TRẦN THỊ VÂN DUNG
Đứng trước mỗi cuộc đời, mỗi con người có những trải nghiệm khác nhau, cách chia sẻ khác nhau. Mỗi nhà thơ là một cái tôi nội cảm, hòa nhập vào thế giới xung quanh, phân thân thành những trạng thái khác nhau để thể hiện mọi cảm xúc.
Nhà thơ Văn Công Hùng - Ảnh: internet
M.B. Kahrapchenko đã khẳng định rằng: “Sức mạnh của sự sắc bén của cách nhìn thế giới của anh ta chính là khả năng nắm bắt, khám phá những quá trình bên trong của cuộc sống, miêu tả những tính cách và những điển hình mô tả từ một phương diện mới hoạt động của con người, tâm lý của con người. Cái nhìn của nhà văn càng tỉnh bao nhiêu thì anh ta càng thâm nhập sâu vào thực chất của sự vật, những khái quát nghệ thuật của anh ta, những khám phá sáng tạo của anh ta càng lớn bấy nhiêu”.
Quá trình sáng tác là quá trình nhà thơ gom nhặt những chất liệu cuộc sống, dồn nén nó trong đáy sâu tâm hồn mình và thăng hoa trong từng cảm xúc, viết lên thành câu chữ. Đó là hành trình người nghệ sỹ quan sát hiện thực bằng cảm quan của mình, qua thời gian chiêm nghiệm, tinh lọc mà thành những bài thơ là “hơi thở của đời sống, tiếng nói của tri âm”. Và vì vậy, hình tượng cái tôi trữ tình trong thơ Văn Công Hùng là hành trình chiêm nghiệm - triết lý của một cái tôi đã khắc họa trong mình tâm thế chung của con người đương đại trước thời gian, con người và cuộc sống:
“Ngày thì qua mà đêm ở lại”
(Nước mắt đêm, tập thơ Đêm không màu)
Và:
“Rượu sẽ hết và đời rồi cũng chết
Nhưng tình thì mãi mãi không phai”
(Thơ trong chiếu rượu, tập thơ Bến đợi)
Bằng cái tôi chiêm nghiệm - triết lý, Văn Công Hùng độc thoại với chính mình và hướng đến giãi bày với người đọc một cách nhẹ nhàng mà sâu lắng:
“Không phải cứ bên nhau là xa cách
Nhiều khi chưa gặp đã quen rồi”
(Cao nguyên ngày tôi tới, tập thơ Đêm không màu)
Từ những chi tiết bộn bề, những sự kiện tiếp nối diễn ra trong cuộc sống, bằng những cảm xúc suy tư, tác giả đã tạo ra những hình ảnh mang nhiều ý nghĩa ẩn chứa trong nó. Đó chính là cuộc sống với bao cung bậc tinh tế, vi diệu được chuyển tải trong thơ qua lăng kính của nhà thơ:
“Đoạn cuối của ngày như một giấc mơ
Em dành phần đánh thức cơn mơ cho loài đà điểu
Những hạt cát không biết đến sự hiện diện của mùa xuân
Như vô tư ngủ
Nhưng mà nào có được vô tâm
Cát trằn mình sinh nở
Nụ xương rồng muôn muốt nhú hoàng hôn”
(Phần cuối của ngày, tập thơ Gõ chiều vào bàn phím)
Và đúc kết thành những triết lý có ý nghĩa sâu sắc, thể hiện một sự nhạy bén trong tầm nhìn, khả năng phát hiện, khái quát mạnh mẽ hình tượng thơ:
“Không thể hết những muộn phiền
Không thể hết những nỗi đau
Không thể sung sướng đến tận cùng
Nước mắt đến tận cùng”
(Và gió, tập thơ Hoa tường vi trong mưa)
Trong thơ Văn Công Hùng, cái tôi trữ tình còn là những trải nghiệm xót xa trước nhân tình thế thái. Nó mang dáng dấp của nỗi niềm riêng và tâm sự chung. Nhà thơ đã quan sát và suy ngẫm để tìm ra quy luật giữa các sự vật, hiện tượng, đem lại cho người đọc một cái nhìn cảm thông, chia sẻ:
“Níu kéo một đời tan vỡ một giây
Mà chớp mắt đã trở thành xa lạ”
(Quá khứ, tập thơ Hát rong)
Và trong bài thơ Vợ, tập thơ Hoa tường vi trong mưa:
“Nhân gian tưởng rộng nhường kia mà té ra nhỏ hẹp
Đi hoài vẫn có tiểu nhân”
Hay:
“Đời là một thoáng bông lau
Gió mạnh thì nát gió nhàu thì xơ”
(Thả gió vào chùa, tập thơ Lục bát Văn Công Hùng)
Thơ Văn Công Hùng được viết sau chiến tranh, nhưng không vì thế mà trở nên sáo rỗng, tẻ nhạt với đề tài này. Bởi, cuộc chiến tranh đã qua đi nhưng dư âm của nó còn đọng lại và ám ảnh bao người. Là một nhà thơ nhưng đồng thời anh cũng là một nhà báo đi nhiều, hiểu rộng. Những tàn tích sau chiến tranh còn để lại trên những số phận con người, trên những vùng đất của Tổ quốc. Để lại trong anh bàng bạc những suy tư, khiến trái tim anh phải thốt lên những câu thơ nhức buốt:
“Cuộc chiến tranh đã qua lâu rồi
Gai thép nhọn vẫn đâm vào hiện tại”
(Một nửa bông hồng, tập thơ Bến đợi)
Với một tâm hồn nhạy cảm và sự trải nghiệm, Văn Công Hùng đã giúp người đọc nhìn nhận và soi mình qua những triết lý nhân sinh, để sống có ý nghĩa và đẹp hơn cho đời:
“Tình yêu em ơi
Suốt đời như thể
Giọt nước mắt trong ngần kết tinh giữa đại dương”
(Nơi em về, tập thơ Bến đợi)
Có lúc, anh nhìn cuộc sống trong sự vận động như một quá trình để đi sâu khám phá bản chất của sự vật, hiện tượng. Thông qua cái tôi bản thể, nhà thơ nói lên quy luật của cuộc đời con người từ lúc sinh ra, lớn lên và mất đi. Đồng thời, thể hiện khát vọng của con người được trường tồn với thời gian, trường tồn với cuộc sống:
“Trong bóng đêm tôi nhìn thấy mặt mình
Lang thang và ngơ ngác
Mặt của tôi được sinh ra lần nữa
Lăn trong giấc mơ”
(Trong bóng đêm, tập thơ Đêm không màu)
Nhưng rồi, vẫn là những sự thật hiển nhiên như quy luật muôn đời của tạo hóa, tuổi thơ và thời gian qua đi không bao giờ quay trở lại. Con người vẫn phải đối mặt với sự già nua của mình qua từng khắc thời gian. Ước mong là vô hạn nhưng nhà thơ vẫn tỉnh táo và lý trí để nhắc mình, nhắc người về những hữu hạn của đời người, cuộc sống. Để từ đó, con người tự xác định cho mình một cách sống, thái độ sống có ý nghĩa. Đó chính là những phát hiện mới lạ mà Văn Công Hùng đã dày công sáng tạo, đem lại cho người đọc một hiệu ứng thẩm mỹ giàu chất thơ:
“Con thuyền lầm lũi sang sông
Chở tuổi thơ về quá khứ
Mang thời gian đi vô tận
Còn ta ở lại bên này”
(Sông cô đơn đến bây giờ, tập thơ Gõ chiều vào bàn phím)
Nói đến chất trí tuệ và triết lý trong thơ là nói đến “Sức mạnh của lý trí trong nhận thức của nghệ thuật thi ca, đến năng lực khái quát hóa, đến tầm cao và chiều sâu của tư tưởng, đến ý nghĩa triết học của vấn đề(1). Triết lý, khái quát là một trong những yếu tố đánh giá khả năng nắm bắt và truyền tải hiện thực vào trong thơ của tác giả. Đồng thời thể hiện vốn sống, vốn hiểu biết sâu rộng thông qua thế giới nghệ thuật của nhà thơ. Mặt khác “Tính triết lý là một phương diện cần có để làm giàu nhận thức, liên tưởng và suy tưởng của con người”(Hồ Thế Hà).
Với Văn Công Hùng, hành trình sáng tạo của cái tôi trữ tình đầy chiêm nghiệm - triết lý của anh dù chỉ là “ta ngồi chơi cuộc tình cờ” nhưng “nhặt lên” đã “một trĩu nặng bờ nhân gian”. Nhà thơ nhận ra đời cũng chính là cuộc sống với nhiều bất ngờ xáo trộn:
“Thì ra cuộc đời
Không thôi xáo trộn
Tưởng gặp niềm vui
Nỗi buồn lại tới
Và khi không đợi
Niềm vui lại về”
(Không đề, tập thơ Gõ chiều vào bàn phím)
Nhà thơ - nhà lý luận phê bình Hồ Thế Hà đã có một nhận xét khái quát rằng: “Đề cao triết lý và tạo ra kiểu tư duy triết lý trong thơ là sự nỗ lực của mọi nhà thơ để nâng cao hiệu quả thơ”. Với Văn Công Hùng “cái tôi chiêm nghiệm - triết lý” trong thơ anh đa dạng, không dễ nắm bắt. Ở hình tượng câu thơ nào, anh cũng đưa ra cách thể hiện và lý giải của riêng mình một cách độc đáo. Bởi trong con người anh chứa đựng một vốn sống phong phú. Đi sâu vào đối tượng bên trong để khám phá và giải mã bản chất của mỗi vấn đề, sự vật, hiện tượng, Văn Công Hùng đã tạo cho mình một bước chuyển về thi pháp, đưa thơ đến chất giọng chiêm nghiệm đầy triết lý.
Từ các dạng thức của cái tôi trữ tình trong thế giới nghệ thuật thơ Văn Công Hùng, cái bề sâu trong thơ anh qua chiêm nghiệm - triết lý của chủ thể trữ tình là những giá trị, những tư tưởng khái quát được “hình tượng hóa” từ hiện thực qua sáng tạo nghệ thuật. Nhìn cuộc sống bằng con mắt biện chứng trong sự vận động như một quá trình để đi sâu khám phá, phát hiện và giải mã cái tinh tế bên trong của sự vật, hiện tượng qua sự trải nghiệm, nhà thơ đã thể hiện rõ nét một tư duy nghệ thuật sâu sắc và tinh tế. Biểu hiện của cái tôi trữ tình trong thơ Văn Công Hùng là “sự kết tinh thành những hạt thi ca lấp lánh lời giải đáp về những điều lớn lao và vi diệu của cuộc sống và của chính cõi lòng thi nhân”.
Trong thơ Văn Công Hùng cái tôi trữ tình chiêm nghiệm - triết lý, thể hiện “cái nhìn bao quát của người nghệ sỹ đối với thế giới vốn được hình thành trong quá trình thực tế của cuộc sống, trong những điều kiện xã hội - lịch sử cụ thể đã làm cho những khái niệm và những điều quan sát của anh ta có được tính xác định về chất, có được tính hệ thống”(2).
Với Văn Công Hùng, từ hình tượng cái tôi trữ tình phong phú và đa dạng, anh đã mang lại cho người đọc những cảm xúc tươi nguyên về một thế giới thơ lấp lánh chất đời, được khơi lên từ hiện thực sống động của cuộc sống, giúp người đọc tìm ra những giá trị Chân - Thiện - Mỹ, để sống ý nghĩa hơn, đẹp hơn và nhân văn hơn. Đó là một “cái tôi trữ tình nhập vai” (Trần Đình Sử) đi sâu khám phá và chiếm lĩnh hiện thực cuộc sống và “phát hiện những quy luật vĩnh hằng của cuộc sống và thi ca” (Hồ Thế Hà).
T.T.V.D
(SH283/09-12)
..............................................
(1) [Hà Minh Đức, Thơ và mấy vấn đề trong thơ Việt Nam hiện đại, 1997, Nxb Giáo dục, Hà Nội; tr145].
(2) [M.B. Khrapchenko, Cá tính sáng tạo của nhà văn và sự phát triển văn học (Lê Sơn, Nguyễn Minh dịch), 1978, Nxb Tác phẩm mới, Hà Nội; tr12].
HỒ THẾ HÀ
Hồng Nhu xuất phát nghiệp bút của mình bằng văn xuôi. Văn xuôi gắn bó với đời như một duyên mệnh.
YẾN THANH
Rất nhiều nhà văn thành danh hiện nay, sau những thành công trên trường văn trận bút, đột nhiên họ làm bạn đọc bất ngờ bằng cách chuyển hướng sang viết cho thiếu nhi, như trường hợp của Nguyễn Lãm Thắng, Nguyễn Đình Tú, Phong Điệp, Dương Thụy, Nguyễn Thế Hoàng Linh, Đỗ Bích Thúy…
ĐỖ THU THỦY
1.
Trường ca Ngang qua bình minh là ấn phẩm thứ ba của nhà thơ Lữ Mai, sau hai tập tản văn và ký sự: Nơi đầu sóng, Mắt trùng khơi viết về đề tài biển đảo.
NGƯỜI THỰC HIỆN:
Lê Thị Mây là một cô gái cực kỳ ít nói. Nhà thơ chi thích lặng lẽ nhìn, lặng lẽ nghe, lặng lẽ suy ngẫm... Và nếu như phải nói gì trước đám đông thì đó là một "cực hình" - Kể cả đọc thơ mình - Mây vẫn như vậy.
NGUYỄN THỊ LIÊN TÂM
NGUYỄN PHƯỚC HẢI TRUNG
Tây Tiến là bài thơ tiêu biểu nhất của nhà thơ Quang Dũng (1921 - 1988).
LÊ NGUYỄN LƯU
Trong nền văn học đời Đường, thơ ca có một vị trí đặc biệt, trội hơn cả phú đời Hán, từ đời Tống, khúc đời Minh...
NGUYỄN KHẮC PHÊ
(Đọc “Miền quê thơ ấu” - Hồi ký của Thanh Tùng, Nxb. Thuận Hóa, 2020)
VÕ QUÊ
Cố đô Huế - Dấu ấn thời gian” là công trình nghiên cứu thứ ba của nhà nghiên cứu văn hóa Hồ Vĩnh do Nhà xuất bản Đại học Huế cấp giấy phép, tiếp theo 2 ấn bản “Dấu tích văn hóa thời Nguyễn” (in năm 1996 và 2 lần tái bản có bổ sung năm 1998, 2000); “Giữ hồn cho Huế” (2006).
PHONG LÊ
Anh "nhà quê" "chơi trèo" thành phố, với những thất bại và bi kịch khó tránh của nó. Mối quan hệ so le, bất bình đẳng giữa nông thôn và thành thị...
KỶ NIỆM 35 HỘI NHÀ VĂN VIỆT NAM (1957-1992) - 60 NĂM PHONG TRÀO THƠ MỚI (1932-1992)
NGÔ MINH
+ Cái đêm thẳm khuya Cửa Tùng gió ấy, tôi ngồi với Nguyễn Khắc Thạch bên này bờ sông, bên này chai rượu Huế, bên này mũi Si và bên này những nén nhang lập lòe như hồn ma nơi xóm Cửa!
VƯƠNG HỒNG HOAN
Vài năm gần đây truyện ngắn của Triều Nguyên xuất hiện trên Sông Hương. "Tháng bảy không mưa" là tập truyện ngắn đầu tay tập hợp một số những sáng tác chưa được công bố của anh. Đề tài chủ yếu trong tập truyện là viết về nông thôn.
PHONG LÊ
Một sự nghiệp viết chẵn năm mươi năm, tính từ Yêu sách của nhân dân An Nam (1919) đến Di chúc (1969).
NGUYỄN THÙY TRANG
THÍCH CHẤN ĐẠO
Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử là một Thiền phái nhất tông mang tinh thần nhập thế tích cực đã góp phần quan trọng trong công cuộc bảo vệ và xây dựng Tổ quốc.
MAI VĂN HOAN
Nhà thơ Trần Vàng Sao, tên thật là Nguyễn Đính, sinh năm 1941 ở thôn Vỹ Dạ, thành phố Huế.
NGUYỄN KHẮC PHÊ
(Đọc “Gánh gánh… gồng gồng…”, Hồi ký của Xuân Phượng, Nxb. Văn hóa - Văn nghệ, 2020; Giải thưởng Văn học Hội Nhà văn Việt Nam năm 2020)
VŨ NGỌC GIAO
Có một lần tôi đã chia sẻ với nhà văn Vĩnh Quyền rằng, tôi rất thích Rừng Na uy.