Sóng ngoài khơi

17:38 16/04/2008
Truyện ngắn “Sóng ngoài khơi” đã tránh được gần như tất cả những trò “dỏm” của nhiều người cầm bút hôm nay: Viết về tình dục với cung cách ồn ào như thể đây là món tân kỳ về tư tưởng và nghệ thuật nhưng thật ra chỉ cho thấy thói a dua thời trang và sự thiếu hiểu biết về văn chương đương đại. Với một bút pháp tinh tế, thông minh, và kiềm chế, “Sóng ngoài khơi” đã thể hiện được bản lãnh văn chương của một tác giả trẻ khi đụng tới đề tài nằm ngoài kinh nghiệm bản thân như Khánh Phương. PHAN NHIÊN HẠO

Để dành tặng em V., thủy thủ

Tôi là một gã sói biển. Nhưng vì mới hai mươi mốt tuổi nên gọi sói non. Tôi thi đậu vào trường Đại học Hàng hải năm mười lăm tuổi và hai mươi tuổi thì xuống tàu làm thủy thủ. Lương tháng của tôi hai nghìn đô la Mỹ. Tôi yêu mẹ tôi. Tiền lương và các khoản thu thêm hàng tháng, trừ những chi tiêu cá nhân lặt vặt, tôi đưa hết cho mẹ. Bố tôi là thuyền trưởng tàu HQ đã hy sinh ngoài khơi... Một năm tôi có từ sáu đến tám tháng lênh đênh ngoài biển. Tôi có thi thoảng đánh bạc và chơi gái, nhưng rượu thì không. Các bạn đừng nghĩ thủy thủ là bê tha và nhất là say bí tỉ. Rượu chỉ đắt hàng trên các vùng biển xứ ôn đới. Đời sống trên tàu chúng tôi tuân theo kỷ luật và tổ chức rất nghiêm ngặt. Một mớ ngày ròng chỉ thấy trời và nước mặn, chúng tôi dễ mắc chứng trầm uất, khủng hoảng nếu không có kỷ luật. Nhưng khi lên bờ, chỉ có cơ thể nồng nàn của phụ nữ, dù là bán mua đi nữa, mới khiến chúng tôi trở lại là con người thường. Tôi thích gái Đông Âu ở Vladivostock. Tàu chưa vào tới kênh đào Suez, chúng tôi đã được cảnh báo về Siren, các nàng tiên chuyên heroin và vi trùng lậu, mà thực chất là những tay đực rựa giả trang lưỡng tính rất sành điệu, kiêm đạo chích. Đôi lúc, tôi có nhớ đến cô gái điếm gặp ở Osaka . Nó kém tôi hai tuổi, là sinh viên học viện công nghệ mang tên Thái tử Nhật Bản, tiếng Anh siêu, và là một quý cô xài hàng hiệu. Con bé đẹp đến từng đầu ngón tay. Tôi chưa bao giờ nghĩ tới chuyện quay lại Osaka tìm để cưới nó làm vợ, đơn giản vì thu nhập hàng tháng của nó cao gấp nhiều lần lương tôi.
Thằng Lăng đưa cho tôi cái gói. Tiền và quà gửi về cho bố mẹ, mà tôi phải thay mặt nó thực hiện bổn phận làm con. Nó theo tàu vào vịnh Thái Lan, cũng phải non nửa tháng nữa mới quay về Cảng. Chán ngấy biển, tôi lại phải vù về cái thị xã nhỏ chờm trên lưng núi, quay mặt ra suốt ngày nghe biển quát mắng. Mẹ thằng Lăng là cô giáo cấp hai nghỉ hưu, nhất định giữ tôi lại chơi hết ngày hôm đó. Thằng Lăng có một cô em gái mới vào cấp ba. Chiều, tôi đi dạo xuống bến. Bến cá vắng tanh. Đang đi vơ vẩn bất chợt tôi suýt va phải một cái bóng đang lom khom phía trước. Chột dạ, tôi nhìn kỹ thì hóa ra là một người phụ nữ, hình dáng chị ta nổi bật với cái bụng bầu to tướng; chị ta đang khom lưng kéo một sọt to cá thu phấn. Tôi rảo bước lại, “để tôi đỡ một tay”. Tiếng nói thấp thoáng phía trong vành nón, “Cám ơn”. Tôi cùng khiêng sọt cá với người phụ nữ một quãng dài, tới khu chợ, tôi cùng đi hẳn vào trong, nơi chị ta ngồi trong dãy hàng bán buôn. Lúc này người phụ nữ mới ngước nhìn tôi, cái nhìn không chút e dè, đôi mắt nâu mở to với một chút ánh mừng vui kỳ lạ. Té ra, cô gái này cũng chỉ trạc tuổi tôi, nếu có hơn cũng không đáng kể. Tôi chào cô rồi trở về nhà. Mẹ thằng Lăng đang nấu cơm. Cơm chiều có thịt gà và đầy món hải sản ngon lành. Cơm xong, mẹ Lăng giục tôi đi chơi, cái Thu em Lăng phải ở nhà. Nó đóng cửa ở lỳ trong phòng, làm gì không rõ.
Các quán Bar mới chỉ lác đác người. Tôi chọn cái sành điệu nhất, cổng vào hẹp và thấp như chui vào nhà hầm đang là mốt hiện thời. Cậu nhạc công tóc quăn da màu đeo khuyên tai khuyên mũi đang vừa chơi organ vừa ngước nhìn đám quý cô trên tầng gác. Hai vũ công mặc bikini vừa hút thuốc tán chuyện vừa hồ hởi kêu thét lên đáp lại lời chào của những người hâm mộ từ phía xa. Tiếng nhạc váng óc. Giai điệu lạ và nhạt. Tôi gọi một ly Whisky với đá, một chút soda, mặc dù không biết uống. Một chân dài tiến lại. Tóc màu huyết dụ, vành tai gắn đá trang trí, ngực tràn ra ngoài áo. Tôi mời cô một ly. Quán đã đầy khói thuốc. Khách nước ngoài ngồi tràn lên sát bục sân khấu. Ai đó đề nghị chơi bài Hollyday. Rồi Casablanca. Không khí chợt ngập sắc lãng mạn cổ điển. Tôi buông chùng người ngồi nghe lơ đãng, chuyện trò lơ đãng. Đám đông rần rật lên với đoàn vũ công vừa tiến vào. Da đẹp môi đẹp. Trẻ măng và xiêm áo hờ hững. Cậu nhạc công tóc quăn khuyên mũi nhảy khỏi sân khấu, ngồi vào bàn bên cạnh. Tôi giơ ngón tay chào. Buôn chuyện bằng tiếng Anh.
- ’s lady is very beauty!
- ’s people are more, more!
Chúng tôi cười rộ. Cô gái ngồi cạnh cầm tay tôi lùa vào ngực mình. Sắp tới màn thoát y. Tôi không muốn ngồi lại. Cô gái tóc huyết dụ bước ra theo tôi, khoác tay thân mật. Taxi chờ sẵn trước cửa quán bar. Tiện nghi và hoàn hảo, kể cả condom trong túi áo tôi, loại giá 1 USD một chiếc. Tôi chợt bắt gặp một gương mặt quen. Tóc thẳng bay thốc lên trong gió. Mắt nâu dạn dĩ. Đôi hoa tai mặt đá hình giọt lệ cũ kỹ. Cô gái mặc Jupe ngắn để lộ đôi chân trần rám nắng rất thẳng. Đúng là gương mặt gặp ở bến cá chiều nay, có điều chẳng tanh tao tí nào, chẳng lam lũ và an phận tí nào. Cô ta bước vào xe với một ông khách tóc vàng cao lớn.
Tôi về nhà muộn. Mẹ Lăng để hờ cửa cho tôi. Cổng ngõ và trong nhà tối om. Tôi lần công tắc điện. Chợt thấy nhà dưới vẫn còn sáng đèn. Tôi không bật điện nữa mà chập choạng lần đi xuống theo hướng ánh sáng. Chỉ đi từ nhà ngoài qua phòng khách, phòng Lăng, phòng Thu để xuống bếp mà sao thấy như cả một đoạn đường dài. Đèn dưới bếp sáng choang. Không có ai cả. Tôi nhặt con dao làm bếp cầm trong tay, lẳng lặng đi quanh một vòng. Yên ắng như tờ, gió núi hắt vào mặt tôi. Tôi trở lên nhà, bật hết mọi công tắc đèn trên đường đi. Cửa ra vào và cổng lúc nãy tôi đã chốt chặt. Có tiếng kẹt cửa. Cái Thu ló đầu ra. Nó nhìn tôi nửa như tò mò, nửa như trách móc.
- Anh Thạch về muộn thế. Mẹ phần anh cháo gà trên bàn kia.
- Ừ. Anh tắm xong rồi ăn.
Tôi ngủ ngon. Sớm sau, tôi xin phép bố mẹ Lăng, chào cái Thu rồi lên xe trở về. Nhưng tôi không về thành phố. Tôi bí mật quay lại thị xã. Tôi muốn thử xem tài hoa nguyệt của cô gái gặp trong chợ cá đến đâu.
Tôi thuê phòng trong một khách sạn kín đáo. Cả ngày dài như có con vật nhỏ nào đang đùa nghịch trong ngực tôi. Tôi vận quần bò áo phông, bắt xe ôm vào thị xã, cẩn thận tôi đeo thêm cặp kính đen phòng khi bố mẹ Lăng hay cái Thu có nhìn thấy cũng không nhận ra ngay. Tôi vào siêu thị mua mấy thứ lặt vặt, đồ lót, dao cạo râu, thuốc đánh răng rồi lang thang vào mấy cửa hiệu bán đồ đi câu. Bước ra, tôi chợt sững người. Vẫn cô gái ấy, ngồi sau quầy bán giải khát trên vỉa hè. Chừng như nhận ra người quen, cô cười rạng rỡ chào tôi. Tôi bước qua đường, ngồi xuống ghế, balô đặt dưới chân. Tôi gọi một trái dừa. Cô vác cái bụng nặng nề đi chặt dừa cho tôi. Nước dừa ngọt và mát. Tôi gọi cô tới ngồi cạnh. Gương mặt cô chẳng biểu lộ chút mệt mỏi hay dấu vết trụy lạc của đêm qua. Da nâu trong vắt, mắt nâu trong vắt. Tôi hỏi:
- Cô không đi chợ cá nữa à?
Cô cười hồ hởi:
- Mấy hôm biển động, cá mú đắt quá anh ơi. Em dọn hàng giải khát bán cho bà con quanh phố đây thôi.
Cô lại cười, nhẹ nhõm. Nói chung là cực kỳ có duyên.
Tôi để tiền nước lên mặt bàn, cố ý “bo” thật hậu rồi trở về khách sạn. Tôi nằm nghe MP3 rồi lơ mơ ngủ lúc nào không biết. Giấc ngủ chập chờn cạn cợt. Tôi mơ thấy mình ngủ với cái Thu em thằng Lăng. Con bé lúc nào cũng có vẻ buồn buồn, vẫn thường lén xem tạp chí Playboy thằng Lăng mang về. Tuy thế nó chẳng biết gì những trò hoa nguyệt. Tôi phải dạy nó từng tí một. Nhưng đến khi nó quay mặt lại nhìn tôi thì hóa ra lại không phải cái Thu. Gương mặt của cô gái tôi gặp ngoài bến cá, nhưng đôi mắt chỉ tuyền là màu đen như hai cái hồ nước đầy rêu không có đáy. Tôi thức dậy, ra sức tự vả vào mặt mình. Em gái của bạn tôi chắc là còn trinh, và ở xứ này các cô gái phải giữ gìn trinh tiết để lấy được tấm chồng tử tế.
Tôi chắc mình nhầm. Chắc cô gái ngoài bến cá có một cô em gái nào nữa. Buổi tối, tôi vẫn mặc áo phông quần bò đi tới quán bar hôm qua, dù thật tình trong lòng không còn hứng thú. Tôi chi thêm sáu mươi “đô” cho người gác cửa và dẫn mối để tìm được đúng cô gái da nâu ngày hôm qua. Tôi dẫn cô về phòng khách sạn của mình. Dọc đường đi, cô không nói gì, ánh mắt nhìn tôi như có chút mừng vui khó hiểu. Tôi hỏi: Chiều nay gặp em bán hàng ngoài phố, hả? Cô gật đầu, cười. Cái gật đầu chẳng xác nhận được gì. Bỗng dưng một nỗi căm giận vô cớ trào lên. Cô vừa cười vừa cởi áo quần tôi. Tôi gạt tay cô. Tôi thô bạo giằng chiếc jupe ngắn ra khỏi người cô, lột nốt manh áo hờ hững. Cô vẫn cười, nhẫn nại như một người tình, bắt đầu liếm khắp mình tôi. Tôi buông thả theo cô, rồi bất chợt ghì chặt cô xuống. Cô chỉ im lặng đợi cho tôi qua cơn nóng nảy. Nhẹ nhàng, kiên nhẫn, cô lại chiều tôi hết mức cho tới khi tôi hoàn toàn thỏa mãn. Cô điếm này thực là sành điệu, không chê vào đâu được. Tôi gần như chắc chắn cô chính là đứa con gái tôi vẫn gặp lúc ban ngày.
Tôi hỏi một câu ngớ ngẩn:
- Em không lấy chồng à?
Cô đáp một câu khá có nghĩa và văn vẻ:
- Đêm nay anh là chồng em.
Tôi bảo:
- Làm nghề này kiếm tiền không bõ công khó nhọc em ạ.
Cô đáp:
- Nếu may gặp người tử tế, cũng được ấm no một đời.
Tôi bảo cô ở lại cả đêm, trả tiền cho cô, “bo” thêm khá hậu và bảo cô ngủ trong giường tôi.
Tôi đánh giá các cô gái khôn ngoan giữ gìn trinh tiết để “bán mình” một lần đủ sống yên ấm cả đời trong vai cô dâu thảo, những cô gái dại dột bán mình hàng đêm để cuối cùng cũng có cuộc sống khá giả, những cô gái làm nghề khác nhưng lại tiến thân chủ yếu bằng cách bán mình cho “sếp”, những cô gái ấy có trí thông minh ngang nhau. Nghĩa là họ đều rất thông minh. Thông minh hơn nhiều so với những cô lấy chồng do bổn phận và do lẽ tự nhiên.
Tôi ngủ mãi tới trưa. Dậy tắm rửa và thay áo quần, tôi đi kiếm một quán ăn ngon để làm bữa trưa. Vừa ăn, tôi vừa lơ đãng nhìn ra khoảng sân trống trước mặt. Và tôi thấy, vẫn là cô gái ấy đi qua. Cô mang cái bụng to nặng nề, gương mặt nhẹ nhõm tươi sáng chẳng một dấu vết gì của trụy lạc đêm qua. Cô cắp một cái rổ khá to trong đựng toàn rau cải xanh, đi về phía nhà bếp, tay cô vẫn còn mang đôi găng cao su dày dùng để rửa rau.
Tôi hiểu là có sự không thường. Tôi bỏ dở bữa ăn, bước theo cô. Tôi bảo cô đi theo tôi, việc nấu ăn tính sau. Tôi bắt cô đi theo về phòng tôi, ngay gần đó. Tôi bảo:
- Em có muốn tối nay anh lại bao em không?
Cô đáp:
- Có.
Tôi ôm lấy cô, hôn lên trán, rồi nhanh như chớp xé toạc chiếc áo cô đang mặc. Cái bụng tròn của cô lộ ra run rẩy. Cả cặp vú trĩu xuống, sậm màu nơi hai núm vú. Không giống như cô, lúc tôi nô giỡn đêm qua. Cô run run bảo tôi:
- Bây giờ thì anh rõ rồi chứ?
Tôi đứng như trời trồng. Tôi đinh ninh cô giả trang vào ban ngày còn ban đêm đi làm điếm. Nhưng quả tình việc này tôi không tài nào cắt nghĩa nổi. Tôi lột chiếc áo đang mặc trên người đưa cho cô. Cô lẳng lặng mặc áo, chào tôi rồi đi. Tôi gọi theo:
- Tối nay anh gặp nhé?
Cô không quay lại, không đáp.
Đầu tôi ong ong. Tôi chắc là do đêm qua vui quá trớn. Trở về phòng, tôi gọi một tô cháo nhỏ, ăn xong đánh răng rồi lên giường nằm. Tôi không sao ngủ được. Chiều, tôi trở dậy và đi xuống bến. Một đám người đang xúm đông. Có ai chết đuối. Người chết đã được phủ một manh chiếu. Bó nhang cắm phía trên đầu ngun ngút khói. Tôi nhìn những đầu ngón chân lộ ra dưới manh chiếu, vừa rờn rợn vừa như linh tính một điều gì. Tôi lật manh chiếu phía đầu lên. Tim tôi ngừng lại một giây. Là cô gái trẻ mà tôi làm quen chính ở bến cá này, cô gái điếm sành điệu mà tôi vừa chơi đêm qua. Cặp mắt nâu của cô vẫn mở trong veo.
Người đàn ông đứng tuổi, có vẻ như một dân chài đứng bên tôi bỗng rú lên. Ông ôm mặt rồi bỗng thụp xuống lạy như tế sao.
- Cô Lan, cô Lan, cô sống khôn chết thiêng đừng quay lại nữa. Rồi chúng tôi lại bốc bát nhang thờ phượng cô, cô đừng quay lại nữa!
Cả đám đông xôn xao. Người tò mò, người hốt hoảng. Tôi bám lấy người dân chài nọ hỏi thăm. Ông kể, cách đây hai mươi mốt năm, cô gái này đã giạt vào bến cá và được chôn cất. Sau này người ta mới biết cô vốn là gái điếm. Không rõ bằng cách nào, cô lên được một con tàu lớn, lúc đó đang đậu ngoài vùng biển quốc tế. Người ta thương tình cho cô ở lại trên tàu. Sau khi giải khuây cho các thủy thủ, cô đã lấy trộm đồ đạc quý của họ và bị phát hiện. Với người thường, tội trộm cắp có thể xử tù rồi tha. Nhưng cô lại còn là gái điếm. Có người kể rằng cô bị vứt xuống biển. Có người kể rằng cô bị một cuộc “báo thù” tập thể rồi được thả cho đi theo cách mà cô đã tới được con tàu đó. Trên đường về xuồng của cô bị lật. Lúc chết, cô đang có thai. Người bảo ba tháng, người bảo năm tháng. Sóng ngoài khơi đã đưa cô dạt vào bến cá này. Sau khi chôn cất cô, người ta lập một cây hương nhỏ nằm bên hữu điện thờ Cô Ba Thoải để hương khói cho mẹ con cô, vì cho rằng người chết trẻ như thế rất thiêng. Cây hương đó sau bị phá đi, vì “Ai mà thờ con điếm bao giờ”. Bảy năm sau đó, một xác phụ nữ trẻ rất đẹp lại dạt vào bến cá, cũng đúng chỗ này, những người đã chôn cất cô gái bảy năm trước nói rằng vì không thờ cúng nên cô quay trở lại. Họ lại lập một bát nhang thờ cô gái, rồi chỗ hương khói cho cô lại bị phá đi. Cứ bảy năm một lần, đây là lần thứ ba cô quay trở lại. Người đàn ông khẳng định với tôi, chính ông đã cùng chôn cất cô gái bảy năm trước, cô chết mà mắt vẫn mở to, nét mặt vẫn tươi tỉnh, không giống như người chết đuối đã vài ngày dập dồi ngoài biển. Thân thể cô rất đẹp, tuy người ta vẫn nhận rõ cô đang có thai. Tôi tin câu chuyện này vì chỉ có câu chuyện này mới giải thích được sự xuất hiện lạ kỳ của cô gái tôi quen ngoài bến cá. Nhưng tôi không tin là mình lại từng ngủ với ma.
Tôi góp chút lòng thành để mai táng cô gái. Người dân trong vùng xác nhận đây là lần thứ ba họ chôn cất cô gái trẻ này. Nhà sư trong chùa Huyền Viên được mời tới để làm lễ siêu độ cho vong linh cô, và tôi thấy người ta gọi cô là cô Lan chứ không hề nhắc tới chuyện cô từng là gái điếm.

Anh Sáu máy trưởng quê Quảng , cũng có lần kể cho tôi nghe chuyện anh đi chơi gái gặp ma. Đang đêm, anh vừa thiếp đi được một lúc thì chợt giật mình tỉnh dậy. Anh thấy cô gái đang nằm bên mình thân thể bị xẻ làm ba khúc, không có máu me gì nhưng rành là bị xẻ làm ba, gan ruột lầy nhầy. Hoảng hồn, anh chạy vội ra ngoài, chạy tuốt xuống phòng trực khách sạn. Trên mình không có áo quần, anh phải mượn tạm của người trực đêm đó. Vậy mà sao vẫn còn kịp xỏ chân vào đôi dép mềm đi trong phòng! Người trực đêm vừa hãi vừa buồn cười. Lúc mọi người quay trở lại phòng khách sạn, có anh Sáu dẫn đường, thì đã không còn thấy cô gái đâu nữa. Đồ dùng cá nhân, ví tiền của anh không suy suyển. Chăn nệm vẫn còn nguyên dấu người nằm, nhưng cô gái biến mất không để lại một cọng tóc. Anh Sáu tin mình nhìn gà hóa cuốc. Mãi sau người ta mới kể, trong vùng đó có một cô gái điếm chết khi còn trẻ lắm, bị tàu cán chết không toàn thây. Hồi nghe chuyện của anh, tôi chỉ thấy rờn rợn, tôi nghĩ anh tưởng tượng ra câu chuyện đó cho phù hợp với một niềm tin, hay một điều gì cấn cái trong lòng anh mà chưa thể có cách gì giải tỏa.
Hôm nay tôi đã lại lênh đênh trên biển. Thằng Lăng vẫn là chiến hữu cùng tôi chuyến này. Nó khoe với tôi một loại condom mới kiếm được ở Thái Lan, siêu mỏng và có thể làm tăng cảm giác gấp nhiều lần. Vẫn là Made in . Nó không thể biết được tôi lại từng mơ ngủ với em gái nó và từng ngủ với ma. Tôi vẫn giấu kín câu chuyện này cho đến khi kể ra đây. Trên tàu bao giờ cũng cô quạnh, tiếng máy đều đều đến phát bực. Những đàn chim biển trắng rợp cùng bay phía trên mũi tàu chốc chốc lại bay vụt lên cao như đám mây vỡ vụn bắn tóe ra chung quanh khiến người ta có cảm giác như con tàu đang chạy đuổi theo những đám mây bất tận. Tôi kê giá trên boong tàu để vẽ. Tranh của tôi bất chấp luật gần xa. Tôi vẽ những gì mắt thường vốn không nhìn thấy nhưng lại náu nương đâu đó sâu kín tận trong tâm trí, hình ảnh của cuộc đời phản chiếu trong giấc mơ tôi với những dạng thái kỳ lạ bất thường. Thái Bình Dương xanh mênh mông. Bỗng đâu trước mắt tôi dựng lên một manh buồm, vừa nâu sờn ngấm đầy muối mặn vừa rực vàng phản chiếu ánh mặt trời rạng rỡ, manh buồm ấy lúc tỏ lúc nhòe cứ chập chờn trước mắt chắn giữa tôi và đường chân trời xa hút…

KHÁNH PHƯƠNG
(nguồn TCSH số 230 - 04- 2008)

Đánh giá của bạn về bài viết:
0 đã tặng
0
0
0
Bình luận (0)
Tin nổi bật
  • NGUYỄN VĂN THANHSau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, tôi không ngờ được Ngọ hỏi làm vợ. Không giống như những cô dâu khác, ngày tôi về nhà chồng có dắt theo một đứa con riêng. Tên nó là Hòa. Ngọ rất thương yêu hai mẹ con tôi. Không có gì đáng trách anh ấy dù cuộc hôn nhân của chúng tôi không bình thường.

  • NGUYỄN LÊ VÂN KHÁNHTôi xa nhà trọ học thành phố khác. Dịp nghỉ ngắn ngày không về nhà được, tôi đón xe về thị trấn men con nước nhánh sông lớn về nhà ngoại. Từ ngoài ngõ con Bơ sủa váng, Vinh chạy ra ôm bụi chè tàu nơi đầu bến nước, gọi mạ ơi, Sương về.

  • NGUYỄN HÙNG SƠN          Một buổi chiều cuối tháng ba trong lúc ngồi bón cháo cho chồng, bà Loan nhận thấy hôm nay Hào, chồng bà có những biểu hiện khác thường. Ông có vẻ suy nghĩ, ăn uống uể oải.

  • LỆ THANHBé Khánh Hạ - đứa con gái duy nhất của chị đã đi! Chiếc lá xanh độc nhất trên thân cây khô héo, khẳng khiu đã lìa cành. Ngọn lửa cuối cùng trong đêm dài trơ trọi của chị đã tắt ngấm trong bỗng chốc. Chị tưởng rằng mình sẽ không thể sống nổi trên cõi đời héo hắt này nữa.

  • HOA NGÕ HẠNHHọ Nguyễn ở Trung Lộc quê gốc huyện Lôi Dương, phủ Thọ Xuân, Thanh Hóa. Gia phả ghi rõ, ông tổ của dòng họ theo chân Chánh đô An phủ sứ Phạm Nhữ Dực vào khai khẩn đất Thăng Hoa năm 1402. Ban đầu họ Nguyễn định cư tại Hương Ly. Đến đời sau, một nhánh trong tộc chuyển hẳn lên Trung Lộc, nằm ở thượng lưu sông Thu Bồn.

  • Đàm quỲnh NgỌcChiều nay, tôi nhận được điện khẩn của Tâm, bức điện vỏn vẹn chỉ có dòng chữ: “Thứ bảy tới, tao đi Hoa Kỳ, mày tới gấp”. Tôi không ngạc nhiên khi biết Tâm đi Hoa Kỳ, với nó, đi nước ngoài đã trở thành bình thường như các bà đi chợ. Tôi chỉ ngạc nhiên khi Tâm đã điện khẩn cho tôi, điều mà từ trước đến nay chưa bao giờ có.

  • TRẦN NGUYỄN ANH Trong gia đình tôi, dì là người đến sau cùng. Dì thường bảo tôi: “Ô Mai à, hãy coi dì là bạn nhé”. Tôi thẳng thừng bảo: “Tôi chỉ có thể coi dì như kẻ thù”.

  • NHẬT HÀ      Lần đầu về thăm Đồng Tháp Mười, thú thật, tôi thấy có nhiều điều rất lạ, từ mảnh đất, sông nước, cây cối, chim muông tới các địa danh và nhất là con người.

  • CAO LINH QUÂN                Ăn mày là ai?                Ăn mày là...                                (Ca dao xưa)

  • LAM PHƯƠNGNàng không có sự lựa chọn nào khác. Cuộc đời không cho phép nàng lựa chọn. Ngôi nhà lá sùm sụp xám xịt như con ốc ma. Ba chị em không cùng cha và chưa bao giờ biết mặt cha. Và mẹ nàng, người đàn bà có khuôn mặt nhầu nhĩ như tấm lá mục úa, bươn bả mót máy làm thuê một ngày dẫn người đàn ông xa lạ về.

  • HÀ HUỆ CHI1. Mong đợi từ lâu lắm một tiếng cười sum họp. Tôi muốn khóc. Tôi muốn chết. Khi cuộc sống chẳng có gì giống một điệu múa. Khi trái tim chẳng buồn đốt pháo.

  • Phan HuyỀn ThưLam thấp thỏm nghe ngóng tiếng còi tàu từ xa vọng lại. Cứ khoảng hai phút một lần, tiếng còi hú dài xa xăm. Trời mưa to, chui tọt vào cái quán cà phê sát đường tàu, Lam ngồi gặm nhấm những thù hận của mình.

  • TRẦN HỒNG LONG“Tao cấm mầy nói nó chết! Nếu mầy còn nói nữa, tao sẽ đuổi mầy ra khỏi nhà tao ngay!”. Chỉ cần nghe cái “điệp khúc” ấy là dân xóm Vàm Đinh đủ biết bà Hoài chửi chị Ngọt ở trên tỉnh về thăm. Và, không cho chị nói chuyện anh Mặn hy sinh, mặc dù giải phóng đã hai mươi năm rồi vẫn không có một tin tức nào về anh.

  • ĐINH DUY TƯ         Truyện ngắn “Chỉ vì thằng Mỹ, tao mới đến nông nỗi này. Ví như không có hắn, tao thành trạng lâu rồi”.Đó là tuyên ngôn của một trạng lính. Vâng! Hắn tên là Nguyễn Đăng Lính ở cùng làng với tôi. Hai đứa nhập ngũ một ngày, nhưng ngành nghề có khác nhau.

  • NGUYỄN THỊ THÁIVào hội Văn học Nghệ thuật được gần năm, đây là lần thứ hai tôi được đi thực tế. Lần thứ nhất cách đây hai tháng.

  • HOÀNG BÌNH TRỌNGGập tấm bản đồ địa hình lại và vừa kịp đút vào xà cột, thì trung uý Trương Đình Hùng nghe có tiếng chân người lội bì bọp dưới suối. Lách mình ra phía sau cái trụ chằng phủ đầy dây hoa lạc tiên, anh thấy một người đàn ông trạc ngoại ngũ tuần, cao lớn, vẻ mặt thô tháp, cõng chiếc ba lô cóc phồng căng từ dưới dốc bươn bả trèo lên.

  • Y NGUYÊN     ... Những người muôn năm cũ         Hồn ở đâu bây giờ

  • GIẢN TƯ HẢIGã bước xuống xe ôm móc ví trả tiền rồi lững thững bước về con phố ven đê. Chiều thu ánh mặt trời vàng vọt trải dài lên cái thị xã vùng biên vốn dĩ đã buồn lại càng thêm vẻ mênh mang hiu quạnh. Giờ tan tầm đã qua, dãy phố ven đê hoặc có người còn gọi là cái chợ người vốn tập trung nhiều lao động chân tay cũng đã vãn dần. Thấp thoáng vài bóng chiếc ô tô qua lại. Gã chậm rãi vừa đi vừa nhìn trái ngó phải, chốc chốc quay lại nhìn như sợ bị ai đeo bám. Chân gã đi giày thể thao adidas mới cứng, vận chiếc quần bò cũ đã thủng lỗ chỗ như đạn bắn, phía trên khoác chiếc áo đại cán rộng thùng thình màu cứt ngựa, đầu đội mũ cối Hải Phòng kiêu hãnh một thời cũng đã sờn cũ và bong lớp vải để lộ cái lõi xám xịt.

  • NGÔ HỮU KHOADưới gốc cây Sau Sau, thứ cây có thân gỗ nhưng muốn mang đốt cũng không cháy, dùng làm gỗ thì nhanh mục nên mới được sống tươi tốt ở vùng rừng thường xuyên được dân sơn tràng lui tới. Dũng trong thế ngồi co quắp, hai bàn tay giấu dưới vạt áo mưa để vừa tự sưởi ấm cho cơ thể vừa giảm tiết diện để tránh những hạt mưa lạnh buốt lọt qua tán lá rậm rạp, những hạt mưa mùa không biết mệt mỏi cứ rơi và rơi…

  • NGUYỄN VIỆT HÀCó một ngày rất âu lo đã đến với thằng béo. Bụng bồn chồn tưng tức, giống như đang ngồi giữa một cuộc họp trang trọng bỗng mót tiểu tiện mà không thể đi. Trước đấy hình như duy nhất một lần cái cảm giác bất an này cũng đã đến. Láng máng không thể nhớ.