Quán quân dân

16:20 24/12/2009
NHẤT LÂMTrời về tối lúc tạnh lúc mưa, lại có gió nên càng mịt mờ như khuya khoắt, nhà nào cũng ăn cơm lúc chập choạng, bởi mưa gió chẳng biết làm gì. Tháng mười chưa cười đã tối. Mùa mưa miền Trung vốn tự cổ xưa đã não nề, những năm chiến tranh càng buồn hơn.

Minh họa: Trần Thanh Bình

Hôm nay có ba người khách, ba anh bộ đội còn rất trẻ, đến từ chiều, coi bộ đi đường xa, nhờ mẹ nấu cho ăn bữa cơm tối và bây giờ ôm nhau ngủ ngon lành trên cái sạp nứa ghép lại, một kiểu giường ra đời trong năm đầu kháng chiến chín năm.

Mẹ Chắt thấy lạnh, tuy đã mặc thêm cái áo bông, nhưng áo đã cũ mà gió Bắc hun hút giữa đêm tối, mẹ có cảm giác như trời có bao nhiêu gió cứ tìm nhà mẹ mà thổi vào. Bên Lào trời có lạnh không? Nếu lạnh thì đốt củi chứ áo quần đâu có nhiều. Nhìn những anh bộ đội đến quán mẹ thì biết, có anh bận quần cụt, chờ quần dài khô mới có cái mặc. Mẹ nhớ và thương Tùng, thiếu vài tháng là đủ hai năm, cầu trời cho con chân cứng đá mềm, để trở về với mẹ. Mẹ mủi lòng nhớ thằng con trai duy nhất, đang cày ruộng thì hò trâu mà xung phong nhập ngũ và ra đi không kịp về thăm mẹ.

Mẹ lên giường nằm chưa ấm chỗ thì có tiếng gọi, mẹ Chắt dậy mở cửa. Ai gọi tui đó, mẹ nói vọng ra sân, trời tối ngả bàn tay không thấy.

- Chúng con mẹ ạ

- Có việc chi mà khuya gió...

- Dạ có phải là quán Quân Dân không ạ...?

- Phải.

- Mẹ cho chúng con ngủ lại... Khiếp trời cả mưa cả gió.

Khi ánh sáng từ chiếc bật lửa tàu bò được bật sáng, mẹ Chắt nhờ châm vào chiếc đèn hoa kỳ đã cũ, và quả nhiên ngôi nhà ấm áp hơn.

Điều làm mẹ Chắt ngạc nhiên là thấy người con gái... Con gái cũng đi bộ đội sao. Cô còn trẻ chưa vượt qua tuổi 20, dong dỏng cao, da trắng, đôi mắt đen đẹp. Có lẽ họ đi từ xa đến, anh bộ đội thì còn sung sức, cô gái lấm tấm mồ hôi nên khi mẹ rót nước mời, cô cám ơn và uống ngon lành.

Anh bộ đội cao hơn cô một cái đầu, người khỏe mạnh, tóc dày đen, nét nổi trội là cái miệng có duyên, anh ta mang cái ba lô chật căng, lại khoanh bụng cái bao gạo, một cái xắc cốt da thêm khẩu súng lục, khi anh bỏ những thứ ấy xuống cái ghế băng, như trút gánh nặng, người anh như lớn cao một ít, cái áo xita vải dày ướt đẫm mồ hôi sau phía lưng. Ấy vậy mà anh không tỏ ra mệt nhọc, vui vẻ hỏi thăm mẹ Chắt thân tình. Lát sau anh ta mở ba lô đưa cho cô gái bộ áo quần, tấm vải đen dài dùng làm chăn đắp cho kẻ đi đường và bảo cô:

- Em đi thay áo quần mà nghỉ ngơi.

Anh đặt ba lô ruột tượng gạo lên sạp nứa, riêng khẩu súng lục thì không rời thân.

Nằm bên mẹ Chắt, cô gái thao thức khó ngủ, làm mẹ cũng mất ngủ theo, nên khi có tiếng gà mẹ và cô vùng dậy, cả hai mẹ con ngồi bên bếp lửa và cô hỏi chuyện làm quen. Khi nồi cơm đã sôi, mẹ nhờ cô bóc đậu phụng để rang làm muối bới cơm nắm cho ba anh đến trước đi đường.

Trời sáng dần, cô hỏi mẹ đường ra bờ sông, khi cô trở về đang phơi áo quần thì anh bộ đội trách yêu sao không gọi anh dậy cùng đi, anh cũng thay bộ quần áo lấm bụi đường trường. Ba anh bộ đội đến trước đang ăn cơm mời cô gái và anh bộ đội có súng lục. Họ thì thầm là cấp gì... C hay D...?, còn cô gái là gì thì họ nhìn nhau nghi ngại, em gái, đồng đội (y tá) chẳng hạn, hay vợ chưa cưới... Bây giờ họ giữ ý tứ để khi ra đường tha hồ mà tranh cãi không phân thắng thua.

Mấy ngày sau trời đẹp hẳn lên, nắng ấm mùa đông không những cây lá trẻ trung, xanh lại mà những cụ già ngày lạnh co ro hớn hở ra vườn. Khách của quán Quân Dân cũng chỉ anh bộ đội có súng lục cùng cô gái đến trong đêm, thành thử đến bữa ăn mẹ cùng ăn như một gia đình và cô gái đi ra thị trấn bên bờ sông mua được cá tươi, hến... bữa ăn tươi hơn. Dù họ mời ép mẹ Chắt cũng chỉ tròn ba bát.

- Các con ăn đi, mẹ ăn vậy là đủ no rồi, người già ăn no quá nặng bụng.

Khi đặt bát đũa xuống mâm, mẹ nhìn hai người. Ngày kia có chợ phiên cuối tháng, đông vui lắm, nếu còn ở lại đi chợ mà xem. Chợ họp về đêm đông người lắm.

Họ đã ở đến ngày thứ năm, anh không thể dùng dằng không đi, điều cần nói với bà mẹ thì chưa thể nói, họ đi trên đê La Giang, con đê chạy dài theo bờ sông, đã qua mùa lụt, nước trong vắt và những chiếc đò căng buồm từ dưới chợ Tràng lên họp chợ phiên tối nay nhộn nhịp. Những bè nứa dài như hạm đội kỳ lạ từ Phố Châu về, Ngàn Trươi xuống tấp vào ven sông, khói cơm chiều từ khum lá che tạm trên bè bóc lên giữa trời nước con sông La hai bên bờ từ Linh Cảm về lá dâu xanh tốt. Nếu chiếc cầu sắt Thọ Tường không bị giật mìn đổ gục chắn dòng thực hiện tiêu thổ kháng chiến, thì không ai nghĩ đến chiến tranh. Diên thấy vui khi đi bên Cao và nói những ý định khi anh trở về, hai người sum họp thành vợ thành chồng. Nhưng điều cần nói với mẹ trước lúc anh chia tay thì cả hai người chưa nói được. Cao không thể không nói để ngày kia ra đi. Chợ đã đông người, đèn hoa kỳ được thắp sáng như sao sa, không thiếu một thứ gì, từ cây lá làm nhà ở đến cái giường tre, đôi đũa, hàng ăn được bày bán ở nơi cao ráo và mùi thơm thức ăn kho nấu lơ lửng một vùng rộng cuốn hút những ai cần ăn.

Cao mua năm yến gạo và hỏi người đi xe đạp thồ có biết quán Quân Dân... Người thanh niên nhận lời chở giúp và xin chéo dù loang lổ làm ngụy trang.

Sáng dậy Cao gói ghém ba lô và khi ăn cơm anh mới thưa với mẹ Chắt xin gửi Diên, anh nói ngập ngừng, vừa nói vừa thăm dò.

Thật ra qua mấy đêm ngủ mẹ đã dò biết những gì ở người con gái, uẩn khúc ở quê nhà, cuộc kháng chiến đã chuyển qua giai đoạn mới, làng quê của Diên có những thay đổi mới, phân chia ruộng đất, thay đổi thành phần. Cha mẹ của Diên vốn có ruộng đất, có nhà ngói trâu mộng, ông biết tổ chức làm ăn trở nên giàu có bát ăn bát để. Diên được đi học, sau làm công tác Đoàn. Diên chơi thân với Hiền em ruột Cao, và Hiền là chiếc cầu cho hai người đến với nhau. Hiên đã biên thư nói rõ sự tình với anh trai, Cao gửi thư cho Hiền dặn Hiền gần gũi Diên và bảo Diên đừng làm điều gì không hay. Không được công tác thì vui vẻ ở nhà giúp đỡ công việc, thành phần nọ thành phần kia chỉ là sự quy định của con người của một thời, cái chính là từ mỗi con người dù ở thành phần nào thì cái nhân cách của anh mới quyết định. Trong một lá thư sau anh bảo Diên “ Chờ anh về”, một ngày gần đây thôi, anh về trước dự định khi có quyết định đề bạt và ra chiến trường. Diên đồng tình những gì Cao bàn định và ra đi trong đêm đến một nơi xa nhà gần ngày đường và Cao đã chờ cô ở đó.


(Minh họa: Trần Thanh Bình)


Vậy mà đã ba năm, ba năm hai mẹ con sống hẩm hút với nhau trong quán Quân Dân mà anh bộ đội nào ghé qua cũng lầm tưởng họ là mẹ con đúng nghĩa và trong số họ không ít anh âm thầm nuôi hy vọng. Có anh bồng bột rất bộ đội đặt vấn đề.

- Mẹ ơi, cho con cô Mộng Diên mẹ nhé...

 Mẹ Chắt cười, vừa vui vừa độ lượng.

- Con của mẹ đó, nhưng bây giờ mẹ đâu ép buộc, con hỏi nó, nó ừ thì gật. Nhưng theo mẹ thì con gái còn trẻ, chờ vài ba năm nước nhà độc lập có chi mà lo muộn.

Diên cười ngất, tự nhiên mình có tên mới: Mộng Diên. Bộ đội trẻ đến hồn nhiên, cũng chính họ đặt tên quán mẹ Chắt thành quán Quân Dân.

Quán mà chẳng có gì mua bán, gạo của bộ đội gửi mẹ thổi cơm giúp, từ thức ăn, củi lửa gói gọn trong lon rưởi sữa bò gạo. Từ ngày có Diên, mẹ như có thêm tay thêm chân, những việc củi, lửa, nước non Diên giúp mẹ, lại còn chăn nuôi trồng rau, bữa cơm thêm tươi, tình thương con của mẹ, nỗi nhớ người yêu của Diên đang chiến đấu nơi xa dồn vào bữa cho mỗi anh bộ đội ghé qua. Có đêm chỉ có hai mẹ con, mẹ nói:

- Khi Tùng về, mẹ mong có con dâu đẹp nết. Còn Cao về mẹ sẵn sàng cắt nửa mảnh vườn cho Cao và Diên được ở gần mẹ. Rồi nửa tháng sau có đoàn thương binh từ mặt trận trở về, hai mẹ con đến chăm sóc theo đoàn thể hội Mẹ Chiến sĩ và đoàn thanh niên địa phương. Đêm về nhà lặng lẽ nỗi buồn nặng trĩu nghĩ đến người thân, không thư từ gửi về, không hề có tin tức tháng này qua năm nọ rồi năm sau, năm sau nữa lại đến.

Ngày lễ ngày tết một mẹ một con và hôm nào có anh bộ đội đi qua ghé vào, hai mẹ con vơi đi nỗi nhớ và đó là điều an ủi lớn nhất, niềm vui lớn nhất khi anh bộ đội ấy thông thạo tin tức, biết cách nói chuyện quân ta đang thắng trên mọi miền đất nước, con của mẹ nhất định sẽ trở về...

Và Tùng, anh bộ đội từ mặt trận Trung Lào đã trở về nguyên vẹn làm mẹ Chắt sung sướng ôm con mà khóc, nhìn Diên tràn đầy hy vọng.

- Con yên tâm, ngày một ngày hai thôi Cao nhất định về đây. Hai mẹ con ta với Tùng chuẩn bị những gì để đón.

Tùng ở nhà được một tháng, anh ra đi về đơn vị buổi sáng thì buổi chiều có hai người đến nhà giới thiệu với mẹ, họ là công an cần gặp Diên, họ chờ cho đến khi Diên trở về, nàng đau khổ chờ tin tức Cao, không lý do gì đất nước đã có hòa bình, anh Tùng đã trở về, biết bao người đã trở về, tại sao anh ấy... không có một mẩu tin. Diên đã khai hết những gì như sự việc vốn đã xảy năm ấy.


Cao đạp xe đi dọc con đường sắt hơn mười năm trước còn đầy đủ tà vẹt, đường ray. Bây giờ chỉ còn trơ sóng đường do người đi bộ đã mòn.

Anh đi như vậy 18 cây số lóc xóc đôi khi phải dùng chân xuống đất để tránh nguy hiểm.

Bây giờ anh đang đứng chờ đò bên bờ Bắc cầu sắt Thọ Tường, chiếc cầu khá dài oằn mình xuống lòng với sức nặng hàng ngàn tấn sắt thép, nước trong đến độ Cao nhìn thấy những thanh sắt dọc dưới làn nước sâu. Với con mắt của một vị chỉ huy tiểu đoàn, đã qua bao trận đánh Cao ước tính khối lượng mìn khi phá sập chiếc cầu này, bây giờ cần bắc lại thì bắt đầu từ đâu. Anh thấy vui và quên đi những ngày tháng quá nặng trĩu bởi mảnh đất, ngôi nhà ngói để chịu thành phần mà đáng lẽ sau nhiều năm trận mạc được trở về anh và đồng đội, ai đã chết thì đành một nhẽ, hy sinh vì Tổ Quốc... Ai còn sống thì công việc phải làm. Vậy mà mất đi những gì thật đáng tiếc. May nỗi oan của anh được một cán bộ hiểu biết tổ chức xác minh làm rõ cho anh. Ông đánh giá Cao là một cán bộ cấp tiểu đoàn bậc trưởng đầy triển vọng, cần được cử đi học hành chính quy hơn, chiến tranh là thảm họa của dân tộc chả ai muốn. Nhưng chiến tranh còn đè nặng lên chiến sĩ... và lúc nó xảy ra thì người thay thế lớp ông chỉ huy sư đoàn, quân khu là những cán bộ như Cao.

Đò qua được một nửa, niềm cháy bỏng gặp lại Diên, mẹ Chắt làm anh bồn chồn. Mẹ Chắt đã già thêm theo năm tháng. Còn Diên... Anh muốn có đôi hài vạn dặm như câu chuyện cổ tích để qua sông không cần con đò chậm chạp mỗi ngày chèo vài chuyến. Nhưng khốn nỗi ngoài chiếc xe đạp Super của Pháp thì ngôi sao vàng trên mũ là niềm thiêng liêng, anh còn có gì đáng giá, đôi giày vải mới nhận đi được vài tuần chỉ có giá đi chơi trên đường phố. Cao hăm hở đạp nhanh đến ngôi nhà đơn sơ mà một thời gọi là quán Quân Dân thì lạ thay vắng hoe như nhà vô chủ, anh bơ vơ chẳng biết làm gì, chẳng biết hỏi, ngoài hai người thân yêu anh nào quen ai ở đây.

Từ phía đường tàu, một cụ già đi tới, chả lẽ đó là mẹ Chắt, sao mẹ lại như vậy, một bà mẹ bốn năm anh đã gặp cùng ngồi ăn cơm nói chuyện...

- Con chào mẹ

- Anh hỏi ai?

- Dạ con hỏi... M...

- Cao đấy hử... Trời.

Nếu Cao không nhanh đến đỡ mẹ thì bà cụ đã khuỵu xuống.

- Mẹ làm sao vậy, thế cô ấy đi đâu...?

- Sao anh về muộn vậy, để hắn chờ đỏ con mắt.

Khi bóng chiều lụi nắng, mẹ Chắt mới nói xong những gì đã xảy ra. Tình yêu, tình thương Diên dâng lên, anh muốn làm cái gì đó mà chẳng biết làm gì. Mẹ Chắt khuyên anh chuyện đã vậy đừng nóng nảy. Khi đến trước đồn công an thị trấn vừa mới lợp lá gồi còn mới, mẹ vẫn chậm rãi; bình tĩnh nghe con.

Thấy anh xuất hiện Diên chỉ kêu lên:

- Anh Cao.

Anh nhào tới, Diên trong vòng tay anh. Mẹ Chắt ràn rụa nước mắt, người chiến sĩ trực đồn nhìn ba người lặng lẽ như nhìn lên sân khấu xem vở kịch đoạn kết.

Huế 12. 98
  N. L
(122/04-99)


 

Đánh giá của bạn về bài viết:
0 đã tặng
0
0
0
Bình luận (0)
Tin nổi bật
  • NGUYỄN ANH NHẬT

    Trong Thế chiến thứ hai, một đội quân điện thính viên có nhiệm vụ nghe ngóng điện đài của đối phương luân phiên nhau hàng ngày trời.

  • LÊ VŨ TRƯỜNG GIANG

    Những người già bảo chúng tôi ở Ái Tử có nhiều ma, ngày xưa chiến trận diễn ra liên miên, nhiều người bị chết mất thây. Những cuộn cát xoáy do gió cuốn lên mỗi lần mù mịt là ma đi kiếm ăn.

  • PHƯƠNG HÀ

    Thằng Mạnh lẹ làng cắt quả bí đao đang lủng lẳng trên giàn. Nó nheo mắt lại vì nắng, trán lấm tấm mồ hôi.

  • VIỆT HÙNG

    Chàng cho rằng mọi việc cũng chỉ tại những chiếc đồng hồ quay ngược.

  • VŨ NGỌC GIAO

    Năm Luyến lên sáu tuổi cả nhà phát hiện nàng bị bệnh mộng du.
    Cứ vào quãng gà gáy canh hai Luyến lại bật dậy vén màn, mở cửa lững thững đi ra vườn.

  • LÊ VI THỦY

    Đêm.
    Tiếng nhạc vũ trường khiến gã quay cuồng. Chai Armagnac vơi dần. Những cái ly được nâng lên hạ xuống cùng với tiếng cười rôm rả. 

  • NGUYỄN QUANG HÀ

    Ngay cả ở đất Cố Đô, không mấy ai biết ở chân núi Ngũ Tây có một vườn mai vàng. Chủ vườn mai ấy là hai cha con ông già mù.

  • VIỆT HÙNG

    Khi ấy, là khoảng thời gian mà trong tôi, cảm giác trống rỗng đến ghê sợ đang xâm chiếm. Với tôi lúc đó, chẳng còn gì để đáng coi là đẹp...

  • NGUYỄN NGỌC LỢI

    Đầm sen ấy có từ bao giờ, bà không thể biết. Nhưng bà biết đích xác ngày nó tàn, tận mắt chứng kiến cả một đầm nước loi thoi tàn úa những cọng, những tán lá mốc xỉn màu rỉ sắt đổ gục, mặt nước hồ bàng bạc những cuống lá buồn thảm. Và cái đầm sen ấy đã được kết thúc bằng những chuyến xe nối đuôi nhau ào ào trút đất.

  • PHẠM GIAI QUỲNH

    1.
    Đóng nắp hòm thư đã bong phần gỉ sét bên ngoài, cô nhét mấy lá thư vào trong nhà - qua khe cửa. Vì cô đã chốt khóa rồi nên không muốn phải mở cửa ra một lần nữa.

  • HƯƠNG VĂN

    Màn  đêm  đã  tràn  ra  mặt  biển. Màu nước đen như màu mực, lênh loáng, mênh mông. Bãi bờ vắng lặng, chỉ nghe thấy tiếng thở của biển.

  • ĐINH PHƯƠNG

    1.
    Tôi nói với Vân về việc từ nay sẽ không nói đến cái chết của Ẩn nữa, chấm dứt một cơn mộng dài đẵng ai cũng phải quên đi.

  • LÊ KIM SƠN

    Nàng biết không, ta đã nhìn thấu nàng từ rất lâu trước đó? Buổi tắm trăng ngơ ngác một mình, cái tinh khôi như đóa hoa mới hé, chỉ mình ta chế ngự được thời gian, cái khoảnh khắc lãng đãng muôn trùng, đã trói trái tim tội nghiệp của ta bên nàng mãi mãi.

  • HOÀI NAM

    Người ta vẫn xì xào tới tai tôi rằng, tôi là một con ngốc. Thì đã sao! Tôi không cảm thấy bị xúc phạm mà ngược lại nó đem đến cho tôi cảm giác được an toàn yên ổn. Ai lại đi ganh tị, đố kị với một con ngốc? Làm thế chẳng khác nào tự túm tóc nhấc mình khỏi mặt đất.

  • HOÀNG THU PHỐ

    1.
    “Khi ánh sáng một lần nữa soi chiếu, ta bỏ lại tàn lụi thế giới này”.(*)

  • QUÁCH THÁI DI

    Tôi đẩy nhẹ cửa bước vào một gian phòng khá lớn, cố gắng không gây ra tiếng động. Tôi ngồi xuống chiếc ghế bành đặt gần kệ sách rất cao, lắng nghe dòng suối âm thanh trong trẻo đang chảy ra từ cây đàn piano màu trắng.

  • VIỆT HÙNG

    Tosenli bước vào tiệm cho thuê đồ "Con Ngỗng Vàng". Người chủ tiệm thấy ông, theo thói quen, chẳng cần hỏi, đi thẳng đến nơi treo đồ.

  • VIỆT HÙNG

    Đêm tháng 6 của Hà Nội. Căn phòng 24 mét vuông như chật thêm. Giáo sư Sơn ngồi mơ màng nhả khói thuốc.

  • TẠ XUÂN HẢI

    Cầu Sòng là một nơi hoàn toàn vắng vẻ. Nếu có công chuyện thật sự cấp bách phải qua sông, người ta đi vòng xuống phía hạ nguồn khoảng hai cây số, ở đó có một chiếc cầu khác.

  • PHƯƠNG HÀ

    Tôi tỉnh dậy sau giấc ngủ dài, đầu vẫn còn đau. Trước mắt tôi là màu trắng toát của bốn bức tường bệnh viện.