Thời thơ mới bàn về thơ mới

15:09 03/06/2008
Trong lời Nhỏ to... cuối sách Thi nhân Việt   (1942), Hoài Thanh - Hoài Chân viết:  “Tôi đã đọc một vạn bài thơ và trong số ấy có non một vạn bài dở. Nếu làm xong quyển sách này, mà không chê chán vì thơ, ấy là điều tôi rất mong mỏi”.

Đây mới chỉ nói về việc bao quát tư liệu, thẩm định và chọn lựa tác phẩm thơ ca. Còn một nội dung quan trọng khác nữa là hai ông đã theo dõi sát sao quá trình phát triển của phong trào Thơ mới trên cơ sở cứ liệu phê bình và tranh luận văn học - những cuộc đăng đàn diễn thuyết; những bài điểm sách, đọc sách, bình luận; những bài tựa, bạt; những cuộc luận chiến giữa nhiều người và nhiều phái; những bước tổng kết qua từng năm, từng chặng đường và cả chuyên khảo về từng tác giả hay khảo sát một số đặc điểm nội dung cũng như nghệ thuật Thơ mới đương thời. Nói khác đi, cùng với tiếng đàn đồng điệu trác tuyệt qua lời bình về từng thi nhân thì lời dẫn Một thời đại trong thi ca của Thi nhân Việt Nam chính là đã được chưng cất trên nền tảng những kiến giải sâu sắc về Thơ mới, thực hiện cuộc tổng duyệt thành công mỹ mãn và tương xứng với một mùa bội thu thơ ca.
Một thời đại vừa chẵn mười năm”! Chính Hoài Thanh - Hoài Chân đã tổng kết một cách xuất sắc lịch sử cả một thời đại thơ ca, kể từ cội nguồn mầm triệu trước đó cho đến khi Thơ mới đi vào giai đoạn thoái trào, chung cuộc, vào đúng khoảng thời gian cuối năm 1941, khi tác giả đặt dấu chấm hết cho công trình của mình. Tuy nhiên, từ điểm nhìn văn học sử có thể nói hào quang Thơ mới còn le lói suốt từ 1942 (thời điểm in Thi nhân Việt Nam) đến gần Cách mạng Mùa Thu 1945, với bước đi cuối mùa của nhóm Xuân Thu nhã tập, Thơ Hàn Mặc Tử (1942), Nguyễn Bính in Mười hai bến nước, Mây Tần, Người con gái ở lầu Hoa (1942), Vũ Hoàng Chương in Mây (1943), Tế Hanh in Hoa niên (1944), Xuân Diệu in Gửi hương cho gió (1945); nhiều bài luận bình, trao đổi về Thơ mới tiếp tục được in trên các báo, tạp chí như Thanh nghị, Tri tân (1941 - 1945), Nam Kỳ tuần báo (1942 - 1945) và các chuyên luận như Hàn Mặc Tử của Trần Thanh Mại (1942), Cuộc tiến hóa văn học Việt Nam của Kiều Thanh Quế (1942), Tú Mỡ của Lê Thanh (1942), Việt Nam thi ca luận của Lương Đức Thiệp (1942)... Cũng từ điểm nhìn văn học sử sẽ thấy rõ những luận bình về Thơ mới được trích dẫn trong Thi nhân Việt Nam là tiếng nói của người trong cuộc, người đương thời - thì đến lượt mình, chính công trình tổng thành Thi nhân Việt Nam cũng là tiếng nói “thời Thơ mới bàn về Thơ mới”! Điều này cũng có nghĩa là cần chú ý hơn nữa việc đặt Thi nhân Việt trong bối cảnh phong trào Thơ mới, trong tiến trình nghiên cứu Thơ mới ngay buổi đương thời.
Phải ghi nhận một thực tế khách quan là thành công của Thi nhân Việt Nam chính là đã tựa trên nền tảng một đời sống học thuật thực sự cởi mở, dân chủ - tất nhiên trên lĩnh vực thơ ca. Ở đây thực sự đã diễn ra không khí “trăm nhà đua tiếng” với sự nhập cuộc bình đẳng của tất cả các phái mới - cũ, trong Nam - ngoài Bắc, giới sáng tác - phê bình... mà trọng tài ghi nhận cuối cùng chính là sự thắng thế tuyệt đối của trào lưu Thơ mới. Tất nhiên công việc đánh giá toàn cảnh bức tranh lịch sử phong trào Thơ mới đòi hỏi phải tìm trở lại những tài liệu nguyên gốc, những tiếng nói ban sơ thực sự là của “thời Thơ mới bàn về Thơ mới”; bao gồm tất cả những ý kiến đề xuất, tựa, bạt; những cuộc luận chiến, đấu tranh nảy lửa về quan niệm Thơ Mới - Cũ; những bài đọc, điểm, luận bình các tập thơ; và thêm nữa là các tiểu luận, khảo cứu chuyên sâu về đội ngũ tác giả, các trào lưu, các vùng văn học, các sắc thái nội dung và hình thức thể loại (với những đóng góp nổi bật của Thiếu Sơn, Lam Giang, Hoài Thanh - Hoài Chân, Lê Thanh, Lương Đức Thiệp, Trần Thanh Mại, Kiều Thanh Quế...).
Để nhấn mạnh thêm tầm quan trọng của tiếng nói lịch sử “thời Thơ mới bàn về Thơ mới”, chúng tôi điểm lại một vài khía cạnh nội dung và sự kiện liên quan:
1. Có thể nói mầm triệu Thơ mới đã khởi nguồn từ ngày nhà văn hóa Phạm Quỳnh (1892 - 1945) ý thức được những hạn chế của lối thơ cũ và dự cảm yêu cầu một sự đổi thay: “Người ta thường nói thơ là tiếng kêu tự con tâm. Người Tàu định luật nghiêm cho nghề làm thơ thực là muốn chữa lại, sửa lại tiếng kêu ấy, cho nó hay hơn, trúng vần trúng điệu hơn, nhưng cũng nhân đó mà làm mất đi cái giọng thiên nhiên đi vậy” (Bàn về thơ Nôm - Nam Phong, số 5, tháng 11 - 1917; tr. 293 - 297). Thế rồi trải qua thử nghiệm của Tản Đà, Trần Tuấn Khải, Tương Phố - những người tưởng đã một tay chạm được vào Thơ mới, phải chờ đến Phan Khôi, Lưu Trọng Lư, Thế Lữ xuất hiện thì dòng Thơ mới mới thật sự định hình.
2. Trong Thi nhân Việt Nam, Hoài Thanh - Hoài Chân có trích tuyển bài Tiếng thu và một lời bình thảng hoặc xa xôi: “Cảnh mộng có khi cũng có màu sắc như chiếc cáng điều lững thững trên sườn núi hay con nai vàng ngơ ngác trong rừng thu”. Song cũng ngay từ trước 1945, Kiều Thanh Quế (1914 - 1947) đã dẫn giải rõ trong bài Thi sĩ Lưu Trọng Lư với “Tiếng thu”: “Nhưng du dương nhứt, réo rắt nhứt và tượng trưng nhứt, có lẽ là khúc Tiếng thu tuyệt vời (...). Giá trị của bài Tiếng thu này, là ngoài việc phác được một âm thanh du dương, một nhạc điệu réo rắt, còn tượng trưng được một bức họa chấm phá : một bức thủy mặc Tàu, một tấm Kakemono Nhựt cũng nên!
Một tấm Kakemono Nhựt thì có lẽ đúng hơn! Vì tôi đã may mắn tìm ra được một tấm tranh Nhựt có những nét chấm phá hệt như bức họa Tiếng thu của Lưu Trọng Lư. Xin trình bày dưới đây, để tặng thi sĩ họ Lưu và để hiến tất cả độc giả từng nâng niu tập thơ Tiếng thu (Lược bản phiên âm - NHS)...
Bài thơ Nhựt ấy, tôi bất tài, không thể dịch y nguyên tác ra quốc văn nổi. Còn thoát ý nó, lại là việc thừa.
Vì trước tôi, Lưu Trọng Lư đã thoát ý nó, viết nên bài Tiếng thu rồi.
Vậy để làm quà cho những bạn hiếu kỳ, tôi chỉ xin chép hai bản Pháp văn của bài thơ Nhựt ấy (Lược hai bản dịch Pháp văn - NHS) (Tạp chí Tri tân, số 138, tháng 4 - 1944).
Tuy nhiên, Kiều Thanh Quế không cho biết xuất xứ. Nay xin nói thêm, bài thơ này từng được dẫn với đầy đủ nguyên bản tiếng Nhật, phiên âm, dịch nghĩa và dịch thơ trong tập Le problème de la poésie Japonaise, Paris , 1938; tr. 38 - 39 (Tư liệu do cụ Nguyễn Hữu Đang cung cấp. Nhân đây xin cảm ơn cụ)...
3. Chúng ta đã biết cuộc luận chiến Mới - Cũ diễn ra quyết liệt song cũng cần biết kỹ hơn vai trò diễn đàn Phong hóa với các bỉnh bút như Nhất Linh (Thế nào là Thơ mới, số 36 - 1933; Nguyễn Thế Lữ - một nhân vật mới trong làng Thơ mới, số 54 - 1933; Sự cân nhắc chữ trong Thơ cũ và Thơ mới, số 68 - 1933...); Thạch Lam (Những lời phê bình đáng phê bình của một nhà phê bình phê bình một nhà phê bình, số 126 - 1934; Cuộc điểm báo, số 127 - 1934...)
Rồi những bài tường thuật của Ngộ Không (Một cuộc diễn thuyết ở Sài Gòn - vấn đề “Thơ mới... và Thơ cũ”, số 135 - 1935; Hanh, Kiêm tỉ thí lôi đài (chỉ Nguyễn Văn Hanh và Nguyễn Thị Kiêm - NHS chú), số 136 - 1935...).
Rồi còn khoảng chục bài đọc sách (1934 - 1935) của Lê Ta phân tích cái hay cái dở mọi nhẽ qua các tập thơ của Nguyễn Lan Sơn, Nguyễn Vỹ, Đức Văn, Nhuệ Thủy, Huy Thông, Thao Thao, B. Blan, Xuân Thiện, Tchya... Mới biết ngay từ buổi đầu Thơ mới cũng có sự phân hóa, đan xen tốt - xấu, hay - dở, cao - thấp, khen - chê, chứ không hề mát mái xuôi chèo.
4. Cũng cần phải nói thêm, trước khi Thi nhân Việt Nam ra đời, trước đó Hoài Thanh đã cho in bài viết Thơ mới trên Tiểu thuyết thứ Bảy (số 31, 29-12-1934) và phần đầu khảo luận Một thời đại trong thi ca với tựa đề Nguyên nhân sâu xa của phong trào Thơ mới trên Tạp chí Tri tân (số 25, tháng 11 - 1941)..v..v.. và ..v..v..
Dẫn dụ lại vài tư liệu trên đây, tôi muốn nhấn mạnh thêm rằng câu chuyện phong trào Thơ mới vẫn còn ẩn chứa biết bao sự kiện, bao nhiêu khía cạnh, bao nhiêu mảng màu và chi tiết thú vị. Một phong trào Thơ mới hẳn sẽ hiện lên một cách hoàn chỉnh, sắc nét, sinh động hơn nữa nếu chúng ta sưu tập được đầy đủ ý kiến của những người trong cuộc, người đồng thời - “thời Thơ mới bàn về Thơ mới”. Qua thời gian và những biến động lịch sử, công việc sưu tập này ngày càng trở nên khó khăn hơn. Trước mắt, xin kỳ vọng vào dịp kỷ niệm 70 năm phong trào Thơ mới (1932 - 2002), chúng ta sẽ có dịp tiếp xúc với một phần bộ tư liệu Thời Thơ mới bàn về Thơ mới...
Hà Nội, 1998 - 19.11. 2000

NGUYỄN HỮU SƠN
(nguồn: TCSH số 153 - 11 - 2001)

Đánh giá của bạn về bài viết:
0 đã tặng
0
0
0
Bình luận (0)
Tin nổi bật
  • LGT: Chuyên luận “Thơ như là mỹ học của cái khác” của Đỗ Lai Thúy nghiên cứu diễn trình thơ Việt từ 1946 đến nay thông qua sự chuyển đổi hệ hình mỹ học thơ từ tiền hiện đại sang hiện đại chủ nghĩa rồi hậu hiện đại.

  • NGUYỄN MẠNH TIẾN

    [Diễn giải về phê bình hiện tượng học văn học Lê Tuyên]

  • NGUYỄN MẠNH TIẾN

    “Sự định cơ cấu đã trở nên cái phần cám dỗ nhất của phê bình”
                             Đ.L.V

  • NGUYỄN QUANG HUY

    Nỗi buồn sáng tạo dẫn đưa nghệ sĩ đi vào bề sâu cho tới khi nó tìm thấy trong vô thức mình cái nguyên tượng có khả năng bù đắp lại cao nhất sự tổn thất và què quặt của tinh thần hiện đại.
                                                           (C. G. Jung)

  • ROLAND BARTHES

    (Nguồn: Roland Barthes. Essais critiques. Seuil, 1964, tr. 246-251)

  • THÁI VŨ

    Thiệt tình khi cuốn Những ngày Cần Vương chưa ra mắt bạn đọc, tôi chưa muốn có ý kiến, vì cuốn Huế 1885 chỉ là phần đầu khi phản ánh một giai đoạn lịch sử mất nước do triều Nguyễn gây nên với bao nỗi đắng cay, đau xót của mỗi người dân Việt Nam ta lúc đó, đâu chỉ riêng gì của người dân xứ Huế - Bình Trị Thiên.

  • Nhà văn Nguyễn Mộng Giác vừa qua đời lúc 10 giờ 15 phút tối ngày 2 tháng 7 năm 2012. Tạp chí Sông Hương vừa nhận được bài viết của nhà phê bình Đặng Tiến, xin giới thiệu cùng bạn đọc, như một nén nhang tưởng niệm…

  • Ta sẽ khởi đầu bằng những gì xưa nay vẫn là nổi tiếng nhất của thơ Đinh Hùng, gần như đương nhiên được coi là đặc trưng Đinh Hùng nhất. Để từ đó thấy được nét độc đáo đầu tiên, cũng đồng thời là sự trớ trêu đầu tiên (cạm bẫy đầu tiên; bởi vì thơ Đinh Hùng là thơ của cạm bẫy trùng trùng tiếp nối; thơ ấy rất đáng sợ): nổi bật không hề là đặc trưng.

  • TÂM VĂN

    Hàn Phi tử - Pháp gia thời Chiến quốc viết rằng: “Văn hữu lại tuy loạn nhi hữu độc thiện chi dân, bất văn hữu dân loạn nhi hữu độc trị chi lại, cố minh chủ trị lại bất trị dân”.

  • VŨ XUÂN TRIỆU

    Là một cây bút có tên tuổi của văn đàn dân tộc tuy nhiên tác phẩm của Vũ Bằng lại gặp khá nhiều trắc trở trên con đường đến với bạn đọc. Mãi sau này khi nhà văn từng mang tiếng “dinh-tê” này được công nhận là một chiến sĩ công báo hoạt động trong nội thành, thì các tác phẩm của ông mới dần dần được công bố.

  • TRẦN ĐỘ
          (Trích)

    … Bây giờ ta mạnh dạn bước sang bàn một vấn đề còn khó khăn hơn: "Bản sắc dân tộc trong văn hoá Việt Nam là gì?" hay "Bản sắc văn hoá của dân tộc Việt Nam là gì?".

  • NHẬT CHIÊU

    Thơ Haiku của Nhật Bản là một phần tài sản trong kho tàng văn hóa Á Đông vĩ đại và giàu sang. Chúng ta là người thừa tự nền văn hóa ấy nhưng còn chưa khai thác di sản của nó đúng mức như nó xứng đáng. Nhiều thành quả và tinh hoa của nó còn chờ đợi chúng ta.

  • RAMAN SELDEN

    Những nhà văn và độc giả nữ luôn phải làm trái ngược với thói đời. Nhà triết học Aristotle tuyên bố rằng: “Đàn bà là đàn bà bởi một sự thiếu thốn nhất định về những phẩm chất”, và Thánh Thomas Aquinas tin rằng “phụ nữ là một người đàn ông không hoàn hảo”.

  • PHẠM XUÂN NGUYÊN

    Tiểu thuyết ngày nay đang đi tìm những câu trả lời cho những vấn đề chưa được giải quyết của thực tại, nhưng bản thân sự tìm kiếm tinh thần trong tiểu thuyết trước hết phụ thuộc vào chiều sâu của sự nhận thức các vấn đề đó, vào sự tỉnh táo của người nghệ sĩ khi đứng đối mặt với những mâu thuẫn của cuộc sống hiện thực.

  • LGT: Phong trào đô thị là một mũi giáp công chiến lược không thể tách rời trong cuộc kháng chiến chống Mỹ xâm lược do Đảng lãnh đạo bắt đầu từ Hiệp định Genève ký kết (20 - 7 - 1954). Sẽ không có một cái nhìn đầy đủ và toàn diện lịch sử Việt Nam giai đoạn 1954 – 1975 nếu không có một công trình nghiên cứu nghiêm túc về phong trào đấu tranh chống Mỹ tại các đô thị miền Nam nói chung, tại Huế – miền Trung nói riêng.

  • INRASARA

    1. Toàn cầu hóa là một hiện thực diễn ra trên phạm vi toàn thế giới, từ hai thập kỉ qua. Một hiện thực lồ lộ trước mắt ta, bên cạnh ta, ngay trong nhà và ở chính bản thân ta, dù ta là công dân ở đất nước tiên tiến hay dù ta chỉ là một thành phần thuộc sắc dân thiểu số cư trú vùng sâu vùng xa trong một đất nước đang phát triển chưa qua giai đoạn hiện đại hóa.