Thơ xứ Huế 2009 - một năm nhìn lại

09:40 28/12/2009
Thơ không thể tách rời đời sống con người. Điều đó đã được thời gian minh chứng. Từ lời hát ru của mẹ, những giọng hò trên miền sông nước,… đã đánh thức tình yêu thương trong mỗi chúng ta.

Ngoài ý nghĩa đó, thơ còn là sự cứu rỗi để có những lúc nản lòng vịn câu thơ mà đứng dậy, đó là nỗi lòng của Phùng Quán khi sống trong một vòm trời đầy rẫy dã tâm, nghi kỵ. Hoặc trong cô đơn cùng tận, Hàn Mặc Tử đã tâm sự trong bài Cuối Thu:

Lụa trời ai dệt với ai căng,
Ai thả chim bay đến Quảng Hàn
Và ai gánh máu đi trên tuyết,
Mảnh áo da cừu ngắm nở nang

Ôi, hình ảnh người gánh máu trên tuyết cũng chính là hình ảnh cô độc của thi nhân giữa trần gian. Khi những giá trị đích thực đã bị những thế lực đen cưỡng đoạt, thì thơ chính là hơi thở, là máu và nước mắt,… là niềm hy vọng cuối cùng của con người. Khi mà mọi giá trị bị đảo ngược, trắng đen lẫn lộn,… thì thơ trở thành luồng sáng tinh khôi xoá nhòa những u tối cuộc đời. Nhưng để có được những vần thơ thần diệu, nhiều khi tác giả phải trải qua cơn đau mà thể xác không thể nào gánh vác nổi. Điều đau đớn đó một Êxênhin ở nước Nga đã trải nghiệm, một Maia đã đi qua, một A.Camus đành hành xử như một điều phi lý, một Hemingway đã tan theo sóng biển,... Đó là những con người thơ. Trong đời sống thường nhật của chúng ta đã có biết bao người phải đối diện cảnh chia lìa trong tận cùng nỗi đau, cho dù những con người đó không bao giờ làm thơ. Và trên xứ sở thơ mộng này, thi ca vẫn ngầm chảy trong lặng im, chảy về một chân trời diệu tưởng, nơi có cánh rừng của những giấc mơ.

Trong dòng chảy của thi ca của xứ Huế, với cái nhìn cắt đoạn, tôi không có ý đánh giá hay tổng kết mà chỉ xin được điểm xuyết những tập thơ trên đất Huế vừa ấn hành trong năm 2009 vừa qua như một tản mạn, hay một sự nhìn lại, đe góp thêm phần minh chứng cho đời sống thi ca ở xứ Thần Kinh.

Đầu năm 2009 xuất hiện tập “Đếm thời gian” của thầy giáo Lê Ngã Lễ với vần điệu lục bát quen thuộc. Tập “Nhật thực” của tác giả Nhất Lâm, tập “Ta say vì nàng” của bác sĩ Phạm Xuân Phụng là hai tập thơ đã khiến người đọc nửa khóc nửa cười trước những hiện thực xã hội đầy rẫy những điều nhức nhối.

Với “Vị mặn hồi sinh”, tác giả Hải Trung đã gửi lại trong lòng người đọc ít nhiều trăn trở trước những nỗi đau của chiến tranh, của sự tàn ác, của âm mưu từ những kẻ vô nhân tính. Cho dù anh đã cảm nghiệm về cuộc đời như: cốc rượu thừa tràn xuống vỉa hư vô. Để rồi có những lúc, chúng ta lầm tưởng và hy vọng điều gì mới mẻ, nhưng lại chỉ là:

những vệt mòn thành quen
đường lâu ngày không đi thành mới…

Vậy đó, những trăn trở trước vô biên, hay những ma lực đang hiện hữu khắp nơi trong xã hội và thời gian rồi sẽ cuốn trôi, sẽ trả lời cho chúng ta và cũng là niềm hy vọng của sự bất lực, điều đó được thể hiện trong bài “Thời gian”:

những ban mai này sẽ dày thêm những bình minh khác

những đứa trẻ này sẽ làm nên những người lớn khác

những bài thơ mới sẽ thành những vần điệu cũ/ con chữ ngoằn ngoèo hổn hển với tháng năm/ thời gian tràn lên vỉa giấy/ mực buông xuôi chảy như thác dòng dòng.

Phải chăng, đó là những cảm nghiệm của tác giả hay là lời ta thán cho một mùa đau, để những hình ảnh trong nghị trường đọng thành câu chữ:

những cánh tay dong cao nhiều lúc chưa chắc đã cao hơn vài cánh tay không dong khác/ ta nhiều lúc chẳng làm gì nên cháo nên cơm/ thời gian nhiều lúc nung màu gạch đỏ/ em bước ra sau những giận hờn

Tập thơ “Nết” của tác giả Vĩnh Nguyên với những trăn trở trước sự xâm thực văn hóa vào làng quê và hình ảnh thân thương ẩn hiện dưới lớp ngôn từ mộc mạc, như trong bài “Làng Vĩnh củ đậu”:

Trở về làng/ Tôi buồn/ Củ đậu đặc sản oai phong độc canh độc quyền không có/ Lại thèm một miếng chửi “làng Vĩnh củ đậu” cũng không/ Vĩnh Tuy yêu dấu ơi!/ Tôi yêu làng!/ Tôi muốn làng Vĩnh Tuy xưa tháng hai bắp non tháng tư đậu ngọt/ Bây giờ sao không?

Tập “Những xưa và cũ” của tác giả Ngữ An là những hoài niệm đẹp và buồn đọng vào ký ức cũ xưa. Tập “Điếu thuốc và que diêm” của nhà giáo Mai Văn Hoan vơi nhiều hình ảnh lãng mạn trữ tình khi về thăm lại khu vườn ngày cũ:

Tôi đứng lặng trước sân nhà vắng vẻ/ Chiều âm u ảm đạm đến não lòng/ Gốc mai già cứ thu mình lặng lẽ/ Hoa trái mùa thưa thớt cuối trời đông
                                    (Thăm lại vườn xưa)

Hay trong bài “Hoàng hôn trên cầu Bãi Dâu”:
Lẳng lặng lên cầu Bãi Dâu/ Chếnh choáng vần thơ hái muộn/ Mây chiều chập chờn sà xuống/ Lập lòe đốm lửa ven sông

Và giữa những đổ nát hoang tàn của quá khư và hiện tại, khi mà thang giá trị bị đảo lộn, những mảnh vỡ đang vung vãi mọi nơi, lại có một Nguyên Quân tìm đến Hộ Thành Hào để nhìn ngắm cõi lòng đang hổn hênh mọi thứ, như chợt nhận ra niềm hy vọng mong manh, anh đã “Viết bên Hộ Thành Hào”. Để rồi mỗi ngày anh phải đối diện với:

những gương mặt thất thần/ mù tuổi - mù tên - mù những điều không thật.

Cả hai trạng thái kia là đều diễn đạt sự thật của một tâm hồn. Chỉ e rằng, trong thời đại này, những điều không thật lại được quá nhiều người nhào nặn qua lớp ngôn từ ngụy trá để đánh lừa ngay chính mình và cả người đọc.

Và giữa những ngày mưa mịt mù, tác giả đã tâm sự cùng con búp bê đời rẻ rung đã bị những thằng người bệnh hoạn, chơi ngông ném trong từng góc tối, ôi những thằng người ngụy tín, xa rời với tổ tiên:

ơi con búp bê đời rẻ rúng ném trong từng góc tối/ ngủ qua đêm ác mộng/ vòng xoáy tâm thần/ tran truồng vòng tay lạ lẫm/ cổ thành dày cơn mưa/ phủ rêu con đường lát đá tháng chạp/ hãy giặt sạch từng mùa gió chướng/ gột rửa bệnh hoạn của những thằng người/ chơi ngông/ như đốm pháo hoa bắn thẳng lên trời/ chớp sang những quyền năng hư ảo

Khi đã nhận ra những quyền năng hư ảo, tác giả đã:

đặt bàn tay bỏng rát lên bệ thờ âm vật
và cảm nhận
quá khứ phất phơ trên từng bông phượng cúng
ta ôm chiếc bình ngũ sắc
bơi qua dòng nại hà
hóa vàng tuổi đời cho từng bia mộ

Với tập “Như một nỗi đời riêng” của Từ Nguyễn và tập “Bất ngờ” của tác giả Nguyên Hạnh là những niềm xúc cảm của hai tác giả nữ. Trong bài “Giọt đắng” Từ Nguyễn như cảm nghiệm được sự chơi vơi giữa nếp gấp cuộc đời:

Nét gấp khúc của cuộc đời,/ Những mệnh số chơi vơi.../ Tung tẩy trên bàn tay trêu đùa của Thượng đế/ Thôi nhé em/ Đừng mắt hoen ngấn lệ/ Giọt đắng chưa khô là chưa đến tận cùng!

Và trong cuộc đi “Tìm phiên bản” Nguyên Hạnh chợt nhận ra:

Tôi và em/ Một trực giác tồn tại/ Ta thả ký ức trở về/ tìm phiên bản/ Hồng hoang.

Tập “Đi qua cánh rừng” của Hạ Nguyên (Hồ Đăng Thanh Ngọc), dẫn dắt người đọc liên tưởng đến tác phẩm Lâm Đạo (Đường đi trong rừng) của Bùi Giáng. Bùi tiên sinh như muốn nhắc chúng ta rằng, trong khu rừng nghệ thuật không có sẵn một con đường nào cả, mà nhiệm vụ của một người nghệ sỹ phải khai phá cho mình một lối đi. Khi chúng ta lạc lối giữa đại ngàn thăm thẳm, chúng ta phải tự tìm một con đường, cho dù không biết nó sẽ dẫn dắt chúng ta về đâu? Trong thi ca, mỗi người làm thơ phải chọn con đường cho chính mình, hay nói cách khác mỗi nhà thơ phải sống trong thế giới xúc cảm của riêng mình, rồi sử dụng vốn ngôn từ và tài năng diễn đạt để chia sẻ cảm xúc với người đọc. Có lẽ trong mỗi con người đều có một cánh rừng mà trước sau gì chung ta phải vượt qua. Và tất cả những cánh rừng trong mỗi cá thể đã hình thành nên một đại ngàn thăm thẳm của xã hội. Chúng ta hãy nhìn Hạ Nguyên đi qua cánh rừng của chính anh:

Tôi đi qua cánh rừng bằng bước chân trẻ con
Và nỗi ám ảnh cổ tích cô bé quàng khăn đỏ

Đúng vậy, tất cả chúng ta thật nhỏ bé khi đối diện với núi rừng và chỉ có những tâm hồn thơ trẻ mới bước qua được, cũng như muốn đến với đấng toàn năng, không cách nào hơn là chúng ta đồng hóa với chính Người, mà cách đồng hóa nhanh nhất là trở thành con của Người.

Dù không có chiếc khăn quàng đỏ nào và chỉ với chiếc áo rách mỏng manh và đôi giầy bẩn thỉu nhưng cậu bé đã vâng lời mẹ dặn để đem cháo đến cho bà, cho dù cậu bé rất thích những trò chơi của trẻ thơ.

Tôi đã không rong chơi với cỏ cây - dẫu tôi thích thế
Tôi đã không hái hoa vờn bướm - dẫu tôi thích thế
Và cũng đã không nằm dưới bóng cay lắng nghe tiếng chim -
dẫu tôi thích thế

Ở đây, tác giả như muốn nhắn nhủ đến người đọc một định nghiệp của mỗi cá nhân, cũng chính là quán tính của xã hội đã xô đẩy tâm hồn của tuổi thơ vào những ngã rẽ đen tối. Điều thương tâm đó chính là sản phẩm của nền giáo dục còn nhiều bất cập, sự bùng nổ của hệ thống thông tin và bản năng tham lam của con người đã tạo ra những hậu quả đó, để rồi những đứa trẻ không còn là trẻ thơ ngoan hiền mà Hạ Nguyên đã phần nào cảm nghiệm trong bài “Đi qua cánh rừng”:

Tôi bị xé ra từng mảnh và nhai ngấu nghiến bởi cái đói bản năng và sự tham lam tàn ác/ Và tôi đã không kịp trở thành đứa trẻ ngoan dẫu tôi tha thiết thế…

Vậy đó, cho dù mỗi cá thể đều muốn trở thành người tốt nhưng sống trong cộng đồng đầy rẫy sự tham lam và vô trách nhiệm thì ngay chính cả lòng tốt cũng bị nghi ngờ. Điều này đã được nói đến trong tác phẩm L’engrenage (Guồng máy) của Jean Paul Sartre.

Với “Lời của lá”, tác giả Lê Viết Xuân bằng câu chữ chân chất qua nhận định của cố nhà văn Nguyễn Xuân Hoàng: “Người làm thơ vì cái chí, thơ thường ở trên núi cao. Người làm thơ bằng cái tâm, thơ thường ở giữa mọi người. Lê Viết Xuân làm thơ chính vì cái tâm của anh, một cái tâm lành không thể đôn hậu hơn”. Trong bài “Trở về” tác giả như muốn gửi tâm sự cùng người đọc về thói hư danh đang tràn ngập khắp nơi:

Chót vót đỉnh cao danh vọng
Nhìn xuống chân mình, có ngợp không
Núi cao kề bên vực thẳm
Bước lối nào cũng thấy chênh vênh...
Ánh hào quang của hư danh
Đưa ta đến bên bờ ảo vọng
Con cá vàng mất tăm cùng sóng
Lại trở về với túp lều tranh.

Tập thơ “Giấc mơ chữ” của tác giả Nguyễn Thiền Nghi, tập “Ta và bóng” của Triệu Nguyên Phong và tập “Truồi” của Ngô Công Tấn góp phần làm phong phú đóa hoa thơ xứ Huế trong năm nay.

Ở Huế, trong năm 2009 đã có hơn 10 tập thơ ra mắt bạn đọc, là một con số tuy không lớn nhưng với thơ đó là con số đáng nói. Các tập thơ xuất hiện với những hình thức và phong cách đa dạng: cổ điển, lãng mạn, hiện thực phê phán, siêu thực, tân hình thức,... Tác giả của các tập thơ có người là giáo viên, người bác sĩ, người công chức ngành văn hóa, người lao động tự do,... Trong vòm trời xứ Huế, mỗi người làm thơ có một góc nhìn riêng, tuy chat lượng các tập thơ có khác biệt nhưng chung quy mọi tác phẩm đều biểu hiện sự trăn trở của tác giả trước cuộc sống đầy rẫy biến động, bất thường,... điều đó đã nói lên được nguồn mạch thi ca của mảnh đất được mệnh danh là bài thơ đô thị. Ngoài ra, các tạp chí Sông Hương, Văn Hoá Huế, báo Thừa Thiên Huế, các trang mạng, blog,… đã góp phần giới thiệu những tác giả mới đến với người đọc để tiếp nối vào dòng chảy thi ca của quá khứ.

Như chúng ta đã biết, hầu hết mọi người đều lớn lên qua lời ru của mẹ, đó chính là âm hưởng để bước đầu cảm nhận thơ. Vậy mà, không ít người lại có cái nhìn lệch lạc về thơ. Xin được nhắc lại: Thơ không thể tách rời đời sống con người và chúng ta không nên góp phần tập thể hoá thơ và biến thơ thành món hàng thời mậu dịch quốc doanh. Đặc biệt, ở vùng đất được mệnh danh là xứ sở thi ca này, công việc tôn vinh thơ là một điều rất can thiết. Nhưng vấn đề là tôn vinh như thế nào để đừng xúc phạm Thơ.

Huế, 11/2009
LÊ HUỲNH LÂM
(250/12-09)




 

 

Đánh giá của bạn về bài viết:
0 đã tặng
0
0
0
Bình luận (0)
  • Báo chí trong tháng 5.2011 vừa qua trong rất nhiều thông tin đời sống xã hội, có nêu những vấn đề nổi cộm khiến cho nhiều người cầm bút phải suy nghĩ.

  • Trong tháng Năm này, cả nước tiến hành cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIII và đại biểu hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2011 - 2016.

  • Dư luận đang lo lắng về việc rớt giá thê thảm của khối C. Khối C đã thật sự bị sĩ tử thẳng thừng từ chối, điều đó cho thấy rằng xã hội đang quay lưng… đằng sau đó có những hệ lụy gì?

  • Theo định hướng phát triển hiện nay, Huế sẽ là đô thị trung tâm, đô thị hạt nhân giữ vai trò động lực cho Thành phố trực thuộc Trung ương trong tương lai.

  • Thuở xưa, mỗi làng có một hương ước, nhiều làng có hương ước thành văn nhưng cũng có làng có hương ước bất thành văn.

  • Khi nhắc đến xứ sở Phù Tang, điều đầu tiên thế giới nghĩ đến là một Nhật Bản thần kỳ, giàu mạnh về kinh tế và điều thứ hai chắc chắn sẽ là sự đối mặt thường xuyên với thảm họa thiên tai.

  • “Có động đất ở Nhật Bản!” Tôi đang loay hoay xếp lại chồng sách vở ngổn ngang trên bàn thì nghe chồng tôi, giáo sư Michimi Munarushi người Nhật mới về Việt Nam 3 hôm trước báo.

  • Không có một vùng đất thứ hai nào trên dải đất hình chữ S của Việt Nam có vị trí hết sức đặc biệt như Huế. Nơi đây, từ 1306, bước chân Huyền Trân xuống thuyền mở đầu cho kỷ nguyên mở nước về Nam, Thuận Hóa thành nơi biên trấn.

  • I. Đặt vấn đề 1.1. Năm 1945, sau khi nhà Nguyễn cáo chung, một số giá trị văn hóa phi vật thể của Huế không còn giữ được môi trường diễn xướng nguyên thủy, nhưng những gì nó vốn có vẫn là minh chứng độc đáo về sự sáng tạo văn hóa của dân tộc Việt Nam.

  • Đưa Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trong vài năm tới đã trở thành quyết tâm chính trị của cán bộ đảng viên và nhân dân Thừa Thiên Huế.

  • Thăng Long - Hà Nội, thủ đô, trái tim của cả nước, qua ngàn năm phát triển, đã trở thành biểu tượng của nền văn hiến Việt Nam, là niềm tự hào của cả dân tộc.

  • Sau khi phục dựng thành công lễ tế Nam Giao và lễ tế Xã Tắc trong những năm qua, thiết nghĩ việc tái hiện lễ tế Âm Hồn 23.5 ở quy mô thành phố/ tỉnh là một việc làm có ý nghĩa trong việc bảo tồn bản sắc văn hóa và quảng bá du lịch của thành phố Huế chúng ta.

  • Thừa Thiên Huế - vùng đất chiến lược nối giữa hai miền Bắc - Nam từng là “phên dậu thứ tư về phương Nam” của Đại Việt, nơi “đô hội lớn của một phương”; từng là thủ phủ của xứ Đàng Trong, kinh đô của đất nước dưới thời Quang Trung - Nguyễn Huệ và triều Nguyễn (1802 - 1945); là miền đất địa linh nhân kiệt gắn liền với những tên tuổi lớn trong hành trình lịch sử của dân tộc, của ngàn năm Thăng Long...

  • Đưa Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc trung ương trong vài năm tới theo tinh thần kết luận số 48 của Bộ Chính trị đã mở ra một mốc mới mang tính lịch sử. Với kết luận này, đặt ra nhiệm vụ cho Huế phải trở thành trung tâm của khu vực miền Trung và là một trong những trung tâm lớn, đặc sắc của cả nước về văn hóa, du lịch, khoa học công nghệ, y tế chuyên sâu và giáo dục đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực.

  • Ôn cố để tri tân, Festival Huế 2010 là lần tổ chức thứ VI. Qua 6 lần tổ chức, nhìn lại những ngày liên hoan văn hóa Việt Pháp (1992) do thành phố Huế phối hợp với Codev tổ chức, anh chị em văn nghệ sĩ Huế lúc bấy giờ phấn khích lắm vì đây là cơ hội tiếp xúc với thế giới dù chỉ mới có một nước Pháp. Họ thấy cần có trách nhiệm phải tham mưu để xây dựng chương trình cũng như chủ động tham gia hoạt động trong lĩnh vực của mình.

  • Như thường lệ, hàng năm Hội LHVHNT Thừa Thiên Huế tiến hành xét tặng thưởng cho các tác phẩm, công trình văn học nghệ thuật xuất sắc.

  • Chúng ta đã đi hết gần chặng đường 10 năm đầu của thiên niên kỷ mới. Thời đại chúng ta đang sống là thời đại mà sự phát triển song hành giữa cơ hội và thách thức đan xen.

  • (Thừa Thiên Huế trên tiến trình xây dựng thành phố trực thuộc Trung ương)

  • Những năm cuối cùng của thế kỷ XX, cùng với thành tựu của công cuộc đổi mới diễn ra sôi động trên đất nước Việt Nam, sức sống của vùng văn hoá Huế sau những năm dài tưởng chừng đã ngủ yên chợt bừng dậy và lấp lánh tỏa sáng.

  • Gần đây, khi Đảng ta chứng tỏ sự quan tâm của mình đối với đội ngũ trí thức thì trong dư luận cũng đã kịp thời có những phản ứng cộng hưởng. Điều mà chúng tôi lĩnh hội được gồm 3 câu hỏi tưởng chừng như "biết rồi khổ lắm nói mãi" nhưng lại không hẳn thế. Nó vẫn mới, vẫn nóng hổi vì sự tuyệt đối của qui luật vận động cũng như vì tính cập nhật, tính ứng dụng của đời sống. Chúng tôi xin được nêu ra và cùng bàn, cùng trao đổi cả 3 vấn đề.