Thi nhân

16:34 31/10/2008
HERMANN HESSE Tương truyền thi nhân người Tàu tên Han Fook thuở thiếu thời chỉ thao thức với một khát khao kỳ diệu là muốn học hết mọi điều và tự rèn luyện mình đến hoàn hảo trong tất cả các môn liên quan đến nghệ thuật thi ca.

Lúc còn sống ở quê cạnh sông Hoàng Hà, thể theo ước nguyện của chính mình và sự tán thành của song thân yêu quý ông đằm thắm, ông đã đính hôn với một vị tiểu thư con nhà khuê các - chỉ chờ ngày lành tháng tốt hôn lễ sẽ được cử hành nay mai. Thuở ấy Han Fook tuổi chừng đôi mươi, đã là một công tử dung mạo đẹp đẽ, khiêm tốn, cung cách đối xử nhã nhặn, đang được giáo huấn trong các môn học thuật và mặc dù tuổi còn trẻ chàng đã nổi tiếng trong giới văn chương nơi quê nhà qua một vài bài thơ ưu tú. Tuy không phải là giàu có tột bực, nhưng tương lai chàng sẽ thừa hưởng một tài sản khá giả cộng thêm vào đấy của hồi môn của vị hôn thê lại sẽ được gia tăng thêm; gia dĩ vị hôn thê này lại còn rất đỗi xinh đẹp và đức hạnh, cho  nên ta thấy hạnh phúc của vị công tử này tuồng như không thiếu một điều gì nữa. Dù vậy chàng vẫn cảm thấy chưa được hoàn toàn thỏa mãn bởi vì  tim chàng vẫn còn tràn đầy một tham vọng: Chàng muốn trở nên một thi nhân toàn bích.

Chuyện xảy ra vào một buổi chiều, đương lúc trên sông vừa khởi xướng một buổi tiệc rước đèn lồng, riêng Han Fook đang còn một mình lang thang trên bờ bên kia của dòng sông. Chàng tựa mình vào một thân cây mọc nghiêng trên sông và lặng ngắm hàng nghìn ánh sáng bơi lượn chập chờn và rung rinh trên mặt nước, chàng trông thấy bên kia các vị công tử và tiểu thư rực rỡ trong xiêm áo dạ hội như những bông hoa xinh đẹp đang chào hỏi nhau, chàng nghe những âm thanh lao xao yếu ớt vang vọng trên sóng nước lấp lánh ánh đèn, tiếng ca của các nữ ca nhân, thanh âm réo rắt của hồ cầm, những giai điệu du dương ngọt ngào của những người thổi tiêu và trên tất cả những cảnh tượng ấy chàng thấy bóng đêm xanh phớt như vòm của một ngôi đền đang lơ lửng chơi vơi trên đầu mình.

Chàng trai trẻ nghe tim mình hồi hộp, bởi vì đứng đó như một khán giả cô đơn, chàng được dịp chiêm ngưỡng tùy thích tất cả những vẻ đẹp ở bên kia bờ sông. Và mặc dù chàng rất muốn đi qua bờ bên kia để nhập cuộc với mọi người, đến ngồi cạnh vị hôn thê và các bạn hữu cùng nhau thưởng thức buổi tiệc vui, dẫu thế chàng lại thích ngồi lại bên này hơn gấp bội  để được làm một khán giả tinh tế thâu nhận mọi cảnh tượng ở bên kia bờ và phản ảnh lại trong một bài thơ tuyệt hảo: Màu xanh thắm của bóng đêm, kiểu đùa chơi ánh sáng của sông nước cũng như sự khoái lạc của khách dạ hội và nỗi hoài vọng của kẻ đứng nhìn im lặng, đang tựa mình vào thân cây vắt ngang trên bờ sông.

Chàng cảm thấy rằng ở nơi tất cả những gì tốt đẹp nhất, trong mọi khoái lạc trên trái đất này chưa bao giờ chàng được hoàn toàn thoải mái và vui sướng trong tim, rằng trong cuộc đời này chàng vẫn là một kẻ cô đơn, một người ngoại cuộc đứng nhìn, một kẻ lạ mặt, và chàng cảm nhận rằng giữa đám tha nhân tuồng như tâm hồn chàng được trời phú cho tính vừa cảm nhận được vẻ đẹp trên trần ai đồng thời lại mang trong lòng nỗi ước ao thầm kín của một kẻ xa lạ. Chàng đâm ra sầu muộn, cúi đầu suy ngẫm về những điều trên, mọi suy tư của chàng vẫn xoay quanh một mục tiêu duy nhất, ấy là, đối với chàng hạnh phúc thật sự và thỏa mãn sâu sắc chỉ đến được một khi chàng có thể đạt được nghệ thuật phản ánh cõi trần một cách hoàn hảo trong các bài thơ và chính trong những hình ảnh phản diện này chàng sẽ chiếm hữu cõi trần đã được thanh lọc và vĩnh cửu hóa.

Vừa khi Han Fook còn chưa biết mình đang tỉnh hay mơ với những ý nghĩ này, chàng chợt nghe một tiếng động sẽ sàng và đột nhiên thấy một người lạ mặt đứng bên cạnh gốc cây lúc nào không hay, một lão nhân trong chiếc áo rộng màu tím với dáng dấp uy nghi đáng kính. Chàng vội sửa mình đứng thẳng người và chào lão nhân với lối chào dành riêng cho những người trưởng thượng và quý phái. Người lạ mặt chỉ mỉm cười, không chào đáp lại mà chỉ ngâm lên một vài câu thơ trong đó nói lên được những gì mà chàng thiếu niên công tử vừa mới cảm nhận, nhưng lại với một lối diễn tả thật là toàn hảo và tuyệt vời, theo đúng quy luật của nghệ thuật thi ca, những câu thơ đẹp đến nỗi trái tim của người thư sinh tưởng như dừng lại vì xiết bao kinh ngạc.

“Ồ, ngài là ai?” chàng kêu lên đồng thời cúi rạp người xuống, “Ngài là ai mà lại có thể soi thấu tâm hồn thiếu sinh và phát biểu những câu thơ tuyệt tác mà thiếu sinh chưa từng được nghe từ các bậc sư phụ của thiếu sinh?”
Người lạ lại mỉm cười với nụ cười của đấng toàn hảo và bảo: “Nếu con muốn trở thành một thi nhân thì hãy đến với ta. Túp lều của ta con sẽ tìm thấy ở đầu nguồn của dòng đại giang trong rặng núi Tây Bắc. Tên ta là đạo sư Hoàn Mỹ Từ”.
Nói xong lão nhân bước vào dưới bóng thưa của cây và thoáng chốc đã biến mất. Han Fook sau khi đã bỏ công sục sạo tìm kiếm lão già mãi không được, bấy giờ mới tin chắc rằng vừa qua chỉ là một cơn mộng mị do sự mỏi mệt gây ra. Chàng vội vã đi đến hội chơi thuyền ở bên kia sông và gia nhập vào cuộc vui chung. Nhưng giữa cuộc chuyện trò và âm hưởng đàn địch, bên tai chàng vẫn như còn nghe giọng nói đầy bí ẩn của người lạ, còn tâm hồn chàng thì như đã bay theo lão nhân kia, bởi vì chàng ngồi đó với một dáng điệu xa xôi và đôi mắt mơ màng ngẩn ngơ, giữa đám khách vui nhộn đang chọc ghẹo cợt đùa vẻ si tình của chàng trai Han Fook.

Sau đó vài hôm thân phụ Han Fook tỏ ý mời bạn bè và thân quyến đến để định ngày hợp hôn cho con. Nhưng bấy giờ chính chàng rể lại lên tiếng chống chế và thưa rằng: “Thưa phụ thân, xin tha thứ cho con nếu con xúc phạm bổn phận phục tùng mà mỗi người con đều phải có đối với phụ thân. Nhưng cha đã thừa biết hoài bão mãnh liệt của con như thế nào trong việc trau dồi mình cho thực xứng đáng trong nghệ thuật của một thi nhân, mặc dù có một số bạn bè khen ngợi những bài thơ của con nhưng con vẫn biết rằng mình là người mới bắt đầu và đang tập tễnh ở bậc thang thứ nhất trên con đường nghệ thuật. Bởi thế con xin cha hãy thư thả cho con một khoảng thời gian còn độc thân và theo đuổi việc học, bởi vì con biết rằng một khi đã thành gia thất thì trước tiên phải lo chu toàn cho vợ con và gia đình, việc ấy sẽ làm cho con xao lãng công việc học hỏi kia. Hiện nay con đang còn trẻ tuổi, không bận bịu những bổn phận nào khác, con muốn được sống một khoảng thời gian trọn vẹn dành cho nghệ thuật thi ca của con mà con hy vọng sẽ có được niềm vui và sự tán thưởng”.

Những lời này làm cho phụ thân chàng ngạc nhiên, ông bảo: “Chà, cái nghệ thuật kia đối với con có vẻ là cái gì thân thiện và quý báu còn hơn tất cả các thứ khác trên đời đấy nhỉ!, đến nỗi vì nó mà ngay cả đám cưới của con, con cũng muốn hoãn lại. Này, hay là nếu có chuyện gì xảy ra giữa con và cô dâu thì con hãy nói cho cha nghe để cha có thể giúp con làm lành với cô ta hay kiếm cho con một người khác nhé!”
Nhưng chàng trai thề rằng chàng ta vẫn yêu quý người ý trung nhân của mình không kém chi ngày trước, vẫn sẽ còn yêu mãi và không có một bóng đen của sự cãi vã nào chen giữa hai người. Đồng thời chàng kể cho phụ thân nghe chuyện vị đạo sư hiện lên báo mộng cho chàng trong một giấc mơ vào đêm hội chơi đèn và chàng không ao ước gì hơn tất cả các hạnh phúc trên đời ngoài việc được trở thành môn đệ của vị đạo sư kia.

“Được rồi”, phụ thân chàng bảo, “Như vậy ta gia hạn cho con một năm. Trong khoảng thời gian này con mặc sức theo đuổi giấc mộng của con mà có lẽ một vị thần đã giáng xuống cho con!”.
“Cũng có thể là hai năm thưa cha”, Han Fook vừa ngần ngừ vừa thưa, “Ai mà biết được phụ thân nhỉ”. Đến đây người cha cho phép chàng lui bước và tỏ ra ủ dột, còn chàng thiếu niên bèn thảo cho ý trung nhân một lá thư, bái biệt và lên đường.
Sau khi đi một khoảng rất lâu chàng tìm đến được nơi đầu nguồn của dòng sông, ở trước túp lều, vị lão nhân mà chàng đã gặp bên gốc cây ở cạnh bờ sông đang ngồi trên một tấm cói đan. Lão ta đang ngồi đánh cây đàn cổ nguyệt và khi thấy có người khách đang tiến đến gần với vẻ kính cẩn, lão ta vẫn không đứng dậy và cũng chẳng hỏi han gì cả, chỉ điềm nhiên mỉm cười trong lúc vẫn thả những ngón tay mềm mại lùa trên các phím đàn. Từ đó một thứ âm nhạc tuyệt diệu chảy tuôn ra như một đám mây bạc đang vần vũ lướt qua thung lũng, tuyệt vời đến mức chàng thiếu niên dừng bước sững sờ, kinh ngạc và trong chốc lát quên bẵng đi tất cả mọi sự khác trong nỗi kinh ngạc thú vị kia, cho đến khi lão đạo sư Hoàn Mỹ Từ bỏ cây đàn nhỏ sang một bên, bước vào túp lều tranh.

Run sợ và khâm phục, Han Fook bước theo ông lão, lưu lại đấy và xin lão đạo sư thâu nhận chàng làm người hầu hạ và đồ đệ.
Qua một tháng chàng học được cách khinh thị tất cả những bài thơ mà trước đó chàng đã sáng tác và khai trừ chúng ra khỏi ký ức của mình. Sau vài tháng, chàng lại đoạn diệt tất cả những bài thơ mà chàng đã học với các sư phụ tại quê nhà ra khỏi trí nhớ của chàng. Lão đạo sư hầu như không nói một tiếng nào với chàng, ông ta chỉ yên lặng dạy cho chàng nghệ thuật đánh đàn cổ nguyệt cho đến khi cả bản thể của người đệ tử đều được âm nhạc chảy suốt qua. Thuở trước Han Fook có làm một bài thơ nhỏ, trong đó chàng tả dáng bay của đôi chim trên bầu trời mùa thu, bài thơ này chàng rất tâm đắc. Chàng không dám đọc nó ra cho sư phụ nghe nhưng vào một buổi chiều đứng xa thảo am chàng lại ngâm lên, chắc chắn lão già đã nghe rõ bài thơ ấy. Nhưng chính lão lại chẳng nói một tiếng nào. Lão chỉ khảy nhẹ trên cây đàn cổ nguyệt, lập tức không gian bỗng trở lên lạnh mát, bóng chiều xuống nhanh, một luồng gió sắc bén bốc lên, mặc dù lúc ấy đang mùa hè, và trên bầu trời xám ngắt có đôi chim vạc đang lướt bay trong nỗi nhớ nhung vần vũ kiếp hạc nội mây ngàn, tất cả những cảnh tượng này so với các câu thơ của người đệ tử lại đẹp đẽ và hoàn hảo gấp bội, đến nỗi chàng trở nên buồn bã, im lặng và tự thấy mình vô giá trị... Cứ thế mỗi một lần lão đạo sư đều hành động y hệt như vậy, cho đến khi một năm trôi qua lúc ấy Han Fook đã học được ngón đàn cổ nguyệt hầu như hoàn hảo, nhưng nghệ thuật thi ca thì càng ngày chàng càng thấy khó khăn và cao xa vời vợi.

Được hai năm tròn, bấy giờ Han Fook cảm thấy nhớ quay quắt những người thân, nhớ quê hương, nhớ vị hôn thê, chàng bèn xin sư phụ cho chàng hồi hương.
Lão đạo sư mỉm cười và gật đầu: “Con được tự do”, lão nói, “Con muốn ở, con muốn đi, hoàn toàn tùy theo ý thích”.
Người học trò bèn lên đường và mải miết đi cho đến một buổi sáng mai vào lúc tinh sương chàng đứng bên bờ sông quê cũ, nhìn vọng qua chiếc cầu vồng hướng về cố quận của mình. Chàng lần mò vụng trộm vào ngôi vườn của phụ thân và nghe hơi thở của người cha thoát ra khỏi cửa sổ phòng ngủ của ông, người cha còn đang say giấc, rồi chàng lại lẻn vào trong vườn cây nhà người yêu của chàng, trèo lên cây lê và từ ngọn cây chàng thấy người yêu đang đứng trong the phòng chải tóc. Và trong khi so sánh tất cả những cảnh tượng mà chàng đang trông thấy tận mắt với hình ảnh mà chàng đã vẽ ra trong cơn nhớ nhà của mình, Han Fook bấy giờ mới nhận rõ rằng quả thật chàng được sinh ra để làm thi nhân, chàng nhận ra rằng trong các giấc mơ của nhà thơ đều ẩn chứa một vẻ đẹp và một sức quyến rũ mà người ta hoài công tìm kiếm không ra ở nơi những sự vật của thực tại. Chàng bèn leo xuống cây, trốn khỏi khu vườn, băng qua con cầu ra khỏi quê cũ, trở lại chốn thung lũng cao trong rặng núi.

Ở đó lão đạo sư vẫn còn ngồi như thuở trước trên chiếc chiếu đơn sơ, đang khảy cây đàn cổ nguyệt, và thay lời chào, lão sư ngâm lên hai câu thơ nói về sự đem đến hạnh phúc của nghệ thuật, lời thơ thâm thúy và sảng khoái khiến cho khi nghe, người đệ tử xúc cảm đến nỗi hai mắt đều đẫm lệ.
Thêm một lần Han Fook lưu lại bên đạo sư Hoàn Mỹ Từ, và vì chàng đã thạo chơi đàn cổ nguyệt cho nên lần này ông lão lại dạy cho chàng học đánh đàn kim huyền cầm, và ngày tháng thoắt đi như tuyết tan trong gió đông.
Có hai lần nữa lại xảy ra, lúc ấy cơn nhớ nhà lại thắng thế. Một lần chàng bí mật chạy đi trong đêm, nhưng trước khi đến được khúc quanh cuối cùng của thung lũng, có một ngọn gió đêm nào đó thổi qua cây đàn kim huyền treo trước cửa lều, những âm thanh chạy trốn đuổi theo chàng và gọi chàng trở lại, đến nỗi chàng không cưỡng nổi phải quay về.

Lần thứ hai chàng mơ thấy mình đang trồng một cây con ở trong vườn nhà, vợ chàng đứng bên cạnh và những đứa con của chàng đang dùng rượu và sữa tưới cây. Khi tỉnh giấc, ánh trăng chiếu vằng vặc vào phòng, chàng nhổm dậy bàng hoàng, chợt thấy lão già nằm cạnh đang ngủ say, thấy bộ râu lão đang rung động nhẹ nhàng; bấy giờ chàng bỗng thấy thù ghét cay độc cái con người nằm đấy, cái người mà theo chàng nghĩ đã phá hoại cuộc đời chàng, đã đánh lừa chàng mất cả tương lai. Chàng toan nhảy xổ vào lão ta và giết chết lão, vừa lúc ấy lão già mở mắt ra, lập tức mở miệng mỉm cười với một vẻ hiền lành, tế nhị và buồn bã khiến cho người học trò bị tước mất khí giới.

“Này Han Fook, con hãy nhớ”, lão già nói nhỏ nhẹ, “Con hoàn toàn được tự do làm những gì con thích, con có thể thù ghét ta và đập chết ta, chuyện thật đơn giản”.
“Ồ, làm sao tôi có thể ghét thầy được”, người thi sĩ kêu lên với cử chỉ nồng nhiệt, “Điều ấy cũng như là con muốn thù ghét chính ông trời vậy”.
Thế là chàng lưu lại và học đánh đàn kim huyền cầm, liền sau đó chàng học thổi sáo và sau đấy chàng bắt đầu được thầy hướng dẫn cách làm thơ, và dần dần chàng tiếp thu được nghệ thuật bí truyền nọ, vẻ ngoài như chỉ nói lên cái đơn giản và bình thường, nhưng với cái đơn sơ ấy có thể khích động tâm hồn của người nghe như cơn gió lùa vào trong mặt nước. Chàng diễn cả cảnh mặt trời mọc, chừng như mặt trời còn ngập ngừng ở trên sườn núi, mô tả vẻ thoắt đi không tiếng động của bầy cá khi chúng như chiếc bóng mất tăm trong làn nước, hay dáng đong đưa của cây liễu non xanh trong cơn gió xuân, và khi người ta nghe tả, thì đó không chỉ là mặt trời, đó không chỉ là cuộc giỡn chơi của loài cá, đó không chỉ là lời thì thầm của cây liễu, mà mỗi lần như thể, cho từng khoảnh khắc ngắn ngủi cả bầu trời và trái đất đang cùng nhau hòa điệu trong một khúc nhạc toàn hảo, và mỗi một người khi nghe, đều tưởng đến trong niềm thích thú hay nỗi đau thương những gì mà mình đã yêu thương hay thù ghét, đứa trẻ thì nghĩ đến những trò chơi, chàng trai thì nhớ đến tình nhân, người già thì nghĩ đến cái chết....

Han Fook không còn biết đã bao nhiêu năm chàng lưu lại bên cạnh lão sư nơi đầu nguồn của dòng đại giang kia nữa. Lắm khi chàng cứ tưởng như mới ngày hôm qua chàng vừa bước chân đến chốn thung lũng này và được đón tiếp bằng khúc nhạc cổ nguyệt của lão đạo sư, cũng lắm lúc chàng lại cảm thấy như thể đàng sau chàng tất cả mớ tuổi nhân sinh và mọi mảnh thời gian đều tàn rụng và trở thành rỗng không...
Thế rồi có một buổi sáng chàng thức dậy một mình trong căn lều, chàng đi tìm và réo gọi sư phụ khắp mọi nơi nhưng chẳng thấy lão đâu, lão già đã mất hút. Giữa khuya, mùa thu như chợt đến, một cơn gió căm rát lay chuyển cả túp lều, và trên triền núi những đàn chim thiên di đang lũ lượt bay đi mặc dù lúc ấy chưa đến mùa chim bay. Bấy giờ Han Fook bèn tháo đàn đem theo mình, xuống núi đi về vùng đất quê, và mọi nơi mỗi khi chàng gặp bóng người, đều thấy họ chào chàng với lời chào dành cho những người trưởng thượng và quý phái. Và khi chàng về đến cố hương thì thân phụ, vị hôn thê và cả quyến thuộc đều đã quá vãng, trong căn nhà xưa toàn những người xa lạ cư ngụ.

Nhưng vào buổi chiều lại có buổi tiệc rước đèn trên sông và ở phía bên kia thi nhân Han Fook đứng trên bờ sông u tối, tựa mình vào một cây cổ thụ và khi chàng bắt đầu dạo chơi cây đàn cổ nguyệt, thì những người thiếu phụ bên kia thở dài, đăm đắm nhìn vào bóng đêm một cách mê mải và bồn chồn, còn những người trai trẻ thì lên tiếng gọi tìm người đánh đàn cổ nguyệt mà họ không thể nhìn thấy được, họ la to lên rằng không ai trong bọn họ đã có lần nghe được những âm giai như thế nơi một cây đàn cổ nguyệt. Han Fook chỉ mỉm cười. Chàng nhìn vào dòng sông, nơi những hình ảnh phản chiếu của hàng nghìn cây đèn lồng đang bơi lung linh, và trong cùng một lúc với nhãn quan không phân biệt những hình ảnh phản chiếu trong sông với những lồng đèn thực sự trên sông, giữa ảo ảnh và thực tại, chàng không còn tìm thấy trong tâm hồn mình một sự phân biệt nào nữa giữa buổi tiệc hôm nay và buổi tiệc ban đầu thuở nọ, lúc chàng còn là một thiếu sinh cô đơn đứng ở chốn này tình cờ nghe được những lời bí ẩn của vị đạo sư xa lạ.
   (Trích trong tập “Huệ tím và những chuyện khác” của Hermann Hesse)
                                    THÁI KIM LAN dịch

(nguồn: TCSH số 236 - 10 - 2008)

 

Đánh giá của bạn về bài viết:
0 đã tặng
0
0
0
Bình luận (0)
Tin nổi bật
  • Salman Rushdie (1947), nhà văn và người viết tiểu luận, gốc Ấn, hiện sống tại Mỹ, là tác giả của nhiều tiểu thuyết gây tiếng vang, như Những đứa con của nửa đêm, được trao giải Booker, năm 1981, và cả những tiểu thuyết gây tranh cãi như Những vần thơ của Satan, 1988. Văn phong Rushdie thâm trầm, khoáng lộng, hài hước và tươi mới.

  • FRANK O’CONNOR  

    Khi tôi tỉnh giấc, tôi nghe có tiếng mẹ ho ở nhà bếp. Mẹ bị ho đã nhiều ngày nhưng tôi không để ý. Chúng tôi sống ở Old Youghal Road, nơi mà vào lúc đó, có một con đường nhiều đồi dốc dẫn tới East Cork.


  • E. RUXACỐP (Nga)

  • ABDULRAZAK GURNAH    

    Tôi nghĩ anh ta đã nhìn thấy tôi đang tiến lại gần, nhưng vì lý do riêng nào đấy nên anh ta vẫn không có dấu hiệu gì.

  • Maurice Druon, sinh năm 1918, theo học Đại học Luật Paris. Trong chiến tranh thế giới ln thứ hai, ông tham gia lực lượng kháng chiến Pháp chng phát xít Đức, là thông tin viên Đài Phát thanh Kháng Chiến. Giải Goncourt 1948 với tác phm "Đại Gia đình" (Les Grandes Familles). Các tác phm đậm chất trữ tình của nhà văn: "Kết thúc đời người" (La Fin des Hommes), "Hẹn gặp tại Địa ngục" (Rendez-vous aux enfers) phản ánh một thiên hướng theo trường phái Balzac.
    Ông đồng thời là tác giả một số tiểu thuyết lịch sử.

  • JENNIFER WALKUP   

    Tôi sẽ không nói với ai về việc chẩn đoán.
    Không hé răng với mẹ hay em gái tôi. Chắc chắn không phải Jake và có lẽ với Steve cũng không hề.

  • GRAHAM GREEN

    Cái chết đến kề như một nỗi nghiệt ngã day dứt mà ta hổ thẹn không dám thổ lộ với bạn bè hoặc đồng nghiệp.

  • ELISABETH SILANCE BALLARD

    Một truyện ngắn cảm động về tình thầy trò. Truyện khiến người đọc có thể nghĩ chuyện xảy ra hôm nay, không phải cách đây hơn bốn mươi năm.

  • Tác giả tên đầy đủ là Heinrich Theodor Böll (1917 - 1985). Ông được coi là một trong những nhà văn lớn nhất của Đức thời hậu chiến. Năm 1972 ông được nhận giải Nobel Văn học. Tác phẩm và quan điểm chính trị của Böll thể hiện khát vọng xây dựng một xã hội mang tính nhân văn. Các tiểu thuyết tiêu biểu của ông: “Thiên thần im lặng”, “Và tôi đã không nói một lời duy nhất”, “Nhà không có người che chở”, “Qua con mắt của chú hề”, “Bức chân dung tập thể với một quý bà”…

  • KATE CHOPIN

    Catherine O’ Flaherty sinh năm 1850 tại Saint Louis, Missouri, bố gốc người Ái Nhĩ Lan, mẹ gốc Pháp, lớn lên trong môi trường đa văn hóa, từ nhỏ đã nói tiếng Pháp đồng thời với tiếng Anh.

  • Nhà văn, nhà thơ, triết gia, họa sỹ, dịch giả Ấn Độ Rabindranath Tagore sinh năm 1861 tại Calcutta, Ấn Độ và mất năm 1941. Ông để lại một di sản văn học - nghệ thuật đồ sộ với hàng ngàn tác phẩm đủ các thể loại. Tagore còn là nhà yêu nước, đòi giải phóng Ấn Độ khỏi sự cai trị của Anh. Ông được trao giải Nobel văn học năm 1913.

  • O’Neil De Noux sinh ngày 29/11/1950 tại New Orleans, bang Louisiana, Hoa Kỳ. Ông là một nhà văn Hoa Kỳ có sức sáng tác mãnh liệt với nhiều tiểu thuyết và truyện ngắn, đã có 42 đầu sách được xuất bản. Phần lớn sáng tác của ông là truyện trinh thám hình sự, tuy nhiên ông cũng viết nhiều thể loại khác như tiểu thuyết lịch sử, truyện dành cho trẻ em, truyện khoa học viễn tưởng, kinh dị, tình cảm, v.v.

  • JASON HELMANDOLLAR

    Jason Helmandollar là một nhà văn người Mỹ, tác giả của nhiều truyện ngắn nổi tiếng được đăng trên các báo, tạp chí đang thịnh hành lúc bấy giờ như Encounters Magazine, Bartleby Snopes, Title Goes Here, Sideshow Fables. “The Backward Fall” là một trong những truyện ngắn hay và hấp dẫn của ông.

  • TIMUR JONATHAN KARACA

    Timur Jonathan Karaca được sinh ra ở San Francisco. Ông là bác sĩ y khoa khoa gây mê tại UCSF. Ông sống ở Oakland, nơi ông hành nghề. Karaca theo học sáng tác tại Studio Hi Nhà văn San Francisco.

  • Naguib Mahfouz (1911 - 2006) sinh ra trong một gia đình nghèo tại Cairo. Ông học triết học tại Đại học Cairo và làm công chức cho tới khi về hưu năm 1971. Mahfouz là nhà văn lớn của Arab và của thế giới. Ông có 35 tiểu thuyết, 14 tập truyện ngắn và nhiều tác phẩm kịch. Tác phẩm của ông rất phổ biến ở phương Tây. Mahfouz được trao giải Nobel văn chương năm 1988.
    Truyện ngắn dưới đây diễn tả bi kịch của cá nhân khi bị phụ thuộc vào kẻ khác. Tuy nhiên, như rất nhiều tác phẩm khác của văn học Arab, nó còn mang tính ẩn dụ và nghĩa hàm ẩn.

  • ALBERT LAMORISSE (Pháp)

    Albert Lamorisse là một nghệ sĩ đa tài của nước Pháp. Ông vừa viết văn, làm thơ, vừa biên kịch và đạo diễn điện ảnh. Truyện "Quả bóng đỏ" (Le Ballon Rouge) này đã được chính Albert Lamorisse dựng thành phim, rất nhiều người hâm mộ.