Thơ Sông Hương 2-2002

14:33 30/07/2008
Hoàng Phủ Ngọc Tường - Nguyễn Khắc Thạch - Phạm Nguyên Tường - Mai Văn Hoan - Văn Hữu Tứ - Nguyên Quân - Võ Quê - Ngàn Thương - Lê Ngã Lễ - Ngô Cang - Nguyễn Thiền Nghi - Lê Viết Xuân - Đỗ Văn Khoái - Phạm Tấn Hầu - Thanh Tú - Hồng Thị Vinh - Nguyễn Xuân Thâm - Nguyễn Ngọc Phú - Nguyễn Hoài Nhơn - Đàm Khánh Phương - Bùi minh Quốc - Nguyễn Trung Hiếu - Nguyễn Văn Dinh - Nguyễn Đông Nhật - Vũ Thị khương - Lê Huy Quang - Vương Tùng Cương - Huỳnh Quang Nam - Nguyễn Trọng Bính

HOÀNG PHỦ NGỌC TƯỜNG       

Kănguru

Mày là con kănguru gặm cỏ
Của mặt đất thảo nguyên
Lang thang trong bóng đêm
Túi đựng đầy gió.

Mày là con kănguru hoang dã
Của những cơn gió xôn xao
Lang thang tìm miền đất lạ
Túi đựng đầy ánh sao.

Mày là con kănguru nghệ sĩ
Của những chiều lá bay
Lang thang giữa cỏ may
Của những nẻo bụi hồng
Túi đựng đầy mênh mông.

Mày là con kănguru linh giác
Của bạt ngàn đồng cỏ
Mày đọc những lời kinh viết trên lá cọ
Lĩnh hội những lời kinh vô tự
Lang thang trên dấu chân con lạc đà tiên tri
Túi đựng đầy minh triết.

Mày là con kănguru mẫn tuệ
Của đại lục cổ xưa
Lang thang qua nhân loại hoang sơ
Túi đựng đầy trí huệ.

Mày là con kănguru tự do
Của những mặt đất rạn rỡ
Và những chân trời đang mở
Lang thang như con ngựa hồng
Túi đựng đầy trống không.
25-12-2001

NGUYỄN KHẮC THẠCH

Nhật thực

Anh không tin con người là vũ trụ thu nhỏ
Khi chúng ta quẫn khuất vào nhau

Mặt trời rực rỡ và lớn lao
Cũng có khi bị trăng che hư huyễn

Trăng che mặt trời như thuyền trôi qua biển
Còn em đã che anh như biển bủa vây thuyền

PHẠM NGUYÊN TƯỜNG

Bàn tay năm ngón

Bẻ gập và duỗi
Những ngón thay thắc thỏm nguyện cầu
Không dưng thẫn thờ vuốt tóc
Biết tuổi mình còn xanh được bao lâu?

Năm tháng hằn lên những đường vân mới
Nét tài hoa phai nhạt trêu ngươi
Gió qua kẽ tay gió thành hai mặt
Lật lên đánh luống khóc cười

Đôi khi vẫy tay vào trống vắng
Đường Trí đạo như suối khô
Đường Sinh đạo vui buồn len lỏi
Dọc ngang Tâm đạo bơ thờ

Úp mặt vào đâu thật lòng xao xác
Chỉ bàn tay mặc cả khôn ngoan
Nhưng cô độc người làm sao giấu giếm
Ngón riêng tư bấu víu mặt bàn

Chấm lên cao xanh ngón buồn nung nấu
Nến đằng trời không hoá kiếp được cho thơ
Thôi đành vậy, khuya ơi, đừng vọng động
Mắt ngày sau không khép được sang bờ.


MAI VĂN HOAN

Ngày thi ca

Tôi không phải là nhà thơ nên không biết
Cái ngày nào là ngày của Thi ca
Nhưng tôi tin đó là ngày rất tuyệt
Như cái ngày trời đất mới sinh ra.

Núi cũng mới và sông kia cũng mới
Người là hoa và đất cũng đầy hoa!
Rừng vừa mở một mạch nguồn tươi rói
Và bầu trời lảnh lót tiếng chim ca!

Đó là ngày “Phục sinh” toàn thế giới
Để đất trời cứ vọng mãi “hồi âm”
Để tượng đá cất lên tiếng nói
Để mọi người đều hoá Thi Nhân!

VĂN HỮU TỨ

Bóng Phù Nam
            
Tưởng nhớ Trịnh Công Sơn

Trịnh Công Sơn
Đời chảy mãi như sông
Đời là giấc mơ hư ảo
Mưa là đám rong rêu đáy biển
Mây là khúc ca tình lãng du
Một ngày mấy nẻo chia xa
Một bóng cô đơn
Chỗ nằm thiên thu gối đất
Cứ mãi yêu đời đi
Đừng hỏi đời có yêu ta
Vung tràn nụ hôn lên cỏ
Dang tay ôm một đoá quỳnh thơm
Chỉ còn thơ và nhạc
Em là ai
Ta nào biết ta là ai
Cây độc huyền đêm
Từng ngón tay khô rướm máu
Cứ hát lên
Cho câu thơ rụng
Lạnh bóng Phù Nam
Từng cõi đời đau
Từng giọt đắng
Trịnh Công Sơn
Con đường dài biết đi đâu
Và về đâu.
10/2001

NGUYÊN QUÂN

Chợ núi chiều cuối năm

Theo chuyến xe về
Ngựa gõ vó rung bờm lục lạc
Phiên chiều chợ núi gió ngây ngây
Hong tay sàn lửa
Ấm áo bụi đường
Vít cong cần trúc neo ché rượu
Con gái núi mắt nẩy mầm xuân
Vòm ngực nâu non ủ chín hương rừng
Môi chạm lá
điệu khèn ngân thác suối
Níu đuôi tình về mái núi xa
Phiên chiều vãng chợ
Chiếc bóng mơ hồ ngã xuống
một ta say.

VÕ QUÊ

Hội vật làng Sình

Mơn man gió sông Hương tràn sắc nắng
Trống làng vang giục giã tứ phương về
Cờ xí rợp sân đình cao sới vật
Người chen người áo mới cạnh thâm the

Dải đai đỏ tấm lưng trần vạm vỡ
Chiếc đai xanh lồng ngực nở bóng ngời
Các chàng trai giàu tinh thần thượng võ
Quần thảo nhau hào khí xuân tươi

Tiếng cổ vũ vang rân cùng nhịp trống
Lời hô reo đừng
trắng bụng tấm lưng!
Gió sông Hương thơm say nguồn chiến thắng
Những ngọn cờ phần phật nỗi vui chung

Từng tên đất tên làng kiêu hãnh
Theo cánh tay chàng đô trẻ lập công
Chòm râu trắng người già rung sảng khoái
Đàn em thơ rạng rỡ mắt xanh trong

Ngày hội vật làng Sình luôn sống động
Mái đình xưa truyền thống một đời dân
Con thuyền trôi giọng hò ngân sóng nước
Trai thượng đài gái trẩy hội mùa xuân.

NGÀN THƯƠNG

Tháng giêng

Tháng giêng đi dưới vòm cây
Trắng rồi những sợi tóc mây bao giờ
Nam bình rung mấy cung tơ
Thương con sông hát đôi bờ vọng vang
Hình như tôi đợi người sang
Không nhớ nữa chuyện lỡ làng tình xưa
Đi qua cơm áo bao mùa
Sáng nay quên hết hơn thua việc đời
Trải lòng đón nắng xuân tươi
Gặp nhau tặng một nụ cười bao dung.

LÊ NGÃ LỄ

Hương thầm

Có loài hoa nở về đêm
Hương thầm em hái
Vương lên mắt trời
Dẫu cho thức trắng đêm dài
Chờ mong nhặt cái u hoài
của hoa
Hương quỳnh còn nhỏ giọt khuya
Tiếng lòng thổn thức
Cũng vừa gặp em
Mặt trời lên
Sáng con tim
Đi tìm khoảnh khắc đã chìm
Cõi xa

Về đêm nở một loài hoa
Hương thầm thấm đẫm
Câu ca cháy lòng

NGÔ CANG

Phù sa biển
          
Tặng Ngô Minh

Nắng mưa biển đã nuôi trồng
chàng ơi, cát bụi xương rồng nở hoa
chàng về, thương mạ nhớ cha
tìm trong cát biển phù sa đời mình

Quê nghèo một thuở chiến chinh
lung linh giọt nước mặn tình, cát ơi!
chàng về trước biển khóc cười
năm xưa, sóng chém sẹo người còn đây

Nỗi buồn không rượu mà say
chói loà sắc biển lắt lay bến bờ
chàng ơi, cuộc sống xô bồ
nhớ tình nhặt nhánh san hô mang về

Ap tai cát ấm mà nghe
Ở đây có một tiếng ve gọi chàng...!
9-2001
----------
* Phù sa biển: tập thơ của Ngô Minh


NGUYỄN THIỀN NGHI

Quê nội

Gom lại đèn hoa trên sông
Kết thuyền về quê nội
Gạn nụ cười đục trong
Mượn nguồn cội
Đẩy thuyền đi bằng ngọn trầu không

Cuộn lại mảng trời xanh
Ráp không đầy ngày cũ
Tuổi thơ đạp đau thớt ruộng giao mùa
Đón ba mẹ về cuối ngày nắng rát bàu ô
Nơi cơn rét quẫy mình lưỡi cày toạc rách
Nơi nạm rơm khô có khi làm người giữ đất
Ruộng lúa bàu ô mất mùa phải trả
Ba mẹ cõng con đi một sớm còn sương
Nuốt vội tình yêu vào lòng rong ruổi
Nên đời bận mãi tiếng lúa reo

Con về quê nội
Nối ước mơ ba một thời xa quê không về được
Khói thổi ấm cây nêu phất gió nụ cười
Khu vườn bạt lá trở mình xôn xao lạ
Ngỡ như bóng xưa chấp chới trong nhà
Khi tiếng thở xuân vừa nhen lửa.

LÊ VIẾT XUÂN

Chiều Hồ Tây

Em đang hát về mùa thu Hà Nội
Bên hồ Tây se lạnh sương chiều
Tôi bắt gặp cái nhìn vời vợi
Bùng cháy lên cả một trời yêu.

ĐỖ VĂN KHOÁI

Phố chiều

Phố chiều trơ vạn nhánh cây
Chim như mắc lưới gọi bầy tầng cao
Men theo lối gió xuân vào
Phất phơ bao vạt lụa đào qua đây

Chiều sâu hun hút chân ngày
Lòng sao bỗng thấy dâng dầy khói sương
Đi qua mấy ngã thành buồn
Biết em đâu? giữa chiều muôn áo về

Phố chiều chìm giữa hoang mê
Và tôi khuất giữa bốn bề khói cay
Cũng đành làm cuộc chia tay
Với ngày qua - đã qua ngày...đã qua.

PHẠM TẤN HẦU

Theo sương trăm tuổi
         
Kính tặng Thầy Quán Chơn (T.A)

Cây mít đi rồi
Trăng suông quạnh quẽ
Một chớm thu tàn
Mấy ngàn cõi thế

Cây mít đi rồi
Theo sương trăm tuổi

Ta như mộ chí
Thức bởi lời kinh
Thấy trong dòng lệ
Một chút bóng hình.
Đông chí 2001

THANH TÚ

Khúc hát mùa đông

Có khúc hát mùa đông ngoài ngõ
Con dế buồn rầu rĩ cơn mưa
Sao không thấy người qua trước cửa
Để nỗi buồn rơi rụng song thưa
Mùa đông Huế giấu buồn vạt áo
Giấu kinh thành chìm khuất cổ xưa
Sao không giấu tiếng đàn đêm lạnh
Và tiếng em khoan nhặt đò đưa...
Em cứ hát mùa đông hò Huế
Điệu tương tư ấm lại tấm lòng
Em cứ hát mùa đông như thế
Câu bình gạn đục khơi trong.
19-12-2000

HỒNG THỊ VINH

Đêm thánh giá

Thánh giá đó lại một lần ngước mắt
Cầu ơn trên như một buổi đông nào
Xa xôi lắm cơ hồ như quên lãng
Lời nguyện cầu có Chúa ngự trên cao

Mỗi mùa đông bão trời qua bốn phía
Cửa giáo đường không khép nổi giá băng
Hồn chớm lạnh dưới muôn sao rực rỡ
Hang Bê lem bay lượn cánh thiên thần

Giờ đón Chúa chào đời trên máng cỏ
Chợt nhớ mình một thuở hài nhi
Từ biết thở đến nửa đời chóng vánh
Gót truân chuyên hun hút nẻo xuân thì

Sầu vụt tắt niềm tin vừa thắp lại
Nến thiêng liêng sưởi ấm suốt đêm đông
Lời ca Thánh vang bầu trời trần thế
Nỗi hân hoan ơn Chúa đến vô cùng.

NGUYỄN XUÂN THÂM

Người kéo đàn cò dưới cửa
Nhà Đồ-Huế


Như vẫn mấy người lam lũ ấy
Ngồi quây dưới bóng cửa Nhà Đồ
Vịn vai nín thở nghe đàn hát
Nắng nhạt trưa ngưng tiếng nhị hồ.

Hai mươi năm phút chốc
Như thể chẳng đổi thay
Vẫn mấy ngón gầy
Kéo buồn man mác

Có người cuối chiều cúi mặt
Đôi kẻ xuýt xoa chau mày
Quanh người kéo đàn chưa ngã bóng
Kim Luông mây trắng thành xây.

Hoàng thành tịch mịch
Còn trơ người kéo đàn
Ngày ấy chưa mười tám
Ngày ấy gió lang thang.

Giờ da mồi má hóp
Tóc chấm vai áo manh
Giữa chiếu còn đôi mắt
Không chớp, trước cửa thành.

NGUYỄN NGỌC PHÚ

Về quê

Đồng quê ngã vào rơm rạ
Ký ức cộm hạt thóc gầy
Ao quê hoa bèo phủ lấp
Cá vừa búng thót giữa tay

Tóc ta ngây ngây sợi khói
Bước chân nhún nhảy cào cào
Xa quê quên ngồi thổi sáo
Hồn tre giờ dạt về đâu?

Bến đò đã lâu vắng khách
Bóng ai còn đọng chân cầu
Có tiếng gì rơi trong vắt
Tơ trời nắng kéo vào sâu

Về quê ta thành khách lạ
Gặp ai cũng muốn hỏi chào
Tổ tiên xanh rì mồ cỏ
Còi xe vướng víu làm sao!

Ước chi thành cây lúa nếp
Trổ bông mẹ đỡ rầu lòng
Đã lâu rồi quên nhóm bếp
Ngõ quê đỏ mắt chờ mong.
                                                Hà Tĩnh cuối 2001

NGUYỄN HOÀI NHƠN

Lá nhớ

Lá nhớ rơi xanh chiều nhớ
Đất dậy lên màu vàng chanh
Cây vẫn là cây hoang dại
Đang mơ chồi biếc, mơ cành

Mơ gì rễ ơi đất lạ
Nào đá sỏi, nào bùn thơm
Dòng nhựa lên cây buốt giá
Rưng rưng xanh hết mùa thương

Và đây dấu xưa năm cũ
Mắt em ngấn nỗi buồn vàng
Lá nhớ rơi đầy ngõ nhớ
Còn gì - phía ấy- chiều hoang

Cửa sổ đêm đông gió khép
Chiếc lá cuối cùng lặng rơi
Giây phút chia lìa tê tái
Tôi biết mơ gì, cây ơi?!

ĐÀM KHÁNH PHƯƠNG

Uống cùng rượu Tết
             
Ly rượu trắng quán Vân vài ba trang báo cũ
                  Anh làm sao tiêu hết một buổi chiều.
                                                                T.T.S

Bây giờ có em ta thành tất cả
Vào rừng thành chim, ra sông thành cá
Bù cho những ngày ta ngồi như đá
Rượu nghiền héo nát suýt thành bình vôi

Bây giờ có em tôi về với tôi
Đêm xuống dịu dàng có tay làm gối
Ban mai vừa lên đã nghe thức gọi
Bao nhiêu giục giã tiêu cho một ngày

Ngần ấy thả đường trong lòng bàn tay
Có bóng một người còn đang đứng đợi
Mà tìm không ra mà chờ chưa tới
Đội ơn trời đất BÂY GIỜ CÓ EM.
Đêm Nghĩa Đô
7.11.2001

BÙI MINH QUỐC

Kính báo cụ Đồ Chiểu
Gửi Nguyễn Trọng Tạo
Nhân đọc “ Trong quán Lý Thông”

Bao nghẹn uất Nguyệt Nga xé trời kêu chẳng thấu
Giữa chợ đời biệt dạng Lục Vân Tiên
Hảo hớn bận giang hồ quán nhậu
Thi nhau bốc phét để quên hèn.
                                                Đà Lạt 10 - 2001

NGUYỄN TRUNG HIẾU

Trăng Hàng Châu

Những nhịp đập con tàu hồi hộp
Trăng Hàng Châu một phía xanh ngời
Phía điện như nghìn sao lóng lánh
Trăng có buồn để nửa trăng vơi?

NGUYỄN VĂN DINH

Làng bên phá Tam Giang

Một đời trôi nổi theo con nước
Nay đã lên đây dựng xóm làng
Nhà mới quây quần bao tổ ấm
Cổng làng lộng gió phá Tam Giang

Rừng già gửi nứa cài phên giậu
Mây dang miền núi chuyển về xuôi
Xóm nhà ân nghĩa sau cơn bão
Đoàn tụ bên nhau sát mé đồi

Vườn rộng trải dài hàng chuối non
Khoai lang bén đất đã xanh rờn
Trước hiên mấy khóm hoa kim cúc
Mới chớm vào xuân bỗng nở vàng.

Trường mới mọc lên cùng xóm mới
Nghe vang tiếng hát vọng trong chiều
Em đan vàng lưới dăng sân rộng
Mắt lưới say nhìn nắng ruổi theo.

Làng ở cận kề bên Điền, Thuỷ
Lấy đất làm nơi đứng vững chân
Lấy nước dõi theo luồng cá rộ
Nghe sóng triều lên với gió xuân...

NGUYỄN ĐÔNG NHẬT

Đôi mắt

thường không phải dễ dàng
khi phân biệt chữ A
với cái bóng của nó.

Cảnh 1

những nhà thơ buồn chết đi
nhưng có phải nỗi buồn đã chết?

và bài ca trong những bóng đời riêng
ai sẽ hát?

Lại cảnh 1

không ai hát lên nỗi buồn riêng
nhưng bài ca còn nguyên vẹn đó.

trong trái tim xưa còn sinh nở đến ngày mai
người chỉ biết có niềm vui chăng, hỡi người?

VŨ THỊ KHƯƠNG

Không đề
                                Tặng Bích Đào

Anh chẳng gối đầu lên gối bông ấm áp
Anh cũng chẳng gối đầu lên cánh tay em trắng ngần mềm mại
Hãy cho anh gối đầu lên mái tóc óng ả, dịu dàng
Có hương bồ kết nồng nàn
Có hương cỏ mần trầu bên lối ngõ
Có hương lá sả và hương cúc tần
Có hương lá bưởi, lá chanh
Tất cả đều là hương thơm vườn nhà xanh mướt lá
Cho anh gối đầu lên đó
Có cả chùm hoa nắng đung đưa, đung đưa
Anh sẽ như trẻ nhỏ được cưng chiều
Anh sẽ được sống trong dịu êm, hơn tất cả mọi sự dịu êm
Sự Thanh khiết hơn tất cả mọi điều Thanh khiết
( mà người đời quảng cáo rùm beng)
Hãy cho anh gối đầu lên hương thơm mái tóc
Em gội đầu chiều nay.
3-2001

LÊ HUY QUANG

Tự hát

Anh ôm một dải tay em
Có năm cánh trắng uốn mềm bay qua
Có năm sắc trắng nõn nà
Có năm lá biếc em là thân cây

Tay em dệt một màu mây
Giăng anh bay. Giữa một đầy mùa xuân.

VƯƠNG TÙNG CƯƠNG

Chiều nến thắp

Thảng thốt mây trời vô định
Ngơ ngác lá chiều heo may
Bồng bềnh khói sương chuông điểm
Siêu thoá hồn thu cạn ngày

Vầng trăng lễ nghi hiển hiện
Lời nguyền se thắt hồn tôi
Lòng neo mưa nguồn chớp biển
Ghềnh thác sông sâu kiếp người

Ta cùng dâng nến nghe em
Lung linh thắp chiều thu nhớ.

HUỲNH QUANG NAM

Về Huế
     
 Tặng nhà thơ Hồng Nhu

Về Huế tôi không về thôn Vỹ
Sợ nắng buồn che khuất hàng cau
Sợ đứng nhỏ nhoi bên cao ốc
Lãng đãng trong lòng chút Huế xưa

Về Huế tôi không về thôn Vỹ
Để còn sương khói ở hồn tôi
Để còn áo trắng bay hư ảo
Nhìn mãi cho ra dáng một người

Về Huế tôi không về thôn Vỹ
Sông trăng chơi dạo suốt đêm này
Sợ câu ca Huế rơi thấm nước
Tôi đành chuốc rượu để tôi say

NGUYỄN TRỌNG BÍNH

Trời yêu

Ơ kìa, trời cũng đang yêu
Xuân chưa đến, đã rất nhiều mộng mơ
Se se chút lạnh như đùa
Đất trời thanh sạch như vừa tắm xong
Ngập ngừng hoa đã từng bông
Giang tay lộc biếc mấy vòng gió đưa
Yêu thương biết mấy cho vừa
Trời yêu!
Người đã yêu chưa hỡi người?
11-2001

(nguồn: TCSH số 156 - 02 - 2002)

 

 

 

 




 

 

 

 

 

 

 

Đánh giá của bạn về bài viết:
0 đã tặng
0
0
0
Bình luận (0)
  • vốc chút tàn tro trong lò gạch lạnhngọn lửa xa xăm bỏng rát giữa lòng tayngày bất chợt trổ ngọn gió âm uký âm điệu kèn Saranai trên tàn câygià hơn ngàn tuổi...

  • ...sông vẫn xanh màu xanh thuở ấykhác là bây giờ bên sông nhà chọc trời soi bóngô tô đan kín đại lộ lấp loáng nắng trưahình như gió xưa đang háthoa bằng lăng tím lối qua cầu...

  • LƯU LYTên thật: Trần Thị Vân Dung, sinh ngày 28.8.1978 tại Thanh Chương, Nghệ An.Thơ Lưu Ly là sự giãi bày nỗi niềm của một tâm hồn đa cảm mà đơn phương... Sự chân thành mộc mạc của tác giả sẽ mang lại cho người đọc chút “hương đồng gió nội” thật hiếm hoi trong dòng thơ hiện đại.

  • ...Có nơi nào như đất nước tôitiếng trống tràng thành cũng lung lay bóng nguyệtthiếu phụ tiễn chồng ra trậnđêm trở về nằm gối nửa vầng trăng...

  • Trà Mi vốn là bí danh có từ thời hoạt động nội thành của Nguyễn Xuân Hoa được anh “nối mạng” vào “thương hiệu” thơ khi cái đẹp bừng nở trong tuệ giác.Dù không lấy thơ làm cứu cánh nhưng nó vẫn là một hằng số tâm linh đối với bất cứ ai trong mỗi một chúng ta. Sự tung hứng giữa cảm xúc và trí tuệ, sự cộng hưởng giữa truyền thống và hiện đại, sự bức xạ giữa ý tưởng và ngôn ngữ được coi như một nguyên tắc đồng đẳng trong thi pháp thơ Nguyễn Xuân Hoa.Nguyễn Xuân Hoa sinh năm 1947 tại Quảng Điền, TTHuế. Hiện là tỉnh uỷ viên, giám đốc Sở Văn hoá Thông tin TTHuế.Sông Hương trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc chùm thơ mới của anh.

  • ...Em đã lấy những gìmà Chúa không cần nữaNgười đã ban tặng emMột tình yêu đau khổ...

  • Cách đây 700 năm, vào năm 1306, vua Trần Nhân Tông gả công chúa Huyền Trân cho vua Champa, bờ cõi Đại Việt được mở rộng. Hai châu Ô, Lý được vua Chế Mân cắt để làm sính lễ dâng vua Đại Việt. Sau đó, hai châu này được đổi thành châu Thuận và châu Hóa. Thuận Hóa được hình thành từ cơ sở đó.Những bài thơ chữ Hán viết về vùng đất này sớm nhất có thể kể đến như Hóa Châu tác (Làm ở Hóa Châu) vào khoảng năm 1354 của Trương Hán Siêu (?-1354); Hóa Thành thần chung (Chuông sớm ở Hóa Thành) của Nguyễn Phi Khanh (1355-1428); Tư Dung hải môn lữ thứ (Nghỉ chân ở cửa biển Tư Dung) của Lê Tư Thành (vua Lê Thánh Tông 1442 - 1497)... Nhân kỷ niệm 700 năm Thuận Hóa - Phú Xuân - Thừa Thiên Huế (1306 - 2006) TCSH trân trọng giới thiệu cùng độc giả ba bài thơ này.HẢI TRUNG giới thiệu

  • Đá Hạ Long đa tình hóm hỉnhNên mái cong đuôi trống xoè lôngTrời và nước hồng hoang kết dínhSóng nôn nao như tiếng vợ gọi chồng...

  • ...đêm bình yên linh hồn nương náusao ta một mình thao thứcsao ta một mình lay gọilối nào tới ban mai?...

  • ...khoảng vườn xanh xưatrồng toàn cây cẩm túnở một bông thôi cũng đủ nhớ thương người...

  • ...từng hàng cỏ mọc bon chencôn trùng nương náu cũng quen lâu rồi...

  • LTS: Nguyễn Xuân Hoàng viết nhiều, viết đủ các thể loại nhưng tác phẩm đã công bố phần lớn là truyện ngắn, bút ký, tản văn, tiểu luận v.v... còn thơ thì ít khi xuất hiện. Song, có lẽ thơ mới là “ngọc châu” trong văn nghiệp của anh. Những bài thơ gần đây được Hoàng viết ra như một sự dự phóng điềm gở của định mệnh.Khắc khoải yêu thương, khắc khoải đợi chờ là tâm trạng của Hoàng được “mã hoá” trong chùm thơ mà Sông Hương vừa tìm thấy trong di cảo của anh.

  • ...Xin hãy để ta mơ về Hợp NhấtLòng bản thể thẳm sâu hòa điệu giữa lòng ta...

  • LÊ HUỲNH LÂMSinh năm 1967, tại Phú Vang - Thừa Thiên Huế; Kỹ sư tin học (ĐH Bách Khoa Hà Nội). Tác phẩm đã in: Sông hoa (tùy bút)....ấy là một khuôn mặt trầm tư? U uất? Khuôn mặt với đầy đủ đặc tính của một “triết gia bi đát”. Bây giờ, những ngôn từ mà anh dày công nhào nặn đã ý thức hơn về vị thế của mình trong đoản - khúc - người, và chúng không còn cưỡng bức xác thân anh đi ngược chiều nhân loại nữa. Những ngôn từ  (bị dòng đời ám ảnh) đã tự sắp đặt thơ. Bây giờ, thơ trở thành tính từ của thân phận mỗi khi cõi lòng anh lên tiếng...Sông Hương xin chuyển tới bạn đọc ba “cột thơ” rút từ ngôi nhà của anh.

  • ...Không còn ở trong vòm cửa hẹpCả khoảng không bừng sáng quanh ta...

  • ...Tiếng aiTrong gióHú dài…

  • LGT: Như một chuyến hành hương về nguồn cội, với nghĩa cử cao đẹp, Công ty Văn hoá Trí tuệ Việt đã cho ra đời tập sách HUYỀN THOẠI TRƯỜNG SƠN, gồm nhiều thể loại như bút ký, hồi ký, thơ, nhạc,... Đặc biệt hơn hết là danh sách đầy đủ, chính xác của 10.263 anh hùng liệt sĩ yên nghỉ tại Nghĩa trang Liệt sĩ Trường Sơn.
    Sông Hương xin trân trọng giới thiệu tới bạn đọc những dòng thơ được thắp lên từ HUYỀN THOẠI TRƯỜNG SƠN - như một nén nhang gọi hồn những người đã ngã xuống!

  • LGT: Trong cuộc đi tìm mình khắc khoải ở trời , Nguyên Quân mang theo những u uẩn của quá nửa phần đời để mỗi buồn ngồi gặm nhấm. Chắc hẳn cũng nhờ vậy, anh đã làm được một điều không dễ - ấy là gọi tên đúng nỗi buồn giữa mênh mang thi phú...Sông Hương xin giới thiệu chùm thơ của Nguyên Quân mà hai trong số đấy sẽ được tuyển vào 700 năm thơ Huế.

  • Hơn một năm trước, nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ giương cao Lá cờ trắng. Nhưng dường như đấy chỉ là hình thức “trá hàng” của một nàng thơ giữa độ hồi xuân.Không hiểu tự bao giờ, loài cúc dại đã cắm rễ vào cõi hồn đa mang của chị hút đến cả nỗi đau dung dưỡng xác thân trong kiếp luân hồi đầy khổ nạn. Tập thơ mới nhất của chị, là sự bung nở của vô vàn cúc dại, để trí nhớ đất này thêm những phút thăng hoa...

  • HẠ NGUYÊN* Sinh năm 1966 tại Hương Cần - Hương Trà -  TT. Huế* Hội viên Hội Nhà báo Việt , Ủy viên BCH Hội Nhà báo Thừa Thiên Huế khóa IV (2007 - 2012).* Hội viên Hội Nhà văn Thừa Thiên Huế* Có nhiều tác phẩm in chung trong các tuyển tập: “20 truyện ngắn và ký 1975 - 1995”, “25 truyện ngắn và ký 1975 - 2000”, “Thời gian và nỗi nhớ”, “Trịnh Công Sơn - cát bụi lộng lẫy”, “Thừa Thiên Huế trong cơn đại hồng thủy (2000)” v.v.