NGUYỄN KHẮC PHÊ
Thiên hạ đang náo nức đủ tin sốt nóng, sao lại đi nói chuyện mít? Cũng do trên trang mạng một tờ báo lớn mới đây có bài “Dân mạng thế giới xôn xao vì trái mít”; nguồn tin gốc lại là một trang mạng của Mỹ! Nhiều vùng quê Việt Nam mình đang vào mùa mít, nhà tôi lại sở hữu 2 cây mít năm nào cũng trĩu quả, cần chi tìm xem chuyện bên Mỹ?
Ảnh: internet
Hơn nữa, có sự tình cờ thú vị là trong lúc đọc giúp một bạn văn bản thảo cuốn tiểu thuyết lịch sử về đại tướng Võ Nguyên Giáp sắp in, tôi lật giở những tư liệu cũ bỗng gặp tờ “Tiền Phong” có những dòng sau đây:
“…Võ Nguyên Giáp cất tiếng khóc chào đời đúng mùa mưa lũ vào ngày 2 tháng 7 năm Tân Hợi, dương lịch là ngày 25/8/1911, trong một cái chòi cao cất tạm dưới gốc cây mít cổ thụ sau vườn nhà để tránh mưa to nước lớn…”.
Có phải vì thế mà vị đại tướng lo trăm việc lớn của đất nước, nhưng nếu tôi nhớ không lầm thì trong mấy lần về quê cũng như khi đi thăm một số địa phương khác, ông đã nhắc mọi người… đừng quên cây mít! Có điều nhiều trẻ em hiện nay - nhất là ở thành phố, chưa bao giờ được hưởng bóng mát bên gốc mít xanh tươi dưới nắng hè, chỉ quen ăn các thứ quả ngoại nhập trong siêu thị nên không biết múi mít thơm ngon như thế nào.
Vậy nên “tán chuyện” quanh cây mít lúc này cũng… vui, “điểm danh” các món ăn phong phú từ mít càng thú. Mà lên tiếng chuyện “ăn sạch” (thì mít trong nhà, bơm hóa chất vào làm chi!) lúc này là vui và chắc là nhiều người quan tâm hơn chuyện sách vở với văn chương! Mà đây là “Văn hóa ẩm thực” Việt “nguyên chất”, biết đâu khéo PR, sẽ có lúc xuất cảng được!
Trước khi nói cách ăn mít chín và mít non, cần phải phân biệt mít dai (mít ráo) hay mít bở (mít ướt) nữa. À, cũng nên biết hoa mít như thế nào. Hình như rất ít người nói đến “hoa mít”, nhất là trẻ nhỏ thành phố hôm nay, chỉ thạo bấm Iphone và Ipad. Cũng như nhiều loại cây trái, mít cũng có hoa đực và hoa cái. Khi chùm hoa trái mới nứt vỏ cây nhú ra, rất khó phân biệt; lớn lên lớp áo vàng bao kín hoa cái bung ra, để lộ ra lớp gai xanh xung quanh và cứ ngày một to dần lên thành quả mít; còn hoa đực thường chỉ xấp xỉ bằng ngón tay, xung quanh có lớp phấn vàng nhạt mịn màng, gọi là “dái mít” (Ngôn ngữ ta kể cũng tài thật!). Đêm vắng, đi gần chùm hoa trái mít “đang nở” thoảng mùi thơm khiêm tốn nên ít người để ý. Hồi nhỏ ở quê, tôi thường hái dái mít ăn… chống đói! Sau này, biết thêm, phụ nữ mang thai ăn dái mít để có thêm sữa. Không ai hái thì dái mít khô tóp dần rồi rụng xuống…
Quả mít lớn lên, muốn ăn mít non (nhớ là lúc vỏ hạt mít còn mềm, để nấu cách gì cũng ăn được tất cả) mới gọt vỏ xung quanh trước khi bổ đôi, rồi bổ tư... Mít non có nhiều cách nấu rất ngon, lại giảm lượng đường khi ăn, nhưng nhiều người ngại làm do “mân mó nhựa ra tay” (thơ Hồ Xuân Hương) khó rửa. Nhà tôi thì đã thạo “nghề”: Gọt vỏ quả mít dưới vòi nước (hay vừa gọt, vừa té nước) là nhựa trôi đi hết. Sau đó bổ đôi-tư-tám… rồi cắt bỏ cồi giữa quả. Có thể để từng miếng to đem luộc, khi ăn xắt từng lát, chấm với ruốc hay nước “chẻo” (xì dầu trộn với vừng rang xay nhỏ) kèm lá rau thơm “lộc quế” là tiện nhất; cũng có thể đem xào với dầu mỡ hay tôm, gia vị rau “lá lốt” thái nhỏ, càng ngon. Cách nấu khác: Lấy miếng mít sống thái mỏng rồi nấu canh với tôm (nhiều chợ có bán mít loại này) - tuy nhiên ở chợ có khi họ ngâm nước pha vôi để giữ lát mít màu trắng, không hẳn đã vô hại. Nhà tôi, mỗi khi làm quả mít non, được đem “phân phát” cho vài ba nhà xung quanh, lại là một thú vui nữa.
Hết non đến già - mít chín thơm lừng rồi! Với quả mít bở, chỉ việc bổ đôi, cồi ở giữa lấy ra rất dễ. Mít bở chín rất dễ tách hạt ra, có khi không cần nhai, nếu muốn vui, “tổ chức” ăn thi ai nhanh hơn rất chi là… xôm trò. (Tay - tất nhiên phải rửa sạch - bốc múi mít cho vào miệng, nhè hạt ra là lập tức đưa múi khác vô… Hồi còn sung sức, tôi đã có lần ăn thi 100 múi với “cô láng giềng” là phu nhân nhà thơ N.K.T rất là “kịch tính”…) Còn xơ mít cắt rời vỏ, trộn với ít muối trắng, nhồi cho nhuyễn rồi gói kín (trong mo cau chẳng hạn, hoặc cho vô bát đậy kín), vài ngày sau, cắt thành từng lát vàng như… thịt gà, vừa ngọt vừa chua, chấm nước kho cá hay thịt thì tuyệt ngon.
Nói chuyện ăn xơ mít, kể cũng nên nhắc câu ca xưa: “Mít ngon anh chén cả xơ/ Chị đẹp, em đẹp, anh rờ cả đôi!” Chuyện “anh rờ cả đôi”, thậm chí hai chị em lấy chung một chồng, ngày xưa không phải là hiếm. Nhân đây xin nhắc mấy câu thơ bà Cao Ngọc Anh (ái nữ của Đông Các Đại học sĩ Cao Xuân Dục) gửi cho anh rể là Hoàng Giáp Đặng Văn Thụy (từng làm Tế tửu Quốc Tử Giám Huế); do chồng bà qua đời lúc bà mới 30 tuổi, nhiều danh sĩ ngấp nghé, một hôm bà Hoàng nguýt ông và nói: Nếu ông bằng lòng, tôi sẽ nói với dì nó cho ông; ông Hoàng trả lời ỡm ờ: Cái đó thì tùy bà…; Nghe chuyện, bà Cao Ngọc Anh gửi cho anh rể bài thơ có mấy câu như sau: “Anh Tế nhà ta khéo ỡm ờ/ Phong tình quen thói lại lơ mơ/ Rượu ngọn uống hết không chừa cặn/ Mít ngon quen mùi đánh cả xơ…”
Loại chuyện “tình tang” này cũng vui, nên xin “kéo” thêm “hậu kỳ” với bài thơ cũng “dính” đến “múi và xơ” của ông anh tôi là Nguyễn Khắc Dương, nay đã 95 tuổi, thầy-tu-xuất này còn… trinh, nhưng rất nghịch. Do cụ Tế Đặng từng là thầy học chữ Hán của thân phụ ông Dương, nên ông viết bài “Ởm với ờ” họa bài thơ vừa dẫn ở trên, có ý “bênh” cụ Tế. Bài thơ như sau:
“Dì ởm thì tôi cũng cứ ờ/ Chính dì hay lắm chuyện lơ mơ
Em thì cũng rứa hơn chi ả/ Múi nỏ ra răng huống lọ xơ
Cửa Phật có khôn thì xuống tóc/ Đường trần chớ dại để vương tơ
Khả phong tiết hạnh lo mà giữ/ Còn ví von chi chuyện ghét ưa.
Thôi, trở lại chuyện mít. Theo đông y, mít bở “lành” hơn mít dai - mít dai ăn nhiều bị “nhiệt” (ngày còn nhỏ ở quê, mít đầy vườn, nhưng bố tôi chỉ cho tôi ăn mỗi lần vài múi!), nhưng nhiều người vẫn thích mít dai hơn vì được… nhai sướng miệng! Mít chín không ai gọt vỏ mà bổ đôi (bổ dọc hay ngang tùy quả mít to nhỏ), rồi xẻ tiếp thành 4 hay 8 miếng để cắt cồi giữa quả cho dễ. Có thể lấy từng múi hoặc cầm cả miếng, cắt bỏ vỏ; sau đó tách múi và xơ dễ hơn. Múi mít dai nếu nhiều, cho vào hộp kín để tủ lạnh, ăn dần trong vài ngày càng ngon. Xơ mít dai xào với mỡ, không cần mì chính đã ngọt; lại có thể muối chua rồi đem nấu canh cá. Rất dễ làm: Tước cụm xơ mít bỏ vào một cái bát, rắc ít muối trắng, đổ đầy nước lã, lấy đĩa đậy kín, 2 - 3 ngày sau có món nấu canh cá ngon hơn dưa chua mua ở chợ nhiều vì giàu vitamin, không phải thêm mì chính đã ngọt, lại sạch hơn.
Còn hạt mít, có thể luộc chín ăn ngay… chống đói rất tốt! Hồi còn ở quê, có khi mít chín nhiều, ăn không hết, chỉ lấy hạt phơi khô, đến mùa giáp hạt, nấu với khoai khô hay đỗ đen đều hợp. Tiếc là hình như chưa có nhà khoa học nào phân tích dinh dưỡng hạt mít và thử nghiệm các cách chế biến khác xem sao… Biết đâu lại cho ra đời loại thực phẩm có giá trị hàng hóa bổ và rẻ hơn hạt “mắc- ca”, hay hạt điều…? Còn vỏ mít dai hay bở, trâu bò hay hươu đều thích ăn. Đó là chưa nói đến cây mít tỏa bóng mát quanh năm, chứ không có kỳ rụng trụi lá như cây bàng, phượng, mãng cầu… Thân cây mít già thì nay đang được nhiều người săn lùng để làm bàn thờ hay tạc tượng…
Có lẽ do thấy mít hữu dụng như thế nên đại tướng Võ Nguyên Giáp đã hơn một lần nói đến ích lợi việc trồng mít. Quả nhiên, vô “Google”, thấy báo “Thanh niên” đưa tin: Ngày đại tướng qua đời, trong một bài viết, GS.TS. Võ Tòng Xuân nhắc lại kỷ niệm: “…Đại tướng dặn tôi “Đừng quên cây mít nhé”.... Trước đó nhiều năm, có bài kể chuyện nhà doanh nghiệp Nguyễn Lâm Viên đã dồn công sức và trí tuệ để đưa cây mít lên tầm cao mới. Điều mà ông Viên làm được là đã tìm ra cách chế biến để mít thành một loại hàng hóa hấp dẫn. “Ông Viên chính là người đã thực hiện được ý nguyện của Đại tướng Võ Nguyên Giáp về cây mít…” - Ông Nguyễn Lân Hùng (đốc Trung tâm Sinh học thực nghiệm Trường Đại học Sư phạm Hà Nội) đã nói như thế. Và chiều 19/9/2007, ông Nguyễn Lâm Viên, giám đốc Công ty Vinamit đã đến báo cáo với Đại tướng Võ Nguyên Giáp thành tích phát triển vùng trồng mít, hỗ trợ cuộc sống người dân trồng mít, biến thứ trái cây dân dã Việt Nam thành sản phẩm xuất khẩu quốc tế mang về nhiều triệu đô-la mỗi năm… Tuy vậy, chẳng biết vì sao mà hình như cây mít không “cạnh tranh” được với các loại cây-quả khác, nên những năm qua ít người nhắc đến việc kinh doanh mít. Nhưng nói đến hồn quê đất Việt thì không thể quên hương mít thơm nồng.
Nhắc đến “hồn quê”, tôi bỗng nhớ mùa hè năm 1997, khi biết anh tôi là bác sĩ Nguyễn Khắc Viện đang sống những ngày cuối đời, tôi hỏi anh có muốn ăn món gì không, một lúc, anh đáp rất nhỏ: “Giá như có một múi mít… và một cốc cà phê…”. Hẳn là anh nhớ những quán cà phê ở Paris, còn mít là hương vị quê nhà. Và vài năm trước, mỗi lần từ Sài Gòn trở ra Hà Nội sau kỳ tránh rét, anh thường ghé nhà tôi, có khi ở cả tháng, chiều chiều anh thích nằm võng mắc dưới cây mít đọc sách… Còn ở Hà Nội, biết tìm mít ở đâu? May sao, ra chợ Hôm, tìm mãi tôi thấy người bán mít, liền mua một lát cắt khoanh tròn vàng rộm như một đĩa trứng rán. Về nhà, chưa kịp mời, anh đã hỏi nhỏ: “Có mít thật à? Ung tìm mua ở mô đó?”… Từ ngày ấy, 22 năm đã qua. Nay anh ở “nơi xa” có thấy mít nhà thằng em ở Huế đang lúc “chín rộ” không?…
Chuyện vợ chồng già nhà tôi hái mít trên cao mà không cần trèo lên cây là cái “mẹo vặt” kể cho vui câu chuyện. Chồng đứng trên gác, ném dây qua cành mít, thòng dây xuống cho vợ cột vào một cái thùng; rồi kéo lên để thùng ôm trọn trái mít; sau đó chỉ việc dùng câu liêm cắt cồi, rồi lại cho thùng xuống; vợ chỉ việc ôm quả mít vô nhà - hàng chục quả mít chín thơm ngon của nhà tôi hái xuống đều giữ được nguyên lành như thế nhờ cái “mẹo” mà thằng con đặt tên là “Song tấu”… Chuyện này, tôi đã kể trong Tự truyện “Số phận không định trước”, in cuối năm 2016, kèm mấy cái ảnh màu. Nhưng Tự truyện của các “Sao”, chứ của ông già 80 này có lẽ chưa nhiều người đọc, nên nhân nói chuyện mít, “tái bản” một cách tóm tắt hầu bạn đọc quý báo, biết đâu lại được Công ty X, Y nào đó tặng giải “Sáng tạo kỹ thuật” cũng nên…
*
Tôi vừa định kết thúc bài tản mạn này thì mấy đứa cháu từ Hà Nội vào. Đúng lúc cây mít bên cổng có quả chín, liền mang ra đãi khách Thủ đô. Đây chính là “lớp người” chưa thấy cây mít và hưởng vị ngon đậm đà múi mít thơm nồng nàn. Cũng thật thú vị khi biết các cháu sẽ đi tàu hỏa ra Đồng Hới để đến thăm mộ Võ Đại tướng. Và tôi chợt nghĩ: không biết đã ai nghĩ đã việc trồng vài cây mít quanh khu mộ đại tướng chưa? Đang mùa mít chín, chọn quả thật ngon, lấy hạt “gieo” lúc này là vừa đẹp; xin nhắc nhớ gieo vào ống nứa để ngày Xuân tới sẽ có những mầm non nhú lên thẳng tắp…
N.K.P
(SHSDB34/09-2019)
KIMO
Rau Khoai là một loại rau rất dễ trồng cũng như cây rau Mồng Tơi, các bạn cứ thử trồng theo cách trồng rau của Kimo xem có được không nhé.
NGUYỄN VĂN QUANG
Tháng tư năm 1992, tôi theo An - bạn lính cùng đơn vị lên A Lưới thăm người nhà của An. Xe chạy từ Huế ra Quảng Trị rồi ngược vào A lưới, đường lúc đó còn khó đi.
VĨNH NGUYÊN
Đoàn du lịch biển quốc tế lần đầu cập cảng Tiên Sa vào lác 6 giờ ngày 22-3-1987 như một sự kiện nóng hổi làm nức lòng ngành du lịch và họ tổ chức đón bạn mới trong trạng thái hồi hộp.
NGUYỄN THỊ VIỆT NGA
Nhớ lần đến Bod Gaya, nơi Đức Phật đạt giác ngộ sau 3 ngày 3 đêm ngồi thiền dưới gốc một cây bồ đề, và Ngài tiếp tục thiền định 49 ngày đêm nữa dưới gốc cây này để suy xét mọi lý lẽ diệu huyền mình vừa thông tỏ, tôi cùng mọi người trong đoàn say sưa chiêm ngưỡng gốc bồ đề thiêng.
NHỤY NGUYÊN
Bút ký
Trái ngược với mùa khô khiến những dải đất và núi đồi hoe vàng cỏ cháy, Tây Nguyên tháng 6 đang vào mùa mưa, đâu đâu cũng xanh mướt một màu.
PHẠM THỊ PHƯƠNG THẢO
Chúng tôi đến thăm nghĩa trang Trường Sơn khi sắc thu còn in dấu xanh ngăn ngắt trên mặt hồ mặc cho những đám mây như mọng nước trong tiết thu mát mẻ. Mặt nước hồ nơi đây phẳng lặng như tấm gương đang soi bóng những hàng cây im lặng.
NGUYỄN NHÃ TIÊN
tùy bút
Tưởng người nên lại thấy người về đây
(Nguyễn Du)
PHẠM PHÚ PHONG
Trong cuộc hội thảo khoa học quốc tế Nghiên cứu văn học Việt Nam và Nhật Bản trong bối cảnh toàn cầu hóa thế kỷ XXI do khoa Văn học, Đại học khoa học Xã hội và Nhân văn thuộc Đại học quốc gia Tp. Hồ Chí Minh tổ chức, tôi gặp lại người bạn cũ là giáo sư tiến sĩ Huỳnh Như Phương, người quê gốc ở Mộ Đức, Quảng Ngãi, học đại học và ở lại lập nghiệp ở Tp. Hồ Chí Minh.
SONG CẦM
Ký sự
Cha chồng tôi qua đời trong một ngày tuyết trắng rơi ngập trời. Được tin của chồng từ Nhật Bản gọi về, tôi buồn thao thức suốt đêm không ngủ, mong trời sáng nhanh để bay qua Nhật sớm.
CAO HUY THUẦN
Tùy bút
Con chim én bay về phía mùa xuân, bay suốt ngày, tối đến dừng cánh nghỉ dưới một mái rơm, giữa đồng hoang.
PHẠM THỊ PHƯƠNG THẢO
Một mùa xuân mới và năm Con Ngựa 2014 đang dần đến bên thềm.
ĐÔNG HÀ
Buổi sáng thật xanh và hiền (TCS).
Những ngày mưa mùa đông ở Huế lạnh, hiền từ và dai dẳng. Những buổi mưa ngồi trên ban công căn phòng ấy, nghe tiếng giọt mưa rơi xuống mái, mới tha thiết những buổi sáng thật xanh và hiền năm xưa người con trai ấy đã ngồi nơi đây.
LÊ TẤN QUỲNH
Khi cơn mưa tung tẩy rót vào tôi cơn váng vất bò ngùng ngoằng trên những nỗi si mê rần rật lan dần từ nỗi nhớ mơ hồ, tôi đã trượt chân mà té ngã xuống một thứ trong veo đang chậm rãi chảy đến sau vô vàn những mảnh thời gian lỉnh kỉnh nhú vỡ ra từ cái khoảnh khắc cuối chiều.
NGUYỄN ĐẶNG MỪNG
1. Thương chồng
Thương chồng nấu cháo le le
Nấu canh bông bí, nấu chè hột sen
LÊ HOÀNG HẢI
Bây giờ ngoài trời đang mưa tầm tã, tiếng mưa rơi gõ vào nỗi nhớ một giai điệu rất buồn và trống rỗng. Những ngày tháng mười của ba năm về trước, tiết trời xứ Huế mưa tả tơi, thỉnh thoảng mới có ánh mặt trời yếu ớt.
NGUYỄN ĐỨC TÙNG
Tùy bút
Một chiều thứ bảy cuối xuân lạnh gắt, đang mưa trời bỗng tạnh như sắp đổ tuyết, tôi một mình dọn nhà từ Hamilton về thị trấn phía nam, nơi tôi được nhận đi thực tập nội trú vài tháng.
NHÂN NGÀY AIDS THẾ GIỚI 1/12
(Để nhớ những người nhiễm HIV tôi đã gặp năm đó - tháng 12/2009)
HỒ ĐĂNG THANH NGỌC
bút ký
NHẤT LÂM
Tùy bút
Mùa thu… một mùa trong bốn mùa xuân, hạ, thu, đông của đất trời. Đã đành là vậy, quy luật của tạo hóa luân chuyển của vòng thời gian. Nếu chỉ đơn giản thế thôi, thì mùa thu cũng trôi mau theo lịch trình vốn có.
NHỤY NGUYÊN
Bút ký
Bao Vinh hôm nay nếu soi vào lịch sử thật chẳng xứng với danh hiệu là khu thương mại lớn của đất kinh kỳ vào thế kỷ XIX.
Sông Hương xứ Huế đã bao đời miệt mài làm nên những nét tinh tế và độc đáo của văn hóa Việt Nam. Đó là dòng chảy giao hòa và dung hợp của nét văn hóa truyền thống dân gian với văn hóa cung đình với những con người Huế với những nét đặc trưng không lẫn với bất cứ nơi nào về giọng nói, tiếng cười, điệu hò và những món ăn Huế hấp dẫn.