Ảnh chỉ mang tính minh họa
Màu sắc đó hiện ra trên ngọn núi Ngự tuy không cao mà có đường nét thanh lịch và khỏe giống như chiếc bình phong, như người đàn ông nhã nhặn. Màu sắc còn hiện ra trên dòng nước không lấy chi làm sâu mà hiền hòa, trong sáng và uyển chuyển như cô gái “Sông Hương”. Phải chăng vì màu sắc thiên nhiên tại Huế xinh đẹp như vậy nên đã làm say đắm lòng người, đã tác động đến màu sắc do con người tạo ra trong đời sống hàng ngày qua những chiếc bánh, những chiếc lồng đèn ngũ sắc và nhất là qua những tà áo nhuộm màu phong phú… Màu sắc đó đã phản ánh vào trong nghệ thuật, song cũng có khi ngược lại, những hợp sắc của tạo hình lại được phổ biến trong đời sống. Cuối cùng, những màu do con người sáng tạo trở lại tác động chính mình. Đấy là nguyên nhân hình thành và nuôi dưỡng năng khiếu thẩm mỹ và thị hiếu màu sắc của con người Huế. Trong quá trình tác động qua lại không ngừng giữa người và màu sắc, dần dần con người Huế đã nắm được quy luật màu sắc, đã xây dựng những quy tắc, những phương thức thể hiện những bảng tính hợp sắc… dùng để vận dụng trong sáng tác. Do đó, màu sắc Huế mỗi ngày mỗi được nâng cao. Điều vừa nói không phải là giả thiết mà là sự thật. Bởi gần đây, tôi đã xây dựng được một bảng tính những hợp sắc tương phản, dựa trên cơ sở “Ngũ sắc của Huế” và dựa trên quan niệm về “âm dương” của các cụ thường trao đổi với nhau mà tôi được nghe khi mình còn nhỏ. Đáp số trong bảng ấy, không những phù hợp với những hợp sắc của nghệ thuật thêu thùa (1) và nghệ thuật pháp lam Huế (2)… mà còn phù hợp với những cặp màu trong “dĩa khoa học” của Rood (3) là dĩa tìm thấy những sắc tương phản chính xác qua chứng minh bằng những thử nghiệm. Lại nữa, bằng vào những hợp sắc thường tái hiện trong nhiều tác phẩm và trong những loại hình nghệ thuật cổ truyền tại Huế, tôi nghĩ rằng, nhất định người xưa đã tìm được bản tính màu sắc cách đây gần hai thế kỷ. Riêng về dạng xây dựng của nó có giống với bản tính của tôi hay không là điều kiện chưa rõ mà cũng không đáng cho ta đặt thành vấn đề. Trong phạm vi bài này, không cho phép tôi nói rộng và dài dòng mà khoanh vùng trong phạm vi về y phục nhằm để giới thiệu với bạn đọc vài nét liên hệ đến thị hiếu màu sắc của người Huế cách đây hơn nửa thế kỷ. Thuở ấy, trong những ngày bình thường tại Huế, màu sắc của y phục thường hiện ra rất khiêm tốn, gần như chỉ có trắng và đen. Đôi lúc, xen vào một số tà áo tím mà thôi. Nét đặc biệt của giới phụ nữ thời đó là rất hiếm thấy xa lìa chiếc nón bài thơ bằng lá nõn nà. Nhất là với tà áo trắng thì người con gái Huế luôn luôn gắn liền với nó dù là trong những lúc nấu nướng, giã gạo… ở trong nhà. Hoặc đi buôn thúng bán bưng ngoài chợ và kể cả lúc gánh than đi bán, cũng không thay đổi sắc áo này. Trừ ra, cô lái đò vùng ven đô mới kết thêm trên bộ quần áo trắng tinh, những miếng vải đen để tiện thay những nơi thường hay bị rách do động tác chèo thuyền của mình. Đồng thời cũng để tạo ra một kiểu y phục xinh đẹp, sinh động trên dòng sông Hương. Đối với màu tím, phụ nữ Huế quan niệm đó là một sắc trang nhã. Trông không buồn mà chỉ như mỉm cười. Không quá nồng nàn như bông lài mà thoang thoảng như hương lan thanh đạm và tế nhị. Vì vậy, đàn bà con gái thường mặc màu tím trong những khi giao tế bình thường hay trong những ngày kỵ giỗ (sau thời kỳ hết tang). Và nữ sinh thường chọn màu này để làm đồng phục. Soi màu này qua chiếc “kính khoa học”, tím là sắc lạnh, là sắc thuộc âm, nằm dưới cùng trong quang phổ, phát ra bước sóng ngắn và sức sáng nhẹ nhàng… Điều vừa trình bày, chứng tỏ ý thức thẩm mỹ của chị em phụ nữ xứ này qua việc chọn màu tím để ví với đức tính của mình thì thật là tinh tế. Do đó, đã sinh ra từ ngữ “màu tím Huế”. Về y phục đàn ông, con trai, trình bày khá đơn giản. Trong nhà, mặc áo quạ trắng (4) và quần dài trắng có thêm chiếc dây lưng nguyên khổ bằng thao để mộc hay nhuộm màu nguyệt bạch (5) rủ xuống gần đến đầu gối. Cũng vì dây lưng này mà thuở nhỏ tôi thường bị bà tôi la rầy, bởi không buộc nó mỗi lần đá kiện: “Con vật còn có cái đuôi để che, đàn ông con trai mà thiếu dây lưng thì coi răng cho được”. Theo thông thường, lúc tiếp khách, khi đi dạo phố hay cúng kiếng… mọi người đầu bịt khăn và mặc áo dài đen. Đến ngày hội, ngày tết, nhà nhà đều mở rương lấy ra những áo quần còn mới, tiết ra mùi thơm như bông cau trong vườn lúc tinh sương, hoặc có mùi thơm như hoa mù u vào những đêm trăng sáng. Đó là mùi “hương bài”, là những cọng cỏ thơm, những lát trầm hương thái mỏng chứa trong những bao giấy hay bao vải thưa theo hình chữ nhật dài giống như tấm thẻ bài. Cũng trong những ngày vui ấy, từ thôn quê đến thành thị đều nhuộm thắm những sắc tươi đẹp: Ông già râu tóc bạc phơ; toàn bộ áo quần, khăn giày đều là những màu thiên về đỏ. Con trai, đàn ông còn trẻ mặc áo xanh sẩm, lót màu cổ đồng (6). Các bà cụ ưa chít khăn màu lục, mặc áo màu lá cam, bày ra chút áo bên trong màu da lang (7) thật thắm. Đàn bà, con gái thường chọn những áo cặp đôi như màu lát gừng và bông bèo, màu tường vi và nguyệt bạch, màu mỡ gà và xanh da trời… Trong lễ cưới, cô dâu thường mặc cặp áo điều lục (8) và bà bưng quả hộc mặc áo rộng xanh, chít khăn hỏa hoàng (9). Những cặp màu của y phục, như điều lục, xanh và hỏa hoàng, xanh sẩm và cổ đồng, lục và da lang, lát gừng và bông bèo v.v…, đều là những hợp sắc tương phản và chính xác. Chúng vừa đẹp lại vừa thể hiện được nội dung phù hợp với thời bấy giờ, tùy theo mỗi lứa tuổi và còn thích hợp với nam tính hay nữ tính: - Màu đỏ gây ấn tượng mạnh và vui nên trong những bữa tiệc thọ, tiệc cưới tiệc khao… màu nầy không thể thiếu được trên những quà chúc mừng và còn giữ vai trò chủ yếu để trang hoàng bên trong và bên ngoài nơi tổ chức lễ vui… Do đó, con cháu may sắm sắc đỏ là nhằm chúc các cụ sức khỏe, sống lâu và sống hạnh phúc trong tuổi già. - Đàn ông, con trai thuở ấy thừa biết rằng, theo một số sách vở thì xanh là màu thuộc âm, song vẫn chọn sắc nầy làm áo cho mình. Bởi vì, họ dựa vào sự rung động trung thực trước một màu nào đó qua tình cảm mang tính tư duy nghệ thuật. Họ so sánh giữa các màu nên nhận thấy: tuy đỏ là màu có cường độ mạnh, có chất “dương tính” song trông quá rực rỡ nên thiếu sự khiêm tốn, nhã nhặn của người con trai hay đàn ông trẻ tuổi. Còn màu cam, màu vàng thì rất sáng chói. Và những màu đọt chuối, lá cam, hoa cà, tím Huế thì thật dịu dàng nên dành cho phụ nữ. Do đó, chỉ có xanh là màu thích hợp nhất đối với họ. Người đàn ông đứng tuổi thường dùng màu xanh nguyên sắc. Tuổi càng trẻ, màu nầy càng sẫm xuống để làm đậm đà chất “nam tính”. - Giới phụ nữ thường có thị hiếu dùng những sắc tươi thắm. Các bà cụ dù không thoát khỏi sự ưa thích vừa nói song lại tìm những màu thiên về sắc lục trông thật mát mẻ, êm dịu như thảm cỏ mùa xuân. - Các cô gái và đàn bà còn trẻ thường mến những sắc áo trong sáng, non nẻo. Nói cách khác, là dùng những hợp sắc tương phản có độ “cao vút”, “lanh lảnh” và điều tiết “độ nhân” thật nhẹ nhàng… Nói tóm lại, trong những sắc áo vừa nói, thể hiện một số nét đặc thù như sau, có liên hệ đến quan niệm và thị hiếu màu sắc của người Huế thuở trước: - Màu sắc của y phục Huế có sự tác động qua lại giữa nó và màu sắc nghệ thuật như đã trình bày ở phần trước. Vì vậy trong áo quần thường xuất hiện những hợp sắc tương phản trông thật xinh đẹp và lộng lẫy. Tuy vậy, bởi đặc trưng của mỗi loại hình nên màu sắc của y trang thường trình bày khá đơn giản. Còn màu sắc của nghệ thuật thêu thùa hay pháp lam Huế… có dạng phức tạp và biến dị vô cùng. - Về ý thức chọn lựa những sắc áo, người Huế biết gạn lọc những gì là tinh hoa trong sách vở để vận dụng cho phù hợp với tình cảm thẩm mỹ của mình. Bởi thế, đàn ông con trai thì dùng xanh và đen là những sắc thuộc âm. Ngược lại, đàn bà con gái thì chọn trắng là sắc thuộc dương để may quần áo thường dùng. Đã có lần, tôi đem điều mâu thuẫn vừa nói để hỏi thì một cụ nổi tiếng là thâm nho giải thích: “Đen trắng là những sắc biểu tượng cho âm dương, là điều không ai chối cãi. Song ta phải biết áp dụng hay vận dụng đúng chỗ, đúng lúc, chứ không nên câu chấp hình thức của sách vở mà áp đặt bừa bãi…” Có lẽ nhờ quan niệm phóng khoáng như vậy nên người Huế thời trước đã không khai thác đen trắng và màu sắc trên cơ sở thuần lý, thuần cảm tính hay thuần ước lệ… Đối với chiếc áo thường dùng trong việc giao tế hàng ngày, người đàn ông con trai Huế vẫn kế thừa sắc đen truyền thống của người xưa. Bởi vì sắc ấy có độ đậm nhất nên tạo ấn tượng trang nhã, phân minh của nam tính. Riêng về giới nữ tại Huế, đã lựa chọn cho áo quần bình thường của mình một sắc mới, đó là trắng, là vì trắng có độ sáng trong trẻo, nhẹ nhàng làm ta liên tưởng đến sự tinh khiết, trong trắng của người phụ nữ Huế. Sau hết, những sắc áo Huế thời ấy còn có thêm điểm đáng kể là không hướng đến vẻ đẹp “trống rỗng”. Cứ mỗi tà áo màu thường chứa đựng một nội dung phong phú, phù hợp với quan niệm, với thị hiếu màu sắc dành cho từng lứa tuổi, hoặc từng thuộc tính nam hay nữ. Nhờ đó, ta có thể rút ra trong ấy những điều như sau: - Đối với đàn ông, tuổi càng già càng thích những màu mạnh, rực rỡ hoặc đậm đà. Tuổi càng trẻ, càng chọn những màu thật sẫm, hầu thể hiện sự nhã nhặn, khiêm tốn của “phái” nam. - Đối với giới nữ, các bà càng lớn tuổi, càng thích những sắc thật thắm nhưng trông dễ chịu, mát mắt. Tuổi càng trẻ càng ưa những màu dịu dàng, tươi và sáng. Tôi nghe các cụ kể lại và những sắc áo thời trước nữa thì so ra có sự đổi mới (10), song luôn luôn có sự góp mặt của nội dung. Theo đó, sự đổi thay này không phải là cái si mê, nhắm mắt đuổi theo cái mốt của thời trang mà đôi khi có thể đem lại vẻ lố lăng hay xấu xí. Lý do đem lại sự đổi mới trong màu sắc y phục Huế là bởi vì có sự cầu tiến, có sự nâng cao về mỹ cảm của quần chúng. P.Đ.T (2/8-83) -------- 1. Năm 1981, Viện Bảo tàng thành phố Hồ Chí Minh (tại Thảo cầm viên) có trưng bày “Y phục vua quan thời Nguyễn”. Trong những đồ thêu ấy, trình bày những hợp sắc tương phản chính xác và phương thức “hòa trộn trong thị giác”.. gần giống như trong pháp lam Huế. 2. Xin xem: Quanh pháp lam Huế, suy nghĩ về màu sắc. Bài của P.Đ.T đăng trong tạp chí Nghiên cứu nghệ thuật - số 3, năm 1982. 3. Những cặp màu tương phản trong “dĩa khoa học” có liên hệ đến sinh lý thị giác nên trông vừa hấp dẫn, lộng lẫy vừa hài hòa. 4. Một loại áo cụt có tà dài đến giữa đùi, tay dài, cổ cao, vị trí gài nút nằm ở giữa kể từ sống áo đến nách áo. 5. Màu xanh lục và lạt. 6. Cổ đồng: màu vàng sẫm giống như đồng cũ. 7. Da lang: màu đỏ tím như vỏ khoai lang. 8. Điều là đỏ, lục là màu lục xanh. 9. Hỏa hoàng: màu vàng cam giống như màu lửa vàng. 10. Khăn đóng đen thay khăn chít màu huyền vì hợp với kiểu tóc “cúp” ngắn và dễ dùng giống như đội mũ. Hoặc vì ngày trước, chưa dùng áo ấm, áo len nên phải mặc áo cặp ba. Do đó, màu sắc cũng trình bày khác: lá cam, hồ thủy và đỏ là tiền thân của cặp màu lục điều… |
NGUYỄN XUÂN HOA
Năm 1776, trong sáu tháng làm quan ở Huế, có điều kiện ghi chép những điều mắt thấy tai nghe, đọc kỹ văn thơ ở vùng đất Thuận Hóa để viết tập bút ký Phủ biên tạp lục, Lê Quý Đôn đã đưa ra một nhận định mang tính tổng kết: Đây là vùng đất “văn mạch một phương, dằng dặc không dứt, thực đáng khen lắm!”.
Ở thời điểm năm 1987, GS Trần Quốc Vượng là người đầu tiên nêu quan điểm cần đổi mới tư duy lịch sử, nhận thức đúng sự thật lịch sử và thảo luận tự do, dân chủ, rộng rãi, trong đó có vấn đề xem xét lại nhà Nguyễn và thời Nguyễn.
ĐỖ XUÂN CẨM
Thành phố Huế khác hẳn một số thành phố trên dải đất miền Trung, không chỉ ở các lăng tẩm, đền đài, chùa chiền, thành quách… mà còn khác biệt ở màu xanh thiên nhiên hòa quyện vào các công trình một cách tinh tế.
KỶ NIỆM 130 CHÍNH BIẾN THẤT THỦ KINH ĐÔ (23/5 ẤT DẬU 1885 - 23/5 ẤT MÙI 2015)
LÊ VŨ TRƯỜNG GIANG
Huế, trong lịch sử từng là vùng đất đóng vai trò một trung tâm chính trị - văn hóa, từng gánh chịu nhiều vết thương của nạn binh đao. Chính biến Thất thủ Kinh đô 23/5, vết thương lịch sử ấy ăn sâu vào tâm thức bao thế hệ người dân Cố đô.
KIMO
Café trên xứ Huế bây giờ không thua gì café quán cốc ở Pháp, những quán café mọc lên đầy hai bên lề đường và khi vươn vai thức dậy nhìn xuống đường là mùi thơm của café cũng đủ làm cho con người tỉnh táo.
LTS: Diễn ra từ 10/6 đến 22/6/2015, cuộc triển lãm “Thừa Thiên Huế: 90 năm báo chí yêu nước và cách mạng” do Hội Nhà báo tổ chức tại Huế, trưng bày các tư liệu báo chí hết sức quý giá do nhà báo, nhà nghiên cứu Dương Phước Thu sưu tập, đã thu hút đông đảo công chúng Huế. Nhiều tờ báo xuất bản cách đây hơn thế kỷ giờ đây công chúng được nhìn thấy để từ đó, hình dung về một thời kỳ Huế đã từng là trung tâm báo chí của cả nước. Nhân sự kiện hết sức đặc biệt này, Sông Hương đã có cuộc phỏng vấn ngắn với nhà nghiên cứu Dương Phước Thu.
MAI KHẮC ỨNG
Một lần lên chùa Thiên Mụ gặp đoàn khách có người dẫn, tôi nhập lại để nghe thuyết minh. Nền cũ đình Hương Nguyện trước tháp Phước Duyên được chọn làm diễn đài.
LÊ QUANG THÁI
Việt Nam giữ một vị thế trọng yếu ở ngã tư giao lưu với các nước của bán đảo Ấn Hoa và miền Viễn Đông châu Á.
LÊ VŨ TRƯỜNG GIANG
Tùy bút
Mối cảm giao với Túy Vân khởi sự từ sự tạo sinh của đất trời trong lớp lớp mây trắng chảy tràn, tuyết tô cho ngọn núi mệnh danh thắng cảnh thiền kinh Cố đô.
PHẠM THÁI ANH THƯ
Trong giai đoạn 2004 - 2013, nền kinh tế tỉnh Thừa Thiên Huế (TTH) đạt mức tăng trưởng khá cao so với mức bình quân của cả nước, cơ cấu kinh tế chuyển dịch hợp lý theo hướng du lịch, dịch vụ - công nghiệp - nông nghiệp. Đồng hành với mức tăng trưởng đó, nhiều nhà đầu tư lớn trong và ngoài nước đã đến đầu tư tại Thừa Thiên Huế.
TRẦN VIẾT ĐIỀN
Một số nhà nghiên cứu đã chú tâm tìm kiếm nơi an táng đại thi hào Nguyễn Du ở Huế, sau khi ông qua đời vào ngày 10 tháng 8 năm Canh Thìn (16/9/1820).
TRẦN KIÊM ĐOÀN
Sông Hương vừa là cột mốc làm chứng vừa là biểu tượng cho dáng đẹp sương khói, “áo lụa thinh không” của lịch sử thăng trầm về hình bóng Huế.
ĐỖ XUÂN CẨM
1. Đôi điều tản mạn về Liễu
Người Á Đông thường coi trọng luật phong thủy, ngũ hành âm dương, họ luôn chú trọng đến thiên nhiên, cảnh vật và xem đó là một phần của cuộc sống tinh thần.
TRƯỜNG PHƯỚC
Đất nước hòa bình, thống nhất, thực hiện công cuộc đổi mới phát triển đã 40 năm. Những thành tựu là có thể nhìn thấy được. Tuy nhiên, muốn phát triển, công cuộc đổi mới cần được thúc đẩy một cách mạnh mẽ có hiệu quả hơn nữa.
LƯU THỦY
KỶ NIỆM 40 NĂM GIẢI PHÓNG THỪA THIÊN HUẾ (26/3/1975 - 2015)
LÊ VĂN LÂN
Một mùa xuân mới lại về trên quê hương “Huế luôn luôn mới” để lại trong tâm hồn người dân Huế luôn trăn trở với bao khát vọng vươn lên, trả lời câu hỏi phải tiếp tục làm gì để Huế là một thành phố sáng tạo, một đô thị đáng sống. Gạt ra ngoài những danh hiệu, kể cả việc Huế chưa trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, vấn đề đặt ra đâu là cái lõi cái bất biến của Huế và chúng ta phải làm gì để cái lõi đó tỏa sáng.
THANH TÙNG
Ở Việt Nam, Huế là thành phố có tỉ lệ tượng lớn nhất trên diện tích tự nhiên và dân số. Không chỉ nhiều về số lượng mà còn đạt đỉnh cao về chất lượng nghệ thuật, phong phú về đề tài, loại hình, phong cách thể hiện.
ĐỖ MINH ĐIỀN
Chùa Hoàng giác là một trong những ngôi cổ tự nổi tiếng nhất xứ Đàng Trong, được đích thân chúa Nguyễn Phúc Chu cho tái thiết, ban sắc tứ vào năm 1721. Tuy nhiên, vì trải qua binh lửa chiến tranh chùa đã bị thiêu rụi hoàn toàn. Dựa trên nguồn sử liệu và kết quả điều tra thực tế, chúng tôi cố gắng để phác thảo phần nào nguồn gốc ra đời cũng như tầm quan trọng của ngôi chùa này trong đời sống văn hóa cư dân Huế xưa với một nếp sống mang đậm dấu ấn Phật giáo.
TRẦN VĂN DŨNG
Cách đây đúng 500 năm (1514 - 2014), tại ngôi làng ven sông Kiến Giang “nơi cây vườn và dòng nước cùng với các thôn xóm xung quanh hợp thành một vùng biếc thẳm giữa màu xanh mênh mông của cánh đồng hai huyện”(1) thuộc xã Lộc Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình, cậu bé Dương Văn An, sau này đỗ Tiến sĩ và làm quan đến chức Thượng thư được sinh ra đời.