Quang gánh

10:56 17/06/2010
LTS: Sinh năm 1972, hội viên Hội Nhà văn TT.Huế. Thơ Tường có ấn tượng từ khi còn sinh viên và đã được nhiều giải thưởng như Tác phẩm tuổi xanh, giải VHNT Cố đô Huế, thơ hay Tạp chí Sông Hương, Tạp chí Cửa Việt…Sau 2 tập thơ Hoa cúc mùa thu và Lá tháng chạp, Tường “nín” một thời gian khá dài rồi lại “Quang gánh” với trường ca. Đã vậy, Sông Hương cũng “Quang gánh” lại trường ca này với đề tựa của nhà thơ trẻ Lương Ngọc An.

Nhà thơ Phạm Nguyên Tường


Một hành trình của cái thực và cái ảo, có lúc cùng song hành, có lúc đan quyện vào nhau, che khuất nhau, lấn lướt nhau… Trong hành trình ấy, ba nhân vật lần lượt xuất hiện: một người đàn ông kiếm tìm, một người đàn bà gồng gánh và một em thấp thoáng như một điều phiếm chỉ. Cùng xuất hiện, cùng biến mất rồi lại trở về, chỉ có em là đi xa hút hắt, “xa hơn mùi hoa lài một bước” là câu thơ gợi nhiều ám ảnh. Và những ám ảnh cứ theo nhau nảy sinh từ tất cả những gì mất đi, từ tất cả những gì nhận được, từ tất cả những gì tối tăm, từ tất cả những gì trong sáng, để cuối cùng còn lại một cảm giác nhẹ bẫng từ cuộc sống vốn triền miên trĩu nặng, như một sự siêu thoát, và cũng là một sự bắt đầu…

Chẳng biết có nên gọi đây là thơ tình không. Tình gì mà cay nghiệt thế. Nhưng không phải thơ tình thì sao da diết thế. Có điều bảy khúc trong Quang gánh thì thực giống như bảy cái vía của người đàn ông đa tình để rồi mỗi lần trốn chạy lại là một lần tự thú, để rồi cứ thế “bóng thời gian quang gánh bóng con người”…


Hà Nội 1-10-2000
LƯƠNG NGỌC AN



PHẠM NGUYÊN TƯỜNG


Quang gánh

(Trường ca)

          “Con cừu non vấy máu trong rơm”
                         Yves Bonnefoy


1.
Những con đom đóm chộn rộn với ánh sáng của mình giờ cũng đã
ngủ yên trong lòng rơm
Em đã đi xa hơn mùi hoa lài một bước
Mùi hoa đóng đinh sự trinh trắng của em
Ngủ ngoan nào, Ấm Ức
Đêm đang ngả màu gì
Vũ điệu của gã trung niên nhàu nhò ban chiều
Giờ đang đuỗn giấc
Hay đang tìm sống một đời sống khác
Không có những ánh nhìn lẩn khuất
Không có những ánh nhìn quất ngược
Không có những ánh nhìn dạt trôi
Chỉ có nỗi buồn chỉ thiên từ ngón tay thứ sáu
Gã trung niên điêu tàn
Ngón thứ sáu nhập nhoàng đêm
Hờn dỗi ném lên trời cho quạ rỉa
Ngã tư này như một bát canh thiu
Từ bao giờ
Vây bủa anh ngày hai bữa

Đêm đang ngả màu gì
Âm thanh ngày qua chang chói
Nằm yên dưới đáy chảo của người đãi vàng
Ngào trong sương trời
Vừa bết bát vừa lỡ làng
Vừa hớ hênh vừa phũ phàng
Anh đã nhìn thấy một âm thanh cuồng nộ nhất
Độ một mi li mét vuông
Là con ngươi của gã trung niên nhàu nhò ban chiều
Đến hồi khát nước

Đêm đang ngả màu gì
Người đãi vàng mệt ngủ bên cây chà và
Suối đầu nguồn khô cạn vào tận ruột
Lời nhân ngãi đãi đằng nước bọt
Người đãi vàng mơ thấy mình nằm thành trăm mảnh
Dưới đáy chảo của một người đàn bà
Cuống cuồng ly tâm
Cuống cuồng ánh kim
Trong mắt người đàn bà cười không có đáy
Người đàn bà khôn ranh
Người đàn bà hiền lành
Người đàn bà buôn chuyến mưa dạ hành
Một vốn bốn lời
Nuôi những miệng ăn
Hoang vu
Trong trời đất

Đêm đang ngả màu gì
Giờ này dòng người đã cạn về đâu hết
Chỉ còn lại gã trung niên người đãi vàng và người đàn bà buôn chuyến
Họ tìm nhau
       ân cần
Họ tìm nhau
       như tìm ân nhân
Gã trung niên đến thăm người đãi vàng
Trò chuyện về cơn điên
Về nỗi buồn chỉ thiên
Từ ngón tay thứ sáu
Người đãi vàng gõ cửa người đàn bà buôn chuyến
Cầu xin ăn nằm
Để được cuống cuồng
Ly tâm
Và ánh kim trong mắt
Để được lên chuyến tàu dạ hành
Đi tìm suối đầu nguồn có nước
Người đàn bà chân thành
Mời cơm rượu...
Và ba điều ước
Người đàn bà phong thanh
Chào hàng giông gió

Đêm đang ngả màu gì
Em đã đi xa
      cùng hoa lài
            đành một nhẽ
Lúc ấy tuồng ba giờ
Cây phong linh đầu hồi vì nỗi gì rung lên gióng giếc đánh thức gã trung niên người đãi vàng người đàn bà buôn chuyến tung họ lên ngờm ngợp không trung nhào nặn cuống cuồng ly tâm và ánh kim trong mắt
Rồi hậm hực
Chán chường
Ném họ về một góc.

2.
Ngã tư chia lòng người về trên những con đường sờn vai
Hơi thở nhân gian chùng áp thấp
Gã trung niên ngồi bên gốc cây xà cừ
Với nỗi sầu mạnh thu
Lá rụng trên áo người hay người rụng trên vàng lá
Vũ điệu rời khỏi những ngón tay
Trườn qua nhiều dãy phố
Trườn qua những mái nhà
Những khuôn mặt thị dân
Đói ngủ
Vũ điệu rồi xếp cánh
Những đường gân cũng lụi tàn
Trên bàn tay như sân khấu về khuya
Chỉ còn gió thổi qua khoảng trống của một vai hề cổ điển
Những nhân vật đang xoá đi lớp phấn cuối cùng
Như người phu quét hết lá vàng
Trên mặt đường dày vò
Ậm ạch triền miên
Những nhát chổi dày vò
Từ những mùa mưa trước
Bây giờ những ngón tay đã trở về với dáng vẻ bi hùng cô độc
Của những cột trụ trời trong thần thoại xưa
Cùng những khát vọng lâu bền
Được xây đắp từ bình minh hái lượm
Những hòn đá sinh thành hơi ấm
Làm vinh phúc bầy đàn
Vũ điệu thần linh gọi lửa
Có còn sau chót đỉnh mây mù
Mắt tiền nhân khép hờ di chỉ
Mùa lễ hội man rợ đã im hơi
Vũ điệu còn đi mãi
Dọc những bờ suối tiệc tùng của hoa đỗ quyên
Rạo rực mùa dâng hiến
Rạo rực chú lùn
Quấn quýt bóng giai nhân
Vũ điệu còn đi
Đường nhân gian người qua để bóng
Trên vách đá đại ngàn
Trên mái ấm tồi tàn
Trên vòm động âm u
Những hình nhân tăm tích tuyệt mù
Nguệch ngoạc đùa chơi
Với đá và lửa
Trong hơi lạnh từng đêm
Những ngón tay khơi từng đốm sáng
Những ngón tay bầy đàn
Hồn nhiên đời hái lượm
Những ngón tay khum lòng gió
Tiếng hú dài theo sông
Thức dậy bản năng
Gọi những nàng chim Lạc về bay đầy trời
Khát vọng tình
Cong đuôi lên mặt trống

3.
Gã đi ra từ sương mù
Khoác áo mù sương
Ngồi lại đứng nghìn năm
Vệt rừng rú chưa mòn nơi đáy mắt
Gã lang thang dọc bờ bãi đầm lầy
Hát bài ca lau sậy hoang vu
Trên cánh đồng gieo vãi những hạt mầm phù sinh
Gã trồng tỉa rồi hái lượm
Những ngón tay bấu chặt đất đai
Như đính ước hành trình thân phận
Như mọc rễ vào cầm bằng số kiếp
Đêm đêm
Dưới tầng đất âm u
Gã nằm gác tay vọng về đáy thẳm
Gã đi tìm người anh em người họ hàng
Để nhảy múa và ca hát
Để đánh chén
Những bữa tiệc phù sinh
Gã đi tìm người đàn bà mắt cười không có đáy
Để rủ rê người
Đánh chén
Hư vô
Gã thấy mình nằm phơi xác bên vệ đường
Trong cơn say thảng hốt
Không ai đoái nhìn
Sớm mai giăng mù sương như ngàn xưa
Không ai cùng gã nằm phơi xác bên vệ đường
Gã không còn nghe
Tiếng đàn lya
Của anh chàng Hy Lạp
Những ngón tay của chàng bây giờ ở đâu
Gã cùng người anh em đi qua miền phì nhiêu
Để đọ súng để đấu bò
Để giương cung để giết thịt
Để soi tìm đáy mắt những người đàn bà cười
Rủ rê vào đại hội
Gã ngồi bên gốc cây xà cừ
Tiệc phù sinh thừa mứa
Gã ngửi thấy mùi thuốc súng
Trên tóc trên mũi mình
Ngửi thấy mùi xác chết
Trên những ngón tay mình
Gã ngụp lặn trên dòng sông tanh máu
Những ngón tay rời rã đau thương
Gã quay đầu chửi rủa người anh em người họ hàng
Gã chửi rủa gã ngày hôm qua
Đã chết trên dòng bi hương vô bờ
Không có bông hoa nào thả trôi để cứu vớt linh hồn
Chỉ đôi bờ ngàn lau phơ phất
Quanh những nấm mồ mọc lên từng ngày
Trên thân thể bạc màu
Trên thân thể người giờ đây hoang vu
Gã tìm thấy những vệt chàm khổng lồ
Của Socrate của Darwin của Nietzsche
Gã vớt xác mình
Trên những dòng sông minh triết
Gã ngồi tẩm liệm
Những ngón tay lật từng trang sách
Rồi gửi lời khấn nguyện
Cho những ngón tay yên ổn về trời
Những ngón tay dị hợm hình hài
Những ngón tay văng ra ngoài cuộc
Như bóng ngày tàn phai
Khi bóng ngày tàn phai...
Gã sẽ đi trên chuyến tàu tuồng ba giờ
Ậm ạch lá và chữ
Mùi hoa lài đã theo người về nơi xa tít
Về một nơi đói khát cồn cào
Về một nơi gọi chẳng ai thưa
Nơi hơi thở nhân gian chùng áp thấp
Nơi đụng độ nơi đọa đày
Nơi quật ngã không tiếc thương
Nơi giật nổ
Ớn rung
Nguồn khởi động

4.
Đêm đã khuya trăng lên gội đầu cho những mái nhà yên ngủ
Những mái nhà no đủ
Những mái nhà tồi tàn
Những mái nhà rúc đầu vào góc phố vắng tanh
Như lũ trẻ con sau một ngày mệt mỏi
Giờ ngủ vùi trong nách mẹ ngon lành
Những mái nhà bồng bênh
Những mái nhà cồng kềnh
Những mái nhà trẻ trung tươm tất
Những mái nhà già nua
Những mái nhà oằn vai gánh tuổi
Những mái nhà đầu bù tóc rối
Những mái nhà chậm chạp bò đi
Như đoàn tàu chở đầy giông gió
Như đàn kiến đen trốn chạy mùa mưa tới
Nhẫn nhục tự bên trong
Những mái nhà những ngọn đèn chong
Thức đợi mơ hồ
Những mái nhà trở lật từng đêm
Vì tiếng ngáy của chiếc then cài cửa
Vì chiếu giường hoang thai dợn mửa
Trên tay bà mụ buồn sầu
Những mái nhà không chịu nổi đã bỏ đi
Đốm sáng bệ thờ hiu hắt
Mùi trầm hương thúc bách
Những mái nhà đã bỏ đi
Như châm chọc vào bóng đêm nông nổi
Như mặc cả với bời bời gió thổi
Những mái nhà đã bỏ đi
Người đãi vàng ngơ ngác
Người đãi vàng những lá vàng
Giờ này còn ưu tư trên phố lạ
Người đãi vàng những lá vàng quấy quả
Đêm hôm trở lật mấy cho vừa
Người đãi vàng đi nhặt nhạnh chiều xưa
Nhặt nhạnh sau mưa
Tơ vàng mấy sợi
Suối nguồn xưa suối nguồn lắm nỗi
Gập ghềnh khói bếp lương dân
Nhặt nhạnh phù vân
Trên da thịt trời xanh tái
Nhặt nhạnh bến sông
In bóng mặt người ái ngại
Nhặt nhạnh nâu sồng
Nhặt nhạnh mồ hôi
Nhặt nhạnh chua ngoa
Ba mặt một lời
Nhặt nhạnh tay đôi nhặt nhạnh rã rời
Nhặt nhạnh rừng thiêng nước độc
Nhặt nhạnh sập hầm cơm hầm sốt rét
Tay tật nguyền cầm tay chém giết
Tay hận thù móc mắt trời xanh
Tay yêu thương mềm yếu cả thân cành
Tay đãi vàng tay lá vàng
Tay chìa ra là tay đánh mất
Tay rút về hoang vắng cả trăm gian
Tay đãi vàng tay lá vàng
Tay nhớ nhung tay họ hàng
Tay tiếc thương tay bầy đàn
Tay bẽ bàng tay bó gối
Tay ăn nằm tay sám hối
Tay trong tay
Đầu kề tay gối
Tay sẩy tay
Sa sẩy bầy đàn
Những ngón tay trở về gõ cửa nhà hoang
Những ngôi nhà lành lạnh
Những ngôi nhà thần thánh
Bầy nhện giăng trêu chọc
Tiếng mối đêm liếm láp bệ thờ
Xóm ngụ cư của những bóng vật vờ
Xóm ngụ cư của những kẻ hồ đồ
Nơi đức tin cất từng mẻ lớn
Nơi giáo điều mỗi ngày đánh bóng
Những ngón tay hậm hực bỏ đi
Ngón thứ sáu ngồi bên bậu cửa
Buồn chỉ thiên gọi chẳng ai thưa
Những ngón tay vật vã đường mưa
Những ngón tay dị hợm hình hài
Những ngón tay văng ra ngoài cuộc
Những ngón tay cồn cào đói khát
Những ngón tay không theo được hoa lài về nơi xa tít
Người đãi vàng rơi rụng
Những lá vàng siêm siếp trăng khuya
Bầy đàn ơi, ngủ đi
Bầy đàn ơi, ngủ đi
Người đãi vàng khẽ hát
Hát rằng...

5.
Ùn vạn kỷ mắt em sầu chín tới
Bóng thời gian quang gánh bóng con người
Vai trĩu nặng ngàn cân nào cứu chuộc
Một cái nhìn ráo hoảnh đến xa xôi

6.
Trên da thịt người đi về mùa hoa dại nở
Trên da thịt người hoang hóa
Người đàn bà không cất nổi bước mình
Người đàn bà mệt mỏi
Suối đầu nguồn cạn khô
Vì mắt người bao năm hoang phế
Hơi thở bầy đàn xa vắng
Tiệc phù sinh đóng cửa đôi bờ
Còn sót lại những hòn đá ê chề
Nặng nhọc trong tay người hái lượm
Những hòn đá sinh thành hơi ấm
Làm vinh phúc bầy đàn
Người đàn bà với chuyến hàng mưa gió thở than
Một vốn bốn lời
Váy xống tả tơi
Người đàn bà lạc không tìm ra lối
Trên da thịt mình
Trên những ngón tay mình hanh hao vẫy gọi
Người đàn bà tóc tối
Người đàn bà nuôi con
Người đàn bà thờ chồng
Người đàn bà quang gánh không công
Từng tiếng ngáy của chiếc then cài cửa
Những mùa thu đã chết trong sách vở
Những mùa hoa đỗ quyên rạo rực động rừng
Những mùa hoa bắp trổ bên sông
Bóng còng lưng đem mây trời đổ biển
Người đàn bà bao năm đưa tiễn
Người đàn bà đi nhặt xác anh em
Người đàn bà hom hem
Người đàn bà nhá nhem
Người đàn bà đội nhang lầm rầm khấn nguyện
Người đàn bà chiến tranh
Người đàn bà hậu chiến
Gặp nhau tay bắt mặt mừng
Chiều nay ngồi với trầu không
Chiều nay chơi trốn tìm với chấy
Tóc rối ren hãy ngồi yên đấy
Đừng đi đâu đừng vội về trời
Mẹ ru con mẹ ầu ơi
Mẹ không nuốt lời
Mẹ không giăng gió
Mẹ không buồn nở
Mẹ sợ con buồn
Người đàn bà đi gối mỏi chân chồn
Người đàn bà đi ái ngại nguồn cơn
Trên thân thể héo hon
Trên thân thể mỏi mòn
Tiệc phù sinh im tiếng
Chỉ còn nghe hơi lạnh bầy đàn
Chạy dọc sống lưng lên gáy
Gã trung niên ngồi bên gốc cây xà cừ
Gặp nhau tay không buồn vẫy
Vì những đường gân xanh lụi tàn
Ngón thứ sáu đã bỏ đi
Buồn chỉ thiên gối đầu bên bậu cửa
Người đãi vàng đã ngủ
Dưới những mái nhà lay lật bóng trăng khuya
Người đàn bà đi chưa hết chưa bưa
Tiệc phù sinh đợi người quét dọn
Bóng phù sinh đổ từng mâm lớn
Cuốn theo đuôi những nhát chổi dài
Người đi nhặt nhạnh hoang thai
Trên trang giấy của bà mụ buồn sầu
Của Socrate của Darwin của Nietzsche
Người vớt xác người
Trên những nhành sông minh triết
Những ngón tay trôi theo dòng xanh mải miết
Những ngón tay hái lượm hồn nhiên
Những ngón tay tật nguyền
Những ngón tay bầy đàn tanh máu trường thiên
Người đàn bà tay trắng
Vuốt mặt đôi bờ
Như thế tự ngàn xưa
Như mắt người đàn bà cười không có đáy

7.
Xin cảm ơn người đã cất giữ giùm tôi
Hằng bao năm một khoảng trời đằng sau gáy
Ở một nơi tôi hằng đêm mơ thấy
Được trở về
Va đập
Một mình tôi
Trút đôi quang gánh
Những nhát chổi thôi dày vò giấy trắng
Mọi ngả đường đã chết dưới mù trăng
Những nàng chim Lạc giờ đây đã thôi không khóc than
Trên những chuyến tàu dạ hành nặng nhọc
Gã trung niên buồn sầu
Người đãi vàng vạ vật
Giờ đang đuỗn giấc
Ở nơi xa
Chỉ mình tôi trở lại
Va đập khoảng trời đằng sau gáy
Chỉ mùi bi hương từ tóc người xa xăm thổi mãi
Chỉ đôi mắt người khép bóng chiều hôm
Và những ngón tay người
Cổ sơ ký hiệu
Những ngón tay trì níu
Những ngón tay rã rời
Những ngón tay vang lừng vũ điệu
Mùa lễ hội man rợ đã im hơi
Mùa bầy đàn xa vắng
Người rời khỏi những bờ suối tiệc tùng của hoa đỗ quyên
Trở về mở cửa
Những mái nhà tồi tàn
Những mái nhà bất an
Như giấc ngủ người đêm hôm khó nhọc
Người gọi dậy những âm thanh cuồng nộ nhất
Trong mắt bà mụ buồn sầu
Trên những trang giấy bạc màu
Người gọi từng cơn khát
Người gọi hoang thai màn trời chiếu đất
Người gọi mùa chớp giật
Người gọi bão giông
Người gọi trời nồm
Người gọi người quăng quật
Người gọi người cứu vớt
Người gọi người bèo dạt mây trôi
Người gọi hoang vu
Người gọi tơi bời
Người gọi tan đàn xẻ nghé
Người gọi người sứt mẻ
Người gọi tôi xa xăm vạn kỷ
Người gọi tôi suốt bãi sông chiều
Người gọi tôi mộng mị đìu hiu
Người gọi tôi đừng đi xa thế
Người gọi cho ăn
Người gọi vỗ về
Người ru ngủ
Người mớm chữ
Những ngón tay nắn nót vuông tròn
Những ngón tay âm sắc khơi dòng
Những ngón tay gọi vía cầu hồn
Chữ vang động ở những bờ bến khác
Chữ vang động không nhìn rõ mặt
Chữ vang động khôn thiêng lần thứ nhất
Chỉ những ngón tay người nắm bắt
Những ngón tay người ký hiệu hồn nhiên
Những ngón tay người chăn dắt
Con cừu non vấy máu trong rơm
Xin cảm ơn người cất giữ đã bao năm
Hư hoặc khoảng trời đằng sau gáy
Để một nơi tôi hằng đêm mơ thấy
Được trở về
Va đập bóng song thai
Được trở về
     nghiêng lệch bờ vai
Thả mình bắt bóng
...Về nơi đói khát cồn cào
Về nơi gọi chẳng ai thưa
Nơi hơi thở nhân gian chùng áp thấp
Nơi đụng độ nơi đọa đày
Nơi quật ngã không tiếc thương
Nơi giật nổ
Ớn rung
Nguồn khởi động.

               Huế- Hà nội 1999-2000

(142/12-00)





Đánh giá của bạn về bài viết:
0 đã tặng
0
0
0
Bình luận (0)
  • ...sông vẫn xanh màu xanh thuở ấykhác là bây giờ bên sông nhà chọc trời soi bóngô tô đan kín đại lộ lấp loáng nắng trưahình như gió xưa đang háthoa bằng lăng tím lối qua cầu...

  • LƯU LYTên thật: Trần Thị Vân Dung, sinh ngày 28.8.1978 tại Thanh Chương, Nghệ An.Thơ Lưu Ly là sự giãi bày nỗi niềm của một tâm hồn đa cảm mà đơn phương... Sự chân thành mộc mạc của tác giả sẽ mang lại cho người đọc chút “hương đồng gió nội” thật hiếm hoi trong dòng thơ hiện đại.

  • ...Có nơi nào như đất nước tôitiếng trống tràng thành cũng lung lay bóng nguyệtthiếu phụ tiễn chồng ra trậnđêm trở về nằm gối nửa vầng trăng...

  • Trà Mi vốn là bí danh có từ thời hoạt động nội thành của Nguyễn Xuân Hoa được anh “nối mạng” vào “thương hiệu” thơ khi cái đẹp bừng nở trong tuệ giác.Dù không lấy thơ làm cứu cánh nhưng nó vẫn là một hằng số tâm linh đối với bất cứ ai trong mỗi một chúng ta. Sự tung hứng giữa cảm xúc và trí tuệ, sự cộng hưởng giữa truyền thống và hiện đại, sự bức xạ giữa ý tưởng và ngôn ngữ được coi như một nguyên tắc đồng đẳng trong thi pháp thơ Nguyễn Xuân Hoa.Nguyễn Xuân Hoa sinh năm 1947 tại Quảng Điền, TTHuế. Hiện là tỉnh uỷ viên, giám đốc Sở Văn hoá Thông tin TTHuế.Sông Hương trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc chùm thơ mới của anh.

  • ...Em đã lấy những gìmà Chúa không cần nữaNgười đã ban tặng emMột tình yêu đau khổ...

  • Cách đây 700 năm, vào năm 1306, vua Trần Nhân Tông gả công chúa Huyền Trân cho vua Champa, bờ cõi Đại Việt được mở rộng. Hai châu Ô, Lý được vua Chế Mân cắt để làm sính lễ dâng vua Đại Việt. Sau đó, hai châu này được đổi thành châu Thuận và châu Hóa. Thuận Hóa được hình thành từ cơ sở đó.Những bài thơ chữ Hán viết về vùng đất này sớm nhất có thể kể đến như Hóa Châu tác (Làm ở Hóa Châu) vào khoảng năm 1354 của Trương Hán Siêu (?-1354); Hóa Thành thần chung (Chuông sớm ở Hóa Thành) của Nguyễn Phi Khanh (1355-1428); Tư Dung hải môn lữ thứ (Nghỉ chân ở cửa biển Tư Dung) của Lê Tư Thành (vua Lê Thánh Tông 1442 - 1497)... Nhân kỷ niệm 700 năm Thuận Hóa - Phú Xuân - Thừa Thiên Huế (1306 - 2006) TCSH trân trọng giới thiệu cùng độc giả ba bài thơ này.HẢI TRUNG giới thiệu

  • Đá Hạ Long đa tình hóm hỉnhNên mái cong đuôi trống xoè lôngTrời và nước hồng hoang kết dínhSóng nôn nao như tiếng vợ gọi chồng...

  • ...đêm bình yên linh hồn nương náusao ta một mình thao thứcsao ta một mình lay gọilối nào tới ban mai?...

  • ...khoảng vườn xanh xưatrồng toàn cây cẩm túnở một bông thôi cũng đủ nhớ thương người...

  • ...từng hàng cỏ mọc bon chencôn trùng nương náu cũng quen lâu rồi...

  • LTS: Nguyễn Xuân Hoàng viết nhiều, viết đủ các thể loại nhưng tác phẩm đã công bố phần lớn là truyện ngắn, bút ký, tản văn, tiểu luận v.v... còn thơ thì ít khi xuất hiện. Song, có lẽ thơ mới là “ngọc châu” trong văn nghiệp của anh. Những bài thơ gần đây được Hoàng viết ra như một sự dự phóng điềm gở của định mệnh.Khắc khoải yêu thương, khắc khoải đợi chờ là tâm trạng của Hoàng được “mã hoá” trong chùm thơ mà Sông Hương vừa tìm thấy trong di cảo của anh.

  • ...Xin hãy để ta mơ về Hợp NhấtLòng bản thể thẳm sâu hòa điệu giữa lòng ta...

  • LÊ HUỲNH LÂMSinh năm 1967, tại Phú Vang - Thừa Thiên Huế; Kỹ sư tin học (ĐH Bách Khoa Hà Nội). Tác phẩm đã in: Sông hoa (tùy bút)....ấy là một khuôn mặt trầm tư? U uất? Khuôn mặt với đầy đủ đặc tính của một “triết gia bi đát”. Bây giờ, những ngôn từ mà anh dày công nhào nặn đã ý thức hơn về vị thế của mình trong đoản - khúc - người, và chúng không còn cưỡng bức xác thân anh đi ngược chiều nhân loại nữa. Những ngôn từ  (bị dòng đời ám ảnh) đã tự sắp đặt thơ. Bây giờ, thơ trở thành tính từ của thân phận mỗi khi cõi lòng anh lên tiếng...Sông Hương xin chuyển tới bạn đọc ba “cột thơ” rút từ ngôi nhà của anh.

  • ...Không còn ở trong vòm cửa hẹpCả khoảng không bừng sáng quanh ta...

  • ...Tiếng aiTrong gióHú dài…

  • LGT: Như một chuyến hành hương về nguồn cội, với nghĩa cử cao đẹp, Công ty Văn hoá Trí tuệ Việt đã cho ra đời tập sách HUYỀN THOẠI TRƯỜNG SƠN, gồm nhiều thể loại như bút ký, hồi ký, thơ, nhạc,... Đặc biệt hơn hết là danh sách đầy đủ, chính xác của 10.263 anh hùng liệt sĩ yên nghỉ tại Nghĩa trang Liệt sĩ Trường Sơn.
    Sông Hương xin trân trọng giới thiệu tới bạn đọc những dòng thơ được thắp lên từ HUYỀN THOẠI TRƯỜNG SƠN - như một nén nhang gọi hồn những người đã ngã xuống!

  • LGT: Trong cuộc đi tìm mình khắc khoải ở trời , Nguyên Quân mang theo những u uẩn của quá nửa phần đời để mỗi buồn ngồi gặm nhấm. Chắc hẳn cũng nhờ vậy, anh đã làm được một điều không dễ - ấy là gọi tên đúng nỗi buồn giữa mênh mang thi phú...Sông Hương xin giới thiệu chùm thơ của Nguyên Quân mà hai trong số đấy sẽ được tuyển vào 700 năm thơ Huế.

  • Hơn một năm trước, nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ giương cao Lá cờ trắng. Nhưng dường như đấy chỉ là hình thức “trá hàng” của một nàng thơ giữa độ hồi xuân.Không hiểu tự bao giờ, loài cúc dại đã cắm rễ vào cõi hồn đa mang của chị hút đến cả nỗi đau dung dưỡng xác thân trong kiếp luân hồi đầy khổ nạn. Tập thơ mới nhất của chị, là sự bung nở của vô vàn cúc dại, để trí nhớ đất này thêm những phút thăng hoa...

  • HẠ NGUYÊN* Sinh năm 1966 tại Hương Cần - Hương Trà -  TT. Huế* Hội viên Hội Nhà báo Việt , Ủy viên BCH Hội Nhà báo Thừa Thiên Huế khóa IV (2007 - 2012).* Hội viên Hội Nhà văn Thừa Thiên Huế* Có nhiều tác phẩm in chung trong các tuyển tập: “20 truyện ngắn và ký 1975 - 1995”, “25 truyện ngắn và ký 1975 - 2000”, “Thời gian và nỗi nhớ”, “Trịnh Công Sơn - cát bụi lộng lẫy”, “Thừa Thiên Huế trong cơn đại hồng thủy (2000)” v.v.

  • NGUYỄN THIỀN NGHITên  thật là Nguyễn Bồn, sinh năm 1948 tại Phú Vang, Thừa Thiên Huế.Hội viên Hội Nhà văn TT.Huế.Hiện là giáo viên của Trung tâm Giáo dục thường xuyên Hương Thuỷ.