Tâm sự của các nhà giáo "kép"

15:16 08/09/2008
LTS: Do đặc trưng nghề nghiệp nên mỗi nhà văn đều có thiên chức một nhà giáo. Bởi vậy, những người vừa là nhà giáo vừa là nhà văn thì đều có thể gọi họ là những nhà giáo kép.Nhân ngày nhà giáo Việt Nam, Sông Hương trân trọng giới thiệu một số ý kiến của các nhà giáo "kép" ở Huế nói về cái nghiệp dĩ riêng mang tính xã hội cao của họ.


- Nhà văn TÔ NHUẬN VỸ (nguyên giáo viên Trường cấp III Hậu Lộc, Thanh Hoá)

* Xem "lý lịch trích ngang" của anh trong cuốn "Nhà văn hiện đại Việt " thấy ghi "1964 - 1965: giáo viên trường cấp III Hậu Lộc - Thanh Hoá"... Quãng thời gian "làm thầy" ngắn ngủi này có vị trí như thế nào với cuộc đời của anh?
Tuy ngắn nhưng có một vị trí rất đặc biệt đối với cuộc đời của tôi. Hè 1964, tôi tốt nghiệp khoa Văn - Sử trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Cả một thế hệ thanh niên miền Bắc lúc đó, nếu được "chấm" đi chiến đấu ở chiến trường B (miền Nam), thì đó là niềm tự hào lớn lao nhất. Tôi và Nguyễn Khoa Điềm được gọi đi khám sức khoẻ để trở về quê hương chiến đấu! Đau đớn thay, Nguyễn Khoa Điềm được đi, còn tôi bị loại vì mắt đang bị "viêm màng tiếp hợp mùa xuân"! (thật khôi hài, cái "mùa xuân" chết tiệt này đã dập vùi khát vọng của tôi lúc đó!). Phạm Tiến Duật, Tô Hoàng... cũng được khoác áo lính vô chiến trường. Tôi quá buồn, chỉ mong được phân về công tác nơi nào đó gần Huế nhất. Thời ấy, sinh viên nào lọt vào khoảng 5 "xuất" tốt nghiệp giỏi nhất của lớp, sẽ được chọn nhiệm sở (trừ Hà Nội). Tôi nhớ là tổ chức nhà trường cho tôi chọn một trong những nơi là Sơn Tây, Định, Thanh Hoá và Quảng Bình. Tôi chọn Quảng Bình, nhưng Trường cho biết, Quảng Bình cần 2 "xuất" văn - sử mà đã có đủ người về rồi.
- Thanh Hoá còn không?
- Còn.
Tôi về Thanh Hoá. Thấy tôi có vẻ được (có lẽ qua "trích ngang"), lại thuộc diện chính sách, Ty Giáo dục muốn giữ lại trường Lam Sơn ở thị xã. Nhưng tôi biết, ở Hậu Lộc vừa thành lập trường cấp III, học đã hơn tháng nay rồi mà chưa có 1 giáo viên xã hội nào về cả, toàn học Toán, Lý, Hoá! Tôi xin về Hậu Lộc, lúc đó đang học nhờ trường cấp II ở Chợ Phủ. Và cả tháng sau đó, tôi dạy cả mấy môn Văn, Sử, Địa cho lớp 8 (mà trường cũng mới chỉ có 2 lớp 8). Tôi lại làm Bí thư đoàn Trường nữa. Những tháng ngày đó, tôi và học sinh chan hoà, gắn bó với nhau trong tình thầy trò, anh em, đồng chí. Nghèo khó mà trong sáng và cao cả trong dạy và học, trong khát vọng sống có ích. Năm ngoái, khi gặp lại nhóm học sinh lớp 8 ngày ấy xưa ấy (ở thành phố Thanh Hoá và Hà Nội), có em hỏi "chúng em đố thầy biết, chúng em quý thầy điều gì nhất không?". Tôi nói, ngày ấy tôi cũng còn trẻ con như mấy em, đã có gì đáng kể. Các em cười "cứ nói đến Cách mạng, đến Tổ quốc và quê hương trong người thầy cứ như có lửa thầy ạ". Rồi các em kể buổi tôi giảng bài thơ "Tổ quốc có bao giờ đẹp thế này chăng" của Chế Lan Viên, kể về mấy đêm dẫn đội tuyên truyền của Trường lên
Hàm Rồng, về Đò Lèn... khi máy bay Mỹ vừa thả bom nát cả vùng Hoàng Anh đầu cầu Hàm Rồng và Cầu Đò Lèn vừa bị đánh sập, kể về bài báo những đêm sục sôi ấy của tôi đăng ở báo Giáo dục, kể về buổi giảng đầu tiên ở lớp 9 mà sau giờ đó tôi khoác balô ra luôn xe đi tập trung để vào chiến trường, cả lớp khóc và bỏ học... Rồi một em nay là giáo viên của Trường Đại học Kinh tế Quốc dân kể, thầy đi được vài tháng thì em cũng đi. Em làm lái xe vận tải, chạy cung đường Tây Thừa Thiên của thầy đó. Chết chóc, bom lửa kinh lắm thầy ơi - Mà cứ nghĩ đang ở đất quê của thầy đây, lại cắn răng cho khỏi run! Rồi một em, nay phụ trách 1 cơ quan truyền thông của Thanh Hoá tâm sự về những ngày đơn vị em đánh Thượng Đức. Anh hùng thì cũng lắm mà ghê khiếp thì cũng kinh lắm thầy ạ. Đã có lúc em hoảng quá, lính mới tò te đã biết gì tính "Bê quay" nhưng giật mình nghĩ lỡ đi dọc đường gặp thầy, thầy cũng đang ở đâu đây thì phải, thì làm sao, chui xuống đất à? Lại "thôi", cũng nhờ thầy đấy thầy ạ.
Các em ngồi quanh tôi, ấm cúng, nối nhau kể chuyện ngày xưa. Mà đầu ai cũng bạc cả rồi, cũng có cháu nội cháu ngoại cả rồi, "chỉ có thầy là cha già con cọc!" - lại cười ran. Bây giờ đã về hưu, đứa là chuyên viên khoa học, đứa đại tá, đứa trưởng khoa, đứa viện trưởng,... nhưng vẫn ồn ào, ríu rít như những ngày lớp 8 ngày xưa ấy. Chúng em cảm ơn "cái vụ chung kết sinh viên 2000", mà thầy ngồi trong Ban giám khảo, úi giời ơi, lúc đó chúng em mới hết bán tín bán nghi, đúng ông Tô Nhuận Vỹ là thầy Quảng rồi, đúng thầy Tô Thế Quảng rồi! Vậy mới "nối mạng" được chính thức với thầy. Ngày nhà giáo năm ngoái, bưu điện xe đẹp người đẹp đưa tới một lẵng hoa lớn, phải nói là đài hoa mới đúng, anh em Sở Ngoại vụ tưởng họ nhầm lẫn nhưng khi thấy băng chữ "Kính tặng thầy Tô Nhuận Vỹ..." mới ớ ra. Ngày đó, nhà tôi là 1 nhà giáo đã 30 năm dạy đại học, dĩ nhiên có nhiều bó hoa, lẵng hoa tươi thắm của sinh viên tặng. Nhưng giữa cả một nhà hoa hôm ấy, đài hoa của các em Hậu Lộc tặng, vẫn được nhà tôi và con gái tôi để ở trung tâm, nơi đẹp nhất của căn nhà bé nhỏ của chúng tôi.

- Nhà văn BỬU Ý (nguyên Trưởng khoa tiếng Pháp – ĐHSP Huế)

* Về một số vấn đề chung quanh học và dạy tiếng Pháp
Trước hết học tiếng Pháp hay học văn học Pháp không phải chỉ giới hạn vào đất nước Pháp, mặc dù hiểu biết thêm về một đất nước khác tự nó đã giúp ta mở rộng thêm tầm nhìn và kiến thức.
Học tiếng và học văn một nước ngoài giúp ta hiểu thêm về tiếng và văn của chính nước ta. Đó là hiện tượng tương tác, giao thoa và thẩm thấu của hai ngôn ngữ.
Đây là một sự trau dồi lâu năm, cần bắt đầu từ cấp I. Dạy ở cấp I đặc biệt khó vì trí óc của trẻ con không vận động bằng tiếng Pháp như trẻ con Pháp. Bởi đối tượng là trẻ con, về mặt phương pháp, người dạy nên ít dùng lý luận, luận giải, mà bù lại, nên dùng phương pháp lặp lại, lặp lại nhiều lần một cách nói, hoặc lặp lại dưới những cách nói biến đổi, để ghi khắc những quán tính nơi trẻ con.
Ở cấp I, người dạy nên mất thì giờ nhiều hơn về phát âm, luyện giọng.
Bộ Giáo dục và Sở Giáo dục không nên quá khắt khe về giáo trình và giáo án đối với người dạy. Bởi lẽ giáo trình và giáo án nhắm vào chủ đề và bài khóa, mà chủ đề và bài khóa ở cấp tiểu và trung học không phải là trọng tâm của việc học và dạy ngoại ngữ, trọng tâm trước sau vẫn là trau dồi và ôn tập 4 kỹ năng: nghe, nói, đọc, viết.
Sách giáo khoa tiếng Pháp cho các cấp I, II, III tạm ổn (có lẽ ngoại trừ cấp I sách soạn hơi khó cho người dạy lẫn người học), nhưng chung quy không nên quá băn khoăn về sách này hay sách khác, miễn sao tiếng Pháp được soạn thảo trong đó là thứ “tiếng Pháp chính hiệu” là được.
Về phương pháp học tiếng Pháp, từ xưa đến nay lưu truyền và đổi mới nhiều phương pháp khác nhau, nhưng trước khi chọn lựa tích cực, phải bài trừ triệt để ngay từ đầu cái phương pháp dùng sách tiếng Việt dịch từ những sách giáo khoa tiếng Pháp; phương pháp này vô cùng nguy hại vì nó xóa nhòa tất cả các đặc điểm về từ ngữ, cấu trúc, ngữ pháp của tiếng Pháp, và chỉ ra ngủ người học vào một tràng tiếng Việt không còn tăm tích tiếng Pháp. Phương pháp tốt nhất là tiếp cận ngôn ngữ tại nguyên gốc, luôn cả trong cách đọc và nghe, và tiếp cận ngôn ngữ trong ngữ cảnh.
Phương pháp nhắm tới hiệu quả. Và hiệu quả đạt được theo mức tiên tiến, và tùy thuộc rất nhiều vào chủ thể người dạy và đối tượng người học. Do đó phương pháp cần linh động không ngừng khi người dạy “lấy người học làm trung tâm”. Phương pháp gộp luôn một số kỹ thuật cần điều động từng khi: nhịp độ nhanh chậm, liều lượng tiếng Pháp và tiếng Việt (tiếng Việt không nên tuyệt đối gạt ra ngoài), lặp lại dưới nhiều hình thức khác nhau.
Cần chăm lo cho học sinh từ các cấp trung học để làm thế nào, lên đến đại học, chỉ còn những môn học chuyên sâu về nội dung tư tưởng, trao đổi thảo luận và nghiên cứu khoa học, không còn lận đận lẩn quẩn với các kỹ năng, cấu trúc, ngữ pháp nữa.
Về bộ môn tiếng Pháp tại đại học, rõ ràng là còn nhiều vấn đề. Nội dung các môn học còn bất cập, thiếu tính đại học, còn non yếu quá. Nếu cứ tiếp tục đèo bòng chương trình tầm cỡ này thì khó lòng nói đến sự tương đương giữa người với ta.
Sách giáo khoa vừa sơ sài vừa chỉ nhắm vào các kỹ năng, phía chức năng phân tích, tổng hợp, đối sách, bình phẩm... trong não bộ của sinh viên bị bỏ trống. Muốn bổ trợ vào các khiếm khuyết này, người dạy phải có nội lực và óc sáng tạo.
Thời lượng hàng tuần, hàng năm đã không đủ lại còn chịu tác động của các môn chung. Do đó, có một số bộ môn hầu như bị dẹp bỏ: nghị luận, thảo luận, đọc và nghiên cứu tác phẩm. Một số bộ môn khác có tính nâng cao hoàn toàn vắng mặt: phê bình, môi trường học, văn hóa, nghiên cứu khoa học...
Văn học là một bộ môn nhất thiết phải học mà phải học nhiều hơn, kỹ hơn là đàng khác ở đại học, bởi lẽ đơn giản: nó là một môn học có tính đại học, giúp sinh viên tiếp cận với những tư tưởng đáng giá, những cách diễn đạt hay, để trau dồi luyện tập, và từ đó tự trang bị để bước vào văn học của ta.
Dịch tác phẩm lâu nay vẫn còn là một hoạt động rời rạc và ít hiệu quả, do thiếu liên tục trong dây chuyền thao tác: chọn tác phẩm và chọn người dịch, quảng cáo, phát hành, phổ biến, đọc sách hoặc phê bình sách..., và do thiếu liên kết hoạt động giữa nhà xuất bản và các phương tiện truyền thống (báo, đài phát thanh, vô tuyến truyền hình, các diễn đàn tại trường học cơ quan...)
Các vấn đề về dạy và học tiếng Pháp, và riêng về bộ môn văn học, vẫn còn nhiều và gần như nguyên vẹn từ lâu nay. Các trường học và những người dạy học cần có một biên độ hành động mới truyền thụ một cách có kết quả.

- Nhà văn NGUYỄN THỊ BÍCH HẢI (TS - Trưởng khoa Trung văn Trường ĐHSP Huế)

*Có một quan hệ tương đồng nào giữa văn học Trung Quốc hiện đại và văn học Việt Nam hiện đại không?
Câu trả lời trước hết là: Có!
Tôi tin rằng nếu có quan tâm đến văn học Trung Quốc và văn học Việt hiện đại thì chúng ta có thể nhất trí với câu trả lời ấy.
Còn như mức độ và tính chất của “mối quan hệ tương đồng” ấy như thế nào thì lại là một vấn đề rất phức tạp, không dễ gì nói hết được trong phạm vi một “cuộc trao đổi”.
Là một người có quan tâm đến văn học Việt Nam và văn học Trung Quốc hiện đại, bản thân tôi cũng có một số suy nghĩ về vấn đề này.
Trước hết, theo tư duy suy lý thông thường, do đặc điểm địa lý, lịch sử và văn hóa, giữa nước ta và Trung Quốc có mối quan hệ từ lâu đời và liên tục, tất nhiên trong văn học cũng có mối quan hệ tương đồng và gần gũi.
Nhưng điều quan trọng là thực tế.
Văn học hiện đại nước ta được tính từ năm 1930 (có ý kiến cho rằng nên tính từ năm 1932), còn ở Trung Quốc thì quan niệm chung là tính từ năm 1919. Sự gần gũi về mốc thời gian (cách nhau chỉ khoảng 10 năm) không phải là không có ý nghĩa.
Điểm tương đồng thứ nhất là bước vào thời kỳ này, trong văn học Trung Quốc và Việt đều diễn ra quá trình hiện đại hóa văn học. Do nhu cầu nội tại của nền văn học, cũng là do cuộc tiếp xúc đại quy mô với văn hóa và văn học phương Tây, quá trình hiện đại hóa văn học là một điều tự nhiên và tất yếu. Sự hiện đại hóa này trong văn học Việt và văn học Trung Quốc đều diễn ra một cách có hệ thống, ở các cấp độ chính của văn học: quan niệm nghệ thuật, thể loại và ngôn ngữ. Về ngôn ngữ, ở Trung Quốc thì bạch thoại thay thế văn ngôn, ở Việt Nam thì chữ Hán và chữ Nôm được thay thế bởi chữ Quốc Ngữ. Nói chung là sự hiện đại hóa đều gặt hái được thành công.
Trong thế kỷ XX, trên đại thể, Việt và Trung Quốc có sự tương đồng về hình thái xã hội và có lẽ là cả về ý thức hệ, quan niệm thẩm mỹ. Và, “mối quan hệ tương đồng” trong văn học cũng là điều ta dễ nhận thấy; chẳng hạn như: mặc dù thời điểm có thể khác nhau, nhưng ít nhiều cũng cùng trải qua sự vận động từ văn học giải phóng dân tộc sang văn học xã hội chủ nghĩa...
Có lẽ điều chúng ta quan tâm là văn học 25 năm cuối thế kỷ XX. Giai đoạn này ở nước ta là từ 1975, ở Trung Quốc là từ 1976. Có thể có người cho rằng cuối thế kỷ XX văn học Việt và văn học Trung Quốc theo 2 lối khác nhau cho nên không có quan hệ tương đồng.
Bằng một cái nhìn lịch sử, chúng ta thấy rằng từ thế kỷ thứ X đến thế kỷ thứ XIX văn học Việt Nam và văn học Trung Quốc là 2 nền văn học độc lập, “Nam quốc sơn hà Nam văn cư”(1) nhưng “Nam văn” vẫn có một số điểm tương đồng với Bắc văn (“một số điểm” chứ không phải là tất cả).
Vậy thì trong 25 năm cuối thế kỷ XX, giữa 2 nền văn học độc lập này có “mối quan hệ tương đồng” nào không? Xin cung cấp một vài tư liệu để bạn đọc tự nhận xét:
25 năm cuối thế kỷ XX, văn học Trung Quốc vận động với nhịp độ rất nhanh, với sự “gối sóng” của 5 trào lưu chính:
- “Văn học vết thương”: Viết về những tai họa và khổ đau mà đất nước và nhân dân Trung Quốc phải chịu đựng trong “Cách mạng Văn hóa”.
- “Văn học phản tư”: là sự “suy ngẫm lại” về những nguyên nhân dẫn đến “vết thương” sâu nặng trong tâm hồn dân tộc, tưởng như một “trò đùa” ngẫu nhiên của lịch sử, nhưng thực ra nó có nguyên nhân sâu xa từ trong văn hóa truyền thống và tâm linh của con người.
- “ Văn học cải cách”: ủng hộ và ca ngợi công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
- “ Văn học tầm căn”: Tìm về cội nguồn văn hóa dân tộc. Khi “cải cách mở cửa”, văn hóa phương Tây được nhập khẩu ào ạt, có nguy cơ phá vỡ những giá trị văn hóa, đạo đức, thẩm mỹ truyền thống. “Văn học tầm căn” là một sự “trở về” tìm lại những nhân tố tích cực trong mấy ngàn năm văn hóa để làm điểm tựa cho việc xây dựng một “nền văn học hiện thực xã hội chủ nghĩa mang màu sắc Trung Quốc”.
- “ Văn học tiên phong”: là trào lưu bắt đầu từ thập kỷ cuối cùng của thế kỷ trào lưu này chủ trương tiếp nhận các nguồn ảnh hưởng từ bên ngoài để thực hiện một sự cách tân nền văn học. Đội ngũ tác giả của “Văn học tiên phong” là những nhà văn trẻ (nhiều người ở lứa tuổi 20) đầy nhiệt tình và tài năng. Kết quả của sự cách tân này như thế nào thì ngay ở Trung Quốc cũng chưa có sự tổng kết và lời kết luận; mà nói như nhà thơ Lỗ Lê thì “Còn đợi sự phán xét của ông già thời gian”.
Bản thân tôi thì nghĩ rằng: chủ trương xây dựng một “nền văn học hiện thực xã hội chủ nghĩa mang màu sắc Trung Quốc” chứng tỏ bản lĩnh của văn học Trung Quốc:
Nhận ra mình, tự tin ở mình và dám là mình.
Có lẽ đây là điều đáng để cho chúng ta suy nghĩ.
---------------------------
(1) Xin mượn cách nói trong “Bản tuyên ngôn độc lập đầu tiên” của dân tộc ta để nói về văn chương.

- Nhà văn PHẠM PHÚ PHONG (Chủ nhiệm bộ môn Lý luận văn học –
Báo chí- ĐHKH Huế)

* Xin anh cho biết suy nghĩ của anh về tình hình lí luận phê bình văn học ở nước ta hiện nay?
Câu hỏi quá lớn vượt ra tầm theo dõi của một người giảng dạy và có ít nhiều tham gia vào lĩnh vực phê bình văn học ở một tỉnh lẻ như tôi. Tuy nhiên, như người ta vẫn thường nói văn chương không có tỉnh lẻ, không có đại gia mà là tài sản chung của mọi người. Do vậy, nhìn lướt nhanh qua tình hình nghiên cứu lí luận phê bình văn học nước ta từ những người mở đầu như Phê bình và khảo luận của Thiếu Sơn, Việt Nam văn học sử yếu của Dương Quảng Hàm đến nay, quả là khó tìm đâu ra những nhà phê bình văn học có bản lĩnh để lại dấu ấn trong lịch sử văn học như những Hoài Thanh, Vũ Ngọc Phan, Thiếu Sơn, những năm 30-45 của thế kỷ trước... Vì sao vậy? Là vì ở nước ta không có nhà phê bình chuyên nghiệp. Xuất thân của họ là nhà giáo tham gia phê bình, nghiên cứu là để phục vụ cho công việc giảng dạy. Đến khi công việc “tự nguyện” này không được người ta chú ý (và thực chất với nhiều người cũng chưa đạt được gì làm người ta phải bận tâm chú ý) đã vội vàng trốn tránh phê bình nhảy hẳn qua nghiên cứu văn học. Thành tựu nghiên cứu văn học ở nước ta tuy thu hút đông đảo người có học hàm, học vị hẳn hoi, trở thành các đại gia có năng lực phán quyết nhiều điều cho nền văn học nước nhà nhưng lại là thành tựu thấp, rất hạn chế. Bởi lẽ, phê bình văn học không có thì lấy gì để nghiên cứu? Do vậy, lí luận phê bình văn học nước ta ít tác dụng đến sự phát triển của nền văn học.
Một sáng tác được xuất bản mong có dăm ba bài điểm sách, đọc sách trên các báo, vậy là yên tâm rồi. Người ta coi các bài đó là phê bình văn học và hình thành nên một nền phê bình văn học điểm sách. Đó là quan niệm hết sức sai lầm đang phổ biến ở nước ta. Nguy hiểm hơn nữa là hiện nay đang xuất hiện một xu hướng phê bình văn học theo kiểu bám từ, thực chất là không hiểu gì về nghệ thuật, chiếm lĩnh diễn đàn khá lâu và có xu thế áp đảo. Phê bình văn học vừa là khoa học, vừa là nghệ thuật, nó là một nghề vừa do thiên phú, có tư chất, lại phải được đào tạo rèn luyện chứ có phải ai cũng làm được đâu. Lâu nay, ta thấy hình như biết chữ, biết đọc sách là nhảy vào “trận địa” phê bình. Văn chương là trò chơi chữ nghĩa, mọi người có thể thưởng thức cuộc chơi, nhưng nếu muốn tham gia cuộc chơi phải học luật chơi. Bằng không, sẽ lạc lối giữa nghĩa địa ngôn từ. Đọc ngôn ngữ để tìm cái hồn của nó, là thế giới hình tượng chứ không phải là ngữ nghĩa của ngôn từ. Chẳng hạn lâu nay có nhà phê bình cứ nhắc lui nhắc tới câu thơ của Nguyễn Khắc Thạch:
                        “Đôi khi ta muốn là kiếp chó
                        Tru lên cho đỡ vắng, người ơi!”
Phải hiểu hình tượng chứ không được bám từ. Khi Xuân Diệu nói “Tôi là con chim đến từ núi lạ, ngứa cổ hót chơi...” thì không có nghĩa ông là con chim. Nếu cứ bám vào từ để phân tích có thể chê tất cả. Đọc mà bám vào từ là không biết đọc. Đừng tưởng ai biết chữ cũng biết đọc. Có người viết hết cuốn sách này đến cuốn sách nọ mà không biết chữ. Có người chê hết cuốn sách này đến cuốn sách khác mà không biết đọc. Khi người ta có nỗi buồn, nhất là với tâm hồn của nhà thơ, không biết tỏ cùng ai, người ta có nhu cầu gào lên, tru lên sao cứ nỡ bắt người ta vui lên được? Còn nhiều trường hợp phê bình thơ Thanh Thảo, văn xuôi Nguyễn Huy Thiệp, Phạm Thị Hoài, hoặc các trích dẫn cắt xắn từ các công trình nghiên cứu của Hoàng Như Mai, Nguyễn Đăng Mạnh... đều bị phê theo lối thiếu văn hóa đọc như trường hợp phê thơ Nguyễn Khắc Thạch.
* Vâng, thế tình hình lí luận phê bình ở Huế thì sao?
Nhìn chung, theo tôi nó cũng tương tự như cả nước, vì nó là một bộ phận của cả nước. Chỉ có điều ở Huế có khá hơn về đội ngũ vì có hai khoa văn của hai trường Đại học, Huế lại là nơi thu hút nhiều người hướng về...
* Là chủ nhiệm bộ môn Lí luận văn học – Báo chí của Trường ĐHKH, theo anh đào tạo nhà báo cũng tương tự như nhà phê bình văn học?
Không. Không phải thế. Báo chí là một nghề khác tuy cũng là một hoạt động viết lách, lấy chữ nghĩa làm phương tiện, song báo chí là một nghề thực hành chứ không phải lí thuyết, nhà báo phải học từ đời sống thực tiễn nhiều hơn là sách vở. Do vậy không thể đào tạo nhà báo trên bục giảng. Trong khi đó, nhà phê bình lí luận văn học phải gắn liền với sách vở, tư liệu, nhà báo thì phải sống trong môi trường sôi động. Song cả hai cùng có chung một yêu cầu: phải được trang bị một vốn lí thuyết có hệ thống, không được chắp vá như lâu nay, hễ cứ biết chữ là có thể viết báo. Một nền báo chí toàn những người trái ngành, trái nghề, những người làm tay trái thì làm sao tiến kịp báo chí hiện đại thế giới. Nhưng thôi, vấn đề giáo dục đào tạo là vấn đề đang được toàn xã hội quan tâm, tôi chỉ là một người đi dạy học.

- Nhà thơ MAI VĂN HOAN (giáo viên trường Quốc Học Huế)

* Xin thầy cho biết tình hình dạy và học Văn hiện nay và hướng đổi mới sắp tới?.
Tình hình dạy và học Văn những năm gần đây báo chí đã nói quá nhiều. Thực trạng nhiều em học Văn kém và chán học Văn là điều có thật. Có nhiều nguyên nhân nhưng theo tôi nguyên nhân chủ yếu là đội ngũ thầy cô giáo dạy Văn. Cùng lớp đó, cũng những học sinh đó học với thầy cô này thì hứng thú yêu thích môn Văn. Năm sau, đổi cô thầy khác thì chán học Văn. Đến giờ Văn là cả lớp ngồi ngáp lên ngáp xuống. Thầy cô giáo không yêu văn chương, không say mê văn chương thì dù có đổi mới chương trình, phương pháp cũng khó phát huy tác dụng. Tháng 9 vừa rồi tôi được Sở Giáo dục cử đi dự Hội nghị dạy học sinh giỏi Văn tại Hà Nội. Được biết sắp tới bộ môn Văn ở bậc PTTH sẽ có một số cải cách. Môn Văn sẽ đổi thành môn Ngữ văn. Chương trình được xếp theo từng thể loại. Chủ yếu là dạy cách đọc văn và làm văn. Sẽ đưa vào chương trình một số bài thuộc nghị luận xã hội...Đó mới chỉ là dự kiến chắc chắn còn nhiều thay đổi, sửa chữa, bổ sung. Nhưng theo tôi, thầy cô giáo vẫn đóng vai trò quyết định. Gần đây người ta hay nói phương pháp dạy mới là: “lấy học sinh làm trung tâm“. Đó là điều hiển nhiên. Chẳng lẽ dạy học lại lấy bàn, ghế, bảng đen làm trung tâm? Vấn đề là cái đối tượng học sinh ấy khá phức tạp. Có em học khá, giỏi, có em học yếu, kém. Có em chăm học, có em lười học... Tùy theo từng bài, từng đối tượng để vận dụng phương pháp một cách linh hoạt. Không nên áp dụng
phương pháp một cách cứng nhắc, máy móc. Tôi đồng ý là phải dạy theo hướng gợi mở, không áp đặt. Nhưng đâu phải chỉ hỏi - đáp mới có thể gợi mở. Giáo viên nếu biết cách thuyết giảng cũng có thể gợi mở. Không nên xem nhẹ phương pháp này. Tôi có may mắn được nghe một số thầy giáo thuyết giảng rất hay như thầy Hoàng Ngọc Hiến, Nguyễn Khắc Phi, Phùng Văn Tửu, Nguyễn Đăng Mạnh, Hoàng Tiến Tựu, Lê Bá Hán... Chính những giờ thuyết giảng của các thầy càng khơi gợi lòng say mê, hứng thú đối với Văn chương của tôi và nhiều thế hệ sinh viên. Mấy năm lại đây, các trường Sư phạm lấy điểm chuẩn khá cao. Hy vọng các thầy cô dạy Văn tương lai sẽ “chấn hưng” được bộ môn Văn đang sa sút. Thế hệ chúng tôi được đào tạo trong chiến tranh, điều kiện học tập hết sức thiếu thốn, tuổi tác cũng đã cao, trí nhớ và độ nhạy cảm đã suy giảm ít nhiều lại thêm gánh nặng gia đình. Tương lai chỉ còn trông chờ vào thế hệ các thầy cô giáo mới ra trường hoặc đang học trong các trường Sư phạm.
* Trong nghề dạy Văn thầy có bí quyết gì không? . Có bao giờ thầy cảm thấy lúng túng trước những thắc mắc của học sinh?.
Với các em chuyên Văn bí quyết của tôi chủ yếu là dạy theo cách nêu vấn đề rồi thầy trò cùng trao đổi, thảo luận. Đó là những giờ học hết sức hứng thú. Ví dụ dạy bài “Mời trầu“ của Hồ Xuân Hương, sách giáo khoa in “Này của Xuân Hương mới quệt rồi“. Có vị giáo sư bình: “mới quệt“ rất hấp dẫn (!). Tôi nêu vấn đề: Mới quệt hay đã quệt? Mới quệt hợp lí hơn hay đã quệt hợp lí hơn? Vì sao? Và các em tự do trình bày suy nghĩ của mình. Dạy bài “Chữ người tử tù“ tôi đặt vấn đề: Ai là nhân vật chính? Huấn Cao hay viên quản ngục?. Dạy bài “Tống biệt hành “ tôi đặt vấn đề: Người đưa tiễn xưng “ta“ trong bài thơ là bạn trai hay bạn gái?. Quan hệ với người ra đi như thế nào?. Dạy “Thề non nước” của Tản Đà tôi nêu vấn đề: Non đã già hay non chưa già?...Các em tranh luận hết sức sôi nổi. Và đó chính là khởi nguồn nhiều bài viết của tôi in trên các báo Văn nghệ, Giáo dục thời đại, Phụ trương Văn nghệ Quân đội, Văn nghệ Trẻ, Văn học và tuổi trẻ, Văn nghệ thành phố Hồ Chí Minh...Cũng có một vài lần tôi tỏ ra lúng túng trước những băn khoăn, thắc mắc của học sinh. Khi dạy “Tây tiến“ của Quang Dũng có em hỏi tôi: Vì sao “xuôi dòng nước lũ” mà “hoa” lại “đong đưa”? “Hoa đong đưa“ có nhẹ nhàng quá không, lãng mạn quá không trước dòng nước lũ cuồn cuộn, gầm réo? Hay khi dạy bài “Mẹ Tơm“ của nhà thơ Tố Hữu, có em hỏi: “Mẹ Tơm ơn nghĩa với nhà thơ đến như thế (“Buồng Mẹ - buồng tim - giấu chúng con“) vì sao, sau khi hòa bình lập lại (1954), nhà thơ không về ngay Hậu Lộc, Thanh Hóa tìm người mẹ nuôi của mình?. Trong khi đoạn đường từ Hà Nội về Thanh Hóa đi xe đạp chỉ mất hơn nửa buổi, còn đi xe con thì không đến hai tiếng đồng hồ. Sao phải đợi đến bảy năm sau (1961) nhà thơ mới tìm về thăm quê mẹ Tơm?“. Tôi nói với các em là: Nhà thơ lớn của chúng ta đang giữ trọng trách trong bộ máy Nhà nước nên bận trăm công nghìn việc. Song tôi vẫn cảm thấy lấn cấn, còn các em thì tỏ ra không thỏa mãn cho lắm. Phải chăng nhà thơ cũng tự cảm thấy mình có phần vô tâm với mẹ Tơm nên đã viết: “Như đứa con đi biệt xóm làng/ Nửa đời bỗng nhớ bóng quê hương...”. Nửa đời mới nhớ mà chỉ nhớ “bóng” thôi, lại còn “bỗng nhớ“ nghĩa là chợt nhớ ra chứ không phải là cái nhớ luôn dằn vặt nhà thơ?. Điều này may ra chỉ có Tố Hữu mới lí giải một cách thỏa đáng.

               HỒ THẾ HÀ và VĂN NHÂN
thực hiện

(nguồn: TCSH số 165 - 11 - 2002)

 

Đánh giá của bạn về bài viết:
0 đã tặng
0
0
0
Bình luận (0)
Tin nổi bật
  • NGUYỄN QUANG HÀTạp chí sáu tỉnh Bắc miền Trung vẫn duy trì đều đặn hàng năm gặp gỡ giao lưu để cùng tìm cách nâng cao chất lượng tờ tạp chí văn học của địa phương mình. Năm nay, năm 2003 Tạp chí Nhật Lệ đến phiên đăng cai cuộc họp mặt. Khách mời năm nay, ngoài các cơ quan trong tỉnh Quảng Bình, còn có đại biểu của Ban Tư tưởng Văn hoá Trung ương, của Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Việt Nam, của tạp chí Diễn đàn, cơ quan ngôn luận của Hội về dự.

  • NGUYỄN TRỌNG TẠOLTS: Nhà thơ Thu Bồn có nhiều duyên nợ với Huế, với Sông Hương. 20 năm trước, trong dịp TCSH ra đời, anh có mặt ở Huế và viết bài thơ “Tạm biệt” - một trong ít ỏi những bài thơ hay nhất về Huế, 20 năm sau, cũng vào dịp TCSH kỷ niệm tròn 20 tuổi thì anh lại ra đi, ra đi trong lời vĩnh biệt!Thương tiếc nhà thơ tài hoa Thu Bồn, Sông Hương xin trân trọng giới thiệu một vài kỷ niệm vaì tình cảm của bạn bè, đồng nghiệp dành cho anh.                                                                TCSH

  • PHẠM XUÂN NGUYÊNVề chính trị, ông được chữ nhất: Đại biểu quốc hội trẻ nhất (22 tuổi, khóa I năm 1946); Tổng thư ký Hội Nhà văn lâu nhất (1958 – 1989).Về văn nghệ, ông được chữ đa: đa tài, sáng tác nhiều lĩnh vực, và để lại dấu ấn: thơ (Người chiến sĩ, Tia nắng, Sóng reo), văn (Vỡ bờ), kịch (Con nai đen, Nguyễn Trãi ở Đông Quan, Rừng trúc), nhạc (Diệt phát xít, Người Hà Nội), tiểu luận (Mấy vấn đề văn học, Công việc của người viết tiểu thuyết).

  • ...Có 2 từ người Việt Nam hay dùng cho những người làm thuê các công việc cho người khác là: "Lê dương" và "Pắc chung hy". Chả biết từ bao giờ, bạn bè gọi tôi là "Kha lê dương" bên cạnh các biệt hiệu khác như "Kha điên", "Kha voi", "Kha xe bò miên". Là gì thì cũng vẫn là Kha. Thiếu em ư? Đúng ra là tôi không thể sống thiếu tình yêu như một câu thơ tôi đã viết: "Điều khốn nạn là không thể nào khác được - không thể không tình yêu, không tin ở con người"...

  • ... Với giới văn nghệ sĩ thừa Thiên Huế, nhà văn Nguyễn Đình Thi là người anh lớn, rất thân thiết và gần gũi qua nhiều năm tháng. Anh là tấm gương sáng trên nhiều lĩnh vực sáng tác, quản lý, hoạt động phong trào... Đã có nhiều tác động tích cực, ảnh hưởng tốt đẹp cho một số cây bút ở Thừa Thiên Huế; đồng thời đã để lại nhiều kỷ niệm đẹp trong đời sống văn học Thừa Thiên Huế.Sự ra đi của nhà văn Nguyễn Đình Thi là một tổn thất lớn đối với nền văn học nghệ thuật nước nhà, để lại cho chúng ta niềm tiếc thương vô hạn.... Sự nghiệp sáng tạo văn học nghệ thuật của nhà văn Nguyễn Đình Thi vẫn sống mãi với chúng ta!                                 (Trích điếu văn của nhà thơ Võ Quê)

  • ĐÀO DUY HIỆPGiáo sư, nhà giáo ưu tú Đỗ Đức Hiểu đã không còn nữa.Đã vĩnh biệt chúng ta một nhà sư phạm hiền từ, một nhà khoa học khiêm tốn và có nhiều phát hiện, một con người đầy lòng nhân ái, tin yêu cuộc sống và suốt đời đã sống vì cái đẹp của văn chương, nghệ thuật. Mười bảy giờ bốn mươi nhăm phút ngày 27 tháng 2 năm 2003 đã là thời khắc đó – cái thời khắc đã chia cách hai thế giới từ nay âm dương cách trở giữa giáo sư Đỗ Đức Hiểu với chúng ta. Ông đã để lại sau mình một cuộc đời dài nhiều ý nghĩa.

  • NGUYỄN HOÀNGTrong cuộc đời 83 năm của mình, bác sĩ Nguyễn Khắc Viện (BS.NKV) không chỉ một lần tình nguyện đem cuộc đời mình làm... vật thí nghiệm để có được một kết luận khoa học. Lần đầu, nửa thế kỷ trước, tại Pháp, sau 7 lần lên bàn mổ, cắt mất hẳn lá phổi trái, 1/3 lá phổi bên phải và 8 xương sườn (do bị lao mà thời đó chưa có thuốc chữa đặc hiệu), thấy rõ y học phương Tây không cứu được mình, BS. NKV đã vận dụng phương pháp Yoga của Ấn Độ và khí công của Trung Quốc trên cơ sở phân tích sinh lý, tâm lý và giải phẫu cơ thể con người, tự cứu sống mình, hình thành nên phương pháp “dưỡng sinh Nguyễn Khắc Viện” ngày nay.

  • NGUYỄN TRƯƠNG ĐÀNVào dịp Tết Bính Thìn, Tết dân tộc cổ truyền đầu tiên sau giải phóng, Viện Đại học Huế nhận được một bưu thiếp chúc Tết đặc biệt của vị Thủ tướng kính mến thời đó - Thủ tướng Phạm Văn Đồng. Nhà trường đã cho viết to bức thư của Thủ tướng viết sau cánh thiếp lên một tấm bảng lớn, trân trọng đặt tại Hội trường của Viện Đại học Huế.

  • TÔ NHUẬN VỸTôi có một cái va ly nhỏ dùng để đựng những vật kỷ niệm, những thư từ, những bức ảnh quý nhất của mình. Trong số kỷ vật quý giá đó, có bức thư của anh Tố Hữu gửi tôi và anh Hoàng Phủ Ngọc Tường, tháng 3/1987, kèm theo là bài thơ Nhớ về anh được đánh máy trên giấy Pơ luya vàng nhạt, kiểu chữ ở một cái máy nào đó mà  mới nhìn biết ngay là từ một cái máy chẳng lấy gì làm tốt, để "Kỷ niệm lần thứ 80 ngày sinh mồng 7 tháng 4 của đồng chí Lê Duẩn”.

  • LÊ MỸ Ý ghi                (Trích)Khi tôi đến, hai ông đang ngồi chiếu rượu trong căn hộ chung cư sáu tầng cao ngất ngưởng. Căn phòng như được ghép bằng sách. Trên tường, ảnh Văn Cao đang nâng ly và bức sơn dầu "Tuổi Đá Buồn" Bửu Chỉ vẽ Trịnh Công Sơn dựa vào cây đàn ghita ngóng nhìn vô định. Ngẫu nhiên tôi trở thành người hầu rượu, nói đế cho cuộc đối thoại ngẫu nhiên của hai ông...

  • MAI VĂN HOANThầy giáo dạy văn                                      Tặng Mai Văn HoanHộ tập thể nằm trên gác xépCăn phòng thanh đạm, có gì đâu!Một chồng sách cũ, dăm chai nướcMột chiếc bàn con, một bếp dầu...

  • THANH THẢOThái Ngọc San khác với một số người bạn Huế mà tôi chơi: anh ít nói, ít nói đến lặng thinh, ít nói nhiều khi đến sốt cả ruột. Nhưng nhiều lúc, vui anh vui em, rượu vào lời ra, San cũng nói hăng ra phết. Những lúc ấy, cứ nghĩ như anh nói để giải toả, nói bù cho những lúc im lặng.

  • PHAN HỮU DẬTLTS: GS.TS Phan Hữu Dật là người làng Thanh Lương, xã Hương Xuân, huyện Hương Trà, TT Huế, hiện nghỉ hưu tại Hà Nội. Giáo sư từng là Trưởng ban phụ trách Đại học Văn khoa Sài Gòn (1976), Hiệu trưởng Đại học Tổng hợp Hà Nội (1985-1988). Bài viết dưới đây do Giáo sư đọc trong Lễ kỷ niệm 90 năm ngày sinh của nhà thơ Vĩnh Mai (1918-2008), như một sự tri ân đối với người mà Giáo sư xem như là người thầy, người thủ trưởng, người đồng chí... với những tư liệu mới mẻ và góc nhìn thấu đáo. Sông Hương xin trân trọng giới thiệu bài viết này cùng bạn đọc.

  • NGÔ MINHTác phẩm văn học nghệ thuật là sáng tạo của mỗi tác giả hội viên; đồng thời là thước đo hiệu quả hoạt động của Hội trong một nhiệm kỳ. Nói cách khác, tất cả mọi hoạt động của Hội đều hướng về hội viên, hướng về việc làm sao để có những tác phẩm văn học nghệ thuật chất lượng ngày càng cao. Nếu không thì sinh ra Hội để làm gì?

  • NGUYỄN THỊ ANH ĐÀOVà tôi đã rời xa Huế vào những ngày mà chính tôi cũng không muốn một chút nào. Có lẽ, không ai trách được sự sắp xếp và an bài của cuộc sống. Dù rằng Huế đối với tôi là ân nghĩa, là những kỷ niệm khó phai thì rồi cũng phải tự tạ từ. Trong sâu thẳm đáy lòng, khi nhìn những đêm trăng phả xuống thành phố tôi đang sống, tôi lại quay lòng nhớ Huế, dẫu một chút thôi, hơi thở của tôi đã không được đắp bồi bởi Huế.

  • VÕ MẠNH LẬPTôi đọc một bài. Không! Chỉ là một đoạn nhưng vừa đủ ngẫm - mà thú vị. Đó là cô gái với cái tên quen mà lạ. Cô ta phân bày quê chôn nhau cắt rốn xa xa ngoài tê tề. Cha mẹ cô đèo bòng vô ở tại một thị xã miền Trung. Sau cùng cô lại ở Huế học hành, lớn lên, đôi lúc bạn bè xa đến cứ ngỡ cô là Huế ròng.

  • L.T.S: Nhà thơ, nhà báo Thái Ngọc San sinh năm 1947 tại Lệ Thuỷ, Quảng Bình nguyên Thư kí Toà soạn Tạp chí Sông Hương, chuyển công tác qua phụ trách văn phòng liên lạc báo Thanh Niên tại T.T. Huế đã từ trần vào lúc 0giờ 45 phút ngày 25.7.2005 sau một tai nạn giao thông oan nghiệt.Thương tiếc anh, Sông Hương mở thêm trang để bạn bè, đồng nghiệp cùng chia sẻ và thắp nén tâm hươngKhi chúng tôi được tin buồn về anh San thì số báo tháng 8 đã in xong; Tình thế “chữa cháy” này không sao tránh khỏi những bất cập, mong các tác giả cùng quý bạn đọc lượng thứ.

  • L.T.S: Đại hội VHNT Thừa Thiên Huế lần thứ X sẽ được tổ chức vào cuối tháng 8 năm nay. Để đại hội có tiếng nói dân chủ rộng rãi, TCSH xin “dành đất” cho các anh chị hội viên, các bạn đọc quan tâm tham gia ý kiến trao đổi về nghề nghiệp, về hoạt động của Hội, về tổ chức hội v.v...Ngoài các ý kiến đã đăng tải trên số này, chúng tôi sẽ tiếp tục in thêm các ý kiến khác trong số tới

  • ĐÔNG HÀTôi không sinh ra ở Huế, nhưng với tuổi đời chưa quá ba mươi mà đã hơn hai mươi năm sống ở đất Kinh thành, đó cũng một sự gắn bó không thành tên.

  • THU NGUYỆT                (Trích tham luận tại Đại hội VII  Hội Nhà văn Việt Nam)