PHẠM PHÚ PHONG
Du ký
Do cách chia thời gian theo ngày tháng, người ta thường coi thời gian trôi/ đi qua, nhưng thực ra thời gian vẫn đứng yên đó thôi, chỉ có con người và vạn vật trôi qua dưới con mắt chăm chú, kiên trì và nhẫn nại của thời gian.
Các nhà văn Huế trước ngôi nhà gỗ ở xã Phú Xuân
Cuộc sống con người là một cuộc lãng du đi qua thời gian, trong đó có cái được, có cái mất, cho đến khi mất hẳn, là lúc “cán đích” đi vào cõi vô cùng. Một trong những cái được của cuộc sống con người là sự giàu có của ký ức, những gì kết tủa, đọng lại thành những ô ngăn, xếp chồng thành lớp lớp, nhờ những hạnh ngộ chốn nhân gian, được thời gian bồi đắp. Với tôi, vùng đất Phú Xuân, huyện Krông Năng, tỉnh Đắk Lắk - xã kinh tế mới của bà con người Huế, là nơi tôi lưu giữ nhiều những ô ngăn trong ký ức bụi mờ.
Còn in trong ký ức sâu thẳm của tôi chân dung một người bạn là Trần Chi, người học cùng lớp, cùng tham gia hoạt động nội thành, cùng được chuyển vào đội biệt động, cùng có mặt trong những ngày sôi động ở Huế tháng Ba 1975, tôi được phân công làm Khu đội trưởng, Chi là Khu đội phó Khu phố 4 (gồm các phường Phú Cát, Phú Hiệp, Phú Hậu ngày nay, sau đó mới tái lập phường). Tháng Chín 1975, tôi quay về đi học tiếp, còn Chi về lại Thành ủy, để rồi vào những ngày trước tết Nguyên đán 1977, Chi có mặt trong đội quân thanh niên xung phong đi xây dựng kinh tế mới ở vùng đất phía Đông huyện Krông Buk, nơi có những cánh rừng bạt ngàn và dòng sông Krông Năng chảy qua - xã Phú Xuân ngày nay. Sau lễ xuất quân của đoàn thanh niên xung phong ở điện Thái Hòa, thì đến giữa tháng 4 năm ấy, trên 10.000 dân thuộc 11 phường và 6 xã vùng ven thành phố Huế đã đến lập nghiệp tại vùng đất mới. Sau một thời gian ổn định, tổ chức sản xuất, xây dựng đời sống, đến ngày 20/11/1978 Chính phủ ra quyết định thành lập xã Phú Xuân và tháng 11/1987 tách 6 xã vùng Đông huyện Krông Buk, trong đó có Phú Xuân, để thành lập huyện mới Krông Năng. Bốn mươi năm qua, có sự tiếp tục bổ sung, di cư tự do của bà con từ các tỉnh phía Bắc vào làm ăn sinh sống, đến nay xã mở rộng diện tích tự nhiên đến 4.512 ha, nằm cách trung tâm huyện Krông Năng 5km về phía Đông Nam, có 32 thôn, với 4.964 hộ và 17.716 nhân khẩu… Theo anh Văn Khả Hùng, Bí thư Đảng ủy xã, lúc đầu mới thành lập, xã chỉ có một chi bộ với 5 đảng viên, hiện nay đã là một đảng bộ với 44 chi bộ, gồm 587 đảng viên và nhiều năm liền đạt tiêu chuẩn Đảng bộ trong sạch vững mạnh; xã cũng đạt 17/19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới, là một trong ba xã dẫn đầu trong phong trào của toàn huyện. Để có được một nền tảng khả quan và bền vững như bây giờ, cán bộ và nhân dân trong xã đã vượt qua bao nhiêu thử thách khắc nghiệt của những năm đầu thiếu đói, bệnh tật, đe dọa của fulrô… những điều mà theo người bí thư trẻ này, thời ấy còn quá nhỏ, chưa ý thức một cách đầy đủ về những tháng ngày nghiệt ngã và thách thức dai dẳng đến triền miên. Trong diễn văn đọc tại lễ kỷ niệm 40 năm thành lập xã, diễn ra vào ngày 18/11/2017 trong bầu không khí nô nức rợp cờ hoa, Chủ tịch xã Lê Đình Chủng đã nhấn mạnh rằng: “Ôn lại quá khứ để biết được hiện tại và chuẩn bị hành trang cho tương lai, ghi nhận công lao to lớn của lớp người đi trước, cho những người đang công tác lại thêm niềm tự hào, tiếp tục khắc ghi những cống hiến làm nguồn động viên tiếp sức, nhắc nhở động viên cho các thế hệ hôm nay và mai sau phải trân trọng quá khứ, ra sức cống hiến để tiếp tục xây dựng quê hương Phú Xuân ngày càng giàu đẹp, văn minh.”
Từ sau thời kỳ đổi mới (1986) đến nay, để có sự phát triển mạnh mẽ về văn hóa - giáo dục, thường xuyên hằng năm có con em đạt giải trong các kỳ thi học sinh giỏi của huyện, tỉnh; lãnh đạo xã qua các thời kỳ không ngừng chú trọng đến việc phát triển kinh tế, chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, nhân rộng các mô hình, xen canh tăng vụ, bên cạnh cây cà phê còn thêm các loại cây như tiêu, bơ, sầu riêng, chanh dây; bên cạnh các loài vật nuôi truyền thống như gia súc gia cầm, đào ao thả cá, xã còn khuyến khích nhân dân phát triển các loài vật nuôi có giá trị kinh tế cao như dê, hươu, ong… Đến nhà anh Nguyễn Văn Khiển, một trong những thanh niên xung phong có mặt đầu tiên ở đây, với vườn cây cảnh non bộ, mà theo anh là cố gắng giữ gìn và phát huy vốn quý của nhà vườn Huế, bên cạnh năm ao thả cá và giàn chanh dây mà mùa trước anh đã thu vào ba trăm triệu. Thật khó mà tưởng tượng, mỗi cân chanh dây chỉ 15.000, mà thu vào số tiền như vậy thì thử tính vườn chanh nhà anh cho bao nhiêu tấn? Cũng nhờ thế mà anh nuôi sáu đứa con ăn học, trưởng thành. Đến nhà anh Quang Văn Lai, cha là người dân tộc Thái gốc Lai Châu, mẹ người Huế, theo gia đình lên đây từ năm mười ba tuổi, trước khi làm Bí thư chi bộ thôn, Lai đã kiếm sống kinh qua nhiều nghề với đủ loại công việc, nay nhìn cơ ngơi với ngôi nhà gỗ hai tầng khang trang, chỉ kém thua kích cở cung vua, ngoại trừ trong phim ảnh, quả thật lần đầu tiên tôi mới thấy một ngôi nhà gỗ uy nghi như thế trong đời! Đưa tôi đi thăm xã Phú Xuân còn có anh Trần Văn Tương, nguyên là sinh viên Văn khoa Huế mới học năm đầu, anh có mặt trong đoàn thanh niên xung phong vào đây đầu tiên, nay là Trưởng Đài Truyền thanh xã, ngoài việc siêng năng cần mẫn nuôi tám đứa con ăn học trưởng thành, anh còn… làm thơ, viết nhạc, tác giả của tập thơ Giọt trăng khuyết (Nxb. Đại học Huế, 2014) và những bản nhạc anh phổ thơ của các tác giả Trần Chi, Trần Văn Hội, anh hát tôi nghe, không biết có chủ quan không, không thua gì các nhạc sĩ chuyên nghiệp. Nghe nhạc, đọc thơ, rồi nghe cung cách anh nói năng, tôi cảm nhận ra một tâm hồn Huế, đậm đặc như giọt cà phê được chưng cất bằng văn hóa Huế. Anh chở tôi đi loanh quanh trong xã, còn cẩn thận mượn cả mũ bảo hiểm cho tôi, vì rằng “cách đây mấy ngày, đi xe tôi bấm lộn đèn xi-nhan, bị camera ghi lại, vừa lên huyện nộp phạt về đây.” A ha, cái huyện mới Krông Năng, cái đất mới Phú Xuân của Huế mình, đã có lắp đặt camera giao thông, xem ra đã văn minh hơn nơi kinh thành hoa lệ, nơi khởi nguồn cho họ đến đây!
Cố nhiên, dù cho cái nhìn lạc quan của tôi có ngước lên tận trăng sao, vẫn phải chấp nhận một thực tế, là đâu phải Phú Xuân đã hoàn toàn thoát nghèo. Theo cáo cáo năm 2016 của xã, vẫn còn 231 hộ nghèo, chiếm 5,83% so với toàn xã. Hẳn là cái nghèo cố hữu của đời sống bà con ở xã vùng cao, phần lớn là rơi vào những hộ người dân tộc thiểu số, vì xã có đến 16 dân tộc anh em. Mới hay câu “Gánh cực mà đổ lên non…”. Cũng cần khẳng định cái được lớn nhất ở mảnh đất này, là sự trưởng thành nhanh chóng của thế hệ trẻ, trong đó có những người lên đây khi chưa học xong cấp I như Quang Văn Lai, hoặc mới bước chân vào đại học nhưng do sự thay đổi lại cơ cấu giáo dục không có trường lớp để học như Trần Văn Tương, hoặc trường hợp Trần Phú, đang học phổ thông, là đội viên thanh niên xung phong, đã nỗ lực phấn đấu trở thành người lãnh đạo cao nhất của huyện Krông Năng, rồi được bầu vào ban thường vụ, trưởng ban tổ chức Tỉnh ủy Đắk Lắk, người mà tình cờ tôi gặp trong cuộc họp mặt của Hội đồng hương Huế tại Buôn Ma Thuột với đoàn Nhà văn Thừa Thiên Huế, đã vui vẻ tặng ngay hội đồng hương hàng chục tờ xanh để làm quỹ chi phí cho hoạt động của hội…
Ký ức là bóng mát của đời tôi. Trong ký ức ngọt ngào của tôi, có một ô ngăn đầy ăm ắp những sự kiện diễn ra cách đây tròn ba mươi năm (1987), khi xã vừa tổ chức kỷ niệm mười năm thành lập và vừa trực thuộc huyện mới Krông Năng: tôi, tiến sĩ Trần Trung Hỷ và thạc sĩ Lê Cảnh Vững, có đưa đoàn sinh viên ghép cả hai khóa 10 và 11 khoa Ngữ văn, trường Đại học Tổng hợp Huế lên thực tập nghề viết báo ở Phú Xuân và Ea H’Leo. Có lẽ, nhờ có tình người nơi đây, cũng như chính những cơn mưa rừng tối tăm mặt mũi và bùn đất đỏ bazan níu giữ chân người, cùng những trang viết nhòe nước mưa có trộn lẫn cả nước mắt, là những thử thách đầu đời của nghề báo, để sau này, hầu hết trong số họ đã trở thành những người có tiếng tăm trong làng báo nước nhà: Hồng Hạnh (Tổng Biên tập báo Thừa Thiên Huế), Trần Ngọc Tuấn (Trưởng văn phòng báo Tiền Phong tại miền Trung và Tây Nguyên), Huỳnh Nam Phong (Trưởng văn phòng báo Văn hóa thể thao tại miền Trung và Tây Nguyên), Lê Đức Dục (báo Tuổi trẻ), Thu Hương (báo Công an Đà Nẵng)… Những bài báo đầu tay của họ ra đời trên những thảm cỏ xanh thắm và cánh rừng ngút ngàn của đất này. Còn nhiều nhà báo tài danh khác, đứng đầu nhiều tòa soạn báo hiện nay hoặc đã đi qua các lần thực tập như thế, hoặc từng làm luận văn tốt nghiệp liên quan đến nghề báo: Đặng Xuân Thu (VTV8), Lê Minh Hùng (báo Công an Đà Nẵng), Lê Hồng Văn (báo Bình Thuận), Huỳnh Hùng (Đài ĐRT), Lê Khánh Hòa (Đài QRT), Nguyên Du (Đài TRT), Mai Đức Lộc (báo Đà Nẵng), Trương Đức Minh Tứ (báo Quảng Trị), Hoàng Hữu Thái (báo Quảng Binh), Hồ Đăng Thanh Ngọc (Tạp chí Sông Hương), Lê Văn Nhi (báo Quảng Nam), Phan Chín (Tạp chí Đất Quảng), Nguyễn Nho Khiêm (Tạp chí Non Nước), Nguyễn Thị Lê Na (Tạp chí Nhật Lệ)… Càng nhiều tuổi, tôi càng giống loài mèo lông trắng bạch kim, cứ ưa ngắm nghía, vuốt ve cái đuôi óng ánh của mình. Ký ức dẫn tôi về cái trận mưa mù trời, đường đất đỏ nhão nhoẹt năm nào, tôi cùng với Lê Cảnh Vững và Hồng Hạnh đi bộ hơn hai chục cây số từ xã Phú Xuân ra đến Buôn Hồ. Đường trơn đến mức phải xách dép và bấm từng ngón chân, mặc cho mưa ròng rả dội trên đầu. Chiều đó, lạnh quá, mấy anh em rủ nhau ngồi uống rượu suông ở nhà anh Trần Văn Hội. Đang uống, bỗng nghe tiếng kêu cứu thất thanh là có người nhảy xuống giếng tự tử. Chúng tôi chạy ra vây quanh thành giếng và tôi là người ngồi lên cái gàu để anh em quay thả tôi xuống giếng cứu người. Thật ra, tôi chẳng phải là người gan dạ gì. Tôi xuống giếng vì trong anh em, tôi nhỏ con nhất, trọng lượng nhẹ nhất. Hơn nữa, đã có tí men trong người, tôi còn sợ chi đâu. Giếng sâu 23 mét, nước sâu ngang ngực. Khi ngâm mình dưới nước, tôi bắt đầu tỉnh rượu và run, một cảm giác âu lo từ đâu ập về ngấm vào đến tận xương tủy. Trước mắt tôi mặt nước đỏ ngầu và một xác người gầy gò, mềm nhũn. Hóa ra, trước nhảy xuống giếng anh đã dùng dao lam cứa vào mạch máu nơi cổ tay. Tôi ngồi lên gàu và để người anh ngồi lên hai chân mình, ôm dọc người anh theo chiều thẳng đứng dây gàu và gọi những người trên quay gàu kéo lên. Đâu được lưng chừng giếng, bỗng đứt phựt dây, cả hai rơi trở lại xuống giếng. Người bên trên lại tìm thêm dây bện vào cho chắc hơn, thả xuống. Tôi buộc dây cẩn thận quanh bụng anh, cho kéo lên trước. Lại tự buộc dây vào háng mình và ôm chặt vào chiều thẳng đứng để được kéo lên. Sau đó, tôi mới biết người nhảy giếng tên là Trần Thanh Huy, là bộ đội ở chiến trường Campuchia trở về, mang những di chứng về tinh thần, nhiều khi không kiểm soát hết được những hành vi của mình. Lần này, sau tròn ba mươi năm tôi trở lại Phú Xuân, mong tìm gặp Huy, nhưng tiếc rằng anh đi vắng. Anh đã lập gia đình, có hai đứa con đã trưởng thành. Khi tôi vào tìm thăm, là sau ngày anh tổ chức đám cưới cho đứa con trai chưa lâu. Tự đáy lòng mình, tôi mừng cho Huy và cũng tự mừng cho mình, vì sống trong đời khó khăn lắm mới có thêm một niềm vui dù nhỏ nhoi nhưng ấm áp.
Con sông Krông Năng vẫn chảy xuôi dòng. Tôi vẫn đi miên man trong ký ức đời tôi. Khi đứng trước khu vực gần như còn giữ nguyên cây rừng, nơi từng có căn lán của nhà thơ Thái Ngọc San, Bí thư chi bộ đầu tiên của xã Phú Xuân, ký ức nóng hôi hổi xen lẫn với đắng cay nghiệt ngã lại dẫn tôi về với những ô ngăn bè bạn của tôi. Xin hát về bạn bè tôi, những người sống vì mọi người! Ngày ấy, thấy bạn bè được tổ chức phân công lãnh đạo thanh niên xung phong đi xây dựng vùng kinh tế mới, còn mình phải về đi học, tôi buồn vô cùng. Có ngờ đâu rằng, số phận đã nuông chiều tôi quá nhiều, bởi các anh phải bỏ học dở dang sau này phải học chuyên tu, tại chức hoặc các hình thức đào tạo khác nhọc nhằn, vất vả và có khi cay đắng hơn tôi rất nhiều. Chính tôi mới là người cam chịu “sống đời nhỏ nhoi”, chứ không phải ai khác. Trần Chi từng là phó chủ tịch xã, khi được rút lên huyện công tác, nhờ cô vợ là giáo viên nhưng đảm đang, đã cắn răng khăn gói “cỡi heo vợ nuôi” ra Huế học và nay là Trưởng Đài Truyền thanh - Truyền hình Krông Năng và là nhà thơ, tác giả của tập thơ Uống rượu bên nhà mồ (2007), được bạn đọc chú ý. Anh Nguyễn Nhiên, từng là Ủy viên Ban cán sự Đảng Viện Đại học Huế những năm trước 1975, là một trong những người đầu tiên lên tiền trạm khảo sát vùng đất Phú Xuân từ tháng 9/1976, rồi làm chủ tịch xã đầu tiên, cũng miệt mài học tập, nhất là tự học ngoại ngữ, để khi rời chức vụ chính quyền cao nhất là Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân thành phố Huế, anh chuyển sang làm Trưởng Ban Đối ngoại thành phố, sau đó đổi thành Giám đốc Trung tâm hợp tác quốc tế thành phố Huế, từng xúc tiến hợp tác và đi đến hơn 70 nước trên thế giới, được Pháp tặng Huân chương Cành cọ Hàn lâm, tước Hiệp sĩ vì có công “quảng bá văn hóa/ văn minh Pháp ở Việt Nam.” Tôi muốn nhắc thêm một người nằm trong những ô ngăn trong ký ức về đất này là nhà thơ Trần Văn Hội. Tham gia phong trào tranh đấu của sinh viên học sinh, làm Phó Bí thư Ban cán sự Đảng Viện Đại học Huế, chẳng may bị địch bắt phải vào tù. Anh khai đúng những gì tổ chức đã hướng dẫn. Chỉ giam giữ trong một thời gian ngắn, địch vô hiệu hóa anh bằng cách thả anh ra. Từ đó, tuy anh vẫn sống mà như đã chết. Tổ chức không còn tin anh, bạn bè cũng ít còn ai dám đến với anh nữa. Anh đã bị loại ra khỏi cuộc chơi. Anh âm thầm có mặt trong đội quân thanh niên xung phong đi khai phá rừng hoang. Cuộc sống đẩy đưa, với trình độ và tài năng sẵn có, anh trở thành phóng viên, rồi làm biên tập viên đài Truyền thanh Truyền hình Krông Buk và nay đã nghỉ hưu. Ngoài sự đảm đang, tận tụy của người vợ và sự trưởng thành của hai đứa con trai, anh còn có chút may mắn là tìm thấy niềm vui qua những trang thơ, là tác giả của các tập thơ Cái lùng tung (2007), Những giấc mơ trôi dạt (2017). Thơ anh cũng lặng lẽ như người, như cuộc sống của anh sau những cơn hoạn nạn: “Có những điều anh chưa nói với em/ đó là sự lặng im trong thơ anh” (Đó là sự lặng im).
Nếu chỉ có tồn tại thôi, mới thanh thản, thảnh thơi. Người ta càng sống càng làm đầy thêm ký ức. Vasiliev nói rằng: “Hồi ức làm ta muốn khóc!” Vậy thì hãy để ký ức ngủ yên, đừng đánh thức một cách tùy tiện, tràn lan. Tôi tự thả lỏng tâm tư, khi ngước nhìn những tia nắng ban mai trên vùng đất mới, ngắm những bông hoa dã quỳ đang khoe sắc vàng rực rỡ và bước đi trong tiếng reo vui trong giọng nói, tiếng cười của đàn trẻ nhỏ đang đến trường. Tự nhủ với lòng mình rằng, thôi đừng nghĩ ngợi gì nhiều, trước một tương lai đang ngày một tươi sáng, tốt đẹp hơn trên vùng đất đỏ bazan đang có thêm sắc hồng, sắc tím của Huế.
P.P.P
(SHSDB27/12-2017)
Chiều 15-4-89, 14 giờ. Phòng họp của Hội VHNT Bình Trị Thiên đã chật hết chỗ, nhiều người ngồi lên bậc cửa sổ.
HỒ VĨNH
Nhà báo Nguyễn Cửu Thạnh sinh ngày 15/6/1905 tại Phú Hội, thành phố Huế. Thuở thiếu thời ông là người ngay thẳng, vui tính, thích văn chương nghệ thuật; ông bước vào nghề báo từ năm 1929 và tham gia hoạt động tích cực trong phong trào Mặt trận Dân chủ tại Huế và hoạt động báo chí do Xứ ủy Trung kỳ chỉ đạo.
NGUYỄN KHẮC PHÊ
Trong lịch sử xây dựng tổ chức văn nghệ trên đất Cố đô Huế 70 năm qua, nơi ghi dấu nhiều sự kiện, nhiều kỷ niệm nhất hẳn là ngôi nhà 26 Lê Lợi, bên bờ nam sông Hương.
Đó là đánh giá của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong điếu văn linh mục Phạm Bá Trực.
Từ Thượng thư Bộ Hình triều Nguyễn, cụ Bùi Bằng Đoàn đã vượt qua những định kiến của thời cuộc, của chế độ cũ - mới để tham gia chính quyền cách mạng.
HOÀNG VŨ THUẬT
Bút ký
Hồi ấy tôi cũng là ông giáo làng, sáng đi tối về. Chiến tranh như cái máy ủi đã san phẳng bất cứ thứ gì dựng lên trên mặt đất.
Văn Cao là một trong những nhạc sĩ thuộc lớp tiền bối của nền tân nhạc Việt Nam. Cuộc đời và sự nghiệp của ông luôn gắn chặt và hoà trộn với dòng chảy lịch sử của dân tộc. Nhiều tác phẩm của ông đã trở thành di sản âm nhạc quý báu của nước nhà. Trong đó, có tác phẩm Tiến quân ca - Quốc ca Việt Nam – mà ông là tác giả.
PHAN QUANG
Hồi ký
Vua Hàm Nghi ghé làng tôi. Vua nghỉ lại ở nhà tôi. Điều đó xảy ra một trăm năm về trước. Và nhà ấy là nhà của ông nội tôi.
Trong sự nghiệp sáng tác của mình, Ngân Giang viết như một dòng sông tuôn chảy điều hòa. Bà là một hiện tượng trên thi đàn Việt Nam: người làm thơ liên tục dài năm nhất (từ 1922 tới khi bà qua đời- 2002), có số lượng thơ thuộc loại nhiều nhất (hơn 5.000 bài) có nhiều bài được truyền tụng (như Trưng nữ vương, Xuân chiến địa...)
KỶ NIỆM 68 NĂM NGÀY THƯƠNG BINH LIỆT SĨ (27/7/1949 - 2015)
PHẠM HỮU THU
Trước khi ông Lê Sáu, nguyên Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế qua đời, tôi may mắn được ông kể cho nghe nhiều chuyện, phần lớn là những ân tình mà đồng bào, đồng chí đã dành cho cách mạng trong những năm ác liệt của chiến tranh, nhất là những tấm gương lặng lẽ hy sinh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc.
PHAN NAM SINH
Thầy tôi mất trưa hôm 16/1/1959 tại số nhà 73 phố Thuốc Bắc - Hà Nội. Sau khi cùng các anh chị tôi lo xong đám tang cho ông, mẹ tôi thu dọn tất cả số sách báo, sổ tay ghi chép, di cảo... của ông để lại vào trong hai chiếc va li loại lớn được ông mang về từ lần đi Trung Quốc dự lễ tưởng niệm 20 năm ngày mất của Lỗ Tấn.
Nhiều người Huế ngày trước thuờng ngâm nga câu hát: “ Cô gái nữ sinh Đồng Khánh kia ơi/ Cô đi về đâu tan buổi học rồi?/ Cô xuôi Đập Đá hay về Nam Giao/ Cô về Bến Ngự hay về Đông Ba / Cô về Vĩ Dạ hay ngược Kim Luông/… Tôi mơ một bóng khi về đơn côi/ Áo dài dáng đẹp tóc còn buông lơi/ Ghi một kỷ niệm cuộc đời trong tôi”.
BÙI KIM CHI
Vào Thành nội, hai con đường nhỏ hai bên hông trường trung học Hàm Nghi có lá phượng bay, có vòm nhãn che đường làm nền cho ngôi trường uy nghi, bề thế nằm ở giữa. Trước cổng trường có con đường nhỏ chạy ngang qua với hai hàng mù u lấp lánh nắng vàng tươi chụm đầu vào nhau nghe và thủ thỉ chuyện học trò.
THÁI KIM LAN
Từ xa nhận được hung tin Thầy nhập viện trong tình trạng nguy cập, tôi nôn nóng muốn về, hi vọng được gặp lại Thầy.
HƯỚNG ĐẾN KỶ NIỆM 70 NĂM HỘI VHNT THỪA THIÊN HUẾ
LÊ TRỌNG SÂM
90 NĂM BÁO CHÍ CÁCH MẠNG VIỆT NAM(21/6/1925 - 2015)
THANH NGỌC
Sự hình thành và phát triển của Hội Văn học Nghệ thuật (VHNT) Thừa Thiên Huế kể từ khi ra đời đến nay đã gắn bó rất chặt với đời sống báo chí. Điều đó cũng dễ hiểu, bởi những mầm xanh của VHNT rất cần được gieo trồng trên cánh đồng báo chí. Điều khác nữa, Huế - vùng đất từng là “thủ đô văn hóa” của cả nước, nơi báo chí phát triển cực thịnh mấy chục năm từ trước 1945 đến 1975, các nhà văn hoạt động mạnh mẽ trên lĩnh vực báo chí là lẽ đương nhiên.
Nhân kỷ niệm 125 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, tối 19/5 kênh VTV1 đã trình chiếu bộ phim tài liệu: Hồ Chí Minh - Bài ca Tự do. Có thể khẳng định: đây là một trong những bộ phim tài liệu đặc sắc về Chủ tịch Hồ Chí Minh mà tôi đã từng được xem.
NSND Trà Giang chia sẻ ký ức và cảm xúc về bức ảnh được chụp cùng Bác Hồ năm 1962.
Tháng 3-4/1975 Phó Cục trưởng Cục Quân nhu Từ Giấy và con trai Từ Đễ cùng hướng tới Sài Gòn bằng con đường khác nhau: người cha đi theo đường mòn Hồ Chí Minh, người con đi bằng máy bay.