Minh họa: Phạm Đại
Chồng Bắc vợ Nam, chồng vợ trong ngoài song sắt nhà tù Mỹ - Ngụy, trên rừng dưới biển… ôm nhau mừng mừng tủi tủi. Thế là may mắn lắm rồi, còn bao nhiêu cặp vợ chồng cách nhau một thước đất mà gọi hoài có nghe tiếng nhau đâu! Anh tìm chị ở Nha Trang, không có, ở Phan Thiết không có. Ra Đà Nẵng, mất mười ngày long đong, tất tả ngược xuôi thì gặp chị ở khu tập thể Ban quân quản phường Minh Hiếu. Chị đang đứng giữa sân, tay ômmột đứa bé lên hai. Hình như chị đang nói gì với nó. Anh đứng sững lại ở cổng, ngực như bị kim châm hỏa đập mạnh. Ngày anh chị xa nhau hai người nào đã có con… Nhưng anh đã bước lên - từng bước chậm và chắc, “Tiến lên đi, không có gì đáng sợ cả” đó là khẩu hiệu của riêng anh suốt ba mươi sáu năm mặc áo lính. Chị chưa nhận ra anh- “Lại một ông nào đến ban quân quản đề nghị, hợp đồng, trách móc, kiện cáo chi đây”. Anh thấy chị rõ lắm. Chao ôi, chị vẫn trẻ, trắng xanh thế kia. -Lành! - Anh kêu khẽ. Chị mở to mắt nhìn. Chị lúng túng đặt đứa bé xuống đất, vừa sửa lại mái tóc vừa nhìn anh chằm chằm. Anh dừng lại, cúi xuống sửa lại quai dép. “Khỉ! Tại sao mình lại làm cái trò này nhỉ?” - Anh ngước lên. - Ơ! Trời! Chị nhận ra anh, kêu lên và đứng ôm mặt khóc. Anh chạy bổ tới, dang rộng tay ôm ghì lấy chị. Chị bỗng giật mình đẩy mạnh anh ra. Anh kinh ngạc, ngẩn ngơ… Chị ngẩng lên: “Ơ, chồng mình kia mà, chồng mình đó chớ ai!”. Thì ra đó là phản ứng tự vệ bản năng của chị - hai mươi mốt năm ròng có ai ôm ấp chị đâu! Chị sà vào ngực anh nấc lên: “Anh ơi!’ Sao lâu…thế?…” Ngày chia tay anh hứa với chị chỉ hai năm là gặp nhau thôi mà… Anh đưa chị về khu gia binh sư đoàn. Anh là đại tá tham mưu trưởng sư đoàn. Còn chị, ròng rã hai mươi mốt năm xa anh, chì vẫn là một cấp dưỡng của các binh trạm 17, 26, 34… Tin anh tìm được chị chỉ một ngày sau tất cả cán bộ, chiến sĩ trong sư đoàn đều biết đến chúc mừng. Sư trưởng Hùng, người đã cùng anh chiến đấu mười năm nay, đến chơi liên tục chín mười tối liền ông không giấu diếm tình cảm đặc biệt của mình đối với vợ chồng người cán bộ cấp dưới này. Một lần, ngần ngừ mãi, ông hỏi anh: “Hỏi thực, chị vẫn còn có thể… có con chứ?”. Anh mỉm cười: “Còn anh ạ. Cũng lạ… nhà tôi đã bốn sáu tuổi rồi!”. Sư trưởng nắm hai bả vai anh lắc lắc: “Tốt quá? Tốt quá!” Chị vẫn còn sinh nở được nhưng yếu sức lắm rồi. Mười sáu năm ở rừng chị nhiễm bệnh sốt rét kinh niên. Da chị xanh nhọt, tóc rụng nhiều, vàng ợt. Đêm đêm, anh ôm chị vào lòng. Chị lắng tai nghe nhịp tim anh còn khỏe không. Anh cũng đã già rồi, năm nay đã năm bảy tuổi chứ ít đâu. Rất nhiều lần chị ngước lên, thấy kề sát mình khuôn mặt già nua của anh, những nốt sầncủa tuổi già cùng với mồ hôi cộm lên…Chị ôm anh, sờ thấy da lưng anh trơn khô - những lớp tế bào chết ngày mỗi dày thêm. Chị thở dài, chỉ một năm nữa, nếu anh chị không có con, coi như hết. Tuổi sinh nở của phụ nữ mấy ai tới được tuổi năm mươi! Sáu tháng trôi qua, vẫn chẳng có dấu hiệu gì báo cho anh chị rằng sẽ có một đứa con. Anh mỏi mệt nhìn chị mỏng như tờ giấy, ngủ khó nhọc. Một đôi lần: chị kêu chóng mặt, buồn nôn. Và nôn thật. Nôn thốc tháo. Anh cuống lên, nhưng cũng khấp khởi mừng thầm… -Không phải đâu anh ạ. - Chị buồn rầu nói: - Em đã sáu lần ngộ độc chất độc hóa học của Mỹ thả dạo em còn ở “xanh”, từ đó em vẫn hay bị thế này! Cổ họng anh nghẹn tắc. Sư trưởng Hùng vẫn đến thăm anh chị thường xuyên. Ông hay nói về những bài thuốc bắc “kéo dài tuổi trẻ, hạn chế tuổi già”. Ông tự tay đánh xe ra viện 17 mời trung tá bác sĩ Lê Giàu, bạn chiến đấu của ông thời kháng Pháp, một chuyên gia có tiếng về khoa sản, vào khám bệnh cho chị. Bác sĩ Giàu là một người hiền lành, đa cảm. Nghe sư trưởng kể lại hoàn cảnh của anh chị, ông vui vẻ nhận làm một “bác sĩ riêng” cho chị. Ông tỉ mỉ kê đơn tất cả các loại thuốc có thể có trong thành phố này để chị uống, gia tăng thêm sức khỏe. Anh cầm thư giới thiệu và đơn thuốc của bác sĩ đi lùng khắp nơi và kiếm được không thiếu một thứ thuốc gì trong đơn kê, kể cả những thứ thuốc quý hiếm nhất. Đêm đêm, anh vẫn ôm chị vào lòng. Mỗi đêm trôi qua chị càng thấy sự bất lực của hai người trước hy vọng của mình. Có đêm chị đã để tay lên mũi anh, cố tình đánh thức anh dậy, rồi chị lại nằm ôm anh khóc. Chị đâu nỡ đày đọa anh như thế nếu trước khi chia tay anh kịp để lại cho chị một dứa con. Một đứa con! Thiếu nó mà nỗi nhớ thương xa xót của chị về anh suốt bao nhiêu năm đã tăng lên gấp bội. Những ngày ở rừng, cứ nghe tin có một đoàn cán binh nào sắp đi qua là chị lại thấp thỏm mong chờ. Mong chờ và ngồi khóc với bếp lửa rừng. Có một lần, dạo chị còn cấp dưỡng ở binh trạm 26, nghe tin anh đang nghỉ chân ở binh trạm 34, chị gói cơm, một mình cắt rừng, đi suốt hai ngày đêm. Đến nơi chị kiệt sức và xỉu đi vì người đàn ông tên Chi đó không phải chồng chị. Anh ấy đã cầm tay chị nói một câu mà chị không thể quên được: “Thôi chị về đi. Vui vẻ mà về chị ạ. Chị cứ coi như chị đã gặp anh ấy rồi. Và tôi, tôi cũng coi như đã gặp vợ tôi rồi. Chị ơi! Trong chiến tranh đôi khi cũng phải có những giả sử huyễn hoặc như thế để mà sống, để mà trụ vững được…”. Chị về cố gắng níu kéo cái niềm vui “giả sử” ấy để vượt qua 39 cây số rừng. Khu rừng chị đi qua vừa bị chất dốc hóa học dội xuống, lá rừng bắt đầu rụng. Chị chạy sấp ngửa và ngã sấp bên một con suối. Tỉnh dậy, chị gặp ngay ánh mắt người binh trạm trưởng: “Có… gặp không?”. Chị ứa nước mắt, khẽ gật đầu: “Gặp rồi”. Mới đó đã mười một năm… Có lẽ vì chất độc ma quỷ ấy mà chị không có con chăng? Câu hỏi đột ngột ập đến cuối ký ức của chị làm chị bất ngờ ngồi dậy, mồ hôi ướt đẫm. Nhưng cuối cùng chị đã mơ hồ nhận thấy hạnh phúc đã về với anh chị. Khi đó, chị ngước lên, vẫn khuôn mặt già nua của anh lấm tấm mồ hôi. Chị rơm rớm nước mắt. Tự nhiên chị khẽ rùng mình. Một cảm giác mát rượi chạy từ gót chân lên môi chị. Chị níu anh xuống, hôn đến nghẹt thở và chị òa khóc. Một chút ngơ ngác của anh. Mặc kệ. Chị rúc đầu vào nách anh, mỉm cười. Hạnh phúc đã thực sự đến với chị. Nhưng chị chưa thông báo cho anh hay. Chị phấp phỏng chờ đợi cho đến khi nó hoàn toàn chắc chắn. Một tháng sau, chị vén áo lên thấy hai núm vú của mình đã chuyển màu tím sẫm. Chị ngắm say sưa bầu vú của chì đang căng dần… lúc đó chị mới nở một nụ cười mãn nguyện.
Chị đổ bệnh, nôn và nhiệt độ tăng cao. Anh phải nghỉ việc một ngày. Trong sự mệt mỏi, nhức nhối của cơn bệnh, chị nhận ra đứa con thân yêu của chị đang thành hình. Đến ngày thứ ba, chị tỉnh dậy, ngồi tựa vào lưng anh thì thầm: - Em… đã… có… mang… Anh rú lên, ôm chặt chị, hỏi: - Có đúng không? Xem nào! - Xem gì kia? Vô duyên. - Chị đỏ mặt đẩy anh ra. Anh ngượng nghịu ngồi bên, ôm vai chị lắc lắc: - Đúng thế hả em? Chị không trả lời, lặng lẽ hôn lên đôi gò má cao gầy của anh. Đêm đó, anh ngồi hút thuốc cho đến sáng, chị giục anh mấy chục lần anh cũng chẳng chịu chợp mắt. …Cuối buổi giao ban hàng ngày, anh quay sang nói với sư trưởng: - Anh Hùng này, vợ tôi… có thai rồi? Sư trưởng Hùng ngửa người ra sau: - Thế hả? Có chắc không? Anh đã kiểm tra chưa? Anh cười, gãi đầu: - Tối biết thế nào mà kiểm tra. Vợ tôi nói thế… chắc đúng. Một tháng năm ngày rồi… Ông Hùng đưa tay giật giật cổ áo, mỗi lần xúc động ông thường làm thế -Tốt quá! Tốt quá rồi! Ông quay sang thông báo “tin mới nhận được trong ngày” cho các sĩ quan dự giao ban - Tin mới toanh: Đại tá Chi sắp có con! Mọi người ồ lên. Bắt tay. Bắt tay. Bắt tay. Cười. Cười râm ran. Anh cười… ứa nước mắt. Ngày sau đó, khu gia binh râm ran chuyện vợ chồng đại tá Chi sắp có con. Vợ các sĩ quan kéo đến chia vui với chị. Chị ngồi lặng lẽ nghe các chị đã có con bày vẽ cho cách giữ gìn thai: ăn thứ gì, kiêng thứ gì đi đứng, ngủ ngáy ra sao. Chị nghe rồi mường tựa thấy đứa con của mình: khôi ngô, bụ bẫm, nó chập chững lần thành giường đi về phía ba nó. Chợt nó kêu: “Pa! Pa!” và vẫy vẫy tay nhờ ba nó dắt qua một quãng khó đi… Tiếng người nói quanh chị nhỏ dần, quyện lại bồng bềnh trôi mơ màng như một bản nhạc nhẹ nhàng, êm dịu… Đêm khuya, khichị đã chợp mắt được một lúc, tỉnh dậy thấy anh đang lục lọi va li riêng của mình. “Tìm gì vào lúc này nhỉ?”. Chị nghiêng người nhìn anh. Anh ngẩng lên, hớn hở: - Đây rồi! Anh chìa cho chị xem tấm ảnh của anh thời còn bé: - Thằng con của chúng ta sẽ giống như tôi… như thế này. Chị lườm anh: - Biết là “thằng” hay “con” mà đã… Anh ngẩn người “ờ nhỉ! ” rồi cười xòa. - Nhưng thế nào nó cũng giống tôi. Tháng sau, tháng sau nữa… Chị bắt đầu đi lại khó khăn. Da chị đã xanh càng tái xanh hơn. Anh tích cực bồi dưỡng cho chị. Sư trưởng Hùng tặng chị một lít lật ong trộn rượu trắng với lòng đỏ trứng gà. Bác sĩ Giàu vẫn thường xuyên đạp xe đến thăm thai cho chị. Chị đang sống trong thời kỳ sung mãn nhất của hạnh phúc thì đột nhiên đổ bệnh. Lần này nặng hơn, đến nỗi sư trưởng Hùng có đêm phải thức trắng với anh ngoài hành lang phòng hồi sức. Bác sĩ Giàu trực tiếp chạy chữa cho chị, ông nhận thấy khát vọng của chị đã trở thành nhiệm vụ khắc nghiệt đối với ông. Bệnh của chị khá trầm trọng. Không chỉ suy dinh dưỡng thiếu máu vì tuổi già như một số ca bệnh thường gặp, chị còn có một căn bệnh đáng sợ hơn, đấy là chất điôxin của chất độc màu da cam đã ngấm toàn thân chị. Tất cả các bảng phân tích hóa nghiệm về chị đã cho ông khẳng định như vậy. Cố nhiên điều này thì ông giấu mọi người ông bình tĩnh chống trả quyết liệt với căn bệnh nguy hiểm của chị. Tin tưởng vào tay nghề của mình, không bao giờ ông mất hy vọng. Và rồi chị cũng đã khỏi bệnh. Chị ra viện, tuy có yếu hơn, vàng vọt hơn. Khi sắp đến ngày sinh nở hầu như chị đi lại không vững nữa. Anh dành tất cả thời gian rảnh ở bên chị. Anh trở thành cái nạng chống thực sự của chị. Chị mỗi ngày mỗi mệt nhọc, uể oải hơn nhưng trên nét mặt vẫn không hề giảm đi niềm hân hoan của một phụ nữ đến cuối kỳ sinh nở bỗng nhiên có một đứa con. Đêm anh vén áo chị lên, ghé tai nghe tiếng đập của con mình. Anh nghe một cách nghiêm túc và kiên nhẫn. Rồi anh nằm xuống, ngó lên cái lục lạc treo ở trần nhà. Cái lục lạc đã theo anh mười bốn năm nay khắp tất cả các chiến trường. Một người bạn chiến đấu trước lúc hy sinh đã trao lại cho anh: “Cứ mỗi lần thắng trận mày lại rung lên cho tao nghe thấy, tao mừng”. Anh dã làm theo lời dặn đó chưa lúc nào quên. Cái lục lạc làm bằng sừng dê, được chuốt, chạm trổ bằng bàn tay nghệ nhân, mỗi lần rung lên nghe như tiếng trẻ con cười. Sau ngày toàn thắng nó được treo ở trần nhà. Ngày mai, thằng con anh - không hiểu sao anh cứ nghĩ đó là “thằng” - lớn lên, chỉ cần một tuổi thôi là anh đã giao lại cái lục lạc cho nó rồi. Nó có nghĩa vụ phải giữ gìn cái lục lạc cho hết đời mình. Để khi bố mẹ nó đã yên nghỉ dưới “suối vàng”, mỗi lần thành công được một việc gì, nó phải rung lên cho bố mẹ nó mừng… Anh lại nhổm dậy, vén áo chị, ghé tai nghe tiếng con mình. - Thôi mà!- Chị dịu dàng phản đối: - Anh làm phiền con quá. Anh không chịu: - Yên nào! Để anh xem con nó có ý kiến gì không? Chị phì cười. Rồi chị cũng tự nhiên tò mò. - Nó có “ý kiến” gì không? Anh ngẩng lên, đáp tỉnh khô: - Không. Nó nhất trì hoàn toàn. Nhưng tại sao anh lại nghe “te- è, te- è”… hay nó đang thổi kèn? Chị đập khẽ vào vai anh: - Ông già ơi… ma bắt ông đi cho rồi. Anh cười khà: - Ngày mai anh sẽ giao cái lục lạc cho nó, nó khỏi cần phải thổi kèn mệt Và anh ôm hôn chị. - Lão già này sẽ hỏi vợ cho thằng con lúc nó mười sáu tuổi. - Lại “thằng”. Nhất định là “thằng”lão già này đã nằm mơ thấy lão và con lão đến nhà bố vợ nó rồi! *** Ngày đứa trẻ ra đời đã đến. Chị run rẩy bước vào phòng hộ sinh. Hai nữ y tá dìu chị từng bước một lên bậc tam cấp. Bác sĩ Giàu đứng chờ ở cửa, ông trực tiếp đỡ đẻ cho chị bởi vì ông biết chắc đây là một ca đẻ khó. Sau lưng chị là anh, sư trưởng Hùng và gần sáu mươi sĩ quan cùng sư đoàn. Họ hồi hộp ngóng theo bóng chị. Bác sĩ Giàu khép cửa, ông giơ tay chào, ra hiệu cho mọi người “cứ yên tâm”. Một giờ… hai giờ… ba giờ,.. Anh đã uống liền mấy cốc nước đầy. Sư trưởng Hùng thỉnh thoảng lại đưa tay rung rung cổ áo. Một vài sĩ quan ghé tai vào khe hở căn phòng chờ nghe tiếng trẻ khóc. Bốn giờ… năm giờ… một nữ y tá mở cửa bước ra, lập tức chị bị giữ lại: - Ra sao rồi? - Chị Lành sinh rồi. - Chị y tá mỉm cười, nói run run - Con trai - A! Hoan hô! Mọi người nhẩy lên. Sư trưởng Hùng ôm lấy anh lắc rất mạnh. Anh quay cuồng trong niềm vui sướng tột độ. Chợt anh nghĩ đến cái lục lạc mà anh nhớ mang theo khi đem chị vào vào viện… Trong phòng hộ sinh. Chị nằm lịm đi sau khi đã hỏi “trai hay gái” và mỉm cười sung sướng được bác sĩ Giàu cho biết: con chị là con trai. Đứa bé đã được đưa sang phòng hồi sức thai nhi. Người hộ sinh già đang “tắm” cho thai nhi trong bể nước hấp nhiệt. Bác sĩ Giàu đứng dựa vào tủ thuốc thở dốc. Điều mà ông cố gạt đi trong tiềm thức có lý của ông đã đến… Đứa bé là một con người dị dạng! Chân trái cháu bị bẻ gập ra sau, cứng ngắc. Mặt cháu bị bóp méo đến ghê gớm: mí mắt trái phình ra rất lớn kéo xuống bịt kín toàn bộ gò má. Môi dưới cháu cũng phình to, trệ xuống quá cằm. Không! Tạo hóa không tàn nhẫn như vậy. Chỉ có chất độc màu da cam đã ngấm với nồng độ rất cao trong cơ thể người đàn bà tội nghiệp kia mới gây ra như thế. Người hộ sinh già làm việc với một thái độ điềm tĩnh kỳ lạ. Tự nhiên ông thấy ghét người hộ sinh kia. Ông cảm thấy bức bối, khó thở: - Nước! Cho tôi ly nước. Ông kêu to. Một trợ tá từ phòng trực vội vàng cầm ly nước bước vào. Đi ngang qua đứa bé, chị đứng sững lại giật lùi… Choang! Ly nước vỡ tan tành. Chị ngồi thụp xuống, lặng lẽ ngước lên nhìn bác sĩ Giàu. Ông không nói gì, khẽ thở dài, đi về phía cửa sổ. Ông mở hé cửa nhìn ra. Ngoài sân, mấy chục người lính đang quay tròn bên bố của đứa bé mới sinh. Anh đang giơ cao cái lục lạc rung rung, nói như reo: - Tôi sẽ hỏi vợ cho nó lúc mười sáu tuổi. Tiếng lục lạc vang lên, nghe như tiếng trẻ con cười. Huế, tháng 10 năm 1984 N.Q.L (12/4-85) |
NGUYỄN THỊ ANH ĐÀO
21 giờ đêm, tôi rời khởi phòng làm việc sau một ngày. Từ tầng sáu của tòa nhà nhìn xuống, khu phố Loan bắt đầu lên đèn.
TRẦN THÚC HÀ
Tặng H.V.T
Cha ông, là một nhà tạc tượng có tiếng ở chốn Thăng Long. Năm 1397 dưới triều Trần Thiếu đế, Hồ Quý Ly cho xây thành Tây Đô, cha ông được mời đến khắc chạm nội thất trong điện tiền.
LÊ THỊ HOÀI NAM
Mười một giờ! Mười một giờ ba mươi! Mười hai giờ! Thư vẫn chưa về. Hôm nay là ngày nghỉ của cô ấy? Trước đây, mấy khi anh để ý đến chuyện đi về của vợ nhưng mỗi lần về muộn, Thư đều báo trước. Bây giờ cô ấy đi đâu? Hay lại...
NGUYỆT CHU
1.
Buổi chiều.
Trại trẻ mồ côi.
Trong phòng chờ khách.
TRẦN BĂNG KHUÊ
1. Nàng bứt rứt ngồi xuống chiếc ghế gần giá sách nhỏ của Gloria J. Chỉ có lèo tèo một vài quyển, còn lại là các tờ bướm quảng cáo du lịch, hay offer café, nhà hàng nào đó đang giảm giá vài chục phần trăm rải rác trên thành cửa sổ.
NGUYỄN ĐẶNG THÙY TRANG
PHẠM NGỌC TÚY
Lúc tôi đẩy cánh cửa bước vào nhà, ba tôi đang ngồi trầm tư trong ghế bành, bên lò sưởi cháy đỏ rực rỡ. Những ngọn nến được thắp lên làm sáng tỏ căn phòng, thứ ánh sáng mập mờ hư ảo.
LỮ MAI
- Chú nói với mày một bí mật…
- Thím Dinh ngoại tình phải không?
DIỆU PHÚC
Ta nguyên thân là nước mắt của thần. Vì là nước mắt của thần, mang đầy linh khí, nên khi rơi xuống trần, chẳng thể tiêu tan.
PHẠM GIAI QUỲNH
Họ tập hợp ở cảng Cá Mập của thị trấn S. Thị trấn này nằm bên Địa Trung Hải, nhỏ và hầu như không mấy xuất hiện trong tầm mắt của các du khách có mong muốn thám hiểm hoặc vãn cảnh. Bởi ở đây không có gì ngoài cá và muối.
ĐINH NGỌC TÂM
Cái bóng xuất hiện ba lần mỗi ngày. Buổi sáng đó là một vệt mờ in trên trần nhà và vách tường bên phải. Một vệt mờ ẩn rồi hiện, đậm rồi nhạt.
TRẦN BẢO ĐỊNH
1.
Lão ngồi tựa lưng ngôi mộ cổ dưới tán lá cây me đại thụ, mắt lim dim. Buổi trưa, giồng Tân Hiệp buồn thiu theo từng cơn oi bức của cái nóng hầm hập nắng cuối mùa.
NGUYÊN QUÂN
Khu chợ, những ki ốt bê tông vươn mặt ra phía con suối rộng cả trăm mét, đang cuồn cuộn dòng nước đục ngầu. Đứng ở vị trí này, tì hai tay xuống vai chiếc cầu hiện đại vắt ngang suối, có thể duỗi tầm mắt nhìn suôn suốt đến tận dãy núi cao vút đầu nguồn. Khe Tre là đây. Khe Tre đầy những câu chuyện đường rừng huyền hoặc của thằng Ngạn là đây sao.
CUNG TÍCH BIỀN
Dòng họ Trần Liêu vào định cư ở bờ Bắc sông Thu một thời gian lại gặp chuyện chẳng lành.
NGUYỄN THỊ DUYÊN SANH
Duy chợt mở bừng mắt vì tiếng đập lùng bùng của mấy tấm phên liếp. Anh nhìn ra ngoài. Trời xám đục một màu chì, chẳng biết còn sáng sớm hay đã xế chiều.
NGUYỄN HẢI TRIỀU
1.
Đường ra bến đò cuối làng Phú Đông ngày xưa không vắng hoe như bây giờ đâu. Cái bến đò còn đông đúc người qua lại.
LÊ MINH PHONG
Có một kẻ hành khất già nua đi bán thơ dạo dừng lại trước cổng nhà tôi. Và tôi biết ông ấy đi ra từ một giấc mơ nào đấy của cha tôi. Cha tôi thường mơ tới những giấc mơ lạ kỳ. Những giấc mơ không giống bất kỳ một giấc mơ của ai khác.
TẠ BẢO
Hôm chú tôi đi bộ đội, trong lúc liên hoan chú cao hứng tuyên bố trước cả nhà: "Chết xanh cỏ, sống đỏ ngực".
NGUYỄN NHÃ TIÊN
Đường lên núi Quèn tràn ngập sắc hoa đào. Màu hồng phấn trên những cánh rừng đào phai lớp lớp mái xuôi nghiêng xoay tròn hình chóp, đẹp đến nỗi mây trắng dặt dìu bay qua đỉnh núi cũng ửng lên màu ráng hồng hư ảo quang chiếu cả bầu trời Tam Điệp.
LTS: Nhà thơ Mỹ Dạ chuyển cảm hứng sang viết kịch bản phim và truyện ngắn sau thời thiếu nữ đã đoạt giải nhất thơ Báo Văn Nghệ 1973 và tập thơ "Bài thơ không năm tháng" được giải thưởng của Hội Nhà Văn Việt Nam -1983. Tự khám phá khả năng trong thể loại mới đâu dễ thành công, riêng gì với nữ sĩ. Vậy mà Mỹ Dạ đã có truyện "đầu tay" sau khi ra đời 3 tập thơ. SH xin trân trọng giới thiệu ngõ ngách "tâm hồn khác" của nàng thơ mượn văn xuôi làm sáng tỏ mình.