PHAN ĐÌNH DŨNG
1. Có thể tìm hiểu những đặc trưng nghệ thuật của thơ Thiền Việt Nam thế kỉ XI - thế kỉ XIV qua một số phương diện tiêu biểu như ngôn ngữ, thế giới nghệ thuật hay hình tượng (con người, thiên nhiên, không/thời gian nghệ thuật), thể thơ, kết cấu, cách miêu tả thể hiện, giọng điệu… Đây là cách nghiên cứu “diện”.
Ảnh: internet
![]() |
Tuy nhiên, cũng có thể khảo sát “điểm”. Cụ thể là khảo sát một khía cạnh, một chi tiết nghệ thuật trong thơ Thiền Lý - Trần. Chẳng hạn như chúng ta có thể trình bày một số cảm nhận của mình về việc miêu tả sắc thân trong thơ Thiền giai đoạn trên. Qua việc tìm hiểu, nghiên cứu một chi tiết nghệ thuật chọn lọc, có thể phát hiện ít nhiều về những quan niệm nghệ thuật về con người, về cách cảm nhận thế giới cũng như khuynh hướng nghệ thuật của thời đại Lý - Trần.
2. Thuộc phạm vi khảo sát của đề tài này không phải là toàn bộ thơ Thiền Lý - Trần nói chung mà chỉ là những bài thơ tiêu biểu trong tập Thơ Thiền Lý - Trần1. Cụ thể:
- Trước tiên là những bài thơ trực tiếp miêu tả sắc thân. Dấu hiệu dễ nhận ra là ở chúng có sự xuất hiện của từ thân trong bản phiên âm của bài thơ. Có điều, hàm nghĩa của từ này phải là chỉ sắc thân, ngoại hình chứ không phải là chỉ thân thế (Thân thế quang âm nhược phi tiễn - Thân thế và tháng năm tựa như mũi tên bay), chỉ sự thân thiết giữa các đối tượng (Dữ vật vô thân - Cùng vật không thân)…
- Hoặc là chỉ đề cập một vài bộ phận của thân thể như: đầu, tóc, chân, tay, mặt, mũi, ngực, bụng… Ví dụ: Cáo tật thị chúng (Mãn Giác), Thị chúng kệ (Giác Hải), Phàm thánh bất dị (Tuệ Trung Thượng Sĩ), Đăng Bảo Đài Sơn (Trần Nhân Tông), Địa lô tức sự (Huyền Quang), Giới am ngâm (Trần Minh Tông)…
- Hoặc là chỉ miêu tả những hiện tượng có liên quan đến sắc thân như sinh, lão, bệnh, tử. Chẳng hạn như: Thị đệ tử Bản Tịch (Thuần Chân), Sinh lão bệnh tử (Diệu Nhân), Sinh tử nhàn nhi dĩ (Tuệ Trung Thượng Sĩ)… Đôi khi lại khéo dùng cách nói ẩn dụ quen thuộc để kín đáo bàn luận về sắc thân như Thị tịch (Ngộ Ấn), Mộc trung hữu hỏa (Khuông Việt)…
3. Thử khảo sát, thống kê những bài thơ trực tiếp miêu tả sắc thân trong tuyển thơ đã đề cập, chúng tôi nhận thấy chúng đã hiện diện với một số lượng không nhỏ: 20/80 bài. Điều này chứng tỏ rằng vấn đề sắc thân cũng là một trong những ám ảnh thơ ca, trở thành một trong những vấn đề quan yếu của những nhà thơ Thiền tông Lý- Trần.
Có thể đi tìm một vài nguyên nhân của hiện tượng trên từ nguồn cội văn học dân gian và văn học trung đại Việt Nam.
Phật giáo Thiền tông dù đi trực tiếp từ Ấn Độ sang hoặc theo đường vòng từ Trung Hoa lại bao giờ cũng phải dung hợp với tư tưởng truyền thống Việt Nam - yêu nước và nhân đạo - để trở thành Phật giáo Thiền tông Việt Nam, một khuynh hướng Phật giáo giàu tính thực tiễn, đại chúng, kết hợp nhuần nhuyễn giữa Đạo và Đời, giàu bản sắc dân tộc Việt Nam.
Trong tư tưởng nhân đạo của văn học truyền thống, chữ thân cũng là một ám ảnh ghê gớm, một ý thức thường trực. Tục ngữ Việt Nam đề cao tư tưởng nhân ái giữa người với người thì “thương thân” vừa là xuất phát điểm vừa là cái đích để hướng tới (Thương người như thể thương thân). Các nhà nghiên cứu ca dao Việt Nam thường hay nhắc tới motif “Thân em như” trở đi trở lại trong nhiều bài ca dao trữ tình: “Thân em như tấm lụa đào”, “Thân em như lá đài bi”, “Thân em như hạt mưa sa”, “Thân em như chổi đầu hè”, v.v. Motif này góp phần khẳng định bi kịch số phận của người phụ nữ Việt Nam truyền thống. Đồng cảm với bi kịch số phận của người phụ nữ trong xã hội cũ, Truyện Kiều của Nguyễn Du đã tiếp biến nhiều cách nói, cách cảm nghĩ, cách dùng từ ngữ của ca dao dân tộc. Do vậy, chữ thân có nhiều lí do để chiếm một số lượng đáng kể bên trong kiệt tác của nhà thơ thiên tài. Thống kê sơ bộ cũng có thể bắt gặp sự hiện diện của nó trong Đoạn trường tân thanh trên dưới 40 lần, đặc biệt là những thời điểm quan trọng trong cuộc đời Kiều, nhân vật trung tâm gánh chịu một chuỗi những bi kịch của “phận đàn bà” trong xã hội cũ:
- Thà rằng liều một thân con (Gia biến).
- Thân nghìn vàng để ô danh má hồng (Thất thân với Mã Giám Sinh).
- Thân lươn bao quản lấm đầu (Quyết định tiếp khách).
- Đục trong thân cũng là thân (Quan hệ với Thúc Sinh).
- Tấm thân rày đã nhẹ nhàng (Sống với Từ Hải).
- Tấm thân nào biết thiệt thòi là thương (Dằn vặt trước khi tự trầm).
- Thân tàn gạn đục khơi trong (Đoàn viên).
Mục đích của Thiền là “hiểu rõ thân tâm” (Liễu ngộ thân tâm - Nguyện Học), là tìm đến “Niết bàn tâm tịch tịch” (Mê ngộ bất dị - Tuệ Trung Thượng Sĩ). Song, muốn tâm ngộ trước hết phải nhận thức về sắc thân một cách rốt ráo. Nhìn chung, các nhà thơ Thiền Lý - Trần hay khẳng định, nhấn mạnh tính chất huyễn ảo, vô thường của thân:
- Thân như bóng chớp có rồi không (Thị đệ tử - Vạn Hạnh).
- Thân như tường vách đã đến lúc đổ nát (Tâm không - Viên Chiếu).
- Thân là hiện tượng sinh ra và mất đi (Thị đệ tử Bản Tịch - Thuần Chân).
- Vốn từ không tịch ảo thân sinh ( Thị tịch - Bản Tịch).
- Thân như băng gặp nắng trời (Sơ nhật vô thường kệ - Trần Thái Tông).
- Tấm thân nổi rồi lại chìm (Nhật mộ vô thường kệ - Trần Thái Tông).
- Không biết tấm thân là hư ảo (Bán dạ vô thường kệ - Trần Thái Tông).
- Thân như gương ảo, nghiệp như bóng (Vạn sự qui như - Tuệ Trung).
- Cái thân do huyễn ảo hóa thành rồi cũng phải diệt (Sinh tử nhàn nhi dĩ - Tuệ Trung Thượng Sĩ).
- Thân từ vô tướng vốn là không (Phàm thánh bất dị - Tuệ Trung Thượng Sĩ).
Tại sao các nhà thơ thiền Lý - Trần lại cho rằng sắc thân là huyễn ảo, vô thường? Có lẽ phải đi tìm lí do từ trong cảm thức thế giới của văn học trung đại nói chung và quan điểm bản thể luận của Phật giáo Thiền tông nói riêng. Trong cảm nhận của con người trung đại thì thế giới với con người là một (thiên nhân hợp nhất). Đi vào lĩnh vực văn hóa, văn học, con người cảm thấy có mình trong tự nhiên bắt đầu từ thân thể. Đây là cơ sở cho luận điểm “thân thể vũ trụ” của M. Bakhtin, nhà nghiên cứu văn học Liên Xô (cũ) khi phân tích một số hình tượng trong nghệ thuật cổ đại, trung đại. Và ngược lại, họ, những con người trung đại, cũng tự nhận thấy trong bản thân có cả vũ trụ. Nói như thiền sư Tăng Triệu là “thiên địa dữ ngã đồng căn - Vạn vật dữ ngã nhất thể” (Trời đất với ta cùng một gốc - Muôn vật với ta cũng cùng một thể). Mới hiểu vì sao các nhà thơ Thiền Việt Nam thế kỉ XI - thế kỉ XIV đã cụ thể hóa luận điểm này bằng một loạt những so sánh giữa sắc thân với những hiện tượng tự nhiên: hoa sen, cành mai, mùa thu, hoa bướm, mây ngàn, nước suối, ánh trăng, cây cỏ, giọt sương… Thậm chí quan hệ giữa thiên nhiên và sắc thân giàu tính huyễn ảo đã hóa thành tứ thơ trong một bài thơ thiền cụ thể:
“Thông reo trăng nước sáng
Không ảnh cũng không hình
Sắc thân cũng thế vậy
Hư không tìm tiếng vang”
(Tầm hưởng - Minh Trí)
Sắc thân là hư ảo cũng như “bướm hoa đều huyễn ảo”. Cũng theo quan điểm Phật giáo thì toàn bộ thế giới sự vật, hiện tượng này - thế giới hình tướng - cũng là huyễn ảo. Bởi lẽ, Phật giáo quan niệm rằng cái sắc thân của mỗi người mở rộng ra là toàn bộ thế giới chỉ là “giả hợp”, “vốn từ chỗ trống không lặng lẽ mà sinh ra” (Thị tịch - Bản Tịch). Chúng sinh ra từ bốn yếu tố - “tứ đại” - (đất, nước, lửa, gió) tùy thuộc nghiệp duyên, theo luật nhân quả của nhà Phật. Do vậy, con người tu hành chớ nên “chấp” vào sắc thân mà nên biết “quên thân”, “buông bỏ hình hài” xem chuyện “sinh lão bệnh tử - Lẽ thường tự nhiên” (Sinh lão bệnh tử - Diệu Nhân). Một khi cái tâm đã “ngộ” về lẽ vô thường của sắc thân, giọng điệu thơ Thiền Lý - Trần, đặc biệt ở khá nhiều bài thơ dặn dò đệ tử trước khi viên tịch - sẽ mang cái vẻ ung dung, thanh thản hiếm có.
4. Cái nhìn ung dung, tự tại đối với sắc thân đồng thời cũng là cái nhìn biện chứng. Một mặt, các thiền sư thi sĩ Lý - Trần xem thân là sắc tướng, là “có”. Mặt khác, họ lại cho rằng thân là “tứ đại”, “vốn dĩ đều là không” (nguyên lai nhất thiết không - Sắc thân dữ diệu thể I, Đạo Huệ). Thân đi từ sinh đến diệt: “Thân như bóng chớp có rồi không” (Thị đệ tử - Vạn Hạnh). Những bậc tu chứng một khi đã giác ngộ “thực tướng” (Niết bàn, Chân như) có thể vượt lên lẽ sinh diệt, chuyển sắc thân thành pháp thân. Bấy giờ con người sẽ là “một thân nhàn nhã dứt muôn duyên” (Thị tịch - Pháp Loa), “vươn mình một cái vượt ra khỏi lồng” (Thoát thế - Tuệ Trung) ung dung đi lại giữa “ba cõi mênh mông”. Trái lại, “bậc chân nhân chưa thành Phật cũng chỉ là một khối thịt đỏ hỏn” (Vô vị chân nhân xích nhục đoàn - Phổ thuyết sắc thân kệ, Trần Nhân Tông). Chưa có điều kiện để bàn đến cái nhìn duy tâm, trừu tượng về một thế giới khác trong những ý thơ trên ; ở đây, chúng ta chỉ lưu tâm tới cái nhìn bình đẳng, không phân biệt giữa phàm và thánh trong thơ Trần Nhân Tông (bài Phổ thuyết sắc thân kệ), thơ Tuệ Trung Thượng Sĩ (bài Phàm thánh bất dị), thơ Trần Minh Tông (bài Giới am ngâm) nói riêng, tiêu biểu cho thơ Thiền Lý - Trần nói chung. Điều này thật đáng quí. Nó khiến cho Phật giáo Thiền tông vừa giống vừa không giống với những tôn giáo khác. Giống ở ý nghĩa nhân bản khẳng định, đề cao con người. Khác ở tính chất vô thần vốn xa lạ với bản chất của tôn giáo nói chung. Phải chăng đây cũng chính là cơ sở cho thấy Thiền tông gần gũi với cách sống, lối sống hơn là một nguyên lí triết học?
Đi sâu hơn nữa vào mảng thơ Thiền miêu tả, đề cập đến một số bộ phận của thân thể trong thơ của những thiền sư Lý - Trần, chúng ta sẽ càng thú vị, ngạc nhiên hơn khi chứng kiến nhiều suy tư, cảm nhận rất người về cách sống, lối sống.
Trước tiên, các nhà thơ hay nói đến một lối sống phù hợp với những qui luật của tự nhiên mang ý vị Lão - Trang. Họ hay nhắc đến trong thơ của mình hình ảnh tuổi già, tóc trắng, điều mà người đời xưa cũng như nay thường luôn lo nghĩ: “Trên đầu già đến rồi” (Thị đệ tử - Vạn Hạnh); “Tóc xuân ngầm điểm trắng” (Sơ nhật vô thường kệ - Trần Thái Tông) ; “Biết dùng gái đầu bạc (Thị chúng kệ - Giác Hải)”. Song khác với thơ Nho ở cái giọng cảm khái, bùi ngùi khi miêu tả tuổi già, đầu bạc2, trong thơ Thiền Lý - Trần, hình ảnh đầu bạc biểu hiện lẽ biến dịch, tính chất vô thường của sắc thân. Người tu chứng ngộ tiếp nhận nó với giọng thơ ung dung, thanh thản của những con người lúc nào cũng có cái nhìn “lạc đạo tùy duyên”) luôn luôn gắn bó với hiện tại, trong cái đổi thay, sinh diệt vẫn đạt được cái không đổi thay, sinh diệt (Biết dùng gái đầu bạc). Hình ảnh “ông sư già bận bịu” trong bài thơ Địa lô tức sự của thiền sư thi sĩ Huyền Quang chẳng phải là cách sống “lạc đạo tùy duyên” tích cực, giàu giá trị nhân bản của các lão sư Lý - Trần hay sao?
Điểm đáng chú ý thứ hai là một số câu thơ miêu tả cử chỉ, tư thế của các thiền sư có liên quan đến sắc thân. Có những tư thế, cử chỉ rất “động”: “Tài trai lập chí xông trời thẳm” (Thị tịch - Quảng Nghiêm); “Xoay mình một ném vượt ra lồng” (Thoát thế - Tuệ Trung Thượng Sĩ); “Bước trên đầu Phật trèo lên đỉnh (Phật tâm ca - Tuệ Trung Thượng Sĩ)”. Xưa nay, các nhà nghiên cứu văn học như Lý Tử Tấn, Lê Quý Đôn, Đặng Thai Mai, Đinh Gia Khánh… cứ ngờ ngợ cho rằng đây là những câu thơ “phi Thiền” chủ yếu phản ánh bản lĩnh, khí phách của con người thời đại Lý - Trần. Thật ra, những con người ấy, nói như nhà nghiên cứu Trần Đình Sử, “vẫn nằm trong giáo lí Thiền tông”. Chất Thiền ở đây vẫn là tinh thần phá chấp của Thiền tông đồng thời còn là những biểu hiện trạng thái chứng ngộ của các thiền sư bấy giờ. Thơ Thiền Lý - Trần là thế, rất Đạo mà vẫn rất Đời, quyện hòa giữa thiền vị và thi vị. Đặc biệt là những câu thơ miêu tả những cử chỉ, tư thế rất “tĩnh” của những thiền sư:
- Uổng miệng không nói (Sinh lão bệnh tử - Diệu Nhân).
- Giữa nhà không nói chỉ ngồi yên
Nhàn ngắm Côn Luân sợi khói lên (Ngẫu tác - Tuệ Trung Thượng Sĩ).
- Đứng tựa lan can cầm ngang sáo ngọc
Trăng sáng rọi đầy cả ngực bụng (Đăng Bảo Đài sơn - Trần Nhân Tôn).
- Nệm cỏ ngồi yên ngó rụng hồng (Xuân vãn - Trần Nhân Tông).
- Khách ra về tăng không nói gì
Khắp mặt đất ngát mùi hương hoa thông (Đề Gia Lâm tự - Trần Quang Triều).
- Ngồi lặng đìu hiu mát cả giường (Tâm vương - Tuệ Trung Thượng Sĩ).
Những câu thơ trên, đặc biệt là những câu thơ đời Trần (của Tuệ Trung Thượng Sĩ, Trần Nhân Tôn, Trần Quang Triều, Huyền Quang) bộc lộ sự hòa điệu tự nhiên, trọn vẹn giữa con người và ngoại vật. Khó mà phân biệt đâu là mùi tục, đâu là vị thiền. Thiên nhiên vừa được chiêm ngưỡng qua cái nhìn ung dung, tự tại của thiền sư, vừa hiện lên một cách hồn nhiên, gợi cảm dưới đôi mắt của thi nhân. Chất triết lí (đạo học) và chất trữ tình (chất thơ) hòa quyện, gắn bó.
5. Cuối cùng, chúng tôi muốn bàn đến một hiện tượng thơ ca có liên quan đến sắc thân trong thơ Thiền Lý - Trần. Đó là cách dùng một loại ẩn dụ từ vựng nhằm chỉ cái tính nguyên thủy của vạn vật (bổn tánh), cái tâm bản thể chứa đựng trong mỗi sự vật:
- Muốn biết đâu là khuôn mặt thực (Tâm vương - Tuệ Trung Thượng Sĩ).
- Khuôn trăng người mẹ ai hay biết (An định thời tiết - Tuệ Trung Thượng Sĩ).
- Khúc kì diệu “bản lai” nên cất giọng hát (Thị chúng - Tuệ Trung Thượng Sĩ).
- Một buổi sáng chợt phát hiện ra khuôn mặt người mẹ (Độc đại tuệ ngữ lục hữu cảm - Trần Thánh Tông).
- Nhận ra được bộ mặt thật vốn có (Tự thuật - Trần Thánh Tông).
Ở đây có hiện tượng dùng “thân” để chỉ “tâm”. Dùng một bộ phận tiêu biểu của “sắc thân” để chỉ “diệu thể”. Hiện tượng này, một mặt, bắt nguồn từ cái nhìn triết học “vạn vật nhất thể” trong tư tưởng trung đại, mặt khác, gần gũi hơn, nó đến từ cái nhìn biện chứng, không phân biệt của Thiền tông. Bởi, theo các thiền sư:
- Sắc thân và diệu thể
Chẳng hợp chẳng chia lìa (Sắc thân dữ diệu thể II - Đạo Huệ).
Để gây ấn tượng mạnh mẽ về sự thống nhất, hài hòa giữa “thân” và “tâm”, các thiền sư thi sĩ thường dùng một hình ảnh ẩn dụ mang tính ước lệ: hoa sen trong lò lửa:
- Trong lò một cành hoa (Sắc thân dữ diệu thể I - Đạo Huệ).
- Trong lò sen nở sắc thường tươi (Thị tịch - Ngộ Ấn).
- Một đóa sen trong lò lửa hồng (Phật tâm ca - Tuệ Trung Thượng Sĩ).
Đôi khi các nhà thơ Thiền Lý - Trần lại dùng một hình ảnh ẩn dụ khác:
- Cái thân vàng cao quí của Di Đà ở ngay trong lòng (Thị du Tây phương bối - Tuệ Trung Thượng Sĩ). Có lẽ các thiền sư muốn nhắc nhở chúng ta rằng Phật tính không ở đâu xa, Phật tính có sẵn trong tâm mỗi người?
Phật giáo nói chung, Thiền tông nói riêng vừa sâu sắc, vừa dung dị. Sâu sắc về triết học, dung dị về lối sống. Albert Einstein (1879-1955), một trong những bộ óc vĩ đại của loài người ở thế kỉ XX, rất có lí khi cho rằng trong tương lai của loài người Phật giáo sẽ trở thành người bạn đồng hành với khoa học, đồng hành cùng nhân loại trên bước đường mưu cầu bình yên, sự thanh thản thân tâm.
P.Đ.D
(SHSDB37/06-2020)
.......................
1. Đoàn Thị Thu Vân - Thơ Thiền Lý - Trần, Nxb. Văn nghệ Tp. HCM, 1998.
2. Cảm hoài của Đặng Dung; Tự thán I, II; U cư I, II; Mạn hứng I, II của Nguyễn Du.
YURI BONDAREVTên tuổi của nhà văn Nga Yuri Bônđarép rất gần gũi với bạn đọc Việt Nam qua những tác phẩm nỗi tiếng của ông đã được dịch ở ta vào thập kỷ 80 như: "Các tiểu đoàn xin chi viện", "Tuyết bỏng", "Bến bờ", "Lựa chọn", "Trò chơi"... Là một trong những nhà văn Xô Viết hàng đầu miêu tả hùng hồn và chân thực chủ nghĩa anh hùng cách mạng của quân và dân Liên Xô trong cuộc chiến tranh vệ quốc thần thánh chống phát xít Đức 1941- 1945, Bônđarép đã được phong Anh hùng lao động xã hội chủ nghĩa, được tặng giải thưởng Lênin, các giải thưởng Quốc gia, giải thưởng Lép Tônxtôi và M.Sôlôkhốp, giải thưởng toàn Nga "Xtalingrát"...
TRẦN ĐÌNH SỬVăn học Trung Quốc trong cơ chế thị trường đã có những biến đổi khá lớn. Theo các tác giả của sách Văn học Trung Quốc thế kỷ XX xuất bản tại Quảng Châu năm 1988 có thể nắm được một đôi nét diện mạo, chứng tỏ văn học Trung Quốc không còn có thể tồn tại theo phương thức cũ. Cơ chế thị trường đã làm cho nhà văn và nhà phê bình phải suy tính lại về sách lược sinh tồn và phương hướng phát triển nghề nghiệp.
ĐOÀN TUẤNThạch Lam qua đời cách đây đã hơn nửa thế kỉ. Ông để lại cho chúng ta một khối lượng tác phẩm không lớn nhưng chúng đã trở thành một mẫu số vĩnh hằng trong văn học Việt Nam. Tiếc rằng chúng ta đã không thể lưu giữ một bức chân dung nào của Thạch Lam. Thậm chí mộ ông được chôn cất nơi nào, cũng không ai biết.
NHẬT CHUNG (Đọc bài thơ XÓM LỤT của anh Phạm Xuân Phụng)Anh Phụng là bác sĩ ở Bệnh viện Trung ương Huế. Tôi tìm hết trong tuyển tập HAI THẬP KỶ THƠ HUẾ, chỉ duy nhất bài thơ này viết về cảnh lụt lội hàng năm vẫn xảy ra ở mảnh đất nghèo khó. Trong những ngày đau buồn, khi nước vừa rút, trắng bợt trước mắt tôi những bài thơ tình èo uột nỉ non ẻo lả, và đứng dậy trước mắt tôi một bài thơ XÓM LỤT.
PHONG LÊBến không chồng - Giải thưởng Hội Nhà văn năm 1991 đưa nhanh Dương Hướng lên một vị trí cao trong thành tựu văn học Đổi mới. Không thuộc đội ngũ “tiền trạm” xuất hiện từ đầu những năm 80 như Ma Văn Kháng, Nguyễn Khải, Nguyễn Minh Châu và Nguyễn Mạnh Tuấn (sinh năm 1948) - người cùng thế hệ với anh (sinh 1949), đến tuổi 40 mới bắt đầu trình làng với tập truyện ngắn Gót son (1989), thế mà chỉ 2 năm sau, Dương Hướng bỗng trở thành một “tên tuổi” với Bến không chồng, góp mặt cùng Mảnh đất lắm người nhiều ma của Nguyễn Khắc Trường, Nỗi buồn chiến tranh của Bảo Ninh làm nên một bộ ba sáng giá trong văn học mở đầu thập niên 90, năm năm sau khởi động của công cuộc Đổi mới.
HÀ QUANG MINHLTS: Liệu có phải văn hóa chỉ đơn thuần là văn hóa hay nói cách khác là chỉ chứa đựng các yếu tố văn hóa không? Câu trả lời chắc chắn là không. Văn hóa mang cả trong nó tính chính trị và kinh tế. Trong khuôn khổ bài viết này, chỉ nhắc tới tính kinh tế trong văn hóa mà thôi nhưng hy vọng nó sẽ đóng góp nhiều cho công cuộc xây dựng một xã hội văn minh hơn, công bằng hơn.
ĐỖ LAI THÚYVề Kinh Bắc với những hội hè, chùa chiền, với đồng chiều cuống rạ, dây bìm bìm, bí lông tơ, giun đất, con gà trụi, châu chấu.. làm người đọc nhớ đến dòng thơ viết về nông thôn, nhất là thơ Nguyễn Bính. “ Trong các nhà thơ cùng thời viết về nông thôn như Bàng Bá Lân, Anh Thơ, Đoàn Văn Cừ... có lẽ chỉ có Nguyễn Bính là nhận thức sâu sắc được sự thay đổi của thôn quê trước “ cuộc xâm lăng” của đô thị.
TRẦN VĂN TOÀN - NGUYỄN XUÂN DIÊN1. Ảnh hưởng của Thơ Đường đối với Thơ Mới là một vấn đề từ lâu đã được đề cập tới. Ngay từ năm 1942, Hoài Thanh- Hoài Chân trong Thi nhân Việt Nam mặc dù giành nhiều trang để miêu tả ảnh hưởng của thơ Pháp (đặc biệt là trường phái Tượng trưng) nhưng các ông đã trân trọng và có một chút hứng thú đặc biệt về ảnh hưởng của Thơ Đường đối với Thơ Mới (điều này được bộc lộ qua công phu miêu tả, khảo cứu và cụ thể hơn từ chính số lượng trang viết). Khi phân chia các dòng mạch Thơ Mới, Hoài Thanh- Hoài Chân nói tới dòng mạch chịu ảnh hưởng của thơ Pháp, dòng mạch mang tính cách Việt, đồng thời cũng nói tới dòng mạch chịu ảnh hưởng từ Đường thi.
HOÀNG NGỌC HIẾN…Trong thời kỳ đổi mới xuất hiện nhiều tác phẩm cảm hứng phê phán rất mạnh. Có những quan điểm và giọng điệu phê phán rất khác nhau: xót xa và lo thương, căm uất và hằn học, tỉnh táo và điềm đạm... Cảm hứng phê phán mang tinh thần hài hước khoan hòa sẽ tạo một vị trí đặc biệt cho Nguyễn Việt Hà trong văn xuôi Việt Nam đương đại…
ALEXANDER GENISTrên thị trường Mỹ đã xuất hiện những cuốn sách điện tử đầu tiên. “Softbook” - một đĩa điện tử có màn hình bọc da. Sức chứa - 100 000 trang, trọng lượng - 15 kg, giá cả - 300 đôla cộng 10 đôla kết nối mỗi tháng. “Paketbook” giá 500 đôla, nhưng đi kèm với nó phải có máy tính cá nhân. “Dedicate Reader” - một sổ tay điện tử. Nó giống như một cuốn sách thực sự, có một màn hình kép chứa các bản vẽ, bản đồ, sơ đồ, bảng biểu. Giá là 1500 đôla. Như kinh nghiệm cho thấy, không ai thích đọc văn bản theo màn hình, vì thế tại viện nghiên cứu “Media-lab” người ta đang tìm cách chế tạo thứ “mực điện tử” - những cái bao hết sức nhỏ có thể tùy theo cường độ và hướng của dòng điện sắp xếp lại với nhau để tạo thành văn bản. Theo cách đó, gần như loại sách bằng giấy thông thường có thể được in lại - thay một nội dung này bằng một nội dung khác. Tờ “New York Times” viết: “Ngay giờ đây đã thấy rõ sách điện tử là điều tất yếu. Nếu như không phải là sự thay thế sách in, thì cũng là sự luân phiên nó”. (Theo báo chí)
TRẦN ANH PHƯƠNGCầm trên tay tập thơ "Người hái phù dung" của Hoàng Phủ Ngọc Tường tôi như đọc với chính mình giữa đêm khuya lặng lẽ bên ngọn đèn. Cảm nhận đầu tiên về thơ anh không phải thơ để đọc giữa chốn đông người hay ở trong hội trường lớn, thơ anh chỉ đến với người đọc khi chỉ còn lại một mình đối diện với chính mình, tìm lại mình trong những con chữ lan toả như từng đợt sóng, xâm chiếm choáng ngợp lòng người...
TRẦN THIỆN KHANH Inrasara nhập cuộc văn chương từ rất sớm. Ngòi bút của Inrasara chạm được vào những vấn đề cốt tử của nghệ thuật. Inrasara đã sống thực sự với đời sống văn chương đương thời.
HUYỀN SÂM - NGỌC ANH 1. Umberto Eco - nhà ký hiệu học nổi tiếng.Umberto Eco chiếm một vị trí rất đặc biệt trong nền lý luận đương đại của Châu Âu. Ông là một triết - mỹ gia hàn lâm, một nhà ký hiệu học uyên bác, một tiểu thuyết gia nổi tiếng và là giáo sư danh dự của trường Đại học Bologne ở Italia. Tư tưởng học thuật của ông đã tác động mạnh mẽ, tích cực đến đời sống trí tuệ của sinh viên và giới nghiên cứu trong suốt nửa thế kỷ qua. Ông có mặt trong danh sách của hai mươi nhà tư tưởng đương đại lớn nhất thế giới, và cũng là ứng cử viên thường trực của Viện Hàn lâm Thụy điển về việc bình chọn giải Nobel văn học.
ĐỖ NGUYỄN VIỆT TƯ (Nhân đọc thơ Hoàng Vũ Thuật)Trong con người cũng như trong vũ trụ luôn luôn hiện diện một mâu thuẫn bất biến, nhờ cái khối mâu thuẫn này mà nó tồn tại, phát triển và trở nên thống nhất. Con người luôn đi tìm chính mình trong một cuộc phiêu lưu vô định, không bao giờ bằng lòng với những cái đã có, bản ngã lúc nào cũng thôi thúc sáng tạo để tìm ra cái mới. Nhà thơ luôn đồng hành với cuộc phiêu lưu của những con chữ để đi đến những miền đất lạ, những vùng cảm xúc.
NGUYỄN KHOA BỘI LANSau mấy tháng mưa tầm tã và lạnh thấu xương, qua đầu tháng chạp âm lịch, toàn khu Hạ Lào bắt đầu tạnh. Mặt trời lại hiện ra đem ánh sáng sưởi ấm những khu rừng bạt ngàn từ Trường Sơn lượn xuống. Ở các suối nước không còn chảy như thác đổ, ở Xê Công dòng nước cũng đã trở lại hiền hòa. Các con đường lớn, đường nhỏ bắt đầu khô ráo.
TRẦN ĐƯƠNGTôi được làm quen và có quan hệ cởi mở với nhà thơ Tố Hữu từ mùa thu năm 1973, sau khi ông dẫn đầu Đoàn đại biểu Đảng ta đi dự Đại hội đại biểu Đảng Cộng sản Đức (DKP) họp tại thành phố cảng Hăm-bugr). Từ miền Tây, ông sang Béc-lin, Cộng hòa Dân chủ Đức, theo lời mời của Bộ chính trị Đảng xã hội chủ nghĩa thống nhất Đức (SED) với mục đích thăm, nghiên cứu và trao đổi về công tác tư tưởng giữa hai Đảng.
TRẦN THÁI HỌCĐến nay, vấn đề giá trị nghệ thuật không còn là vấn đề thời sự được nhiều người trong giới phê bình quan tâm bàn cãi. Sự lắng lại trong không khí phê bình về vấn đề này, vốn đã trải qua một thời kì tranh luận sôi nổi kéo dài hàng chục năm trên văn đàn gắn liền với những quan điểm triết học và mỹ học khác nhau, thậm chí đối lập nhau.
HÀ VĂN THỊNH Trên trái đất này, có lẽ chỉ có các nhà thơ mới quan niệm cuộc đời là một trò chơi. Ngay cả Thánh Kinh, khi bàn về lẽ khởi - tận của kiếp người cũng phải than: thân cát bụi trở về cát bụi. Lời nguyền đó là tiếng kêu bi thương từ sâu thẳm của hàng triệu năm đau đớn để sống và, để chết. Từ ngày đầu tiên sinh ra loài người, Adams đã phải dắt díu Éva trốn chạy khỏi Thiên Đường trong nước mắt và uất hận; đau đớn và tuyệt vọng; cô đơn và sỉ nhục... Đó là những điều ngăn cản việc biến cuộc đời thành một trò chơi.
NGUYỄN THAM THIỆN KẾ... Đức Phật, nàng Savitri và tôi sẽ là cuốn tiểu thuyết quan trọng nhất của Hồ Anh Thái, đồng thời nó sẽ giữ ngôi vị lâu dài là tiểu thuyết duy nhất trong văn học Việt lấy cuộc đời giáo chủ Phật giáo làm nguồn cảm hứng. Và sẽ còn lâu lắm văn chương Việt mới có một nhà văn đủ tự tin cũng như tài năng để động vào bàn phím viết về đề tài này. Nó cũng sẽ là thời gian cộng trừ 20 năm, nếu như nhà văn nào đó bây giờ mới bắt đầu tìm hiểu văn hóa Ấn...
HOÀNG NGỌC HIẾNNhan đề của tập thơ khiến ta nghĩ Trần Tuấn đặc biệt quan tâm đến những ngón tu từ, mỹ từ của thi ca, thực ra cảm hứng và suy tưởng của tác giả tập trung vào những vấn đề tư tưởng của sự sáng tạo tinh thần: đường đi của những người làm nghệ thuật, cách đi của họ và cả những “dấu chân” họ để lại trên đường.