Thơ từ Trại sáng tác Quảng Ngạn

09:47 26/10/2018

LGT: Từ ngày 24/8 đến ngày 31/8/2018, Hội Nhà văn Thừa Thiên Huế tổ chức Trại sáng tác Văn học Quảng Ngạn năm 2018, đã đưa các nhà văn, nhà thơ đi thâm nhập thực tế tại các xã ven biển thuộc huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế.

Các nhà văn, nhà thơ tham gia trại sáng tác

Chuyến thực tế đã để lại nhiều ấn tượng sâu sắc trong tâm thức sáng tạo của các trại viên, để rồi cho ra đời nhiều bài thơ, truyện ngắn, ký về biển, quê hương đất nước, đời sống con người vùng biển Quảng Ngạn, Quảng Điền.
Sông Hương trân trọng giới thiệu đến bạn đọc một số tác phẩm thơ từ Trại Sáng tác này.



NGUYỄN THIỀN NGHI

Đời biển

Con còng cõng gió về gối tổ
Thuyền chở khát khao vào biển khơi
Ngày mai ướt bóng mình trên cát
Thấy nhấp nhô chuyện áo cơm


Biển trần lưng thức trắng
Đèn vỗ mạn thuyền
Cong vầng trăng ước mơ
Ánh sáng biển và đất liền cùng nhịp thở
Chong tìm nhau theo ngọn sao Mai


Nắng khảm hồn quê lên da
Mưa cứa tình thương vào thịt
Một đời cày tuổi trên mắt lưới
Con cá vẫy vùng
Người sẽ về đâu


Thuyền chở nguồn vui vào chợ
Rót nụ cười thuyền lại ra khơi
Chỉ biển chép mặt người lên sóng
Cùng cái nhìn
Nóng chảy tương lai




ĐỨC SƠN

Bữa tiệc biển

Trước biển xõa bờ con sóng gần, con sóng xa
Gần lắm với tay ngọn sóng trào
Bọt biển nằm xoài cát mịn


Đứa cháu ngoại và ông
Đôi mắt ngây thơ, cháu ngồi nghịch cát
Trời rộng, xanh vô cùng
Gió và nắng xênh xang
Ông ngắm cháu
Biển hồn nhiên, đứa cháu ngoại hồn nhiên


Xanh vô cùng yêu thương
Từ trời Tây
Về biển gội, tóc hung cháu bay bay
Nắng hiền hòa rắc nhung, lâu đài cát cháu xây
Nắng tung tẩy bước chân trần in dấu
Theo con sóng tràn bờ
Đuôi mắt ông như lằn sóng xa vời cồn cát


Nghìn trùng cháu về đây
Chọn biển
Chọn quê mình tự do
Mãi mê chân đánh sóng
Thì thầm cháu và ông thích biển ấm
và bánh bột lọc bán rong
Cùng ông hứng đợt sóng cồn


Con sóng vỡ òa thót tim
Biển thổi hồn
Xanh chi lắm trời, biển ơi!
Miên man chi lắm
Tình yêu muôn đời biển cả
Sâu thẳm chi lắm
Biển mặn mòi
Làm sao đếm xuể
Hoài niệm chi lắm
Tuổi bông lông bắt con còng gió
Muốn ông cưỡi sóng, trò chơi trốn tìm
Con còng có tổ con còng
Ngày mai còng gió lòng vòng tìm quê


Bên bờ cát trải dài
Trò đùa nhảy lò cò
Sắc màu vỏ ốc
Cứ nhặt, đem về trời Tây cất giữ
Nhặt vô tư, biển Việt dành cho cháu
Đầy ắp tình yêu
Sóng vỗ khôn nguôi
Như tình cát vươn
Bước chân dấu mềm
Bồng bột hằn lâu
Làn da, mái tóc
Ông nâng niu hy vọng
Bởi chân trời này
Giọt cát vun bến bờ
Bởi vầng mây nhỏ bay về
Trái tim dồn nhịp đập
Con sóng bạc đầu, con sóng lấp lánh tươi vui


Ông và cháu chỉ là ngắm sóng thôi
Chỉ là nghịch cát, nghịch gió
Dưới bầu trời thanh bình
Khoảng trời cho
Dưới mặt trời số phận
Biết là bất lực trước sóng biển vô thường…


Thi thoảng cánh chim hải âu từ đâu
Đo biển Đông rộng dài từng mét
Biển quê mình dọn tiệc
Ông cháu tôi, bữa tiệc biển vơi đầy.





TRIỆU NGUYÊN PHONG

Sóng vỗ bến quê

Ta đi dạo cánh đồng quê
Đỉnh cao bóng nhớ quay về tuổi thơ
Hàng dương vít gió cong bờ
Mây treo vũng nắng dật dờ chực trôi


Quảng Điền nỗi nhớ trong tôi
Ngày em thả tóc gió ngồi ngợp ngang
Cánh đồng ngậm giọt nắng vàng
Hương thơm mùa gặt chiều mang trăng về


Mây buồn chở nặng sông quê
Vĩnh Tu - Cồn Tộc bến về cách ngăn
Tìm gì giữa phá mênh mông
Mùa đi vẫy gió vít cong mạn đò


Nửa tôi neo móng bụi mưa
Nửa em Quảng Ngạn khóc vừa cạn đêm




ĐẶNG VĂN SỬ

Ngã tư quán đợi...

Ta ngồi dí cà phê quán đợi
nghe rưng rưng mưa nắng thời gian
sự ngang dọc về đi neo nhổ
phiên bản tim luân nhịp tư mùa...


Ai tịnh tiến về bên Cồn Tộc
khuyết lòng ai Vĩnh Tu con đò
ừ Quảng Công người di mặc định
Quảng Ngạn chiều buôn buốt u dông...


Ta vẫn quán, cà phê như đợi
ngã tư đường
đã chọn không nhau
việc được - mất bám về cát bụi
vo cho tròn quẳng phá mà sang...


Thôi, không quán
cà phê không đợi
đã buông xuôi vụt mất cuộc tình
chiếc xe bò kéo đồng qua độn
biển vô cùng khỏa sóng mênh mông...




VĂN CÔNG TOÀN

Biển trăng

Lời ru kín mặt đất bằng
Để ta ru với ánh trăng bây giờ
Bắt đầu từ những câu thơ
Người ru mặt đất và mơ sao trời
Tình ta như biển chẳng vơi
Yêu em nên đã một thời ru trăng...


Lời ru khắp mặt đất bằng
Thôi ta hát với biển trăng bây giờ
Phải đâu khúc hát vu vơ
Biển trăng ai nỡ hững hờ được sao?
Mênh mông biển sóng ba đào
Tràn trên biển mặn ngọt ngào là em


Dưới trăng biển lại dịu mềm
Biển trăng tựa chiếc nôi êm đất bằng
Đất đai đến lúc cỗi cằn
Ta ru em với biển trăng đêm này...
Trăng khuya biển cả mù say
Biển trăng ai chở trăng đầy thuyền ai?!




NGÔ CÔNG TẤN

Qua phá Tam Giang nhớ mẹ

Qua phá toàn những chiếc cầu
Làm sao thấu những chuyến đau của đò
Lách từng miếng sáo con nò
Lội khi nước lớn buồn so nước ròng.


Trong đục gì cũng long đong
Nắng mưa gì cũng một dòng lênh đênh
Đời phá cũng lắm gập ghềnh
Nên đò cũng chịu chông chênh với dòng


Qua phá nhớ mẹ quá chừng
Tôi như đứa trẻ ngày không có người
Mái chèo khua cắt bóng tôi
Bóng tôi hay bóng của người... đò ơi!





NGÀN THƯƠNG

Màu chiều

Thuyền neo trên đầm phá
Tam Giang ngả màu chiều
ấm nồng chim bay lượn
thủy triều gợi men yêu


Người tảo tần sinh kế
năm tháng ngược dòng trôi
bốn mùa qua lặng lẽ
theo vầng trăng cuối trời


Thương mắt sông bến cũ
tan vào những bãi bờ
đêm ru hời ký ức
vắt kiệt nỗi buồn xưa


Ngồi bên nhau mây trắng
bay lưng chừng qua vai
nghe sấm giông xuôi ngược
thơ tôi chợt bồi hồi


về quê em lần nữa
nhẹ nhàng phút lênh đênh
thắp tình trong sương khói
mùa Thu sang êm đềm.




TRƯỜNG THẮNG

Phá Tam Giang

Về với quê em
Nhìn phá Tam Giang ngỡ ngàng say mộc
Bến đò Vĩnh Tu đưa khách qua bến đò Cồn Tộc
Nơi có bao nhiêu đôi tình nhân nên vợ nên chồng.


Về với Phá Tam Giang hôm nay
Đi khắp đó đây chưa nơi nào có địa chỉ vàng đẹp thế
Vẻ đẹp hoang sơ mặt nước trong xanh lững lờ phẳng lặng
Phong cảnh hữu tình như bức tranh tuyệt tác nên thơ.


Về với quê em
Nò sáo lớp lang chọn lối đi của cá
Sông nước một đời em cần lao vất vả
Chiếc ghe theo suốt mùa bắt tôm cua hàu cá
Nuôi chồng con không ca thán một lời
Chèo phá lội đầm em vẫn là em đầm phá tươi mươi.
Đời mắc nợ bởi em chưa một lần suy tính
Đây Phá Tam Giang muôn màu muôn vẻ chung tình.


Về với Phá Tam Giang hôm nay
Đoàn người chúng tôi đi khám phá chân ngày
Bình minh ló dần hòa mình vào không gian trong lành thoáng đãng
San sát những thuyền ghe đây chợ Ngư Mỹ Thạnh
Tiếng người bán người mua tiếng rao hàng lanh lảnh
Khoảng một giờ thôi chợ vội họp chóng tàn.


Chúng tôi lên thuyền ra phá đón hoàng hôn
Trời thấp dần phá Tam Giang như cô gái mang áo vàng e thẹn
Một thoáng nhìn xa xăm cô gái buồn thay áo tím mộng mơ
Cảnh sắc thiên nhiên trữ tình hòa điệu nên thơ
Lãng khách trầm tư say sưa cảnh hoang sơ đầm phá.


Men chi ngấm vào người lâng lâng duyên nợ
Ngọn gió mát lành xuyến xao tình yêu rạn vỡ
Có em và chúng tôi hòa nhịp phá Tam Giang
Tiếng đàn vọng ngân từng cung bậc thấp cao
Giọng em trong veo cất tiếng ca quê hương đổi mới.


Sông nước hữu tình hương muối phả lan vời vợi
Phá Tam Giang suốt đời là cầu nối Cồn Tộc Vĩnh Tu…




TRẦN VĂN LIÊM

Phận biển

nỗi chìm phận chữ
tay sóng gồng lên trang biển
mùa cóng bút chèo
mùa rạc cánh nghìn thu
giữa mênh mông nhạn bầy đạp sóng
thuyền thủ tiết
rách tươm buồm tung hứng gió
lụy tình
loay xoay
gào
thét...
giữa trùng trùng đông hải
lưu dân bứt từng cơn ngái ngủ
đậy lên khuôn mặt bạn hiền
đậy lên bờ da
lơ mơ cỏ xanh
đậy lên bài thơ bị ăn mòn bởi hơi thở
thời gian nâng nấc
đậm mùi hồng hoang
lẽ nào đang hóa vàng giấc mơ
ngàn trăng reo
biển cuộn
ta thương em lời đắm đuối thỉnh cầu
từng phận chữ siêu sinh
cho linh hồn tự do
bay
xoay
trong vành đai ngôn từ ước lệ



(SHSDB30/09-2018)



 

 

Đánh giá của bạn về bài viết:
0 đã tặng
0
0
0
Bình luận (0)
  • ...sông vẫn xanh màu xanh thuở ấykhác là bây giờ bên sông nhà chọc trời soi bóngô tô đan kín đại lộ lấp loáng nắng trưahình như gió xưa đang háthoa bằng lăng tím lối qua cầu...

  • LƯU LYTên thật: Trần Thị Vân Dung, sinh ngày 28.8.1978 tại Thanh Chương, Nghệ An.Thơ Lưu Ly là sự giãi bày nỗi niềm của một tâm hồn đa cảm mà đơn phương... Sự chân thành mộc mạc của tác giả sẽ mang lại cho người đọc chút “hương đồng gió nội” thật hiếm hoi trong dòng thơ hiện đại.

  • ...Có nơi nào như đất nước tôitiếng trống tràng thành cũng lung lay bóng nguyệtthiếu phụ tiễn chồng ra trậnđêm trở về nằm gối nửa vầng trăng...

  • Trà Mi vốn là bí danh có từ thời hoạt động nội thành của Nguyễn Xuân Hoa được anh “nối mạng” vào “thương hiệu” thơ khi cái đẹp bừng nở trong tuệ giác.Dù không lấy thơ làm cứu cánh nhưng nó vẫn là một hằng số tâm linh đối với bất cứ ai trong mỗi một chúng ta. Sự tung hứng giữa cảm xúc và trí tuệ, sự cộng hưởng giữa truyền thống và hiện đại, sự bức xạ giữa ý tưởng và ngôn ngữ được coi như một nguyên tắc đồng đẳng trong thi pháp thơ Nguyễn Xuân Hoa.Nguyễn Xuân Hoa sinh năm 1947 tại Quảng Điền, TTHuế. Hiện là tỉnh uỷ viên, giám đốc Sở Văn hoá Thông tin TTHuế.Sông Hương trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc chùm thơ mới của anh.

  • ...Em đã lấy những gìmà Chúa không cần nữaNgười đã ban tặng emMột tình yêu đau khổ...

  • Cách đây 700 năm, vào năm 1306, vua Trần Nhân Tông gả công chúa Huyền Trân cho vua Champa, bờ cõi Đại Việt được mở rộng. Hai châu Ô, Lý được vua Chế Mân cắt để làm sính lễ dâng vua Đại Việt. Sau đó, hai châu này được đổi thành châu Thuận và châu Hóa. Thuận Hóa được hình thành từ cơ sở đó.Những bài thơ chữ Hán viết về vùng đất này sớm nhất có thể kể đến như Hóa Châu tác (Làm ở Hóa Châu) vào khoảng năm 1354 của Trương Hán Siêu (?-1354); Hóa Thành thần chung (Chuông sớm ở Hóa Thành) của Nguyễn Phi Khanh (1355-1428); Tư Dung hải môn lữ thứ (Nghỉ chân ở cửa biển Tư Dung) của Lê Tư Thành (vua Lê Thánh Tông 1442 - 1497)... Nhân kỷ niệm 700 năm Thuận Hóa - Phú Xuân - Thừa Thiên Huế (1306 - 2006) TCSH trân trọng giới thiệu cùng độc giả ba bài thơ này.HẢI TRUNG giới thiệu

  • Đá Hạ Long đa tình hóm hỉnhNên mái cong đuôi trống xoè lôngTrời và nước hồng hoang kết dínhSóng nôn nao như tiếng vợ gọi chồng...

  • ...đêm bình yên linh hồn nương náusao ta một mình thao thứcsao ta một mình lay gọilối nào tới ban mai?...

  • ...khoảng vườn xanh xưatrồng toàn cây cẩm túnở một bông thôi cũng đủ nhớ thương người...

  • ...từng hàng cỏ mọc bon chencôn trùng nương náu cũng quen lâu rồi...

  • LTS: Nguyễn Xuân Hoàng viết nhiều, viết đủ các thể loại nhưng tác phẩm đã công bố phần lớn là truyện ngắn, bút ký, tản văn, tiểu luận v.v... còn thơ thì ít khi xuất hiện. Song, có lẽ thơ mới là “ngọc châu” trong văn nghiệp của anh. Những bài thơ gần đây được Hoàng viết ra như một sự dự phóng điềm gở của định mệnh.Khắc khoải yêu thương, khắc khoải đợi chờ là tâm trạng của Hoàng được “mã hoá” trong chùm thơ mà Sông Hương vừa tìm thấy trong di cảo của anh.

  • ...Xin hãy để ta mơ về Hợp NhấtLòng bản thể thẳm sâu hòa điệu giữa lòng ta...

  • LÊ HUỲNH LÂMSinh năm 1967, tại Phú Vang - Thừa Thiên Huế; Kỹ sư tin học (ĐH Bách Khoa Hà Nội). Tác phẩm đã in: Sông hoa (tùy bút)....ấy là một khuôn mặt trầm tư? U uất? Khuôn mặt với đầy đủ đặc tính của một “triết gia bi đát”. Bây giờ, những ngôn từ mà anh dày công nhào nặn đã ý thức hơn về vị thế của mình trong đoản - khúc - người, và chúng không còn cưỡng bức xác thân anh đi ngược chiều nhân loại nữa. Những ngôn từ  (bị dòng đời ám ảnh) đã tự sắp đặt thơ. Bây giờ, thơ trở thành tính từ của thân phận mỗi khi cõi lòng anh lên tiếng...Sông Hương xin chuyển tới bạn đọc ba “cột thơ” rút từ ngôi nhà của anh.

  • ...Không còn ở trong vòm cửa hẹpCả khoảng không bừng sáng quanh ta...

  • ...Tiếng aiTrong gióHú dài…

  • LGT: Như một chuyến hành hương về nguồn cội, với nghĩa cử cao đẹp, Công ty Văn hoá Trí tuệ Việt đã cho ra đời tập sách HUYỀN THOẠI TRƯỜNG SƠN, gồm nhiều thể loại như bút ký, hồi ký, thơ, nhạc,... Đặc biệt hơn hết là danh sách đầy đủ, chính xác của 10.263 anh hùng liệt sĩ yên nghỉ tại Nghĩa trang Liệt sĩ Trường Sơn.
    Sông Hương xin trân trọng giới thiệu tới bạn đọc những dòng thơ được thắp lên từ HUYỀN THOẠI TRƯỜNG SƠN - như một nén nhang gọi hồn những người đã ngã xuống!

  • LGT: Trong cuộc đi tìm mình khắc khoải ở trời , Nguyên Quân mang theo những u uẩn của quá nửa phần đời để mỗi buồn ngồi gặm nhấm. Chắc hẳn cũng nhờ vậy, anh đã làm được một điều không dễ - ấy là gọi tên đúng nỗi buồn giữa mênh mang thi phú...Sông Hương xin giới thiệu chùm thơ của Nguyên Quân mà hai trong số đấy sẽ được tuyển vào 700 năm thơ Huế.

  • Hơn một năm trước, nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ giương cao Lá cờ trắng. Nhưng dường như đấy chỉ là hình thức “trá hàng” của một nàng thơ giữa độ hồi xuân.Không hiểu tự bao giờ, loài cúc dại đã cắm rễ vào cõi hồn đa mang của chị hút đến cả nỗi đau dung dưỡng xác thân trong kiếp luân hồi đầy khổ nạn. Tập thơ mới nhất của chị, là sự bung nở của vô vàn cúc dại, để trí nhớ đất này thêm những phút thăng hoa...

  • HẠ NGUYÊN* Sinh năm 1966 tại Hương Cần - Hương Trà -  TT. Huế* Hội viên Hội Nhà báo Việt , Ủy viên BCH Hội Nhà báo Thừa Thiên Huế khóa IV (2007 - 2012).* Hội viên Hội Nhà văn Thừa Thiên Huế* Có nhiều tác phẩm in chung trong các tuyển tập: “20 truyện ngắn và ký 1975 - 1995”, “25 truyện ngắn và ký 1975 - 2000”, “Thời gian và nỗi nhớ”, “Trịnh Công Sơn - cát bụi lộng lẫy”, “Thừa Thiên Huế trong cơn đại hồng thủy (2000)” v.v.

  • NGUYỄN THIỀN NGHITên  thật là Nguyễn Bồn, sinh năm 1948 tại Phú Vang, Thừa Thiên Huế.Hội viên Hội Nhà văn TT.Huế.Hiện là giáo viên của Trung tâm Giáo dục thường xuyên Hương Thuỷ.