Thể phách cho những hành trình

14:36 24/01/2018

LÊ VŨ TRƯỜNG GIANG

Cuộc sống khả hữu luôn thử thách tôi và bạn trong bất kỳ tồn tại không gian và thời gian nào. Dĩ nhiên, suy nghĩ vậy sẽ cản trở sự vượt qua giới hạn cần phải có của bản thân.

Giới hạn do chính chúng ta tạo ra, phụ thuộc chủ yếu vào ý thức chủ quan cá nhân. Vì thế Albert Einstein nói: “Khi chúng ta chấp nhận giới hạn của mình, chúng ta đã vượt qua nó. Chúng ta thấy cái bóng của chính mình, thấy hình hài thực thụ của cái con người thân xác và cả tâm hồn không bị đóng băng. Trong hành trình khám phá cái bên trong lẫn cái bên ngoài, tôi thấy thật sự cần thiết phải ngồi lại chiêm nghiệm, phải phục vụ sự viết về những gì đã gắn bó, phô bày cái đẹp, cái khổ, hạnh phúc, mất mát, chân lý… đều có lý do để gọi tên.

Tôi vẫn thường muốn chép lại những hồi ức đã ngủ quên, cả trạng huống, diễn tiến tinh thần lúc tôi điền dã những vùng đất đi qua. Sự lục lại, truy vấn trí nhớ có thể không phục hồi nguyên trạng nhưng chí ít cũng gìn giữ những chi tiết có tính mộc bản của hồi ức. Khởi nguồn của hồi ức có lẽ đến từ sự chủ quan về cái đẹp (beauty). Con người tri giác hẳn đều cảm nhận sự hiện diện của cái đẹp, nguồn gốc hứng khởi, tô điểm cho thế giới sắc màu. Một câu đố giữa cuộc đời về cái đẹp, ý nghĩa tồn tại của nó, nếu săn lùng, ngưỡng vọng, bạn và tôi sẽ có câu trả lời theo cách của mình. Trong “vương quốc của cảm giác” (như lời Hegel), tôi mơ hồ trong hành trình “đi tìm thời gian đã mất” của hoài niệm, của lãng quên, của suy tàn. Cái đẹp luôn tồn tại trong thiên nhiên rộng lớn của hóa công và thế giới tinh thần nhân loại, trong cảm xúc với ý chí cá nhân. Nhận định về cái đẹp cũng đi vào sự hài hòa giữa lằn ranh lý trí với tưởng tượng. Cái đẹp tự thân đã dâng hiến cho chúng ta, hãy truy vấn và khắc ký nó.

Trong diễn biến đời sống, mỗi người ý thức được về bổn phận của mình trong cuộc sống này, cần gì và làm như thế nào, hiệu quả ra sao phải được xác định và nhận thức đúng. Có lẽ sẽ chẳng ai tự tin quá nhiều để thách thức mọi giới hạn, dù là trong lĩnh vực sở trường của mình. Nhưng chắc rằng chúng ta thường nghĩ chẳng thể làm được việc đó khi phải đối mặt những điều mới mẻ, vượt ngoài sự hiểu biết và khả năng của mình. Qua bút ký văn học, tôi đã dấn bước “tiến vào những điều không thể”, nhận diện được giới hạn của mình trên hành trình đi và sự ở lại mang tính trói buộc của không gian. Đi bằng tư tưởng rạo rực khai phóng và thân xác thì ở lại bồi đắp, tu dưỡng, giữ gìn. Đi bằng phần thân nhưng phần tâm vẫn ở lại neo đậu quê hương. “Đi - như là ở lại”, một ý thơ của nhà thơ Inrasara, cho nỗi trầm tư, là “một hơi gió xâu dài thế kỷ” mà đôi lúc, chúng ta đã được sống lại từ cơn phóng tưởng.

Và một cái “cần” khác trên hành trình “sự cô độc bận rộn”, nghĩ như Voltaire là “niềm hạnh phúc to lớn nhất”, mặc sức lôi kéo, đẩy đây đưa bản thân tìm tòi cái biết. Đôi chân tôi bước trên mọi nẻo đường, luôn bề bộn với những kế hoạch hành trình chinh phục những vùng đất mới. Tôi gọi mình là lữ khách, gọi chiếc xe nghìn dặm là ngựa. Lữ khách một mình lang thang trên cao nguyên, trên đồng xanh, trên non cao, trên những phế tích kiếm tìm giấc mơ thất lạc. Khi ấy, tôi không cô độc nếu tôi biết làm bạn với chính mình để ghi lại đôi điều gì đó đã trải qua.

Qua bút ký, tôi muốn chắt nhặt từ căn cước những vùng đất những cái riêng, cốt lõi cần lưu giữ như bản nghĩa của văn hóa chính là sự gieo trồng tinh thần (cultus - latinh), và là sự tiếp diễn của quá trình kế thừa truyền thống. Sự gieo trồng tinh thần ấy xuất phát từ sự mê hoặc của vùng văn hóa tôi đã đi qua. Mượn lời mình để dẫn dụ về cái đã/sẽ biến mất như quy luật tất nhiên, để gìn giữ trong trái tim và tâm hồn bản sắc theo cách hiểu của tôi. Người cầm bút tức là người phụng sự văn hóa, người phụng sự văn hóa thật không đơn giản (nếu làm sai) như lời của Vương Dương Minh là “giết cả một đời”.

*

Và nữa, tôi cũng dành đôi lời lạm bàn về về yếu tính của thể loại bút ký văn học theo kiến giải, hiểu biết hạn hẹp của cá nhân mình. Nếu chữ giữ lại từ “ký” thì thể loại này có thể nói là cội nguồn, cái ban đầu của mong muốn chủ quan con người là chép lại cái đã diễn ra, mở đầu bằng những trang sử đậm chất hiện thực của thời cổ đại theo hình thức biên niên hoặc cương mục với những tên tuổi Đông - Tây như Tư Mã Thiên (Trung Quốc), Tacitius (Rome); đặt nền móng cho sự phát triển mạnh mẽ ở các thời đại sau… Ở nước ta, phải đến thời trung đại, thể ký theo cách hiểu nói trên xuất hiện trong nhiều trước tác của các chính trị gia, văn nhân muốn thu phóng sự hiểu biết của mình trong những áng văn bất hủ. Chúng mang tính trứ thuật cao và dưới tay bút của những Lê Quý Đôn, Phạm Đình Hổ, Nguyễn Án, Lê Hữu Trác… cũng tạo thành một mảng bút ký cổ điển bằng văn xuôi chữ Hán, được hậu thế xem như các tác phẩm nghệ thuật, vì sự tương đồng với văn chương hiện đại.

Thế kỷ XX, bút ký văn học phát triển theo xu thế mới, hướng đến tính nghệ thuật và ở mức độ sâu sắc nhất là một tác phẩm nghệ thuật, có hình hài như hôm nay. Những thế hệ tiền bối, thế hệ tiếp nối như Nguyễn Tuân, Tô Hoài, Nguyên Ngọc, Hoàng Phủ Ngọc Tường, Nguyễn Bắc Sơn, Văn Cầm Hải… với những tác phẩm nền mẫu đậm đà, định hình cho quy phạm của thể loại bút ký văn học nguyên bản. Tiếp nối đó, hàng trăm cây bút trên văn đàn liên tục bổ sung đội ngũ và tác phẩm bút ký văn học hội tụ đủ chất và lượng, hầu khắp khắp ba miền, cho thấy sức sống bền bỉ và cuốn hút của thể loại này.

Sự xác tín về nội hàm của thể bút ký văn học nằm ở tính phi hư cấu (nonfiction) có thật sự cần thiết không, để qua đó nắm bắt được những chất liệu chính yếu, rằng hiện thực là nền tảng và sự thật là tiêu chí của bút ký. Dĩ nhiên, mọi sáng tác văn chương đều khởi nguồn từ hiện thực, thứ nguyên liệu không thể tách rời khỏi cảm thức sáng tạo, là mảnh đất màu mỡ cho những luống cày chữ nghĩa trung thành với hiện thực dù muốn ảo diệu, biến hóa thế nào đi chăng nữa. Hay nói cách khác, cuộc sống là mạch nguồn của văn chương. Thông qua thiên chức cao đẹp nhất của văn chương là đặc tính hư cấu (fiction), hiện thực được phản ánh lung linh và giàu màu sắc tưởng tượng. Thể bút ký văn học có cần phải đạt đến độ “tận trung với hiện thực”, trưng dẫn từ sự tiếp thu của năm giác quan, để mang đến sự tiếp nhận lộng lẫy về hiện thực đời sống. Nhưng lại nói dìm hết mọi khả năng hư cấu trong bút ký là điều bất khả, một cách để làm hoặc sáo rỗng hoặc khô cứng văn chương. Hoàng Phủ Ngọc Tường bàn đến “phẩm chất mỹ học” để thể hiện sự tồn tại cho phép của hư cấu trong tác phẩm của ông như một lao động nghệ thuật. Phạm Hổ với tư cách thi sĩ của mình lại cho bút ký chỗ dựa trung dung là “cảm xúc thơ, những suy nghĩ thơ”. Sự mở cửa cho tính hư cấu vào trong bút ký văn học được xem như một sự khác biệt, nghệ thuật hóa thuộc tính thô, nguyên sơ của chất liệu hiện thực nếu như chỉ dừng lại ở mức ký sự, ghi chép sự kiện, nhân vật. Cái khác biệt lớn nhất ở chỗ bút ký phản ánh hiện thực như những chứng từ thực lục ở hình dạng, nguyên do của lớp vỏ ngoài của hiện thực. Các thể loại văn chương khác (thơ, truyện ngắn, tiểu thuyết) chạm sâu vào cõi thẳm của hiện thực, vào thế giới tâm thức đương chờ chực mở phơi.

Bút ký văn học cần thiết tính hàn lâm và bay bổng của ngôn ngữ, có chăng là thứ ngôn ngữ thi ca được trộn lẫn trong điều chân thật của cuộc sống. Maiakovsky nói: “Tôi biết sức mạnh của ngôn từ … ngôn từ là tướng của đạo quân sức mạnh con người”. Bút ký phải đề xuất được thể văn phóng khoáng, mạnh mẽ, sâu sắc, lối viết linh hoạt, lúc khoan lúc nhặt, có thể nhẹ như lông hồng mà cũng nặng tựa ngàn cân. Những tác phẩm bút ký có giá trị văn học ngoài đáp ứng các giá trị hiện thực được dung nạp, phải khai thác triệt để sức mạnh của ngôn ngữ, giá trị mỹ học, đặc tính nhân văn và hòa trộn nhiều thể loại được trích xuất như một bản hợp xướng ngôn ngữ, tạo nên lối viết liên văn bản đầy sức cuốn hút. Bút ký văn học chứa đựng lượng thông tin lớn, đa hàm nghĩa, uyên áo. Bạn đọc có thể tìm thấy triết học, dân tộc học, lịch sử, thơ, truyện ngắn, tiểu thuyết… ở những thể phách được lưu dẫn vừa vặn trong bút ký. Tính chất hư cấu có mức độ, yếu tính ngôn ngữ, vấn đề xây dựng cương mục, tính bác học tạo nên sự khác biệt đẳng cấp giữa bút ký văn học và các thể loại khác (ký báo chí, ký chân dung, ghi chép, tản văn…).

Trong lối kể, người viết thường ở ngôi thứ nhất, nói cách khác cái tôi của người cầm bút trực diện xuất hiện với tư cách là người trong cuộc. Ngoài ra, sự phối hợp nhiều điểm nhìn trần thuật cho một số nhân vật khác để nhìn nhận hiện thực đa chiều kích hơn. Cấu trúc tuyến tính theo thời gian được sử dụng đan xen với cấu trúc cương mục nên tính chất tự do, phóng khoáng trong việc trình bày, sắp xếp các chi tiết, sự kiện có tính hệ thống và dụng ý nghệ thuật là những cái cần để tạo dựng hình hài bút ký văn học.

Lẽ nữa, tôi muốn nói đến việc trưng dẫn sự khác biệt giữa sự thật sự chính xác xem như một cách đọc hiểu bút ký văn học. Yêu cầu sự thật có thể đảm bảo nhưng tính chính xác tuyệt đối không phải lúc nào cũng được thỏa mãn. Quan điểm bút ký văn học không đòi hỏi tính xác thực ở mức tuyệt đối, tính cấp bách về thời sự như dạng bút ký báo chí được hiểu theo nghĩa này. Dù gì chúng ta, những kẻ hiện hữu trong đời sống chật hẹp này nên chăng đuổi bắt một bầu trời khác ngoài cơn mơ đến đi sau mỗi giấc ngủ, là bầu trời của nắng gió, của cái đẹp, của những điều cần chiêm nghiệm về những vùng đất đã thức dậy hay đương mơ về một quá khứ xa xăm nào đó.

L.V.T.G  
(SHSDB27/12-2017)


 

Đánh giá của bạn về bài viết:
0 đã tặng
0
0
0
Bình luận (0)
Tin nổi bật
  • PHAN ĐÌNH DŨNG

    1. Có thể tìm hiểu những đặc trưng nghệ thuật của thơ Thiền Việt Nam thế kỉ XI - thế kỉ XIV qua một số phương diện tiêu biểu như ngôn ngữ, thế giới nghệ thuật hay hình tượng (con người, thiên nhiên, không/thời gian nghệ thuật), thể thơ, kết cấu, cách miêu tả thể hiện, giọng điệu… Đây là cách nghiên cứu “diện”.

  • ĐOÀN ÁNH DƯƠNG

    Tự Lực văn đoàn đã khởi sự hoạt động báo chí và văn chương của mình trong một thời điểm chứa đầy cơ hội và thách thức.

  • NGUYỄN MẠNH TIẾN    

    Sự tương hợp của những môtip truyện họ Hồng Bàng hay con rồng cháu tiên [viết tắt: rồng tiên] được chuẩn hóa như huyền thoại quốc gia bắt đầu từ trong truyền thống Ngoại kỷ của Toàn thư người Việt với vũ trụ luận Mường, Thái là một chủ đề thú vị.

  • Kỷ niệm 88 năm báo Phong hóa (7/1932 - 7/2020) và Tự Lực văn đoàn

    PHẠM PHÚ PHONG

    Nhất Linh là một kiểu mẫu hoàn hảo của trí thức Việt Nam, có thêm một cái gì rắn rỏi và thẳng thắn, rất hiếm có.                                                                                   (Sainteny)

  • NGUYỄN ĐỨC TÙNG     

            (Gởi Hoàng Thị Hạnh)

  • MAURICE BLANCHOT    

    Có lẽ Kafka muốn tiêu hủy tác phẩm của mình, vì chúng dường như với nhà văn tất sẽ làm tăng lên sự hiểu nhầm chung.

  • HOÀNG NGỌC HIẾN

    Trong tình hình phát triển hiện nay của lý luận (thuộc mọi lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn) người làm công tác lý luận và phê bình văn học không thể không xem xét và xác định lại những khái niệm lý luận văn học, kể cả những khái niệm vẫn được xem là "cơ bản", "trung tâm", "cốt yếu"...

  • TRẦN NGỌC HIẾU    

    Vị trí tiên phong của Nguyễn Minh Châu trong tiến trình đổi mới văn học Việt Nam sau 1975 đã được thừa nhận ở nhiều khía cạnh như quan niệm về con người, nghệ thuật xây dựng nhân vật, tổ chức trần thuật...

  • THANH NGÂN  

    Kết cấu vừa là toàn bộ tổ chức nghệ thuật sinh động của tác phẩm, vừa là phương tiện khái quát nghệ thuật. Cho nên, nó đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc khái quát và thể hiện tư tưởng - cảm xúc của tác phẩm văn học nói chung. Khi đánh giá kết cấu tác phẩm không phải chỉ xét nó dưới sự hài hòa, cân đối của nội dung.

  • MAI VĂN HOAN  

    Số người biết về Nguyễn Hành hiện nay rất ít. Tôi có hỏi một vài người quan tâm đến văn chương, các vị ấy đều không hề biết Nguyễn Hành là ai.

  • PAUL DE MAN  

    Phát hiện khá muộn màng về tác phẩm của Georg Lukács ở phương Tây và gần đây nhất, ở đất nước này, đã có xu hướng cô đặc lại quan niệm về sự chia rẽ rất sâu sắc giữa Lukács thời kỳ đầu phi Mác-xít và Lukács thời kỳ sau theo Mác-xít.

  • ĐOÀN ÁNH DƯƠNG

    1. Không đơn thuần là “mô phỏng”/ “phản ánh”, một kiểu “chủ nghĩa đề tài” quen thuộc trong văn học về chiến tranh và cách mạng, văn học Việt Nam đương đại đã trực tiếp tham dự vào quá trình kiến tạo diễn ngôn dân tộc chủ nghĩa.

  • TRẦN ĐÌNH SỬ

    Từ khi có bài báo ngắn Dân là gốc hay lấy dân làm gốc của Văn Như Cương (Văn nghệ số 48-1988), một số bạn đã viết bài bàn lại, nói chung cho rằng nói "Lấy dân làm gốc" vẫn không mất ý nghĩa tốt đẹp của nó. Tôi cũng tán thành với các ý kiến đó, mặc dầu tôi vẫn cho rằng dịch "dân là gốc" như anh Cương bàn cũng đúng.

  • NGUYỄN VĂN HÙNG    

    Chuột là loài vật luôn hiện hữu trong cuộc sống con người, bao gồm cả đời sống vật chất lẫn đời sống văn hóa tinh thần.

  • YẾN THANH  

    Đối với mỗi người Việt Nam, chuột là một “người hàng xóm” tự nhiên quen thuộc. Thật ra, trong lịch sử của loài người, có lẽ không loài động vật nào gắn bó tự nhiên với chúng ta hơn loài chuột.

  • NGỌC TRAI

    Văn học ta trong những năm gần đây đang có dấu hiệu chuyển hướng và đổi mới một cách đa dạng, phong phú.

  • DƯƠNG BÍCH HÀ  

    Văn hóa dân gian, trong đó có âm nhạc, là một bộ phận nghệ thuật quan trọng trong nền văn hóa đa dân tộc của Việt Nam. Nó phản ánh sâu sắc những tâm tư, nguyện vọng, tình cảm của con người. Nó gắn liền với cuộc sống sinh hoạt của nhân dân và phục vụ nhân dân. Song song với cuộc sống của con người, nó đã tồn tại qua mấy nghìn năm lịch sử đến nay.