NGUYÊN QUÂN
Khu chợ, những ki ốt bê tông vươn mặt ra phía con suối rộng cả trăm mét, đang cuồn cuộn dòng nước đục ngầu. Đứng ở vị trí này, tì hai tay xuống vai chiếc cầu hiện đại vắt ngang suối, có thể duỗi tầm mắt nhìn suôn suốt đến tận dãy núi cao vút đầu nguồn. Khe Tre là đây. Khe Tre đầy những câu chuyện đường rừng huyền hoặc của thằng Ngạn là đây sao.
Minh họa: Nhím
Tôi bất chợt cười, cái cười hoài niệm ký ức ngớ ngẩn về một thần tượng tôi vẫn gọi là đại ca. Đã là ký ức tuổi thơ bao giờ cũng sâu đậm như một nét bút mực tàu xổ trên tờ giấy trắng, rất khó phai nhạt. Nên cho dù bây giờ tôi đang tận mắt nhìn thấy cái chợ, con khe và xa xa là dãy núi rừng đại ngàn thăm thẳm, cho dù đã đi qua con đường cao tốc láng như trải mỡ chạy ngoằn ngoèo qua bao dốc núi truông khe, và hiện tại sau lưng là một khu thị tứ sầm uất nhà ngang dãy dọc đầy đủ quán xá, những mặt người phởn phơ no đủ, những hình hài xúng xính trang phục hiện đại, lả lướt trên những chiếc xe đời mới.
Đã thấy vậy, nhưng ký ức tuổi thơ cứ vẫn mù mờ về cánh rừng nguyên sinh đầy hoang thú, những bàn chân trần của những cô sơn nữ chấp chới váy hoa thổ cẩm trên những dốc rừng... Những năm cuối thập niên 60 của thế kỷ trước, xóm tôi bỗng dưng có thêm một thằng nhóc trạc tuổi, nhưng thân hình bự chảng, nó đứng vượt cao hơn tôi cả cái đầu, dù tôi cũng thuộc loại to xác ác hình trong xóm. Mười hai tuổi, cái tuổi vừa bước chân lên trung học, hoang nghịch nổ trời, dại khờ tận mạng, nhưng cũng đầy trí tưởng ú ớ mị mộng. Thằng Ngạn khe tre, đó là biệt danh bọn nhóc cùng lứa ở cái xóm Thượng Thành này đặt cho nhân vật mới, vì theo như những người lớn trạo miệng, gia đình thằng Ngạn ở tuốt trên Khe Tre, vì vùng đó có chiến sự ác liệt nên phải gồng gánh nhau tản cư về xuôi.
Ừ thì cái xóm Thượng Thành chúng tôi, gia đình nào mà chẳng là dân chạy từ những vùng chiến sự khốc liệt về đây, mượn bức tường thành cổ kính vững chải đã tồn tại hàng trăm năm để che tôn kéo bạt làm nơi cư trú. Gia đình thằng Ngạn chỉ có một mẹ, một con. Mẹ hắn, người đàn bà góa bụa, bán cháo lòng gánh rong loanh quanh trong mấy cái ngõ xóm tạm cư toàn ròn lao động nghèo. Thằng Ngạn tuy to lớn dềnh dàng, nhưng tính tình hiền lành, thiệt thà như cục đất. Thời gian đầu tiên hắn mới nhập tịch đứa nào cũng ngán cái thân hình to cao, luôn ở trần trùng trục của nó, dần dần cái tính đặc trưng con nít là chó chùm ỉ đông lấn luôn cái ngán sợ. Vậy là ăn hiếp, rồi phát hiện được cái tính hiền khô nên càng khoái. Thằng Ngạn Khe Tre hình như cũng khoái bị ăn hiếp, dù cả bọn xui dại giao cho bao thứ nhiệm vụ mà bọn trẻ ranh đã sống quen thành phố coi như bất khả thi như trèo cây hái trộm, hù rượt chó dữ, leo xuống bờ thành cao nghệu để nhặt cầu, nhặt banh. Để hắn luôn hăng hái vui vẻ lao đi thi hành mệnh lệnh thì cả bọn lại đua nhau tung hê cổ vũ hắn lên ngôi vị đại ca.
Sự tinh quái của bọn nhóc không dừng lại chỉ chừng đó, thằng Ngạn đôi khi cũng phải biến hóa thành cái bao cát cho cả bọn đấm đá thình thịch lên cái lưng trần đen trùi trũi. Đấm tùy thích, hắn vẫn gồng lên, học đúng kiểu dáng của mấy ông lực sĩ thể hình trên mấy bức hình báo chí, lịch treo tường. Tuy vậy hắn vẫn cười khì khì vẫn hăng say tham gia mọi thứ trò bọn nhóc chúng tôi thời ấy nghĩ ra. Chỉ thỉnh thoảng cả bọn bị mẹ hắn gọi lại, hối lộ cho mấy miếng gan heo ăn nể cùng lời dặn dò ngọt lịm là đừng ăn hiếp thằng Ngạn… Ký ức tôi về thằng Ngạn không chỉ lưu trữ những trò chơi tai quái của bọn nhóc ngày xưa, đó chỉ là một sự dẫn nhập cho một thứ ký ức lạ lẫm kỳ bí đã ám ảnh suốt tuổi thơ. Thằng Ngạn vốn rất thích kể chuyện, những câu chuyện của hắn là một cái thế giới hoàn toàn lạ lẫm về một vùng núi non, đầy ma thiêng nước độc, về những con cọp luôn rình mò theo bước chân người và những giống dân ăn thịt người.
Cái biệt danh Khe Tre dính với tên hắn cũng phát xuất từ những câu chuyện hắn kể dưới tàng cây trứng cá, bên bờ hộ thành hào hay những lúc cả bầy chùm hum ăn cho hết mọi thứ trái cây hái trộm. Khe Tre, hắn luôn bắt đầu cụm từ “hồi tau còn ở khe tre...” Hắn kể về những con cọp rình rập nhà, bị hắn lấy rựa chặt đuôi chạy chí chết; hắn kể về những người thượng cà răng căng tai, những ông thầy mo có bùa phép bắt ma bỏ trong những chiếc hồ lô; hắn kể về những đêm trăng, lũ cọp beo gầm rú đánh nhau bên bờ khe để giành xác con nai; kể về những con chồn có cánh bay lượn vèo vèo như chim từ bờ khe bên này qua bờ khe bên kia, rồi cái khu chợ mà mẹ con hắn sinh sống luôn có những người bản thượng dữ dằn vằn vện, từ rừng sâu mang những con thú hoang dã ra chợ bán. Phải nói những gì hắn kể, như mở ra trong tôi thứ cảm giác thích thú, tôi nuốt lốn mọi chi tiết như người lớn nhấm nháp men rượu mạnh, thích thú thì quá thích thú, nhưng vẫn luôn kèm theo thứ cảm giác sờ sợ. Mà chẳng riêng chi tôi, cả bọn nhóc cũng lấm la lấm lét đùn đẩy ngồi co cụm vào nhau.
Rồi những gã thầy mo, con cọp to như con trâu mộng, tiếng gào rú của bầy dã thú tranh mồi, thanh âm rờn rợn của con ma xó trong góc nhà sàn... từ miệng của thằng Ngạn Khe Tre đi sâu vào từng cơn ác mộng, nhưng cũng ra một thế giới huyền ảo trong tâm thức tôi. Và địa danh Khe Tre trở thành một ám ảnh khát khao trong nhiều năm dài... cho đến bây giờ. Nhìn dòng nước ngầu đục của con khe mùa mưa, cuồn cuộn chảy, tôi liên tưởng đến những câu chuyện xa xưa và nhớ da diết thằng đại ca Ngạn Khe Tre. Không biết hắn đã có lần nào trở về lại nơi đây chưa, cái câu “hồi còn ở Khe Tre” sau mấy chục năm dài có còn vướng vất đầu mỗi câu chuyện hắn kể cho bọn con nít thành phố, bọn con nít hiện tại trên tay đầy phương tiện trực tuyến chạy rong trên xa lộ thông tin toàn cầu có dễ bị dẫn nhập vào cái mị mộng huyền hư rừng rú hoang thiên như bọn nhóc ngày xưa hay không. Quê của hắn bây giờ không như những gì hắn hoài niệm, con cọp tham ăn rình mò chuồng heo bị hắn chém một nhát vào đuôi chạy tít mù đã đánh mất tiếng gào tranh mồi bên bờ khe bởi tiếng nổ ì ầm của những cổ máy xúc, máy ủi san mở con đường cao tốc; gã thầy mo trong căn nhà bê tông, lát gạch hoa sáng trưng cũng chẳng còn cái bếp nhà sàn, để hong khói chiếc hồ lô nhốt lũ ma quỷ hung dữ.
Hắn có lần nào trở về Khe Tre của hắn hay chỉ có tôi đứng đây, trên chiếc cầu bóng loáng dưới cơn mưa mùa đông buôn buốt, để hoài niệm về một thế giới huyền ảo mà thằng Ngạn chấp nhận bị những đứa yếu đuối hơn ăn hiếp để có cơ hội được kể về quê nhà trong mơ của hắn, một quê nhà huyền hoặc lãng mạn đã bị chiến tranh và nền văn minh hiện đại đánh cắp.
N.Q
(SHSDB32/03-2019)
LÊ THỊ KIM SƠN
Dịu là kẻ không sinh ra trong hòa bình, cái tiếng hòa bình mà Dịu vẫn chưa hiểu hết nghĩa, vẫn luôn được Dịu líu lo tập hát theo chúng bạn khi đi mẫu giáo.
HOÀNG THU PHỐ
- Em còn gì để cười nói với anh?
Mê nghe giọng mình vang trên điện thoại, trời đổ mưa, mưa giao mùa, hạt lăn tròn nứt nẻ mùa thu.
TRẦN PHƯƠNG TRÀ
Từ trên võng, tôi chồm dậy nhảy xuống sạp ngay sau những tiếng nổ đầu của loạt bom B52. Tiếng nổ khá gần làm rung chuyển cả những khúc gỗ lát căn hầm chữ A.
NGUYỄN HOÀNG
Trăng sáng huyền diệu, những ngôi sao lấp lánh hòa điệu cùng tiếng sóng thì thầm.
HÀ KHÁNH LINH
Truyện
Tôi kịp đến Campuchia lần đầu khi bộ đội Việt Nam vừa đánh trả bọn Khmer đỏ Polpot tràn qua xâm lược các tỉnh biên giới Tây Nam nước Việt Nam ta giết hại nhiều đồng bào ta, nhất là tại Ba Chúc - An Giang có hơn 3000 người dân bị giết hại!
LÊ HOÀNG NGÂN
Đoàn người lại đứng trên đèo gọi anh, một đoàn người áo tơi lam lũ đang đứng trên đèo gọi anh.
NGÔ HỮU KHOA
Hải quay về. Xe khách có chút ọc ạch nhưng đường rộng, nền bê tông phẳng lỳ lại thẳng tắp nên tốc độ gần như không thay đổi, đều đều gần trăm km/h.
LÊ HOÀNH PHÒ
Tiếng máy điều hòa chạy đều đều. Nơi góc phòng, có một người chăm chú coi lại đề cương thực tập.
DUY NHIÊN
Như vừa lội qua một giấc mơ, giấc mơ chắp nối bao thân phận bên đời. Giấc mơ chập chờn nhớ quên lẫn lộn, Như muốn xóa đi gam màu xám và tô lên niềm hy vọng.
PHẠM XUÂN PHỤNG
Tôi đang dính vào thành xe. Dính, chứ không phải đứng, không phải nằm, không phải ngồi. Phần thắt lưng dính vào mép trên thành xe.
DƯƠNG GIAO LINH
Đêm nay trời có mưa?
Giao ngước mắt nhìn những ngôi sao đang thi nhau lấp lánh trên khoảng trời đen sẫm. Chỉ có góc này Giao mới nhìn được những ngôi sao đêm. Tiếng ai huýt gió vọng vào tai nghe u lạnh. Lại một đêm nữa Giao không ngủ…
VŨ THANH LỊCH
Dim chạy hùng hục để vắt kiệt năng lượng. Không nhìn đường, không đếm xỉa các vật cản. Đến gốc cây thị trước Đền Đá chân vẫn không dừng.
ĐINH PHƯƠNG
1.
Bác tôi về thị trấn sống vào một ngày cuối tháng tư nóng đến sớm, nóng nung người, những con chó ghẻ thè lè lưỡi uể oải nhìn nhau lúc bác đi qua chẳng buồn sủa. Bác đi tự tin, bác biết nơi mình đang đến - như cuộc đời bác vẫn vậy - luôn luôn biết điều mình cần.
NGUYỄN THỊ ẤM
Người ta vẫn tưởng sắc đẹp của đàn bà là vô tội. Đúng là vô tội. Nhưng đẹp quá thì phải xét lại.
BẢO THƯƠNG
Kelvin, con đã về rồi à?
NGUYỄN THỊ DUYÊN SANH
1.
Lên mười tuổi, tôi mới biết bà ngoại không phải là họ hàng. Điều này khiến tôi buồn bã tủi thân đến bỏ cả ăn uống học hành dù đang chuẩn bị thi hết cấp tiểu học.
HOÀNG CÔNG DANH
Ta sẽ không nhìn thấy gì cho đến khi chui ra khỏi nhà ga. Chúng tôi thường nói với nhau như vậy mỗi khi đi tàu điện ngầm. Đấy là chuyện hơn mười năm trước, khi tôi và anh cùng học chung ở thủ đô Minsk của Belarus.
TRIỀU NGUYÊN
Dãy phố cổ nằm hai bên đường Thuận Hòa, nơi bày bán từ cái đinh ốc xe đạp đến những sợi dây chuyền vàng đính ngọc thạch trổ tượng Quan Âm và cả Đức mẹ Maria, treo trên các giá lót nỉ màu hổ phách lóe sáng trong tủ kính, bỗng nhộn lên bởi cái tin từ cửa hiệu cầm đồ Hòa Lợi truyền ra: Mẹ của ông chủ hiệu này đang hấp hối.
NGUYÊN NGUYÊN
Tôi nghe thấy tiếng bước chân của bóng tối, bên thềm cửa. Chút ánh sáng của ngày tàn bị hút tuột xuống cuối đường hầm tăm tối, âm thanh vọng lại nghe khô khốc và buồn bã vô cùng.
TRẦN HUIỀN ÂN
Năm tôi mười tuổi, buổi tối ngày giỗ Dì Sơ, mẹ tôi với nét mặt trang nghiêm mà xúc động nói cho tôi biết Dì Sơ chính là người sinh ra tôi.