Tiểu thuyết không tên

08:53 23/08/2013

HOÀNG LONG 

Đây là một tiểu thuyết cực tiểu, gồm năm thiên. Và không có tên. Cũng như mọi thứ trên đời này đều như vậy. Tự thân không có tên. Chúng ta đặt tên cho chúng và ban cho vạn vật một ý nghĩa nào đó với chúng ta. Tất cả là do tâm tạo tác. Cái vọng tưởng đó của ta chẳng liên quan gì đến thế giới. Vì thế giới vận hành trong sự không tên.

Minh họa: Nhím

Thiên một: TRẦM TÍCH

Người ta khó lòng lừa gạt người khác nhưng rất dễ lừa gạt chính bản thân mình. Biết bao nhiêu bi kịch đều từ đó sinh ra, thảm cảnh kéo dài vô tận. Anh cứ chạy trốn vết thương, tìm kiếm thuốc chữa. Cố gắng lãng quên trong chừng có thể và khi rát bỏng quá, anh vội quấn một lớp băng, bôi một ít thuốc đỏ là xong chuyện. Anh mặc một chiếc áo thời trang vào, yên chí là vết đau khỏi hẳn. Lâu dần anh tin vào chính điều huyễn hoặc này, nói cười ra vẻ rất hạnh phúc. Bảo rằng đời chỉ là ảo tưởng mà thôi. Mà cũng có phần đúng. Tất cả những điều chúng ta làm hay tranh đấu cuối cùng là vô nghĩa, có cũng được không có cũng chẳng sao. Chỉ là ta ban cho nó một ý nghĩa với riêng mình, xem như đó là dấu vết sự hiện hữu của ta mà thôi. Thêm hay bớt một bài thơ, một mạng người thì thế gian này có ng- hĩa gì chứ? Nó cũng vẫn tồn tại như đã tồn tại thế thôi. Nhưng với kẻ làm văn nghệ viết thêm được một bài thơ hay, hắn thấy đời mình có ý nghĩa hẳn, phong phú hơn, đáng sống hơn. Kỳ thực đó chỉ là huyễn ảnh. Trong khi tìm kiếm điều này điều khác mệnh danh là khát vọng với sáng tạo thì khổ đau luôn còn đó như những trầm tích. Những vết thương mưng mủ lên dòi, tha hồ đục phá thân tâm. Một thi hài đi ca tụng cuộc sống. Thật là quá sức kỳ khôi. Anh cũng thấy mình quái đản nhưng không đủ sức để dừng lại trong vòng quay như thác lũ. Ai cũng quay cuồng mà? Đúng vậy? Ai cũng khổ cả. Có lẽ chỉ nỗi khổ đau là thực có ở đời này. Cái ta gọi là sung sướng hạnh phúc chỉ là một mặt khác của khổ đau thôi. Nhưng cứ cuồng quay và đau đớn bỏng rát đến lúc nào đó người ta quá sức mệt mỏi, tỉnh ngộ rằng mình cần phải dừng lại để khử trùng và băng bó vết thương. Thật may là anh đã làm được điều đó. Cuối cùng vẻ nói cười giả tạo của anh đã biến mất trong một khoảnh khắc khi anh nổi cơn giận dữ. Cái tâm uế nhiễm bộc phát ra ngoài như một vết thương bục ra khỏi lớp băng để thấy mình bắt đầu bị hoại tử. Anh cũng như mọi người đã cùng diễn kịch với nhau qua màn sân khấu cuộc đời. Đến khi về nhà, đi ngủ mà vẫn còn diễn kịch với chính mình sao? Trò đùa điên rồ tự mình diễn cho mình xem, tự mình làm khán giả này sẽ kéo dài trong bao lâu nữa? Anh không muốn đi qua cuộc đời này và chấm dứt sinh mệnh mình với bộ dạng của một xác chết biết đi. Anh rúc vào một chỗ kín ẩn cư, với tay cầm con dao tuệ giác, hơ nóng sát trùng bằng định lực và cắm phập vào vết thương khổ não. Anh nạo vét băng bó lại toàn vẹn rồi ngất đi.  


Thiên hai: MÀU XANH BÁT NGÁT

Anh đứng lại nơi dòng sông. Nước trong soi những áng mây mùa xuân trôi qua. Ven bờ, hoa cải nở vàng rực rỡ. Đôi khi một cánh cò vút qua trời rộng. Phong cảnh này là thực có hay tâm anh tạo ra? Nếu quang cảnh vùng đất tâm anh được như vậy thì đây là Thiên đường, là Tịnh độ. Và đây sẽ là chốn tựa nương tuyệt hảo cho bản thân mình. Nhưng đây là ảo ảnh do anh khao khát tạo ra sao? Như vậy cõi tâm anh rách nát, đất tâm anh sa mạc, thân xác anh mệt mỏi kiệt tàn. Cũng do tâm tạo tác mà thôi. Đây cũng không phải là thực tại. “Trong khi viết, ta đừng để mình bị ngăn cách với thực tại, dầu chỉ là một khoảng cách mỏng như một sợi tóc. Ta chỉ có thể hiểu được cây thông từ ngay chính cây thông, ta chỉ có thể học cây trúc từ chính ngay cây trúc… và cái thấy ấy tự nó sẽ sáng tạo nên bài thơ của mình.” (Basho). Để tiếp xúc với thực tại bản thân anh phải là thực tại. Không phải là sự trùng khít của một thực tại nhỏ lên trên một thực tại bao quát hoằng viễn mà là một cú nhảy thẳng vào hư không để mở ra một bầu trời xanh bát ngát. Anh có làm được như thế chăng? Đầu tiên là tu tạo lại vườn tâm đổ nát. Việc này mang lại cho anh nhiều nỗi đớn đau kinh khủng. Bởi những vết thương sâu đục có sức tàn phá nhiều hơn anh nghĩ. Nếu không làm bác sĩ phẫu thuật một lần dùng lưỡi dao bén trí tuệ rạch sâu xuống vết thương đến tận đáy, nạo sạch những phần thịt rữa nát hư hoại, rồi đắp muối vào thì vĩnh viễn không thể chữa lành. Không có thuốc tê hay thuốc mê nào cả. Thao tác tiến hành trong sự tỉnh thức tuyệt đối. Anh đau đớn ngất đi rồi tỉnh dậy. Và khi mở mắt, anh lại được nhìn thấy trời xanh. Tuyệt diệu vô cùng khi thấy mình đứng bên bờ sông, nước trong soi mây mùa xuân và hoa cải vàng rực rỡ. Vườn tâm anh đã mát dịu và có những nụ xanh đầu tiên. Bây giờ phải tinh cần tưới tẩm và duy trì chăm bón cho kỹ lưỡng, canh chừng đừng để cỏ dại của tham hận phát sinh. Anh thở ra khoan khoái. Vậy là tự mình đã chữa bệnh được cho mình. Tuy chưa lành hẳn nhưng đã trị tận gốc vết thương. Anh đã nhảy thẳng vào thực tại. Một cuộc đời mới được tái sinh.  


Thiên ba: ÔNG GIÀ LẨM CẨM

Ông cụ gọi điện đến bảo cà phê cà pháo đi lâu ngày quá rồi. Anh cũng đang rảnh nên phóng xe lên chơi. Quán cà phê nằm trong con hẻm nhỏ, kế bên nhà ông cụ, có tàn cây xanh gió thổi rì rào. Những tia nắng xuyên qua tán cây lấp lánh, tiếng chim hót trong chiếc lồng treo nơi mái hiên càng làm cho quán thêm cảm giác yên bình. Thật là dễ chịu được tách xa ra khỏi náo động cuồng nhiệt của thành phố. Nhâm nhi cà phê, chơi một ván cờ tướng, nói chuyện đời rồi lại về nhà ông uống trà. Về khoản này thì ông cụ đúng là một tay sành sỏi. Những thứ như trà Thiết Quan Âm cụ chẳng còn thiết uống. Bảo tầm thường lắm mà đồ Tàu bây giờ hóa chất cũng kinh nên chuyển qua uống Tứ Quý Xuân Trà trên Đống Đỉnh Sơn hay Kim Huyên Trà trên A Lý Sơn của Đài Loan không thì quay về uống trà mạn Thái Nguyên đậm đà ngọt hậu. Bộ đồ trà của ông cụ cũng chính hiệu Nghi Hưng. Anh bảo với ông cụ hồi anh qua Trung Quốc thấy cô gái quảng cáo ấm Nghi Hưng đã cởi giày bước cả người lên cái ấm nhỏ bé vậy mà cái ấm không hề gì. Lúc đó anh cũng mua một cái rồi sau này qua Nhật mua một cái ấm Tokoname tử sa nổi tiếng về chất đất sét giống Nghi Hưng. Gì chứ về trà thì hai ông cháu hợp nhau. Chỉ khác một điểm là ông cụ không ưa trà Nhật còn anh thì rất mê. Nhiều lần giải thích với cụ là trà Nhật cụ uống là trà bột (mạt trà) dùng trong trà đạo, vị nhạt rất khác với loại trà pha (tiễn trà), vị thanh mát dịu dàng. Đặc biệt loại Ngọc Lộ hái vào mùa xuân là thượng đẳng. Vậy mà ông cụ không nghe. Thôi cũng đành chịu vậy. Xong xuôi hai ông cháu chuyển qua nói về Phật giáo. Anh cứ để cho ông cụ thao thao bất tuyệt trong khi nhâm nhi chén trà. Nghe mệt quá anh mới trêu ông cụ. “Cháu thấy ông chưa hiểu gì về Thiền cả”. Thế là ông cụ gắt ầm lên. “Sao sao, thằng ranh kia, tao bỏ cả đời học Thiền đấy”. Anh mới nói “Thì bởi vậy nên cụ nói cái gì cũng sặc mùi Thiền. Thế là chưa được. Chừng nào phải tẩy sạch cái mùi đó đi. Nói về Thiền mà người nghe không biết đang nói về Thiền mới chính là Thiền vậy”. Ông cụ ngẫm nghĩ một lúc bảo rằng anh có lý, tao cần phải tu luyện tiếp mới được. “Vậy thì cụ tiếp tu luyện đi. Cháu không làm phiền nữa”. Rồi anh phóng xe chạy ra mấy tiệm sách quen, mua vài quyển rồi lại vòng về nhà. Thế là một ngày trôi qua nhẹ nhàng như khói mây.  


Thiên bốn: CÔ GÁI KIÊU KỲ

Thật ra thì nàng cũng có tên. Có thể gọi này là A, B, C hay L, M, N gì cũng được. Nhưng để cho dễ phân biệt, anh gọi nàng là cô gái kiêu kỳ. Nàng hay đòi hỏi mà anh lại dễ xiêu lòng. Nhưng tham vọng của đàn bà thật ghê gớm. Cuối cùng thì nàng vẫn giận anh. Anh biết điều đó sớm muộn gì cũng xảy ra nên thản nhiên chấp nhận. Hai người không liên lạc trong một thời gian dài. Anh nghĩ đến là ngẫu nhiên đi là tất nhiên thôi nên cũng không để tâm. Ai cũng phải sống cuộc đời của mình. Điều cần thiết là biết chấp nhận những gì không thể thay đổi được để sống cho tươi vui. Anh vẫn đọc sách, uống cà phê, đánh cờ tướng với ông già lẩm cẩm, dịch sách, đi dạy mưu sinh. Không cần dư dả nhiều, đủ sống là xong. Thiên hạ xem anh như một tên hâm hấp, phụ nữ xem anh là gã khờ, đồng nghiệp thì coi anh là kẻ lập dị hết thuốc chữa. Anh an vui trong cõi của mình, thấy mình không làm phiền đến ai là được. Trải qua gần mười năm phong ba trong thế giới tư bản, anh cảm nghiệm ra được nhiều điều. Cái mình phấn đấu ước ao đến khi có được trong tay lại thấy quá đỗi bình thường, lại ngậm ngùi rằng nó có đáng giá đến như thế không? Bao nhiêu thời gian tâm lực trút vào một trận chiến mà thành quả đạt được là một miếng bánh nhỏ nhoi. Thế mà lại không nguôi tiếp tục tìm kiếm những ước vọng mới, những trận chiến mới. Cứ như vậy đến bao giờ. Anh còn học thêm được một điều nữa là cho dù có đi đến đâu, sống ở nơi nào đi nữa thì mình vẫn chỉ là mình thôi. Vấn đề không phải nằm ở ngoại cảnh mà là chính bản thân mình. Có thể gọi là nghiệp của cá nhân vậy. Anh nhớ đến niềm hạnh phúc hồi bé khi đủ tiền mua một cây kem đá mơ ước. Lúc đó anh thấy mình hạnh phúc nhất trần gian. Còn bây giờ đi lang thang qua nhiều miền đất xa lạ, ăn cơm thiên hạ đủ kiểu Ý, Nhật, Hoa, Hàn đến mòn cả răng, đã ăn biết bao nhiêu que kem Parm thượng hạng, vậy mà tâm tư lúc nào cũng như ngồi trên đống lửa. Tất cả chỉ tại vì tâm thức của mình thôi, cứ muốn nữa, không hài lòng rồi ham muốn mãi. Can đảm dừng lại, tránh khỏi cái guồng quay đó cho đến giờ là quyết định sáng suốt nhất của đời anh. Chiều nay được nghỉ, anh bày một bữa tiệc nhỏ nơi góc vườn. Ngôi nhà anh ở cuối hẻm nhưng có mảnh vườn nhỏ và khoảng không đủ nhìn thấy một khoảng trời. Hôm nay trăng tròn. Một chai rượu vang Berardenga Chianti Classico với vài món nhắm đơn giản, anh thưởng thức một bữa tiệc bình yên. Ngay khi ấy, nàng gọi điện đến bảo anh đưa em đi chơi. Anh từ chối. Nàng hỏi “anh còn giận em à?”. Anh nói anh chẳng bao giờ giận em cả. Nàng phụng phịu nói “vậy bữa khác nghe” rồi tắt máy. Nâng chiếc ly thủy tinh sóng sánh rượu hồng, anh nhấp một ngụm vô cùng khoan khoái và nói thầm. “Thật sự anh chẳng giận em gì cả. Chỉ là anh không còn thời gian yêu em nữa thôi. Anh bận yêu đời rồi”.  


Thiên năm: MẶT HỒ TĨNH LẶNG HAY THANH ÂM CỦA CÂY ĐÀN KHÔNG DÂY

Không còn cỏ mọc bên này và đá phía bên kia. Tất cả hiển bày trong thực tại. Anh ngồi xuống như một tảng đá, đứng dậy như một thân cây, bước đi như mây bay gió cuốn, hơi thở làm gió mát ngàn phương. Đó là cảm giác của anh khi pha một ấm trà rồi ngắm vầng trăng tròn trịa lặng lẽ trên bầu trời. Bao nhiêu người còn phải tất bật mưu sinh trong lòng thành phố mấy ai có rảnh rang mà ngước nhìn lên trời cao để xem trăng mọc hay lặn. Vậy mà mình làm được. Đúng là tuyệt thú trần ai. Công danh lừng lẫy, áo gấm phong hầu, mỹ nhân tuyệt thế… tất cả rồi cũng chỉ là mộng huyễn như khói như mây. Cuối cùng chỉ bản thân mình còn lại đối diện với mình, nương tựa vào hải đảo tự thân. Chính lúc ấy mà thanh thản bình yên, không sân hận, buồn rầu thì cũng đã là người biết sống. Nhưng nếu không trải qua mấy trận phong ba, đứng trên đầu ngọn sóng thì không thấy được sự quý giá của những khoảnh khắc bình yên. Anh mừng vì mình đã có thời gian quay cuồng trong bão lũ để thấu triệt chân lý hiện sinh. Mừng vì mình đã tận cùng đau khổ để bây giờ hạnh phúc bình yên. Sự chữa trị và chuyển hóa thân tâm thật là tuyệt diệu. Vắng mặt khổ đau nghĩa là hạnh phúc. Cõi Ta Bà và Tịnh Độ không hai. Trong một khoảnh khắc này cũng là vĩnh cửu. Không cần quan tâm nghĩ ngợi gì cả, tận hưởng chén trà thơm ngát tỏa hương. Suối nguồn của nhân sinh của hiện hữu của nhiệm màu. Đây mới chính là thực tại. Là chính điều anh sống trải. Là vĩnh cửu hiện diện trong từng sát na. Tựu chung, đó chính là hiện hữu. Khi thấu cảm được điều đó, bản tâm anh ngân lên một giai điệu của cung đàn không dây và dấu tích mọi nỗi muộn phiền biến tan đi như hoa tuyết rơi vào biển cả.

Nagoya, tháng 4/2013
H.L  
(SH294/08-13)






 

Đánh giá của bạn về bài viết:
0 đã tặng
0
0
0
Bình luận (0)
  • PHAN THỊ THU QUỲ(Hưởng ứng cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”)

  • LÊ KHAI           Bút kýAnh đưa tôi một tờ giấy cuộn tròn và nói: Tuần qua tôi đi tìm mộ liệt sĩ ở Truồi (huyện Phú Lộc). Tìm một mộ mà phát hiện ra tám mộ. Buồn! Tôi làm bài thơ. Anh xem và chữa giúp. Cả đời tôi chưa quen làm thơ.  Anh chào tôi rồi vội vã về vì đang có việc cần.

  • HÀ KHÁNH LINH            Trích Hồi ký… Mùa xuân 1967, địch tăng cường đánh phá suốt ngày đêm, ngày một ác liệt hơn. Các trạm khách dọc tuyến đường 559 không ngày nào không bị đánh trúng hoặc B52 hoặc bom tọa độ, hoặc pháo tầm xa. Ngày nào cũng có thương vong. Có những đơn vị trên đường hành quân vào Nam chưa đến địa điểm tập kết đã bị đánh tơi tả, chỉ còn sót lại vài người. Các cơ quan đơn vị đóng chung quanh khu vực phần nhiều đã bị đánh trúng.

  • TUỆ GIẢI NGUYỄN MẠNH QUÝ                                        Tạp bútNhư nhân duyên, như định mệnh, cuộc đời tôi như thu hết vào trong một chung trà. Tuổi thơ đã qua, bây giờ và sẽ mãi mãi, cuộc đời tôi luôn vương vấn một hương trà. Tôi thường hay nói đùa cùng bằng hữu rằng sinh ra và lớn lên được ướp trong hương trà, tôi cũng chỉ mơ một ngày về thiên cổ được vẫy tiễn linh hồn bằng một chén trà ngon, được chôn theo cùng là một bộ ấm trà quý nhất và được vẫn cùng người “hồng nhan tri kỷ” đồng ẩm tương phùng ở thế giới bên kia!!!

  • TRẦN KIM HỒĐảo Cồn Cỏ là vọng gác tiền tiêu, là con mắt của Vĩnh Linh - khu Vĩnh Linh là tiền đồn của miền Bắc XHCN, là hậu phương trực tiếp của tiền tuyến lớn miền Nam; do đó đảo Cồn Cỏ có vị trí vô cùng quan trọng, mặc dù diện tích chỉ có 4km2. Mât Cồn Cỏ, miền Bắc XHCN trực tiếp bị uy hiếp, nhất là vào lúc nguỵ quyền Ngô Đình Diệm không ngớt hô hào lấp sông Bến Hải, Bắc tiến; đế quốc Mỹ từng trắng trợn tuyên bố biên giới Hoa kỳ kéo dài đến vĩ tuyến 17.

  • PHẠM NGUYÊN TƯỜNGHai cái máy lạnh hai cục trong căn phòng 40m2 của nhà hàng Hoa Chuối cộng với cả trận mưa chiều đột ngột tầm tã không làm dịu được sức nóng từ tấm thịnh tình của gần 50 cộng tác viên thân thuộc của tạp chí Sông Hương tại thủ đô Hà Nội.

  • TÔ VĨNH HÀTrong lịch sử hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam, 60 năm qua là một chặng đường đặc biệt. Chưa bao giờ dân tộc ta phải đương đầu với nhiều thử thách đến như thế, phải chiến đấu và chiến thắng nhiều kẻ thù đến như thế. Pháp rồi Nhật, Tưởng và Anh; hết Mỹ đến Khơmer “đỏ”... Kẻ thù và đau khổ nhiều đến mức tưởng chừng như đất nước Việt Nam được tạo hoá sinh ra là để cho các loại kẻ thù nhòm ngó, tìm mọi cách thôn tính.

  • NGÔ MINHTừ tháng 7-1954, Hiệp định Giơnevơ ký kết cho đến cuối năm 1964 đôi bờ giới tuyến Hiền Lương lặng im tiếng súng, nhưng đây là 11 năm diễn ra cuộc đối đầu văn hóa nóng bỏng, quyết liệt nhất giữa ta và địch.

  • PHAN THỊ THU QUỲ Trên bờ Hương Giang êm đềm, có ngôi nhà nhỏ tôi được sinh ra ở đó. Hằng ngày tung tăng cắp sách đến trường Đồng Khánh, tôi cũng nhảy nhót trên bờ Hương Giang. Lớn lên tôi hoạt động nội thành thường đến hò hẹn bên cây phượng vỹ trước cửa Thượng Tứ, nơi đó là địa điểm giao nhận những “gói nhỏ”, để nhận công việc và để nhớ mật hiệu. Cho nên trên bờ Hương Giang tôi đã ngắm dòng sông thơ mộng với tôi gắn bó biết bao từ tuổi ấu thơ cho đến bước  vào đời.

  • NGUYỄN VĂN VINH                         Bút ký Thôn Hiền An, xã Vinh Hiền là một thẻo đất cát bạch sa cuối phá Tam Giang phía Bắc vào. Như một ốc đảo ba bề, bốn bên là nước, nếu không có đường 49B chạy dọc phá đến cùng đường, tận biển. Và mỗi ngày, hai chuyến xe đò chở khách cùng mấy chục chuyến đò ngang phá qua lại Lộc Bình đem chút xôn xao thị tứ, phố chợ về với thôn, xã thì Hiền An càng xa xôi heo hút.

  • TRẦN HOÀI                  Ghi chépThung lũng A Lưới chạy dài theo hướng Bắc Nam đến vài chục km. Đó là một thung lũng đẹp, là một vị trí quân sự chiến lược, là nơi giao tranh ác liệt giữa ta và địch trong cuộc kháng chiến vừa qua...

  • LÊ BÁ ĐẢNGBạn của tôi rất nhiều. Năm ba bạn mà tôi nhắc nhở ra đây phần nhiều là bác sĩ, kỹ sư, giáo sư còn nghệ sĩ thì chất cả đống.

  • NGUYỄN THẾ QUANGMùa hạ, trời Bát Tam Boong trong xanh. Những hàng cây thốt nốt lặng lẽ kiêu hãnh xòa những tán lá xanh che mát cả khu đồi. Trong căn nhà của sở chỉ huy Sư 179 quân đội Cămpuchia, trung tá Nguyễn Văn Du chuyên gia của bộ đội Việt Nam cởi thắt lưng ra treo khẩu K54 lên vách. Anh vui mừng trước khả năng chiến đấu ngày càng tốt của quân đội bạn. Trận đánh trả lực lượng quân đội Thái Lan bảo vệ sáu nghìn dân tị nạn ở chòm Rumthumây diễn ra nhanh chóng.

  • TỐ HỮU        Trích chương V, hồi ký Nhớ lại một thời

  • VÕ MẠNH LẬP            Ghi chépTrong những ngày tháng ba, hai lẻ sáu trời Hà Nội đẹp và dễ chịu. Cái nắng vàng phủ tràn thành phố, tôn màu của cây thêm xanh biếc, ngói trên các mái nhà như thắm thêm lên, đường phố đi lại thanh thoát và đặc biệt có chút se lạnh vào sáng sớm như sợi tơ vương của hơi thở cuối mùa đông còn lưu sót lại.

  • NGUYỄN QUANG HÀ                          Bút kýMã Yên là tên trên bản đồ của một ngọn núi, còn dân địa phương thì gọi đó là núi Yên Ngựa. Núi Yên Ngựa là một trong những ngọn núi ngoài cùng về phía Đông của dãy Trường Sơn.

  • NGUYỄN QUANG HÀ                         Bút kýNắng chiều vàng trải dài trên những hàng bia trắng như mơ, như kỳ ảo. Đi trong nghĩa trang tôi có cảm giác mình như đang ngỡ ngàng, có cái gì đó nghèn nghẹn nơi cổ khi hàng hàng những bia trắng dài kia không có một nét mực ghi tên. Đó là những tấm bia vô danh.

  • NGUYỄN TRI TÂMNgười kể chuyện phải lục tìm những tấm ảnh lưu niệm để nhớ chính xác hơn. Sau tấm ảnh đen trắng cỡ 18x24, tướng Hoàng Văn Thái kí tên và ghi rõ “Thân tặng đồng chí trung tá Lương Văn Chính, người chiến sĩ Điện Biên năm xưa, huyện đội trưởng huyện đội Điện Biên. Kỉ niệm ngày lên thăm Điện Biên 3-4-1984”.

  • TẤN HOÀIHưởng ứng cuộc vận động học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí MinhĐêm đó, Bác nghỉ lại tại Cọt Mạ - một thị trấn nhỏ của Trung Quốc, thị trấn nhỏ như một bản miền núi miền nam Trung Quốc, có một cái chợ nhỏ, cách biên giới Việt Nam khoảng trên bốn cây số. Tất nhiên, đó là một cơ sở của cách mạng Trung quốc. Hôm sau, Bác về nước cùng với những đồng chí Việt Nam đi đón Bác trong đó có Dương Đại Lâm, Lê Quảng Ba, Bằng Giang. Những người này về sau trở thành cán bộ lãnh đạo của khu tự trị Việt Bắc. Bác về đúng vào tháng 2 năm 1941. Bác đã ghi trên một phiến đá trong hang Cốc Bó, nằm trong khu vực Pác Bó. Gia tài Bác chỉ có một chiếc va li cũ đan bằng mây, bên cạnh một chiếc máy đánh chữ mà Bác luôn luôn xách bằng tay.

  • HOÀNG QUỐC HẢI                        Bút kýVì sao khi Lý Công Uẩn (Lý Thái Tổ) được nước, cung điện nơi thành Hoa Lư các vua Đinh, vua Lê dựng như “điện Bách Bao thiên tuế, cột điện dát vàng, dát bạc làm nơi coi chầu, bên đông là điện Phong Lưu, bên tây là điện Cực Lạc, rồi làm lầu Đại Vân, dựng điện Trường Xuân làm nơi vua ngủ, bên cạnh điện Trường Xuân lại dựng điện Long Lộc, lợp bằng ngói bạc...”, lâu đài điện các như thế, tưởng đã đến cùng xa cực xỉ.