Lão ngư - Ảnh: Internet
Đứa bé đỏ hỏn được bọc trong miếng tả lót làm bằng vải buồm, thứ vải được nhuộm rất nhiều lần nước củ nâu. Từ đó cha xứ cho ông bõ chăm sóc đứa bé. Những khi đói sửa đang khóc bằn bặt hễ nghe tiếng hát thánh ca của nhà thờ là nó im bặt mở đôi mắt tròn thao láo, hai vành tai nhỏ xíu giật giật, cái miệng chúm chím như đang bập vào một bầu vú vô hình nào đó trước mặt. Lên ba tuổi, thằng Ngư, tên đứa bé, được một gia đình ở xóm vạn chài hiếm con xin về nuôi và trở thành người nổi tiếng về duyên “sát cá”. Đánh cá cũng như đánh bạc. Ngoài thông thạo nghề biển còn có cái duyên, cái vận. Những người không có cái duyên ấy người ta gọi là Trâu bạc. Hễ Trâu bạc đi xuống thuyền ai là thuyền đó làm ăn không nên nỗi gì. Đánh lưới thì lưới rách. Thả neo thì neo rẽ. Rồi bão gió, gãy buồm, trật lái. Trăm sự cố đôi khi ngẫu nhiên đều gán cho Trâu bạc. Vì thế phần lớn các tên cá đều mang tên thú trên bờ, trên rừng như: cá voi, cá bò, sư tử biển (cá mập), cá chó (hải cẩu), cá chim, cá kiến, cá heo, cá chuồn, cá dơi, cá ó... nhưng tuyệt nhiên không có cá trâu. Lão Ngư quanh năm đánh độc chiếc quần đùi may bằng vải buồm đi đứng sột soạt đóng từng lớp muối cứng queo. Những ngày đông lạnh buốt lão chống rét bằng nước mắm cốt nấu bằng mắm cá cơm sọc hay đầu cá thu. Cái thứ nước mắm chắt ra từ cái ống nứa gọi là lù cắm vào vại đứng mắm phơi nấu lên thơm nức, nước cứ sánh vàng óng ánh như mật ong chỉ rơi ra vài giọt cách hàng chục mét trong gió thoảng người ta đã biết. Lão Ngư có thể ngồi bất động hàng tiếng đồng hồ thu lu như một con thú rình mồi bên be thuyền trong cái rét như cắt da, cắt thịt để săn cá ngứa giữa mùa giêng hai. Cá tên là “ngứa” mà thịt thơm phức, béo ngậy như chim cu gáy trên đồng. Từ tấm thân cởi trần đỏ au của lão hơi nước mắm cốt bốc ra ở chân lông, kẽ tóc thành cái làn sương cũng có màu nâu sóng sánh tưởng có thể xắn ra từng miếng được. Nhưng hễ lão khoác chăn bông, áo ấm vào là nhức đầu, sổ mũi liền. Cái thú ăn của lão cũng khác. Suốt đời lão chỉ chén mỗi món gỏi cá; hễ ăn những thứ được đun sôi, nấu chín là cái dạ dày của lão sôi lên ùng ục. Lão thường hay chọn cá trích, cá lầm làm gỏi. Cá bao tử lại càng tốt, chữa được cả bệnh đau dạ dày. Đó là những con cá bé được lấy ra từ cái dạ dày của những con cá lớn còn dính đầy nhớt. Lưỡi dao thép của lão sắc ngọt mỏng như lá lúa khéo léo lách dọc thân cá còn anh ánh màu rỉ đồng được đem ướp với đủ thứ gia vị bóp tái với chanh bằng đôi bàn tay sứt sẹo có những ngón cước ăn sâu vào thành những vòng ngấn như chiếc nhẫn. Nhưng hễ bàn tay người khác nhúng vào gỏi cá của lão là bị rối loạn tiêu hóa liền. Còn uống, ngoài rượu, lão chỉ quen dùng cái nước khe “Hảo Hảo” chắt từ ruột đá núi Nam Giới do một thầy địa lý người Tàu tìm ra. Lão uống nước lạnh của khe nhưng hễ đem đun lên hay uống nước giếng là bị “tào tháo” đuổi ngay. Gia tài đi biển của lão gói gọn trong chiếc rương gỗ hình vuông trong đó chia ra nhiều ngăn, nhiều ô, lớp trên, lớp dưới như chiếc tủ của ông thầy đựng thuốc bắc. Ô đựng cước từ loại cước số 1 mảnh như sợi chỉ đến loại cước số 12 (đường kính 12mm) dùng để câu cá tạ trở lên. Ô đựng đủ thứ lưỡi câu to, nhỏ khác nhau, ô đựng các loại hòn chì, các loại rường câu và những chiếc ống câu được tiện từ những thân tre rỗng mà già ngả sang màu nâu bóng. Dù nhắm mắt lại hay trong đêm tối mò lão vẫn có thể lấy đúng ngư cụ mà mình cần dùng. Chiếc rương gỗ của lão không biết được đóng bằng gỗ gì mà vừa nhẹ có thể khoác bên người như chiếc tay nải màu chàm của người miền núi, vừa bền, không mối mọt không bị nước mặn ăn mòn. Gặp nước, gỗ nở ra khít lại các mối ngàm làm thành chiếc phao cứu sinh nổi bềnh bồng sẵn dây khoác vào vai người thì đố sóng đánh bật ra được. Khi cần đặt xuống thành chiếc ghế vuông chằn chặn ngồi câu thoải mái lại tiện lấy ngư cụ. Lão sống một mình. Ngôi nhà nhỏ của lão giống như một bảo tàng thu gọn. Trên tường lão treo nhiều hiện vật lạ mắt mà chủ yếu là đồ của người chết. Là con “sói biển” kỳ cựu nhất của cửa lạch này lão Ngư còn có một cái nghề làm tự nguyện khác đó là khâm liệm xác những người chết biển. Chết biển tội lắm, chim tha, cá rỉa, dị dạng méo mó “ba chìm, bảy nổi, chín lênh đênh”. Có những cái xác chết trương phình lên to như con bò mộng. Khi lão cúi xuống khâm liệm, tự nhiên cái xác kêu lên một tiếng “ộc” làm cái bụng xẹp xuống, mũi thở phì phì, lông mày tóc tai dựng đứng cả lên trông phát khiếp. Họ chết oan đấy mà, lão bảo thế! Những đứa bé chết biển thường có bộ dạng giống nhau: chết ngồi, đầu cúi gục xuống hai đầu gối trông như cái bào thai, hai bàn tay nắm lấy cát. Khi có thuyền vớt được xác người chết dân làng bao giờ cũng nhờ lão. Họ bảo: lão mát tay lắm mà. Chỉ cần một chai rượu mạnh vừa uống vừa xát vào tay vào ngực cho ấm người là lão lo chu đáo từ việc tắm rửa bằng nước ngũ vị đến việc chải lại mái tóc cho những người đàn bà xấu số. Trên tường nhà lão treo lủng lẳng những đôi bàn tay, cẳng chân sọ dừa mà những lúc rỗi rãi khi biển động ở nhà lão tự đục, tự tiện lấy bằng thứ gỗ tạp xin được của dân đóng thuyền. Thường những người chết biển bị cá rỉa hay ngâm lâu ngày trong nước rữa ra không được nguyên vẹn. Thiếu bộ phận gì lão đều lắp ghép đầy đủ. Lão bảo: Cho họ sang bên kia đủ chân đủ tay để mà làm nghề, cái nghề nước mặn nó “muối” lắm. Nhà lão treo những chiếc ba- toong, cái áo dạ ba-đơ- xuy, chiếc mũ phớt chắc là của các ông chủ Tây từ hồi trước “cách mạng” được lão đưa tiễn về thế giới bên kia nhưng lão chưa bao giờ sử dụng “để ngắm thôi mà, nhưng đồ Tây nó tốt thật, chừng ấy năm rồi đố mà hỏng!” Đến thời đánh Pháp lão có thêm chiếc quần màu cứt ngựa có cái túi bắt gà to tướng của lính đồn đóng trên núi Nam Giới. Hồi chống Mỹ có chiếc tàu biệt kích bị mắc cạn ở hòn đá rùa ngoài mũi Lố. Bọn người nhái vội vàng bơi ra tàu lớn và điện cho máy bay ở hạm đội ngoài khơi thả bom đánh chìm. Lão Ngư nghe tin uống liền mấy tô nước mắm cốt xung phong lặn xuống tháo gỡ những thiết bị hiện đại trên tàu mặc cho bom nổ tứ phía dưới sự yểm trợ của bộ đội phòng không bờ biển. Chiến công của lão được đưa lên đài, báo. Nhưng rồi đùng một cái tất cả đều như muối bỏ biển. Chả là theo cái tật dã thành thói quen sau lần ấy lão giữ lại cho mình chiếc bật lửa mà khi bật nắp lên thì có hình một mụ đầm đứng ưỡn ngực và cái ngọn lửa ấy lại phát sáng từ chỗ kín đàn bà. Như thế là đồi trụy, không được! Rồi lão giấu một chiếc đài bé xíu như bao thuốc lá mà làn sóng chỉ nhảy được hai số. Một số mắt sóng thường để nghe thời tiết và tình hình tin tức trong nước. Số kia trúng vào cái kênh của đài BBC. Như thế là nghe đài địch tuyên truyền tâm lý chiến, tội này thì nặng thật. Lão bị đưa lên huyện xét hỏi. Dạo ấy, dân đồn lão là gián điệp nằm vùng, chả thế mà khi lặn xuống tàu, bom nổ tứ phía vẫn không bị xây xát gì, chả thế mà lão chỉ ở một mình để dễ hoạt động. Lạy trời, chẳng thà đánh đập tra khảo lão, lão chịu được, bắt lão đục đá, vá tường, lão chịu được. Nhưng giam lỏng lão trên bờ giữa ngày trời yên, biển lặng thì lão lồng lên như điên, như dại. Lão nhớ biển! Lão thèm cái món gỏi tươi sống, thèm cái nước khe “hảo hảo” uống đến tỉnh người. Lão ốm một trận thập tử, nhất sinh khi phải ăn chín, uống sôi, khi phải đắp cái chăn bông sặc mùi loong não, khi ngủ trên cái giường nệm của công an huyện, khi phải dùng nước giếng xây mà lão bảo: tanh mùi bùn đến lợm mửa, đếch chịu được! Chiến tranh càng ác liệt. Chúng thả thủy lôi dày đặc, ngày nào cũng có người chết biển trôi vào. Trên tường nhà lão lại có thêm chiếc mũ tai bèo, đôi ống nhòm. Rồi những trận thủy chiến xảy ra trên biển. Nhà lão lại có thêm chiếc áo rằn ri, chiếc đồng hồ dạ quang mặt màu hồng bốn kim nặng chình chịch đeo sái cả tay không thấm nước của bọn thủy quân lục chiến. Xác nào lão cũng làm chu đáo không kể phe ta hay phe địch. Thôi thì “nghĩa tử là nghĩa tận” “sống khôn, thác thiêng”, lạy người ba lạy, phù hộ cho dân biển làm ăn may mắn, đừng có chiến tranh liên miên là được rồi. Sống là người còn chết thành “ngài” cả thôi. Bạn thân của lão là con cá heo sứt mép đã cứu lão thoát chết trong một trận bão. Theo cái lệ đã thành quen những khi thuyền lão được cá bao giờ lão cũng lấy cái tù và làm bằng vỏ ốc thổi “oa oa” trong gió. Con cá heo có tật này ít khí săn được mồi nổi lên bên be thuyền và được lão đổ vào miệng từng bát cá con. Bởi lão Ngư là tay tài công kỳ cựu có nhiều kinh nghiệm dân gian đánh bắt cá nên những ngư phủ trên thuyền phải chiều theo ý lão. Những lần “tháo gió” lão đã trổ hết tài của mình khéo léo đưa thuyền vào cửa lạch. Lão bảo: “Những nạm gió chìa, vôi ấy thấm gì?”. Nhưng cứ giữ mãi cái thói quen cho cá heo ăn mồi ấy đám ngư phủ nhiều khi cũng xót ruột. Những tiếng rì rầm bàn tán, những ánh mắt lấm lét liếc ngang liếc dọc. Lão không để ý. Những tiếng bấc, tiếng chì nói nhau nặng nhẹ trong thuyền, lão không thèm chấp. Một hôm, sau khi cho lão uống rượu say nằm mê mệt trên bánh lái con thuyền, một người trong đám ngư phủ lấy tù và rúc lên. Con cá heo quẫy đuôi bơi lượn quanh thuyền mấy vòng. Hình như nó cũng nhận ra điều gì khác thường. Nhưng vì đói mồi nó vội há miệng ra thì một bát vôi to tướng rót vào cổ họng nó. Nước biển sôi lên ùng ục. Con cá heo rú lên mấy tiếng ghê rợn và bị bỏng nặng. Lão Ngư tỉnh rươụ chồm dậy hất cái con người độc ác đó xuống biển. Sau, mọi người can ngăn mãi lão mới cho vớt lên và đuổi thẳng lên bờ. “Biển không dung nạp loại người ấy”. Cho nó đi biển trước sau gì rồi thuyền cũng bị nạn. Lão bảo thế! Từ đó dù lão có khản cổ gọi tù và con cá heo không bao giờ xuất hiện nữa. Bấy giờ bạn của lão còn lại là một ông già đóng quan tài trong làng. Lão bảo: - Nhìn cái gió này, mây này, trăng tán này là sắp mùa bão đấy, ông chuẩn bị gỗ đi là vừa. Chiều dài thì cứ ước lượng gần giống nhau, còn chiều ngang phải đóng cái to, cái nhỏ vì có nhiều xác ngâm nước trương phình lên. Nhiều lần hai ông lão bần thần ngồi uống rượu vừa ngắm đám trai làng lực lượng như đang đo đếm tính toán gì đấy. “Lại sắp có gió nhà chắt Bảy rồi”. Cái đận ấy vào dịp này nhà “chắt Bảy” bị trúng gió chết cả thuyền. Một mình lão xắn tay lo liệu, vì vậy đám trai làng thường đến hỏi lão cái lịch thời tiết đặc biệt chỉ có lão mới biết. Cái lịch được lập ra bằng các ngày giỗ trong làng. Không biết lão Ngư có của cải gì. Họ đồn lão có nhiều vàng lắm, vàng của những người chết biển. Nhưng chắc chắn là lão có của vì thuyền lão bao giờ cũng gặp may. Hôm ấy lão đang uống rượu với gỏi cùng ông già đóng quan tài thì nghe tin ngoài mũi Gò đang chuẩn bị xả thịt một con cá heo để bán cho dân câu cá mập. Lão vội sấp ngửa chạy ra. Trời ơi, con cá heo sứt mép của lão. Lão rẽ đám đông bước vào. Tiếng bàn tán thì thầm sau lưng lão. Mấy tay buôn cá vôi nâng giá bán khi biết con cá heo ấy là người bạn thân thiết của lão. Giá được tăng vùn vụt. Lão Ngư lấy cái túi da cá mập ném xuống trước mặt mấy gã buôn cá: “Gia tài của tao chỉ có chừng ấy. Chúng mày để lại con cá cho tao, còn tất cả của cải trong cái túi này cho chúng mày tất!” Lão đổ ra, mọi người trố mắt nhìn những lá vàng nhãn hiệu “Kim Thanh” lóe lên trong ánh nắng chiều vàng vọt, tuyệt nhiên không thấy bất cứ một vật trang sức nào của con người như vòng vàng, dây chuyền, nhẫn vàng. Chưa bao giờ ông lão đóng quan tài lại đóng một chiếc hòm to và kỳ công đến thế. Ông biếu không cho lão chôn con cá ở chân núi Nam Giới. Tôi là người làm công tác bảo tàng. Khi đi tìm hiện vật, nghe tin, đến xóm vạn chài thì lão Ngư đã thành người thiên cổ. Khi lão mất, ông già đóng quan tài chôn lão Ngư bên cạnh mộ con cá. Trên ngôi mộ của lão có tấm bia đá hình cây thánh giá. Nghe nói trong cơn hấp hối, mặc dầu lão là người ngoại đạo, nhưng mọi người trong làng lại được nghe ngắt quãng nhưng rõ ràng lão đang đọc kinh. Đây là lần đầu tiên trong đời lão đọc bài kinh bổn mà không biết lão đã học bao giờ với hai tiếng: A- men sau cùng nhòa đi trong nước mắt của mọi người. Khi tôi đến thăm mộ lão Ngư thì thật là kỳ lạ: Những cây hoa muống biển bên mộ con cá heo vắt ngang quấn lấy cây thánh giá trên mộ lão nở hoa rực rỡ. Bên những chùm hoa tím bỗng ánh lên một bông hoa đỏ như máu, và tôi nghe đâu đây tiếng người đọc kinh rì rầm trong tiếng đất, tiếng biển... Hà Tĩnh tháng 10/ 1999 N.N.P (140/10-00) |
NGUYỄN XUÂN HOÀNG1. Từ Huệ nằm thiêm thiếp bên cạnh án thư. Tóc râu chàng bạc trắng. Đêm qua, ngoài trời mưa gió to quá. Chàng không làm sao ngủ được. Từ Huệ sợ mưa, sợ phải nghe thấy những âm thanh cuồng nộ của trời đất. Điệu luân vũ ấy là nỗi ám ảnh khi chàng còn là một anh khóa vô danh.
PHAN TUẤN ANHLớp Lý trong một chiều nhốn nháo. Vài đứa con gái ngồi sụt sùi cho nhân vật nữ trong phim trên ti vi chết sớm và nguyền rủa đạo diễn như một tay giết người. Những đứa con trai thì tiếc rẻ cho một vài pha bóng hụt tối qua, để lại hậu quả là mất hẳn một "tháng lương" mà nhẽ ra đã có thể lĩnh sáng nay tại... chủ quán.
NGUYỄN VIỆT HOÀLGT: Khi ánh sáng phản chiếu từ mặt trái đồng tiền ùa vào cánh cửa làng mở rộng, “sức nóng” của nó gần như thiêu rụi mọi nền tảng đạo đức một bộ phận không nhỏ đám thượng lưu gồm cả quan viên hương lý. Căn bệnh mà tác giả Nguyễn Việt Hoà mổ xẻ trong truyện ngắn dưới đây, dẫu chưa cao tay để diệt bằng hết những vi-rút-làng, song việc ngăn chặn một đại dịch bắt đầu là có thể...S.H
TRẦN HẠ THÁP1/ Người đàn ông đang huơ rìu. Liên tục những bi củi tươi bị xé phanh, toang toác. Gió lạnh một buổi tàn đông, sắp Tết nhưng trên khuôn ngực mồ hôi loang lổ như mưa. Xóm lò heo. Buổi sáng chưa mở mắt đã hỗn độn, mù trời hơi nước. Cái thế giới được khoanh vùng bằng tiếng kêu bi thiết các con vật thảm tử. Mùi phân chuồng phát tán, nghẹt thở. Tiếng người lê la trả giá, mặc cả. Tiếng cười rộ lên đắc ý trộn lẫn tiếng chửi thề tục tằn đe doạ. Đâu đó, mơ hồ giọng trẻ con khóc và tiếng ru hò ngái ngủ xa xôi…
NGUYỄN NGỌC LỢITôi diện bộ "téc gan" quân nhu, dắt súng vào người, dặn dò cậu lái xe rồi hoà vào dòng người đi ra sân bay. Được giao nhiệm vụ về nước sắm hàng, gặp một sự kiện quan trọng, tôi không muốn bỏ lỡ dịp được chứng kiến. Thị xã Lộc Ninh năm 1973 đã trở thành thủ đô của chính phủ cách mạng.
THÁI BÁ TÂN…Con chim hung dữ màu đen là trọng tâm của bức tranh, được ông giành hết tâm sức miêu tả rất sống động. Trong tranh, nó đang bám chân vào ngực Prômêtê, xoè hai cánh giữ thăng bằng, chiếc mỏ khoặm ngậm một miếng tim vừa moi từ lồng ngực khổng lồ của chàng…
NGUYỄN ĐỨC SĨ TIẾNMọi người đến Huế với những lí do khác nhau. Riêng các văn nghệ sĩ thì thường đến để tìm cảm hứng sáng tác. Tuy nhiên ý tưởng của mỗi người thì mỗi khác, chẳng ai giống ai. Họa sĩ Vĩnh Trung và nghệ sĩ Hải Lý là một trong những trường hợp như vậy.
XUÂN ĐÀIChuyện thằng Thanh con cô Ngoan ở làng Đông cuối tháng này tổ chức đám cưới với con Thuý con cô Lâm ở làng Nổi, dân xã Vĩnh Sơn ai cũng tỏ tường. Cái đận cô Lâm có chửa, điều tiếng khắp làng, người ta đoán già đoán non về cha của đứa bé. Đoán vụng đoán trộm, thì thầm nhỏ to sau lưng, chứ thấy bóng cô đi ngang qua là họ im bặt. Nó mà nghe được nó tế cho! Nó vén mồm, vén váy, réo tên cúng cơm ba đời nhà mình ra mà chửi.
PHẠM THỊ XUÂNChị Xoan trở mình nhè nhẹ, sợ làm đứa cháu giật mình thức giấc. Chị quay mặt vào tường như cố tránh cái ánh sáng xanh dịu phát ra từ ngọn đèn ngủ. Chị nhắm kín mắt nhưng vẫn không sao ngủ được. Đầu óc chị rối bời bao ý nghĩ. Có một cái gì day dứt, một cái gì tiếc nuối, một cái gì hẫng hụt vừa đi vào cuộc đời chị. Chị bỗng thấy lòng mình trống trải đến vô vị...
PHẠM THỊ XUÂNLGT: Ấn tượng của một nữ tác giả mới lần đầu tiên gửi tác phẩm đến cho TCSH thật khá đậm đà. Ấy là Phạm Thị Xuân, một phụ nữ ở độ tuổi đã qua thời thanh xuân, đang công tác tại một đơn vị y tế huyện Quảng Điền.
QUÝ THỂCó ai đến nhà chơi, bà cụ Tuần chỉ mép tấm phản gỗ mời ngồi, bà nói:- Giang sơn của "bầy choa" (chúng tôi) chỉ có chừng ni. Không ghế bàn, xa lông, sập gụ tủ chè chi cả, chịu khó ngồi đỡ, ông bà mô áo quần trắng trẻo sạch sẽ sợ dơ, thì ngồi lên đây. Bà cụ xoè cái quạt giấy cũ đã rách, lộ ra mấy cái nan tre lót cho khách ngồi. Nhưng không ai nỡ ngồi lên cái quạt giấy của cụ.
NGUYỄN THỊ ANH ĐÀO...Sáng hôm ấy bà con xóm đạo đi lễ rất đông. Người ta nhìn thấy một vệt sao băng vào lúc trời tảng sáng. Họ cho rằng Chúa thấu hiểu được nỗi đau đang dày xéo trên thân thể Xoan. Nhưng cũng chính vì thế mà bố cô lại quay về làm chính con người liêm khiết hồi xưa. Thiên đường cũng có những con đường riêng để người ta sám hối.
XUÂN ĐÀI 1. Mỗi lần từ quê trở về Sài Gòn, sống bên chồng và hai đứa con, tôi không nguôi nhớ đến chị. Năm nay chị đã ngoài bốn mươi, không chồng, không con, lủi thủi ra vào trong ngôi nhà một gian hai chái. Ngôi nhà vừa được xây dựng cách đây gần ba năm bằng số tiền chị tằn tiện, chắt bóp mười mấy năm và tiền vợ chồng tôi phụ giúp chút đỉnh. Vài ba năm, vợ chồng con cái chúng tôi mới về thăm chị một lần. Chị mừng, chị vui, trò chuyện với các cháu suốt ngày. Chị quấn quýt lũ trẻ, lũ trẻ cũng quấn quýt chị.
TRẦN THỊ TRƯỜNGNgày trăng tròn lẻ. Tháng Trung Thu năm Đại Bảo thứ 3.Người hai lưỡi bảo là ngày Sao Thổ phạm vào Thái Âm.Người ngắn lưỡi nói Sao Chổi mọc ở phương Tây.Người dài lưỡi bảo có tinh vượn đen ăn mặt trời, ngày Nhật thực, nếu không yểm kỹ sông Nhị đang nảy vàng ròng sẽ ngừng.Động đất.
VIỆT HÙNGTrước đây, anh là người lừng danh, một tay "cua - rơ khét tiếng" trên xa lộ. Đã một thời anh chỉ biết chiến thắng. Người ta từng mệnh danh, anh là người sinh ra để đua xe đạp, anh không hề có đối thủ. Anh xem thường sự chiến thắng của mình, cho nó là điều hiển nhiên. Anh coi ánh hào quang của vòng nguyệt quế chỉ có tác dụng tô điểm thêm cho vẻ đẹp của mình mà thôi. Bởi, không có nó, anh vẫn là một thần tượng chẳng gì "khuất phục nổi".
NGUYỄN THÁNH NGÃĐêm nay trăng nhão, không biết là đêm trăng gì. Ở xa nhìn về đồi Kà Mạ vẫn một khối đen sì. Nếu có ai nhướn mắt nhìn thật kỹ sẽ thấy cái khối đen sì ấy nhô lên như một cái đầu người đôi mắt lấp láy đom đóm. Thỉnh thoảng gió hất cái đầu tóc rối bù xù bay về phía ruộng. Tiếng chim cú kêu mỗi lúc một thê lương, ớn lạnh từng đốt xương sống...
THÁI BÁ TÂNTháng trước, ở phường B. thị trấn Đức Giang, huyện Gia Lâm, nơi tôi về nghỉ hưu mấy năm nay, đã xẩy ra một vụ trọng án có nhiều tình tiết rất kỳ lạ, có thể nói bí ẩn không sao giải thích nổi, đến mức cuối cùng người ta quay sang cho rằng nhất định phải có yếu tố thần linh ma quỷ trong vụ này.
PHẠM THỊ ANH NGA Truyện ngắn...trái tim có những lý lẽ mà lý trí không thể nào biết được...
PHAN VĂN LỢIBuổi giao lưu và trao giải thưởng cho các tác giả đoạt giải trong cuộc thi viết truyện ngắn do Hội Nhà văn tổ chức đã tiến hành được gần nửa giờ. Gã nhấp nhỏm trên chiếc ghế kê phía sau cánh gà sân khấu, bồn chồn không yên. Chừng thông cảm với tâm trạng của gã, cô gái phục vụ mặc áo dài đỏ bưng tới cho gã ly nước, nhẹ nhàng nói: "Chú cứ yên tâm ngồi nghỉ cho khoẻ. Giải A bao giờ cũng trao cuối cùng, chú ạ!"
KHẢI NGUYÊN Pa-ri, mùa hạ năm 198...Vườn Bách thảo giữa thành phố kề sông Xen phía tả ngạn. Ông đến đây như một kẻ lánh đời, sợ nơi đông người. Thật ra, phần lớn đường phố Pa-ri trong giờ làm việc không ồn, không thừa thãi người đi nhong như ở Việt Nam. Em ông ở quê ra Hà Nội chơi đứng ngắm dòng người và xe nườm nượp qua lại cứ tự hỏi: những con người này đi đâu, về đâu mà tuôn mãi như là chẳng ai về nhà cả, như là cái "nghiệp" trời đày phải đi.