Phù sa đen

15:25 26/08/2021

MINH ĐẠO

Khi tôi viết nhưng dòng này, tôi không còn nhìn thấy gì nữa. Bóng tối bao phủ lấy tôi đã 10 năm qua rồi.

Họa sĩ Lê Duy Ứng - Ảnh: internet

Nhiều khi tôi mường tượng lại những cơn lũ dữ dằn mà ngày còn sáng mắt tôi vẫn thường thấy nó và bao giờ cũng vậy tôi luôn nghĩ đến lớp phù sa mỡ màng mà từ đó, cây cối lại đâm chồi nẩy lộc và ra hoa, kết quả. Song, tất cả đều không phải bắt đầu từ tôi, mà từ một người khác: Họa sỹ Lê Duy Ứng, đúng ra là một họa sỹ mù trong tôi, bên tôi và là ước vọng của tôi.

Lần chúng tôi gặp nhau gần đây nhất là vào một ngày tháng 3 ở Huế. Người họa mù tài hoa trước đó đã được bác sỹ Nguyễn Trọng Nhân chữa cho sáng mắt, giờ thì đó không là niềm vui vĩnh cửu nữa. Mắt anh đã mờ trở lại dẫu tuổi chỉ mới 45. Điều đó làm cho tôi đau xót và tiếc nuối cho anh biết bao! Anh đã ghé thăm tôi vào cái lúc mà tôi bắt đầu ngập vào tâm trạng hoảng loạn và nhớ đến anh, định viết thư xin ở anh một lời khuyên. Hầu như giữa anh và tôi bao giờ cũng có một linh nghiệm để tìm gặp nhau trong những giây phút nhớ về nhau. Vâng bao giờ cũng vậy.

Nhưng dẫu sao cũng xin bắt đầu từ xa xưa ấy của 10 năm trước, một ngày đầu thu năm 1982, ngày tôi được gặp anh. Hồi đó tôi được chuyển từ bệnh viện Chợ Rẫy ra viện mắt Trung ương Hà Nội. Phải nói rằng vào thời bấy giờ có rất nhiều người phải chờ đợi hàng tháng mới được nhập Viện, thế nhưng riêng bản thân tôi là bệnh nhân cũ của Viện, hơn thế nữa mặc dù lúc này đất nước đã thống nhất nhưng tình cảm yêu thương đối với người miền Nam của người miền Bắc, nhất là dân Thủ Đô, vẫn còn ăn sâu, nên tôi nhập viện rất nhanh chóng và dễ dàng. Thời gian đầu, một phần tôi có cái radio để nghe thời sự, một phần tôi là người miền Nam mà lại là dân thành phố Bác nên cứ vào mỗi buổi chiều sau khi cơm nước xong thì anh em bệnh nhân cùng khoa lại đến vây quanh giường tôi nằm. Họ đến để nghe đài và tán gẫu rất đông vui. Lâu ngày thành quen.

Thế rồi một chiều thứ bẩy vắng vẻ bệnh nhân do anh em về nhà, tôi bỗng nghe bên cạnh mình một tiếng nói lạ. Cái giọng của người thủ đô pha lẫn giọng Quảng Bình, cứ ngỡ đó là một bệnh nhân mới nhập viện, thế nhưng sau một hồi tiếp xúc tôi mới biết anh là một bệnh nhân nằm ở viện này lâu nhất, đồng thời cũng là người duy nhất của khoa tổng hợp bị hỏng cả 2 mắt và nay có thêm tôi nữa là người thứ hai.

Buổi đầu gặp nhau, cùng cảnh ngộ nên chúng tôi dễ nhanh chóng quen thân nhau và thông cảm cho nhau. Chúng tôi nằm bên nhau với bao câu chuyện xã hội, chính trị, từ trong nước đến ngoài nước, từ trong chiến tranh đến thời xây dựng, từ câu chuyện người sáng sang câu chuyện người mù... Cho đến một tuần sau tôi mới được biết tên anh. Đó thật là một ngày hạnh ngộ.

Ở đây tôi muốn nói thêm, trong thời gian đầu bị mù khi cả người tôi đang ngập vào một tâm trạng chán nản và phiền muộn, thì một học sinh lớp 12 trường Nguyễn Huệ - Huế đã thường xuyên đến chơi an ủi và động viên tôi. Cậu ta kể cho tôi nghe về một họa sĩ mù tên Nguyễn Duy Ứng (cậu ta nhớ lộn cái họ mà sau này khi nói chuyện, Lê Duy Ứng mới sửa lại họ cho tôi), một con người tuy mù nhưng đã phấn đấu làm những công việc khác thường. Hồi đó tôi không chú ý đến câu chuyện này lắm mà nghĩ nó như một chuyện đặt ra để nhằm giáo dục ý chí cho người khác mà thôi. Tôi nhớ rằng tôi gần như bật khóc khi biết rằng họa sĩ mù Lê Duy Ứng của câu chuyện năm nào là có thật.

 

Ảnh: vietnamnet

Từ đó, chúng tôi coi nhau như là anh em. Vào những chiều thứ bẩy thỉnh thoảng chị Lê (vợ anh) đến đưa anh và tôi về thăm nhà. Nhà của anh chị là một gian phòng của khu tập thể thương binh Trương Định, chật hẹp và khá xuềnh xoàng, chất đầy những tượng gỗ, tượng đá thạch cao, gò đồng... Cái hoàn chỉnh, cái đang dở dang. Tôi còn nhớ buổi đầu tiên anh dẫn tôi đi sờ soạng khắp các tác phẩm điêu khắc của anh, tôi như đứng sững trước những đường nét và ngập trong cảm xúc dịu vợi mà tôi chưa bao giờ có được. Cả đôi bàn tay anh đang cầm lấy tôi lúc ấy cũng như truyền cho tôi một sức sống mới: phóng khoáng, tài hoa và thật đầy nhân ái. Khi ấy tôi mới nhận ra tinh thần ý chí tự lực và tài năng của anh thật sự vượt quá mức tưởng tượng của tôi mà từ khi quen nhau tôi đã không hình dung nổi. Hình như đoán được suy nghĩ của tôi nên anh vội lên tiếng " - Nói thiệt với Đ, không phải ban đầu mình làm được ngay như vậy đâu. Mình cũng từng chán nản và nghĩ đến cái chết đó chứ. Nhưng qua thời gian nằm ở trường thương binh hỏng mắt, được các anh, các chú ở Hội Người mù động viên tinh thần, khuyến khích mình trở lại công việc. Mình cũng hay sang đây chơi, thấy các anh ấy vẫn tin yêu cuộc sống và sinh hoạt như người sáng... Từ đó mình đã suy nghĩ lại, phải vui sống như mấy anh, hơn nữa mình nghĩ cuộc sống lúc nào cũng cần có mục đích, có làm việc nên mình đã quyết tâm trở lại công việc làm nghệ thuật của mình dẫu trong hoàn cảnh bóng tối".

Tuy lời anh nói ngắn ngủi, có chất lý thuyết quen thuộc nhưng đối với tôi lúc ấy sao mà giá trị đến thế, nó như mở ra cho tôi một thế giới mới. Song tôi vẫn gắng biện hộ.

- Dù sao trước khi mù anh đã quen với công việc chứ em thì đang đi học, chưa biết làm chi cả thì đã mù rồi, thì biết làm sao được.

- Thì mình cứ tìm học một nghề trong hoàn cảnh bóng tối vậy. - Anh đáp ngay và không kịp cho tôi nói, anh tiếp - Theo mình nên đi theo con đường viết văn, viết báo thì mình thấy Đ ít nhiều có năng khiếu đó.

Tôi im lặng không trả lời nhưng anh có biết đâu lời khuyên của anh đã đeo đuổi tôi suốt 10 năm nay. Tôi nhớ ngày tôi ra Viện trở lại Sài Gòn, thời gian này anh đang mổ đợt thứ 6 và nằm trong tư thế ngửa bất động (cái khổ nhất của người mù là phải nằm trong tư thế này). Vậy mà anh vẫn bảo tôi đưa quyển sổ tay của tôi cho anh, rồi anh vẽ. Trong một tiếng đồng hồ, anh đã kịp vẽ tặng tôi một bức chân dung của Bác, của Lê-Nin và của chính tôi. Mọi người chứng kiến đã ồ lên thán phục khi các bức vẽ đều rất giống. Anh đã vẽ Bác, vẽ Lê-Nin với lòng ngưỡng mộ, vẽ tôi từ lòng yêu thương. Anh vẽ tôi qua sự mô tả của chị Lê và bằng đôi tay sờ mó. Đối với tôi, đó là một món quà vô giá mà tôi phải giữ cho đến cuối cuộc đời mình.

Sau này khi vào Sài Gòn, qua thông tin báo chí, tôi biết anh đã được sáng mắt. Tôi đã quá xúc động và nỗi vui sướng của tôi trào lên. Tôi những muốn viết ngay một lá thư ra chúc mừng anh nhưng tôi lại không làm điều đó. Vì lúc đó tôi chợt nhớ lại lời hứa của mình: Chỉ gặp lại anh khi đã thực hiện được lời khuyên của anh.

Cho đến mùa hè năm 1987 tôi mới có điều kiện để trở lại Huế tiếp tục học ở khoa ngữ văn trường Đại học tổng hợp Huế. Thời gian ban đầu, mọi khó khăn vất vả gian nan chồng chất lên đầu, nhiều lúc tôi cảm thấy không thể nào vượt qua nổi. Vâng, tôi sẽ không vượt qua nổi nếu như không có những ngày tháng bên anh và những lời khuyên của anh. Cũng vào dịp Tết năm đó thật tình cờ, tôi lại được gặp anh ở Huế. Chúng tôi đã ôm chầm lấy nhau trong cơn xúc động tột cùng. Và từ đó, trong suốt 4 năm tôi đến giảng trường Đại học, thỉnh thoảng có dịp vào Huế, anh lại đến thăm và động viên, khuyến khích tôi...

Rồi năm học cũng đi qua, khi rời khỏi ghế nhà trường tôi vẫn nghĩ rằng mình không thể ngồi một chỗ để viết văn, viết báo mà cần phải có một môi trường để hoạt động. Nên sau khi nhận bằng tốt nghiệp, tôi một mặt viết bài gửi lên báo, một mặt gõ cửa các cơ quan chức năng xin thành lập Hội người mù của tỉnh T. T - Huế.

Nhiều khi tôi nghĩ anh như là phù sa trong cuộc đời tôi, cơn lũ cay nghiệt nhất đã phủ lên tôi bóng tối, bom đạn và chiến trường đã lùi xa, thế rồi anh đến, và mỗi lần đến, như cho tôi một sức sống mới, mãnh liệt mà trước đó tôi nghĩ dẫu cố sức bao nhiêu cũng không thể nào có được. Nhiều khi tôi muốn gọi anh là người họa sĩ với cây cọ phù sa đen. Một chất phù sa làm cây cọ sinh sôi mau chóng nhất.

- 1992 -
M.Đ.
(TCSH50/07&8-1992)

 

 

Đánh giá của bạn về bài viết:
0 đã tặng
0
0
0
Bình luận (0)
  • THANH TÙNG  

    Nhạc sĩ Phạm Duy không phải người Huế, nhưng qua những lần dừng lại ở Huế ông đã cho ra đời nhiều giai điệu trữ tình và nhiều hình ảnh đẹp, sâu lắng, trong đó thấp thoáng nhiều bóng hồng xứ Huế.

  • NGUYỄN QUANG HÀ  

    Để giữ gìn thành phố Huế, chính quyền miền Nam tổ chức nhiều đồn bốt để bảo vệ. Ở phía Nam Huế có đồn An Cựu gần núi Ngự Bình.


  • HUY CẬN - XUÂN DIỆU

                        (Trích)

  • DƯƠNG PHƯỚC THU  

    Ngày 22/7/2021, Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Thừa Thiên Huế tổ chức buổi tọa đàm khoa học lấy ý kiến cho Đề án xây dựng Phòng Truyền thống Văn học Nghệ thuật tỉnh Thừa Thiên Huế, kể từ sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945 đến nay.

  • DƯƠNG HOÀNG  

    Trải qua những năm tháng đấu tranh giải phóng dân tộc tập hợp dưới ngọn cờ của Mặt trận Dân tộc Thống nhất, nhân dân Thừa Thiên Huế đã từng bước được rèn luyện, thử thách trong gian khó và cùng lớn lên với những tên gọi, những hoạt động, nhiệm vụ cũng thay đổi qua từng giai đoạn để phù hợp hơn với hoàn cảnh thực tại của phong trào cách mạng.

  • HÀ KHÁNH LINH

    Còn sống sót sau 30/4/1975 chúng tôi thường tìm đến nhau dẫu có người thân thể không còn nguyên vẹn, hoặc mắc một số bệnh nào đó do di chứng của chất độc hóa học màu da cam Diocine của Mỹ, hoặc bị sốt rét ác tính, hoặc bị tra tấn khi rơi vào tay giặc…

  • NGUYỄN QUANG HÀ  

    Chừng 9 giờ tối anh em du kích ra đón chúng tôi ở nghĩa trang làng. 

  • PHƯỚC HOÀNG   

    Ngày 23 tháng 8 năm 1945, tại sân vận động Huế, trước sự chứng kiến của hơn một vạn người, nhà thơ Tố Hữu, Chủ tịch Ủy ban khởi nghĩa Thừa Thiên tuyên bố, chính quyền đã về tay nhân dân, đồng thời ra mắt Ủy ban Nhân dân Cách mạng lâm thời Thừa Thiên.

  • MẶC HY

    (Nhớ về nhạc sĩ Nguyễn Hồng và các bạn văn nghệ hy sinh 40 năm trước)

  • DƯƠNG PHƯỚC THU  

    Nhà báo - Đại tướng Võ Nguyên Giáp, tên khai sinh Võ Giáp, sinh ngày 25 tháng 8 năm 1911, tại làng An Xá, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình trong một gia đình nhà nho yêu nước, mà thân phụ là một “thầy đồ” trường huyện.

  • XUÂN HOÀNG
              Hồi ký

    (Trích Chương V, tập II - "Trường tư thục Thuận Hóa")

  • PHẠM PHÚ PHONG    

    Người già thường hay nghĩ ngợi về quá khứ. Không biết có phải vì thế hay không mà khi đọc lại Biên niên Sông Hương[1], tôi bỗng nhớ đến một cuộc hội thảo về Tạp chí Sông Hương diễn ra cách đây gần tròn 37 năm.

  • VŨ THỊ THANH LOAN  

    1. Lemur Nguyễn Cát Tường là một họa sĩ trẻ tài năng của khóa IV trường Mỹ thuật Đông Dương (1928 - 1933). Sau khi tốt nghiệp, ông thường xuyên cộng tác với báo Phong Hóa, Ngày Nay của Tự Lực Văn Đoàn.

  • HOÀNG THỊ NHƯ HUY

    Chiếc áo dài đầu tiên đời tôi được mẹ may vào năm tôi lên Đệ Thất (lớp 6 bây giờ). Biết nói sao niềm vui sướng của tôi khi lần đầu mặc chiếc áo dài ấy!

  • TRẦN TRUNG SÁNG  

    Khoảng mùa đông 1970 - 1971, khi đang còn đang học lớp 10, trong một chuyến phiêu lưu lãng mạn và rồ dại nhất của tuổi thiếu niên, tôi có lần lạc bước đến một xóm nhỏ gần bên cầu Gia Hội, và đã gặp ông: họa sĩ Lê Vinh, người họa sĩ vẽ tranh xi-nê lừng danh nhất xứ Huế thời bấy giờ. Lúc này, ông chừng độ tuổi 30, người dong dỏng, tóc vuốt ngược, sơmi màu, quần jean, giày cổ cao, dáng dấp phong trần, như bước ra từ màn bạc!

  • HOÀNG PHƯỚC   

    Ngày 6 tháng 1 năm 1946, cuộc bầu cử Quốc hội khóa đầu tiên sau Cách mạng Tháng Tám đã thành công rực rỡ, tiếp đó, ngày 24 tháng 2 năm 1946, cử tri toàn tỉnh Thừa Thiên phấn khởi nô nức đi bầu Hội đồng Nhân dân tỉnh và Hội đồng Nhân dân thành phố Huế. Đây là ngày hội lớn chưa từng có trong lịch sử của toàn thể Nhân dân Việt Nam sau ngày đất nước được độc lập.

  • TRẦN NGUYÊN HÀO  

    Năm 1946, lần đầu tiên toàn thể người dân Việt Nam được hưởng và thực thi quyền làm chủ, tự do lựa chọn bầu ra những người đại diện xứng đáng gánh vác công việc chung của đất nước; cùng với đó là những tư tưởng về dân chủ, pháp quyền của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã để lại bài học giá trị cho mai sau.

  • NGUYỄN ĐÌNH CHI
                        Hồi ký

    KỶ NIỆM 102 NĂM NGÀY SINH CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH 19-5-1890 _ 19-5-1992.