Quyền không được giỏi

09:07 13/08/2009
NAM TRUNG Ông Hãnh cứ đi tới đi lui trong phòng khách nhà ông, vừa đi vừa quạu cọ lẩm bẩm: thằng Hùng nó nói vậy là nó có ý coi thường mình, nó dám trứng khôn hơn vịt. Rồi mày sẽ biết tay ông. Ông sẽ cho mày còn lâu mới được vào Đảng, ông sẽ bác tất cả những đề xuất về mày...

- Cái gì mà ông cứ đi lui đi tới, cau có lẩm bẩm thế?

Bà Tiến vợ ông Hãnh đi dưới bếp lên hỏi.

- Bà biết không, hồi chiều tôi quên mất nên nói Hêghen là nhà triết học duy vật biện chứng xuất sắc, thằng Hùng nó nói tôi lộn, Hêghen là nhà triết học duy tâm xuất sắc. Ừ thì tôi già rồi tôi quên nhưng nó nói to và cười kiểu mỉa mai lắm tôi không thể chịu được, tôi căm nó từ chiều đến giờ.

- Ông có lòng căm thù sâu sắc thế là tốt. Thôi ông đi tắm để rồi còn ăn cơm.

- Bà cứ để cho tôi nguôi nguôi cái đã.

Bà Tiến đi xuống bếp, ông Hãnh nhìn theo cái dáng gầy nhỏ của vợ rồi ngồi phịch xuống bộ ghế xalon nệm da. Tay ông moi túi áo lấy ra gói thuốc White Horse bóc lớp nilon bao gói, xé lớp giấy chống ẩm phía trong rồi rút một điếu châm lửa, rít một hơi dài, ngửa mắt phả khói lên trần nhà. Cái cách phả khói thuốc lên trên ông thấy trong một tập thơ của Nguyễn Duy có hình bìa như thế nên ông làm theo, gì thì gì ông cũng thuộc được dăm chục bài thơ của Nguyễn Duy, Bùi Chí Vinh, một ít thơ thế sự mà bạn bè phải khen là hay và một số câu đối lạ có, quen có nhưng nhiều người phải tròn mắt lên mỗi khi ông đọc. Gói thuốc vợ ông mua hồi sáng giờ ông mới mở ra hút điếu đầu tiên sau hơn mười tiếng là một sự khẳng định vị trí của ông trong tập thể. Sau một hồi ngồi đọc báo hoặc ký vặt trong phòng riêng ông chỉ cần ra đứng ở hành lang hoặc sà vào chỗ anh em đang nói chuyện là có đứa khúm núm mời thuốc, việc gì phải hút thuốc của mình, thuốc mời thường hút thơm hơn và tỉnh ra. Thế mà cái thằng Hùng dám nói mình sai một cách chi li như dạy mình mới tức chứ. Cái thằng này cũng lạ, cái gì nó cũng nắm rất chắc, thuộc lòng bài bản và trình bày rất lôgic. Lúc nó nói ông sai, ông định lấp liếm cãi lại nhưng không được vì nó nói chặt quá, ông há miệng nhưng như có ai bẹo miệng không cãi được. Gì cũng được nhưng nói ông sai một cách to tiếng, lại có hai ba người đứng gần thì mày phải tội rồi con ạ. Thôi đi tắm rồi ăn cơm cái đã, nhất dạ sinh bá kế, ông sẽ cho mày biết tay vào ngày mai.

...Trường Đại học Tổng hợp một nước Cộng hòa thuộc Liên Bang Xô Viết đầu những năm 80, nghiên cứu sinh Trần Kiêu Hãnh chuẩn bị viết luận án sau khi thi qua được hàng loạt môn điều kiện với mức điểm khá cao. Kiêu Hãnh ngồi nghĩ lại cái số may của mình bên cửa sổ tầng thứ năm của "ốp", nhờ thằng em hy sinh ở chiến trường Quảng Trị mà mình được đi Tây, nhờ ông bí thư Đảng của xã có đầu óc tân tiến cực kỳ: kết nạp Đảng ngay cho con em trong xã thi đậu vào đại học để đi đến đâu nó cũng làm quan, có điều kiện mau thăng tiến sau này thành đạt sẽ giúp đỡ quê nhà, nhờ ông bí thư Đảng ủy nhà trường đỡ đầu mà nhiều đứa khá hơn mình khi mình đi học đại học bên Nga nó lại không biết ôm súng ở góc rừng nào ở miền Nam, mình công tác khơi khơi lại được đi học tiếp, nhờ mấy ông thầy, bà giáo Nga cứ thấy Việt Nam là khơ-ra-sô, ta-va-rit mà mình học qua được hết các môn mà mình tự biết là chả hiểu biết được bao nhiêu bây giờ đường hoàng là nghiên cứu sinh năm thứ hai. Cái được của mình là biết người biết ta, biết ăn nói lễ độ, không bộc lộ thật mình ra để được các bậc bề trên ban ơn xuống, mấy thằng hay cãi có giữ lại làm cán bộ giảng dạy cũng còn phờ phạc chán. Thế mà chiều nay lại gặp tay Thiên mới sang, tay bắt mặt mừng mà Kiêu Hãnh thấy chờn quá. Không biết ông bí thư Đảng ủy có nói gì với cậu ta không, cái chuyện ngày xưa khi cậu ta đi bộ đội. Kiêu Hãnh đi sang "ốp" của mấy người mới sang để thăm dò, thấy Thiên bình thản, vui vẻ mới tạm yên lòng là không có chuyện gì.

Vốn là thế này, ngày ấy sau khi từ Liên Xô về Kiêu Hãnh được cử về công tác tại một trường đại học nọ. Việc đầu tiên là làm quen ngay với ông bí thư Đảng ủy trường, biếu mayxo nấu nước, cái bàn là để thêm tình thân mật. Kiêu Hãnh và Thiên cùng một bộ môn, Thiên là sinh viên giỏi được giữ lại trường, tính tình thận trọng ít nói nhưng đã nói lại nói thật, thật đến mức có khi mất lòng người nghe. Một thời gian Kiêu Hãnh được bầu làm bí thư Chi đoàn vì khôn khéo nói theo cấp trên, nghe nói Chi bộ bộ môn được ông bí thư Đảng ủy gợi ý đề cử Kiêu Hãnh. Công tác một thời gian, Thiên tỏ ra là một cán bộ trẻ xuất sắc trong chuyên môn nhưng lý lịch dính gì vào quan lại phong kiến, lại lập gia đình sớm mặc dù cha và em đang phục vụ trong quân đội. Chiến trường cần người, cán bộ, giáo viên, sinh viên tình nguyện nhập ngũ. Bộ môn cần có người lên đường vào Nam chiến đấu, Kiêu Hãnh nghĩ đến Thiên dù vợ Thiên gần đến ngày sinh, gia đình có hai người là bộ đội trong khi gia đình Kiêu Hãnh không có ai đóng góp. Đầu óc linh hoạt của Kiêu Hãnh cùng với sự đồng ý chỉ đạo ngầm của ông bí thư Đảng ủy nhà trường, cách ăn nói khôn ngoan lựa cảnh đớp lời, uốn éo miễn sao có lợi đã chuyển Thiên từ một cán bộ giảng dạy đại học thành một Thiếu úy quân đội vào Nam chiến đấu. Thời gian Thiên đi B vợ Thiên ở nhà có nghe nói loáng thoáng nhưng không rõ ràng. Sau năm bảy lăm Thiên không về lại trường cũ mà giảng dạy ở học viện quân sự và hôm nay gặp lại Kiêu Hãnh trên xứ tuyết này. Thiên đi lần này sang Liên Xô làm nghiên cứu sinh cao cấp, làm luận án Tiến sĩ khoa học. Nghe Thiên nói Kiêu Hãnh đã hơi choáng vì tưởng mình ở lại trường thuận chèo mát mái, tay Thiên phải đi chiến trường thế mà nay là Trung tá, nghiên cứu sinh cao cấp trong khi mình chỉ đi làm nghiên cứu sinh. Ba năm sau hai người về nước, một phó tiến sĩ, một tiến sĩ khoa học, lại ở hai trường khác nhau và những chuyện kín đáo, bí ẩn ngày xưa được những tình cảm cùng trường, sát "ốp" lúc tha hương lập nghiệp che mờ thêm. Hn mười năm sau hai người lại gặp nhau. Ông Thiên giờ là Tổng giám đốc một cụm trường, ông Hãnh làm phó giám đốc một trường nhỏ trong cụm. Nghe nói ông Thiên đã biết chuyện ngày xưa nên ông Hãnh không dám chạy nhờ nữa mà quyết tâm làm đầu gà hơn đuôi voi.

Ông Hãnh thiếp đi lúc nào không hay, mãi đến sáng bạch bà Tiến kêu xuống ăn sáng ông mới dậy. Chà! Giấc mơ đêm qua mới đã làm sao, ông mơ ông được đề bạt Giám đốc, ông cách chức phó phòng của thằng Hùng, thế mà cái mặt nó vẫn vênh vênh, cãi lại ông, bảo ông dốt không xứng đáng làm Giám đốc giám điếc gì cả, ông ký ngay bổ nhiệm thằng Bỉnh, đệ tử ruột của ông vào chức vụ đó, thằng Tán cùng quê vào chức Trưởng phòng Hành chính Tổng hợp lo giám sát cơ quan cho ông xem đứa nào nói gì, đi đứng thế nào để ông còn trị. Chưa cần đánh răng, rửa mặt, cứ để cho dư vị chiến thắng trong mơ lâng lâng trong đầu ông gọi điện cho một số người giả vờ hỏi lịch làm việc hôm nay, thăm hỏi bâng quơ ra vẻ quan tâm mọi người rồi gọi điện cho Bỉnh và Tán yêu cầu chúng nó tuyệt đối ủng hộ ông trong cuộc họp chi bộ chiều nay. Xong mọi việc ông vừa huýt gió vừa đi gột rửa cái dung tục của mình để lên xe phóng đi tới trưa mới về. Bà Tiến hờn mát theo một câu:

- Cái ngữ già rồi còn chưa nên nết, huýt sáo với thăm hỏi vợ con người ta sáng sớm, làm như tình cảm lắm!?

Ông Hãnh có thể giấu ai chứ không thể dấu được bà, kể cả chuyện học hành của ông bà cũng biết. Cái ngày mới quen nhau bà không có cảm tình lắm với ông vì cái tên nghe nó tò te xông lên thế nào ấy. Ông bảo Hãnh là tên làng ông, làng Đại Hãnh. Bà cãi thế nếu sinh ra ở Cù Lao Chàm, Cù Lao Ré không lẽ ông cụ đặt tên là Kiêu Chàm, Kiêu Ré à. Ông chịu không cãi được ngồi buồn xo ra vẻ thương cảm lắm, lại thêm cặp mắt hơi bé tí lươn tí chạch của ông, cái miệng mím mím với môi trên hơi dài làm cho bà mủi lòng. Chẳng biết ông nói thế nào mà rồi bà theo ông đến tận bây giờ, biết mà chịu lại còn nhiều khi thích nữa. Bà sờ lên môi trên của mình, người ta nói vợ chồng sống lâu với nhau giống nhau cả khuôn mặt lẫn tính tình rồi đi vào soi gương xem lại đôi mắt chứ như mắt ông thì xấu lắm. Yên tâm, chỉ mới hơi giống, không phải, không giống, bà cả quyết rồi dọn dẹp nhà cửa đi làm.

Hùng đang đứng nói chuyện với anh em cùng cơ quan trong sân, thấy bóng ông Hãnh đi đến ngoài cổng liền nói:

- Thôi đi làm đi anh em, đứng nói chuyện đầu giờ là không yêu nước.

- Đi. Ông "nói chung" đến đấy. Cậu thủ kho nói nhỏ đủ nghe.

Anh em tản đi mỗi người một chỗ, cái sân vắng lặng trở lại. Ông Hãnh tiến vào, thằng Bỉnh sán đến mời ông điếu thuốc và nói nhỏ:

- Chúng nó thấy anh vào, xì xào nhỏ to rồi tản đi hết.

- Cậu có nghe thấy chúng nó nói gì không?

- Em nghe thấy láng máng gì là yêu nước, là nói chung.

- Lại thằng Hùng và thằng Khang thủ kho chứ gì. Nu-pagazì. Ông Hãnh lẩm bẩm câu tiếng Nga trong phim Hãy đợi đấy và bực tức bước vào phòng.

Bọn này quá lắm, nhất là thằng Hùng, nó dám nói chọc ông, coi thường ông, phải cho chúng mày biết tay ông thì chúng mày mới ngoan ra được. Ngặt nỗi ông Vũ Giám đốc hết sức tin cậy nó, quần chúng lại nghe theo nó vì nó đã nói là làm, lại làm việc vừa nhanh vừa tốt, không mất nhiều sức lực mà hiệu quả lại cao. Nó cũng quen biết đông lắm, toàn loại có cỡ ở vùng này, nhất là hội văn nghệ báo chí thường trú và sở tại. Nó đã hăm ông, nếu thấy quá lắm nó cho ông lên báo, ông phải nói với ông Vũ để nó không làm thật. Nghe thằng Bỉnh làm việc lâu năm với nó nói lại, nó từng cùng cánh báo chí vạch trần sự thật một ông to trong vùng đến mức thân tàn ma dại nên ông cũng hãi, không dám quá quắt với nó. Nhưng mà kỳ nhân sự này phải tương kế tựu kế lừa nó triệt hạ không thương xót, không kiện cáo báo chí gì được. Phải chịu nhục chạy cầu ông Thiên, liên kết với hội trường xưa, bạn cũ hạ bệ ông Vũ mình mới toại nguyện. Thằng Hùng nói chuyện yêu nước là có ý mỉa mai ông vì nó đã gây nhau với ông vì chuyện này một lần. Số là trong một cuộc họp phòng của nó, sau khi Giám đốc và trưởng phòng đánh giá tốt về công việc của anh em, nêu một số khuyết điểm nhỏ cần khắc phục của một số người ông không ưa lắm. Đến phiên ông xin phát biểu, ông nâng mức khuyết điểm ấy lên thành quan điểm, là không yêu nước, không yêu chế độ. Thằng Hùng nổi xung đứng dậy cãi ông, nó nói ông bảo anh em đó không yêu nước, không yêu chế độ vậy ông lấy cái gì để đo, để đếm, ông có cầm theo cái "yêu nước kế" nào đó không mà quy chụp anh em đến vậy. Ông thấy nó nói đúng nhưng đã phóng lao phải theo lao, ông viện dẫn lập trường, quan điểm, nhận thức, kết quả hành động vân vân và vân vân nhưng thằng Hùng không phải tay vừa, nó hỏi ông chủ nghĩa yêu nước truyền thống là gì, chủ nghĩa yêu nước xã hội chủ nghĩa là gì thì ông chịu. Cuối cùng nó nói sơ về hai nguyên lý, ba quy luật, sáu cặp phạm trù của triết học Mácxit để cho thấy ông chẳng có quan điểm lập trường gì cả, không thích thì nói vống lên cho anh em sợ, cuối cùng nó vận dụng phân tích rất kỹ lại liên hệ đến ông và anh em trong cặp phạm trù khả năng và hiện thực, ông có khả năng lớn hơn nhưng hiệu suất công việc lại kém hơn anh em, anh em hay làm thì hay mắc phải khuyết điểm chứ có phải bán nước gì đâu. Ông quỵ hẳn trước lý lẽ của nó. Ông Vũ nói là nó đúng, ông cần rút kinh nghiệm khi phê bình anh em. Sau này họp chi bộ anh em phê bình ông thêm một trận nữa làm cho ông chết danh ông yêu nước là vì vậy.

Còn thằng Khang nói ông là ông nói chung vì cuộc họp nào ông cũng chỉ nói chung chung vì ông hay nói chung là tốt là được, là cần phải thế này một tí, thế kia một tí, không chỉ rõ được cái gì cần làm, cái gì không nên làm, ai tốt, ai xấu, xấu tốt như thế nào. Đấy cũng là cách ông rút kinh nghiệm từ vụ yêu nước với thằng Hùng và hợp với khả năng hiện thực của ông. Thời buổi này các trường giành nhau từng hợp đồng đào tạo tại các địa phương, trường ông, ông giám đốc cong lưng cùng các trưởng phòng, thằng Hùng lo làm còn ông ngồi chơi xơi nước lương bổng to hậu chỉ dưới giám đốc, thế là ngon ăn lắm rồi, hơn đứt mấy đứa quệt mồ hôi không kịp, làm sưng mắt trước màn hình máy tính suốt ngày, hễ sai rất dễ bị ông cho là không yêu nước, yêu chế độ. Phải cố ngồi cho vững chứ chỉ còn mấy năm nữa là về hưu, là hết, mình máy tính không thông chứ đừng nói gì đến Email, mạng LAN, mạng WAN gì hết, cần làm cái văn bản cũng phải chạy xuống nhờ mấy đứa trung cấp ở văn phòng đánh giùm. Viết tay và gọi điện thoại di động là ông thạo nhất, lúc nào cũng làm được, cũng là một hình thức khẳng định ông là lãnh đạo. Lúc đầu ông Vũ cũng bực, sau thấy ông đúng là chẳng làm được gì thật nên đành cho ông ôm mấy việc nhẹ để có gì anh em đỡ đần cho, ông lại nghĩ ông Vũ không ưa mình nên đi đâu có điều kiện là nói xấu ông Vũ, nói xấu số người ông không thích, cho rằng ông phó tiến sĩ từ năm 1984 ở Nga về, mấy người kia sao bằng được, quyền gì mà giỏi hơn ông, cả cơ quan chỉ có ông giỏi, may lắm có thêm vài người trong đó có thằng Bỉnh, thằng Tán.

Chi bộ cơ quan không họp buổi chiều, ông Vũ Giám đốc và ông Hãnh được lãnh đạo cấp trên triệu lên trao đổi thống nhất nhân sự trước khi bầu bán nhiệm kỳ mới. Xế chiều, hai người đi họp về, ông Vũ bình thản vào phòng làm việc còn ông Hãnh mặt căng thẳng, mím môi cũng chui tọt vào phòng ngồi khi anh em dắt xe về chưa thấy ông ra. Sáng hôm sau chi ủy họp sớm rồi họp cán bộ cốt cán cơ quan, ông Vũ nói lại ý kiến trao đổi chỉ đạo của cấp trên. Chiều qua, ông Thăng phó tổng giám đốc, phó bí thư trực Đảng ủy cấp trên đã nói về việc sắp xếp cán bộ cho nhiệm kỳ tới, ông Vũ vẫn làm tiếp nhiệm kỳ nữa nhưng số cấp phó cấp trên không duyệt được ông Hãnh mà chú ý đến lớp cán bộ trẻ hơn, năng động hơn. Ông Hãnh ngồi ở góc sau phòng họp, ra vẻ không chú ý gì lắm nhưng dấu vết của một đêm mất ngủ còn in hằn trên gương mặt ông. Đêm qua ông gọi điện cho ông Thiên, ông Thăng đặt vấn đề một cách khôn khéo nhưng không được hai ông bật đèn gì, đến khi ngủ thiếp đi cứ thấy ngọn đèn ngủ màu xanh mọi khi sao hôm nay nó có màu đỏ, lại còn nhấp nháy nữa. Không còn điều kiện để trị tụi thằng Hùng, thằng Khang nữa rồi. Ông tức tối khó ngủ, cứ lật qua lật lại làm bà Tiến cũng thức theo. Ông mơ thấy em trai ông về nói là vẫn khỏe, sống vui vẻ với đồng đội ở Thành cổ Quảng Trị, em ông dắt ông xuống một cái hố tăngxê khá rộng nói là nhà của nó, xung quanh hoang tàn lắm. Ông tỉnh dậy đầm đìa mồ hôi như trải qua một cơn sốt, vội thắp hương khấn vái chú em phù hộ cho mình rồi thức trắng đến sáng.

Họp xong ông về lại phòng mình nhưng không vào mà đứng ở hành lang. Cách ông dăm bước chân một nhóm cán bộ trẻ đang đứng tụm to nhỏ gì đó rồi cười vang. Tiếng cười của thằng Khang làm ông thấy ơn ớn. Quái lạ, sao không thấy thằng nào đến mời thuốc mình nữa nhỉ, hay mắt mình bị hoa, có cả thằng Bỉnh trong đám đó đang hút thuốc. Mọi khi thấy ông ra là nếu có mặt bất cứ vị trí nào trong sân nó cũng đều tiến lại mời thuốc ông, sao hôm nay nó như bị uống lầm thuốc. Không; nó đứng sờ sờ ra đó hút thuốc cười cười nói nói bình thường chỉ có điều nó không nhìn ông, không chạy lại mời thuốc ông. Mình phải uống thêm viên tăng lực nữa, khi sáng ông đã uống một viên rồi. Lục trong cặp ông lấy gói thuốc "ba ngày" mới hết rút một điếu, châm lửa, ngửa mặt lên trời phả khói như mọi ngày. Ba ngày là tiêu chí ông đề ra, tăng cường hút thuốc mời, đi tiếp khách phải lấy thuốc về để hút cho đúng ba ngày hết một gói mà thôi. Đầu ông hoa lên, mọi ngày ông nhìn lên thấy cái quạt trần quay đều đều xua tan những luồng khói thấy hay hay sao hôm nay nó quay dữ vậy. Ông sặc thuốc ho rũ rượi, vất cả điếu thuốc đang cháy dở lẩm bẩm: thuốc của mình mất mùi không ngon bằng thuốc của chúng nó mời, cái khâu này nó cũng giỏi hơn mình rồi. Ông nghĩ, thôi thế là hết, sao bây giờ họ lại không dùng người như ông nhỉ, lại đi dùng bọn trẻ mà ông chưa bao giờ cho là giỏi, dù ông không làm được như chúng nhưng chúng không có quyền được giỏi hơn mình, được ngồi vào cái ghế của mình. Cái bọn trẻ ngày nay như thế là được cưng chiều quá mức, cái thời ông phấn đấu mãi mới được cho đi học còn bây giờ nó học hai ba bằng, gọi điện đến nhà ban đêm toàn nghe trả lời đi học đi thi lớp này, khóa nọ. Mà cũng không trách họ được, chưa bao giờ họp cơ quan nghe nói chi một đồng nào cho chuyện học ấy, chúng nó vẫn đi làm đầy đủ đấy thôi. Chỉ có điều chúng nó chi li quá, cái gì cũng đòi cân đong đo đếm, kể cả mấy khái niệm trừu tượng nó cũng đòi ông phải có đo đếm nó mới chịu phục, thế thì giỏi giang gì.

Thời ông chỉ cần nghe là làm theo, không nghe nâng lên thành quan điểm, lập trường là anh nào cũng vãi cả linh hồn ra, đâu dám cãi lại, phân tích lại như bây giờ. Thật là máy móc. Cái bọn hay cãi như tụi thằng Hùng, thằng Khang, cái bọn mới hôm trước còn dạ, còn mời thuốc mình như thằng Bỉnh, thằng Tán, hôm sau coi mình như không quen biết, cái bọn kém cỏi đó không thể ở chung với chúng nó được, nhất là lúc hết thịnh đến suy thế này, phải đi thôi. Nhưng mà đi đâu? hết vắt chân bên này rồi lại vắt sang bên kia, hút thêm một điếu thuốc ba ngày mất mùi ông Hãnh vẫn chưa nghĩ ra được. Các trường họ không nhận loại già thất thế như ông, mà có về lại cũng chẳng vinh vang gì. A, ông nghĩ ra rồi, mình phải về quê, học vị như mình về quê tha hồ mà chỉ dạy cho đám cán bộ địa phương, làm gì có thằng hay cãi như thằng Hùng mà ớn. Về quê công tác nốt bốn năm năm nữa, không chủ tịch cũng bí thư là cái chắc, bà con ông làm to ở quê đầy ra đấy, thêm mình họ thêm oai, thêm vây cánh. Không dùng ông ư, sẽ có nơi khác dùng, giỏi như ông thiếu gì chỗ, cứ tưởng là nắm chắc hơn ông cái này cái khác là đã giỏi hơn ông rồi à. Không thể giỏi hơn ông được, ông sẽ ra đi cho chúng mày tiếc và ân hận vì không đề bạt ông, vì không chịu sự lãnh đạo sáng suốt rất lập trường của ông.

Mấy ngày sau, không thấy ông Hãnh đi làm. Khang nói với đám cán bộ trẻ là ông Hãnh ra quê thăm nhà vài ngày. Bỉnh buồn buồn đứng hút thuốc nói rất triết lý:

- Anh Hãnh vừa giảng dạy vừa làm quản lý mấy chục năm không có thời gian chăm sóc gia đình nên đợt này về quê có nhiều việc lắm, lại còn đi tìm mộ người em hy sinh ở Quảng Trị nữa, chắc phải mất cả tuần.

- Nói chung là anh Hãnh là người tốt, nói chung là anh Hãnh bận việc quá nhiều, nói chung là ....Khang vừa cười vừa nói.

Cả đám anh em cười vang, Bỉnh thấy không khí ấy lo sợ cho mình nên trổ tài văn thơ nói theo hướng đám đông: Ta về ta tắm ao ta, ao nhà có đục nhảy qua ao người. Mọi người lại cười ầm lên rồi hối hả đi làm.

Huế, cuối tháng tư - 2003
N.T
(184/06-04)

Đánh giá của bạn về bài viết:
0 đã tặng
0
0
0
Bình luận (0)
Tin nổi bật
  • THÁI NGỌC SAN

    Cách đây mười lăm năm tôi có viết một truyện ngắn về vợ chồng ông Lâm. Truyện ấy sau khi đăng trên một tờ báo văn nghệ Sài Gòn tôi liền nhận được một lá thư của ông. Lá thư vỏn vẹn chỉ có một câu như sau: "Cậu là một thằng mất dạy!".

  • HOÀNG THU HÀ

    Không biết ai đã đặt tên cho cái hồ này như thế. Hồ nằm cách xa thành phố khoảng chín mươi cây số, dưới thung lũng của đồi núi mọc đầy cây dương liễu. Bấy giờ đang là mùa hè phương nam, gió thoáng đãng và ẩm ướt thổi từ đại dương vào khiến sự hoang vu của hồ càng xao động hơn.

  • LTS: Tác giả Hoàng Trọng Định (Hoàng Nguyệt Xứ, sinh 1959) là một nhà văn xứ Huế ít người biết đến đã vĩnh viễn ra đi từ hai năm trước, sau khi chọn cho mình một lối sống cô độc và chết trong im lặng, với một cái tên ẩn dật trong giới cầm bút. Truyện ngắn của Hoàng Trọng Định có cách tổ chức hình tượng nghệ thuật độc đáo và khác biệt. Tác phẩm của anh là kiểu dạng của một truyện ngắn ý niệm được chuyên chở bằng lớp ngôn ngữ đẫm chất triết học.

  • THÁI BÁ TÂN

    Các bạn thử hình dung một chuyện thế này: Có đôi trai gái yêu nhau, rất yêu nhau. Cưới xong được ít hôm thì chàng trai lên đường ra trận, để lại người vợ trẻ ở nhà một mình vừa làm lụng vất vả, vừa mỏi mòn chờ đợi.

  • HỒNG NHU

    Mỗi lần không vừa ý tới điều gì đó, với ai đó trong nhà hay nói rộng ra là trong thiên hạ, cha tôi thường buột ra một câu nói mà nếu không phải là người làng thì không thể nào hiểu được: "Cứ như là thằng Đô"!

  • LÊ VŨ TRƯỜNG GIANG

    Khi chàng ngồi dậy giữa bãi chiến trường ngổn ngang xác người, chàng không còn nhìn thấy gì cả ngoài một vùng đêm tối tăm nhờ nhợ. Cái thứ đen đặc rộng lớn đó đã nuốt vào trong lòng nó những tiếng giục la, tiếng hét thất thanh, rên xiết giã từ sự sống, và cả nỗi đau khốn cùng của những kẻ bị thương, vô vàn sự tiếc nuối trong cuộc tử sinh vô nghĩa.

  • Trên mặt đất, trong bầu trời - Trái tim xôn xao

  • LÊ ANH HOÀI

    Cùng với tiếng loảng xoảng của cái gáo tôn trên nền xi măng khu vệ sinh, tiếng lệt xệt dép nhựa là tiếng khan khan của cô Đ “Mày dậy chưa? Gớm, con gái con lứa gì mà ngủ ngáy ghê thế. Hôm qua mày lại mơ cái gì mà tao thấy mày cứ nghiến răng kèn kẹt. Khiếp quá, đêm nằm cứ nghiến răng thế sau này chồng nào chịu nổi?”

  • MAI NINH

    Ông ta bị giục lên xe lúc 2 giờ chiều, không kịp nói. Người đàn bà leo sau chắn ngang cửa, che mất cô gái đứng dưới đường. Giọng cô lẫn giữa tiếng người gọi nhau và trong gió lùa dưới mấy tấm tôn đập mải miết:
    - Ông nhớ nằm nghỉ và thưởng thức trà nhà vua đấy.

  • NGUYÊN QUÂN  

    Lão Đạo vẫn ngồi chò hỏ, kiểu ngồi đặc trưng đôi chân trần dính kết bùn đất trên giường ruộng của nền văn minh lúa nước. Hai khuỷu tay lòi cục, trơ xương, chống tựa lên hai đầu gối cũng lòi cục trơ xương. Bốn khớp linh động tỳ lên nhau, trở thành bất động.

  • ĐỖ NGỌC THẠCH

    Hứa Tam Giang là dòng dõi Trạng Ngọt Hứa Tam Tỉnh ở làng Vọng Nguyệt (làng Ngọt) xã Tam Giang, huyện Yên Phong tỉnh Bắc Giang.

  • NGUYỄN THỊ MINH DẬU

    Thực ra mà nói, cái bức tường ngăn ấy nó chẳng có tội tình gì! Nhưng dưới con mắt của tôi thì nó lại là nguồn gốc của nỗi bất hạnh.

  • ĐOÀN LÊ

    Cơn mưa, sầm sập đổ hồi suốt buổi chiều đó, nàng ngồi cạnh cửa sổ ngắm mưa qua làn kính. Tôi ngồi chếch phía sau ngắm nàng.

  • ĐẶNG NGUYÊN SƠN

    Cây Đời. Cây là họ. Đời là tên. Cũng như bao loại Cây khác của dòng dõi nhà Cây trong cánh rừng nhiệt đới.

  • NGUYỄN ĐỨC TÙNG

    Cô ngồi trước ba máy đánh chữ, cái trước mặt màu kem đã sờn, hai cái xanh ngọc hai bên còn mới. Bàn làm việc hướng vào vách, bên phải là cửa sổ nhìn ra con đường tráng xi măng cũ gần bến đò.

  • VỊ TĨNH

    Ngày xưa mái tóc mẹ xanh, bay trong gió làm vướng chân bao gã si tình. Mắt mẹ là một vườn quả chín, và đôi môi đỏ dù mím lại vẫn không giấu được men say chực trào ra làm chao đảo cả những trái tim sắt đá. Mẹ đã từng tự hào vì điều đó biết bao.

  • LÊ VŨ TRƯỜNG GIANG  

    Nó bảo, mày và tao chơi trò âm dương cách biệt đi. Tao âm, mày dương.
    Anh hỏi, để làm gì?
    Thì là trò chơi, thử cho biết. Mày đeo cái mặt nạ này vào.

  • THÁI NGỌC SAN

    Kính tặng anh T.L
    và anh em TNXP ở Tây Nguyên

  • LÊ MINH PHONG 

    Tôi cam đoan rằng một bé gái cũng có thể làm được những điều như thế. Nghĩa là tôi cũng có thể trèo lên ban-công và đi trên dãy lan can mỏng manh ấy. Điều đó thật đáng sợ.