HÀ XUÂN HUỲNH
Bút ký dự thi
Cách trung tâm Cố đô độ 30 cây số về phía Đông Nam, Tân Sa là một trong sáu làng - Mai Vĩnh, Khánh Mỹ, Tân Sa, Kế Võ, Xuân Thiên thượng, Xuân Thiên hạ - của xã Vinh Xuân, Phú Vang.
Ảnh: internet
Làng có từ khi nào, chẳng rõ. Lần giở “Ô Châu cận lục” do Dương Văn An nhuận sắc năm 1555 - đời nhà Mạc - không thấy; đến “Phủ biên tạp lục” của Lê Quý Đôn viết năm 1776 - thời cuối các chúa Nguyễn - làng là một phường trong số 12 xã, 1 thôn, 9 phường, thuộc tổng Kế Thực, huyện Hương Trà; tới “Đồng Khánh địa dư chí” của Quốc sử quán triều Nguyễn do Hoàng Hữu Xứng làm Tổng tài (tức Chủ biên), soạn xong năm 1887 - triều Đồng Khánh (1885 - 1888) - làng lại là một ấp thuộc tổng Kế Mỹ, huyện Phú Vang. Theo dòng lịch sử, địa danh tổng, xã, huyện nhiều lần đổi thay, tên làng vẫn thế!
Bị kẹp giữa biển và phá, trước đây, vào ra Tân Sa hầu như bằng đường thủy. Nhớ lại, người từng trải lắc đầu, thở dài, cảm thán bằng hai từ: cơ cực. Từ Huế, thuở xưa, đò rời bến Đông Ba chiều tối, chèo cả đêm, 8 giờ sáng hôm sau mới thấu. Gần hơn, tàu thủy - thực chất là thuyền gỗ, to như hai chiếc thuyền rồng bây giờ ghép lại, chở được trên dưới trăm người - tuyến Huế - Xuân Thiên hạ, ngày một chuyến, khởi hành từ Đông Ba, sát chân cầu Đông Ba khoảng 11 giờ, 4 - 5 giờ chiều là tới. Ngang địa phận, chấp nhận ướt quần, tàu ghé gần bờ rồi lội vào, còn không, tới bến đỗ phải cuốc bộ lên hơn hai cây số. Lúc về mới da diết bởi xong việc thì đã hết chuyến đò, mọi người góp tiền thuê đò lên Thuận An, bắt xe buýt Thuận An - Huế. Thanh niên trai tráng hay đạp xe về ngả Phú Bài, ngang Thủy Châu rẽ trái nặp theo đường liên thôn đến Viễn Trình, đi đò ngang qua Xuân Thiên Hạ.
Đò dọc đò ngang lùi về dĩ vãng khi ba cây cầu bê tông vĩnh cửu “nối những bờ vui”, Quốc lộ 49B thảm nhựa phẳng lì suốt từ cửa Thuận tới cửa Tư Hiền, ai nấy tự do lựa chọn lộ trình. Riêng tôi, tôi ít lặp lại - nếu xuống cầu cửa Thuận thì lên cầu Trường Hà hoặc ngược lại và thường chọn phương án 1 vì có dịp ghé thăm tháp Chăm Phú Diên mà do tính chất công việc, tôi và các anh Thanh tra Văn hóa có mặt ngay từ lúc mới phát hiện. Ngôi tháp mang trên mình nhiều cái nhất vừa được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam (VietKings) và Liên minh Kỷ lục thế giới (WorldKings) công nhận là tháp Chăm cổ bằng gạch chìm sâu dưới cồn cát ven biển được khai quật và bảo tồn đầu tiên trên thế giới. Tân Sa cách đây không xa.
*
Vỏn vẹn 1,5 km2 diện tích tự nhiên với 158 hộ, 633 nhân khẩu, có 2 xóm - xóm trong và xóm ngoài, có 9 họ - họ Lê khai canh, họ Trần, Nguyễn, Phạm, Trương, Huỳnh khai khẩn, Tân Sa khá khiêm tốn so với các làng trong xã - diện tích Vinh Xuân là 18,09 km2, 8800 khẩu với 1913 hộ(1). Địa bạ thời Gia Long, giúp hậu sinh hình dung rõ hơn bản quán của mình: “Tân Sa khách hộ phường: đông giáp phường Khánh Mỹ, thôn Hoa Lộc và biển, tây giáp phường Khánh Mỹ và sông, nam giáp phường Kế Đăng, có cột đá làm giới, bắc giáp phường Khánh Mỹ, thôn Hoa Lộc, có cọc gỗ làm giới. Toàn diện tích 280 mẫu, 3 sào, 1 thước, 4 tấc, 5 phân. Tư điền 60 mẫu, 1 sào, 13 thước, 2 tấc. Gia cư, ruộng, mộ, hoang nhàn 220 mẫu, 3 sào, 3 thước, 2 tấc, 5 phân. Khe cừ 250 tầm(2)”.
Đáng nói, giữa làng - từ đường làng ra phá - có 5 cồn đất bao đời nay dân làng ra sức giữ gìn, coi đó là vùng đất hun đúc linh khí cho làng, được gọi theo dáng vẻ bên ngoài: Cồn Sách - giống quyển sách đang mở ra, Cồn Bút - dung đất dài giống hình cây bút, Cồn Nghiên, còn gọi là Vũng Vườn, ao nước không bao giờ cạn, tựa nghiên mực, Cồn Giếng - vũng nước có bờ bao quanh giống chiếc giếng và Cồn Nậy, đám đất vuông vức. Thật tiếc, thời gian, thời tiết và bàn tay của người vô ý khiến nhiều cồn biến dạng, mất dấu!
Bao bọc mạn tây Tân Sa là phá Hà Trung, cảnh đẹp thứ 16 trong “Thần kinh nhị thập cảnh” của vua Thiệu Trị. “Đại Nam nhất thống chí” của Quốc sử quán triều Nguyễn mô tả: “Phá Hà Trung: Ở phía đông bắc huyện Phú Lộc, nước phá từ các sông Lợi Nông, Sư Lỗ và Cao Đôi tụ lại rộng hơn 2 dặm, chu vi hơn trăm dặm, có 2 đầm là đầm Hà Trung và đầm Minh Lương, nước đầm một đường chảy về phía đông nam ra cửa Tư Hiền, một đường chảy về phía đông bắc ra cửa Thuận An. Phá này trước thuộc huyện Phú Vang, năm Minh Mệnh thứ 15 đổi cho thuộc huyện Phú Lộc, năm Thiệu Trị thứ 3, thơ ngự chế “Thần kinh nhị thập cảnh” có một bài đề là “Hải nhi quan ngư” (Ra phá xem cá) khắc vào bia và dựng nhà bia ở bờ đầm Minh Lương”.(3)
Địa hình Tân Sa có 4 khu vực rõ rệt: từ bờ phá vào đường làng cỡ 400 mét, dài cỡ 600 mét, là dải đồng bằng, chia đôi phía ngoài là đất trồng lúa rộng 15 héc ta, bên trong là đất trồng hoa màu 18 héc ta, tiếp là khu dân cư đến trảng cát, dùng làm nơi chăn thả gia súc, nghĩa địa; tới cồn cát cao 9 - 10 mét, dài 400 - 500 mét chạy ra bờ biển. Đập rào - dân làng quen gọi phá là rào - rộng 3 mét, làm từ những năm 1959 - 1960, chạy từ cửa Thuận An xuống, vừa ngăn mặn vừa là tuyến giao thông dọc phá, nay hư hỏng nhiều. Do thiếu nước tưới nên 1 năm làm được một vụ - vụ đông xuân, còn hoa màu thì mùa nào thức nấy - khoai, sắn, đậu đỗ, mía, ớt,… Từ trái ớt bà con chế biến thành món nước ớt ngon nức tiếng hơn 30 năm nay.
Ngoài đất nông nghiệp, Tân Sa còn có 4 héc ta mặt nước đầm phá, 11 hộ chuyển sang nuôi trồng thủy sản với các loại có giá trị kinh tế, cho thu nhập ổn định và cao hơn làm nông. Hy vọng hướng đi mới sớm giúp người dân thoát nghèo, vươn lên làm giàu bền vững.
Gần biển nhưng không theo nghề biển, dân làng Tân Sa chí thú ruộng vườn, một số làm thầy làm thợ. Điều kiện canh tác khó khăn trong khi người sinh sôi, đất đâu nảy nở, cuộc sống bần cùng đeo đẳng nên chẳng rõ từ bao giờ, lớp lớp người dân Tân Sa tha phương kiếm sống, hành trang mang theo chỉ là tính chuyên cần, chịu khó của người dân vùng gió cát, tinh thần cố kết cộng đồng và khát vọng tâm linh cháy bỏng; đặc biệt phụ nữ Tân Sa hết lòng chiều chồng thương con. Vượt lên chính mình, bỏ qua mặc cảm “người xa nguồn”, nhiều con em Tân Sa thành đạt, khá giả nơi đất khách. Thế là những “chim xa rừng” về làng giúp đỡ anh em, chung tay xây dựng nhà thờ họ, nhánh, sửa sang tôn tạo lăng mộ cha ông, đến nỗi có người đùa ở Tân Sa nhà thờ nhiều hơn nhà ở! Hầu hết người Tân Sa xa xứ có dịp là về và tâm tư muốn an nghỉ trên mảnh đất quê nhà để “nghe sóng vỗ dạt dào biển cả” đời đời! Ghé Tân Sa vào nửa cuối tháng 8 âm lịch hằng năm, lúc các họ các nhánh chạp mộ, mới thấy hết tấm lòng hướng về cội nguồn của “kiều dân” Tân Sa. Không khí lễ hội bao trùm đầu làng cuối xóm, nhà nhà rộn rã tiếng nói cười, chẳng cần biết đâu về, họ nào, gặp nhau tay bắt mặt mừng, thật đúng:
“Khi ta ở chỉ là nơi đất ở
Khi ta đi đất đã hóa tâm hồn”(4)
Trong số “kiều dân” Tân Sa ấy có ông ngoại, mệ ngoại tôi.
*
45 năm trôi qua, tôi còn nhớ như in hôm mẹ gọi anh em tôi, bảo rằng: ngày mai mẹ về làng với các dì. Anh em tôi tranh nhau xin đi cùng và phần thắng thuộc về anh, tôi ở nhà cho heo ăn, tiếp nhận một nhân khẩu tạm trú, con của dì, được biệt phái đến ngủ với tôi cho đỡ sợ. Nhìn nét mặt rạng ngời, háo hức của mẹ, tôi biết mẹ chờ đợi giây phút này từ lâu rồi, có lẽ đây là lần đầu mẹ về quê ngoại.
Đất nước thống nhất chưa đầy tháng, mẹ vượt tuyến về thăm quê. Nói vượt tuyến là vì qua cầu Hiền Lương phải có giấy phép qua lại giới tuyến, còn không thì lội sông Bến Hải. Lúc ra, mẹ toàn kể chuyện ông ngoại; rằng ông mất đã lâu, trước đó một thời gian, ông về làng sống nơi nhà nhánh, ngày ngày kiếm củi chất đống, gốc nào to thì bửa, hỏi thì ông nói để làm đám, ai cũng cười khi thấy ông còn khỏe; được ít hôm, ông đi! Vậy mà hơn hai năm, mẹ mới thu xếp được để về làng thắp hương cho ông.
Ân hận không hỏi song tôi đoán chắc lần về làng này là lần đầu cũng là lần cuối do đò giang cách trở, hồi nhỏ mấy khi mẹ được ông mệ cho đi theo; lớn lên chút nữa, mẹ phải phụ mệ ngoại buôn bán, sáng chợ Chử, chiều chợ Thông, lấy chồng, theo chồng tập kết, thử hỏi đi khi nào; do bạo bệnh, hơn 10 năm sau mẹ đi vào cõi vĩnh hằng! Mẹ tôi - người họ Trần 3 Tân Sa.
Tương truyền, thủy tổ họ Trần làng Tân Sa là ngài Trần Thọ Cảnh, làm quan dưới trướng chúa Nguyễn Phúc Tần (1648 - 1687). Trong lần tháp tùng Hiền Vương xuống cửa Tư Hiền dựng chùa Thánh Duyên trên núi Thúy Vân(5), khi lên ngài dừng chân Tân Sa. Bằng con mắt của người am tường phong thủy, địa lý, nhận thấy cuộc đất tốt, ngài lập nghiệp tại đây, sinh hạ 4 trai, 1 gái. Con cái trưởng thành, vợ chồng ngài ra lại Thọ Xuân, Thanh Hóa. 4 con trai là trưởng họ - Trần 1, Trần 2, Trần 3 ở làng Tân Sa, Trần 4 khai canh, sinh sống tại làng Phương Diên bên cạnh.
Dương Văn An từng đúc kết: “Nếu không có nhân vật thì lấy gì để thấy rõ khi un đúc tốt đẹp của núi sông”(6). Với Tân Sa, anh em cô cậu Trần Như Sơn - Đặng Huy Trứ minh chứng cho điều đó.
Trần Như Sơn, người con họ Trần 3, sinh năm Ất Hợi (1815), năm mất và hoạn lộ của ông ngay con cháu đang thờ cúng cũng không rõ, chỉ biết ông và Đặng Huy Trứ làm quan đồng triều Tự Đức. Năm 1864, đi công cán Hạ Châu (tức Singapore) về, ông được ban hàm Hồng Lô Tự Khanh, sung chức Tham Biện Ty vận chuyển sứ. Hay tin, Đặng Huy Trứ đang là Bố Chánh Quảng Nam có thơ mừng cho là “ngọc lành vô giá bên nhà ngoại”(7). Tới 1869, ông tiếp tục được Trần Tiễn Thành đề cử đi Hạ Châu cùng Nguyễn Văn Hựu, Lê Huy để thăm dò tình hình(8). Bia chùa làng - Phước Sa tự - còn ghi: Tháng 6 năm Tự Đức thứ 27 ông là đốc công công trình này - “giám tạo Nội Vụ phủ Thị lang Trần Như Sơn”. Sử liệu triều Nguyễn cung cấp: đứng đầu phủ Nội Vụ là một Thị lang hàm chánh tam phẩm(9). Bia mộ của ông ở làng đơn giản với dòng chữ “Nguyên Tham Tri Bộ Lại…”.
Thân mẫu danh nhân Đặng Huy Trứ cùng họ, cùng nhánh với Trần Như Sơn. Cụ Đặng Văn Trọng, thân phụ Đặng Huy Trứ, răn dạy con cháu:
“Có vợ phải biết vợ từ đâu đến
Có con phải biết con do ai sinh ra”
Vì vậy, Đặng Huy Trứ luôn dành tình cảm đặc biệt với bên ngoại, thể hiện qua câu nói đến nay con cháu họ Trần 3 vẫn nhắc: có mẹ ta mới có ta! Chuyến công vụ lần hai (1867) trở về, ông dâng tặng họ ngoại 3 độc bình sứ, 5 đèn lồng nay còn lưu giữ ở nhà thờ họ Trần 3. Nhiều lái buôn lần mò tìm đến, trả giá rất cao 3 độc bình nhưng họ Trần từ chối. Theo ông Đặng Hồng Sơn tại hội thảo khoa học, danh nhân Đặng Huy Trứ, người khai lập ngành nhiếp ảnh Việt Nam tổ chức tại Huế ngày 11/03/2018, đây là những đồ sứ đặc biệt do một vị quan nhà Nguyễn đi công cán nước ngoài đặt làm vì mục đích cá nhân có các chủ đề trang trí và hiệu đề do cá nhân người đặt hàng yêu cầu, “đặc biệt đến mức có cả một dòng đồ sứ làm giả đồ sư ký kiểu của Đặng Huy Trứ”.
Hậu duệ Đặng Huy Trứ, sau khi dịch và xuất bản các cuốn “Từ thụ yếu quy” và “Đặng Dịch Trai ngôn hành lục” của ông vào năm 1994, đã viết thư gửi sách tặng họ Trần 3. Thư có đoạn: “Đặng Huy Trứ, người cháu ngoại họ Trần, nhờ tiếp thu lời dạy của cha, của mẹ, và tình thương của bên ngoại, nên khi ra làm việc nước luôn tự coi mình là “con của thứ dân, hết lòng phục vụ nhân dân, quên mình”.(10)
Thời hiện đại, không thể không nhắc mảnh đất bé nhỏ này đã sản sinh cho quân đội ba vị tướng - trung tướng Trần Thanh Từ, thiếu tướng Trần Thanh Kỳ, thiếu tướng Huỳnh Thúc Tâm (tức Huỳnh Văn Dương).
Em họ mẹ tôi - Trần Đình Trung - sống trong căn nhà mặt tiền đường Ông Ích Khiêm, Đà Nẵng từ trước 1975. Vợ mất, con gái duy nhất lấy chồng, năm 2015, cậu bán nhà ra quê, xây ngôi nhà nhỏ trong khuôn viên nhà nhánh, sống một mình. Tuổi 82, sáng chiều cậu nhúc nhắc đi bộ thăm hỏi bà con, viếng mộ tổ tiên, ăn uống đạm bạc. Tuổi ấy là mong mỏi của biết bao người dân Tân Sa như ông ngoại tôi, mẹ tôi…, chứng tỏ chất lượng cuộc sống của người dân Tân Sa ngày một tốt hơn. Có lẽ, cậu cũng đang dọn mình để bước vào thế giới bên kia giống ông ngoại tôi hồi nào.
Cận kề tuổi hoa giáp, trong tôi thường bị ám ảnh bởi điệp từ “mới thôi” đầy khắc khoải của Hoàng Phủ Ngọc Tường nhất là đoạn:
“Rồi một ngày trắng tóc
Nhưng lòng anh vẫn khôn nguôi
Thời gian sao mà xuẩn ngốc
- Mới thôi, đã một đời người”(11)
Chưa một lần trải nghiệm cảm giác đi đò trên sông nước như anh tôi, làm sao tôi có thể nhắm mắt. Ước gì có tuyến du lịch bằng thuyền rồng thăm các di tích quốc gia dọc phá Hà Trung - tháp Chăm Phú Diên, chùa Thánh Diên - chiêm ngưỡng trời mây sóng nước “Hà Trung hải nhi”, cảnh đẹp của đất Thần Kinh, chắc chắn du khách “bềnh bồng cho đến mai sau”(12)
Sắp tới chạp ngoại, tôi sẽ về làng, bước thật chậm trên con đường làng có “biển một bên và “phá” một bên”, miệng khẽ ngân nga những câu còn thuộc lõm bõm trong “Hải nhi quan ngư” của vua Thiệu Trị:
“Biển nhỏ một vùng lộng sắc trời
Sáo the vây cá lắng dòng soi
…
Tâm hồn rộng mở cùng trăng gió
An lạc muôn dân dạ thảnh thơi”(13)
H.X.H
(TCSH404/10-2022)
---------------------
(1) Lịch sử đấu tranh, xây dựng của Đảng bộ và nhân dân xã Vinh Xuân (1930 - 2015) - Nxb. Thuận Hoá, 2020, tr 8, 17. Số liệu năm 2016.
(2) Sđd tr 16,17.
(3) Bản dịch của Phạm Trọng Điềm, Nxb. Thuận Hóa 1997, tr 151.
(4) Chế Lan Viên - “Tiếng hát con tàu”, in trong tập Thơ Việt Nam (1945 - 1985), Nxb. Giáo dục 1985, tr.89.
(5) Từ điển lịch sử Thừa Thiên Huế - Nxb. Thuận Hóa, 2000, mục “Thánh Duyên - chùa” viết: Chúa Nguyễn Phúc Tần (1648 - 1687) có dịp qua đây thấy phong cảnh đẹp, sơn thủy hữu tình nên cho lập một ngôi chùa làm nơi cầu phúc cho dân trong vùng (tr. 774 - 775) nhưng mục “Thúy Vân - núi” lại viết: Trên núi có chùa Thánh Duyên chẳng rõ dựng từ bao giờ (tr. 799).
Sách hướng dẫn du lịch Non nước Việt Nam - 2009 của Tổng cục Du lịch viết: Chùa do chúa Nguyễn Phúc Chu dựng vào khoảng cuối thế kỷ 17 (mục chùa Thánh Duyên, tr.438).
(6) Dương Văn An - Ô Châu cận lục - Nxb. Thuận Hóa, 2001, bản dịch của Trần Đại Vinh, Hoàng Văn Phúc tr. 15.
(7) Đặng Huy Trứ - Con người và tác phẩm, Nxb. TP. Hồ Chí Minh 1990, tr.279.
(8) Nguyễn Đắc Xuân - Phụ chính đại thần Trần Tiễn Thành, Nxb. Thuận Hóa, 2010, tr.314.
(9) Võ Hương An - Từ điển nhà Nguyễn - Nam Việt xuất bản, 2012, tr.500.
(10) Bản thảo hướng về cội nguồn của Trần Huy Hà, tr.64.
(11) “Dù năm dù tháng” - in trong tập Người hát phù dung - Nxb. Thuận Hóa, 1997 tr.8.
(12) Tên một bài thơ trong tập “Người hát phù dung” của Hoàng Phủ Ngọc Tường.
(13) Thần kinh nhị thập cảnh: thơ vua Thiệu Trị - Nxb. Thuận Hóa, 1997, tr.213.
LTS: Đại Học Huế đang ở tuổi 50, một tuổi đời còn ngắn ngủi so với các Đại học lớn của thế giới. Nhưng so với các Đại học trong nước, Đại Học Huế lại có tuổi sánh vai với các Đại học lớn của Việt như ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Trên hành trình phát triển của mình, Đại Học Huế đã góp phần không nhỏ vào sự phát triển kinh tế, giáo dục, văn hoá ở miền Trung, Tây Nguyên, đào tạo nguồn nhân lực trình độ cao cho khu vực và cả nước. Nhân dịp kỷ niệm này, TCSH phân công ông Bửu Nam, biên tập viên tạp chí, trao đổi và trò chuyện với PGS.TS. Nguyễn Văn Toàn, Giám đốc Đại Học Huế. Trân trọng giới thiệu với bạn đọc cuộc trò chuyện này.
VÕ ĐẮC KHÔICó một thời người Huế loay hoay đi vỡ núi, phá rừng trồng khoai sắn. Có một thời người Huế tìm cách mở cảng nước sâu để vươn ra biển lớn, hay đón những con tàu viễn xứ xa xôi. Cả nước, các tỉnh thành láng giềng như Quảng Bình, Quảng Trị, Đà Nẵng cũng đều ra sức làm như thế, sao ta có thể ngồi yên?
TRẦN ĐÌNH SƠNĐất Việt là cái nôi sinh trưởng của cây trà và người Việt biết dùng trà làm thức uống thông thường, lễ phẩm cúng tế, dâng tặng, ban thưởng từ hàng ngàn năm nay.
NGUYỄN XUÂN HOÀNGTừng là đất Kẻ Chợ – kinh đô triều Nguyễn xưa, ẩm thực Huế dựa trên nền tảng triết lý của cái đẹp, món ăn món uống phải ngon nhưng nhất thiết phải đẹp, vị phải đi với mỹ, thiếu mỹ thì không còn vị nữa.
TRƯƠNG THỊ CÚCTrong vô vàn những bài thơ viết về Huế, hai câu thơ của Phan Huyền Thư dễ làm chúng ta giật mình:Muốn thì thầm vuốt ve Huế thật khẽLại sợ chạm vào nơi nhạy cảm của cơ thể Việt Nam (Huế)
FRED MARCHANT(*) Trong chuyến viếng thăm Huế lần thứ hai vào năm 1997, tôi làm một bài thơ đã đăng trong tập thứ hai của tôi, Thuyền đầy trăng (Full Moon Boat). Bối cảnh bài thơ là một địa điểm khảo cổ nổi danh ở Huế. Có thể nói là bài thơ này thực sự ra đời (dù lúc đó tôi không biết) khi nhà thơ Võ Quê đề nghị với tôi và các bạn trong đoàn ghé thăm Đàn Nam Giao trước khi đi ăn tối ở một quán ăn sau Hoàng Thành bên kia sông Hương.
TRẦN KIÊM ĐOÀNDu khách là người trong mắt nhìn và qua cảm nhận của chính người đó.
TRƯƠNG THỊ CÚCTừ buổi hồng hoang của lịch sử, hình ảnh ban đầu của xứ Huế chỉ thấp thoáng ẩn hiện qua mấy trang huyền sử của đất nước Trung Hoa cổ đại. Tài liệu thư tịch cổ của Trung Quốc đã kể lại từ năm Mậu Thân đời vua Đường Nghiêu (2353 năm trước Công nguyên), xứ Việt Thường ở phương Nam đã đến hiến tặng vua Nghiêu con rùa thần từng sống qua ngàn năm tuổi.
HỒ ĐĂNG THANH NGỌCCó một hiện tượng lịch sử lý thú, ở những nơi khác vốn dĩ bình thường nhưng ở Huế theo tôi là rất đặc biệt, đó là tại mảnh đất này sau hơn ba mươi năm ngày đất nước thống nhất, đã hình thành một thế hệ nữ doanh nhân thành đạt giữa chốn thương trường.
MINH TÂMTôi nghe bà con bán tôm ở chợ Bến Ngự kháo nhau: Dân nuôi tôm phá Tam Giang đã xây miếu thờ “Ông tổ nghề” của mình gần chục năm rồi. Nghe nói miếu thờ thiêng lắm, nên bà con suốt ngày hương khói, cả những người nuôi tôm ở tận Phú Lộc, dân buôn tôm ở Huế cũng lặn lội vượt Phá Tam Giang lễ bái tổ nghề.
PHẠM THỊ ANH NGA"Hiểu biết những người khác không chỉ đơn giản là một con đường có thể dẫn đến hiểu biết bản thân: nó là con đường duy nhất" (Tzvetan Todorov)
TRẦN ĐỨC ANH SƠNSau hơn 1,5 thế kỷ được các chúa Nguyễn chọn làm thủ phủ của Đàng Trong, đến cuối thế kỷ XVIII, Huế trở thành kinh đô vương triều Tây Sơn (1788 - 1801) và sau đó là kinh đô của vương triều Nguyễn (1802 - 1945).
TRƯƠNG THỊ CÚC Sông Hương là một trong những nét đẹp tiêu biểu của thiên nhiên xứ Huế. Sông là hợp lưu của hai nguồn Hữu Trạch, Tả Trạch, chảy qua vùng đá hoa cương cuồn cuộn ghềnh thác, đổ dốc từ độ cao 900 mét đầu nguồn Hữu trạch, 600 mét đầu nguồn Tả trạch, vượt 55 ghềnh thác của nguồn hữu, 14 ghềnh thác của nguồn tả, chảy qua nhiều vùng địa chất, uốn mình theo núi đồi trùng điệp của Trường Sơn để gặp nhau ở ngã ba Bàng Lãng, êm ả đi vào thành phố, hợp lưu với sông Bồ ở Ngã Ba Sình và dồn nước về phá Tam Giang, đổ ra cửa biển Thuận An.
Chúng ta biết rằng trong thời đại ngày nay, khi đầu tư xây dựng những cơ sở nhằm đáp ứng nhu cầu cao của người đi du lịch, văn hóa ẩm thực được xem như là cánh cửa đầu tiên được mở ra để thu hút du khách.
Chúng tôi đi thăm đầm chim Quảng Thái, theo ông Trần Giải, Phó chủ tịch huyện Quảng Điền.
I. Chúng tôi xin tạm hiểu như sau về văn hóa Huế. Đó là văn hóa Đại Việt vững bền ở Thăng Long và Đàng Ngoài chuyển vào Thuận Hóa - Phú Xuân.
Thúng mủng Bao La đem ra đựng bột. Chiếu Bình Định tốt lắm ai ơi. Tạm tiền mua lấy vài đôi. Dành khi hiếu sự trải côi giường Lào.
LTS: Tiến sĩ Nguyễn Thuyết Phong hiện đang dạy tại trường đại học Kent State thuộc tiểu bang Ohio, . Đây là một trong những bài trích ra từ cuốn Hồi ký âm nhạc, gồm những bài viết về kinh nghiệm bản thân cùng cảm tưởng trong suốt quá trình đi đó đây, lên núi xuống biển, từ Bắc chí Nam của ông để sưu tầm về nhạc dân tộc. Được sự đồng ý của tác giả, TCSH xin trân trọng giới thiệu cùng độc giả.
Từ sau ngày giải phóng đến nay, tôi chưa một lần gặp lại Anh hùng Vai và Anh hùng Kan Lịch. Về Huế hoài nhưng lên A Lưới lại không đủ giờ và không dễ dàng gì. Những năm trước, đường về A Lưới còn chật hẹp, lổm chổm đất đá, lại hay sạt lở... đi về rất khó khăn và phải mất vài ngày. Đến Huế vào mùa khô thì lại ít thời giờ. Về Huế dịp mùa mưa thì đường về A Lưới luôn tắc nghẽn.
Tế lễ, giỗ chạp, cúng kỵ gắn với người Huế rất sâu. Hình như nhạc lễ cổ truyền xứ Huế cũng hình thành từ đó. Món ăn Huế được chăm chút, gọt tỉa để trở thành một thứ nghệ thuật ẩm thực cũng từ đó. Màu sắc, mẫu mã của nhiều loại trang phục Huế cũng từ đó mà được hoàn chỉnh, nâng cao. Cả những phong cách sinh hoạt nói năng, thưa gởi, đứng ngồi, mời trà, rót rượu... đầy ý tứ của vùng đất nầy cũng đi từ những buổi cúng giỗ đượm mùi hương trầm.