Minh họa: Đặng Mậu Tựu
Cánh rừng họ đi qua trong buổi chiều mọc toàn cây săng lẻ. Những thân cây thẳng tắp cao vút, lớp vỏ bên ngoài màu nâu nhạt phồng rộp bong từng mảng loang lổ. Đang mùa thay lá, những tán săng lẻ ngả màu vàng áy. Trên nền rừng thưa thoáng lác đác những chiếc lá mới rụng khô cong, giẫm lên nghe lắc rắc như những lá thiếc mỏng. Thái vừa đi vừa cảnh giác nhìn quanh, tai căng lên lắng nghe từng tiếng động. Nghe hơi thở đều đều của Thắng, anh biết cậu đang nghển đầu nhìn qua vai mình. Vài con chim cất tiếng lảnh lót, bay vụt từ cây này qua cây khác. Thỉnh thoảng lại có ngọn gió lùa tới làm lá cây rụng xao xác. Rừng vẫn êm đềm và hoang vắng như vốn có từ xa xưa.
- Sáng rồi hả anh? - Ừ, sáng rồi! Cậu thấy trong người thế nào? - Em... chỉ thấy mệt. - Thắng mỉm cười yếu ớt. Nhìn khuôn mặt hốc hác của Thắng, Thái biết cậu đang rất đau nhưng cố giấu. Suốt hai ngày qua trừ lúc ngủ mê, Thắng không hề rên la một tiếng. - Ta đi tiếp nhé! Tranh thủ đi sớm cho nó mát. - Thái nói, cố giữ vẻ bình thản. Chỉ mang theo một khẩu súng, Thái địu Thắng trên lưng bước khập khiễng. Sương còn phủ dày trên rừng, nhìn về hướng mặt trời chỉ thấy một quầng sáng nhòa. Thái nhắm hướng mặt trời đi tới. Rừng đang rộn lên tiếng chim hót, tiếng thú chạy sột soạt trong bụi cây. Những cành lá đọng sương quệt vào người làm quần áo ướt sũng. Thái không để ý đến sự vật xung quanh, chỉ chăm chăm tìm lối đi, cố tránh những vòm dây leo rậm rịt. Chừng giữa buổi thì sương tan hết, ánh nắng chan hòa khắp nơi. Hai người lên tới một đỉnh dốc cao, nhìn ra phía trước chỉ thấy lớp lớp cây rừng chắn ngang tầm mắt. Nếu leo được lên cây sẽ nhìn thấy ngọn núi Pu Leng, hậu cứ trung đoàn đóng ở chân núi. Nhưng lúc này Thái không thể leo được, vết thương ở đùi đang nóng ran, giật giật đau nhức. Anh cũng không dám dừng lại nghỉ, sợ ngồi xuống rồi, sẽ không đủ sức cõng Thắng đứng lên đi tiếp. Thắng vẫn đang sốt hầm hập. Cậu ngoẹo đầu trên vai anh, hơi thở ngắt quãng nóng rực. “Chắc không còn xa nữa đâu...”, Thái tự động viên, bước từng bước nặng nhọc. Mặt trời lên cao, nắng càng lúc càng gắt. Không bỏng rát như nắng hè, nhưng cái nắng rừng Lào đầu mùa khô ong ong khó chịu khiến đầu óc váng vất, lớp da trên người khô rộp lên. Thái loạng choạng đứng lại, mở nắp bi đông uống mấy ngụm nước. Anh gọi Thắng, chỉ nghe tiếng đáp nửa mê nửa tỉnh. Dừng lại lúc này là chết, chết cả hai. Thái nghiến răng chịu đau đi tiếp. “Một bước... hai bước... ba bước...”. Anh nhẩm đếm, chân phải bước tới đặt xuống làm trụ, chân trái lê theo... “Đúng một nghìn bước mình sẽ dừng lại nghỉ...”. Một lúc sau không còn nhớ đã đếm được mấy bước, anh đếm lại từ đầu... Không biết bao nhiêu thời khắc đã trôi qua! Bóng hai người lặng lẽ tròn lại rồi đổ dài liêu xiêu trước mặt. Thái vẫn lê từng bước như quán tính, như một phản xạ phát ra từ tiềm thức. Hai tai ù đặc, mắt loa lóa những quầng nắng, hầu như anh không còn nhìn thấy gì, nghe thấy gì, chỉ cảm nhận dưới bước chân nền rừng đang thấp dần. Đến lúc vấp phải một vật gì đó, anh ngã nhào. Cả hai người lăn xuống triền dốc... Vết thương nhói lên đau buốt làm Thắng tỉnh lại, thấy mình vẫn ở sau lưng Thái. Anh ấy nằm im như ngủ. Ánh mặt trời lóa mắt làm Thắng khó chịu. Sao lại ngủ giữa nắng thế này? Anh ngơ ngác chớp chớp mắt, bỗng nhận ra mình vẫn bị buộc dính vào Thái, chân trái đang bị người Thái đè lên. Thắng vội lay, vừa lay vừa gọi. Không có tiếng trả lời. Một ý nghĩ lướt qua trong đầu lạnh buốt, anh hoảng hốt đưa tay lên mũi Thái. Còn thở! Thắng cuống quýt tìm bi đông nước... Dòng nước chảy tràn trên mặt rồi xộc vào mũi khiến Thái thở hắt một tiếng. Anh mở mắt lờ đờ nhìn quanh, cảm thấy vướng víu như bị trói. “Anh Thái, anh tỉnh chưa?...”. Tiếng gọi dồn dập ngay bên tai làm Thái dần dần nhớ lại mọi việc. Anh chậm chạp cởi nút thắt trước ngực, chống tay ngồi dậy. Người anh như đang rời ra tùng mảnh, đầu nhức buốt, môi khô rộp, trước mắt loe lóe hàng ngàn đốm lửa tung tóe như lửa hàn. Anh nhắm mắt một lúc rồi mở ra nhìn. Thắng đang nằm bên cạnh, đôi mắt trũng sâu, những vệt nước mắt đọng ngoằn ngoèo trên khuôn mặt đen sạm bụi đất. Anh chống súng đứng dậy nhưng lại khuỵu ngay xuống. Chân trái bất động, máu đen bầm trên những vòng băng, vết thương sưng tấy nhức nhối. “Mình không còn đi được nữa...”, anh bất lực ngả người nằm xuống. Thắng đã lại thiếp đi, sự sống trong người cậu ấy đang cạn dần. Mình cũng hết sức rồi! Cả hai sẽ cùng chết ở đây. Anh từng thấy bao nhiêu người chết lặng lẽ trong rừng: chết vì kiệt sức, vì bị thương, bị sốt rét, bị đói... Mình chết cũng được, chỉ tiếc cho Thắng, cậu ấy còn trẻ quá... Có thể trung đoàn sẽ cho người đi tìm, nhưng giữa rừng núi mênh mông biết tìm ở đâu? Tập tài liệu trinh sát đang cồm cộm trong ngực áo anh. Vậy là sự hy sinh của ba người sẽ trở nên vô ích... Những suy nghĩ cay đắng làm Thái tuyệt vọng. Anh nhắm mắt lại, mơ hồ cảm thấy còn một điều gì đó mình chưa nghĩ tới. Điều gì nhỉ? Anh cố tập trung tư tưởng. Đầu óc lùng bùng. Những ý nghĩ lướt nhanh, mờ nhạt và vô định. Có lúc anh tưởng đã chộp được điều mình cảm thấy, nhưng nó chỉ thoáng qua, mất hút. Thôi, chẳng việc gì phải nghĩ ngợi cho mệt óc. Đằng nào cũng chết, mà chết là hết! Anh thả lỏng toàn thân, nằm lơ mơ. Thật dễ chịu khi chẳng còn phải căng thẳng lo lắng... Một ngọn gió lướt tới làm cây lá rì rào, nghe như tiếng thở dài của rừng. Và đâu đó có tiếng nước chảy róc rách đều đều như tiếng thời gian trôi... Một tia chớp lóe sáng trong đầu. Tiếng suối? Đó chính là điều anh cảm thấy mà chưa nghĩ ra. Có con suối ở gần đâu đây. Thái loạng choạng chống tay ngồi dậy, chớp chớp mắt nhìn quanh. Kia rồi! Dòng suối ở ngay phía trước, cách chưa đầy trăm bước chân. Mặt nước loáng nắng... vách núi phía bên kia... những tảng đá ven bờ... Một khúc suối quen thuộc! Thái nhặt khẩu tiểu liên bật khóa an toàn, ngón tay run run đặt nấc bắn phát một rồi dựng ngược súng tựa vào thân cây con cạnh chỗ nằm, ngoắc đầu ngắm hình tam giác vào giữa hai nhánh cây mọc chẽ đôi. “Đoành... đoành... đoành...”, từng phát súng nổ cách quãng đều đặn, tiếng nổ dội vào vách đá vọng rền rền trong rừng. Lúc các chiến sĩ vệ binh của Trung đoàn 92 ập tới thì cả hai người đều đã bất tỉnh. Thái nằm ngửa mặt lên trời, cánh tay phải dang ngang, ngón tay co cứng ngắc trên cò khẩu tiểu liên đã bắn hết đạn. * Đúng như tham mưu trưởng Đặng nhận định, ngay sau khi vượt qua biên giới Việt - Lào, địch đã chiếm điểm cao 551 làm điểm tựa bảo vệ cánh nam cho mũi tiến quân dọc đường Chín lên Bản Đông - Sê Pôn. Từng đàn trực thăng chở quân bay rợp trời như chuồn chuồn trước cơn mưa đổ xuống điểm cao hai tiểu đoàn thuỷ quân lục chiến. Những chiếc Chinooks do phi công Mỹ lái nặng nề tha pháo 105 ly dưới bụng đưa tiểu đoàn pháo binh tới chiếm lĩnh trận địa. Thế trận hình thành đúng như phương án tác chiến đã chuẩn bị. Sau năm ngày vây lấn, một trung đoàn quân chủ lực của ta được tăng cường xe tăng, pháo binh và hỏa lực phòng không đã tiến đánh điểm cao 551 ngay giữa ban ngày. Địch hoàn toàn bị bất ngờ trước thời điểm tấn công cũng như sức đột kích và hướng đột kích của xe tăng ta. Toàn bộ quân địch bị tiêu diệt, ta bắt sống hơn trăm tên và thu mười hai khẩu pháo. Trận đánh này góp phần rất quan trọng trong thắng lợi bước đầu của chiến dịch, làm đảo lộn kế hoạch tiến công của địch, buộc chúng phải bố trí lại lực lượng, điều chỉnh kế hoạch hành quân. Về sau hẳn đâu đó trong sử sách sẽ có đôi dòng viết về trận đánh ấy, nhưng sẽ không ai biết trước khi chiến dịch còn chưa bắt đầu, những người lính trinh sát của trung đoàn 92 đã đổ máu dưới chân cao điểm để chuẩn bị cho trận thắng. Và đó là một trận thắng của đơn vị bạn. Còn trung đoàn ngay từ đầu chiến dịch đã rời khỏi vị trí ém quân đi về hướng tây nam... P.V.L (255/5-10)
|
VĂN ANMặt trời đã khuất sau rặng núi xa xa, bầu trời chỉ còn sót lại những vệt sáng yếu ớt như những chiếc nan quạt hắt lên từ phía chân trời.
NGUYỄN TRỌNG HUẤNBạn tôi là nhà thơ. Thơ anh hay, rất nổi tiếng, nhiều người ái mộ.Năm 1975, anh cùng đoàn quân chiến thắng tiến vào giải phóng Sài Gòn, trụ lại thành phố làm đại diện một tờ báo, chốt trực cơ quan. Ở rừng lâu, nằm lán, ngủ võng cũng quen, nay về phố thị, căn hộ hai ba phòng, tự nhiên thấy trống trải, trằn trọc. Hoà bình rồi, cần ổn định cuộc sống, việc đầu tiên là đón mẹ con nó vào.
ĐỖ KIM CUÔNGNấn ná mãi tôi mới quyết định đi thăm Hiền. Quãng đường hơn trăm cây số, vượt qua đèo Cả không có gì đáng ngại. Chỉ hơn ba giờ đồng hồ ngồi xe đò và hơn một giờ nữa trên chếc xe ngựa của ông Sáu cụt chân là tôi đã có thể tới làng Vĩnh Hiệp Nam, về ghềnh Đá Đỏ. Nhà cô giáo Hiền ở đó.
LÊ MAICơn mưa chiều sầm sập kéo tới, mưa đổ bì bộp xuống mái nhà; hạt mưa nặng đến nỗi Hoàng tưởng như những tấm tôn phải oằn rướn lên chống đỡ; nước từ các máng xối tuôn ra ào ạt kéo theo hàng đụn lá khô, cỏ rác tràn đầy cống ngoài đường. Mới có năm giờ chiều mà như tám giờ tối.
HƯỚNG DƯƠNGTruyện ngắnMùa đông năm ấy tôi phải đi công tác tại một thành phố nhỏ ven biển. Khách sạn tôi trú chân nằm trên một ngọn đồi, nó không sang trọng, bề thế như nhiều khách sạn khác. Nhưng bù lại, nó hướng mặt về phía đại dương. Địa điểm này thật sự lý tưởng cho khách du lịch vào mùa hè, còn mùa đông thì chỉ có những người đặc biệt hay những công việc đặc biệt người ta mới tìm đến đây nghỉ lại. Một người bạn thân đã cho tôi địa chỉ của nó. Tôi khá hài lòng nếu như bạn hàng của tôi không bắt tôi chờ bão tan rồi mới đáp máy bay đến ký hợp đồng.
THANH QUẾ(Chùm truyện mini)
TRẦN HẠ THÁP(thân tặng Ng.X.Hoàng)
TRẦN HẠ THÁP (tiếp theo)
VÕ THỊ ÁNH HỒNGTôi vừa chạy vừa gọi chị trong tiếng sóng rì rào và tiếng lao xao của dãy phi lao. Như không nghe thấy tiếng tôi, chị vẫn thẫn thờ nhìn về xa xăm, chờ đợi...
PHẠM NGỌC TÚYĐó là một cặp vợ chồng trông rất đẹp đôi và hạnh phúc. Chàng cao lớn, mặt vuông. Nàng mảnh khảnh, xinh xắn. Khi lấy nhau, họ ở nhà tập thể của cơ quan. Sau khi cơ quan dời đi chỗ khác, người được phân đất, kẻ được chia nhà, lần lượt dọn đi. Chỉ trừ chàng. Chàng vì cô mà ở lại.
PHẠM XUÂN PHỤNGXưa có một người nông dân chất phác cần cù, nhà ở gần bìa rừng, làm lụng đầu tắt mặt tối bao năm mới dựng được ngôi nhà tranh ba gian hai chái. Trước nhà có cái sân rộng dùng để phơi lạc, loại nông sản chuyên canh của dân trong vùng. Hai vợ chồng có mỗi mụn con trai nên thường chăm bẵm, những mong sau này có được dâu hiền, phúc nhà đến độ, may chăng cháu chắt đầy nhà là mãn nguyện.
NGUYỄN NGỌC LỢICây mai dáng trực đặt nơi khoảng sân lát gạch đỏ của toà nhà ấy đã làm xôn xao cả phố. Gốc cây mai to gộc, u bạnh của nó bám đầy địa y mốc xanh mốc trắng.
TRẦN THÙY MAIThấp thoáng trong văn Trần Thùy Mai là sự phô phang hình hài của linh tự. Những linh tự tủi buồn bởi hết thảy chúng đều được hoài thai từ “độ chênh” của những mối tình khó lần ra hồi kết. Điều đó khiến mỗi truyện ngắn của Mai như là một miếng hồng trần nhỏ nhắn - chị lặng lẽ vấy vá bằng sợi tầm ma trước mỗi rạng đông...
QUẾ HƯƠNGTôi băng qua đường để lên cầu Trường Tiền. Thằng Tí kéo tay tôi lại: “Cậu qua đường mần chi, xe cán chừ!”. Tôi cứ qua. Đám trẻ con đang chơi ở công viên trước mặt ném đá vào tôi. Tôi chạy lên cầu. Đám trẻ réo: “Ông điên! Ông điên!”. Tí chạy theo, vừa thở, vừa nắm tay tôi: “Ai bảo cậu qua bên ni, dắt cậu thiệt mệt!”.
NGUYỄN NGUYÊN PHƯỚC Vào một buổi tối mùa thu, Đinh Hoài Viễn, một nhà văn trẻ tuổi, một người hoàn toàn vô danh trong văn giới, trong khi bóc phong thư mới nhận được vào buổi sáng ngày hôm đó, đã phát hiện ra ở mặt sau cái phong bì rỗng ấy một văn bản kỳ lạ trong hình thức của một truyện ngắn không đề tên tác giả.
ĐỖ KIM CUÔNGQuán cà phê cây sứ của vợ chồng Tư Hiền nằm ngay mặt tiền con đường nhỏ dẫn ra biển. Quán không trang hoàng đèn xanh đèn đỏ, không quầy két, không người chạy bàn, chỉ dăm ba bộ bàn ghế nhựa rẻ tiền.
HƯƠNG LANNàng sống trong một ngôi nhà xưa, được xây cất từ đời ông cố của nàng, tính ngót nghét nó cũng hơn trăm tuổi. Ngôi nhà nằm giữa một khu vườn mênh mông.
LƯƠNG VĂN CHILGT: Nhà tù, nơi chưa mảy may cải hóa được người đàn ông từng trác táng trên nền đạo đức xã hội, nhưng... Truyện được thắt nút khi Thuần “lột trần” vẻ đẹp phồn sinh xuân thì để minh chứng cho những ham muốn nguyên khai của con người là có giới hạn. Không khiên cưỡng ở nhiều chi tiết nhạy cảm, không tục trần trên từng đường cong mỹ diệu... Kịch độc đã thật sự “tiêm” những rung cảm lạ lùng vào miền hoang mê của lương tri đồng loại.
GIAO CHỈ Bão tố thường nổi dậy từ biển khơi hùng vĩ và kể cả. Những hút gió sấn sổ táp xuống mặt đất bao la quăng dội, tàn sát điên cuồng cho hả những cơn giận dồn góp lâu dài.
NGUYỄN ĐẶNG MỪNG Những người thắt đáy lưng ongVừa khéo chiều chồng lại khéo nuôi con (Tục ngữ)