Tảo mộ

16:01 14/01/2010
DƯƠNG DUY NGỮỞ làng chúng tôi có lệ vào ngày ông Táo chầu trời, tức hăm ba tháng chạp hàng năm, con cháu các dòng họ ở xa, ở gần nô nức về làng đi tảo mộ.

Minh họa: Ngô Lan Hương

Phải nói, ngày ông Táo chầu trời còn đông vui hơn cả hội làng. Dòng họ này, gặp dòng họ kia ở ngoài đồng và vui vẻ có chung một là chào: Các ông, các bác… đi mời các cụ về ăn Tết. Mỗi dòng họ thường có 3, 4 thế hệ cùng đi. Đến mỗi ngôi mộ, người già lại kể cho lớp trẻ, kể không biết bao nhiêu lần rằng tên cụ là gì. Sinh thời cụ sống ra sao? Cụ yêu ghét gì…

Phần mộ các cụ nhà tôi để rải rác khắp các cánh đồng, cho nên năm nào cũng vậy, chúng tôi theo cha vào bãi Thổ Cải trước tiên. Thổ Cải nghĩa là đất trồng rau cải. Ở đó có sinh phần cụ Lộc là em trai ruột cụ nội chúng tôi. Về mùa đông tháng giá, cánh bãi màu mỡ phù sa này vẫn giữ được độ ẩm. Cho nên dân làng tôi trồng toàn rau cải. Giáp Tết, cải giống trổ hoa vàng rực như một tấm thảm rộng bát ngát từ chân đê đến tận bờ con sông Đáy. Tôi chưa được ăn nhiều loại cải trong thiên hạ. Nhưng cải lá dày, xoăn như mào gà ở quê tôi ngon lắm, nấu canh, làm dưa ăn rất dòn, rất thơm. Trong nhân gian vẫn truyền tụng câu, cải làng Gồ, ngô làng Đuống, muống Sen Chiểu… Đó là những thứ ngon nổi tiếng trong vùng đã được chọn tiến vua.

Với lũ trẻ chúng tôi, thích nhất là được tung tăng chui vào ruộng cải bắt bướm. Những đàn bướm vàng, bướm trắng, bướm đen, bướm tím nhiều vô kể. Bàn chân trần chúng tôi, dẫm trên tầng tầng, lớp lớp cánh hoa cải rụng, êm không tả nổi.

Ngôi mộ cụ Lộc, so với các ngôi mộ bên cạnh rất nhỏ bé, khiêm nhường, đường kính độ 80 phân, cỏ dày, mọc xanh tốt, xum xuê. Chúng tôi dẫy bỏ một vầng cỏ nhỏ bằng cái nắp ấm ủ giữa đỉnh mộ, rồi lấy đất xốp ở dưới ruộng đắp lên đập thật nhỏ. Đoạn cắm vào đó 3 nén hương. Cho đến bây giờ, khi viết những dòng này, tôi vẫn không hiểu tại sao phải dẫy cỏ, thay đất mới vào? Tại sao không dẫy hết phần mộ mà chỉ dẫy một tí bằng nắp ấm ủ thôi. Cha tôi vốn thông kinh, bác sử, cũng không cắt nghĩa được. Cha bảo, thấy người trước làm, mình cũng làm theo. Có lẽ việc dẫy cỏ, cắm hương như vậy chỉ là để báo với bàn dân thiên hạ rằng, ngôi mộ đây vẫn còn người thừa tự.

Cha kể: sinh thời cụ Lộc chúng tôi cốt cách lắm. Năm lên hai tuổi, chứng đậu mùa tai ác đã cướp mất đôi cửa sổ tâm hồn của cụ. Cụ ở vậy suốt đời nuôi dạy các cháu nên người. Cụ nội chúng tôi mất sớm. Cụ Lộc thay anh làm trụ cột gia đình. Cụ thông minh lắm. Ngày xưa, học chữ nho phải đọc rõ to như cuốc kêu. Hàng ngày, nghe các cháu học mà cụ thuộc làu sách Luận ngữ, Kinh thi…

Khi về già, cụ Lộc không ở hẳn với cháu nào. Các cháu đều có bổn phận thay nhau nuôi dưỡng, chăm sóc cụ. Mỗi lượt chợ, năm ngày, một cháu dâu dâng cơm thường nhật và gánh nước tắm, giặt quần áo cho cụ. Cơm canh dù khê sống, mặn nhạt, cụ không chê bai, mè nheo. Nhưng bát đũa còn nhớt, quần áo giặt dối là cụ cho gọi cháu trai tới. Cụ nói ngọt như mía lùi:

- Thầy cháu xem, đứa nào giặt cho chú bộ quần áo này đã sạch chưa?

- Thưa chú còn cứng lắm ạ.

- Vậy thầy cháu về nhắc đứa nào giặt cho chú thì giặt cho kỹ nhé.

Nhưng đến lần thứ ba mà bát đũa còn nhớt, quần áo chưa sạch là cụ gọi cháu trai tới và túm tóc tát cho mấy cái vì tội không biết dạy vợ con…

Cụ nội chúng tôi có ba người con trai được đặt tên theo các vì sao trong sách Quan lịch: Khuê, Đẩu, Thất. Ông nội tôi là em út. Ông không ham hố làm quan chức địa phương. Còn hai anh ruột ông tôi thì thay nhau làm lý trưởng, chánh tổng bốn mươi chín năm liền. Một đêm ông nội tôi đánh bạc. Có người mật báo với cụ Lộc. Cụ sai tuần phiên ra trói tất cả con bạc lại nhốt vào tàu ngựa. Đợi hôm sau xét xử. Ông nội tôi ỷ thế có anh làm chánh tổng, giọng hách dịch, kẻ cả, chúng bay có biết tao là ai không? Đám tuần phiên sợ khiếp vía, cúi rạp người thưa, “bẩm ông chúng con có biết ạ”. Ông nội tôi hất hàm bảo, biết thì cút…

Được tuần phiên báo lại, cụ Lộc im lịm người. Một lát sau cụ sai dắt cụ ra. Khi đám tuần phiên bước tới chiếu bạc lăm le thi hành phận sự, ông nội tôi quắc mắt, chúng bay đã biết tao là ai chưa? Trong lúc đám phiên cúm rúm thì cụ Lộc đã lần ra đứng ở trước cửa, thưa rất khoan thai, bẩm các thầy, lão có biết các thầy là những ai ạ. Cả chiếu bạc sợ xanh mắt, bỏ bài, cúi rạp, chúng con lạy cụ ạ. Bấy giờ, cụ Lộc mới lạnh lùng sai trói hết lại nhốt vào tàu ngựa, không trừ một đứa nào.

Có người mật báo với ông Cả Khuê, ông Hai Đẩu rằng ông Ba Thất đánh bạc đang bị giam trong tàu ngựa. Ông Cả Khuê, đang làm nghị sĩ Bắc kỳ, còn ông Hai Đẩu, chánh tổng đương thời. Hai ông lo lắm. Em một nghị sĩ, chánh tổng đánh bạc bị nhốt còn ra thể thống gì. Hai ông bàn đi tính lại rồi quyết định đánh tháo cho ông nội tôi.

Cụ Lộc biết hết. Nhưng cụ tảng như chẳng biết chuyện gì. Cuối giờ Dần hôm sau, người làng đang rậm rịch đi làm đồng, cụ Lộc vờ hỏi tuần phiên: “Còn thằng Ba Thất đâu? Chúng bay canh giữ thế nào?” Tuần phiên sợ quá phải khai thực, đêm qua, hai ông lớn đã sai thả ông Ba Thất. Cụ Lộc chúng tôi nổi giận sai các cháu thúc bá trói ba người cháu ruột của mình mang ra giữa sân đình. Cả làng thấy anh em ruột ông Nghị bị trói nằm úp mặt xuống sân đình, kéo đi xem, đứng vòng trong vòng ngoài chật ních. Cụ Lộc cầm cái roi mây quấn ba sợi chập một, dõng dạc nói với dân làng: “Đây là việc riêng của hà chúng tôi. Đáng lẽ tôi chỉ răn dạy các cháu ở nhà. Nhưng vì có liên quan đến luật làng, phép nước nên tôi buộc lòng phải đem các cháu ra đình làng dạy dỗ để dân làng thấy chúng tôi không chở che, không dung túng những đứa làm càn. Mong được bà con thông cảm, đại xá cho!”

“Trước hết là Ba Thất phạm tội đánh bài, phiên tuần nhắc nhở, vẫn ỷ thế làm càn, phải đánh sáu roi. Theo kinh Dịch sáu là số âm lớn. Lớn thì phải biến, nếu cháu không chịu tu thân thì số sáu biến thành trăm roi”.

Dứt lời, cụ Lộc khoan thai đánh ông tôi đủ sáu roi thật ra trò. Ông tôi đau đớn, oằn người van lạy, hứa không bao giờ dám tái phạm nữa.

Cụ Lộc ung dung nói tiếp: “Bây giờ đến Hai Đẩu, cậy chức cậy quyền đánh tháo cho em ruột là tội phạm phải đánh ba roi!”

Đánh xong ông Hai Đẩu, cụ phải ngồi thở một lúc lâu để lấy sức.

“Sau cùng là Cả Khuê, cụ Lộc nói, là anh cả trong nhà, quyền huynh thế phụ, đã không răn bảo, ngăn cản được việc làm sai của các em lại còn cậy chức cậy quyền đồng lõa với chánh tổng sở tại tha bổng cho tội phạm mà không có xét xử, phải đánh mười roi, nhưng mới ốm dậy nên chỉ đánh năm roi”.

Cụ Lộc đánh xong, ông Khuê đau quá không chịu nổi, ngất đi, cấp cứu một lát sau mới tỉnh.


Mãi đến bây giờ, ở thời kỳ đổi mới, trong các đám hiếu, đám hỷ người làng chúng tôi vẫn truyền tụng chuyện này. Ngót năm mươi năm ông Khuê và ông Đẩu chúng tôi thay nhau làm chức sắc, trong làng không hề có một vụ trộm cắp, cờ bạc nào. Cha tôi kể, về ngày mùa, cụ Lộc thường ngồi chơi ở cổng làng. Cụ thuộc tiếng từng người. Bà con đi làm đồng, chào cụ, cụ hỏi, bố cháu, mẹ cháu đấy ư? Có mang theo cái giỏ nào không? Người đi bừa thưa, quên. Cụ bảo để bừa, để bò đấy ông trông cho. Bố cháu chịu khó quay về lấy cái giỏ. Được con cua con ốc, con cá bỏ vào. Được nhiều thì nấu cho con cái nó ăn, được ít thì cho con lợn, con gà. Của trời cho đấy bố cháu ạ. Chớ bỏ phí mà phải tội. Nhiều năm cụ Lộc nhắc nhở như thế nên thành thói quen. Bây giờ, người làng chúng tôi, từ người lớn đến trẻ chăn trâu hễ đi ra đồng ra bãi đều đeo theo cái giỏ.

Vẫn theo lời cha tôi, ba mươi Tết năm nào, cụ cũng sai con cháu dắt đến thăm những người nghèo. Nhà nào không có tết, cụ bảo người nhà mang bánh chưng tới cho họ. Có năm cụ chia đến chiều thì hết sạch bánh của nhà.

Cha tôi bảo, một lần, ông Cả Khuê gặp cụ Tư Vôi đi đánh dậm về, quên không chào cụ. Cụ Tư Vôi nghèo xơ xác, quanh năm chỉ đóng khố, không biết ai mách đến tai cụ Lộc. Cụ cho mời ông Cả Khuê tới căn vặn tại sao gặp cụ Tư Vôi không hỏi. Ông Cả Khuê thưa, con không để ý. Cụ Lộc bảo dân như nước. Bàu bán các cháu cũng là dân, gạt bỏ các cháu cũng là dân. Người ta không chào cụ Tư Vôi chả sao. Chứ cháu không chào, ông cụ dễ tủi thân. Lần sau gặp lại ông cụ, cháu nhớ hỏi rõ thật to…

Khi chép lại chuyện này, tôi đã bước sang tuổi “ngũ thập tri thiên mệnh”. Cha tôi đã ở tuổi thượng thọ, tuy vậy, cha vẫn còn minh mẫn, dẻo chân, dẻo tay lắm. Hăm ba tháng chạp hàng năm cha vẫn dẫn đám con cháu đi tảo mộ. Năm nay, cha tôi kể thêm một chi tiết nhỏ về cụ Lộc mà cha chưa hề kể bao giờ. Chúng tôi đứng hàng ngang, thắp hương, vái cụ. Cha tôi thì thầm:

- Sinh thời cụ rất thích ăn quả trám luộc chấm với muối vừng. Còn cái roi mây cụ dùng răn dạy con cháu, thầy vẫn cất kỹ. Đã đến lúc trao lại cho các con…

Tôi tiện thể thưa:

- Chúng con muốn sang giêng, ngày rộng tháng dài, sẽ xây hết những phần mộ của nhà ta, ý thầy như thế nào ạ?

Cha tôi bảo:

- Khi về già, cụ Lộc dặn rằng, các sinh phần nhà mình không được xây cất gì. Trước là để phần mộ các cụ hòa nhập với thiên nhiên, với ruộng đồng. Sau là để các con, các cháu thường xuyên thăm nom. Cụ bảo, ở xa cụ không biết, chứ ở làng ta, bao nhiêu người cậy của, xây sinh phần ông, cha mẹ thật to, để khoe với thiên hạ.

Vẫn bám riết ý định xây mộ, tôi thưa:

- Thời buổi khoán rộng, tấc đất, tấc vàng, người ta cuốc góc, phạt bờ dữ lắm. Chúng con sợ không xây thì không giữ được phần mộ.

Cha tôi bảo:

- Hãy biết thế.

Một làn gió bắc đột ngột thổi tới đưa những cánh hoa cải vàng mỏng manh lác đác rắc lên phần mộ cụ Lộc chúng tôi.

D.D.N.
(119/01-99)



 

Đánh giá của bạn về bài viết:
0 đã tặng
0
0
0
Bình luận (0)
Tin nổi bật
  • TRẦN CHINH VŨTầu về đến ga vào lúc ba giờ sáng. Anh như người chợt tỉnh sau một giấc ngủ chập chờn. Suốt ba mươi tiếng đồng hồ ngồi ròng rã trên tàu, trong một khoảng không gian dài hẹp, cùng với mọi tiếng động ầm ĩ.

  • NGUYỄN NGỌC PHÚKhông ai biết tung tích lão Ngư. Nghe đồn rằng: một sớm nọ, ông bõ già của nhà thờ xứ làng vạn chài ra mở cửa thì nghe tiếng trẻ con khóc oa oa từ chiếc thúng đặt ở bậc tam cấp lên xuống của nhà thờ.

  • NGUYỄN SANSinh cố kiềm chế tối đa để khỏi phải văng tục trước thái độ đầy xấc láo, ngạo mạn của ông Đi.

  • NGUYỄN THANH HIỆNNgày nay, mỗi lần nhắc đến hát bội, dân làng Lâm Thượng lại nhớ chuyện ông hương cống Duật, người soạn tuồng Cuộc hội quân ở bến Mạnh Tân, nổi tiếng một thời.

  • NHƯ BÌNHCây gạo cụt đầu làng chết câm bao năm. Thân cổ thụ xù xì hóa đá đứng lù lù trước cổng làng, lặng lẽ không đếm xỉa đến thời gian. Mùa xuân năm đó bỗng dưng bật trồi lên ba cái nhánh. Ba nhánh gạo đâm tõe lên trời rùng mình thản nhiên xòe ra những chấm lá xanh.

  • HOÀNG THÁI SƠNTổng Giám đốc Liên hiệp Xí nghiệp cao su Nam Mê Công xiết chặt tay Long:- Hẳn anh không ngờ có cuộc hội ngộ này?

  • KIM NHẤTĐám ma bà Gái thật là buồn! Ngoài một số bà con trong xóm nghèo cùng mấy đứa nhóc lượm nhôm nhựa với bà thì chẳng có ai là họ hàng thân thích.

  • NGUYỄN QUỐC ANHNgày ngày cuốc đất, gánh phân, cào cỏ. Ngày ngày đã diễn ra như thế, đơn điệu và buồn tẻ. Buổi tối, những đồi chè từ màu xanh chuyển sang màu xanh thẩm, những đêm đông thì đen đặc mông lung, vô tận.

  • HỒNG NHU1.Ngài thủy tổ khai canh dòng họ Âu ở Tường Niêm xuất thân là một người lính trong đạo quân Trung Nghĩa của Chúa Nguyễn Hoàng khi Chúa vào trấn thủ Thuận Quảng.

  • NGUYỄN VIỆT HÀCô đến và vẫn như mọi khi, anh đang vẽ. Trời xam xám mầu của gió mùa Đông Bắc những đợt vớt vát cuối.

  • PHAN VĂN LỢINhững ngày cuối năm 1970. Hướng chiến dịch của mùa khô mới đã được xác định. Địch sẽ huy động một lực lượng lớn các đơn vị quân chủ lực tinh nhuệ phối hợp với quân ngụy Lào, có sự chi viện tối đa hỏa lực pháo binh và không quân Mỹ để tiến hành một cuộc hành quân quy mô dọc đường Chín nhằm cắt đứt hành lang vận chuyển chiến lược của ta, sau đó sẽ nống ra đánh phá đường giao thông và các kho tàng hậu cần của tuyến đường Trường Sơn vùng Trung - Nam Lào.

  • THẠCH QUỲ1.Ở góc đường phố Lê Ngọa Triều có một quán rượu nép dưới bóng cây ngô đồng xum xuê như chiếc lọng xanh. Bên cạnh quán rượu là dãy hàng hoa. Hoa hồng, hoa cúc, hoa mi-mô-da cắm đầy trong các xô nhựa.

  • NGUYỄN NGỌC LỢIBóng chiều phủ xuống núi rừng một màu xám ảo mờ. Đã hết một ngày quần quật của đám phu đãi vàng. Lúc này trên xà lan đang diễn ra bữa cơm chiều. Đám phu ngồi bệt trên mảnh sàn nhớp nhúa, bưởng trưởng cách đó một đoạn có mâm có chiếu.

  • LÝ BIÊN CƯƠNGNgười đàn bà ấy sợ bóng tối, sợ đêm về.

  • NGUYỄN THIÊN VIỆTSau khi tốt ngiệp khoa Văn trường Đại học Tổng hợp Hà nội, tôi được phân làm biên tập viên của một tờ báo địa phương. Thế rồi khát vọng bay nhẩy và mong muốn kiếm ít vốn đã đưa tôi sang Liên Xô hợp tác lao động.

  • NGUYÊN QUÂNTheo chân những con người một thời bỏ chạy mất dép, giờ lũ lượt quay trở về với nhãn mác sang trọng Việt Kiều yêu nước và cùng lúc với sự khai mở cánh cửa hướng ra bên ngoài của nền kinh tế vốn rất cạn kiệt, trì trệ sau cuộc chiến tranh dai dẳng.

  • TÔN NỮ THANH TỊNHAnh nhìn đầu tiên của cô gái làm tôi xao xuyến. Đôi mắt long lanh, trên khuôn mặt trái xoan điểm nụ cười duyên, mái tóc đen mượt phủ ngang vai. Dáng nhẹ nhàng, thanh thoát trông như một nhành lan.

  • NGUYỄN HOÀNG ĐỨCA, không biết có phải cậu ta không, trông oách quá. Chợt cái thân hình mập ú xúng xính trong chiếc Veston ngoại lượn xoáy một vòng rất kiểu cách trên đôi giày bóng như quang dầu nơi khúc quặt góc hồ.

  • NGUYỄN CẨM HƯƠNGBỏ dép, tôi thả bộ trên cát ướt. Bàn chân chạm lên những xác cua còng, vỏ sò... có hơi kến một chút nhưng tôi được tiếp nhận sức sống dồi dào từ lòng đại dương thấm vào da thịt. Lâu lắm tôi mới lại đi trên bãi biển như thế này và hơn thế lại với một người đàn ông.

  • NGUYÊN QUÂNGã vẫn lầm bầm, cái điệu nói nuốt âm trong cổ họng càng làm tôi điên tiết. "Mẹ kiếp! đồ cơ hội!". Tôi chợt khoái trá, dù tôi biết chắc chắn rằng cái khoái trá ấy chẳng lọt đến đôi tai vểnh ngược rất khó ưa của gã nhà đò.