PHÙNG PHƯƠNG QUÝ
Cuối buổi họp, “Thừa tướng” còn cho Trưởng ban Văn-Xã lên có đôi lời phát biểu. Thanh than thầm: “Thôi rồi Lượm ơi!”. Thằng lùn này nó nói dai còn hơn trâu đái.
Minh họa: THÁI NGỌC THẢO NGUYÊN
[if gte mso 9]> Bao giờ cũng vậy, cứ họp giao ban hàng tuần, sau ý kiến của “Thừa tướng”, sau ý kiến của cán bộ phóng viên trong tòa soạn, hai Phó Tổng ngồi im, còn hắn bắt đầu “khóa đuôi” với những lời ba hoa xít tốc giáo điều, sặc mùi huynh trưởng. Nhóm bạn thân của Thanh gọi giễu hắn là “thằng lùn trong dinh thừa tướng”. “Thừa tướng” là biệt danh phóng viên trong tòa soạn đặt cho Tổng Biên tập, bởi tính cách ngài giống mấy Thừa tướng trong phim dã sử Tàu, và vì ngài quá sủng ái hắn, nên thằng lùn như một loại hoạn quan thời mới.
Hắn không hề tức giận khi bị Thanh từ chối, vì đang có hai cô trẻ đẹp khác mon men nhờ hắn dạy cho nghề viết báo. Với Thanh, hắn ra điều kiện mới. Lương tập sự của cô có mấy trăm nghìn, muốn có thu nhập thêm thì phải viết để lĩnh nhuận bút. Muốn có nhuận bút cao thì phải đi viết những bài đặt trước. Trưởng ban phân công, nhưng phong bì của cơ sở và tiền nhuận bút thì phải ăn chia 50/50. Việc làm này của thằng lùn sau này Thanh mới biết, không phải riêng cô mà nhiều phóng viên mới vào nghề hoặc cánh CTV muốn cộng tác lâu dài với báo đều phải làm như thế. Tháng nhuận bút sau đó, Thanh vừa bước vào phòng tài vụ, chị thủ quỹ nói: “Nhuận bút của em có Trưởng phòng lĩnh giúp rồi”. Lạ vậy? Thanh bước vào phòng thằng lùn, hắn lạnh lùng đưa cho cô chiếc phong bì: “Nhuận bút tháng này hơi ít. Tháng sau cố gắng lên!”. Thanh cầm chiếc phong bì mỏng lét, ứa nước mắt. Cô muốn ném phong bì vào cái mặt ngắn cũn của hắn. Nhưng lấy gì để duy trì sự sống trong vòng một tháng? Khi đã quen với công việc, Thanh định làm một cuộc “đảo chính” với thằng lùn, tức là không ăn chia nhuận bút với hắn nữa. Việc này được đem ra bàn với Hồng và Tuyết Anh, là hai phóng viên kỳ cựu, bạn thân của Thanh. Chị Hồng phì cười, suýt sặc ngụm nước cam. “Ảo tưởng! Thằng Hòa thân ấy khó diệt lắm em ơi. Hỏi Tuyết Anh thì biết, Thừa tướng coi hắn là cánh tay phải của ngài mà. Nhưng hắn cũng sắp “ngày tàn bạo chúa rồi”. Hãy biết chờ đợi. Bây giờ đụng vào nó là dở đấy”. Tuyết Anh bĩu môi: “Thằng dê già hết hơi rồi. Nghe con bé đang học viết báo kể lại, thằng lùn vừa trèo lên bụng nó đã thở hồng hộc”. Thanh rụt rè: “Các chị có ai dính đòn hắn không?”. “Không! Bọn tao con nhà thần thế cả, không xơi được”. Một lần xuống công tác dưới huyện, Thanh đang lơ ngơ thì gặp anh Hùng CTV của báo. “Em xuống cơ sở hả? Có cần giúp gì không?”. Thấy anh chàng đon đả, Thanh mới nói thật là đang đi tìm ông Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ. “Tay ấy lẩn như chạch, chỉ anh mới biết chỗ thôi”. Xong công việc, ngồi trong quán cà phê, anh Hùng ca cẩm. “Lão lùn tệ với anh quá! Hai tháng nay ném bài vở của anh vào sọt rác hết”. Thanh ngước đôi mắt đen, dò hỏi. “Mẹ khỉ! Tháng nào nó cũng chặt 1/3 tiền nhuận bút. Vừa rồi đòi anh giới thiệu làm quen với con em họ làm bên trường cao đẳng. Không được nên lão thù anh”. Khốn nạn! Thanh buột miệng rủa. “Anh không có việc gì làm tốt hơn là viết báo à?”. Anh Hùng nhăn nhó: “Bên Bảo hiểm xã hội lương anh đủ sống. Nhưng viết báo, nó oai hơn em ạ. Nhiều người nể mình”. Phì! Thanh nhổ ngụm nước ra sau lưng. Đời có giá cả ông ơi. Chủ nhật, thằng lùn điện thoại cho Thanh: “Bài phỏng vấn tay Chủ tịch huyện X, tôi dặn một đằng, cô làm một nẻo là sao? Tới ngay phòng tôi nhá!”. Thanh bực mình. Dặn gì thì dặn, phóng viên có cách làm riêng của họ chứ. Cứ như kịch bản của lão, bài phỏng vấn như là bản thành tích viết sẵn. Cô làm khác đi, nêu ra một số câu hỏi “móc họng”, thêm vài ý kiến liên quan từ người khác. Đành phải bỏ việc đi làm đầu, chạy xe tới tòa soạn. Ngày mai báo ra nên mấy trưởng phòng đều phải làm cả chủ nhật. Thanh vừa gõ cửa, thằng lùn ló bộ mặt đỏ bừng ra, gần như kéo cô vào rồi sập cửa lại. Hắn dịu giọng: “Em viết nặng tay quá! Lần sau xuống huyện ai nó tiếp. Anh đã sửa lại phần cuối rồi”. Hắn nắm tay Thanh, kéo ngồi xuống salon. Thanh chưa kịp phản ứng thì đã bị đè nghiến xuống mặt ghế da. Thằng lùn hổn hển, miệng toàn hơi bia: “Lâu quá không kiểm tra cấp dưới. Nhớ ghê! Con Thảo biên tập nghỉ đẻ, anh tính kéo em về làm thay nó. Sau này chuyển nó về phòng bạn đọc. Được không?”. Thanh thấy tin vui đó hơi bất ngờ. Được về Ban Biên tập, đỡ phải phơi mặt ngoài mưa nắng. Cũng hay. Cô nghĩ như thế cùng lúc bị thằng lùn tốc váy lên. Đang gặp gỡ ông chủ trại nuôi đà điểu, Thanh nhận được điện thoại của thằng lùn. “Về ngay có việc quan trọng”. Ông chủ trại chừng 40 tuổi, người gầy rạc vì tính toán, dúi vào túi cô chiếc phong bì. “Cô không ở lại được, tôi gửi bữa cơm trưa nhé. Mong lần sau gặp lại”. Thằng lùn lồng lộn đi lại trong phòng: “Cô vu cáo tôi ăn chặn nhuận bút của cộng tác viên? Ông Tổng vừa dằn mặt tôi xong. Chứng cớ đâu? Cô muốn bị đuổi việc hả?”. Thanh không nói gì, lặng lẽ lôi chiếc máy ghi âm trong túi ra, bật lên. Lời than phiền của anh Hùng Bảo hiểm rõ mồn một. Cô nhìn thẳng vào cặp mắt lợn hùm hụp của hắn. “Tôi cũng nói thẳng. Tôi buồn nôn mỗi khi nghĩ đến ông. Tôi đã có chỗ làm mới rồi”. Hắn há hốc miệng, ngạc nhiên. Cái miệng ngoác ra thật lâu không ngậm lại được, lộ rõ chiếc răng sâu đen xỉn phía trong hàm dưới. Tuy vậy, phải ba tháng sau cô mới có việc làm mới. Ba tháng ấy là những ngày đen tối nhất trong đời làm báo của Thanh. Thằng lùn cử cô tới những nơi vất vả, xa xôi mà mấy phóng viên nam nói tới còn le lưỡi, rụt đầu. Đã vậy, bài vở về hắn còn “hành, tỏi” cô, năm lần bảy lượt sửa đi viết lại. Lần cuối cùng, không chịu đựng nổi, cô đã chỉ thẳng mặt thằng lùn mà chửi: “Ông là kẻ tiểu nhân!”. Hắn chỉ cười hềnh hệch. “Thì cô mình cũng nhận ối ân huệ của tiểu nhân đó thôi”. Chẳng chờ Thanh làm đơn xin nghỉ. “Thừa tướng” gọi cô lên, trao cho cái quyết định thôi việc, trong đó lý do phải thôi việc là nhận xét của Trưởng phòng Văn-Xã “liên tục không hoàn thành chỉ tiêu tin bài”. Một người bạn cùng khóa rủ Thanh về làm báo mạng. Thế cũng hay. Báo mạng ngắn gọn, cập nhật, tiền nhuận bút tùy theo tài năng của phóng viên. Chỉ cần rút tít cho giật gân, chịu khó đưa chuyện ca sĩ này ảnh nóng, người mẫu kia lộ hàng, quan chức kia có bồ hay chuyện mèo què, chó chết gì cũng được, miễn là có nhiều người đọc. Tòa soạn trả nhuận bút theo số lượng người truy cập vào bài báo. Thanh là người nhạy bén. Cô nắm bắt được ngay yêu cầu của báo, tung hoành trận địa mới bằng khả năng làm báo nhanh của mình. Chỉ hai năm, cô đã đủ tiền thay xe, dành tiền mua được miếng đất ở ngoại thành. Lâu lâu, về tỉnh công tác, cô vẫn hỏi thăm xem “Dinh Thừa tướng” giờ ra sao. Lúc có người bảo nó vẫn thế. Lúc có người bảo đổi khác rồi. “Thừa tướng” về hưu, còn kịp nhấc thằng lùn lên ghế Phó Tổng biên tập. Cô chợt buồn. Tờ báo đến hỏng mất. Người bạn rủ Thanh. “Sắp mùng 2 tháng 9, đi làm cái phóng sự về đặc xá tù nhân không?”. Chủ đề này vừa mới, vừa hay. Cô chuẩn bị cẩn thận máy ghi âm, chụp ảnh, hồi hộp theo anh bạn vào trại giam 173. Những tù nhân sắp được đặc xá, những người được giảm án, đều có chung nét mặt hớn hở thái quá. Những nụ cười cố nín mà không được, cứ nở toe ra. Đang phỏng vấn một nữ tù nhân vừa được giảm án chung thân xuống 20 năm, Thanh chợt nhìn thấy người tù nam đang quét dọn văn phòng trại giam sao quen quá. “Này anh! Người kia ở đâu? Tội gì?” Cô hỏi người quản giáo mang cấp hàm đại úy. Anh chàng quản giáo nghiêm mặt. “Trước kia anh ta cũng làm nghề như chị đấy. Án bốn năm vì tội tống tiền doanh nghiệp”. Thanh giật mình, bàng hoàng. Cô đã nhận ra đầu tóc xoăn và cái trán ngắn ngủn. Dù ở tù nhưng cái bụng như nhện ôm trứng vẫn khệ nệ. Thằng lùn mải mê quét rác một cách chăm chỉ. Hắn chưa nhìn thấy cô. Đại úy quay ra gọi: “Này! Tự giác! Lấy ấm nước vào đây. Cả đĩa thanh long nhá”. Thằng lùn dạ vang, cun cút chạy đi. Thanh thấy nhói trong lòng nỗi thương cảm. Không phải cô nhớ đến những lần ân ái với hắn. Cô chỉ thương hại một kiếp người quá nhiều tham vọng. Một khi tham vọng nhiều quá thì phải có thủ đoạn. Thằng lùn là kẻ tham tiền, nên hắn đã bất chấp mọi thủ đoạn để thỏa mãn. Cô lại nhớ đến những đồng nhuận bút của mình bị ăn chặn ngày nào. Từ tiền nhuận bút còm của đồng nghiệp đến những cọc tiền bất chính kể cũng không xa là mấy. Điểm cuối của tham vọng là đây ư, kẻ từng được sủng ái trong “dinh thừa tướng”? Thanh lấy ra tờ một trăm ngàn đưa cho đồng nghiệp. “Lát nữa cái tay tù tự giác kia ra, anh tranh thủ phỏng vấn nó vài câu, rồi xin phép quản giáo cho hắn mấy đồng mua thuốc. Em ra cổng trước nhé”. “Dừng lại! Điểm số!”. Tiếng hô vang ngoài cổng trại giam. Một toán tù nhân mặc quần áo trắng sọc đen vừa đi lao động về. Họ đứng lại trước sân trại thành hàng lối trước khi về các buồng giam. Những tiếng trầm đục, the thé vang lên. “Một! Hai! Ba!... hai mươi sáu! hai mươi bảy. Thưa cán bộ hết ạ!”. Cái dáng lùn tịt, lật đật của thằng lùn xuất hiện, vừa lúc Thanh quay ra cổng, lén chùi nước mắt. Sau này, nghe anh bạn đồng nghiệp kể lại. Tay Phó Tổng biên tập kia (chỉ thằng lùn) làm ăn cũng khá, nhiều năng lực. Nếu không có vụ xì-căng-đan này, hắn đã lên Tổng Biên tập rồi. Thanh sốt ruột hỏi anh bạn: “Hắn tội gì?”. “Ôi dào! Gạ gẫm ngủ với em vợ. Con bé đang học đại học, ở nhờ nhà chị gái. Lâu ngày bị vợ bắt quả tang”. “Sao nói hắn bị tù vì tội tống tiền cơ mà?”. “Hắn thân bại danh liệt vì vợ đấy. Bà ta bắt phải bồi thường danh dự cho cô em những 300 triệu. Hắn xoay sang làm tiền mấy doanh nghiệp chứ còn sao nữa. Mà sao thế? Hình như em có biết hắn hả”. Thanh cười buồn: “Cũng quen biết sơ sơ anh ạ”. Trại sáng tác Nha Trang 10/2011 P.P.Q (SH275/1-12)
|
HÀ KHÁNH LINH
Giây phút của sự bí ẩn có khi lại bắt đầu bằng cả một cuộc đời được phơi bày trần trụi.
NGUYỄN THU PHƯƠNG
Vào lúc Tình sầu dứt, tiếng vỗ tay đây đó lác đác. Người đàn ông râu tua tủa ngồi ở cái bàn kê dưới gốc cây si rễ lòng thòng cách bàn chúng tôi chừng dăm mét vội vàng đứng dậy, đi nhanh tới khoảng sân nho nhỏ có mái che được quán thiết kế thành sân khấu, nghiêng người trao tặng hoa cho cô ca sĩ với vẻ trân trọng như một fans hâm mộ đích thực.
LÊ THỊ KIM SƠN
Dịu là kẻ không sinh ra trong hòa bình, cái tiếng hòa bình mà Dịu vẫn chưa hiểu hết nghĩa, vẫn luôn được Dịu líu lo tập hát theo chúng bạn khi đi mẫu giáo.
HOÀNG THU PHỐ
- Em còn gì để cười nói với anh?
Mê nghe giọng mình vang trên điện thoại, trời đổ mưa, mưa giao mùa, hạt lăn tròn nứt nẻ mùa thu.
TRẦN PHƯƠNG TRÀ
Từ trên võng, tôi chồm dậy nhảy xuống sạp ngay sau những tiếng nổ đầu của loạt bom B52. Tiếng nổ khá gần làm rung chuyển cả những khúc gỗ lát căn hầm chữ A.
NGUYỄN HOÀNG
Trăng sáng huyền diệu, những ngôi sao lấp lánh hòa điệu cùng tiếng sóng thì thầm.
HÀ KHÁNH LINH
Truyện
Tôi kịp đến Campuchia lần đầu khi bộ đội Việt Nam vừa đánh trả bọn Khmer đỏ Polpot tràn qua xâm lược các tỉnh biên giới Tây Nam nước Việt Nam ta giết hại nhiều đồng bào ta, nhất là tại Ba Chúc - An Giang có hơn 3000 người dân bị giết hại!
LÊ HOÀNG NGÂN
Đoàn người lại đứng trên đèo gọi anh, một đoàn người áo tơi lam lũ đang đứng trên đèo gọi anh.
NGÔ HỮU KHOA
Hải quay về. Xe khách có chút ọc ạch nhưng đường rộng, nền bê tông phẳng lỳ lại thẳng tắp nên tốc độ gần như không thay đổi, đều đều gần trăm km/h.
LÊ HOÀNH PHÒ
Tiếng máy điều hòa chạy đều đều. Nơi góc phòng, có một người chăm chú coi lại đề cương thực tập.
DUY NHIÊN
Như vừa lội qua một giấc mơ, giấc mơ chắp nối bao thân phận bên đời. Giấc mơ chập chờn nhớ quên lẫn lộn, Như muốn xóa đi gam màu xám và tô lên niềm hy vọng.
PHẠM XUÂN PHỤNG
Tôi đang dính vào thành xe. Dính, chứ không phải đứng, không phải nằm, không phải ngồi. Phần thắt lưng dính vào mép trên thành xe.
DƯƠNG GIAO LINH
Đêm nay trời có mưa?
Giao ngước mắt nhìn những ngôi sao đang thi nhau lấp lánh trên khoảng trời đen sẫm. Chỉ có góc này Giao mới nhìn được những ngôi sao đêm. Tiếng ai huýt gió vọng vào tai nghe u lạnh. Lại một đêm nữa Giao không ngủ…
VŨ THANH LỊCH
Dim chạy hùng hục để vắt kiệt năng lượng. Không nhìn đường, không đếm xỉa các vật cản. Đến gốc cây thị trước Đền Đá chân vẫn không dừng.
ĐINH PHƯƠNG
1.
Bác tôi về thị trấn sống vào một ngày cuối tháng tư nóng đến sớm, nóng nung người, những con chó ghẻ thè lè lưỡi uể oải nhìn nhau lúc bác đi qua chẳng buồn sủa. Bác đi tự tin, bác biết nơi mình đang đến - như cuộc đời bác vẫn vậy - luôn luôn biết điều mình cần.
NGUYỄN THỊ ẤM
Người ta vẫn tưởng sắc đẹp của đàn bà là vô tội. Đúng là vô tội. Nhưng đẹp quá thì phải xét lại.
BẢO THƯƠNG
Kelvin, con đã về rồi à?
NGUYỄN THỊ DUYÊN SANH
1.
Lên mười tuổi, tôi mới biết bà ngoại không phải là họ hàng. Điều này khiến tôi buồn bã tủi thân đến bỏ cả ăn uống học hành dù đang chuẩn bị thi hết cấp tiểu học.
HOÀNG CÔNG DANH
Ta sẽ không nhìn thấy gì cho đến khi chui ra khỏi nhà ga. Chúng tôi thường nói với nhau như vậy mỗi khi đi tàu điện ngầm. Đấy là chuyện hơn mười năm trước, khi tôi và anh cùng học chung ở thủ đô Minsk của Belarus.
TRIỀU NGUYÊN
Dãy phố cổ nằm hai bên đường Thuận Hòa, nơi bày bán từ cái đinh ốc xe đạp đến những sợi dây chuyền vàng đính ngọc thạch trổ tượng Quan Âm và cả Đức mẹ Maria, treo trên các giá lót nỉ màu hổ phách lóe sáng trong tủ kính, bỗng nhộn lên bởi cái tin từ cửa hiệu cầm đồ Hòa Lợi truyền ra: Mẹ của ông chủ hiệu này đang hấp hối.