Lưu Hồng Cúc sinh năm 1955 tại Sài Gòn - Tham gia phong trào SVHS năm 1970. Học Trường kịch nghệ Sài Gòn năm 1971. Vào bưng và ra học tiếp Trường NTSK Hà Nội năm 1974. Đã công tác tại Báo Phụ nữ Thành phố HCM.
LƯU HỒNG CÚC
Từ một điểm ngoài đường thẳng...
NGƯỜI THỨ NHẤT
Gió đột ngột lùa từ hành lang tốc mạnh cánh cửa khép hờ. Người đàn bà hốt hoảng, nhưng chẳng có việc gì ghê gớm xảy ra. Cánh cửa đập mạnh lại bằng sức dội. Phòng tắm tối om. Diệu phát lạnh, khắp người cô nổi gai, những giọt nước tấm tấm trên thân thể cô như hóa băng, phải ráng lắm cô mới đi nổi từng bước nhỏ ra khỏi vòm nước tuôn ào ào từ gương sen. Cô quờ tay túm được chiếc khăn tắm máng trên cánh cửa. Ổn rồi, dù hai hàm răng cô đang đánh bò cạp. Không rõ Diệu nép trong góc cửa bao lâu. Tấm khăn lông mềm mại và bóng tối khiến cô dễ chịu. Cô có thể rút vào đây cả ngày không biết chán. Diệu à, Diệu! Làm gì lâu dữ vậy! người gì...- Giọng người đàn ông gay gắt. Diệu biết ông ta đang hút thuốc tại phòng khách- cũng trong bóng tối. Cả khu vực bị cúp điện. Giọng gay gắt cách mấy cây số còn nghe rõ sá gì mấy thước gạch bông của căn nhà nhỏ. Ba năm qua, âm sắc giọng thét của ông không thay đổi, chỉ có cường độ càng lúc càng tăng cho phù hợp với đôi tai giả điếc của Diệu. Nhưng hiện giờ cô điếc thật, cô không còn hiện diện dưới mái nhà của người đàn ông đang hút thuốc. Góc tối mượt mà chao quanh Diệu. Cô đang trò chuyện với một người khác - không phải người đàn ông nổi điên theo nhịp độ rít thuốc càng lúc càng chặt.
Đôi tay khẳng khiu của người-đàn-ông-khác mân mê từng lọn tóc cháy xơ xác của Diệu. Đôi mắt ông ta thăm thẳm không rõ say đắm hay buồn bã. Người đàn bà xấu xí thơ dại như trẻ con này sẽ hiện diện suốt cuộc đời còn lại của ông. Nhưng ông nào đủ sức mang cô theo đoạn đường hữu hạn đến độ như què cụt. Ông chỉ biết khao khát. Những cuộc gặp gỡ chóng vánh đã phết một lớp sơn óng ả suốt từ đầu đến chân Diệu. Cô ngời sáng như đứa trẻ lên ba được nựng nịu. Nét phồn hoa kéo dài của Diệu khiến ông đau lòng. Còn Diệu? Có hề chi, cả đời cô đã chờ đợi một người như ông. Mọi biến cố chính trị, kinh tế, văn hóa không mảy may liên quan đến sự chờ đợi này. Hình như cô không có khả năng phân biệt được những tầng lớp khác nhau của xã hội loài người. Một bà bán cá thô lậu hay vị phu nhân mỹ miều xuất hiện dưới mắt cô đều như nhau. Chỉ có ông, cô nhìn thấy vầng hào quang bí ẩn để phân biệt với hàng ngàn người khác. Cô sống như trẻ nít lúc nào cũng ngơ ngác trước mọi diễn biến cuộc đời ông. Cô sống như cô nghĩ, lạc lõng giữa dòng đời quen nghĩ và sống rất khác nhau. Ông thèm được sống như cô nhưng giá đắt quá. Tuổi đời đã trải, không cho ông điều kiện trả. Cuối cùng sự thỏa hiệp của ông thành triết lý, thành sự đỏm dáng rất dễ yêu, Diệu bị mê hoặc ngay vì nét "vô tích sự" này như cách nói của ông. Khi không còn nhiều thời gian gặp gỡ thường xuyên, người đàn ông được tước bỏ những lớp da tầm thường để hóa thành vị chúa thiêng, nhất là ông bận bịu đến công cuộc cách mạng "đổi mới". Vị chúa thiêng chịu nạn ngay giai đoạn đầu. Ông không lường được số lượng bọn phản phúc vô liêm sĩ dầy đặc với tỉ lệ tám phần mười nhân loại thu nhỏ trong cơ quan chưa kể hai phần mười lượng người nhân hậu đã quá mệt mỏi vì những phương châm đấu tranh ngắn hạn của xã hội hoặc gia đình. Chỉ còn cô âm thầm thờ phụng vị chúa đang bị đóng đinh trên thánh giá ảo mộng ấy. Cô đau đớn nguyền rủa những tên Juda mới, cô chờ mong ông gọi để nhảy vào lửa tìm tòi vì sao những lời hô hào vô bổ lại thu hút tất cả tâm lực của ông - lẽ ra phải là cô mới đúng... Cô vẫn ngoài lề và những lần xa cách dài hạn đã mối lái Diệu với nỗi cô đơn bất tận. Cô mãn nguyện đầy cay đắng ngay cả khi tự do thu mình vào góc tối dịu dàng này. Diệu à, Diệu. Bộ chết ở trong luôn sao?- Giọng gay gắt đến cường độ có khả năng xuyên thủng đôi tai điếc đặc - Diệu túm chặt mảnh khăn ướt sũng. Lạnh quá. Ngộp thở quá. Bất chấp tiếng gào của người đàn ông hút thuốc, vị chúa của cô hiện lên, quằn quại trong vòng vây của bọn phản đồ, anh cố sức chìa bàn tay khẳng khiu cho cô, bàn tay đã ra dấu tuyệt vọng. Diệu nấc không thành tiếng "tha lỗi... tha lỗi..."
![]() |
NGƯỜI THỨ HAI
Khánh nện gót chân thật mạnh, anh muốn Diệu biết đến sự giận dữ tột cùng của anh. Phòng tắm thản nhiên khép cửa, nước vẫn rào rào. Dùng hết sức, anh đẩy cửa. Một vật gì đổ ập. Đèn vụt sáng. Tiếng reo hò "có điện, có điện" vang rền của trẻ con hàng xóm. Dưới ánh sáng vàng ấm của ngọn đèn 100W, Diệu nằm sấp, đôi tay tủa dài chới với như đầu hàng, nước từ vòi sen dội vào mái tóc lung lửng những tia run rẩy. Khánh tắt khóa rô-bi-nê lẩm bẩm "lại trò gì nữa đây". Anh vực người đàn bà ngửa dậy, từ chiếc mũi tẹt của Diệu dòng máu ri rỉ đỏ hồng viền một bên khóe môi thâm tím. Anh bế Diệu lên chiếc giường riêng của cô. Không tin vào mắt mình, Khánh đứng chết lặng bên đầu giường vợ. Không phải vợ anh, không phải Diệu bất động, méo mó, bình thản trên nệm. Đó là người đàn bà xấu số lạ lùng nào chưa từng tồn tại bên cạnh anh. Chuông điện thoại réo liên hồi. Khánh chụp ống nghe lập cập "Alô, vâng. Khánh đây. Đến mau. Diệu bị...".
Khánh rít thuốc tại phòng khách. Quen miệng, anh cao giọng Diệu à, Diệu - Anh khùng hả - một giọng lảnh lói vang lên, không phải giọng trầm khàn như tiếng thì thào của Diệu. Anh thèm sự im lặng giả vờ của Diệu mà trước đây dễ làm anh nổi điên. Người đàn bà xấu xí ấy - vợ anh - Diệu - luôn khiến anh ganh tị. Sao cô ta không mặc cảm nhỉ? Cô ta không đủ thông minh để nhận ra bên cạnh người chồng đẹp đẽ, nền nã, mẫu mực đã cưu mang cô suốt ba năm, cô chỉ là con quạ cái khủng khiếp. Không thể không nhìn thấy điều đó - tất cả những người đàn bà đẹp đã bĩu môi che giấu sự thèm muốn, còn cô ta thản nhiên. Nét đặc biệt của Diệu là gì nhỉ? Cô ta nói chuyện có duyên, nhưng Khánh không chịu được đàn bà lắm lời. Cô ta im lặng. Khánh lại càng không chịu nổi gương mặt xấu xí trơ trơ như phỗng sành. Đối với anh, Diệu lễ độ chừng mực khác với sự lịch thiệp quá đáng của cô với người chung quanh. Anh chúa ghét mỗi chút lại cám ơn, lại xin lỗi. Và Diệu đáp lại ba lần tặng quà sinh nhật bằng ba lần gật đầu kèm đôi mắt biết ơn giống hệt nhau. Rõ ràng cô ta thần phục anh từng chút. Cô ta là cái máy tính tinh diệu. Chỉ cần anh phát hiệu, mọi dữ kiện về anh được phân tích, tổng hợp và lập trình cực kỳ chính xác. Anh đau khổ khi không bắt bẻ được cô, anh quay quắt chịu đựng sự chịu đựng bền bỉ của Diệu. Nhiều lần Khánh cười khan, tất cả trò vặn vẹo thật vô nghĩa, tại sao anh không cố quí mến Diệu như một thứ đồ đạc thiết dụng? Ý nghĩ này làm dịu lòng thương tổn của Khánh, nhưng thường không lâu. Tuy vậy, những nốt lặng ngắn ngủi trong bài ca bão tố đã làm thay đổi tính tình Diệu. Cô ta cười nhiều hơn. Đàn bà dù xấu xí khi cười vẫn dễ thương. Anh thành thật đón nhận sự dễ thương qua cách gần gũi cô nồng nhiệt. Nhưng Diệu dễ thương quá mức cần thiết khiến anh gớm gớm. Lập tức, cô ta thu mình, gương mặt xấu xí lại lạnh lùng như ý muốn của Khánh. Anh luôn chờ cô ta tức tưởi nước mắt, nói: "Em không thể chịu đựng nữa". Buổi sáng hôm đó, Diệu bình thản báo tin - như khi báo với anh cần mua một vật dụng nào đó - Em xin ly dị - Tùy. Cứ suy nghĩ thêm. Anh cũng bật ngay giọng gay gắt. Nộp đơn chưa? Gật đầu. Và cả ngày cô lúi húi thu xếp đồ đạc, dường như mọi chuyện đã xong. Khánh đã biến mất hay cô ta biến mất trong nhà này?
Cứ xem như đã ly dị - Khánh chua xót đến ứa nước mắt khi nhớ đến thân thể bệch bạc của Diệu quấn trong tấm drap trắng của bệnh viện. Cô ta không ưa màu trắng. Mọi bác sĩ nhìn anh cũng bằng đôi mắt xin lỗi của Diệu. Gần mười một giờ rồi, chưa chịu đi ngủ nữa - Giọng lảnh lói lại vang lên. Khánh không biết mình đã bị lãng tai như Diệu. Anh tiếp tục châm thuốc. Theo thói quen, vừa tàn nửa điếu, anh gào lên Diệu, Diệu à, Diệu. Tai anh điếc đặc, tiếng gào chìm vào vùng âm thanh chói chang hàng trăm đề xi ben của người khác với trường độ đủ tỏa dài hai mươi mét chiều dọc căn nhà.
NGƯỜI THỨ BA
Xuyên ngồi khá lâu bên nấm mộ đã vẹt đất. Con sáo đã bay xa. Anh nghĩ. Làm quen với câu chuyện huyên thuyên của Diệu, anh gọi cô qua thư từ: con sáo ngốc nghếch của Xuyên. Anh không ngờ từ ngữ âu yếm lại có khả năng công phá một người đàn bà thô kệch như Diệu. Anh quen nói dịu dàng theo lề thói gia đình có giáo dục. Một thói quen vô tích sự, anh thường giễu mình khi đụng trận với người cộng sự. Thời kỳ đồ đểu, mọi thứ có giáo dục đều gây rách việc. Xuyên thở ra nhè nhẹ, anh tưởng chừng còn nghe giọng thì thầm liên tục của Diệu. Trời nhạt nắng, hàng cây trên con đường nhỏ ngả bóng lên anh. Những vệt nắng nhòa nhòa trên nấm đất mang tên Diệu. Con sáo đã sang sông. Không, con sáo đã lao mất tăm vào bóng tối. Xuyên cảm thấy rũ rượi, anh thoáng nhìn ra toàn bộ "sự nghiệp" của anh: đấu tranh cho một điều gì đó mới mẻ quan trọng, chỉ là cái cớ. Cái cớ chính đáng chạy trốn Diệu. Nhờ lý do vĩ đại đó anh chỉ trầm ngâm khi nhận bức thư khẩn cấp của cô: "em cô đơn quá!". Anh đã cười khoan dung: tính trẻ con đến lạ. Ai lại chẳng cô đơn hở Diệu? Con đàn cháu đống như anh mà còn bị cảm giác quỷ quái đó vây bủa. Anh bần thần hơi lâu. Sáu tháng qua anh gần như quên bẵng cô. Công việc kinh doanh của cơ quan đổ ập lên đôi vai xương xẩu của anh. Anh lầm bầm nguyền rủa: "Một lũ ăn bám từ quan đến lính". Và anh tuôn mọi thứ vào mảnh giấy viết cho Diệu, lúc khắc khoải, lúc đằm thắm cũng bằng giọng dịu dàng từ tốn thường lệ. Diệu đáp thư. Một tháng sau anh vẫn không tin cô lấy chồng. Cô từ chối không đi uống cà phê hàn huyên với anh vì bận đi chợ. Anh bật cười trước gương mặt vô hồn của con sáo ngốc nghếch thân yêu. Diệu nhảy lên chiếc xích lô trờ tới, cô cắm chiếc kính đen ngòm lên mặt dù trời âm u. Năm phút sau cơn mưa kéo đến. Xuyên biết cô không đùa.
Mọi thứ đã xong chưa Diệu? Em đến và đi cũng đột ngột như cơn mưa rào. Anh chỉ là ngọn đồi trọc cùn kiệt, chẳng có chút cỏ xanh nào giữ được giọt mưa em. Em cũng chẳng màng đến điều ấy. Tại sao em không xộc đến bàn làm việc của anh nghẹn ngào câu: "Em cô đơn quá". Anh không hiểu nổi cơn bức phá im lìm này.
Người đàn ông lẩm bẩm luôn miệng. Anh không hiểu, anh không hiểu. Đôi tay thừa thải của anh quơ cành cây khô ngẫu nhiên bên nấm đất. Anh vạch ngoằn ngoèo trên khoảnh cát phẳng nhỏ xíu - chân dung Diệu. Mưa. Những giọt mưa mỏng manh tháng tám không xóa được nét vẽ, nó chỉ làm lỗ chỗ thêm bức chân dung chưa định hình. Xuyên không làm sao nhớ nổi gương mặt Diệu. Anh bất lực vạch những đường song song lên bức vẽ nửa chừng.
Tháng 4-1990
L.H.C.
(TCSH43/06-1990)
NHẤT LÂMKinh thành Huế năm Bính Thìn, thiên hạ xôn xao vì một vụ án đại hình gây bất bình trong cả nước, và để lại cho hậu thế một nỗi tiếc thương khôn nguôi cho hai nhà chí sĩ.
XUÂN ĐÀILàng Tân Mỹ Đông nằm dưới chân núi Tịnh Hồng, trước năm 1975 là vùng của quốc gia, nói cho ngay ban ngày quốc gia điều khiển về hành chính, ban đêm “việt cộng” kiểm soát mọi mặt. Trong làng nhiều người đi lính hai phía, phía nào cũng có sĩ quan cấp tá, cấp úy và binh nhất, binh nhì…
TRẦN DUY PHIÊN1. Xuống tới biền, Lê và tôi thấy chú Phip và hai con bò đứng bên giàn cày. Chẳng chào hỏi, chúng tôi bắt tay vào việc. Tôi tiếp tục đắp bờ mương ngăn đất trồng rau với cái tum đổ nước vào sông Dakbla, còn Lê lo chỉ việc cho chú ấy.
QUỲNH VÂN"Lục bình vừa trôi vừa trổ bôngLục bình không kịp dừng để tím..."
TRÚC PHƯƠNGÔng già ngồi trên chiếc ghế bố làm bằng manh bao phía dưới bóng cây đa lão – trụ sở của Hội những người bán máu kia, sinh năm 1919, tròn 82 tuổi.
NGUYỄN THỊ THÁI Ngoài vườn có tiếng đánh sạt. Lại một chiếc tàu cau rơi. Con Vàng buồn bã đứng dậy, thất thểu đi ra. Hình như tiếng rơi khiến nó đau lòng.
HÀ KHÁNH LINH "Con gái PhổỞ lỗ trèo cau"
TÔ VĨNH HÀChỉ còn ít phút nữa, cái công việc căng thẳng, vừa đơn điệu vừa nặng nề của chúng tôi sẽ kết thúc: Buổi chấm thi sau cùng của một mùa tuyển sinh đầy sóng gió…
TRẦN DUY PHIÊN - Cắp vở qua bên chú Kỳ nhờ chú chỉ cho mà học! - Mẹ tôi nói. Tôi vẫn giả bộ không nghe. Những con tò he bằng đất do tôi nặn lấy chưa khô. Tôi mà bỏ đi có người phá - Nói thế mà không thủng tai ư? - Mẹ đảo mắt tìm một vật gì đó làm roi.
HOÀNG THÁI SƠN Dì Ty khép cửa rồi ngồi vào góc giường lôi tiền dưới gối ra đếm. Hai tờ hai mươi ngàn, một mới, một cũ gấp đôi gần đứt rời; hai tờ mười ngàn, một mới, một cũ dính vẩy cá; một tờ năm ngàn quăn góc; hai tờ một ngàn dính mực và âm ẩm. Sáu mươi bảy ngàn cả thảy. Đếm lần nữa: sáu mươi bảy ngàn. Rồi dì mở rương, xếp tiền vào từng ô.
NGUYỄN THANH VĂN"Làm sao em biết bia đá không đau…"
PHẠM NGỌC TUÝTất cả chỉ vì con nhỏ đó: Nó tên thật là gì, tôi không rõ. Tú gọi nó là nhỏ Mai, nó gầy và xinh. Nói rằng nó xinh, e chưa đủ. Nó ngầu, nó phá, nó là con bé nghịch như quỷ.
MẠC DO HÙNGBố nhắn tôi mời Sĩ về làng tu sửa bức tượng Thành Hoàng. Sĩ nghe tôi nói, trầm ngâm: "Cho mình thời gian suy nghĩ, Bỏ nghề lâu quá rồi, không hiểu đôi tay có còn cảm giác!"
TRÚC PHƯƠNGDừng lại nghỉ chân, chị Dần tựa lưng vào gốc cây cơm nguội râm bóng bên con đường ngoằn ngoèo dẫn lên dốc Lưng Mây. Mấy cô gái Stiêng quảy gùi đi ngược ra phố trấn chốc chốc gởi lại nụ cười tự nhiên như hoa cỏ cho người phụ nữ miền xuôi đi thăm người nhà trong trại.
LÊ GIA NINHMột danh nhân nào đó đã nói rằng: "Người đàn bà có hai lần dễ thương. Một lần trên giường cưới và một lần trên giường chết". Riêng tôi, tôi thấy mỗi tháng người đàn bà có thêm một lần dễ thương nữa. Đó là kỳ nhận lương của chồng.
QUỐC THÀNH Năm ấy lên cao nguyên thăm anh bạn, biết tôi lần đầu đến anh dẫn ra trung tâm xã coi cho biết, cũng là lúc dân đi rẫy về. Ngược chiều chúng tôi là một ông già, mắt nhìn xuống miệng cứ lẩm bẩm: "Muộn rồi, Muộn rồi". Tôi nghĩ ông vội đi đâu đó, chắc nóng lòng lắm.
ĐÀO DUY HIỆPNgày xưa có một chàng trai rất lịch sự. Anh thường có nhiều khách đến nhà chơi.
TRẦN THỊ TRƯỜNGCái tin đám ma ông S chỉ có chiếc quan tài rỗng dù dấu kín đến mấy cũng cứ lan đi. Mấy "nhà báo trẻ" cứ nhớn nha nhớn nhác muốn gặp thân nhân phỏng vấn, ghi hình nhưng nhìn thấy cái vẻ lãnh đạm của H. bác sĩ quân y, con trai ông, liền co cả lại.
NGUYỄN HỮU THÔNGChao ơi? Xin chào Thầy, lâu ngày ghê.Tôi lúng túng một hồi mới nhận ra cô Sen. Trước mắt tôi bây giờ là một thiếu phụ với nụ cười tươi, rạng rỡ, nhưng vẫn không làm phai đi trên khuôn mặt gầy những vết hằn khốn khó.
ĐOÀN LÊ Tặng anh tôi Anh làm khoa học, tôi là diễn viên nhà hát. Riêng điều đó đã không hợp nhau. Nhưng tuổi trẻ không chịu nghĩ chín chắn, chúng tôi cứ yêu nhau bất chấp mọi giông bão ở cả hai phía gia đình.