Thơ Hế - một vài cảm nhận

16:09 05/12/2008
VĂN CÔNG HÙNGKính thưa quý vị, tôi phải xin phép nói ngay là những phát biểu của tôi vô cùng cảm tính và chả có một hệ thống gì hết, trong khi trước mặt tôi đây đều là những người lừng danh về cảm nhận, nhận xét, đúc kết, rất giỏi tìm ra những vấn đề, những quy luật của thơ.

Nhà thơ Nguyễn Khắc Thạch và nhà thơ Hồ Thế Hà trong Ban tổ chức bảo tôi là: Ông là nhà thơ người Huế, muốn về dự cuộc này thì phải có tham luận, không thì... đừng về. Mà được về Huế thăm quê thăm mẹ, và nhất là về giữa cái ngày vui và đầy ý nghĩa như thế này là mong ước thường trực của tôi, nên tôi phải ngồi cặm cụi viết, vừa viết vừa run, vì tôi biết mình đang nói trước những người vô cùng am hiểu về thơ, về Huế. Thôi thì “Một liều năm bảy cũng liều/ dầu sao tôi cũng quá yêu quê mình/ cho nên lỡ nói linh tinh/ cũng xin quý vị lượng tình cho qua...”.

Nói đến Huế, cảm nhận đầu tiên của những người đã từng đến Huế hay chưa đều bật lên là: Xứ thơ. Thơ gắn với Huế như một phần đời sống, một thành tố làm nên Huế. Cái câu đùa tếu táo: Huế thơ Huế mộng Huế tộng bộng hai đầu... phần nào nói lên điều ấy. Bản thân Huế đã mang đẫm tính thơ, là một “bài thơ đô thị”, ngoài ra nó còn là đối tượng của các nhà thơ. Mà chả cứ nhà thơ, rất nhiều người bình thường, chả làm thơ bao giờ, đang yên đang lành bỗng nhiên qua Huế về cũng tức cảnh hì hụi làm thơ. Tức Huế của chúng ta vừa là chủ thể, vừa là khách thể của thơ. Nhưng nếu có ai đấy cắc cớ hỏi lại: Vậy thơ Huế là như thế nào? nó có gì khác với thơ... không Huế. Chà, món này gay đây, chí ít là với tôi, tôi chưa trả lời rành mạch được, dù nhiều lúc cũng thử bỏ thời gian ra nghiêm túc nghĩ thử rồi.

Tôi biết để chuẩn bị cho sự kiện thơ và văn hoá này, các anh các chị đang ở Huế đã làm rất nhiều sách về thơ Huế. Nào là 700 năm thơ Huế, Thơ Huế với lời bình, 1000 nhà thơ Huế... Ở Festival thơ trước thì là 2 tập “Dạ thưa xứ Huế”... Vậy thì xác định thơ Huế theo tiêu chí nào? Có không một trường phái thơ Huế trong dòng chảy thơ Việt?
Tôi là người Huế sống xa quê, nhưng vẫn đau đáu với Huế, thường xuyên đọc và tìm đọc thơ về Huế và thơ của người Huế và nhận ra có ít nhất là 4 dạng thơ Huế. Thứ nhất là thơ của các nhà thơ người Huế đang sống tại Huế. Thứ hai là thơ của các nhà thơ người Huế không ở Huế. Thứ ba là thơ của các nhà thơ không phải quê gốc Huế đang sinh sống công tác ở Huế và thứ 4 là thơ của mọi người yêu Huế, đi qua Huế hoặc chưa viết về Huế.

Thơ của người Huế đang sống ở Huế thì có thiên hướng bung phá, mở ra bên ngoài, một số mang tính triết luận khá cao, cấu trúc hiện đại, thiên về lý trí nhiều hơn cảm xúc, tất nhiên vẫn thâm trầm, hài hoà.
Thơ của người Huế xa quê thì thường là giàu xúc cảm, nhiều hình ảnh về Huế, tính hoài niệm cao, đằm sâu những suy nghĩ nhân tình thế thái. Trong thơ rưng rưng nỗi nhớ, niềm thương, lấp lánh kỷ niệm, những kỷ niệm buồn và đẹp, và tất nhiên là một nỗi khát khao trở về, về với những kỷ niệm xưa và những hoài bão hôm nay.
Thơ của người không phải gốc Huế đang ở Huế thì đa phong cách. Bên cạnh vùng văn hoá Huế đã trở thành của họ thì vùng văn hoá gốc của họ vẫn ảnh hưởng rất mạnh trong thơ họ, mà rõ nhất ở mảng này là thơ của nhà thơ Hồ Thế Hà. Ngoài ra là thơ của các nhà thơ Ngô Minh, Mai Văn Hoan, Nguyễn Khắc Thạch, Văn Cầm Hải... Số tác giả này hiện nay đang là lực lượng chủ lực của thơ Huế tại Huế.

Thơ của những người khác, không phải người Huế, không sống ở Huế, khá nhiều và cũng cũng rất đa dạng, từ cực hay tới hay vừa vừa và... dở.
Nếu gộp chung cả 4 loại trên vào một khái niệm chung là Thơ Huế thì ta thấy đặc trưng chung của thơ Huế là phần lớn thường khắc khoải, buồn, trầm ngâm, gắn với rêu phong, có cái bảng lảng êm đềm của tự nhiên khách quan nhưng cũng thâm trầm nội tâm, nhiều suy nghĩ, suy tưởng. Đọc thơ Huế vẫn thấy sự kiêu sa của quá vãng trong một tâm thế vừa bằng an vừa động cựa. Ít thấy cái tưng bừng tở mở, nhưng lại nhiều thân phận, day dứt dùng dằng. Nếu có bung phá, cách tân thì cũng chừng mực, nghĩ ngợi nhiều hơn là hành động. Nguyễn Khắc Thạch, Văn Cầm Hải chẳng hạn, những cách tân của họ vẫn đẫm trên cái nền truyền thống, vẫn bám vào cái hiện thực đăng đối mà lập ngôn, tức nó vẫn có một cái gì đó “rất Huế” không cắt nghĩa được, ở hồn, ở cốt, ở thẳm sâu những câu thơ, mạch thơ rất hiện đại.

Đã có lần tôi nhận xét với bạn bè, chỉ nguyên giọng Huế thôi, đọc thơ dưới trời mưa Huế, sau khi đã có vài ly, trời ạ, thơ vui cũng thành buồn, thơ dở cũng thành hay, thơ trúc trắc đến mấy cũng ngọt lịm như câu hò xứ Huế. Nó thăm thẳm, bâng khuâng, day dứt, da diết... khiến cả người đọc lẫn người nghe cùng... muốn khóc. Và tôi cho rằng đấy là thành công của thơ Huế. Nghĩ cho cùng, thơ chính là tâm trạng. Vậy thì khi anh truyền được tâm trạng của mình sang người khác thì đấy chính là đã thành công. Người có kinh nghiệm, nhất là những biên tập lâu năm thì sau khi nghe tác giả trực tiếp đọc thơ, bao giờ cũng tự đọc lại bài thơ bằng mắt. Nói vui thế để thấy, Huế có những điều kiện tuyệt vời làm nền cho thơ thăng hoa và lý giải tại sao người ta lại bảo Huế là xứ thơ. Người ta cũng bảo đã lên Đà Lạt thì phải... yêu và đã đến Huế thì phải... làm thơ. Thì phong cảnh ấy, con người ấy, giọng nói ấy, tốc độ ấy, tâm trạng ấy, sông ấy, núi ấy, mưa ấy và hàng chục yếu tố đẫm chất thơ nữa... làm sao mà chả buột ra thơ, không làm được thơ mới là lạ.

Nhưng từ làm thơ đến thành bài thơ hay là cả một đoạn trường. Huế có rất nhiều thơ viết về mình, nhưng những bài cực hay thì chưa tương xứng với số lượng khổng lồ kia. Tôi chưa kịp xem tập “Thơ Huế với lời bình” và tập “700 năm thơ Huế” khi viết tham luận này, nhưng tự cảm nhận của mình, tôi thích khoảng vài chục bài cực hay về Huế. Như thế cũng đã là quá nhiều, nhưng lại cũng là quá ít, tuỳ quan niệm từng người. Vấn đề là có quy luật gì không ở hiện tượng này. Phải chăng Huế giống như thơ lục bát. Dễ làm, ai làm cũng được, nhưng để hay thì cực khó. Có ngẫu nhiên chăng khi một trong những bài thơ hay của Hoàng Nhuận Cầm về Huế là bài “Giữa hai hàng lục bát”. Giữa hai hàng lục bát nhưng đây lại là bài thơ tự do phá thể, cuồn cuộn phong cách sông Hồng chứ không lặng lờ như sông Hương, dù nó viết về sông Hương. Nhưng bài thơ này vẫn đẫm Huế ở cách cảm, cách nghĩ, ở hình ảnh, nhịp điệu thơ, tỉ như: “Chân vấp ngã mấy lần bên Đập Đá/ một câu hò ai đã đỡ tôi lên”- Còn có thể nơi nào vào đấy nữa, nếu không là Huế. Nhờ bài thơ này mà hồi ấy khi đang còn là sinh viên, tôi thêm một lần yêu Huế, dẫu thú thật, nó cũng hơi ồn ào so với nhịp Huế.

Huế có một cái gì đó vô cùng lạ, không cắt nghĩa được, càng đi xa càng nhớ, càng thao thiết, càng tưởng tượng càng nôn nao, còn khi ở với nó thì lại khác. Tôi có một thống kê thú vị là khoảng 50% người Huế xa quê đặt tên con là Hương Giang hoặc liên quan đến Sông Hương Núi Ngự. Còn những người đang ở Huế thì ít đặt tên con là Hương Giang hơn. Hiếm có một con sông nào trên trái đất này có vinh dự ấy. Ai đó bảo Huế là một cô gái đỏng đảnh, ở gần thì lãnh đạm, thậm chí là... cãi nhau, nhưng đi xa thì nhớ thương đứt ruột. Ngay cố nhà thơ Thu Bồn cũng thế, bài thơ cực hay của ông là bài “Tạm biệt”, tất nhiên là ông viết trong tâm thế cuống quýt chia tay, chuẩn bị xa. Còn một bài nữa cũng hay của ông, ít người biết, ông viết khi... nhìn về Huế từ trong chiến tranh:
Tôi ngỡ ngàng và tưởng không bao giờ gặp Huế,
đèo Hải Vân cao vút lỗ châu mai,
lô cốt giặc đen ngòm bốn phía.
Biển và mây sóng vỡ vụn chân gành.
Quê hương mẹ tôi chưa về được,
huống chi em xa cách mấy thôi đường.
Huế mờ trong khói thuốc,
Huế mờ trong đạn bom,
Huế chìm trong mưa lụt.
Cầu Trường Tiền bắc giữa giấc mơ tôi.
Nhìn bướm tím rừng sâu cứ ngỡ màu tím Huế...
Còn tôi, cũng thế, tôi toàn viết về Huế khi đã không còn Huế, khi Huế đã lặng lẽ lùi dần sau chiều xe chạy. phát biểu.
V.C.H

(nguồn: TCSH số 208 - 06 - 2006)

 

Đánh giá của bạn về bài viết:
0 đã tặng
0
0
0
Bình luận (0)
Tin nổi bật
  • Theo định nghĩa hiện nay, trường ca là một tác phẩm thơ có dung lượng lớn, thường có cốt truyện tự sự hoặc trữ tình.

  • (Phát biểu ý kiến góp phần vào nội dung Đề án Nghị quyết về “Xây dựng đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ trong thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH...” của Ban Tuyên giáo Trung ương).

  • 1. Cuốn sách về nhà tình báo nổi tiếng - anh hùng Phạm Xuân Ẩn (PXÂ) của giáo sư sử học người Mỹ Larry Berman, khi được xuất bản bằng tiếng Việt có thêm phụ đề “Cuộc đời hai mặt không thể tin được của Phạm Xuân Ẩn”.

  • Lâm Thị Mỹ Dạ là một nhà thơ trưởng thành trong phong trào chống Mỹ. Nhắc đến thơ chị, người ta thường nhớ đến những bài thơ mang đậm âm hưởng sử thi như Khoảng trời, hố bom, hoặc dịu dàng, nữ tính nhưng không kém phần thẳng thắn như Anh đừng khen em, hoặc nồng cháy yêu đương như Không đề…

  • "Không có cách khác, thưa ngài. Tất cả cái gì không phải văn xuôi thì là thơ; và tất cả cái gì không phải thơ thì là văn xuôi"(Gã tư sản quý tộc, Molière). Trên đây là định nghĩa "thâm thúy" của thầy dạy triết cho ông Jourdain, người mà đã hơn bốn mươi năm trời vẫn sai bảo người ăn kẻ làm, vẫn hằng ngày trò chuyện với mọi người bằng "văn xuôi" mà không tự biết.

  • Trong những vấn đề mới của lý luận văn học hiện nay, các nhà nghiên cứu thường nói đến chức năng giao tiếp của văn học. Khi nói văn học có chức năng giao tiếp thì cũng có nghĩa cho rằng văn học ở ngoài giao tiếp.

  • PHONG LÊ …Không đầy hai thập niên đầu thế kỷ, trong những thức nhận mới của đất nước, nền văn chương- học thuật của dân tộc bỗng chuyển sang một mô hình khác- mô hình quốc ngữ, với sức chuyên chở và phổ cập được trao cho phong trào báo chí, xuất bản bỗng lần đầu tiên xuất hiện và sớm trở nên sôi nổi như chưa bào giờ có trong ngót nghìn năm nền văn chương học thuật cổ truyền…

  • Vừa qua bà văn sĩ Nguyễn Khoa Bội Lan ở Phú Thượng (Huế) đột ngột gọi dây nói cho tôi than phiền về những chi tiết sai với lịch sử trong bài Phạn Bội Châu với Hương Giang thư quán của  Chu Trọng Huyến đăng trên Tạp chí Sông Hương số 116 (10. 1998)

  • Chúng tôi cho rằng trong lịch sử văn học Việt chỉ có Chí Phèo mới là một hình tượng đích thực. Chí Phèo là hiện thân của sự tồn tại vĩnh cửu của bản ngã VÔ CAN. 

  • Đó là bản đàn Thúy Kiều đàn cho Kim Trọng nghe lần cuối trong ngày tái hợp. Bản đàn chứa đầy những mâu thuẫn nghịch lý, bởi vì cũng như bao lần trước, lần này vẫn là bản “bạc mệnh” năm xưa. Nhập hồn Kim Trọng, Nguyễn Du bình luận:                Lọt tai nghe suốt năm cung                Tiếng nào là chẳng não nùng (*) xôn xaoTác quyền và nghệ nhân biểu diễn vẫn là nàng Kiều chứ không còn ai khác, nhưng thật lạ:                Xưa sao sầu thảm, nay sao vui vầy?Kim Trọng, tri âm và trong cuộc vẫn không khỏi "hồ đồ", huống gì chúng ta, những người đến sau Nguyễn Du muộn hơn hai thế kỷ? 

  • Có thể nói, học tập phong cách ngôn ngữ Chủ tịch Hồ Chí Minh, trước hết, là học tập cách viết và cách lập luận chặt chẽ qua từng câu chữ, mỗi trang văn chính luận. Những văn bản: “Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến”, “Tuyên truyền”, “Bản án chế độ thực dân Pháp”, “Tuyên ngôn Độc lập” luôn là những áng văn mẫu mực về phong cách ngôn ngữ ngắn gọn, chắc chắn, dễ hiểu, chính xác và giàu cảm xúc. 

  • NGUYỄN ĐĂNG ĐIỆP1. Đội ngũ các nhà văn trẻ mà tôi nói tới trong bài viết này là những cây bút sinh ra sau 1975. Biết rằng trong văn chương, khái niệm trẻ/ già chỉ là một khái niệm có tính “tương đối” vì già hay trẻ đều phải nỗ lực để tạo nên những tác phẩm xuất sắc, vị trí của họ phải được đánh giá thông qua tác phẩm chứ không phải từ những chiếu cố ngoài văn học. 

  • NGUYỄN KHẮC PHÊTrong văn chương, cách gọi “chủ nghĩa” này hay “chủ nghĩa” khác đều không ổn, thậm chí có hại vì vô hình trung như thế là cách buộc nhà văn theo “một con đường” vạch sẵn mà từ hơn nửa thế kỷ trước, Hải Triều đã lên án...