullien được dẫn ở chú thích 2. Vô ý không có nghĩa là không có ý kiến mà có nghĩa là: không có ý kiến nào được dành đặc quyền, được tuyệt đối hoá khiến cho ta không nhìn thấy những điều hợp lý, khả thủ của những ý kiến khác, kể cả những ý kiến đối lập. Vô tất có nghĩa là không định trước những điều thế tất, ắt phải như thế này, ắt phải như thế kia, không áp đặt những mệnh lệnh tất phải thế này, tất phải thế kia Vô cố có nghĩa là không cố chấp một quan điểm nào, một lập trường nào. Vô ngã là muốn nói không có một cái ngã đặc biệt. K.T không phủ định cái “tôi”, chỉ phủ định cái “tôi” đặc biệt. Có liên quan mật thiết giữa 4 cái vô. Dành đặc quyền, tuyệt đối hoá một tư tưởng (tức là vi phạm quan điểm vô ý) thì những tư tưởng khác sẽ chảy ngược trở lại, sẽ tháo lui; tư tưởng được tuyệt đối hoá sẽ trở thành độc tôn, tự nó sẽ tạo ra hệ thống cho nó, từ đó trở thành trường phái, bè phái. Để duy trì địa vị độc tôn, để đối phó với những tư tưởng khác, nó buộc phải định trước những sự tất yếu (không tránh khỏi phiến diện) và đưa ra những mệnh lệnh chủ quan (vi phạm quan điểm vô tất). Tư tưởng độc tôn dẫn đến sự cố chấp trong quan điểm, lập trường (vi phạm quan điểm vô cố). Tư tưởng độc tôn, cố chấp quan điểm, lập trường cùng với những thành kiến, định kiến cố hữu tạo ra một cái tôi (ngã) đặc biệt (moi particulier). Cái tôi đặc biệt là cái tôi khép kín trong sự phiến diện, bị định hình một cách cứng nhắc, không mở ra được đặng khai thông với những mặt khác của thực tại, của cuộc sống, của nhận thức... bao giờ cũng vô cùng sinh động và phong phú.
Bản thể là một khái niệm cơ bản của triết học phương Tây. Minh triết phương Đông không phải không biết đến bản thể nhưng mối quan tâm chủ yếu của minh triết là quá trình. Trung dung là tâm pháp để điều tiết các quá trình. Mỗi quá trình trong sự tự tại của nó có sự tự điều tiết. Trung dung là sự gia công vào sự tự điều tiết này và phải dựa vào nó. Ý kiến của Mạnh Tử phê phán thái độ chấp trung, thái độ chấp nhất hết sức quan trọng để hiểu tinh thần của trung dung. Mạnh Tử nói rằng: “Dương Tử giữ lấy chủ nghĩa vị ngã, tức là chủ nghĩa của kẻ chỉ chuyên lo cho mình mà thôi. Dẫu nhổ một mảy lông trên mình mà lợi ích cho cả thiên hạ ông cũng chẳng chịu làm. Mặc Tử thi hành chủ nghĩa kiêm ái, thương tất cả mọi người như mình. Dẫu mòn nát tấm thân từ đỉnh đầu cho chí gót chân, mà có lợi ích cho cả thiên hạ, ông ấy cũng vui lòng hy sinh. Tử Mạc bảo thủ chủ nghĩa chấp trung, cốt giữ cho vừa vặn phần mình và phần người. Chủ nghĩa chấp trung gần với đạo lý. Nhưng nếu chấp trung mà chẳng biết quyền biến, chẳng biết tuỳ nghi mà hành động cho hợp thời, như vậy cũng như chấp nhất, tức là khư khư câu nệ một bề vậy thôi. Ta sở dĩ chán ghét kẻ chấp nhất, là vì kẻ ấy cố giữ ý kiến làm hại đạo lý. Kẻ cử động theo một bề thì bỏ hỏng cả trăm bề” (Mạnh tử. VII, A. 26). Như vậy chấp trung là đứng ở giữa hai thái cực đối nghịch (vị ngã cực đoan và kiêm ái tột độ). Hiểu như vậy, chủ nghĩa chấp trung gần với quan niệm của Aristote về đạo đức: đức hạnh là trung độ đúng mực (juste milieu) ở giữa hai tính trái ngược, giữa sự bất cập và sự thái quá, chẳng hạn như can đảm là trung độ đúng mực (juste milieu) giữa sự nhút nhát (bất cập) và sự táo tợn (thái quá). Mạnh Tử không chê trách chủ nghĩa chấp trung (“... chấp trung gần với đạo lý”). Tuy nhiên nếu như chấp trung chỉ thiên về giữ trung độ cho đúng mực, loại trừ bất kỳ sự thái quá nào thì như vậy là trái với tinh thần của trung dung. Bởi vì trung dung không có nghĩa là nửa vời, lưng chừng, không nóng không lạnh... Trung dung có khi đòi hỏi sự nỗ lực, sự hy sinh cao nhất, chấp nhận những nỗi đau lớn và những niềm vui tràn trề... Thông thường trung dung là mức độ trong sự nghiêm khắc nhưng cũng có khi trung dung cho phép một sự nghiêm khắc tột độ, nghiêm khắc đến mức tàn nhẫn. Không chê trách thái độ chấp trung, MạnhTử bài bác gay gắt thái độ chấp nhất: Sở ố chấp nhất giả, vị kỳ tặc đạo giã (Ta sở dĩ chán ghét kẻ chấp nhất, là vì kẻ ấy cố giữ ý kiến thiên lệch làm hại đạo lý). Chấp nhất là “chấp trung mà chẳng biết quyền biến, chẳng biết tuỳ nghi mà hành động cho hợp thời”, là “khư khư câu nệ một bề vậy thôi”. Như vậy chấp nhất là khư khư bám lấy một trung điểm, không dám chênh về phía này hoặc lệch về phía kia, có nghĩa là trong xử sự chỉ tính đến một khả năng, tự trói mình vào một khả năng. Và như vậy, nói như Mạnh Tử, là “cử động theo một bề (một khả năng)” mà “bỏ hỏng cả trăm bề (trăm khả năng)”. Theo đúng tinh thần của Khổng, Mạnh trung dung là đứng giữa (chứ không phải là khư khư bám lấy một trung điểm) và tự dành cho mình quyền tính đến và lựa chọn trong cả trăm khả năng, kể cả quyền đi tới cùng phía thái cực này hoặc phía thái cực kia. Lựa chọn khả năng nào là tuỳ theo thời và thế. Một lần nữa lại phải nói đến đức thời trung của Khổng Tử, nó là đức hạnh của mọi đức hạnh. Trung dung của Khổng Tử có ý nghĩa phổ quát hơn trung dung của Aristote. Trung dung của triết gia Hy Lạp cổ đại dừng lại ở sự chấp trung và giới hạn trong lĩnh vực đạo đức. Trung dung của nhà hiền triết Trung Hoa cổ đại cao hơn chấp trung và được vận dụng trong nhiều lĩnh vực. Trung dung là tâm pháp để điều tiết mọi quá trình. Bản thân mỗi quá trình có sự tự điều tiết. Do đó, trung dung không bao giờ cố định ở một điểm nào, nó là một sự biến thiên liên tục. Quan điểm “vô ý” (được phân tích ở trên) cũng như quan điểm trung dung đều không chấp nhận thái độ chấp nhất. Tinh thần phản chấp nhất là mặt mạnh đồng thời cũng là mặt yếu của minh triết Trung Hoa thời cổ. II. Từ tư tưởng “vô vi” của Lão tử đến tư tưởng “Vô vi cư điện các…” của Pháp Thuận.
Trong lịch sử dựng nước và giữ nước của chúng ta minh triết “vô vi” sớm được nêu lên. Vua Lê Đại Hành (941-1005) thường mời Thiền sư Pháp Thuận (916-991) vào triều bàn việc chánh trị và ngoại giao và xem sư như là Quốc Sư. Một lần vua Đại Hành hỏi về vận nước, sư Pháp Thuận bèn dâng một bài kệ: Quốc tộ như đằng lạc, Nam thiên lý thái bình. Vô vi, cư điện các, Xứ xứ tức đao binh. Dịch thơ: Vận nước như mây quấn Trời Nam mở thái bình Vô vi trên điện các Xứ xứ hết đao binh (bản dịch thơ trích dẫn từ WikiPhậtgiáo) Đại ý 2 câu cuối của bài kệ được giảng là: “Nhà Vua ung dung vô vi ngự nơi đền các, mọi chốn đều tắt binh đao”. Có thể triển khai ý 2 câu này như sau: “mọi chốn đều tắt binh đao” có nghĩa là mọi chốn trời Nam đều “mở thái bình”, “thái bình” có nghĩa là không có đấu đá, xâu xé, đâm chém lẫn nhau, vì “dân tự hóa” (bớt tham, sân, si), vì “dân tự phú” (thoát cảnh nghèo đói)...; do đâu mà “mở thái bình”? đến đây có thể lấy lại câu của Lão tử, vì vua “vô vi mà dân tự hóa”, vì vua “vô sự mà dân tự phú”. Phương Tây có tư tưởng “vô vi” không? Những tư tưởng lớn không thể không có tính phổ quát. Ở phương Tây chắc chắn có những đầu óc nghĩ ra tư tưởng “vô vi”, duy có một điều do truyền thống văn hóa khác nên hình thức diễn đạt khác, vị trí và tầm quan trọng cũng có thể khác vì bị lu mờ bởi những tư tưởng đặc thù khác của phương Tây. Thomas Jefferson (1743-1826), người khởi thảo bản Tuyên ngôn độc lập Hoa kỳ là một trong những người có công đầu khai quốc Hợp chủng quốc Mỹ. Ông luôn đảm nhiệm những chức vụ quan trọng: thống đốc tiểu bang, đại sứ ở Pháp, quốc vụ khanh, phó tổng thống, 2 nhiệm kỳ tổng thống Hoa Kỳ... Trong một bức thư viết ngày 12/6/1815 (năm tham chính cuối cùng của ông), T. Jefferson đã tổng kết kinh nghiệm hơn bốn chục năm cầm quyền và hoạt động chính trị của ông như sau: “Tôi hy vọng rằng minh triết của chúng ta sẽ lớn lên cùng với quyền lực của chúng ta và dạy cho chúng ta rằng chúng ta càng ít sử dụng quyền lực thì quyền lực của chúng ta càng lớn”. Đầu t. k. XIX, ở phương Tây thanh thế của triết học nổi trội vượt bậc, minh triết bị lu mờ, thế nhưng điều thứ nhất, điều duy nhất mà Jefferson đòi hỏi ở nhà cầm quyền, ở chính trị gia, đó là minh triết, ở họ minh triết phải tương xứng với quyền lực: “Tôi hy vọng rằng minh triết của chúng ta sẽ lớn lên cùng với quyền lực của chúng ta”. Và tư tưởng “càng ít sử dụng quyền lực thì quyền lực của chúng ta càng lớn” mà minh triết dạy cho ông rất gần với minh triết “vô vi” của Lão tử. III. Minh triết 14 điều Phật dạy không bao giờ cũ và tinh thần đổi mới truyền thống trong Phật giáo.
1. Kẻ thù lớn nhất của đời người là chính mình. 2. Thất bại lớn nhất của đời người là tự đại. 3. Ngu dốt lớn nhất của đời người là dối trá. 4. Bi ai lớn nhất của đời người là ghen tị. 5. Sai lầm lớn nhất của đời người là đánh mất mình. 6. Tội lỗi lớn nhất của đời người là bất hiếu. 7. Đáng thương lớn nhất của đời người là tự ti. 8. Đáng khâm phục nhất của đời người là vươn lên sau khi vấp ngã. 9. Phá sản lớn nhất của đời người là tuyệt vọng. 10. Tài sản lớn nhất của đời người là sức khoẻ, trí tuệ. 11. Món nợ lớn nhất của đời người là tình cảm. 12. Lễ vật lớn nhất của đời người là khoan dung. 13. Khuyết điểm lớn nhất của đời người là kém hiểu biết. 14. An ủi lớn nhất của đời người là bố thí. Điều tôi hết sức kinh ngạc và cũng rất mừng là vào Mạng, tôi thấy có hàng trăm blog dẫn “14 điều Phật dạy”, có khi dẫn hết sức trang trọng, đóng khung và có ảnh Phật ngồi Tòa Sen, có những blog của những cá nhân tự giới thiệu mình không phải là tín hữu Phật giáo. Có thể xem ý kiến sau đây của một ký giả phát biểu trên mạng là tiêu biểu: “Cách đây một thời gian, vì gia đình có người thân mất nên tui có lên chùa làm lễ, một lần đi thơ thẩn trong chùa thì thấy 1 tờ giấy dán trên tường, trên đề 14 điều răn của Phật, đọc lên giật mình vì thấy đúng quá, mặc dù tui không theo đạo Phật nhưng những điều thế này thì giống như là “guideline” (đường hướng chỉ đạo - H.N.H) vậy, thỉnh thoảng khi bị stress trong công việc hay bực tức ai muốn trút giận tui lại đem ra đọc một lúc thì thấy tinh thần bình thản trở lại. Nay post (đem công bố - H.N.H) lên đây để cho anh em ai thích thì đọc chơi, chẳng tốn thời gian, cuộc sống chỉ có tốt hơn”(4) Những vấn đề được nêu lên trong 14 điều Phật dạy là những tính xấu phổ biến trong nhân loại: tự đại, dối trá, ghen tị, bất hiếu..., những tình thế con người hay gặp phải: tuyệt vọng, vấp ngã…, những khuyết điểm, nhược điểm thường có ở con người: tự ti, kém hiểu biết…, những giá trị ở đâu cũng đáng giá: sức khỏe, trí tuệ… Sức thuyết phục của 14 điều Phật dạy trước hết là ở tính phổ quát, dường như ở bên trên mọi sự phân biệt chủng tộc, dân tộc, văn minh, tín ngưỡng, hệ tư tưởng… 14 điều Phật dạy không hề nhắc đến “nát bàn”, “vô ngã”, “bể khổ”, “giải thoát”… Phải chăng mang mầu sắc giáo lý sức thuyết phục của những lời dạy có thể bị hạn chế? Chẳng hạn đối với những người theo đạo Thiên chúa, đạo Hồi… Phải chăng đây cũng là một đặc trưng của minh triết và những điều minh triết? Cũng cần chú ý đến hình thức diễn đạt những lời dạy (những câu minh triết thường đòi hỏi hình thức diễn đạt đặc sắc). Hình thức diễn đạt hầu hết những điều dạy này của Phật gây hiệu quả bất ngờ. Dối trá thường được xem xét ở bình diện đạo đức, ở lời dạy thứ 3 nó bị phán xét ở bình diện nhận thức: “Ngu dốt lớn nhất của đời người ” (rất có thể “ngu dốt” là từ nôm na để gọi chữ “vô minh” của nhà Phật, ý thức về việc này của người biên tập tiếng Việt 14 điều Phật dạy rất đáng kính trọng). Ở lời dạy thứ 12, khoan dung còn lớn hơn một đức hạnh, nó là “lễ vật lớn nhất của đời người”. Nói đến tài sản, ai cũng nghĩ đến vốn liếng tiền tài, vàng bạc, nhà cửa..., với lời dạy thứ 10, “sức khỏe, trí tuệ” mới là “tài sản lớn nhất của đời người”, không mấy ai nghĩ đến điều này, đọc lời dạy thứ 10, ta “ngộ” ngay ra được, không hiểu sao điều hết sức đơn giản này mà ta không hề nhận ra. (đây cũng là đặc điểm chung của những điều minh triết). Nói đến “bố thí” ta nghĩ đến sự giúp đỡ, sự “an ủi” người “được bố thí”, Phật lại nghĩ “ bố thí” trước hết là niềm “an ủi”, niềm “an ủi lớn nhất của đời người” cho chính người “làm bố thí”. (lại một sự đảo lộn trong nhận thức, thêm một ví dụ nữa về “tính sáng” của minh triết). Người tự ti hay bị coi thường, Phật lại thấy họ là người “đáng thương” (lời dạy thứ 7). Ai cũng biết “bất hiếu” là tội lỗi, theo lời dạy thứ 6, nó là “tội lỗi lớn nhất của đời người”. Trong cả 14 lời dạy, những sự đánh giá đều ở “cấp cao nhất”. Đây là một hình thức gây sự bất ngờ đồng thời tạo ra sự thống nhất của 14 lời dạy của Phật. Bất ngờ nhất là lời dạy thứ nhất. Ai cũng biết cái “tôi” của mình là “đáng ghét”, nhưng thật bất ngờ, nó là “kẻ thù lớn nhất của đời người”. Nói đến “kẻ thù”, người ta nghĩ đến những kẻ thù “hai chân, bốn chân” ở bên ngoài mình, Phật chỉ ra nó là “tự ngã” ở bên trong mình. Cả Phật và “kẻ thù lớn nhất của đời người” đều ở bên trong con người! 14 điều Phật dạy là minh triết không bao giờ cũ. Trong lịch sử Phật giáo Việt Nam có một điểm son về tinh thần đổi mới truyền thống: tư tưởng Trần Nhân Tông (1258-1308). Vua - Phật Trần Nhân Tông là vị anh hùng dân tộc đã hai lần đánh tan quân xâm lược Nguyên Mông, đồng thời có những công trạng cũng hết sức to lớn về mặt mở nước, dựng nước, đặc biệt trong lĩnh vực văn hóa, ông đã chủ trương “sử dụng tiếng Việt như một ngôn ngữ chính thức cùng với chữ Hán”(5) ông cũng là người sáng lập ra thiền phái Trúc lâm Yên tử, một dòng thiền thuần túy Việt Nam “làm nền tảng cho sự phát triển Phật giáo Việt Nam mấy trăm năm tiếp theo”(6), đồng thời ông là tác giả của bài phú nổi tiếng mà tư tưởng “cư trần lạc đạo” vẫn được xem là một yếu chỉ của thiền phái Trúc Lâm… Trần Nhân Tông đặt rất cao yêu cầu đổi mới trong nhận thức. Trong một bài giảng ở chùa Vĩnh Nghiêm, trước ba câu hỏi của thiền sinh: - Thế nào là Phật? - Thế nào là Pháp? - Thế nào là Tăng? cả ba lần ông chỉ có một câu trả lời: “Hiểu theo lối trước là chẳng phải”(7). Phật, pháp, tăng là “tam bảo”, là Nguyên lý của những nguyên lý trong giáo lý đạo Phật. Trần Nhân Tông kiên quyết phủ định cách hiểu theo lối trước chính Nguyên lý ấy. Bất cứ sự đổi mới nhận thức nào cũng phải bắt đầu bằng sự nghi ngờ, phủ định cách hiểu cũ. Trần Nhân Tông là một tấm gương của sự đổi mới tư tưởng và nhận thức. Chắc ông biết quá rõ những vụ án văn tự và sự cố chấp riết róng của người đời trong cách hiểu các thứ kinh bổn: chỉ cần “rời” Kinh một chữ đủ bị lên án biến kinh Phật thành “ma thuyết”. “Phật”, “Pháp”, “Tăng” là “danh” của những khái niệm. Danh có khi chỉ là “vỏ”, cách hiểu những khái niệm mới là “ruột”. Trần Nhân Tông giữ lại những cái “danh”, những cái “vỏ”, về hình thức xem như vẫn giữ lại những “khái niệm”. Ông không đưa ra những khái niệm mới thay cho những khái niệm cũ, ông không đập vỡ, vứt bỏ những cái “vỏ”, mà chú trọng sự thay đổi “ruột” bằng cách đưa ra những cách hiểu “mới”, “tùy duyên”. Phải chăng đây là một kinh nghiệm minh triết của sự đổi mới? “Đổi mới” đặt ra vấn đề cách đối xử với những truyền thống. Trong một buổi thiền sư Trúc Lâm đại đầu đà (tức Trần Nhân Tông) khai đường ở chùa Vĩnh Nghiêm, có một thiền sinh hỏi: “Dùng công án cũ để làm gì?” Thiền sư trả lời: “Mỗi lần nêu ra một lần mới”(8). Trong một buổi khai đường khác ở viện Kỳ Lân, cũng vấn đề này được đặt ra, câu trả lời in hệt nhưng cách hỏi “xóc óc” hơn: Một thiền sinh hỏi: “Dùng đờm dãi người xưa làm gì?” Thiền sư trả lời: “Mỗi lần nêu ra một lần mới”(9). “Công án cũ”, “đờm dãi người xưa” thuộc về truyền thống. Trong quan niệm của Trần Nhân Tông, truyền thống cũng phải đổi mới (tức là phải có cách hiểu mới và vận dụng mới) và đổi mới truyền thống phải có tính cập nhật: “mỗi lần nêu lên một lần mới”. “Cư trần lạc đạo” là một tư tưởng lớn của dòng Thiền Trúc Lâm Yên tử. Tôi giật mình khi đọc câu đầu trong bài kệ ở cuối bài phú “Cư trần lạc đạo”: Cư trần lạc đạo thả tùy duyên Ở đời vui đạo, hãy tùy duyên(10) Hóa ra tư tưởng “cư trần lạc đạo” cũng như những tư tưởng lớn khác cũng phải “tùy duyên” mà hiểu, mà vận dụng. Mọi nguyên lý và tư tưởng dù cao siêu, cơ yếu đến đâu mà tách ra khỏi cái “duyên” níu kéo, nương vịn của những hoàn cảnh và điều kiện cụ thể của cuộc sống không tránh khỏi trở thành những giáo điều vô duyên, vô dụng. “Bảo vệ nguyên lý và truyền thống” không thể tách rời “hiểu mới nguyên lý và truyền thống” trong sự vận dụng... H.N.H (254/04-10) -------------- (1) Xem F. Jullien , “Minh triết phương Đông và Triết học phương Tây”, bản dịch của Nguyên Ngọc, bài “Thay lời giới thiệu” của Hoàng Ngọc Hiến , N. x. b. Đà Nẵng, 2003 (2) Xem Lão tử. Đạo đức kinh. Nguyễn Duy Cần dịch và bình chú. N. x. b. Văn học. 1992, tr. 21 (3) Theo Wikipedia Việt “14 điều dạy của Phật” là tên của một bản văn được truyền tụng không có nguồn gốc rõ ràng, nhưng nội dung của bản văn này được nhiều người xem như đã được trích ra từ những ý tưởng trong kinh Phật. Ở Việt Nam, có những bản “14 đièu Phật dạy”, phía dưới có ghi chú:Hòa thượng Kim Cương tử sưu tầm, biên tập (4) Cũng có những blog (khoảng một phần mười) có thái độ diễu nhại. Tiêu biểu là bài sau đây chúng tôi đọc trên mạng: 14 “Điều Răn của Mẹ”: 1. Kẻ thù lớn nhất của con là nó (vợ con)/ 2. Ngu dốt lớn nhất của đời con là không hiểu ra được nó/ 3. Thất bại lớn nhất của đời con là không bỏ được nó/ 4. Bi ai lớn nhất của đời con là phải sống với nó/ 5. Sai lầm lớn nhất của đời con là quyết định lấy nó/ 6. Tội lỗi lớn nhất của đời con là nghe lời nó/ 7. Đáng thương lớn nhất của đời con là bị nó sai khiến/ 8. Đáng khâm phục lớn nhất của đời con là vẫn chịu được nó/ 9. Phá sản lớn nhất của đời con là cuợc đời con đã mất trong tay nó/ 10. Tài sản lớn nhất của đời người con là những thứ nó đang giữ/ 11. Món nợ lớn nhất của đời con là tờ giấy ly hôn/ 12. Lễ vật lớn nhất của đời con là sự hết lòng của con với nó/ 13. Khiếm khuyết lớn nhất của đời con là con không lấy được hai vợ/ 14. An ủi lớn nhất của đời con là thằng con nó đẻ ra. (5) Lê Mạnh Thát, Toàn tập Trần Nhân Tông, N. x. b. Thành phố Hồ Chí Minh, 2000, tr. 8 (6) Như trên (7) Lê Mạnh Thát, sách đã dẫn, tr. 419, 420 (8) Sách đã dẫn, tr. 421 (9) Sách đã dẫn, tr. 435, 436 (10) Bản dịch của Lê Mạnh Thát. |
TRẦN CAO SƠNTriều Nguyễn tồn tại gần 150 năm, kể từ khi Nguyễn Ánh lên ngôi hoàng đế với niên hiệu Gia Long - năm1802, tạo dựng một đế chế tập quyền trên toàn bộ lãnh thổ mà trước đó chưa hề có. Trải qua một thế kỷ rưỡi tồn tại, vinh hoa và tủi nhục, Triều đại Nguyễn là một thực thể cấu thành trong lịch sử Đại Việt. Những cái do triều đình Nhà Nguyễn mang lại cũng rất có ý nghĩa, đó là chấm dứt cuộc nội chiến, tranh giành quyền lực, xương trắng máu đào liên miên mấy thế kỷ, kiến tạo bộ máy quản lý hành chính trung ương tập quyền thống nhất mà Quang Trung - Nguyễn Huệ đã dày công vun đắp gây dựng trước đó. Dân tộc đã phải trải qua những năm tháng bi hùng với nhiều điều nuối tiếc, đáng bàn đáng nói ngay ở chính hôm nay. Song lịch sử là lịch sử, đó là một hiện thực khách quan.
TRẦN HUYỀN SÂMNếu nghệ thuật là một sự ngạc nhiên thì chính tiểu thuyết Thập giá giữa rừng sâu là sự minh định rõ nhất cho điều này. Tôi bàng hoàng nhận ra rằng, luận thuyết: con người cao quý và có tình hơn động vật đã không hoàn toàn đúng như lâu nay chúng ta vẫn tin tưởng một cách hồn nhiên. Con người có nguy cơ sa xuống hàng thú vật, thậm chí không bằng thú vật, nếu không ý thức được giá trị đích thực của Con Người với cái tên viết hoa của nó. Phải chăng, đây chính là lời nói tối hậu với con người, về con người của tác phẩm này?
HOÀNG NGỌC HIẾN ...Từ những nguồn khác nhau: đạo đức học, mỹ học, triết học xã hội-chính trị, triết học xã hội-văn hoá... cảm hứng triết luận trong nghiên cứu, phê bình văn học là nỗ lực vượt lên trên những thành kiến và định kiến hẹp hòi trong sinh hoạt cũng như trong học thuật. Những thành kiến, định kiến này có khi lại được xem như những điều hiển nhiên. Mà đã là “hiển nhiên” thì khỏi phải bàn. Đây cũng là một thói quen khá phổ biến trong nhân loại. Cảm hứng triết luận trong nghiên cứu, phê bình có khi bắt nguồn từ suy nghĩ về chính những điều “hiển nhiên” như vậy...
THÁI DOÃN HIỂUVào đời, Lưu Quang Vũ bắt đầu làm thơ, viết truyện, rồi dừng lại nơi kịch. Ở thể loại nào, tài năng của Vũ cũng in dấu ấn đậm đà làm cho bạn đọc cả nước đi từ ngạc nhiên đến sửng sốt. Thơ Lưu Quang Vũ một thời được lớp trẻ say sưa chép và thuộc. Kịch Lưu Quang Vũ một thời gần như thống trị sân khấu cả nước.
TRẦN THANH ĐẠMTrong lịch sử nước ta cũng như nhiều nước khác, thời cổ - trung đại cũng như thời cận - hiện đại, mỗi khi một quốc gia, dân tộc bị xâm lược và chinh phục bởi các thế lực bên ngoài thì trong nước bao giờ cũng phát sinh hai lực lượng: một lực lượng tìm cách kháng cự lại nạn ngoại xâm và một lực lượng khác đứng ra hợp tác với kẻ ngoại xâm.
ĐỖ LAI THUÝLTS: Trong số tháng 5-2003, Sông Hương đã dành một số trang để anh em văn nghệ sĩ Huế "tưởng niệm" nhà văn Nguyễn Đình Thi vừa qua đời. Song, đấy chỉ mới là việc nghĩa.Là một cây đại thụ của nền văn nghệ cách mạng Việt Nam, Nguyễn Đình Thi toả bóng trên nhiều lĩnh vực nghệ thuật. Bằng chứng qua các bài viết về ông sau đây, Sông Hương xin trân trọng dành thêm trang để giới thiệu sâu hơn, có hệ thống hơn về Nguyễn Đình Thi cùng bạn đọc.
ĐẶNG TIẾN…Nguyễn Đình Thi quê quán Hà Nội, nhưng sinh tại Luang Prabang, Lào, ngày 20/12/1924. Từ 1931 theo gia đình về nước, học tại Hải Phòng, Hà Nội. Năm 1941 tham gia Thanh Niên cưú quốc, 1943 tham gia Văn hóa cứu quốc, bị Pháp bắt nhiều lần. Năm 1945, tham dự Quốc Dân Đại hội Tân Trào, vào Ủy ban Giải phóng Dân tộc. Năm 1946, là đại biểu Quốc hội trẻ nhất, làm Ủy viên Thường trực Quốc hội, khóa I…
HỒ THẾ HÀ Hai mươi lăm năm thơ Huế (1975 - 2000) là một chặng đường không dài, nhưng nó diễn ra trong một bối cảnh lịch sử - thi ca đầy phức tạp. Cuộc sống hàng ngày đặt ra cho thể loại những yêu cầu mới, mà thơ ca phải làm tròn sứ mệnh cao cả với tư cách là một hoạt động nhận thức nhạy bén nhất. Những khó khăn là chuyện đương nhiên, nhưng cũng phải thấy rằng bí quyết sinh tồn của chính thể loại cũng không chịu bó tay. Hơn nữa, đã đặt ra yêu cầu thì chính cuộc sống cũng đã chuẩn bị những tiền đề để thực hiện. Nếu không, mối quan hệ này bị phá vỡ.
JAMES REEVESGần như điều mà tôi hoặc bất kỳ nhà văn nào khác có thể nói về một bài thơ đều giống nhau khi nêu ra ấn tượng về điều gì đấy được in trên giấy. Tôi muốn nhấn mạnh rằng đây không phải là toàn bộ sự thật. Việc in trên giấy thực ra là một bài thơ gián tiếp. Sẽ dễ dàng thấy điều này nếu chúng ta đang nói về hội hoạ hoặc điêu khắc.
NGUYỄN ĐĂNG ĐIỆP...Nguyễn Huy Thiệp không phải là người duy nhất đổi mới phương thức trần thuật. Trước ông đã có Nguyễn Minh Châu, Nguyễn Khải, Ma Văn Kháng... tích cực mở đường. Nhưng phải đến Nguyễn Huy Thiệp thì sự khai phóng về tư tưởng nghệ thuật mới được thể hiện một cách đậm nét. Tất cả được Nguyễn Huy Thiệp kiến tạo qua một trò chơi đầy tính bất ngờ. Giống như người nghệ sĩ ba lê tài năng, Nguyễn Huy Thiệp trình diễn một thế giới đa sắc trên đầu những đầu mũi ngón chân. Những ngón chân ấy bám trụ vào hiện thực một cách tinh diệu, xoay chuyển một cách nhịp nhàng với những vòng quay, những vũ điệu ngôn từ...
PHAN NGỌC THUTrong nền văn học Việt Nam thế kỷ XX, Xuân Diệu (1916-1985) là một trong những nhà thơ nổi tiếng nhất, đồng thời cũng là nhà phê bình văn học kiệt xuất. Từ những bài tranh luận văn học sôi nổi thời Thơ Mới (1932-1945) đến Tiếng thơ (1951), Những bước đường tư tưởng của tôi (1958); từ Phê bình giới thiệu thơ (1960) đến Trò chuyện với các bạn làm thơ trẻ (1961), Dao có mài mới sắc (1963), Lượng thông tin và những kỹ sư tâm hồn ấy (1978), Các nhà thơ cổ điển Việt Nam, tập I (1981), tập II (1982) và Công việc làm thơ (1984)... "chỉ tính riêng các tác phẩm lý luận phê bình, đã có thể gọi Xuân Diệu là một đại gia"(1)
BÙI QUANG TUYẾNThơ mới là một hiện tượng nổi bật của văn học Việt Nam nói chung và thơ ca nói riêng trong thế kỷ XX. Nó vừa ra đời đã nhanh chóng khẳng định vị trí xứng đáng trong nền văn học dân tộc với các "hoàng tử thơ": Thế Lữ, Xuân Diệu, Huy Cận, Chế Lan Viên, Hàn Mặc Tử v..v...
HÀ KHÁNH CHINgày 20 - 3 - 2003, siêu cường lớn nhất mọi thời đại là đế quốc Hoa Kỳ đã mở đầu cuộc chiến tranh kỳ quái nhất trong lịch sử bằng cách tấn công Iraq sau khi đã bắt quốc gia này phải tự phá huỷ vũ khí tự vệ của chính họ. Đó là bài học chưa hề thấy về chút hy vọng cuối cùng mà lương tri nhân loại có thể đòi hỏi. Để có thể hiểu rõ hơn những gì đang xảy ra hôm nay - có lẽ cũng rất cần ôn lại một trong những vấn đề lớn nhất mà loài người có thể nghĩ tới: cuộc chiến tranh Việt Nam đã kết thúc cách đây gần 30 năm.
HOÀNG ĐĂNG KHOA Văn học Việt từ sau 1975, nhất là từ thời kỳ đổi mới, là một quá trình văn học rất phong phú, đa dạng và không ít phức tạp, lại còn đang tiếp diễn. Cuốn sách Văn học Việt Nam sau 1975 - Những vấn đề nghiên cứu và giảng dạy ra đời đáp ứng nhu cầu mang tính thời sự: nhu cầu nhìn nhận, đánh giá một cách khách quan, toàn diện về tiến trình văn học ba mươi năm qua, chuẩn bị cho sự ra đời của những công trình văn học sử và những chuyên khảo về giai đoạn văn học này.
NGUYỄN QUANG HÀTrong đời có những bài thơ người ta quên, mà chỉ nhớ một câu nằm lòng. Bởi đó là những câu thơ thực sự, những câu thơ thi sĩ. Từ xưa đến nay, đã có rất nhiều định nghĩa về thơ: Thơ là tiếng hát của trái tim; Thơ là hạt muối kết tinh của tình cảm; Thơ là phút giây rung động của tâm hồn... Nói chung, những định nghĩa ấy cho ta hiểu rằng ở đâu có được sự rung động của trái tim thì ở đó có thơ.
ĐỖ LAI THUÝPhê bình văn học Việt Nam, sau sự khởi nguồn của Thiếu Sơn với Phê bình và Cảo luận (1933) chia thành hai ngả. Một xuất phát từ Phê bình để trở thành lối phê bình chủ quan ấn tượng với Hoài Thanh và Thi nhân Việt Nam (1942). Lối kia bắt nguồn từ Cảo luận tạo nên phê bình khách quan khoa học với Vũ Ngọc Phan của Nhà văn hiện đại (1942), Trần Thanh Mai của Hàn Mặc Tử (1941), Trương Tửu của Nguyễn Du và Truyện Kiều (1942), Tâm lý và tư tưởng Nguyễn Công Trứ (1945). Sự phân chia này, dĩ nhiên, không phải là hành chính, mà là khoa học, tức sự phân giới dựa trên những yếu tố chủ đạo, nên không phải là không thể vượt biên. Bởi, mọi biên giới đều mơ hồ hơn ta tưởng, nhất là ở khoa học văn chương.
LTS: Marcel Reich-Ranicki, sinh năm 1920, người ở Đức được mệnh danh là "Giáo hoàng văn học", là nhà phê bình văn học đương đại quan trọng nhất của CHLB Đức. "Một lời biện hộ cho thơ" là bài thuyết trình đọc vào ngày 30.11.1980 nhân dịp ra mắt Tập 5 của "Tuyển thơ Frankfurt" trong khuôn khổ chuyên mục thơ của nhật báo "Frankfurter Allgemeine Zeitung" (FAZ) mà tác giả là chủ biên phần văn học từ 1973 đến 1988.Sông Hương xin trân trọng giới thiệu bài "Một lời biện hộ cho thơ" của ông sau đây do dịch giả Trương Hồng Quang thực hiện.
TRẦN HUYỀN SÂMGeorge Sand (1804-1876) là một gương mặt độc đáo trên văn đàn Pháp thế kỷ XIX. Cùng thời với những cây bút nổi tiếng như: A.Lamartine, V.Hugo, A.Vigny, A.Musset... nữ sĩ vẫn tạo cho mình một tầm vóc riêng không chìm khuất. George Sand bước vào thế giới nghệ thuật bằng một thái độ tự tin và một khát vọng sáng tạo mãnh liệt. Với hơn hai mươi cuốn tiểu thuyết đồ sộ, G.Sand đã trở thành một tên tuổi lừng danh ngay từ đương thời. Dĩ nhiên, bà lừng danh còn bởi nhiều mối tình bất tử, trong đó có nhà thơ Pháp nổi tiếng A.Musset và nhạc sĩ thiên tài Chopin người Ba Lan.
PHẠM QUANG TRUNGCó lần, dăm ba người có thiên hướng lý luận chúng tôi gặp nhau, một câu hỏi có thể nói là quan thiết được nêu ra: trong quan niệm văn chương, e ngại nhất là thiên hướng nào? Rất mừng là ý kiến khá thống nhất, tuy phải trải qua tranh biện, không đến nỗi quyết liệt, cũng không phải hoàn toàn xuôi chiều hẳn. Có lẽ thế mới hay!
NGUYỄN HỮU HỒNG MINH1- "Thơ trẻ- Những giá trị mới" là một "mưu mô" của nhà phê bình trẻ Nguyễn Thanh Sơn và nhóm "Văn nghệ mới" (bao gồm Nguyễn Hữu Hồng Minh, Văn Cầm Hải, Phan Huyền Thư, Ly Hoàng Ly, Nguyễn Vĩnh Tiến, Dạ Thảo Phương... và một số người khác) dự tính tập hợp, tuyển chọn 1 tuyển thơ của 10 (hay nhiều hơn) tác giả trẻ từ 30 tuổi trở xuống, xuất hiện trong vòng 3 năm cuối cùng của thế kỉ để trình làng giới thiệu chân dung thế hệ mình.