Rời

16:57 02/10/2008
NGUYỄN NGỌC TƯSinh năm 1976. Quê quán: huyện Đầm Dơi, tỉnh Cà Mau.Hiện là biên tập viên Tạp chí Bán đảo Cà MauNguyễn Ngọc Tư từng đạt nhiều giải thưởng trung ương và địa phương. Trong đó, truyện vừa Cánh đồng bất tận (giải thưởng Hội Nhà văn Việt ) đã được chuyển ngữ qua tiếng Hàn Quốc. http://ngngtu.blogspot.com

Một buổi sáng hanh hao, tư duy kiểu hoa hậu, bạn nói, ước sao trên đời này chỉ còn người tốt. Năm phút trước đó, khi chúng ta đang nói về người nhạc sỹ quen đang chống chọi với căn bệnh ung thư, tôi đã than vãn, trời ơi, ước gì đừng có thứ bệnh quái quỉ này. Bạn của năm phút đó đã cười, kêu lên, sao vậy được? Phải sống theo tự nhiên, sinh lão bệnh tử chứ, phải có ung thư, những cơn đau tim, những cơn hen suyển bóp nghẹt khiến người ta nằm nghỉ mãi bên đường. Chứ mở con mắt ra gặp toàn người già một trăm, trăm năm mươi tuổi ai mà chịu nổi. Nhưng ngay lập tức, giọng bạn chùng xuống, ừ, sao nhiều người tử tế chết trẻ quá, phải cho tụi xấu xa ung thư hết đi.

Trước hết, ta phải phân loại họ, đó là công việc rất nhọc nhằn. Có người đi trộm cá ao nhà người chỉ để cho mẹ một bữa cơm tươm tất, ta có nên thảy qua bên kia rào ác? Có kẻ giết người để cứu người khác nữa, ta có đóng cái bảng bệnh ung thư vào người? Có người làm ác đến cuối đời, bỗng một lần bật khóc trước một nụ mầm gãy, ta phân vân không biết phân loại người này, làm sao tránh được áy náy, hoang mang.
Sẽ hoang mang hơn nếu như ước muốn của các nàng hoa hậu, và của bạn, của tôi, của những rã rời khi thấy cái ác nhơn nhơn diễu qua trước mặt, ước muốn ấy thành sự thực. Trái đất chỉ còn lại toàn người tốt. Mà làm sao nhận biết được họ tốt khi không còn người xấu nữa? Không biết. Ta biết người đó tốt vì họ dám đối diện, tranh đấu hay ngạo nghễ coi thường cái xấu. Trên cái nền xám xịt, những người tốt hiện ra, lấp lánh, bây giờ tối tăm biến mất rồi, người tốt nhòe lẫn vào nhau thành một khối, một màu. Quen mắt, nhàm chán. Suốt ngày, một bầy người tốt ấy ngó nhau, chẳng biết phải làm gì, vì đối tượng để tranh đấu đã mất. Ngó nhau, thấy lười nhác, thụ động, thấy chí khí, lòng dũng cảm, sự trung thực thoái hóa dần.

Họ bắt đầu trở thành người xấu, xấu ít tranh đấu với xấu nhiều, trong quá trình đó, xuất hiện người tốt. Các tôn giáo cũng mừng húm, cuối cùng, cũng phải có ai đó để Đức Chúa, Đức Phật... cải huấn, hướng thiện.
Giai thoại rằng, có lần nhà văn Ngô Khắc Tài càu nhàu với nhà văn Trang Thế Hy về một nhà văn xí xớn cà chớn nào đó, ông Hy cười, hỏi “Ra đường mà gặp toàn Ngô Khắc Tài thì mầy có chán hôn?” Tôi không biết đoạn sau, nhưng đoán là ông Tài chỉ có thể gãi đầu, cười. Tôi thích ông Tài, nhưng nếu ra đường mà gặp toàn ông Tài thì ngán ngược, bởi tôi thích chỉ vì ông bật lên khỏi người đời bởi cái sự… ngông ngênh không giống ai. Nhưng nếu không có hàng dãy người đó làm tôi chán quá đi, làm sao tôi thấy ông Tài ngộ?

Và lẫn lộn trong những đoạn nhớ rời, không mắc mớ gì tới tư duy hoa hậu (thường là muốn trái đất không còn chiến tranh), tôi nhớ người bạn… Mà không, năm năm trước, anh không phải bạn tôi, bởi vì anh là phó chủ tịch tỉnh. Liên quan đến một vụ phá rừng (hay trồng rừng – tùy quan điểm của mỗi người nghĩ), báo chí, dư luận phản ứng khá gay gắt, anh dõng dạc, tôi làm, tôi chịu, tôi làm bởi vì tôi tin tôi đúng. Anh rời bỏ chức vụ đó. Và sự dũng cảm của anh phát sáng, khoan hãy nói anh tốt xấu, tử tế hay không, hãy nhìn anh đương đầu như thế nào trên cái nền chính trường chỉ rặt những gương mặt xanh xao, hèn hèn, sợ trách nhiệm, đến phát biểu thì chỉ dám nói “tôi thấy báo cáo này còn chung chung quá, chưa cụ thể”. Nhưng hỏi cụ thể thế nào, chung chung ở chỗ nào thì ngắc ngứ, tức là chỉ nói cho có, trong độ an toàn nhất định.

Khu rừng chỉ toàn cây cỏ lành, có thể ăn được, chữa bệnh được, làm đồ dùng được thì chắc là người ta đã dọn dẹp sạch sẽ. Và nếu thế giới này chỉ có người hiền, thì sáng nay chúng tôi đã không ngậm ngùi đến vậy, ngậm ngùi cho một người hiền trong thế giới ngày càng hiếm người hiền.
Và nếu sáng nay có một người cà chớn vừa qua đời, chúng tôi cũng ngậm ngùi. Khi Ngô Phù Sai chết rồi, Câu Tiễn buồn mấy mươi năm nữa, hổng biết làm gì luôn, thiệt tình, khi gần như trút hết tinh lực vào công cuộc trả thù. Thù trả xong rồi, rồi sao nữa? Tôi cũng đoán rằng khi Hạng Võ gục xuống, Lưu Bang cũng khóc ròng, cũng chênh chao, cũng buồn tẻ suốt quãng đời sau đó.

Trong bọn họ, tôi thật không phân biệt được ai hiền, ai dữ, không biết nên cho ai bị ung thư mới phải.
Vì họ là con người.
N.N.T
(nguồn: TCSH số 224 - 10 - 2007)

 

 

Đánh giá của bạn về bài viết:
0 đã tặng
0
0
0
Bình luận (0)
  • CHÂU PHÙ  

    Tôi về đây giữa mùa hạ khi cơn mưa rào rạt trên biển vắng, gieo hoang vu xuống chiều xa xăm. Từ trong lều quán nhìn ra biển, một màu xám giăng ngang trời.

  • LÊ VŨ TRƯỜNG GIANG   
                            Bút ký   

    Nước non ngàn dặm ra đi
    Cái tình chi? 

  • LỮ MAI   
        Bút ký  

    Nơi những mái nhà sàn được phủ lớp rêu dày dễ đến nửa gang tay cứ thôi miên, hút hồn khách lạ. Nơi chim rừng hót vang từ sáng tới chiều.

  • PHẠM XUÂN HÙNG

    Tôi nghĩ chắc hiếm có nhà văn, nhà thơ nào thành danh mà trong sự nghiệp sáng tác lại vắng bóng cây cỏ. Sở dĩ loài thực vật thấp bé như cỏ lại trở thành đối tượng mỹ học là nhờ vào những yếu tính trái ngược, thậm chí phi lý nhưng vẫn tồn tại.

  • HỒ NHIÊN  

    Những ngày mới tinh mơ đã đầy nắng. Nắng thấm vào sương làm rực lên sắc hồng ảo diệu. Thiên nhiên tạo nên vẻ đẹp thật giản đơn, và con người chỉ đủ năng lực chuyển tải thông điệp về cái đẹp đó bằng các loại hình nghệ thuật, và điều đó xem như chiếc cầu nối để đưa mỗi ai trở về chiêm ngắm thứ vốn sẵn trong trời đất.

  • NGUYỄN VĂN DŨNG  
                        Bút ký  

    La Habana là thủ đô của đảo quốc Cuba. Tôi thăm La Habana dịp thành phố rộn ràng chuẩn bị kỷ niệm 500 năm tuổi. Những gì tôi thấy ở đây khác xa với những gì tôi từng mường tượng.

  • ĐÔNG HÀ

    Thường trong thời gian của cuộc đời, người ta hay dành riêng khoảng thời gian đáng trân trọng nhất, đó là những ngày đầu năm mới, để nói về muôn sự.

  • ĐÔNG HÀ  

    Tôi vẫn nhớ, chưa bao giờ quên, bài ca dao Mười quả trứng. Bài ca dao được hát lên từ phiên chợ Kẻ Diên nghèo, một vùng quê Bình Trị Thiên khắc nghiệt.

  • LÊ VŨ TRƯỜNG GIANG  
                               Bút ký   

    Chỉ mấy ngày mưa dồn dập, trắng trời quê hương, tang thương lại gieo lên mảnh đất nghèo khó mỗi lần lũ về.

  • NGUYỄN QUANG HÀ

                            Bút ký

  • ĐÔNG HÀ      
        Tản văn  

    Nếu mỗi đời người dành ra một quãng thời gian để lưu giữ ký ức, tôi tin rằng, ký ức của mỗi người là một cái nhà kho khổng lồ.
     

  • LÊ THỊ MÂY
              Bút ký

    Thật khó lòng quên anh, người bạn cùng đi chuyến tàu Thống Nhất từ Hà Nội vào Sài Gòn.

  • ĐẶNG YÊN
             Bút ký

    Với Hương Trà, những điều tưởng chừng quên lãng về một vùng đất nhiều tiềm năng đã sống dậy. Cái xưa và cái nay trộn lẫn giữa làn ranh văn hóa và ý thức, tính bất toàn và biến đổi, giữa cổ kính và hiện đại.

  • LÊ VŨ TRƯỜNG GIANG  
                                    Bút ký  

    Huế được xem là một thành phố vườn, cả thành phố là một công viên lớn, ở đâu cũng thấy được một màu xanh mát dịu của cỏ cây, sông, hồ, đồi núi.

  • TRUNG SƠN
                 

    Trong đời viết văn làm báo, lần đầu tôi "đi thực tế" không phải với các bạn đồng nghiệp, cũng không có ai đưa rước, mà đi cùng "bà xã" của tôi - một cô giáo đang loay hoay chưa biết tìm việc gì làm thêm để bù đắp khoản tiền lương ít ỏi của mình.


  • LÊ HƯNG TIẾN

  • LÊ VŨ TRƯỜNG GIANG   

    Ngày cuối năm, tiếng còi tàu vang bên sân ga cũ bận rộn những chuyến đi về. Cái màu vôi đỏ trong đêm, bóng người vội vã dưới hàng sứ trắng nở tàn lặng lẽ.

  • NGUYỄN KHẮC PHÊ  

    Thiên hạ đang náo nức đủ tin sốt nóng, sao lại đi nói chuyện mít? Cũng do trên trang mạng một tờ báo lớn mới đây có bài “Dân mạng thế giới xôn xao vì trái mít”; nguồn tin gốc lại là một trang mạng của Mỹ! Nhiều vùng quê Việt Nam mình đang vào mùa mít, nhà tôi lại sở hữu 2 cây mít năm nào cũng trĩu quả, cần chi tìm xem chuyện bên Mỹ?

  • LÊ VŨ TRƯỜNG GIANG  

    Thuở bé, mỗi lần đứng trước chiếc tủ gỗ sơn màu xanh ngọc khiêm tốn nép cuối góc nhà, tôi trải hồn mình cùng bức tranh khắc những nét chân phương về một ngã ba sông bằng lặng, mênh mông với những ngọn núi trập trùng cao thấp tầng mây làm hậu cảnh.

  • NGUYỄN QUANG HÀ
                            Bút ký

    Nhắc tới vùng đất miền tây Gio Linh, trước mắt tôi hiện ngay ra những trái mìn nổ bất ngờ trong thời bình.