Thời xa vắng và Sóng ở đáy sông đều là những tác phẩm nổi bật trên văn đàn, được cho là đã mạnh dạn đi trước thời đại, mạnh dạn nhìn vào những ấu trĩ, bê bối, giáo điều của thời xã hội chuyển giao với những tàn dư dai dẳng trong tư tưởng và tâm hồn con người trong xã hội Việt Nam ở cả nông thôn và thành thị. Hai tiểu thuyết gắn với tên tuổi của nhà văn Lê Lựu vừa được "gặp mặt" bạn đọc thế hệ hôm nay với một diện mạo mới.
"Sóng ở đáy sông" bản vừa tái bản của Công ty Sbooks.
Đã khá lâu, những tác phẩm nổi tiếng của nhà văn Lê Lựu chỉ được nhắc đến trong các bản tham luận, các bình luận văn chương, mà không còn trên giá sách của các nhà sách. Những độc giả trẻ tuổi, những độc giả ngày nay muốn tìm đọc các tác phẩm của Lê Lựu chỉ có thể kiếm tìm trên mạng nhưng không thể đầy đủ. Một trong những lí do đó là nhà văn Lê Lựu nhiều năm nay sức khỏe rất yếu, không thể chăm lo đến những tác phẩm của mình.
Với tinh thần quyết tâm nối lại các văn bản chữ nghĩa mang đậm ý nghĩa một giai đoạn, qua lăng kính tài ba của nhà văn Lê Lựu, Công ty Cổ phần Sbooks đã mạnh dạn liên kết với Nhà xuất bản Văn học xuất bản và phát hành bộ tác phẩm của nhà văn Lê Lựu trong đó có hai tiểu thuyết nổi bật Sóng ở đáy sông và Thời xa vắng.
Sóng ở đáy sông kể về cuộc đời của Núi, nhân vật chính, với số phận trượt dài trong tăm tối và những bất hạnh đeo đẳng. Một chuỗi những sai lầm liên tiếp của một cuộc đời Núi - người được sinh ra bởi sai lầm của người cha, sau những lần "không thể kìm hãm trước con ở" "đang thời bừng dậy rừng rực". Một số phận không mong muốn, một khoảng cách không thể kết nối lại gần với những gì được gọi là chính thống, được sự thừa nhận hợp pháp. Nhưng trong mảng màu tối đó vẫn có thể nhìn thấy cuối đường hầm bừng lên vệt sáng. Và người đọc được quyền bước ra vùng sáng rỡ, nơi con người trở về với nguyên bản thiện lương của mình.
“Với lối viết mộc, hiện thực; với những triết lí, ẩn dụ, phúng dụ được nhà văn Lê Lựu sử dụng khá tinh tế và thuần Việt, chắc chắn lớp bạn đọc hôm nay sẽ được bước vào một thời khắc riêng khác, và hình dung về một giai đoạn đầy biến động đã lùi xa...”, đó là tiên liệu của nhà văn Võ Thị Xuân Hà về tiểu thuyết này của Lê Lựu với bạn đọc thế hệ hôm nay.
Sau hàng chục năm, nhìn lại Sóng ở đáy sông, có thể thấy, chiến tranh và một thời kì bao cấp có thể khiến con người ta trở nên vĩ đại hoặc thấp hèn… Với Sóng ở đáy sông, độc giả sẽ được cùng nhà văn trở lại những tháng ngày xưa, khi mà con người còn nhiều định kiến ấu trĩ, lạc hậu; nhưng cũng đầy ấm áp, thuần Việt mà ngày nay chúng ta dường như đánh rơi đâu mất trong không gian sống gắn chặt với mạng xã hội cũng như những bận rộn của đời sống hiện đại.
“Có thể với góc nhìn mới, với những tầng tri thức hiện đại, độc giả ngày nay sẽ nhìn ra những vấn đề khác biệt với lớp độc giả những thập niên trước, sẽ có được tâm thức mới để khai mở lại văn bản câu chữ”, nhà văn Võ Thị Xuân Hà, người cố vấn nội dung của Công ty Sbooks, cũng là người có nhiều nỗ lực đưa tác phẩm của Lê Lựu tái ngộ công chúng cho biết.
Sóng ở đáy sông đã từng được chuyển thể phim truyện truyền hình (đạo diễn Lê Đức Tiến, Trung tâm Sản xuất Phim truyền hình, Đài Truyền hình Việt Nam). Là bộ phim truyền hình ăn khách vào năm 2000, Sóng ở đáy sông đã lấy đi rất nhiều nước mắt của khán giả; đã tạo dựng tên tuổi cho một dàn diễn viên mới nổi tiếng như Xuân Bắc, Kim Oanh… Đến nay, dù đã giữ cương vị Giám đốc Nhà hát kịch Việt Nam nhưng nhiều khán giả vẫn nhớ và định danh Xuân Bắc với vai Núi của Sóng ở đáy sông trong bộ phim chuyển thể từ tác phẩm cùng tên của Lê Lựu.
Tương tự Sóng ở đáy sông, Thời xa vắng cũng là tác phẩm đã được chuyển thể thành phim điện ảnh của Lê Lựu. Nhưng khác với Sóng ở đáy sông với bối cảnh phố thị, Thời xa vắng mang dáng dấp của nông thôn Việt Nam thời trước đổi mới. Bối cảnh tiểu thuyết cũng diễn ra trong giai đoạn chuyển giao quan trọng của xã hội; song lại khác ở một điểm, ấy là ngay từ lúc vào truyện, tác giả đã đẩy ra một bầu không khí tù túng, u ám, xam xám, ít ánh sáng và dường như chỉ là một bức tranh nhòe màu đã cũ. Bầu không khí nặng nề này bao trùm lấy toàn bộ làng Hạ Vị vào thời điểm đó, dẫn độc giả đi theo bước chân nhân vật bằng hình ảnh cả một dòng họ nháo nhào với biết bao nhiêu giáo điều tới từ người cha thuộc về xã hội cũ - cái xã hội thực dân nửa phong kiến. Cha của nhân vật chính Giang Minh Sài là một ông đồ nên càng để ý tới nề nếp gia đình, làm bất cứ điều gì cũng phải để ý tới thể diện. Ở điểm này, ông khá giống với cha của Núi, cùng là những người gặp cơn chấn động bất ngờ khi chế độ cũ sụp đổ, ngơ ngác trước thời đại mới, cơ chế mới, chưa kịp phản ứng lại bất cứ điều gì, và cũng đã quá già để tiếp nhận những gì mới hơn.
Cuộc đời của Giang Minh Sài bị đóng đinh trong những định kiến, trong những sắp đặt vô tình hay hữu ý của cá nhân và xã hội, nhưng quan trọng là trước những tác động ấy dường như không có một phản kháng nào từ anh, bởi lựa chọn của Sài là “hãy im lặng chịu đựng". Bóng ma số phận bắt đầu từ cuộc hôn nhân ép buộc từ khi còn là một cậu bé "ăn chưa no, lo chưa tới" khiến những ám ảnh theo Sài tới mãi về sau này. Khi vào bộ đội, Sài được thuyên chuyển khắp nơi, rồi tới tận lúc hòa bình, Sài vẫn không thực sự có được hạnh phúc của riêng mình. Bản chất của Sài mang tâm hồn nghệ sĩ, có tư tưởng thoát li thực tế, khi không thể thỏa mình vùng vẫy trong hiện thực, Sài lại dầm mình vào những cơn tưởng tượng bằng cách ghi nhật kí, rồi chính cuốn nhật kí ấy khi bị đơn vị phát hiện đã làm hại anh, bị đọc trộm, bị lôi ra để lấy làm bằng chứng kỉ luật Sài.
Giá như Sài có thể quyết liệt hơn, giá như Sài biết được rằng một bước đi sai thời tuổi trẻ đã khiến cả cuộc đời mình trở nên trống rỗng, tay trắng lại hoàn tay trắng. Bi kịch khi con người rơi vào hoàn cảnh sống do người khác quyết định, cho dù “những người khác” đó là cha mẹ anh em bà con chòm xóm của mình là những vấn đề còn nguyên tính thời đại, có thể soi chiếu vào những mảnh đời, những thân phận của hôm nay, trong những bi kịch của thời đại mới đổ trùm lên mỗi cá nhân. Như cảm nhận của tác giả trẻ Phạm Giai Quỳnh khi đọc tác phẩm bản tái này của Lê Lựu: “Thời đại ấy tuy đã trôi qua, tưởng như tiêu biến, nhưng trong chính xã hội hiện đại này, nó lại hiện ra theo một kiểu khác và vẫn với những ánh mắt nhìn chòng chọc vào ta, để phán xét, để đánh giá. Trong vòng xoáy ấy, chẳng biết có bao nhiêu nạn nhân như vậy, có bao mảnh đời tương tự vĩnh viễn sống trong nỗi sợ hãi và bế tắc, cuối cùng chìm khuất với thời gian”.
Thời xa vắng khi xuất hiện đã được cho rằng, nhân vật chính có nhiều nét tiểu sử tương đồng với chính tác giả. Tiểu thuyết này cũng đã được nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên nhìn nhận: “Công cuộc đổi mới đất nước vừa được mở ra thì ngay lập tức văn học đã ghi được dấu ấn bất ngờ bằng tác phẩm Thời xa vắng của Lê Lựu. Ông viết từ mình, rút ruột mình ra mà kể chuyện mình, chuyện một người nhưng là chuyện của nhiều người, chuyện của một thế hệ, chuyện của một thời. Cái thời đó tác giả gọi là “thời xa vắng” nhưng thật ra vẫn chưa qua. Đó là cái thời nhân vật Giang Minh Sài sống không phải là mình, nửa đời trước sống cho cái mình không có, nửa đời sau sống chạy theo cái không phải của mình”.
Được Lê Lựu hoàn thành bản thảo từ năm 1984, Thời xa vắng như một tiếng chuông được đánh lên ở thời điểm đất nước đang bước vào công cuộc đổi mới, mọi thứ còn bỡ ngỡ và cái sự nhìn lại dường như chưa đủ độ lùi thời gian để những người viết làm điều đó, thì nó đã hiện diện sừng sững trong tác phẩm của Lê Lựu. Tiếng chuông mà Thời xa vắng cất lên đó vẫn còn ngân mãi, vọng mãi đến những năm tháng sau này ở những cung bậc khác nhau.
Thời xa vắng đã được đón đọc nồng nhiệt những năm qua, có lẽ bởi nhiều người đọc đã thấy mình trong đó. Còn ở phía những người làm nghiên cứu, phê bình, nó đã được giới phê bình coi là tác phẩm mở đầu cho một xu hướng của văn học đổi mới - xu hướng nhận thức lại thực tại.
“Có lẽ Thời xa vắng có sức sống bền lâu bởi một hình ảnh của nhân vật nông thôn mới bắt đầu thành hình, bởi hồi chuông cảnh tỉnh được gióng lên vào thời kì chớm đổi mới, và vẫn còn vọng ngân đến hôm nay, và cả mai sau…”, về tác phẩm này, nhà văn Võ Thị Xuân Hà nói. Chị cho biết thêm, việc quyết định tái bản tiểu thuyết Thời xa vắng với một diện mạo mới, trong bối cảnh toàn xã hội đang căng mình chống dịch Covid-19, Công ty cổ phần Sbooks mong muốn đóng góp phần nhỏ bé của mình vào đời sống tinh thần xã hội, mong sao đem lại nguồn năng lượng tích cực thiện lương và bản lĩnh sống trong mỗi tâm hồn người đọc hôm nay.
Cả hai tiểu thuyết tái bản lần này đều do họa sĩ Kim Duẩn vẽ bìa.
Theo Thiện Nguyễn - Cầm Kỳ - VNQĐ
Trong dịp kỷ niệm 100 năm Ngày sinh nhà thơ Tố Hữu (4-10-1920 - 4-10-2020), NXB Hội Nhà văn cho ra mắt bạn đọc tập sách dày dặn, công phu và nghĩa tình Tố Hữu - Một đường thơ, một đường đời.
Nhà thơ Vũ Quần Phương cho rằng, người cuối cùng của phong trào Thơ mới vừa từ giã bạn đọc ở tuổi 100 – thi sĩ Nguyễn Xuân Sanh - là người “không để thơ… ngủ quên trên thành công của dòng lãng mạn trước đó”.
Đoàn Ngọc Thu nói rằng chị thích thơ của mình ngày xưa hơn. Những xúc cảm ấy vẫn như còn váng vất trong những vần thơ trong tập “Sau bão” (NXB Hội Nhà văn, 2020).
Ra đời cách đây 25 năm, bộ truyện “Kính Vạn Hoa” của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh có ý nghĩa đặc biệt, khơi luồng gió mới cho văn học thiếu nhi Việt Nam thời kỳ đổi mới, mang đến món ăn tinh thần lý thú bổ ích. Tuy nhiên, quá trình thực hiện bộ sách cũng thử thách những người chọn lựa bước trên con đường dài sáng tạo không ngừng nghỉ.
Nhà thơ Nguyễn Xuân Sanh sinh năm 1920 tại Ðà Lạt, nguyên quán Quảng Bình, lúc nhỏ theo học ở Trường Quốc học Quy Nhơn (cũ), sau đó chuyển ra Hà Nội.
Sáng 22/11/2020, Nhà thơ Trần Đăng Khoa đã thông báo chia sẻ tin buồn cho các nhà thơ và những người yêu thơ đó là nhà thơ tiền bối nổi tiếng Nguyễn Xuân Sanh vừa qua đời.
NXB Văn học giới thiệu “Nghề vương bụi phấn”, tác phẩm thứ ba của tác giả Nguyễn Huy Du, gồm những câu chuyện về tình thầy trò với văn phong mộc mạc, giản dị nhưng lôi cuốn, nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11.
Nhà thơ Nguyễn Xuân Sanh sinh ngày 16 tháng 11 năm 1920, quê gốc thuộc huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình. Ông cũng là một trong những hội viên tiền phong tham gia xây dựng Hội Nhà văn Việt Nam. Năm nay ông tròn 100 tuổi. Hội Nhà văn Việt Nam vừa tổ chức chúc thọ nhà thơ Nguyễn Xuân Sanh tại trụ sở số 9, Nguyễn Đình Chiểu hôm 9/11/2020 với sự tham gia của lãnh đạo Hội, các nhà văn nhà thơ và đại diện gia đình của ông.
“Nẻo vào văn xuôi đương đại Việt Nam” là tập tiểu luận - phê bình của TS Bùi Như Hải, do NXB Văn học ấn hành tháng 9-2020.
Sáng 5-11, Viện Văn học Việt Nam đã tổ chức toạ đàm nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh PGS – nhà nghiên cứu văn học Vũ Đức Phúc. Đây là một dịp để các thế hệ Viện Văn học ngồi lại cùng ôn cố và “soi chiếu cho tương lai” – như lời PGS,TS Nguyễn Đăng Điệp, Viện trưởng Viện Văn học nhận định.
Bằng sự lao động miệt mài và nghiêm túc, nhà văn Lê Văn Nghĩa thường gửi đến độc giả những đầu sách độc đáo, nhiều cuốn trong số đó có giá trị như một “bảo tàng ký ức” của không chỉ riêng tác giả.
Thạch Lam (1910 - 1942) là đại biểu xuất sắc của văn xuôi lãng mạn Việt Nam thời kì 1930 - 1945. Văn Thạch Lam đọng nhiều suy nghiệm, nó là cái kết tinh của một tâm hồn nhạy cảm và từng trải về sự đời (Nguyễn Tuân).
Sáng ngày 20/10/2020, Hội Nhà văn Việt Nam đã tổ chức kỉ niệm 100 năm ngày sinh nhà thơ Tố Hữu (4/10/1920 – 4/10/2020).
Đã có nhiều nhà văn viết về Hà Nội - Thủ đô yêu dấu - như Thạch Lam, Vũ Bằng, Tô Hoài, Nguyễn Khải… Nhưng tập truyện ký “Hà Nội và tôi” (NXB Hội Nhà văn) gần 300 trang với hơn 20 tác phẩm của nhà văn Vũ Ngọc Tiến, một người Hà Nội gốc, đã cho ta biết thêm một phần chân dung về những con người của đất Tràng An thanh lịch.
Tháng 10, nhân kỷ niệm 66 năm ngày Giải phóng Thủ đô, Nhã Nam giới thiệu tới bạn đọc một tác phẩm mới của nhà văn Nguyễn Trương Quý, cây viết vốn quen thuộc với những tản văn về các góc nhỏ của Hà Nội: “”Hà Nội bảo thế là thường”.
Rất lâu rồi, không có luận văn, luận án nào về thơ Tố Hữu. Cũng lâu lắm rồi, sau Hà Minh Đức, Trần Đình Sử… rất ít người viết về thơ ông. Tôi cũng chưa bao giờ viết về thơ Tố Hữu khi ông còn sống. Nhưng với chúng tôi, thơ Tố Hữu là nguồn suối tươi mát, mạch ngầm sống động trong đời sống tinh thần. "Chúng tôi" ở đây là thế hệ những người ở lứa tuổi 70. Trong quãng thời gian 70 năm của một đời người thì ít nhất có 30 năm (1954 - 1975) chúng tôi đã được sống với thơ Tố Hữu.
Bằng kiến thức của một chuyên gia đầu ngành và sự trân trọng quá khứ một đi không trở lại, ông đã chỉ ra giá trị của cuốn sách và ý nghĩa của việc làm sống lại những kí ức Hà Nội rất đặc biệt thông qua cuốn sách này...
Có một bộ phim tôi không thực nhớ nội dung, một bộ phim của Woody Allen mang tên "Đóa hồng tím ở Cairo", câu chuyện mang máng mà tôi còn nhớ, đó là một người phụ nữ thất bại trong tất cả mọi khía cạnh cuộc đời, rồi cô vào một rạp chiếu bóng, xem một bộ phim, và trong giây phút ấy, cô quên béng mất cuộc đời mình, cô òa khóc, không phải vì mình, mà vì những nhân vật trong phim.
Năm 1941, với việc xuất bản Dế mèn phiêu lưu ký ở tuổi 20 (bản in đầu tiên có nhan đề Con dế mèn), Tô Hoài có được hai vinh dự lớn trong nghề cầm bút: Trở thành người mở đầu thể loại truyện đồng thoại; Tác phẩm mở đầu lại là đỉnh cao của thể loại, đồng thời là một trong những áng văn học thiếu nhi nổi tiếng thế giới nhất của Việt Nam.
1. Quan sát tiểu thuyết Việt Nam đương đại, chúng ta sẽ nhận thấy có một số triều đại, nhân vật được các nhà văn tập trung khai khác với mật độ khá dày như nhà Trần với Trần Khánh Dư, Trần Hưng Đạo (xuất hiện trong Sương mù tháng giêng của Uông Triều, Trần Khánh Dư của Lưu Sơn Minh, Chim ưng và chàng đan sọt của Bùi Việt Sĩ, Đức Thánh Trần của Trần Thanh Cảnh…), nhà Lê với Nguyễn Trãi (xuất hiện trong Hội thề của Nguyễn Quang Thân, Nguyễn Trãi của Bùi Anh Tấn…), nhà Tây Sơn với Nguyễn Huệ (xuất hiện trong Sông Côn mùa lũ của Nguyễn Mộng Giác, Tây Sơn bi hùng truyện của Lê Đình Danh…).