HẠ NGUYÊN
Đêm thứ mười tám tôi mới lọt được vào căn nhà của em. Bấy giờ đang quá khuya và sự vắng ngắt như nhìn xói vào làm tôi kinh sợ.
Minh họa: Đình Văn
Tôi thắp đủ mười tám ngọn nến đăng quang cho lần đi tìm của mình. Mười tám ngọn nến ngày sinh nhật của em chưa cháy hết, em đã để dành cho tôi thắp sáng tuổi của em ở thảo nguyên này. Song, sự sáng chiếu rọi vào khoảng không chợt làm cho tôi thất vọng. Tôi cầm một ngọn nến đi từ đầu đến cuối hành lang, em không để lại một cái gì, cả chiếc khăn quàng cổ tích của lũ sói tha em đi ngày xưa... Có cái gì đó bay bay trước mắt tôi như là mảng màu đen và trắng của ký ức, nhưng tôi không có nhận ra nó.
Bởi vì không có em và tôi rệu rã hơn một vạn lần ở cõi bên ngoài có thể có vô tận đối với em, khoảng cách xin có một giới hạn vĩnh cửu để xóa đi bằng những lịch sự của văn minh loài người. Em để lại khoảng cách ấy bằng một dòng chữ chín chắn, tự nhiên! - "Đừng chờ em, hãy đến với em ở thảo nguyên thứ mười chín".
Tôi bỗng buột miệng cầu chúc ở đó là một thảo nguyên xanh và đón em về trong hạnh phúc.
Lời cầu chúc dừng lại bởi vì nó chỉ có thể bay trong khoảng tôi nghe được, hơn nữa, tôi sợ sự im lặng tiếp đến đầy bối rối.
Tôi bước những bước khuya khoắt về phía ô cửa kính, ở xa xa ngoài thảo nguyên đêm, có thể nhìn thấy những ranh giới mờ ảo.
Bất chợt, tiếng sói tru làm vỡ ánh trăng ngoài kia. Tôi bỗng sống động hẳn lên và yên lòng để hồi hộp. Hình như đó là cái-em-để-lại-mà-tôi-nhận-thấy, không phải lúc ấy tôi đang sống trong huyền thoại, sách vở hay trí tưởng tượng.
Tiếng sói tru mỗi lúc một gần hơn, cho đến khi tôi kịp nhìn thấy những bóng trắng nối nhau loang loáng, hướng mỏm về phía gió. Có lẽ tôi chợt lo sợ là những nhánh hoa dại, liệu có bị đạp nhầm không? Nhưng dẫu sao thì đêm rất lạnh ở thảo nguyên đã có sự ấm áp từ tấm thân của lũ sói. Có một điều gì đó thật trái ngược, nhưng đó lại là cảm giác có thật. Tôi đứng nhìn, nhìn mãi phía ngoài kia trăng chênh chếch một lá thuyền vàng và nhỏ, trời lấm tấm sao, nguyên thủy của vũ trụ bao giờ cũng như có một cái gì đó ráo nước và sạch sẽ. Mười tám ngọn nến trắng trong phòng vẫn sáng. Tôi bỗng muốn mở toang các cánh cửa.
Nhưng sự thoát mộng buộc tôi gài chặt cửa hơn. Gió có thể làm tắt những ngọn nến, và ít ra, lũ sói cũng đã đến gần, đã thấy chúng thấp thoáng ngoài vườn. Tôi hiểu chúng đang săn tìm hơi người. Tôi quay lại, mười tám ngọn nến vẫn cháy.
Khi điếu thuốc đã được đốt lên, tôi nhận ra gương mặt con sói già đang thất vọng ghê gớm ở ngoài kia cửa kính. Nó tru lên trước mắt tôi, nước mắt chảy hằn sâu một đường dọc khóe mũi xinh đẹp và ngang ngạnh.
Tôi bỗng hiểu nó đang lâm vào tình trạng thê thảm nhất trong đời nó. Bởi vì sau một hồi tru dài lịm cả thảo nguyên, nó xuống cầu thang gác một cách thận trọng vì chỉ còn ba chân lành lặn, và sau đó, với một quyết tâm bản năng, nó quay trở lên và bắt đầu phá cửa. Một vài con sói lên theo, số còn lại ngồi bất động, mắt dán vào ánh nến sáng trong phòng, chờ đợi.
Có lẽ là vợ nó, một con sói tinh ranh nào đó đang kỳ sinh nở, và như thế, không phải chỉ nuôi một mình nó mà còn vợ và lũ con nó ở nhà. Còn bên cạnh nó là cả những con sói khác cũng đang đói, mà chúng thì có thể đến lúc điên lên là xé xác nó.
Lũ sói đã bắt đầu bực dọc và chạy lui tới trong vườn. Bấy giờ tôi ngồi quay lưng về phía nó. Mặc xác lũ sói tấn công vô ích. Ngôi nhà em để lại giữa thảo nguyên thứ mười tám làm tôi yên lòng.
Tôi lật những trang nhật ký, em đã viết vào thảo nguyên tiếng lòng mình. Tôi hiểu tôi không có tội khi đọc những dòng chữ ấy, nơi mà tất thảy đều có thể trở thành của chung cho mọi người, cho cả trái tim chưa một lần nhìn thấy. Người chị của em đã đi về thế giới giấc mơ của những ánh hoa đen tuyền gỗ mun và có những đường viền trắng năm em mười tám tuổi. Trong hoài niệm tuổi mười tám em đi tìm một sự thật dữ dội, dẫu sự thật ấy có thể là một con sói già tru lên thảm thiết trong bước đường sinh tồn của nó.
Tôi gấp cuốn sổ lại, ở đâu đó trong thảo nguyên thứ mười chín em đang đi tìm điểm vô cùng của sự thật. Tôi quay trở lại khung cửa kính. Tiếng tru già khẳng khái - sự sinh tồn tuyệt đẹp và vô cùng tuyệt vọng của lũ sói đang thể hiện rõ trước mắt tôi - kẻ thất bại trước mong muốn thỏa hiệp với người khác trong sự thành thật. Tôi hiểu là tôi đang đối diện với sự thật mà em đã đi tìm, và chỉ trong giờ phút này thôi. Có một cái gì đó khiến tôi bỗng sợ rằng lũ sói sẽ hết kiên nhẫn và bỏ đi mất. Nếu có em ở đây, em sẽ mở cửa để đón lũ sói ấy, vì rằng đấy là sự thật của riêng em.
Và bằng linh cảm từ khi biết yêu mến cuộc sống, biết đi tìm em qua mười tám thảo nguyên, tôi hiểu rằng đó cũng là sự thật của riêng mình. Tôi mở cửa và bước ra phía thảo nguyên, đó là cách duy nhất để tan loãng vào em, vào thảo nguyên thứ mười tám mà em đã từng sống và yêu mến.
Tôi cho phép mình một chút đứng lại trong căn phòng trước giờ phút vĩnh biệt. Mười tám ngọn nến vẫn cháy. Nếu thắp nến cho tôi, em hãy thắp mười ba ngọn nến đỏ - con số bất khả kháng - và sau đó, mười ba ngọn nến trắng.
Tôi áp mặt vào cửa kính. Con sói già chờn vờn đôi tay mạnh mẽ trước mũi tôi. Sự sống và sự chết không chỉ cách biệt nhau bằng một tấm kính.
Tôi bất giác bật cười. Sói sẽ nghĩ như thế nào nhỉ? Mỗi khi có thể nó nhìn tôi như một anh chàng sở khanh đủ lời hứa hẹn và bây giờ chối bỏ thảo nguyên vô tận của em. Nó có thể cho rằng tôi trốn chạy khỏi sự thật trong vững chãi của đồ vật là ngôi nhà của em để lại.
Tôi thôi cười và cùng nó nhìn nhau qua tấm kính mỏng. Lần đầu tiên tôi cảm nhận được thế nào là ánh mắt của dửng dưng, vô tận và mãnh liệt của một sinh lực cũng vĩnh cửu không kém. Sau thoáng bàng hoàng, tôi nhận ra mình đang buồn ghê gớm.
Tôi quay lại phía mười tám ngọn nến cháy và hiểu rằng tôi không đi ra phía thảo nguyên với một ý niệm liều mạng để tuân theo một sự đòi hỏi tuyệt đối như là lòng trung tín của tôi đã làm đời tôi mất hết ý nghĩa, tôi cảm nhận tôi đã trong trắng như thế nào.
Trong giây phút sung mãn tuyệt vời, tôi nhắc lại tiếng của muôn thuở: "ANH YÊU EM. YÊU..."
Cảm xúc mãnh liệt của cái cung bậc và trạng thái tình cảm ấy dội vang trong căn phòng. Tôi nhận ra những âm tiết đang nối đuôi nhau thành một cuộc vũ hội bay qua thảo nguyên về phía vô cùng, nó đang bay qua miền thảo nguyên thứ mười chín - nơi em đến - và đi xa hơn nữa.
Không biết cửa kính đã bị phá vỡ loảng xoảng. Khi tôi quay lại định mở cửa ra thảo nguyên, lũ sói đã đứng trước mặt tôi.
Cái-sự-thật-em-đi-tìm đã không cho phép tôi kịp biểu lộ mối tình cảm hay nói với nó một điều gì. Tôi hiểu là tôi sẽ tan loãng vào thảo nguyên thứ mười tám không một dòng chữ hay một lời nhắn nhủ nào để lại.
Huế, 1 - 1991
H.N.
(TCSH47/05-1991)
LÊ HƯNG TIẾN
Tự thức
(Quý tặng nhà thơ Đinh Thị Như Thúy)
TRẦN BẢO ĐỊNH
1.
Trường gà Bến Nghé vắng lặng từ rất lâu sau trận tử chiến giữa Kim Ô và Nhật Nguyệt. Đông Định Vương thẫn thờ đứng nhìn bầu trời Gia Định chớm vào tiết xuân, mùi máu gà vương vãi đấu trường hắt hơi theo gió khác chi mùi máu chiến binh ở chốn sa trường.
TRẦN BẢO ĐỊNH
“Bần gie lửa đóm sáng ngời
Rạch Gầm soi dấu muôn đời uy linh! ” (Ca dao)
VÕ CÔNG LIÊM
Tặng: Mai Ninh
Buổi mãn khóa ra trường ở Đại học Văn Khoa vào một sáng trời trong, gió từ sông thổi lên, len vào những mái tóc thề lả lướt, ướt mượt trông gợi cảm.
LÊ MINH PHONG
Người đàn ông miền quê lại dừng xe để sờ lên xác vợ mình. “Còn ấm lắm em à.” Ông nói và bỏ mặc những ánh mắt sợ hãi của dòng người trên phố. “Ta về thôi em.” Người đàn ông nói.
PHẠM DUY NGHĨA
Chiếc áo kẻ màu tím sẫm.
Một chiều thu ảm đạm tôi rời công sở sớm hơn thường lệ. Trên đường về qua khu chợ ven đô, tôi quyết định tìm mua một chiếc áo hàng thùng.
CUNG TÍCH BIỀN
Dòng họ Trần cụ Lội được tiếng là sống lâu, ai nấy thân thể cường tráng, tính tình có hơi ương ngạnh nhưng tình dục rất bền.
TRẦN BẢO ĐỊNH
Phận má hồng
“Trời xanh quen thói má hồng
đánh ghen” (Truyện Kiều)
VŨ VĂN SONG TOÀN
Pháp trường.
Cơn mưa thu bất thần ập xuống. Bãi hành quyết lấp xấp nước. Dòng nước trộn máu đỏ chảy về phía bờ sông. Cờ phướn phấp phơ trong gió lạnh. Mùi tanh lợm cuốn đi bốn phía.
MỘC MIÊN
“Trời ơi là trời, sao tôi khổ vậy trời! Mày báo tao gần ba mươi năm trời chưa đủ sao?”
TRU SA
Tôi từ sớm để chuẩn bị cho ngày hôm nay. Để mọi chuyện thuận lợi, tôi đã phải bước đi thật rón rén, tránh những âm thanh quá lớn có thể đánh thức bà ta.
TRẦN BĂNG KHUÊ
1.
Mùa hè sắp hết.
Và cơn hấp hối của kẻ sắp rời khỏi thế gian bạc nhược.
HÀ KHÁNH LINH
Làn sóng người mỗi lúc một dày hơn, ai cũng lách mình cố tìm một vị trí thuận lợi hơn để thưởng thức các tiết mục quá hay quá đẹp…
PHẠM DUY NGHĨA
1.
Nhà tôi ở trong thung lũng. Nhiều năm trước, khi tôi còn là một cô gái nhỏ, vùng tôi ở được chứng kiến một sự lạ thường.
VĨNH NGUYÊN
Cho đến bây giờ, người dân hai làng Vĩnh Tuy, Trung Trinh đều không biết hai ông Kẻ Khoán họ gì, tên gì? Chỉ biết rằng họ rất “nổi tiếng”. Nhân một mâu thuẫn về đất ruộng, hai ông cãi nhau, đánh nhau đến kiệt sức rồi chết cùng một lúc ngoài đồng. Họ thành nấm mộ chung, còn gọi Mả Ngài!
TRẦN THÙY MAI
Bây giờ, Ng. cũng không nhớ tại sao hai người lại chọn cái thị trấn xơ xác ấy làm nơi gặp gỡ. Mười năm trước họ không biết gì về nó, ngoài địa danh bất chợt nhặt ra từ trí nhớ mông lung, địa danh mơ hồ, gợi lên một vùng đất xa xôi ven biển.
NHỤY NGUYÊN
Sao tôi không dừng lại. Tại sao tôi vẫn bước trong lúc nàng phía sau. Lùi xa hun hút. Sao tôi không lội ngược ký ức vớt nàng lên dưới những tiềm thức vọng động. Sao nàng lại ẩn dưới bề sâu tâm thức tôi.
PHẠM THỊ THÚY QUỲNH
Bệnh viện tựa chú voi trắng rầu rĩ, rệu rã vì tật bệnh và mùi thuốc bứ đặc. Ngoài nhà chờ, la liệt người nằm trên những chiếc ghế gỗ dài đã mục ruỗng, vài người nhà bệnh nhân ủ rũ tựa vào thành ghế chờ đợi tới lượt làm các xét nghiệm cần thiết để thân nhân kịp tiến hành thủ thuật hòng duy trì mạng sống.
NGUYÊN QUÂN
Cô gái dân tộc Pshi, cúi thấp xuống, ánh đèn neon màu nhợt nhạt không khỏa lấp nước da ngăm đen và đôi mắt tròn láy.
TRẦN BĂNG KHUÊ
Tôi đã nghĩ đến hắn, rất nhiều.
Mọi khoảnh khắc tôi có, hoặc ở những nơi tôi đến, chốn nào tôi biết hắn sẽ đi qua.