NGUYỄN NGỌC LỢI
Đầm sen ấy có từ bao giờ, bà không thể biết. Nhưng bà biết đích xác ngày nó tàn, tận mắt chứng kiến cả một đầm nước loi thoi tàn úa những cọng, những tán lá mốc xỉn màu rỉ sắt đổ gục, mặt nước hồ bàng bạc những cuống lá buồn thảm. Và cái đầm sen ấy đã được kết thúc bằng những chuyến xe nối đuôi nhau ào ào trút đất.
Minh họa: NGÔ LAN HƯƠNG
Đời làm dâu của bà gắn chặt với những năm cuối của đầm sen.
Nếp nhà nhỏ mái ngói tường rêu nép góc vườn có đủ loại hoa màu và mấy gốc mơ gốc mận. Cây nhãn già cỗi, thân cành gân guốc lơ thơ, gốc rễ xoắn bện trồi trên mặt đất bên hồi phía bắc. Căn bếp nhỏ nằm ở bên phải vuông góc ôm lấy khoảng sân gạch loi thoi cỏ gấu chen trong những kẽ nứt. Sau lưng ngôi nhà, xa xa núi lờ mờ một dãy dài. Và bên phải, không xa lắm là một dãy núi ngắn có đỉnh nhô hẳn lên, dân trong vùng gọi là dãy “Con Gà”. Mỏ “con gà” chĩa về hướng đông, đứng thật xa vẫn nhìn rõ. Và trước nhà, con đường mòn ven bãi qua bãi cỏ, qua những ruộng khoai, ruộng đỗ là đầm sen mênh mông, bát ngát những sen trắng sen hồng mỗi khi hè về, gió đông mang hương sực nức cả một vùng…
Người con cả sống ở Hà Nội. Nhà chỉ có hai mẹ con, bà cụ xấp xỉ bảy mươi gầy guộc phúc hậu từ ánh nhìn điệu cười và những lời bảo ban ý nhị. Người con trai tầm thước rắn rỏi thừa hưởng từ mẹ lời ăn tiếng nói và giàu tình thương người.
*
Ngày đầu theo anh từ đầm sen về, đặt chân vào khoảng sân gạch ấm sực hơi người cô đã thoáng giật mình. Mẹ anh thả gánh, lột khăn run run đưa cả hai bàn tay gầy guộc nắm lấy tay cô, miệng thốt lên tiếng kêu nho nhỏ:
- Con.
Niềm thân thương đột ngột dâng ngợp hồn cô, báo cho cô biết mảnh đất này chính là nơi trú ngụ của đời mình.
Đôi vợ chồng trẻ sống với mẹ già.
Trời cao mây trắng.
Xóm làng tre pheo, những mái tranh mái ngói có khói lam vờn quanh mỗi trưa chiều, có tiếng gà gáy sáng, có tiếng trâu lịch kịch ra đồng và tiếng ê a học bài của lũ trẻ đêm đêm. Cuộc sống êm đềm trong tiếng gõ mõ, tiếng đọc kinh Phật sáng chiều phát ra từ ngôi chùa nhỏ dưới gốc đa rìa làng cạnh con đường ra đầm sen. Đầm sen ngát hương mùa hạ. Mùa sen, đôi vợ chồng trẻ ra đầm sớm hái sen về cho bà mang bán. Buổi tinh mơ mát lạnh. Những tàu lá đọng những hạt long lanh. Trước mũi con thuyền nhỏ cô xoay lưng nhìn anh đầu trần, áo xắn, tay chân rắn rỏi, ánh mắt ngời sáng phía đuôi, chống sào đưa con thuyền nhỏ len lỏi giữa những tầng hoa lá.
Đầm sen cho vợ chồng cô với người mẹ già nguồn thu nhập nhỏ đủ mua con cá, mớ trầu. Điều thích thú hơn với cô là trong tình vợ chồng tươi trẻ với mẹ già phúc hậu, ngày ngày cô được lướt đi trong khung cảnh trong lành giữa đồng hoa. Nơi mà tiếng cười của cô lan xa đến mênh mang, nơi chỉ có hương thơm và nước mát trong lành. Khuôn mặt cô ngời sáng theo mỗi cánh sen bung. Sen đầu mùa, những búp hồng búp trắng mập mạp, những bó sen với những cọng dài xếp dọc con thuyền. Sen nở rộ hái không xuể. Những bông tàn để già lấy hạt. Cuối mùa những gương to như bát múc canh, xanh mốc với những hạt to như đầu ngón tay. Những gương già chưa kịp lấy, hạt già rơi rụng để lại lỗ chỗ những lỗ nhỏ trên tán gương tròn. Chẳng của riêng ai, đầm sen là nguồn thu nhập của mọi người, dù không đáng kể nhưng trời cao đất rộng, người người được hưởng hương hoa.
Những buổi cùng anh ra đầm hái sen là những buổi cô như sống trong mơ, hồn lãng đãng trong sương trong gió. Từ đầm về, quang gánh, gấu quần đẫm sương, cô gánh những bó búp sen đi trước, anh thong thả đi sau. Đầu ngõ đã có bà đứng đó. Cô cất tiếng chào được bà đáp lại bằng nụ cười hiền dịu. Bà chờ hai đứa về ăn sáng để mỗi người một việc. Cô và anh ngồi chõng ăn khoai, bà kê ghế ngồi cạnh kéo gấu quần hai người nhặt cỏ may, vừa nhặt vừa cười hồn hậu. Ăn xong cô ra đồng tham gia công điểm hợp tác, anh đạp xe lên trường. Bà gánh hoa ra chợ như thường lệ. Gánh sen mấy chục bó nhẹ tênh trên vai bà thong thả bước đi mang theo những lời chào, những nụ cười thân thiện suốt dọc đoạn đường mà đêm khuya và sáng sớm có tiếng chuông tiếng mõ, tiếng tụng kinh trầm ấm.
*
Chiếc xe nhỏ bốn chỗ màu đen dừng bánh nép sát lề đường. Cửa mở, người đàn bà còn trẻ giày cao gót, váy chùng cầm túi xách bước xuống, tiếp đến là hai bà cháu. Cháu gái độ mười một, mười hai, quần bò mài, áo thun trắng lanh chanh túm tay bà. Chú lái quay ra sau mở cốp lấy xuống cái làn đựng hoa quả cùng mấy bó hương và hàng mã... Họ là mẹ con, bà cháu. Nép lề đường, mẹ xách làn hương vàng đi sau, cháu níu vai bà đi trước. Họ như lạc giữa khu nhà, những biệt thự, nhà vườn.
- Thế đầm sen hồi đó là chỗ nào hả bà? Cháu tưởng về sẽ được ngồi thuyền ra đầm hái sen chứ.
- Còn đâu đầm nữa cháu, đầm bị lấp lâu rồi, lấp rồi mới có nhà cửa đẹp thế này chứ.
Họ ngập ngừng trước một vườn hoa lớn…
- Chỗ này, chỗ này… Hình như là ngõ nhà mình ngày xưa.
Người bà đang nhớ lại những lần mẹ chồng đứng chờ sen về. Vẻ mặt cháu ngơ ngác. Người mẹ bình thản ngắm khóm hồng. Chị góp lời với mẹ:
- Con cũng chẳng nhớ nữa. Lúc con ra Hà Nội làng mình cũng đã nhiều dịch chuyển.
- Mày thì còn nhớ được gì, suốt ngày học, rồi bạn bè, có để tâm đến cái gì…
- Thì cái tuổi nó vậy mà mẹ… Nhưng con vẫn nhớ đầm sen, nhớ rõ ràng, nhớ những bó sen cụ gánh đi bán, những sen trắng, sen hồng…
- Cụ nhẹ và mát tính lắm. Bó chục búp chỉ mấy hào, thoáng cái, non trưa cụ về.
- Cụ có mua quà gì cho bà không hở bà? Con bé túm tay bà lanh chanh hỏi. Cụ có mua bim bim, cốm cho bà không?
- Hồi đó chưa có bim bim mà chỉ có na có chuối có nhãn và kẹo vừng kẹo mật thôi. Cây nhãn nhà hồi đó quả to, cùi dày và mọng nước lắm, ngọt như đường phèn.
- Thế nhãn có hái bán không hả bà?
- Nhãn không bán mà chỉ dành ăn và để cụ làm quà cho trẻ làng. Cụ thường mua cho bà bánh lá, bánh đúc.
- Bánh đúc là bánh gì? Thế mẹ cháu được cụ mua quà gì? Quà gì hả mẹ. - Con bé quay lại nắm tay mẹ lắc lắc.
- Để hôm nào gặp bà sẽ mua cháu ăn cho biết. - Bà cầm tay đứa bé âu yếm nói. Bà nói với cháu mà như nói với mình.
Đầm sen bát ngát trải rộng dưới bầu trời. Những cơn mưa rào mùa hạ đầm nước dâng vằm vặp. Những tầng lá xanh đẫm, những lá sen mở rộng hứng sương. Những búp sen mới nhú nhỏ nhoi, những búp sen mập mạp nhô cao, và những bông đã nở cánh hồng cánh trắng. Nhụy hoa vàng rưng rức tung phấn tỏa hương. Sáng sáng có anh con trai một mình chèo thuyền len lỏi trong những khóm lá khóm hoa. Mùa hè về sen đua nhau mọc chen chúc, những cọng lá xanh mốc, những tán tròn xanh thẫm cao thấp. Và những búp hoa hình quả tim màu hồng màu trắng. Đầm mênh mang rộng, nước trong văn vắt in bóng mây trời, con thuyền nhỏ len lỏi lướt theo tay sào chống. Người chống thuyền đi hái sen lấy lá úp đầu tránh nắng, miệng cười tươi sáng lóa dưới vòm xanh. Đám nữ sinh áo trắng từ thị trấn về sà xuống như đàn bướm tỏa rộng bên cây gạo. Đầu hè, cây gạo già sót lại đôi bông như những đốm lửa giữa trời, những bông gạo hiếm hoi còn lại trên những cành xương xẩu bắt đầu chồi lá xanh mươn mướt, quanh gốc là một thảm hoa. Những bông hoa gạo mới rụng cánh dày đỏ thắm xen giữa những bông rụng trước héo quắp nằm rải rác chỗ dày chỗ thưa trên cỏ. Xe đạp cái dựng cái thả, tất cả ùa cả xuống cạnh đầm cười nói râm ran. Các cô vén áo xắn quần khỏa chân khỏa tay xuống làn nước thủy tinh văn vắt. Mặt nước lấp loáng những khuôn mặt hồn nhiên hồng trắng tươi xinh, những miệng cười với những hàm răng trắng lóa…
Con thuyền nhỏ với người con trai từ trong đám lá nhô ra, khuôn mặt rắn rỏi, đôi mày lưỡi mác chênh chênh trên vầng trán thông minh và cặp mắt sáng trong. Đám nữ sinh giật mình, một thoáng sững sờ rồi tất cả reo lên. Anh ơi, anh gì ơi. Một khung cảnh liêu trai dưới trời xanh mây trắng. Thế rồi như bừng tỉnh, các cô mạnh dạn cất lời. Anh ơi, anh gì ơi, hái cho em một bông nào. Bông kia, bông kia kìa. Cả em nữa, cả em nữa. Anh luống cuống, mặt đỏ nhừ lách thuyền tìm hái những nụ hoa ném cho hết cô nọ sang cô kia. Đứng một mình lặng lẽ nhìn anh, rồi cuối cùng cô cũng được anh ghé đến trao vào tay một búp sen trắng. Bàn tay với những ngón trắng thon chạm bàn tay dày ấm của người con trai. Một thoáng run rẩy trong lòng thiếu nữ.
Mùa sen kéo dài ra hết cả mùa hè. Lác đác đôi ba tốp vẫn hẹn nhau ra đầm sen để được anh hái cho những gương sen chứa hạt chắc màu ngọc. Những hạt sen có vị ngọt thanh dưới những cặp môi chúm chím hồng tươi. Mùa tàn sen năm đó, hết phổ thông, có một người bỏ thi đại học, về làm vợ chàng trai hái sen. Cô nữ sinh ngày nào lúc bấy giờ đã có anh, có mẹ và cả đầm sen. Ngược lại, mẹ con chàng trai cùng với đầm sen cũng đã giữ chân cô gái xinh nhất trong đám nữ sinh kia.
Một thoáng nóng bừng trên gò má bà.
Ba mẹ con bà cháu tha thẩn dọc đoạn phố sang trọng, nào Spa nào nhà hàng, nào shop quần áo… Những tường rào những biệt thự nhiều hoa nhiều lá, những cây mới trồng chưa kịp khép tán. Bên trong hàng rào thấp thoáng những váy áo, xe cộ và các giọng nói khác nhau. Chủ nhà toàn người mới đến chưa kịp biết tên hàng xóm.
Bà níu tay đứa cháu gái đứng nép vào góc tường nhường đường cho chiếc xe bóng loáng chuẩn bị vào chỗ rẽ. Chiếc xe đã đi qua, bà đưa tay chỉ ngôi nhà ba tầng xa xa bên trái nói với người con gái:
- Gốc gạo ấy ngay chỗ đó, con nhớ không? Và hình như sau lưng là… Bà quay lại ngước nhìn lên chóp “mồng gà”. Đỉnh “mồng gà” trên dãy núi bên phải, ngày mới về làm dâu bước ra cửa ánh mắt đã chạm nó. Đỉnh “mồng gà” vẫn còn kia, nó đã là vật chuẩn tự nhiên để lúc này, dù cảnh vật đã đổi thay thì bà vẫn nhận ra chốn cũ.
Ngày đó về làm dâu, bàn thờ gian giữa có tấm ảnh lồng khung, một người đội mũ nan, áo trấn thủ, miệng cười thật tươi, là bố anh. Bố anh là liệt sĩ chống Pháp. Anh có người anh cả, nhờ tiêu chuẩn con liệt sĩ được người ta cho đi học nước ngoài. Học xong bác cả về có việc ngay ở Hà Nội, lấy vợ sinh con định cư luôn đất Thủ đô. Bác ấy sẽ không về quê nữa, đất đai, nhà cửa và chăm sóc mẹ già giao cả cho em trai. Người vợ trẻ mung lung trong những lời kể của chồng. Gốc nhãn già mỗi năm cho mấy chục chùm quả ngọt. Khu đất rộng có bưởi có na có đào có mận, mùa đông có cải bắp su hào, mùa hè có rau muống, có khoai có ngô. Góc bếp nhỏ hùn hụt gió bắc vợ chồng ngồi xoay lưng cùng mẹ sưởi ấm những chiều đông. Những bữa cơm ăn cạnh tro than ấm sực mùi bếp núc. Những bữa cơm đạm bạc ấm nồng tình mẹ con chồng vợ. Ăn xong, cô bưng đến bát nước vối cho mẹ chồng, còn anh lại bàn đọc sách. Những tối thứ bảy, anh mang về chuyện vui trường lớp, chuyện về những đứa trẻ. Và những buổi tối như thế mẹ con vợ chồng chị lại nói về mùa sen sắp đến.
Đầm sen là một phần cuộc sống của họ. Đầm sen cho vợ chồng trẻ và bà mẹ già những đồng bạc lẻ thơm ngát hương sen. Mấy mùa sen mọc rồi sen tàn. Mấy mùa đầm sen hứng chịu những trận bom đào xới. Máy bay Mỹ gầm rú, bom vun vút cắm xuống đầm sen, những cột khói đen cuồn cuộn, những nấm lửa bốc lên hất tung những khối bùn lẫn những bông sen… Dưới chân dãy “mồng gà” xa xa nhô lên những nòng pháo. Nắng cuối chiều loang loáng trên mũ sắt những người lính phòng không. Những tiếng thét, chấm đỏ chém xuống và những luồng đạn vút lên. Mùa hè năm đó, theo lệnh tổng động viên, anh giáo trung học, người chồng trẻ chào mẹ, tạm biệt vợ con ra đi. Năm đó con gái của họ chưa đầy hai tuổi.
Đứa cháu gái độ hơn mười tuổi, xinh xắn háo hức chen lên đi trước. Người đàn bà xách túi hương vàng đi sau cùng mẹ. Theo trí nhớ của bà, con đường rộng rải thảm mở ngay cạnh ngôi nhà cũ, hẳn nó đã đè trên gốc nhãn già. Khu đô thị được quy hoạch rộng rãi, toàn những ngôi nhà đẹp.
Chân bà bước những bước ngập ngừng, trí não lâng lâng theo tháng ngày quá vãng. Qua chưa hết một mùa sen người vợ trẻ nghe tin dữ. Chồng mình không còn nữa. Sau lễ truy điệu, lời chia buồn với rất nhiều những vòng khói nhang, người ta mang đến đặt lên bàn thờ, bên cạnh ảnh người mũ nan, áo trấn thủ tấm bằng “Tổ Quốc Ghi Công”. Nhìn tấm bằng ghi công, nhìn ảnh chồng mỗi lúc thắp hương, trước mắt người vợ trẻ là đầm sen với chàng trai cùng những tiếng cười tinh nghịch đùa vui thiếu nữ.
Đầm sen vẫn cho mẹ con bà cháu những đồng bạc lẻ thơm ngát hương sen. Những ngày vắng anh là những ngày quạnh quẽ. Những ngày quạnh quẽ ấm nồng tình dâu con, cháu chắt. Thế rồi cụ mất. Cụ ra đi cũng vào dịp sen tàn, đầm nước mênh mang một màu tàn úa của lá, của những gọng sen gãy gục. Mộ cụ nằm dưới chân dãy “mồng gà”, cách bờ bên kia của đầm sen một quãng đồi thấp. Ngày đưa cụ lên đồi, bác cả về, xong việc trở về thành phố mang theo ảnh cụ ông bảo rằng sẽ lập bàn thờ thờ ông bà trên đó.
Tuy vậy, mỗi năm người mẹ trẻ vẫn làm ba cái giỗ, cho chồng, cho bố mẹ chồng. Những cái giỗ đạm bạc, vài ba người hàng xóm, bác cả năm về năm không. Bác cả chức to nhiều việc, phải thông cảm. Ngoài đó bác cũng làm giỗ cho các cụ. Bác cả tổ chức giỗ các cụ lớn lắm, khách mời toàn đi ô tô đến chật nhà. Con bé học ngoài đó trở về kể với mẹ. Ảnh hai cụ được bác khắc vào đá to và đẹp lắm, chẳng phải như ảnh ở nhà mình đâu. Nhưng nó bảo, con ngại đến đó lắm. Hỏi vì sao nó không nói. Con bé gan lì, ngày ra Hà Nội học nó ôm lưng mẹ khóc. Con đi mình mẹ sống thế nào… Con... con sẽ học giỏi, lập nghiệp ngoài đó để đón mẹ ra. Mẹ hãy chờ con.
Thêm mấy năm nữa, đầm sen trước nhà hết tàn úa lại đâm chồi nở tưng bừng nhưng chị không thể làm gì nữa. Thế rồi đầm sen có chủ. Biển “Cấm xâm phạm” cắm bốn mặt đầm. Nhiều buổi sáng nhìn ra đầm chị ngơ ngác. Thế rồi đầm sen hẹp dần. Từng tốp máy xúc gầm gào bên chân dãy Mồng Gà. Sát cạnh mộ cụ bà là một công trường khai thác đất, ngày ngày từng đoàn xe tung bụi chạy rung đường chở đất đến lấp đầm. Đầm bị hút cạn, bùn dưới đầm được múc lên để đổ đất mới. Và từng thùng xe nâng lên, những tảng đất đá trút xuống. Đám le le cò diệc hốt hoảng vụt bay lên nháo nhác một khoảnh trời. Đầm sen hẹp dần từng ngày. Mấy tháng sau, nếp nhà có gốc nhãn già cùng khu đất có mẹ con chị nằm trong một tờ giấy lớn ngoằn ngoèo nét vẽ mà chị đã thấy tốp người từ ô tô con bước xuống trải ra trên nếp sân nhà. Người đàn ông phương phi nói khu đất đã nằm trong quy hoạch. Chị và chủ sở hữu tha hồ mà nhận tiền đền bù nhé, chẳng phải băn khoăn gì hết. Họ đã nói với chị như thế. Chủ sở hữu, chị hiểu đó là bác cả. Họ nói thế chị biết thế. Chồng không còn, con còn nhỏ dại, chị biết làm sao.
Thêm một năm nữa trôi qua. Tết đó bác cả về chiều hai chín. Bác chỉ kịp đặt mấy hộp bánh kẹo lên bàn thờ, thắp hương vái bàn thờ rồi quay ra nói. Anh đã chuẩn bị chỗ cho cả chúng ta bên cạnh bố mẹ. Chờ dịp thuận tiện anh sẽ về xây chứ không thể chú chỉ có tên trên nghĩa trang được. Giờ anh phải đi. Con bé đã có việc ngoài đó rồi. Thím nghe tôi, ra với nó. Anh phải đi ngay à? Ừ, anh có việc phải đi ngay. Chuyện đất cát anh sẽ nói với thím sau.
Qua tết, qua rằm tháng Giêng đó người ta đến báo chị phải dời đi. Và bác cả cũng điện về giục chị nhanh nhanh trả mặt bằng cho dự án. Vậy là chị đi.
Cũng may mà chị không phải chứng kiến hình ảnh cái gàu của máy ngoạm đất múc cây nhãn đặt lên ô tô, cái gàu vùng vằng gạt nhẹ ngôi nhà đã sụm xuống. Hai ngày trước, ít đồ đạc và những gì trên bàn thờ chị đã kịp gói ghém. Trên xe lên Hà Nội, ảnh chồng cùng tấm bằng “Tổ Quốc Ghi Công” được chị ôm trong lòng.
Lúc đó đầm đã bị lấp hết.
Nếu còn chắc lúc này sen sẽ nở tưng bừng.
Ra khỏi khu nhà, chỉ còn cách vài khoanh ruộng là tới vùng đồi thấp chân dãy “con gà”. Đường lên nghĩa trang đã được đổ bê tông phẳng rộng. Trước mặt họ trắng lóa một vùng. Những ngôi mộ được xây cất to, đẹp, ngôi ốp đá, ngôi quét sơn xanh đỏ. Mộ hai cụ ốp đá xám, hình thức và kích thước tầm trên trung bình, hai bên và trên dưới được mở rộng thêm chừng ba mét, tất cả được bao quanh bằng một bức tường vây cao độ mét rưỡi. Con rể đốt hương trao bà, chỉ giữ lại ba que trên tay. Anh nói, vậy là ông cả đã lo trước chu đáo rồi.
Bà chắp tay đứng trước, vợ chồng và con bé đứng sau. Trước mặt họ là mộ hai cụ. Hai ngôi mộ cạnh nhau, phía trên có lầu vòm che di ảnh, bia họ tên và nơi cắm hoa, phía dưới có bát cắm hương bằng đá gắn chặt vào bệ mộ. Khói hương vòng vèo bay lên, bà cay cay sống mũi và mắt đã nhòe đi. Lúc này đã giữa trưa, cũng may hôm nay trời đỡ nắng. Bà lẩm nhẩm khấn. Bố mẹ ơi, hôm nay chúng con… Để rồi sau đây chúng con cũng sẽ về cùng bố mẹ… Nước mắt bà trào ra.
Cắm hương xong, bà lùi ra nhường chỗ.
Đến lượt con bé. Bất ngờ, con bé bước đến đặt ba bông sen lên hai ngôi mộ. Ba búp sen hồng mập mạp, tươi rói.
Bà sững sờ:
- Sen đâu ra vậy cháu?
- Cháu thấy ngoài kia. - Con bé đưa tay chỉ về phía cuối bãi. - Sau mấy bụi cây cao cao đó bà.
Bao kỷ niệm với chồng ùa về. Chàng trai chống sào đưa con thuyền len lỏi trên đầm, và lòng nở là những búp sen. Thiếu nữ như đàn bướm trắng sà xuống mép đầm. Anh con trai ngượng ngập thẹn thùng trước những lời bông đùa bạo dạn. Khuôn mặt ấy, ánh nhìn ấm áp ấy, và những lời căn dặn ngày anh lên đường vẫn vang vọng trong cô… “Em cứ sống với đầm sen nhé. Lâu lắm thì vài năm sau anh sẽ về và chúng mình sẽ lại đi hái sen. Hãy thay anh chăm mẹ, nuôi con…”. Vâng, cô đã sống bên đầm sen, đã chăm sóc mẹ chồng những ngày bom đạn. Bé gái ba tuổi biết quanh quẩn bên giường bà, biết bưng chén nước cho bà, biết nắn tay bóp vai bà. Bàn tay bé xíu hồng tươi xoa nhẹ trên làn da nhăn nheo, lùa trong mái tóc bạc xơ, hỏi những câu bập bẹ ngây thơ. Để rồi mỗi non trưa nghe tiếng bước chân về lại lon ton chạy ra đón mẹ. Không có anh, sáng sớm cháo nước cho bà cháu xong, cô lại chống thuyền ra đầm hái sen.
Bà thốt lên: - Ôi, tưởng đâu người ta đã lấp hết đầm sen rồi, thế mà sen vẫn còn…
Bà nhằm hướng con bé chỉ xăm xăm bước. Cô gái năm xưa bước về phía mộ chồng…
N.N.L
(TCSH401/07-2022)
NGUYỄN LÊ VÂN KHÁNHTôi xa nhà trọ học thành phố khác. Dịp nghỉ ngắn ngày không về nhà được, tôi đón xe về thị trấn men con nước nhánh sông lớn về nhà ngoại. Từ ngoài ngõ con Bơ sủa váng, Vinh chạy ra ôm bụi chè tàu nơi đầu bến nước, gọi mạ ơi, Sương về.
NGUYỄN HÙNG SƠN Một buổi chiều cuối tháng ba trong lúc ngồi bón cháo cho chồng, bà Loan nhận thấy hôm nay Hào, chồng bà có những biểu hiện khác thường. Ông có vẻ suy nghĩ, ăn uống uể oải.
LỆ THANHBé Khánh Hạ - đứa con gái duy nhất của chị đã đi! Chiếc lá xanh độc nhất trên thân cây khô héo, khẳng khiu đã lìa cành. Ngọn lửa cuối cùng trong đêm dài trơ trọi của chị đã tắt ngấm trong bỗng chốc. Chị tưởng rằng mình sẽ không thể sống nổi trên cõi đời héo hắt này nữa.
HOA NGÕ HẠNHHọ Nguyễn ở Trung Lộc quê gốc huyện Lôi Dương, phủ Thọ Xuân, Thanh Hóa. Gia phả ghi rõ, ông tổ của dòng họ theo chân Chánh đô An phủ sứ Phạm Nhữ Dực vào khai khẩn đất Thăng Hoa năm 1402. Ban đầu họ Nguyễn định cư tại Hương Ly. Đến đời sau, một nhánh trong tộc chuyển hẳn lên Trung Lộc, nằm ở thượng lưu sông Thu Bồn.
Đàm quỲnh NgỌcChiều nay, tôi nhận được điện khẩn của Tâm, bức điện vỏn vẹn chỉ có dòng chữ: “Thứ bảy tới, tao đi Hoa Kỳ, mày tới gấp”. Tôi không ngạc nhiên khi biết Tâm đi Hoa Kỳ, với nó, đi nước ngoài đã trở thành bình thường như các bà đi chợ. Tôi chỉ ngạc nhiên khi Tâm đã điện khẩn cho tôi, điều mà từ trước đến nay chưa bao giờ có.
TRẦN NGUYỄN ANH Trong gia đình tôi, dì là người đến sau cùng. Dì thường bảo tôi: “Ô Mai à, hãy coi dì là bạn nhé”. Tôi thẳng thừng bảo: “Tôi chỉ có thể coi dì như kẻ thù”.
NHẬT HÀ Lần đầu về thăm Đồng Tháp Mười, thú thật, tôi thấy có nhiều điều rất lạ, từ mảnh đất, sông nước, cây cối, chim muông tới các địa danh và nhất là con người.
CAO LINH QUÂN Ăn mày là ai? Ăn mày là... (Ca dao xưa)
LAM PHƯƠNGNàng không có sự lựa chọn nào khác. Cuộc đời không cho phép nàng lựa chọn. Ngôi nhà lá sùm sụp xám xịt như con ốc ma. Ba chị em không cùng cha và chưa bao giờ biết mặt cha. Và mẹ nàng, người đàn bà có khuôn mặt nhầu nhĩ như tấm lá mục úa, bươn bả mót máy làm thuê một ngày dẫn người đàn ông xa lạ về.
HÀ HUỆ CHI1. Mong đợi từ lâu lắm một tiếng cười sum họp. Tôi muốn khóc. Tôi muốn chết. Khi cuộc sống chẳng có gì giống một điệu múa. Khi trái tim chẳng buồn đốt pháo.
Phan HuyỀn ThưLam thấp thỏm nghe ngóng tiếng còi tàu từ xa vọng lại. Cứ khoảng hai phút một lần, tiếng còi hú dài xa xăm. Trời mưa to, chui tọt vào cái quán cà phê sát đường tàu, Lam ngồi gặm nhấm những thù hận của mình.
TRẦN HỒNG LONG“Tao cấm mầy nói nó chết! Nếu mầy còn nói nữa, tao sẽ đuổi mầy ra khỏi nhà tao ngay!”. Chỉ cần nghe cái “điệp khúc” ấy là dân xóm Vàm Đinh đủ biết bà Hoài chửi chị Ngọt ở trên tỉnh về thăm. Và, không cho chị nói chuyện anh Mặn hy sinh, mặc dù giải phóng đã hai mươi năm rồi vẫn không có một tin tức nào về anh.
ĐINH DUY TƯ Truyện ngắn “Chỉ vì thằng Mỹ, tao mới đến nông nỗi này. Ví như không có hắn, tao thành trạng lâu rồi”.Đó là tuyên ngôn của một trạng lính. Vâng! Hắn tên là Nguyễn Đăng Lính ở cùng làng với tôi. Hai đứa nhập ngũ một ngày, nhưng ngành nghề có khác nhau.
NGUYỄN THỊ THÁIVào hội Văn học Nghệ thuật được gần năm, đây là lần thứ hai tôi được đi thực tế. Lần thứ nhất cách đây hai tháng.
HOÀNG BÌNH TRỌNGGập tấm bản đồ địa hình lại và vừa kịp đút vào xà cột, thì trung uý Trương Đình Hùng nghe có tiếng chân người lội bì bọp dưới suối. Lách mình ra phía sau cái trụ chằng phủ đầy dây hoa lạc tiên, anh thấy một người đàn ông trạc ngoại ngũ tuần, cao lớn, vẻ mặt thô tháp, cõng chiếc ba lô cóc phồng căng từ dưới dốc bươn bả trèo lên.
Y NGUYÊN ... Những người muôn năm cũ Hồn ở đâu bây giờ
GIẢN TƯ HẢIGã bước xuống xe ôm móc ví trả tiền rồi lững thững bước về con phố ven đê. Chiều thu ánh mặt trời vàng vọt trải dài lên cái thị xã vùng biên vốn dĩ đã buồn lại càng thêm vẻ mênh mang hiu quạnh. Giờ tan tầm đã qua, dãy phố ven đê hoặc có người còn gọi là cái chợ người vốn tập trung nhiều lao động chân tay cũng đã vãn dần. Thấp thoáng vài bóng chiếc ô tô qua lại. Gã chậm rãi vừa đi vừa nhìn trái ngó phải, chốc chốc quay lại nhìn như sợ bị ai đeo bám. Chân gã đi giày thể thao adidas mới cứng, vận chiếc quần bò cũ đã thủng lỗ chỗ như đạn bắn, phía trên khoác chiếc áo đại cán rộng thùng thình màu cứt ngựa, đầu đội mũ cối Hải Phòng kiêu hãnh một thời cũng đã sờn cũ và bong lớp vải để lộ cái lõi xám xịt.
NGÔ HỮU KHOADưới gốc cây Sau Sau, thứ cây có thân gỗ nhưng muốn mang đốt cũng không cháy, dùng làm gỗ thì nhanh mục nên mới được sống tươi tốt ở vùng rừng thường xuyên được dân sơn tràng lui tới. Dũng trong thế ngồi co quắp, hai bàn tay giấu dưới vạt áo mưa để vừa tự sưởi ấm cho cơ thể vừa giảm tiết diện để tránh những hạt mưa lạnh buốt lọt qua tán lá rậm rạp, những hạt mưa mùa không biết mệt mỏi cứ rơi và rơi…
NGUYỄN VIỆT HÀCó một ngày rất âu lo đã đến với thằng béo. Bụng bồn chồn tưng tức, giống như đang ngồi giữa một cuộc họp trang trọng bỗng mót tiểu tiện mà không thể đi. Trước đấy hình như duy nhất một lần cái cảm giác bất an này cũng đã đến. Láng máng không thể nhớ.
MA VĂN KHÁNGKhi những người U Ní ở vùng biên sau mấy tháng trời đông giá, ngồi trong nhà đánh cuốc, sửa dao, đan lát bước ra khỏi căn nhà đất dày kín như cái kén, đặt chiếc vai cày lên cổ con trâu, đi những đường cày đầu tiên, hoặc rủ nhau đi bán công khắp các nơi trong vùng thượng huyện Bát Xát, thì hoa gạo bắt đầu nở.