Tản mạn về lao động thơ

10:27 10/04/2009
NGÔ MINHBữa nay, người làm thơ đông không nhớ hết. Cả nước ta mỗi năm có tới gần ngàn tập thơ được xuất bản. Mỗi ngày trên hàng trăm tờ báo Trung ương, địa phương đều có in thơ. Nhưng, tôi đọc thấy đa phần thơ ta cứ na ná giống nhau, vần vè dễ dãi, rậm lời mà thiếu ý.

Có nhiều dịp chấm giải thưởng thơ của Tạp chí Sông Hương, đọc đến hàng ngàn bài thơ của các tác giả trong nước gửi về, tôi thấy rất nhiều người làm thơ không chú trọng mấy đến lao động thơ. Vì thế mà tính chuyên nghiệp của đội ngũ nhà thơ của ta không cao. Đa số làm thơ theo kiểu ngẫu hứng, ra sao thì ra. Vậy lao động thơ là gì? Thơ bắt đầu từ cảm xúc. Những trực cảm mạnh mẽ và chính kiến của nhà thơ tạo nên vóc dáng thơ của mỗi người. Nhưng có cảm xúc rồi, mà không lao động cật lực thì không thể có thơ hay được! Thơ là cái nghiệp, không bao giờ là một nghề kiếm sống. Nhưng để có câu thơ hay, người làm thơ “phải đổ mồ hôi sôi nước mắt”, có khi thức trắng đêm mà không tìm được chữ ưng ý. Người Việt ta gọi “ làm thơ”, “ làm” tức là lao động. Nghĩa là thơ không tự nhiên đến, mà phải làm, phải kiếm tìm rất vất vả!

Làm thơ có nhiều “công đoạn” lắm. Đầu tiên là xúc cảm. Đây là cái trời cho mỗi nhà thơ, gọi là thiên phú bẩm sinh. Muốn có nhiều xúc cảm phải đi nhiều, yêu nhiều, nghĩ nhiều. Nhà thơ càng giàu xúc cảm, tức là sự nhạy cảm càng mạnh thì thơ càng dồi dào. Bắt gặp một hình ảnh trong cuộc sống, nhà thơ liên tưởng ngay đến một triết lý sống, hay một nỗi niềm nào đó, thế là tứ thơ hình thành. Xuân Diệu bảo “tứ thơ như cái đinh ta đóng lên tường”, rồi trên cái đinh đó ta treo những thứ mà mình thích. Sau khi có tứ, phải tiếp tục tìm kiếm những hình ảnh khác trong cuộc sống mà mình từng trải để làm “vôi vữa” xây dựng nên hình tượng thơ, bài thơ. Các nhà thơ chuyên nghiệp trong đầu họ lúc nào cũng lưu giữ vài ba ý thơ, khi ý thơ đó “va chạm” với hình ảnh mới của cuộc sống, thì tứ thơ sẽ tượng hình, lúc đó người viết ra rất nhanh.

Nhưng có lẽ lao động cấu trúc một bài thơ, câu thơ, chữ thơ mới là vất vả nhất. Thơ có hai phần: Nội dung và hình thức (nói chữ là cái biểu cảm và cách biểu cảm). Cả hai đều quan trọng ngang nhau, không thể xem nhẹ phần nào. Khuyết điểm dễ nhận thấy của nhiều tác giả thơ hiện nay (nhất là thơ ở các địa phương) là câu thơ không đạt đến độ nén, nên đơn nghĩa. Câu thơ đơn nghĩa đọc lên như câu văn xuôi, thiếu lấp lánh, ẩn chứa. Thời kháng chiến chống Pháp, nhân dân lao động không được học hành, nên phải viết theo cách “câu sau giải thích cho câu trước“ họ mới hiểu được. Nên các nhà thơ “phải diễn giải” thứ tự 1, 2, 3, 4... Quê hương anh nước mặn đồng chua/Làng tôi nghèo đất cày lên sỏi đá/Tôi với anh đôi người xa lạ... Bài thơ “Đồng chí” của Chính Hữu là bài thơ hay, tứ mạnh. Nhưng phải viết “diễn“ như thế người đọc là bộ đội kháng chiến mới hiểu. Nếu bây giờ viết lại tứ thơ này, các nhà thơ trẻ sẽ viết khác, ngắn hơn, đa nghĩa hơn. Tất nhiên cái tứ “đầu súng trăng treo” thì không thể bỏ được. Có một thời xã hội ta đã phá loại văn chương “biểu tượng hai mặt”. Người ta đòi hỏi câu thơ chỉ có một nghĩa duy nhất, rạch ròi, không ẩn ý. Quan niệm đó là phản văn chương. Văn chương thứ thiệt là càng đa sắc màu, đa âm, đa hình, đa nghĩa càng tốt, càng đạt hiệu quả truyền cảm cao! Bởi thế mà lớn thêm một tuổi, đọc lại Truyện Kiều của Nguyễn Du ta lại phát hiện ra những ý nghĩa mới trong từng câu chữ đã thuộc lòng!

Bây giờ độc giả của thơ văn hóa rất cao, khoảng cách giữa câu thơ dòng trên và câu thơ tiếp theo không phải thứ tự 1, 2,3... nữa, mà “nhảy cóc” từ 1 đến 10, 20 họ vẫn hiểu. Tức là khoảng “lặng” giữa các câu thơ mà nhà thơ dành cho người đọc tự do nghĩ ngợi càng rộng thì độ nén của thơ càng cao, thơ càng đa nghĩa. Hiện nay mà thơ cứ “diễn” nôm na thì bạn đọc sẽ chán thơ. Ông Chúc Bờ Sông ở ngoài đê Yên Phụ, Hà Nội là một người làm thơ độc đáo hiếm có. Thơ ông bài nào cũng chỉ có một hai câu, một hai chữ. Có bài chỉ có một chữ. Ví dụ bài thơ có tựa đề là Vợ chồng. Còn phần bài thơ chỉ có một chữ: Xong! Độc giả sẽ tiếp nhận bài thơ theo tâm trạng riêng của mình, nên câu thơ sẽ có hàng ngàn nghĩa!. Nhà thơ Trần Dần cũng làm rất nhiều thơ ngắn, ông gọi là thơ mini. Ví dụ bài một câu: “Mưa rời không cần phiên dịch”, bài hai câu: “Có những bầu trời không có người bay/Lại có người bay không có bầu trời...”. Nhà văn Văn Cầm Hải (sinh năm 1972), trong bài thơ Chị tôi có những câu thơ rất nén “Chị/Bảo tàng/Mặt nạ đàn ông”... Do khoảng cách giữa các câu thơ của các nhà thơ trẻ hiện nay rất xa, nên những người quen đọc loại thơ diễn dài dòng kêu là “khó hiểu”, đó là điều dễ hiểu! Nhiều nhà thơ thơ của họ dễ dãi tới mức chỉ cần viết hai câu là hết ý, thế mà họ giăng ra tới 4 khổ, 16 câu! Nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm, thời còn ở Huế có lần đã nói: “Nhiều nhà thơ bây giờ làm thơ như đặt lời cho điệu dân ca đã có sẵn!”. Bây giờ thơ có vần hay không vần không quan trọng. Phải tung hết đội quân ngôn ngữ để bắt lấy tứ thơ, hình tượng thơ, sau đó nén ép cho câu chữ có sức nặng. Nhịp điệu câu thơ sẽ hình thành theo cảm xúc. Nếu phụ thuộc vào vần vè thì  thơ như bị ép duyên, khó phóng khoáng. Ngay cả thơ lục bát bây giờ, cách ngắt nhịp của nhiều tác giả cũng phá lệ truyền thống 2-2-2/2- 4- 2, mà có khi 1- 3- 2/1-3-3- 1.v.v... Có người còn bẻ lục bát ra thành từng câu ngắn xuống dòng như “bẻ bánh đa”.

Có một nguyên tắc làm thơ là phải kiệm lời, phải gạch bỏ hết những câu thừa, chữ thừa, như thế bài thơ, câu thơ mới tinh luyện. Nhà thơ Chế Lan Viên gọi làm thơ là luyện chữ. Phải luyện hàng tấn quặng chữ mới được một câu thơ! Thơ súc tích mới “ý tại ngôn ngoại” được! Nhà thơ Nguyễn Khắc Thạch khi làm thơ gạch xóa bản thảo đến rách cả giấy, người khác nhìn vào không thể đọc được. Nên thơ ông súc tích, thâm trầm: Khoảng cô đơn còn rộng hơn mặt đất... Thậm chí, thơ bây giờ không cần chữ nữa! Nhà thơ dịch giả Dương Tường năm ngoái gửi vô Huế tặng tôi một tập thơ tên là “Đàn” do Nhà xuất bản Trẻ ấn hành. Cả tập thơ trên 72 trang tuyệt nhiên không có một chữ nào,ngoài lời giới thiệu của Nhà Xuất bản, chỉ những hình ảnh và màu sắc, những ô cửa và những nốt nhạc do tác giả tự vẽ. Ông gọi là “thơ ngoài lời”!

Thơ nước ta hiện nay đang có hai xu hướng: Một thiên về làm nghĩa, tức là làm nội dung thơ là chủ yếu. Dòng thứ hai làm chữ, tức là tìm chữ để cho thơ đa nghĩa hơn. Các nhà thơ chúng ta hiện nay đa phần là làm nghĩa, vì làm chữ thì khó hơn. Nhà văn Trần Dần có lần bảo tôi: “Làm thơ là làm chữ. Con chữ nó đẻ ra nghĩa. Cái chưa biết là cái chữ. Nếu làm thơ mà làm nghĩa rồi mượn chữ để diễn đạt, thì nghĩa sẽ rất hẹp. Nguyễn Du là nhà thơ vừa giỏi làm nghĩa, nhưng cũng rất giỏi làm chữ. Ví dụ câu: “Trăm năm trong cõi người ta/Chữ tài chữ mệnh khéo là ghét nhau” đó là câu thơ làm nghĩa. Còn câu thơ Mai sau dù có bao giờ... là làm chữ. Câu thơ toàn là hư tự (tức là những từ không mang nghĩa cụ thể) mà lại đa nghĩa, đa cảm. Biết dùng hư tự trong thơ là một nghệ thuật tăng sức gợi mở cho câu thơ. Học theo lối này, trong bài thơ Vần cũ 2, tôi có câu:...mai rồi/đời cát vùi quên/biển còn hột muối/nhặt lên/thưa rằng...”. Chữ thưa rằng ở đây là hư tự! Những người làm thơ thành công hiện nay như Trần Hoàng Cương, Trần Quang Quý, Thi Hoàng, Hoàng Vũ Thuật.vv... đều là người biết kết hợp làm chữ và làm nghĩa!

Trong thơ, ngoài hư tự, phải biết tìm những từ giàu âm thanh, hình khối đặt vào những chỗ đắc địa sẽ tạo nên những câu thơ hay. Ví dụ: Nắng khóc òa trên nền gạch vỡ/Bom chém cành gốc gạo đứng chơ vơ...(Hoàng Nhuận Cầm). Chữ khóc òa là chữ đắc địa. Hay bài thơ Chợt thu II của Dương Tường: “Chiều se sẽ hương/Vườn se sẽ sương/Đường se sẽ quạnh/Trời se sẽ lạnh/Người se sẽ buồn”. Chữ se sẽ từ trạng từ biến thành động từ là chữ thần đã làm cho cả bài thơ sống dậy, tạo ra cảm giác thu buồn rợn ngợp thật sự! Các nhà thơ thường hay dùng một động từ để tác động vào những danh từ vô hình, tạo nên chiều sâu lung linh, mới mẻ, làm cho câu thơ “nhoè mờ đi”. Hải Kỳ có nhiều câu thơ như thế. Ví dụ hai câu: “Tôi rơi vào cuối ngọn nồm/Em rơi vào cuối nỗi buồn của tôi”, sau động từ rơi cuối ngọn nồm cuối nỗi buồn là những cái mông lung, không xác định, những cái rơi như thế tạo ra cấp độ cao hơn của tình cảm!

Trong lao động thơ còn rất nhiều thứ kỹ thuật như liên tưởng, ẩn dụ, tu từ, so sánh, ngắt nhịp, thơ bậc thang, điệp âm, điệp vần, âm bồi, kỹ thuật bằng trắc. v.v... Thơ bậc thang như thơ Maiacốpki, Hữu Loan, Trần Mai Ninh... làm cho thơ có hình khối, diễn tả được sự trắc trở, khúc khuỷu đang chuyển động trong tình cảm. Để cho thơ có chiều sâu thâm thúy, người làm thơ phải có những câu thơ chiêm nghiệm, chiêm cảm. Ví dụ Hồng Nhu có câu thơ rất hay: Mắt là mắt của người ta/Tôi đưa nhắm mở như là mắt tôi. Câu thơ tài hoa đau đớn ấy là sự chiêm nghiệm xót xa của “hoàn cảnh” sáng tạo của nhà văn một thời! Nhà thơ không có chính kiến mạnh, không có bản lĩnh sống, luôn luôn “tự biên tập mình“, “tự gọt chân cho vừa giày”, thì không bao giờ có được những câu thơ như thế!

Thơ là cái chí, cái tình bắt nguồn từ cảm xúc mạnh mẽ do va chạm giữa nhà thơ và cuộc sống. Nhưng nếu không có kỹ thuật ngôn từ, cấu trúc, thì nhà thơ không thể chuyển tải cảm xúc dạt dào của mình đến độc giả được! Vì thế, ai không chú ý lao động trên từng con chữ, trên từng câu thơ thì sẽ không có thơ hay!

N.M

(200/10-05)

Đánh giá của bạn về bài viết:
0 đã tặng
0
0
0
Bình luận (0)
Tin nổi bật
  • PHẠM PHÚ PHONG"Tôi ngồi nhớ lại tất cả nỗi trầm tư dài bên cạnh mớ hài cốt khô khốc của anh Hoàng. Trước mắt tôi, tất cả cuộc sống đầy những hùng tráng và bi thương vốn đã từng tồn tại trên mảnh đất rừng này, giờ đã bị xoá sạch dấu tích trong sự câm nín của lau lách. Như thế đấy có những con đường không còn ai đi nữa, những năm tháng không còn ai biết nữa, và những con người chết không còn hắt bóng vào đâu nữa...

  • LÊ THỊ HƯỜNG1. Yêu con người Hoàng Phủ Ngọc Tường trong thơ, quý con người Hoàng Phủ trong văn, tôi đã nhiều lần trăn trở tìm một từ, một khái niệm thật chính xác để đặt tên cho phong cách Hoàng Phủ Ngọc Tường.

  • TRẦN THÙY MAICó lần anh Hoàng Phủ Ngọc Tường nói: tính chất của người quân tử là phải "văn chất bân bân". Văn là vẻ đẹp phát tiết ra bên ngoài, chất là sức mạnh tiềm tàng từ bên trong. Khi đọc lại những bài nghiên cứu về văn hóa – lịch sử của anh Tường, tôi lại nhớ đến ý nghĩ ấy. Nếu "văn" ở đây là nét tài hoa duyên dáng trong từng câu từng chữ đem lại cho người đọc sự hứng thú và rung cảm, thì "chất" chính là sức mạnh của vốn sống, vốn kiến thức rất quảng bác, làm giàu thêm rất nhiều cho sự hiểu biết của người đọc.

  • TRƯƠNG THỊ CÚCXuất thân từ một gia đình hoàng tộc, cử nhân Hán học, giỏi chữ Hán, thông thạo chữ  Pháp, từng làm quan dưới thời Nam triều, nhưng Ưng Bình Thúc Giạ Thị là một nhân cách độc đáo.

  • HỮU VINH Chúng ta đã thưởng thức thơ, ca Huế, ca trù, hò, tuồng của thi ông Ưng Bình Thúc Giạ Thị, một nhà thơ lừng lẫy của miền sông Hương núi Ngự. Nhưng nói đến sự nghiệp văn chương của thi ông mà không nói đến thơ chữ Hán của thi ông là một điều thiếu sót lớn.

  • ĐỖ LAI THÚYQuang Dũng nói nhiều đến mây, đặc biệt là mây trời Sơn Tây, Tôi nhớ xứ Đoài mây trắng lắm! Mây là biểu tượng của tự do, của lãng du. Mây trắng là xứ sở của tiêu dao trường cửu. Chất mây lãng tử ở Quang Dũng, một phần do thổ ngơi xứ Đoài, phần kia do văn học lãng mạn.

  • CAO XUÂN HẠOĐọc bài Nỗi đau của tiếng Việt của Hữu Đạt (H.Đ) trong tuần báo Văn nghệ số 9 (2-3-2002), tôi kinh ngạc đến nỗi không còn hiểu tại sao lại có người thấy mình có thể ngồi viết ra một bài như thế. Tôi cố sức bới óc ra nghĩ cho ra người viết là ai, tại sao mà viết, và viết để làm gì. Rõ ràng đây không phải là một người hoàn toàn không biết gì về giới ngôn ngữ học Việt . Nhưng hầu hết những điều người ấy viết ra lại hoàn toàn ngược với sự thật.

  • MAI VĂN HOAN.Tôi biết Nguyễn Duy qua bài thơ “Tre Việt ” in trên báo Văn Nghệ. Từ đó, tôi luôn theo sát thơ anh. Mở trang báo mới thấy tên anh là tôi đọc đầu tiên. Với tôi, anh là một trong những người hiếm hoi giữ được độ bền của tài năng.

  • THỦY TRIỀU SUNG HUYỀN"Đây thôn Vĩ Dạ" là một bài thơ nổi tiếng của Hàn Mặc Tử đã từng có nhiều cách hiểu, cách tiếp cận khác nhau. Đành rằng ngôn ngữ thơ ca thường hàm súc, cô đọng, đa nghĩa do đó có thể có nhiều cách tiếp cận tác phẩm.

  • NGUYỄN DƯƠNG CÔNMỗi loại hình nghệ thuật ngôn từ đều có phong cách riêng trong cư xử với đối tượng mà nó phản ánh. Chính vì thế, đề tài tiểu thuyết trong khi mang những tính chất chung có của mọi thể loại văn học, nó đồng thời mang những tính chất riêng chỉ có của thể loại tiểu thuyết.

  • VĂN TÂMNhà thơ Bằng Việt (tên thật Nguyễn Việt Bằng) tuổi Tỵ (1941) quê "xứ Đoài mây trắng lắm", là một trong những thi sĩ bẩm sinh của thơ ca Việt hiện đại.

  • THANH THẢOHoàng Phủ Ngọc Tường có tập thơ "Người hái phù dung". Hoa phù dung sớm nở tối tàn, vẫn là loài hoa hiện hữu trong một ngày.

  • JOSH GREENFELDNgười Nhật vốn nổi tiếng vì tính bài ngoại của họ, thể hiện qua nghệ thuật cắm hoa và trà lễ. Tuy nhiên cũng từ rất lâu rồi nhiều nhà văn Nhật Bản vẫn quyết liệt phấn đấu mong tìm kiếm một chỗ đứng đáng kể trên các kệ sách của các thư viện nước ngoài. Họ làm thế không chỉ vì có nhiều tiền hơn, danh tiếng hơn mà còn vì một điều rằng những ai có tác phẩm được dịch nhiều ở nước ngoài thì sẽ được trân trọng, chờ đón ở trong nước!

  • BỬU NAM            Kỷ niệm 200 năm ngày sinh của văn hào Victor Hugo (1802 - 2002)1. Người ta thường gọi Hugo là “con người đại dương”. Bởi sự vĩ đại của tư tưởng và sự mệnh mông của tình cảm của ông đối với nhân dân và nhân loại, bởi sự nghiệp đồ sộ của ông bao hàm mọi thể loại văn học và phi văn học; bởi sự đa dạng của những tài năng của ông in dấu ấn trong mọi lĩnh vực hơn hai thế kỷ qua trong nền văn học và văn hóa Pháp. Đến độ có nhà nghiên cứu cho rằng: Tất cả những vấn đề lớn của nhân loại đều hàm chứa trong các tác phẩm của Hugo như “tất cả được lồng vào tất cả”.

  • LẠI MAI HƯƠNGTiểu thuyết Những người khốn khổ có một số lượng nhân vật nữ rất đông đảo, nhưng mỗi nhân vật mang một sức sống riêng, một sinh lực riêng bởi nghệ thuật xây dựng các nhân vật này không hoàn toàn đồng nhất. Bài viết sẽ đi vào khảo sát một số nữ nhân vật tiêu biểu, bước đầu thử tìm hiểu thủ pháp xây dựng và cái nhìn của Hugo đối với loại nhân vật này.

  • PHẠM THỊ LYTôi viết những dòng này vì biết rằng giáo sư Cao Xuân Hạo sẽ không bao giờ trả lời bài viết của một tác giả như anh Phạm Quang Trung và những gì mà anh đã nêu ra trong bài "Thư ngỏ gửi Giáo sư Cao Xuân Hạo đăng trên Tạp chí Sông Hương số 155, tháng 1-2002.

  • LÝ HOÀI THU“Hoàng Hà nhớ, Hồng Hà thương” ( *) (nguyên bản: Hoàng Hà luyến, Hồng Hà tình) là tác phẩm hồi ký của bà Trần Kiếm Qua viết về lưỡng quốc tướng quân Nguyễn Sơn và đại gia đình Trung Việt của ông. Bằng sức cảm hoá của những dòng hồi ức chân thực, tác phẩm của phu nhân tướng quân đã thực sự gây xúc động mạnh mẽ trong lòng bạn đọc Việt .

  • NGUYỄN BÙI VỢICách mạng tháng Tám thành công, Phùng Quán mới 13 tuổi. Mồ côi cha từ năm 2 tuổi, cậu bé sinh ra ở làng Thuỷ Dương xứ Huế chỉ được học hết tiểu học, sáng đi học, chiều giúp mẹ chăn trâu, có năm đi ở chăn trâu cho một ông bác họ.

  • TRẦN HUYỀN SÂM Người tình là một cuốn tiểu thuyết hiện đại nổi tiếng của M.Duras. Tác phẩm đoạt giải Goncourt 1984, và đã từng gây một làn sóng xôn xao trong dư luận. Người tình được tái bản nhiều lần và được dịch ra nhiều thứ tiếng khác nhau trên thế giới. Tác phẩm cũng đã được chuyển thành kịch bản phim 1992 (qua đạo diễn Jean-Jacques Annaud).

  • ĐÀO NGỌC CHƯƠNGCho đến nay những ý kiến về phương diện thể loại của tác phẩm Chơi giữa mùa trăng của Hàn Mặc Tử vẫn chưa thống nhất. Theo Trần Thanh Mại, đó là bài văn xuôi: “Nay xin đơn cử ra đây một vài đoạn của một bài văn xuôi của Hàn để chứng tỏ thêm cái sức cảm thụ vô cùng mãnh liệt ở nơi nhà thơ lạ lùng ấy.