Sông Hương: Dòng sông tâm linh

10:14 17/05/2012

LÊ MẬU PHÚ 
           Tùy bút 

Sông Hương bắt nguồn từ dãy Trường Sơn, chạy dài hơn 60 cây số, qua nhiều rừng núi với thảm thực vật nhiệt đới đa dạng và nhận nhiều nguồn nước từ những con thác, rồi sau đó hợp lưu tại ngã ba Bằng Lãng thành một dòng sông, gọi là sông Hương. Từ đó, sông xuôi về biển thêm 30 cây số nữa.

Minh họa: NHÍM

Hai bên dòng sông có nhiều làng mạc, đô thị có từ thời xa xưa tạo nên một nền văn minh Thuận Hóa kế thừa và phát triển cho đến ngày nay. Điều đặc biệt là dòng sông đã cưu mang và nuôi dưỡng người Huế, vì thế người dân sống quanh vùng châu thổ xem sông Hương như Mẫu thần, bằng một huyền thoại sinh ra chùa Thiên Mụ; và sau khi chảy qua địa phận núi Ngọc Trản, nước sông xanh và một huyền thoại nữa về chén ngọc của nữ thần, ngày nay còn điện Hòn Chén. Dọc theo đôi bờ sông Hương có nhiều chùa chiền, đền đài miếu vũ, có lẽ thời xa xưa là nơi cầu nguyện của dân làng vào buổi bình minh, chính vì vậy mà ngày nay dân Huế có tục phóng sanh đăng. Những gì mà dòng sông Hương mang trong mình là một huyền bí, là một sự chở che thiêng liêng, là sức sống nhiệm mầu của người dân xứ Huế.

Thuở nhỏ, lũ bạn tôi rủ nhau đi tắm sông Hương, mọi người kháo nhau ai bơi qua bên kia bờ thì vượt qua được kì thi tốt nghiệp, không biết có đúng hay không, cả bọn đua nhau bơi, ai cũng qua đến, kẻ trước người sau, thế mà cuối cùng cả bọn đều đậu tốt nghiệp. Lớn lên, sau khi thành đạt ở đời, chúng tôi hẹn nhau ra bờ sông Hương ngắm cảnh uống nước, càng về khuya, sau khi tiếng máy thuyền tàu đã ngừng hẳn, mặt sông yên lặng, nước lững lờ trôi, mọi người hết nói chuyện, chúng tôi ngồi lắng nghe dòng sông thì thầm, dòng sông có tiếng nhạc, tiếng nhạc như tiếng nhạc trời, chỉ khi không gian thật yên tĩnh và tâm hồn người lắng đọng mới có thể nghe được âm thanh này. Âm thanh tiếng nhạc khác với âm nhạc bình thường, nghe du dương và lạ, dường như tiếng nhạc được dòng sông chuyển tải từ trời mang về hạ giới.

Người Huế có nhiều cách giải thích vì sao dòng sông có tên là sông Hương, cũng có nhiều sử liệu ghi chép cẩn thận, đi ngược lên thượng nguồn còn phát hiện loài cỏ Thạch Xương Bồ có hoa thơm hòa vào nước sông, thậm chí có nhiều huyền thoại về mùi thơm của nước sông. Nhưng có “một huyền thoại vọng về từ làng Thành Trung, một ngôi làng trồng rau thơm ở Huế: Vì yêu quý con sông xinh đẹp, người dân hai bên bờ sông Hương đã nấu nước của trăm loài hoa đổ xuống dòng sông cho làn nước xanh thắm ấy mãi mãi thơm tho.” Nghe qua có vẻ là huyền thoại, nhưng nếu chúng ta suy ngẫm kỹ sẽ thấy, đây là một sự thật chứ không phải là huyền thoại chút nào. Trong Phật giáo việc dùng hương hoa và các thứ dầu thơm để cúng dường là một việc làm thể hiện sự cung kính và lòng chí thành trong việc câu nguyện và tích phước. Hơn nữa người Huế có tục tắm sông vào buổi sáng, hiện nay chỉ còn tại bến Me, còn những bến khác hầu như vì ô nhiễm cho nên người dân không duy trì được. Người dân từ xa xưa đều làm vậy để dâng lên mẫu thần và cầu nguyện vào mỗi buổi sáng hừng đông. Điều này chẳng khác mấy việc người Ấn vào mỗi buổi sáng sớm đến dâng hoa và dầu thơm vào dòng sông Hằng, cầu nguyện, tắm và tẩy rửa hồng trần lẫn cả tâm linh, cầu mong được giải thoát. Những ai sau khi chết, được thiêu bên bờ sông và thủy táng trên sông Hằng là một điều vinh dự, biểu hiện sự siêu thoát. Họ xem dòng sông như một nữ thần (God- ness) và dòng sông làm chiếc cầu nối giữa trời và cõi dân gian.

Mỗi con sông đều có đặc tính riêng, tùy thuộc vào dòng chảy và tiềm năng của nó, con người có thể dựa vào đó để sinh sống, tưới tiêu, nước uống và giao thông. Xét về mặt hữu ích sông Hương có đầy đủ các tính năng nuôi dưỡng và che chở cho sự sống, cho nên được tôn xưng như một bà mẹ hay Mẫu thần. Ngược lại, có nhiều dòng sông với nguồn nước đục, dòng chảy xiết, có thể gây nên nhiều sự đe dọa cho cư dân sinh sống và xây dựng đô thị ven sông. Chính vì thế mà sông Hương được người dân xứ Huế tôn vinh như một Nữ thần và tục lệ cầu nguyện trên sông chính là nguồn mạch tâm linh cho sự sống. Cho nên sông Hương còn có thể gọi là Linh Giang hay sông Linh.

Điều đặc biệt là sông Hương chảy đến đâu, làng mạc và cư dân chan hòa đến đó. Dòng sông đã mở ra nguồn thiêng của sự sống của người dân và tâm linh của họ. Sông Hương còn chia sẻ buồn vui với người dân xứ Huế, ôm ấp như mẹ ôm con. Sông Hương cũng là một bản hùng ca gắn liền với lịch sử oanh liệt của dân tộc. Qua bao thăng trầm của lịch sử, sông Hương là niềm tin và an ủi của người dân. “Chiều chiều trước bến Văn Lâu” là giọng hò bi tráng, khi cảnh nước mất nhà tan, có thể tâm sự và nói chỉ còn sông Hương, như người con cầu nguyện nữ thần che chở cho người ngược mái lên chiến khu theo phong trào Duy Tân. Cùng với sứ mệnh của lịch sử, sông Hương đã che chở cho những chiến sĩ cách mạng bình yên, để rồi khi ra đi, họ còn gọi tên “Hương Giang ơi!” như một lời cảm ơn đối với một mẫu thần che chở.

Trở lại đầu nguồn, nơi nhập lưu của hai dòng Tả - Hữu Trạch, ở ngã ba Bằng Lãng, trên ngọn đồi Tứ Tượng, tượng đài mẹ hiền Quán Thế Âm hướng về dòng sông, trút cam lồ vào dòng sông, với ánh mắt từ bi trìu mến, cứu độ muôn dân. Nơi đây hội tụ của niềm tin tâm linh của người dân xứ Huế, biểu tượng từ bi cứu khổ, chỉ cần hướng về dòng sông cầu nguyện, tâm sự vui buồn của thế gian, nơi đầu dòng Bồ tát lắng nghe, thấu hiểu và chở che. Không ngẫu nhiên mà người xưa gọi dòng sông Hương là Mẫu thần hay Nữ thần, hoặc người bình thường đời nay gọi là người phụ nữ dịu hiền... đều thể hiện tính cách ảnh hưởng từ trái tim dịu dàng và lòng từ bi bất tận của vị Bồ Tát hi sinh cứu đời. Từ ngàn xưa cho đến ngày nay, người phụ nữ Huế có giọng nói nhẹ nhàng ấm áp, tính cách dịu hiền, cử chỉ đoan trang, khiến nhiều người khi đến Huế đều trầm trồ khen ngợi, cũng đều do ảnh hưởng tính cách của dòng sông Bồ Tát, người mẹ hiền của người dân.

Không những người dân xứ Huế hằng ngày nghe tiếng chuông trên đồi Hà Khê, mà những người khắp cả nước đều nghe “tiếng chuông Thiên Mụ” qua thi ca. Dòng sông Hương dịu dàng mang theo tiếng chuông sớm chiều chảy qua bao xóm làng và đô thị, nơi đó là niềm tin được chuyển đến, vun bồi và tô đắp văn hóa và văn minh hướng thiện. Sáng sớm mờ sương, tiếng chuông chùa vang vọng trong không gian, mang bình yên cho mọi loài; người nông dân với công việc đồng áng, người lên rừng, người về thành thị với công việc bề bộn đời thường đều bắt đầu từ tiếng chuông. Có một truyền thuyết cho rằng có một quả chuông rơi xuống sông Hương trước mặt chùa Thiên Mụ, to như quả chuông hiện còn ở đây, vớt không lên, đẩy không nổi. Nhưng quả thật chưa ai nhìn thấy quả chuông, hoặc chưa thấy một khảo cứu nào công bố, nhưng đây có thể là một dụng ý của người xưa, đem sự bình yên cho người dân sống trên hai bờ sông; ngoài ra còn một ý nghĩa khác, quả chuông này dùng để đánh cho người ở cõi âm nghe mà chuyên nghiệp quay về nẻo giác. Âm vang tiếng chuông do dòng sông chuyên chở hằng ngày là tiếng chuông hòa bình, âm siêu dương thái.

Ở Huế, có một nhà nghiên cứu cổ vật nổi tiếng, ông sưu tầm nhiều đồ cổ được người dân vớt từ dòng sông Hương. Phải nói rằng, dòng sông Hương còn là một kho tàng cổ vật quý giá, đây là một trong những nguồn khảo chứng về văn hóa Việt Nam nói chung và Thuận Hóa nói riêng. Còn hơn thế nữa, trong bộ sưu tập của nhà nghiên cứu còn có nhiều tượng Phật quý, chuông to chuông nhỏ, mõ to mõ nhỏ, chuỗi hột... được vớt dưới lòng sông, đúng là của thiêng trên dòng sông thiêng, một dấu ấn tâm linh hi hữu của dòng sông di sản.

Chúng ta được dòng sông che chở, nhưng chúng ta lại để mất điểm với di sản quý báu này. Đó là chúng ta tùy tiện khai thác, làm ô nhiễm nước sông và tiếng ồn của những chiếc thuyền máy làm xáo động vẻ yên tĩnh và dịu dàng của dòng sông. Muốn lấy lại điểm cho dòng sông, trên đoạn sông từ cầu Bạch Hổ đến cầu Trường Tiền, không được đánh bắt cá, vì cá trên đoạn sông này được ưu tiên; thuyền bè qua lại trên đoạn sông phải tắt máy, chỉ được phép chèo bằng tay hoặc chỉ chạy vào những giờ giấc cố định. Khi thành phố Huế được trả lại với không gian yên tĩnh, thời gian vắng lặng về khuya, tiếng ồn ào của những chiếc thuyền máy, phà chở vật liệu khai thác, xe hơi chạy ầm ầm trên phố đã ngừng hẳn, ngồi trên bờ chúng ta nghe được tiếng dòng sông Hương chảy rì rào cùng tiếng gió, sông Hương phảng phất mùi thơm trong sương mờ, càng về khuya càng cảm giác dòng sông đang thở, trở nên có linh hồn, có sự sống, sự sống linh thiêng.

Là người Huế, cho dù đi tha hương họ đều nhớ về sông Hương như một bà mẹ chở che; khi có dịp đi qua sông Hương, mỗi người đều nhìn ngắm vẻ đẹp của bà mẹ, vừa cầu nguyện một điều gì đó bình an. Thể hiện rõ nét nhất là phong tục phóng sanh đăng trên sông Hương vào những đêm rằm hoặc 30 âm lịch và vào những ngày lễ lớn và lễ hội Phật giáo. Đặc biệt vào ngày lễ Phật Đản, sông Hương lung linh huyền ảo dưới ánh trăng ngập tràn đèn hoa, hòa cùng với lời câu kinh và bài ca Đóa Sen Trắng trầm hùng cất lên trong giờ phút bảy đóa sen được thắp sáng, hàng ngàn hoa đăng thả bềnh bồng theo dòng nước, lâp lánh sánh với ngàn sao. Sông Hương trở thành dòng sông Hoa, bảy hoa sen tỏa sáng, tạo cho Huế, cho dòng Hương một chiều sâu tâm linh thiêng liêng, đem lại cho lòng người một cảm giác bình an, sâu lắng. Dòng sông như rộng hơn, sâu thẳm hơn và mang một vẻ đẹp vừa lung linh vừa huyền bí.

Mùa Phật Đản thành phố rợp cờ đèn, xe hoa, thuyền hoa, bảy hoa sen lớn, hàng ngàn hoa đăng trên sông Hương, tạo thành một bức tranh hoa lung linh, quyện với hoa hương thiên nhiên mà sông Hương mang về, làm cho thành phố Huế trở nên thơ mộng, dòng sông Hương trở nên thiêng liêng huyền bí. Những phong tục thắp sáng hoa sen, thuyền hoa, phóng sanh đăng, tụng kinh cầu nguyện... đây không phải là việc “đến hẹn lại về” mà là một truyền thống văn hóa Huế xuyên suốt thời gian và không gian, nối thực tại với quá khứ, nối trần gian với cõi thiêng, nối văn hóa tâm linh hiện tại với quá khứ huy hoàng của dân tộc. Mỗi lời cầu nguyện và mỗi ngọn đèn hoa là một sự tỏa sáng trong tâm hồn của người dân xứ Huế hướng về điều thiện, hướng về dòng chảy tâm linh cao quý mong cho nhân loại hòa bình, trước sự che chở của dòng sông Bồ Tát, dòng sông Mẫu thần, dòng sông tâm linh.

L.M.P
(SH279/5-12)






 

Đánh giá của bạn về bài viết:
0 đã tặng
0
0
0
Bình luận (0)
Tin nổi bật
  • Tuy chỉ là món ăn dân dã và phổ biến ở Huế, nhưng để chế biến được một tô bánh canh cá tràu ngon đúng vị… món ăn này cũng đòi hỏi người chế biến phải tỉ mẩn và khéo léo. Ở Huế, bánh canh có nhiều cách chế biến khác nhau, như bánh canh nấu tôm, chả cua, bò viên, da heo... Tuy nhiên, đặc sắc và thu hút nhất vẫn là bánh canh cá tràu (người Bắc gọi là cá quả, miền Nam gọi đó là cá lóc).

  • Huế những ngày này mưa dài lê thê. Từ sáng đến tối hầu như mưa không lúc nào ngớt. Đi kèm mưa là cái lạnh rét luồn vào da thịt, làm tím tái những khuôn mặt, bàn tay, đôi chân trần đang tất tả mưu sinh trên đường phố.

  • BẠCH LÊ QUANG

    Nghệ thuật và âm nhạc nói riêng, khi vượt qua lằn ranh của hữu hạn sẽ trở thành những sấm truyền vĩnh hằng, một thứ Kinh mà con người sẽ truyền rao trong cõi nhân sinh đầy biến động.

  • HỒ THỊ HỒNG

    Vua Thiệu Trị từng nói với bề tôi rằng: “Việc dạy học là chính sự trọng đại của triều đình”(1). Nhưng với truyền thống hiếu học của nhân dân ta, từ lâu vấn đề giáo dục đã được xã hội hóa một cách sâu rộng từ trong từng gia đình, dòng họ và toàn xã hội Việt Nam.

  • (SHO). “Đã mê ớt đỏ cay nồng
    Tìm trong vị hến một dòng Hương xanh
    Ruốc thơm, cơm nguội, rau lành
          Mời nhau buổi sáng chân thành món quê”

  • PHẠM THỊ PHƯƠNG THẢO

    Trong chuyến đi Huế dự lễ kỷ niệm ba mươi năm Tạp Chí Sông Hương vừa rồi, tôi được Tổng Biên Tập Hồ Đăng Thanh Ngọc ghé tai thông báo: “Chị cứ đi chơi Sông Hương và thăm quan quanh cố đô Huế những chỗ chưa biết, nhưng đừng nên khám phá hết để còn có cái thôi thúc mình lần sau vô  Huế mà khám phá tiếp  nữa. Nhưng dù đi đâu các anh chị cũng đừng quên đến thăm Gác Trịnh mới khánh thành nhé, hay lắm đấy, dù bận mấy  cũng nên tranh thủ ghé thăm Gác Trịnh dù là vài phút ”.

  • HỒ ĐĂNG THANH NGỌC

    Buổi sáng, tôi ngồi trong Gác Trịnh nhìn ra ngoài cửa sổ. Bên ngoài trời đang se sắt chuẩn bị mưa, sự se sắt nằng nặng.

  • PHẠM HUY THÔNG

    Đầu năm 1986, nghĩ rằng năm nay là một năm có nhiều sự kiện trọng đại diễn ra trong nước ngoài nước, tôi e rằng kỷ niệm mùa hè 200 năm trước của Phú Xuân và của dân tộc, dù không phải là không có tầm vóc, có thể chỉ được chú ý có mức độ, - nếu có được nhắc đến.

  • LÊ HUY ĐOÀN

    Những cửa thành của Kinh thành Huế ghi dấu những sự kiện từ kinh đô thất thủ ngày (23/5 năm Ất Dậu, 1885) sau cuộc chiến không cân sức giữa phe chủ chiến của triều đình Huế với giặc Pháp rồi đến sự tàn phá của thiên tai qua trận lụt 1953 làm 4 cửa thành đổ sập, rồi lại trải mình qua chiến sự Tết Mậu Thân (1968) với bao nhiêu vết hằn của bom đạn.

  • VÕ NGỌC LAN

    Như một mặc định của thời gian khi Huế là kinh đô của cả nước và nơi đây cũng là kinh đô của những chiếc áo dài. Vì vậy con gái Huế được làm quen với tà áo dài rất sớm. Bởi khi mới sinh ra đã thấy mẹ, thấy bà, thấy những người phụ nữ chung quanh khoác trên mình chiếc áo dài.

  • LÊ PHƯƠNG LIÊN 

    …Đêm đêm rì rầm trong tiếng đất
    Những buổi ngày xưa vọng nói về…

                       (Đất nước - Nguyễn Đình Thi)

  • G.S. TRẦN QUỐC VƯỢNG

    Thế kỷ XVI chứng kiến sự vỡ ra của nền quân chủ quan liêu Nho giáo Việt Nam.

  • THANH TÙNG

    Tháng 10/2012, tại khách sạn Rex - thành phố Hồ Chí Minh, chiếc bánh đậu xanh Phượng hoàng vũ khổng lồ của nghệ nhân ẩm thực Tôn Nữ Thị Hà và ái nữ Phan Tôn Tịnh Hải được vinh danh Kỷ lục châu Á - do Hội Kỷ lục châu Á công nhận.

  • HOÀNG PHỦ NGỌC PHAN

    Ở Huế có nhiều món ngon nổi tiếng như bún bò, cơm hến, dấm nuốt, bánh khoái, bèo, nậm, lọc… điều này đã được nói nhiều. Nhưng còn nhiều chuyện có thể bạn không để ý lắm.

  • NGUYỄN HUY KHUYẾN

    Vườn Thiệu Phương là một trong những Ngự uyển tiêu biểu của thời Nguyễn, từng được vua Thiệu Trị xếp là thắng cảnh thứ 2 trong 20 cảnh của đất Thần Kinh. Khu vườn này đã được đi vào thơ ca của các vua nhà Nguyễn như là một đề tài không thể thiếu.

  • VÕ NGỌC LAN 

    Đã từ lâu danh xưng mai Huế như một mặc định cho loài hoa mai có năm cánh với sắc vàng rực rỡ. Loài hoa mai ấy chỉ sinh trưởng trên đất Cố đô và cũng là đặc sản của vùng sông Hương núi Ngự.

  • LÊ VĂN LÂN

    Cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân 1968 với việc chiếm giữ Huế 26 ngày đêm đã tạo nên bước ngoặt lớn của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, làm sụp đổ chiến lược chiến tranh cục bộ của Mỹ - Ngụy, làm lung lay ý chí xâm lược của kẻ thù, buộc địch phải ngồi vào bàn đàm phán Paris.

  • NGUYỄN HỒNG TRÂN

    Câu chuyện này do nhà thơ Bích Hoàng (tức Hoàng Thị Bích Dư - cựu nữ sinh trườngĐồng Khánh - Huế) kể lại cho tôi nghe trực tiếp vào đầu năm 2012 tại nhà riêng của cô ở 170 phố Cầu Giấy, Hà Nội.

  • TRẦN BẠCH ĐẰNG

    Mỗi địa danh của đất nước ta chứa mãnh lực riêng rung động lòng người, từ những khía cạnh rất khác nhau. Có lẽ lịch sử và thiên nhiên vốn ghét bệnh "cào bằng", bệnh "tôn ti đẳng cấp" cho nên lưu dấu vết không theo một công thức nào cả. Quy luật khách quan ấy làm phong phú thêm đời sống nội tâm của dân tộc ta.

  • NGUYỄN ĐẮC XUÂN

    Đề cập đến sự nghiệp cầm bút của Thượng Chi Phạm Quỳnh cần phải có một cái viện nghiên cứu làm việc trong nhiều năm mới hiểu hết được. Do hoàn cảnh lịch sử, tôi chưa bao giờ dám nghĩ đến mình có thể tìm hiểu một khía cạnh nào đó trong sự nghiệp to lớn của ông.