BẠCH LÊ QUANG
1.
Trà nương Nguyên Xuân nhìn xa, nhìn thật xa, nơi có mấy dặm sơn khê mây phủ... Nắng chiều phủ bóng mảnh vườn hong hanh mùi hương Nguyệt Quế sau mưa, sau những dòng tuế nguyệt thênh thang ở xứ này, hai mùa mưa và nắng.
Minh họa: TÔ TRẦN BÍCH THÚY
Mưa thì khốc liệt, nắng thì gần như... nghe những tàn phai. Mà tàn phai luôn là thật. Thật như những hòn than trong bếp củi ngày nào và mới đó, nơi đại ngàn kiêu hãnh cùng gió cả, gầm vang khúc phiêu bồng chốn thủy tận sơn cùng nay trở về nằm yên, mệt mỏi thở dài, chờ khoảnh khắc của một kiếp tàn tro. Lửa vẫn nhảy múa điệu luân hồi mênh mang trong bếp lửa côi cút của trà nương Nguyên Xuân buổi giã kinh thành về với chốn xưa, nơi một nhan sắc thoáng bóng xuân thì đã từ đó ra đi.
Thuở đó, Kim Long của nàng vẫn xanh một màu xanh rộng rãi, vẫn còn nguyên dấu hài những bậc vương tôn công tử, áo xiêm lũ lượt, vén mây cưỡi hạc, mong tìm một chồi non lộc biếc để đôi khi trong thẳm sâu tâm đắc thì có thể về thưa với mạ mà “Trăm năm tính cuộc vuông tròn”... Hôm đi, mạ Nguyên Xuân cũng là một trà nương bậc thầy xứ kinh kỳ, mạ thức suốt ba đêm dặn dò... Triều đình là chốn long đàm hổ huyệt, giữ mình được chút nào hay chút ấy. Nhẫn là thành sự của muôn đời. Tài đến từ tâm. Tâm sáng thì tài tự nhiên vận hành thông suốt. Nghe dặn, lòng trà nữ chuẩn bị vào triều càng thao thức nỗi niềm riêng không muốn tỏ bày.
Buổi trước, ở Hồng Nhan Trà, quán trà mà mạ mở bên dòng Hương khi trở về từ cung cấm, trà nữ Nguyên Xuân đã chia tay với một khách thương hồ vấn vương duyên nợ. Duyên nợ với trà, với Hương Giang thơm màu cổ tích, với hồng nhan buổi giang hồ dừng bước. Nắng buổi ấy bỗng nhuốm màu quan san dù sông vẫn chưa thu để xanh một màu xanh ly biệt. Nguyên Xuân không khóc nhưng lòng sóng sánh như tiếng đàn bầu chùng buông những cung bậc cuối cùng thổn thức điệu chia ly. Sáng ấy là ngày rằm, sương sớm vẫn còn dày đặc như một lời tâm sự chưa hết với dòng sông. Tiếp lệ dâng trà cho dòng sông ngày rằm, ngày mồng một của những người Huế sống bên cạnh dòng sông linh hiển tự ngàn năm, trà nữ Nguyên Xuân đã dậy từ rất sớm, sớm hơn cả tiếng chuông Linh Mụ, tiếng chuông vọng thuở kinh kỳ sơ khai màu nguyệt bạch, tiếng chuông mà người ở đây hay nói với nhau, rằng đó là một thứ âm thanh có công phu điểm tâm cho trí và hồn người Huế được mãi tĩnh yên cho một ngày đang sắp sửa.
Trà nữ dậy sớm để đem nước về pha trà. Đó là những giọt nước như vẫn còn đâu đó trên những tán lá sen hồ Tịnh mà đêm qua sương xuống và nắng chưa kịp mang đi... Với mạ, với những trà nhân nức tiếng nơi đây hay kể cả những người thường thưởng trà theo kiểu bình dân mô, tê, răng, rứa... thì đó mới là thứ nước pha trà của Huế, Huế ơi, Huế của cung đình, Huế của những công nương gửi thưa lời yêu với “trái tim bọc vải quấn trăm lần” nhưng vẫn ngại e lời nói đó còn sỗ sàng, đường đột. Nước pha trà của Nguyên Xuân để dâng lên dòng sông yêu quý đã vậy, huống hồ là chuyện ướp trà. Lần đầu tiên khách thương hồ họ Vũ, trong một chiều lữ thứ dừng chân nơi trà thất của nàng đã ngẫu nhĩ tiền định mà sở thị dụng công ướp trà của Nguyên Xuân. Những cánh trà mỏng mảnh, cong vút mi mắt gái xuân thì nhuốm màu trắng bạc của khói sương kinh thành được tay thon trà nữ ủ nồng trong những búp sen thơm màu cố quận từ những đêm trước... Mùi trà, vị trà, sau khi chạm vào tay thơm cùng những cánh sen, đài sen tinh khiết, hương vị ấy, bấy giờ đã được đẩy đến những cung bậc cảm xúc thưởng lãm gần như cuối cùng.
Hương và vị lúc này chỉ chực chờ nghe tiếng thở dài của nước, những giọt nước đọng trên những cánh sen hồ Tịnh từ đêm qua. Và rồi, khi những hòn than trong bếp lửa đỏ hồng đã bắt đầu hóa kiếp vô thường, tất cả sẽ cùng lặng yên giữa một dòng sông không bao giờ nói để hòa quyện vào nhau cho một bản hợp âm đang chuẩn bị những cung bậc, những tiết tấu đầu tiên. Lúc này, Nguyên Xuân sẽ rất khẽ khàng với Hương Giang mới choàng tỉnh để bày biện một cuộc trà dâng, chắc chắn sẽ nhuốm màu cung kính cho một dòng sông đã thơm từ thuở Thạch Xương Bồ vẫn còn đâu đó dọc hai bờ huyền thoại. Nguyên Xuân tóc thả vai gầy trên tấm chiếu hoa màu nắng sớm mưa chiều với chiếc ấm thuở mạ về với cha, thuở nàng vẫn còn li ti một hạt bụi nào đó giữa trần gian đông mà thưa thớt. Trà dâng từ ấm xưa lần lượt qua mười ngón Nguyên Xuân hóa điệu nghê thường mà xuôi xuống với năm chén quân màu trắng bạc. Năm chén trà dâng mà người ở đây cho rằng chúng được bày theo thế ngũ hành tương sinh. Tuy vậy, phải có đôi mắt thật sắc của đời thương hồ, họ Vũ mới nhận thấy, trong cuộc trà dâng giữa một không gian, thời gian vẫn còn mờ tỏ của Nguyên Xuân hôm nay, không phải là năm chén quân như thông lệ mà lại có đến sáu chén. Và chén quân thứ sáu này, đặc biệt, không hề có một giọt trà nào đầy vơi theo bàn tay nàng, Nguyên Xuân trà nữ.
Nắng vẫn chưa kịp tỏa bung sắc lụa ngọc ngà. Trong ánh mờ của một đêm chưa tận, một ngày chưa thấu, nhìn chén trà thứ sáu vẫn cô độc như một nỗi niềm chưa tỏ, họ Vũ nghi hoặc nhìn trà nương Nguyên Xuân. Giữa khoảnh khắc yên lặng của đất và trời, Vũ hỏi: Quên chăng, thừa chăng hay còn một nguồn cơn nào chưa thấu suốt của cuộc trà dâng khi vẫn chưa đến hồi kết cuộc?
Nghe thắc mắc của Vũ, mắt trà nương vẫn không rời năm chén trà đã sóng sánh, nàng thưa, giọng trong như tiếng hạc bay qua, thanh âm nhẹ mà sắc nhưng lại rất đỗi thẫn thờ. Dạ, chén thứ sáu không thừa mà cũng không phải là một phút giây lơ đễnh của thần trí, cũng chẳng có nguồn cơn gì. Theo lệ, trà dâng luôn là năm chén của lý số ngũ hành tương sinh. Tuy vậy, khi có người chứng kiến, dù là ai, ngẫu nhĩ một thoáng hay tâm đắc một đời, sơ ngộ đến rồi đi hay mãi mãi là duyên trời định... chén này sẽ được bày biện để khi kết thúc nghi lễ, chén sẽ được rót trà mà dâng lên cho người ấy, Huế gọi đó là tấm lòng của sông Hương buổi sớm.
Hiểu được sự tình, họ Vũ không còn chút hồ nghi nào nữa. Lòng họ Vũ lúc này chỉ còn lại những trầm mặc u hoài không thể tỏ bày. Họ Vũ không biết sau khi cạn cợt chung trà này mình sẽ là ai nữa trong trái tim trà nữ. Tim ấy vẫn như sông không bao giờ nói, vẫn một màu mấy độ xanh thẳm buổi cố quận tân triều, buổi tìm em tôi tìm. Vũ càng bần thần, tự hỏi. Mình sẽ là ai, sẽ là ngẫu nhĩ, là một tiền định hay mãi là một thương hồ lênh đênh? Là tâm đắc một đời hay chỉ là một áng mây bay, ngàn năm gió thoảng.
Vũ thở dài... Mái tóc Nguyên Xuân càng thả mềm xuống lòng thương hồ trong buổi trà dâng. Và khi Nguyên Xuân quỳ xuống tấm chiếu đã vàng phai mấy độ thuở mạ về với cha, cung kính dâng những chén trà thơm sen hồ Tịnh cho Hương Giang buổi sớm ngày rằm giữa càn khôn tuế nguyệt, khi sương vẫn chưa xong khúc từ ly với sông, họ Vũ lúc này, trong rối bời đi và ở, bỗng thấy trà nữ có dáng giai nhân của Hàn thấp thoáng đài trang sau trúc tre Vỹ Dạ nhuốm màu khói sương, đêm nguyệt bạch, là Diễm của những cung đàn, là trà nương Nguyên Xuân của hôm nay, cố quận kinh kỳ, chờ đến ngày mai khi sương còn chưa kịp nói với sông một lời giã biệt, sẽ bỏ lại Kim Long cố quận để khởi đầu một cuộc lữ bất định tiến cung, xa vời ngày trở lại. Lúc ấy, cũng là lúc họ Vũ bỗng nhận ra, sương đã tan dần trên dòng sông.
Vũ thẫn thờ trên tay chén trà thứ sáu dành riêng cho mình. Trà dâng Hương Giang lúc này đã thấy nhuốm vị chia ly, đã mang sắc vọt vàng của một thứ nắng chiều, dù đưa người ta không kịp đưa qua dòng sông mây trắng.
2.
Sáng nay, lại là một ngày rằm. Ngày rằm tháng chạp, mưa đổ dồn trên sông vắng, trên Hồng Nhan Trà vẫn lặng lẽ như đợi ai về, đợi người đã ra đi. Trà nương Nguyên Xuân bây giờ là chiếc bóng của ngày xưa còn đó. Chiếc bóng của xuân thì đã thoáng qua, đã thấy tàn phai màu thời gian, bạc trắng kiếp tro than trong những bếp lửa hồng những buổi trà dâng nơi ngai vàng điện ngọc. Nàng đi trong một buổi sáng mưa tầm tã trên sông Hương. Và về cùng cơn mưa đó. Thoáng chốc mà đã mấy mươi năm từ độ biển cả của cha đã hóa thành nương dâu xanh thẳm của mạ, của những trầm thăng sử lịch thành bại mất còn, của thời gian suy rồi thịnh, thịnh rồi suy.
Trên một góc nhỏ bức vách chính diện của trà thất, lúc này, có treo một mộc bản sơn son thếp vàng với thủ bút của một vị vua yêu trà bậc nhất trong thiên hạ đã ưu ái tặng trà nương Nguyên Xuân buổi giã cung đình về với dân dã, về với Kim Long vẫn còn xanh một màu cây trái. Mộc đề mấy chữ mà nghe như hồn trà quyện với hồn sông những buổi sớm trà dâng mà phủ dụ hiển vinh cho một đời tài tử - giai nhân chắc chắn sẽ vướng mùi trần ai khổ lụy.
Vị sư già đến từ ngôi chùa có tiếng chuông sớm nhất xứ kinh kỳ cố quận, thủng thỉnh nhắp chén trà nức tiếng của Hồng Nhan Trà, sư chậm rãi, ôn tồn ngước mắt chiêm quan mấy chữ vàng trên chính diện trà thất. Trong ánh sáng ban sơ của ngày, của sông và của tuệ nhãn đã thấu suốt cõi ta bà, sư khe khẽ thở dài, lời tựa gió mây. Chao ôi, mấy chữ vua ban, mấy chữ vua ban: “Kinh Kỳ Đệ Nhất Trà Nương”. Tài mà chi, sắc mà chi... cô đơn đã thị hiện từ khi sông đã bắt đầu rời đại ngàn để về cùng mây trắng.
Âm dứt, trà cạn, chuông đã ngưng điểm. Người và bóng sư đã xa khuất trong mịt mù mưa sớm trên dòng sông buổi ấy mà lời vẫn như nước sông không chịu chảy, vẫn đọng lại đâu đây, trên tàng cây tán lá của một dòng sông chối từ viễn xứ, đọng lại nơi một góc rất tối của Hồng Nhan Trà buổi sớm. Ở đó, nơi một góc rất tối ấy, chủ nhân vẫn quyết giữ lại chén trà quân thứ sáu, dù đã thật lâu, thật lâu rồi, thuở Kim Long vẫn còn xanh một màu xanh rộng rãi.
3.
Lại nghe, sau lời như thầm thì của vị sư già trước khi rời quán, khách uống trà sáng ấy, thật lạ, họ còn nghe có cả tiếng hò vọng lại từ sông Hương dù hôm ấy, trời Huế vẫn tầm tã mưa rơi... Hò rằng: “Ngược xuôi nhớ nửa cung đàn/ Ai đem quán trọ mà ngăn nẻo về”...*
B.L.Q
(TCSH408/02-2023)
-------------------
(*) Thơ Tuệ Sỹ
NGUYỄN THANH HIỆNNgày nay, mỗi lần nhắc đến hát bội, dân làng Lâm Thượng lại nhớ chuyện ông hương cống Duật, người soạn tuồng Cuộc hội quân ở bến Mạnh Tân, nổi tiếng một thời.
NHƯ BÌNHCây gạo cụt đầu làng chết câm bao năm. Thân cổ thụ xù xì hóa đá đứng lù lù trước cổng làng, lặng lẽ không đếm xỉa đến thời gian. Mùa xuân năm đó bỗng dưng bật trồi lên ba cái nhánh. Ba nhánh gạo đâm tõe lên trời rùng mình thản nhiên xòe ra những chấm lá xanh.
HOÀNG THÁI SƠNTổng Giám đốc Liên hiệp Xí nghiệp cao su Nam Mê Công xiết chặt tay Long:- Hẳn anh không ngờ có cuộc hội ngộ này?
KIM NHẤTĐám ma bà Gái thật là buồn! Ngoài một số bà con trong xóm nghèo cùng mấy đứa nhóc lượm nhôm nhựa với bà thì chẳng có ai là họ hàng thân thích.
NGUYỄN QUỐC ANHNgày ngày cuốc đất, gánh phân, cào cỏ. Ngày ngày đã diễn ra như thế, đơn điệu và buồn tẻ. Buổi tối, những đồi chè từ màu xanh chuyển sang màu xanh thẩm, những đêm đông thì đen đặc mông lung, vô tận.
HỒNG NHU1.Ngài thủy tổ khai canh dòng họ Âu ở Tường Niêm xuất thân là một người lính trong đạo quân Trung Nghĩa của Chúa Nguyễn Hoàng khi Chúa vào trấn thủ Thuận Quảng.
NGUYỄN VIỆT HÀCô đến và vẫn như mọi khi, anh đang vẽ. Trời xam xám mầu của gió mùa Đông Bắc những đợt vớt vát cuối.
PHAN VĂN LỢINhững ngày cuối năm 1970. Hướng chiến dịch của mùa khô mới đã được xác định. Địch sẽ huy động một lực lượng lớn các đơn vị quân chủ lực tinh nhuệ phối hợp với quân ngụy Lào, có sự chi viện tối đa hỏa lực pháo binh và không quân Mỹ để tiến hành một cuộc hành quân quy mô dọc đường Chín nhằm cắt đứt hành lang vận chuyển chiến lược của ta, sau đó sẽ nống ra đánh phá đường giao thông và các kho tàng hậu cần của tuyến đường Trường Sơn vùng Trung - Nam Lào.
THẠCH QUỲ1.Ở góc đường phố Lê Ngọa Triều có một quán rượu nép dưới bóng cây ngô đồng xum xuê như chiếc lọng xanh. Bên cạnh quán rượu là dãy hàng hoa. Hoa hồng, hoa cúc, hoa mi-mô-da cắm đầy trong các xô nhựa.
NGUYỄN NGỌC LỢIBóng chiều phủ xuống núi rừng một màu xám ảo mờ. Đã hết một ngày quần quật của đám phu đãi vàng. Lúc này trên xà lan đang diễn ra bữa cơm chiều. Đám phu ngồi bệt trên mảnh sàn nhớp nhúa, bưởng trưởng cách đó một đoạn có mâm có chiếu.
LÝ BIÊN CƯƠNGNgười đàn bà ấy sợ bóng tối, sợ đêm về.
NGUYỄN THIÊN VIỆTSau khi tốt ngiệp khoa Văn trường Đại học Tổng hợp Hà nội, tôi được phân làm biên tập viên của một tờ báo địa phương. Thế rồi khát vọng bay nhẩy và mong muốn kiếm ít vốn đã đưa tôi sang Liên Xô hợp tác lao động.
NGUYÊN QUÂNTheo chân những con người một thời bỏ chạy mất dép, giờ lũ lượt quay trở về với nhãn mác sang trọng Việt Kiều yêu nước và cùng lúc với sự khai mở cánh cửa hướng ra bên ngoài của nền kinh tế vốn rất cạn kiệt, trì trệ sau cuộc chiến tranh dai dẳng.
TÔN NỮ THANH TỊNHAnh nhìn đầu tiên của cô gái làm tôi xao xuyến. Đôi mắt long lanh, trên khuôn mặt trái xoan điểm nụ cười duyên, mái tóc đen mượt phủ ngang vai. Dáng nhẹ nhàng, thanh thoát trông như một nhành lan.
NGUYỄN HOÀNG ĐỨCA, không biết có phải cậu ta không, trông oách quá. Chợt cái thân hình mập ú xúng xính trong chiếc Veston ngoại lượn xoáy một vòng rất kiểu cách trên đôi giày bóng như quang dầu nơi khúc quặt góc hồ.
NGUYỄN CẨM HƯƠNGBỏ dép, tôi thả bộ trên cát ướt. Bàn chân chạm lên những xác cua còng, vỏ sò... có hơi kến một chút nhưng tôi được tiếp nhận sức sống dồi dào từ lòng đại dương thấm vào da thịt. Lâu lắm tôi mới lại đi trên bãi biển như thế này và hơn thế lại với một người đàn ông.
NGUYÊN QUÂNGã vẫn lầm bầm, cái điệu nói nuốt âm trong cổ họng càng làm tôi điên tiết. "Mẹ kiếp! đồ cơ hội!". Tôi chợt khoái trá, dù tôi biết chắc chắn rằng cái khoái trá ấy chẳng lọt đến đôi tai vểnh ngược rất khó ưa của gã nhà đò.
VĨNH NGUYÊNEm nằm trên tấm ra trắng. Dưới tấm ra còn lót đệm nước mát. Mắt nhắm. Lồng ngực phập phồng theo nhịp thở đều.
CAO GIÁNG HƯƠNGXin chúc mừng thành công của em. Chúc mừng em, người đạt huy chương sáng giá trong hội diễn...
NGUYỄN HÀO HẢITầu đi Vinh khởi hành lúc 9 giờ tối. Hoàng vội vã đi ra ga sau khi chạy ra phố mua sắm thêm một số đồ lặt vặt cho chuyến đi nghỉ mát ngoài dự kiến của anh.