Rửa tội

15:10 05/03/2010
NGUYỄN VIỆT HÀBà Anna Nhỡ đứng dúm dó cạnh cha Sinh trong mênh mông tiền sảnh đông người của khách sạn bốn sao Marytus. Cha Sinh hơn năm mươi tuổi, có họ xa đằng ngoại với cụ bà Nhỡ, đã hơn mười năm là cha chánh xứ của giáo phận.

Minh họa: Ngô Lan Hương

Buổi sớm nay, sau lễ rửa tội con bé Kun (tên con bé được gọi ở nhà). Tổng giám đốc Vũ là bố của con bé, mặc dầu hai đầu gối mỏi nhừ nhưng vẫn quì, nài nỉ cha Sinh. “Lạy Chúa, dù sao cha cũng là ông trẻ, xin cha cho chúng con một ngày vui trọn vẹn”. Cha Sinh lưỡng lự nhìn cụ bà Anna Nhỡ, bà cụ sụt sịt cặp mắt nhăn nheo cầu khẩn, cha khẽ gật đầu. Cha Sinh đưa bàn tay khô gầy, xoa nhẹ vài giọt nước từ cái bình sứ mà cậu phụ lễ đang nghiêng, làm dấu lên vầng trán hồng của con bé. Chắc là hơi lạnh, nó mở cặp mắt nhay nháy đen ngơ ngác nhìn. Hồi Vũ hai tháng tuổi cũng đã được rửa tội. Ông ngoại Vũ là cụ trùm Hậu làm cha đỡ đầu. “ Nhân danh Cha và Con và Thánh thần ta rửa cho con, Giuse Vũ”. Bà Nhỡ lúc ấy xinh và còn trẻ, quì một mình dưới bàn thờ Đức Mẹ, lầm nhầm cầu nguyện cho người chồng đang ở xa. Bố Vũ là một trong những sĩ quan cấp tá miền Bắc đầu tiên, đi ngược vào chuẩn bị cho những trận chiến sau này.

Lễ rửa tội cho con bé Kun của Vũ vào một ngày cuối tháng âm và là ngày thứ hai sau lễ chủ nhật Đức Bà lên giời. Vợ Vũ nhờ thầy đồng Toàn, nổi tiếng bói toán ở Láng Hạ chọn ngày. Cha Sinh chiều ý, tò mò nhìn cái phong bì mà vợ Vũ trình bày là của ít lòng nhiều. Vợ Vũ yêu chồng, có học nhưng nông nổi, con một ông quan rất to đang đương chức. Khi xin phép ra về, bỗng quì xuống hôn ngón tay út cha Sinh, rồi vung tay trái qườ quạng phía trên trán của mình. Hình như vợ Vũ muốn làm dấu. Phim  Ngày lễ Thánh đạo diễn cũng bắt nhân vật nữ hành động tương tự. Cụ bà Anna Nhỡ và cha Sinh đi dự tiệc sau lễ rửa tội bằng cái xe riêng của Vũ, Peugeot 505. Cha Sinh mặc áo chemise thẫm cho trong quần tây, cụ bà Anna Nhỡ mặc áo dài gấm màu sáng. Cả hai loanh quanh gần  nửa tiếng không thấy có ai quen. Mọi người đi qua tương đối giống nhau. Đều béo tròn, đều sang trọng và nồng nhiều mùi nước hoa. Cha Sinh rất sợ mùi nước hoa. Có một ấn tượng rất ghê từ rất lâu hồi cha còn ở chủng viện Vinh. Hôm cụ bà Anna Nhỡ dắt con trai vào trình cha, bộ complé của Vũ cũng đẫm mùi nước hoa. Có tới gần hai chục năm Vũ mới lại vào Nhà Chung. Cha Sinh tiếp ở phòng khách nhà xứ với nhiều xã giao. Cụ trùm Hậu là chú họ gần của cha Sinh, bà Anna Nhỡ có tiếng là ngoan đạo nhưng hồi Vũ cưới, chiều theo đằng vợ, không làm lễ ở nhà thờ.

“ Con còn nhớ kinh nào không”

“ Dạ thưa, kinh Lạy Cha với kinh Kính Mừng ạ”

Vũ đột ngột làm dấu, cha Sinh khẽ mỉm cười.

“ Thế vợ con có tin đạo không”

“ Dạ thưa cha, vợ con nghĩ nếu được cha rửa tội cháu nó sẽ hên”.

Cụ bà Anna Nhỡ luống cuống giật tay áo thằng con giai vốn dĩ rất được chiều, cha Sinh hiền từ chăm chú nhìn Vũ.

“ Thế con cũng nghĩ như vậy à”

“ Thưa cha, con là trí thức”

Hồi Vũ thi đại học được báo đài nói nhiều. Vũ là con liệt sĩ duy nhất chưa cần cộng điểm ưu tiên, đã vượt quá qui định đỗ tuyển tới mười điểm. Vũ bảo vệ luận án phó tiến sĩ ở Nga. Những năm ấy, thông thường các sinh viên ưu tú đều được gửi đào tạo ở Đông Âu, Vũ hỏi mẹ.

“ Cha con nói gì về con không”

“ Người nói Người cảm tình với mày”

Vũ hơi ngạc nhiên và cũng chiều thứ bảy tuần đó, Vũ bỏ hẹn với cô bé thư ký, một mình đi bộ dự lễ ở nhà thờ.

Giàn nhạc sống ở phía góc khách sạn chuyển từ rầm rầm điệu Rock sang chơi bản Ave Maria. Một thanh niên mặc áo vét thắt nơ đen tiến lại gần cúi đầu hỏi “ Thưa, chúng tôi có thể phục vụ gì cho quí ông bà”. Cụ bà Anna Nhỡ hơi hoảng, lập cập núp vào sau lưng cha Sinh. Cha cũng ngơ ngác. Tay Receptionist nhắc lại câu hỏi bằng tiếng Anh. Cha Sinh vội vàng trình bày tất nhiên không dám bằng tiếng Việt. Hai người được dẫn đến một phòng ăn rộng, các cửa sổ đều treo riềm hồng, chạy viền phía trên là nhiều chữ Song Hỉ cắt bằng giấy đỏ. Ngột ngạt là người trong ăm ắp rượu và đủ loại món ăn nóng nguội. Khách sạn nổi tiếng với những món Tầu nhưng làm tiệc đứng kiểu Tây vì vợ chồng Vũ muốn vậy. Từ phía quầy rượu, Vũ hơi chệnh choạng thơm mùi Hennessy chạy đến, khua tay trịnh trọng.

- Thưa toàn thể quí khách, đây là bà của cháu và đây là ông trẻ của cháu.

Mọi người ào ào vỗ tay đồng thời hô “Dô, dô, dô”. Mọi thói quen  của nền văn minh bóng đá. Vợ Vũ mặc đầm đen, cổ đeo dây Platine có viên kim cương hai carat nách cắp con bé Kun đang ngằn ngặt khóc vì không có thói quen được mẹ bế. Vợ Vũ biết tiếng Anh nên cai sữa sớm. vợ Vũ đọc tạp chí Mỹ thấy quảng cáo nuôi con tốt nhất là bằng sữa hộp. Cụ bà Anna Nhỡ cằn nhằn, vợ Vũ nói với người ở là mẹ chồng vô học. Hôm Vũ nhận quyết định lên làm Tổng giám đốc thì vợ sinh con gái đầu lòng. Vậy là hai sự vui, thầy đồng Toàn dặn hôm nào làm khao  phải treo nhiều chữ Song Hỉ. Cô bé thư ký tốt nghiệp trường Tổng hợp đang tập tọng viết văn, hôn Vũ lâu hơn bình thường nửa đùa nửa thật “Nếu anh nghe em chúng mình đã có con giai”. Cô bé thư ký thật hồn nhiên, nói yêu Vũ nhưng vẫn thân với vợ Vũ. Chắc đấy là tuổi trẻ còn Vũ bắt đầu thấy mình già. Vũ chợt bâng quơ uống rượu giữa đám đông. Sau lần đi lễ lại, trong sâu xa Vũ ngập đầy nghi hoặc. Cảm quan tôn giáo là gì. Hồi Vũ đi chơi núi Yên Tử, mới leo núi đến Hoa Yên đã nằm vật ra sân chùa tưởng đứt hơi. Bà cụ hành hương tám mươi bảy tuổi nở nụ cười móm khuyên Vũ vừa trèo vừa niệm A di đà. Lúc trước Vũ trượt chân, bà cụ đang bò phía dưới kê vai đỡ cho Vũ. Bà cụ nhăn nheo áng khoảng 39 kilô và có vẻ là trường chay. Vũ chơi tennis đều nhưng vẫn còn 66 cân. Tháng hai lần nhậu thịt rắn, một lần thịt chó còn thịt gà thịt chim thịt thú rừng thì không nhớ xiết. Giữa mùa Phục Sinh, tan buổi ngắm mười lăm sự thương khó, Vũ vào tận phòng thay áo tìm gặp cha Sinh.

“ Lạy cha, con có một việc muốn được trình cha”

“ Dạo này cha cũng hay thấy con ngồi phía hàng ghế dưới”

“ Lạy cha, con muốn có một đức tin”

Cha Sinh làm dấu thánh giá “Chúa ở cùng con”. Tại sao mẹ Vũ lại tuyệt đối tin vào nhà thờ. Những người đơn giản rất hay mê tín. Liệu cha Sinh có thật sự thuần khiết như mẹ Vũ hay kể không. Vũ nao nao người suốt cả chiều ngồi lì ở cơ quan mông lung nhìn bảng kết toán tài sản. Cô bé thư ký cũng nũng nịu ôm cổ Vũ. “ Anh đợi em à”. Vũ lầm nhầm đọc kinh Tin Kính, cố đừng vấp.

“ Anh làm gì vậy”

“Anh vừa đi gặp một người thánh thiện”.

Cô bé thư ký cười khanh khách, Vũ nhăn mặt.

“ Anh đừng cáu, em và anh thuộc người loại ba mà. Trí giả nhạo thủy, Nhân giả nhạo sơn còn đểu giả thì nhạo báng. Trên đời này làm gì có Thánh”.

Vũ gục đầu vào trũng ngực cô bé thư ký, khi mệt vì phải nghĩ nhiều Vũ có thói quen thư giãn như vậy. Đêm ấy, Vũ mất ngủ nhưng những đêm kế thì ngủ được.


Cha Sinh và cụ bà  Anna Nhỡ được mời vào phòng VIP có bàn tròn dành cho sáu người. Vũ xếp cha Sinh ngồi giữa hai trung niên. Một giới thiệu là giám đốc kiêm nhà thơ hội viên Hội nhà văn Việt . Một nữa là phó của Vũ phụ trách về hành chính tự xưng tên là Trần Công Thắng. Đối diện cha Sinh là cô bé thư ký của Tổng giám đốc Vũ. Cụ bà Anna Nhỡ được cậu con giai dìu gần như đặt xuống ghế mắt hấp háy quáng gà vì nhiều chớp lóa trắng từ đèn flash của các loại máy ảnh. Vũ xin phép mọi người ra ngoài tiếp khách, trước khi ra Vũ nghiêm nét mặt khẽ liếc Trần Công Thắng. Phó tổng giám đốc phụ trách hành chính trịnh trọng quay sang cha Sinh.

- Thưa, để dễ nói chuyện trong một bữa tiệc có nhiều tục khách, xin cho phép một cách xưng hô.

Cha Sinh cười. Đài truyền hình Hà Nội có làm một phóng sự dài về việc giáo sứ quyên góp quần áo cho đồng bào bị lũ lụt. Anh chàng phóng viên hai mươi tư tuổi loay hoay chọn đại từ để bắt đầu phỏng vấn “ Thưa tôn ông, xin tôn ông cho biết quan điểm của mình về từ thiện” Chắc anh ta chưa bao giờ đi đến nhà thờ. Trong diễn từ mới đây của Đức Thánh Cha một trong những quan tâm lớn nhất của người là thế hệ trẻ. Ông nhà thơ thâm thúy.

- Nee no men Deoquacras, Deus no ment est. Đừng tìm hiểu danh hiệu của Chúa. Chúa là danh hiệu. Thưa cha, tôi nói thế có đúng không ạ.

- Thưa ông, vâng.

Một anh chàng gầy lêu đêu đi vào cầm caméra với đèn rọi quét sáng trưng bàn ăn. Vợ Vũ đã dặn kỹ, phải “dum” ống kính đặc tả món vịt quay Bắc Kinh. Cô bé thư ký nũng nịu nhìn ông  nhà thơ cất giọng oanh.

- Nếu nói như vậy thì em có thể gọi cha đây là ông, là anh cũng đều được chứ ạ.

Cặp mắt đen thêm sẫm bởi hàng lông mi giả dầy cong long lanh nhìn cha Sinh. Cha nhấp ngụm rượu nhỏ khẽ gật đầu. “Thưa cô, vâng”. Cụ bà Anna Nhỡ đang chập chuội nhai bật khe khẽ “Lạy Chúa”. Ông phó tổng phụ trách hành chính khéo léo tiếp một miếng vây cá cho cụ bà Anna Nhỡ rồi quay sang ép mọi người cạn hết tuần rượu. Cha Sinh đã có vẻ lâng lâng. Ông phó tổng chạm mạnh cái ly không vào ly rượu mới của cha Sinh và của nhà thơ kiêm giám đốc.

- Thưa quí ngài, khách sạn có hai món nổi tiếng thì cả hai đều hiện diện trên bàn. Người ta thường nói linh mục và nhà văn thì ăn rất sành, vậy tôi đố hai quí ngài đó là hai món nào.

Kế cả sau mùa chay, cha Sinh cũng rất hiếm khi ăn thịt. Có những chuyện đơn giản là thể tạng, đâu có phải là chuyện giữ gìn lề luật hay đạo đức. Ăn đồ nhiều đạm cha thấy nặng mình. Chúa đã chọn vậy thì đành phải vậy. Nhà thơ kiêm giám đốc tiếp tục thâm thúy.

- Nếu đúng theo văn hóa ẩm thực thì linh mục mới sành ăn còn nhà văn chỉ được cái sành mồm. Sách quí cũng như đồ ngon không thể biết một sớm một chiều. Thưa cha, về điểm này tôi xin nhường cha.

Cha Sinh sẽ sàng nhấp môi vào ly rượu vẫn nhỏ nhẹ “ Thưa ông, vâng”. Cụ bà Anna Nhỡ co người lại trên chiếc ghế ăn rộng, trông cụ càng nhỏ thó. Vũ từ ngoài vào khẽ liếc chai rượu vơi chừng hơn nửa sầm mặt nhìn Trần Công Thắng. Ông phó tổng lật đật rót một tua đầy các ly, khăng khăng bắt mọi người phải cạn mừng sức khỏe con bé Kun. Việc đạo việc đời nhiều lúc cũng giống nhau. Một linh mục ngồi giữa hai giám đốc. Trên đời Sọ, kẻ dữ cũng đóng đinh câu rút Chúa Jésus giữa hai thằng kẻ cướp. Hôm nay đâu phải là một bố cục ngẫu nhiên mà đấy là ý của Vũ.

Cách đây hai tháng, Vũ bắt gặp vợ đang nức nở trong phòng ngủ, bừa bãi trên giường là những kiểu ảnh Vũ chụp với cô bé thư ký ở khách sạn Hạ Long Plazza. Vũ quì xuống xin lỗi vợ, vòng vèo gần ba tiếng mới biết mỗi bức ảnh vợ Vũ mua lại với giá 100 đô. Hôm sau đến cơ quan, Vũ vừa dập cửa phòng làm việc riêng vừa hét vào mặt cô bé thư ký.

“ Đúng là giống đàn bà, tham như chó”

“ Em đâu có làm chuyện gì”

“ Người bán ảnh là bố cô, tôi biết cả rồi”.

“ Em yêu anh, em muốn anh là của em”

“ Tôi là người có đạo, đừng hy vọng tôi nghĩ chuyện ly dị vợ”

Cô bé thư ký chợt cứng người nhìn Vũ rồi đột nhiên cười khẩy.

“ Anh là đồ đạo đức giả”

Vũ cay cú nhìn lại. Thi thoảng đọc báo công an Vũ có gặp vài vụ trọng án mà những gã vũ phu thường bóp cổ người tình

“ Anh tưởng tôi không biết dạo này anh ưỡn ẹo đi lễ nhà thờ lại đấy à. Đàn ông các anh có bao giờ hết tội đâu mà mong rửa tội. Mười thằng thì như cả mười”

Vũ đần mặt. Cô bé thư ký bỗng khanh khách cười, mở tủ lạnh lấy lon Tiger kề nhẹ vào miệng Vũ.

“Thôi, em xin. Thế anh có muốn cá không”

“ Cá cái gì”

“Anh cứ bố trí đi để hôm nào em sẽ lột truồng tay linh mục mà dạo này anh ra sức khen là thánh thiện”. Vũ nhắm mắt trầm ngâm nghĩ và vô thức gật đầu.

Cha Sinh bị ép thêm cốc nữa mặt nhợt nhạt thấy rõ. Trần Công Thắng dìu cụ bà Anna Nhỡ ra ngồi nghỉ xa tiếng ồn ở tít cái ghế dài phía ngoài tiền sảnh. Vũ chợt nghĩ là mình đang chơi ác và trong sâu cũng mong cha Sinh đứng dậy. Nhưng cha có vẻ lưỡng lự khi cô bé thư ký chuyển sang ngồi cái ghế sát cạnh mà nhà thơ cố ý nhường. Bộ ba tiền đạo này đã phối hợp với nhau nhiều lần và họ luôn thất bại. Vũ đột ngột thở dài, chợt nhiên như mộng du lang mang đi qua đám đông thực khách vào sâu trong hoa viên khách sạn có cái ghế đá vắng dưới ngọn đèn mờ. Vũ không có thói quen trách mình nhưng vẫn thấy thật nhiều bâng khuâng. Chợt có ai ngồi cạnh, Trần Công Thắng vẻ đắc ý thông báo

 - Lùa được lão vào phòng Karaoke rồi. Đề- pa bằng bài Mừng Chúa giáng sinh.

Vũ nhổ nước bọt, rất nhiều lần Vũ nằm mơ thấy mình đọc quyết định cách chức phó tổng giám đốc. Giấc mộng đẹp nhưng cũng chỉ là mộng. Đường quan sự của Vũ hanh thông theo đằng ngoại. Trần Công Thắng là đệ tử ruột của bố vợ Vũ. Những chiếc ghế Vũ đã và đang ngồi đều ấm mùi mông nhạc phụ. Vũ nặng nề đứng lên, đã quá nhiều lần Vũ chứng kiến những người đạo mạo từng làm gì trong phòng hát. Thượng đế đã chết. Vũ ngước mắt nhìn mẹ mình đang loay hoay ngơ ngác đi ra đi vào ở phía cổng khách sạn. Vũ lê lết bước bỗng thấy đau hai vai. Cõng thập giá chẳng bao giờ là lao động nhẹ. Vũ đẩy cửa phòng Karaoké. Màn hình đang chạy ca từ của Trịnh Công Sơn. Nền minh họa sau là cảnh nhà thờ Đức Bà. Giám đốc kiêm thi sĩ, chắc quá say đầu chúi xuống gầm salon, một vệt nôn đậm bò vòng quanh cổ. Cô bé thư ký đang khóc, úp mặt vào hai tay nức nở. “ Xin Người tha tội cho con”.

Không thấy có cha Sinh. Vũ đột ngột quỳ và vụng về làm dấu thánh.

3-7-99
N.V.H
(131/01-2000)



 

Đánh giá của bạn về bài viết:
0 đã tặng
0
0
0
Bình luận (0)
Tin nổi bật
  • NGUYỄN XUÂN HOÀNGĐêm dường như đã xuống từ lâu lắm. Chỉ nghe lao xao tiếng nước suối chảy như một khúc đàn cầm. Nguyễn ngồi một mình trong thư phòng. Đôi cánh tay dài quá gối để hờ hững lên thành ghế tựa được làm từ mây rừng Côn Sơn. Ông hướng đôi mắt sâu thẳm nhìn xoáy vào bóng rừng chập chùng một màu đen nhức mắt. Xa lắc trên cao vầng trăng thượng huyền nhỏ và mỏng như một nét mày duyên nợ.

  • VÕ THỊ XUÂN HÀTặng cậu tôiTập truyện thứ X bộ truyện "Những trang viết lạ" vừa phát hành, nhiều người đã gọi điện đến hỏi, cái truyện ngắn "Chuốc mấy nậm trường" moi ở đâu ra vậy? Tác giả Trần Sao là ai vậy? Nghe chừng có vẻ là tay viết trẻ mới xuất hiện? Hay thằng cha nhà văn nào chán đời núp bóng tên con để xả sú?

  • HOÀNG NHẬT TUYÊN(Chùm truyện ngắn mini)

  • PHẠM XUÂN PHỤNG(Tặng Hoạ sĩ Trần Hữu Nhật)Hắn là một hoạ sĩ.Gay cấn hơn, hắn còn là một hoạ sĩ trẻ!

  • XUÂN ĐÀIChúng tôi làm việc cho ông Gofhua-Marino đến nay đã là 12 năm 3 tháng. Ông người Mỹ này tuyển người không giống ai. Quảng cáo vỏn vẹn có mấy dòng trên báo: Cần hai chuyên viên giúp việc, tuổi từ bốn lăm đến năm lăm, viết và nói tiếng Anh, tiếng Pháp, thông thạo...

  • HƯƠNG LAN(Tặng mẹ)Mẹ tôi mất trong một lần sinh khó. Mấy tháng sau, đứa em gái bất hạnh của tôi cũng không sống nổi vì thiếu sữa mẹ. Năm ấy tôi mới được sáu tuổi. Rồi thầy tôi (tôi gọi cha bằng thầy) đi thêm bước nữa. Cũng như những phụ nữ muộn chồng khác, người mẹ kế của tôi tính tình luôn cau có khó chịu, hình như đó là tâm lý chung của họ.

  • NGUYỄN TRƯỜNGMưa. Màn mưa giăng giăng trắng đục cả bầu trời. Mưa dầm dề suốt tháng không có lấy một ngày tạnh ráo.Trong ngôi nhà gỗ ba gian tối tăm ẩm ướt những giọt nước mưa từ nóc cứ men theo đám rui mèn đã rũ mục rơi tí tách xuống nền nhà thành từng đám loang lổ nom đến chối mắt.

  • NGUYỄN KHẮC PHÊSân ga ngày giáp Tết đông đúc và huyên náo khác thường. “Tàu S3 xin đường rồi!” Tiếng ai đó thốt lên. Thế là đám người trên sân ga như được tiêm thuốc kích thích. Trước hết là các chàng xe thồ, xích lô, rồi người đưa kẻ đón chạy qua chạy lại, í ới gọi nhau.

  • NGUYỄN THỊ LÊ NA Chiếc Suzuki chồm lên trên con dốc ngoằn nghoèo ghồ ghề đất đá. Người đàn ông cố giữ lấy tay lái dù vậy vẫn không tránh khỏi quệt vào đám cây cỏ dại ven đường. Xe chạy chậm dần và dừng hẳn trước ngôi nhà tranh thấp lè tè nép bên ngọn đồi heo hút. Người đàn ông khoác chiếc túi xách căng phồng rồi đi thẳng vào nhà vừa lúc ánh chiều sắp tắt.

  • VIỆT HÙNGChuyện ghen tuông của phụ nữ ư? Có gì lạ đâu nhỉ? Vậy mà lúc nào cũng có thể trở nên những câu chuyện thời sự nóng hổi. Người ta túm năm tụm bảy; người ta quên ăn quên uống, quên cả công việc, nhiều khi cũng chỉ để ngồi mạn đàm tào lao quanh chuyện ghen bóng gió của ả A  hoặc ả B nào đó.

  • NGUYÊN QUÂN                             Chiếc roi mây lên nước thời gian bóng loáng, vẫn im lìm trên vách tường ố vàng màu vôi cũ. Chính sự im lìm của nó đã vô tình làm hằn lên số phận tôi một chuỗi dài bấp bênh cay đắng... Thầy ơi! nếu ngày xưa thầy cứ nhẫn tâm quất xuống, dù chỉ một roi thôi thì giờ đây cuộc đời đâu thể quất lên người con lắm vết đau xé bầm tím...

  • DƯƠNG QUYẾNHuệ là một hoa khôi. Đài các, cao sang, quí tộc, tài năng, giàu có và hoang dã. Đó là nét đẹp trời sinh ban phát cho nàng.Huệ học rộng, đủ chất "cầm kỳ thi họa". Bốn môn cổ xưa ấy, môn nào Huệ cũng xuất sắc. Cô đỗ hai bằng đại học sử học, vi tính. Ngoài ra, cô còn đoạt luôn một bằng tiếng Anh tại Anh Quốc.

  • VŨ QUỲNH HƯƠNGLGT: Vũ Quỳnh Hương, tên thật là Nguyễn Vũ Quỳnh Hương, sinh năm 1957 tại Huế, hiện sống và làm việc tại San Jose, California (Hoa kỳ), đã có nhiều sáng tác thơ, văn trên các tạp chí Văn, Văn học và nhiều tuyển tập thơ văn ở hải ngoại. Tiêu biểu trong số đó là CUNG THỨC CÙNG THƠ MỘNG (thơ, in chung với Trân Sa, Lê Thị Huệ), MIỀN VĨNH PHÚC (truyện vừa)...

  • TRẦN THÙY MAIChúng tôi đến bản Tok, trời đã quá trưa. Người bản làm nương chưa về.. Dưới giàn bí, cô gái bản nằm ngủ hồn nhiên trên chiếc võng.

  • HỒNG NHU1.Ở độ cao ngọn núi trên một nghìn mét này, trong rừng sâu có lẽ chưa ai bước chân tới, dưới gốc một cây trâm già to cỡ hai người ôm tỏa bóng vòm hình thang chéo mỗi khi mặt trời chiếu thẳng góc, có một túp lều nhỏ lợp bằng tranh săng đã cũ trông như một cái nơm úp chụp xuống đất.

  • TRẦN THÙY MAIKhi mới vào tu học, tôi được giao chăm sóc vườn hoa trước chùa. Tên vườn là Vô Ưu, nghĩa là không phiền não. Vậy mà tôi đã bắt đầu ưu phiền từ đó. Tiết mạnh xuân, thầy tôi cho dựng thêm mấy nếp nhà cỏ men hồ. Đệ tử dạo này đã hơn mười người, phải có chỗ để tĩnh tâm, tụng niệm. Mỗi nếp nhà được đặt một cái tên. Nhà tôi ở ngay bên khóm hoa súng tím, gọi là Lăng Hoa Cốc.

  • DƯƠNG ĐỨC KHÁNHCho đến thời buổi này, cái chợ làng Thanh vẫn đông một khúm lèo tèo dưới tán cây sen cổ thụ vào buổi chiều xế. Vẫn làng tàng, xập xệ như cái tên gọi xưa nay: Chợ Kệ!. Cái tên chẳng ăn nhập gì đến tên làng, tên đất nhưng nó gắn liền với bản chất xuề xòa, nhân hậu của những lớp người quê bao đời nghèo khó.

  • LINH CHI         Quê Hoàng, một làng quê chiêm trũng miền Trung, đẹp và yên bình. Hoàng rất yêu quê nhà không chỉ bởi vì đó là nơi chôn nhau cắt rốn, mà bởi đó còn là nơi chắp cánh cho những ước mơ hoang tưởng non nớt thuở xa xôi của Hoàng.

  • NGUYÊN QUÂNNhững buổi chiều nắng ráo, gã thường ra ngồi ở đây, dọc theo hai triền sông, nở đầy những bông hoa dại - loài hoa vươn dài, xòe những chiếc lông màu tím như cái đuôi chồn. Trong bóng chiều dần dần ngả màu tối, gã vẫn ngồi ngắt từng cánh... từng cánh hoa ném xuống dòng sông.

  • VĂN ANMặt trời đã khuất sau rặng núi xa xa, bầu trời chỉ còn sót lại những vệt sáng yếu ớt như những chiếc nan quạt hắt lên từ phía chân trời.