"Chắc chết chưa?" "Giờ khắc cuối cùng ngắt cuộc đời đã điểm chưa?" - Tôi cứ tự lảm nhảm hỏi mình như thế, trong hôn mê, trong siêu tỉnh, bàng hoàng. Chỉ vì cơn rét đột ngột. Mẹ kiếp! cơn rét không dự báo. Lẩm nhẩm kiểm trong óc những vốn kiến thức fônclo đã được thụ giáo, bèn thấy láng máng một khái niệm rét: Rét Nàng Bân, ăn vào tháng 3 âm lịch này. Nhưng năm nay lại nhuận. Đâm ra cái thứ rét khốn nạn này nó lại được hành người ta, hành thập loại chúng sinh những hai lần. Và điều quan trọng là cái thân tôi cũng đang phiêu bồng lơ lửng ở tầng trệt lầm bụi trong cái cõi đặc sệt thập loại chúng sinh ấy. "Ôi chao!" - Tôi rên ư ử như một con chó ốm nửa mê, nửa tỉnh, rồi cong cổ gọi vóng lên, thê thảm - "Y sĩ trưởng trạm xá đâu? Hở trời!". Nhưng điều tôi gầm gọi ấy kỳ thực lại không phải là y sĩ, không phải là người sành nghề chữa bệnh, vì sự nghiệp chăm sóc sức khoẻ cho nhân dân. Mà là một cô gái đẹp, không ở nét mặt, không ở đôi mắt, có thể chỉ ở răng, và một khí chất quyết liệt dám hết mình, pha chút bướng bỉnh, trộn tí ti nhột nhát và ngốc nghếch. - "Y sĩ đâu rồi? Để tôi chết ở đây đấy à? hả? hả? Ôi! Rét quá. Mà sự tích Nàng Bân thì đẹp quá, chung thủy quá. Chỉ có chậm và vụng thôi. Chỉ có tấm áo rét xong vào mùa hè, thế thôi, chứ còn thì tuyệt vời lắm, hết mọi nhẽ. Úi giời ơi!... Y sĩ đâu! Cô y sĩ đâu! Bớ cô y sĩ!".
Một giọng trầm, khàn, khao khao, mệt nhọc, rán sức hợp với một thứ tính bản năng cất lên:
- Em đây. Làm sao mà anh rống lên như thế? Quẫy đập la hết như thế tổn sức lắm đó.
Thế là tôi im thít, nằm nem nép như đứa trẻ thấy hơi lòng mẹ, tay mẹ, vú mẹ. Thấy người ấm dần, tôi có được cảm giác: thừa nhận là mình đang sống. Liệu mà tử tế. Tôi yên lặng nữa, nữa. Bằng trách nhiệm chuyên môn, cô bắt mạch tôi, đo huyết áp, lấy thêm một túi chờm nước nóng nữa đặt áp vào phía ngực trái tôi. Rồi tự nhiên bắt đầu nói, một mạch, liên tục, lưu loát và đầy ngữ khí. Những lời cô như sau:
Cái thứ nhà văn các anh dơ dáng lắm, nhầm lẫn lắm, làm hại nhiều người lắm. Đó là, em đứng vào mặt nghề y của em mà nói như vậy. Anh có biết vì sao hôm nay; mải đến tận bây giờ em mới đến được với anh không? Thôi, đừng định trả lời, đừng định mấp máy. Cái thứ môi các anh tuy có đỏ đắn thật đấy, đầy đặn đấy, hôn thì thích, thì đã đấy, nhưng chẳng được ích lợi gì. Của đáng tội, cũng cảm thấy mình được là Người hơn một chút. Vậy thôi. Hừ! "Ai trên đời chẳng có miệng - Miệng thì có đôi môi - Miệng làm khổ thân tôi - Tôi thà câm cái miệng - Nói làm chi cho thêm chuyện - Nói bằng miệng mà hôn bằng môi". Đó, anh đã biết lời hát ấy chưa? Từ "Huyền thoại mẹ” của Trịnh Công Sơn mà ra đến miệng đến môi, vậy mới thánh chứ. Nào. bây giờ vào việc của em với anh nhé. Từ sáng sớm, khi người ta - những cán bộ kiểm lâm của khu rừng già đại ngàn này - khiêng anh vào, cả ba-lô, tăng, võng, cả giấy tờ tỏ ra chính xác: Anh là một người khùng, tuy là một nhà văn, đang đi bộ xuyên Việt, không phòng ngừa tử tế, chủ quan với rét tháng ba đột ngột. Nên bị cảm lạnh, may chưa là cảm nhập tâm, nằm như chết giữa đường, nghe nói, mắt vuốt cũng không nhắm. Người ta hoảng quá, tuy đều là người ở rừng, cáng anh cấp tốc đến em. Cho anh một mũi long não ngay thôi, rồi đành để anh nằm đó. Bởi vị bao tiếng gọi, gọi em. Y sĩ trưởng trạm xá lại nhận một mình trực ngày chủ nhật, ai dè, nó thế. Cái thân kiếp mình nó thế, biết làm sao? Có tới 5 bà cụ, tuổi từ 70 đến 120 cũng trúng phong, cảm lạnh đột ngột, được khiêng, cáng, võng, cõng, địu đẩy trên xuồng, trên mảng, trên thuyền thúng, đưa đến trạm xá em. Một cụ đã chết cóng trên võng, trước khi em được nhận. Và 27 cháu bé, từ sơ sinh đến 9 tuổi, tự nhiên ho hen, rũ rượi, tức thở...
Như thế thì cái con Bân được hàng nghìn năm những thứ nhà văn nhà thơ các anh ca ngợi, véo von, hết mình và hết lưỡi mình, nó là cái thứ con gì? Để em kể cho mà nghe.
Nhà ấy có tất cả 9 chị em. Tên lần lượt không ai mà nhớ nổi. Bởi vì, có nhiều người không hề đi vào lịch sử. Tầm thường chăng? Nhạt nhẽo chăng? Mãi gồng gánh chăng? Bấn, Bần, Bẩn, Bẫn, Bận... gì gì đó, đại để vậy. Chỉ biết cô út là Nàng Bân. Cả 9 chị em đều có chồng. Cả 9 người chồng đều phải tuân lệnh nhà vua, đi lên, cơm nắm, áo gói, để đắp, để vác, để đào, để quần quật đến thổ ra máu mình cho một trường thành ngoằn ngoèo như rắn, như rồng, như đẻn. Con đẻn to đến mức từ trên mặt trăng nhìn vọng về cũng thấy.
Mùa đông bình dị tuần tự đến theo cữ một, chạp. Tiếng gọi của cái rét, tiếng gọi của những người chồng đắp thành đang run rẩy, mồ hôi đọng thành những giọt băng đắng cay, vọng tới tai cả 9 người vợ nơi thôn ổ đìu hiu này. Cả 9 chị em ngồi quây tròn, đan áo. Những ngọn kim đan nhấp nhô như đỉnh sóng tới tấp, ào ạt. Sóng thương, sóng nhớ, sóng thủy chung. Nhưng mới được đến hết cái gấu áo, thì chỉ còn 8 người chị ngồi đan. Bân, riêng Bân xinh đẹp nõn nường nhất nhà đã đành, lại còn nhiều nết lạ. Một là: có đôi tay ngà ngọc, với những ngón thuôn dài tháp bút, làm gì cũng chóng mỏi, hay ngừng lại, thẩn thờ. Hai là: có đôi màng nhĩ thính nhậy lạ thường và đôi vành tai mỏng mảnh hay dỏng lên, lắng nghe. Đặc biệt khoái cảm, tê mê với những tiếng vo ve, tiếng cánh các loài trùng thân đốt: ong, bướm, chuồn chuồn... kiểu ấy. Cho nên, chẳng biết tự lúc nào, cô nàng đã lỏn ra giữa cánh đồng hoa chan cỏ lác sau làng, hình như lại bên một con sông nước trong leo lẻo, vừa như ngọc bích, vừa như mắt mèo nữa, cứ thế, cứ thế... Tám người chị miệt mài đan áo, lại dệt đắp thêm lần lót, trần vào đủ thứ ấm áp, từ kén tằm tới bông nõn, ấp cả lá cỏ thi phơi khô từ mùa trước... thành 8 tấm áo gởi lên phía Bắc, Hàn thành. Tám người chồng nhận được kịp thời, trước phút lả rụi đi vì rét. Họ buộc phải xé từng tấm, tróc từng sợi, lấy dây đai thắng ngựa kéo đá, xé tước ra, buộc dúm vào, cắn răng thít nút, lại quờ thêm dưới chân những mảnh bao bố đắp tử thi, sắp mủn nát mà ấm hơi cõi âm, buộc, tết, xoắn, thít thêm vào, đủ một manh áo quàng cho chồng nàng Bân - người em út cọc chèo, đồng hao của họ. Nhờ vậy, cả 9 anh em đều được cùng sống, đủ sức chờ đến mặt trời chói lói, nhễ nhại và hả hê mùa hè.
Bân thì vẫn đang óng ả giữa cánh đồng hoa chan với cỏ lác, áp con sông sau làng, vừa đi, vừa nhún nhún những bước chân, gót hông. Giá như chỉ có mình nó, thì nhún mãi rồi cũng mỏi, thì cũng đói, thì cũng phải về. Và nếu về thì chắc nó cũng sẽ tiếp tục đan áo, có thể chậm hơn tí chút, nhưng chỉ là một vài ngày. Và 8 chị nó đều là những người khoan dung, chắc sẽ chờ để cùng gửi đi một lượt.
Hại thay, ác thay, hay hạnh phúc thay, tốt lành thay - tùy từng tâm người -: Trời trông thấy Bân. Đấng bậc thượng đẳng ấy, hay lão tặc thiên ấy, kẻ bão hòa quyền phép, đã nhìn thấy một đàn bà. Lại nữa, một đàn bà đẹp nõn. Lại nữa, đang nhởn nhơ, nhún nhún. Trời cười híp mí. Đấy là lúc mà người thường dưới mặt đất nức nở và đẫm mồ hôi này thấy những nếp mây tự nhiên chúm lại. Và gã sà xuống. Bân thấy một vầng mây ngũ sắc ngời ngợi tự nhiên quẩn lấy chân mình, phía sau hơi đậm hơn, vần vũ nơi đôi chân trần của cô lộ đến khoeo, còn phía trước bồng bềnh bốn nếp váy cửa võng. Văng vẳng bên tai cô nghe tiếng một người đàn ông, có thể già lắm, da nhăn nheo, nếp mắt bũng nhũng, miệng nhệch nhạc cười, lại cũng có thể tiếng một trai tơ cuồn cuộn những gân đỏ, những mấu xanh, những cờ biển đốc đồng. Những tiếng ấy như sau:
- "Sao em đẹp thế? Và em có chồng hay chưa, ta không cần biết. Em có biết ai đang nói đấy không? Ta đây, Trời đây, Trời đây. Mênh mông trên cả đầu em, cả làng em, cả con sông và tất thảy những bông hoa kia nữa, cả nghìn ngọn núi kia và cả vầng mặt trời kia nữa. Ta ngỏ lời cùng em. Hãy đi cùng ta, vui cùng ta, ngủ với ta. Hãy tin ta đi. Nếu ngờ ngợ hãy thử nhún nhún chân lên, em sẽ bay lên ngay tức khắc".
Bân thoáng sợ, chỉ vì không nhìn thấy một mặt người, nhưng đầm đìa, tiếng thầm thì oai nghiêm đầy ma lực ấy là có thật, mây ngũ sắc dưới chân là có thật. Và nỗi hám hổ muốn bay cao, muốn chỉ một nhún chân mà được bay, kể cả nỗi rạo rực chờ phút được ngủ với Trời ở trong nó là có thật. Cho nên, cô nhún chân và tức khắc bay lên. Những chuyện mê ly sau đó, không nói, ai cũng đều có thể đoán được. Chỉ cần lưu ý một điều: Một ngày trên thứ đó, trên 9 tầng mây đó, bằng ít nhất cũng là một tháng dưới nơi trần gian khổ ải, đẫm mồ hôi và nước mắt này, cũng chan hòa tiếng cười chân thật tự do này. Ba ngày, 9 lần ngủ với Trời. Trời vốn khoẻ lắm. Nhưng cũng biết giải lao. Bân về được đến làng thì mùa đông đã trôi qua, lửa lựu đã bừng nở, dường như cháy lên ở mỗi đầu hè, ngõ xóm. Hè đến rồi. Và cùng với mặt trời nóng bỏng, những lời đàm tiếu làm rất bỏng không chỉ đôi má cô, mà cả con người cô, từng phân vuông da thịt, không chừa chỗ nào. Cô xấu hổ, cô thấy mình có tội. Nhưng bàn chân ra cánh đồng cỏ hoa nơi có những đám mây ngũ sắc sẵn sàng đón chờ nâng hứng lên đã quen thói mất rồi. Cô lại chạy ra. Trời đã ở đó sẵn, thấy Bân, cười vang. Thường nhân liền nghe những tiếng sấm bất thần khà khà khà rền dài. Và một lúc thì trời mưa, những giọt mưa thưa thớt, không đủ làm mát một giàn hoa dâm bụt. Ấy là Bân khóc khi đang tựa vào vai trời, đang ấp mặt mình trong nách trời. Sau đây là tiếng nức nở, lõm bõm thành lời của nó: "Trời ơi! Em đến với Ngài, lú mất việc đan áo rét cho chồng em. Cả làng, cây cây, hoa hoa, lá lá nữa, rủa nguyền em, móc máy em. Em khổ lắm. Em tội lắm. Sao đến cùng Ngài, ngủ cùng Ngài, phỉ nguyền, diễm phúc đến thế, lại phải chịu bấy chầy ê chề như vậy?".
- Nào, hãy vui lên, hãy cười lên, hãy ngủ cùng ta lần nữa. Em quên ư? Nóng, lạnh, sấm, chớp, sao rụng, núi lửa phun, biển dâng lên, những loài khủng long tuyệt diệt, chó đá thoắt há mồm, thoắt ngậm miệng... tất cả đều trong tay ta, từ tay ta, do ý chí mình ta. Hãy ngủ cùng ta đêm nay nữa, hết mình dâng hiến, yêu ta, ngày mai trời rét, khó gì. Và đây, sẵn tấm áo của Thiên đường dành cho em gửi cho thằng khốn khổ dây khốn kiếp đã cả gan đi trước ta trong thân thể em. Đó, cầm lấy cho chắc, đừng đánh rơi trong khi nở nụ cười ra, nở cánh tay ra, nở đôi chân ra, nở cả người em ra cho ta. Thế đấy! Tốt! Rất tốt!...
Bân đã y ý Trời.
Thế là ngày hôm sau, một đợt rét ác liệt ùa ập đến. Chàng trai chồng Bân đang cởi trần dưới mặt trời nóng bỏng đắp thành, nhễ nhại mồ hôi, bỗng khô cứng người vì rét. Cả 8 người anh cọc chèo cũng thế. Thì ngựa lưu tinh, trên lưng là người áo xanh, nẹp đỏ, đội mũ chóp, như bay đến, ném cho anh ta một tấm áo long lanh, thơm phức những mùi hương lạ. Vừa như hương địa lan cao quý, hương ngâu thanh khiết từ làng quê, từ ngôi nhà chồng vợ, lại có hương rơm, hương cỏ thi của lần giao hòa đầu tiên của đôi người tình: Anh và Bân. Bây giờ, đến lượt anh xé tấm áo thành 9 mảnh, chia đều cho 9 người anh. Cả 9 sống sót vượt qua được cái rét đột ngột, ập đến giữa tháng Ba.
Từ ấy, anh truyền tụng, cả 8 người anh nữa, truyền tụng mê lú về sự tuyệt vời chung thủy và đúng lúc, lại đặc biệt của Nàng Bân.
Sau đó, đến lượt các nhà văn, nhà thơ, nống Bân lên tót vời, truyền tụng, ngợi ca nức nở đến muôn đời.
Còn bây giờ là tháng 3 nhuận, hôm nay, một nhà văn đi bộ đột ngột cảm, bị xếp xó từ sáng sau một mũi long não. 5 bà già khênh đến trạm xá, 1 bà chết. 27 cháu bé nữa, 6 đứa chết.
Và một nữ y sĩ trạm trưởng mệt bã bời, bây giờ mới thấy rét, cái rét từ trong xương cốt thốc ra, kinh khủng.
- Cái áo Bân ấy, là "áo độc" - Tôi lầm bầm.
Em, cô y sĩ đầy cuồng nộ, uể oải, mà bây giờ bỗng dịu dàng, đằm thắm kỳ lạ, bảo tôi:
- Em lạnh lắm. Anh hãy là cái Áo cho em đi, giữa lúc này. Và em hiểu, em nói trước cho anh đủ can đảm nữa: Đó không phải là Áo Độc. Đây lại không phải là trên trời.
- Em ơi, Tôi cũng nghĩ như thế.
Tôi không lẩm bẩm nữa. Tôi điềm đạm và rành rọt nói. Và vươn vai, ngồi dậy...
Huế, chiều 16.5.1993
H.V
(TCSH59/01-1994)
LÊ THỊ KIM SƠN
Dịu là kẻ không sinh ra trong hòa bình, cái tiếng hòa bình mà Dịu vẫn chưa hiểu hết nghĩa, vẫn luôn được Dịu líu lo tập hát theo chúng bạn khi đi mẫu giáo.
HOÀNG THU PHỐ
- Em còn gì để cười nói với anh?
Mê nghe giọng mình vang trên điện thoại, trời đổ mưa, mưa giao mùa, hạt lăn tròn nứt nẻ mùa thu.
TRẦN PHƯƠNG TRÀ
Từ trên võng, tôi chồm dậy nhảy xuống sạp ngay sau những tiếng nổ đầu của loạt bom B52. Tiếng nổ khá gần làm rung chuyển cả những khúc gỗ lát căn hầm chữ A.
NGUYỄN HOÀNG
Trăng sáng huyền diệu, những ngôi sao lấp lánh hòa điệu cùng tiếng sóng thì thầm.
HÀ KHÁNH LINH
Truyện
Tôi kịp đến Campuchia lần đầu khi bộ đội Việt Nam vừa đánh trả bọn Khmer đỏ Polpot tràn qua xâm lược các tỉnh biên giới Tây Nam nước Việt Nam ta giết hại nhiều đồng bào ta, nhất là tại Ba Chúc - An Giang có hơn 3000 người dân bị giết hại!
LÊ HOÀNG NGÂN
Đoàn người lại đứng trên đèo gọi anh, một đoàn người áo tơi lam lũ đang đứng trên đèo gọi anh.
NGÔ HỮU KHOA
Hải quay về. Xe khách có chút ọc ạch nhưng đường rộng, nền bê tông phẳng lỳ lại thẳng tắp nên tốc độ gần như không thay đổi, đều đều gần trăm km/h.
LÊ HOÀNH PHÒ
Tiếng máy điều hòa chạy đều đều. Nơi góc phòng, có một người chăm chú coi lại đề cương thực tập.
DUY NHIÊN
Như vừa lội qua một giấc mơ, giấc mơ chắp nối bao thân phận bên đời. Giấc mơ chập chờn nhớ quên lẫn lộn, Như muốn xóa đi gam màu xám và tô lên niềm hy vọng.
PHẠM XUÂN PHỤNG
Tôi đang dính vào thành xe. Dính, chứ không phải đứng, không phải nằm, không phải ngồi. Phần thắt lưng dính vào mép trên thành xe.
DƯƠNG GIAO LINH
Đêm nay trời có mưa?
Giao ngước mắt nhìn những ngôi sao đang thi nhau lấp lánh trên khoảng trời đen sẫm. Chỉ có góc này Giao mới nhìn được những ngôi sao đêm. Tiếng ai huýt gió vọng vào tai nghe u lạnh. Lại một đêm nữa Giao không ngủ…
VŨ THANH LỊCH
Dim chạy hùng hục để vắt kiệt năng lượng. Không nhìn đường, không đếm xỉa các vật cản. Đến gốc cây thị trước Đền Đá chân vẫn không dừng.
ĐINH PHƯƠNG
1.
Bác tôi về thị trấn sống vào một ngày cuối tháng tư nóng đến sớm, nóng nung người, những con chó ghẻ thè lè lưỡi uể oải nhìn nhau lúc bác đi qua chẳng buồn sủa. Bác đi tự tin, bác biết nơi mình đang đến - như cuộc đời bác vẫn vậy - luôn luôn biết điều mình cần.
NGUYỄN THỊ ẤM
Người ta vẫn tưởng sắc đẹp của đàn bà là vô tội. Đúng là vô tội. Nhưng đẹp quá thì phải xét lại.
BẢO THƯƠNG
Kelvin, con đã về rồi à?
NGUYỄN THỊ DUYÊN SANH
1.
Lên mười tuổi, tôi mới biết bà ngoại không phải là họ hàng. Điều này khiến tôi buồn bã tủi thân đến bỏ cả ăn uống học hành dù đang chuẩn bị thi hết cấp tiểu học.
HOÀNG CÔNG DANH
Ta sẽ không nhìn thấy gì cho đến khi chui ra khỏi nhà ga. Chúng tôi thường nói với nhau như vậy mỗi khi đi tàu điện ngầm. Đấy là chuyện hơn mười năm trước, khi tôi và anh cùng học chung ở thủ đô Minsk của Belarus.
TRIỀU NGUYÊN
Dãy phố cổ nằm hai bên đường Thuận Hòa, nơi bày bán từ cái đinh ốc xe đạp đến những sợi dây chuyền vàng đính ngọc thạch trổ tượng Quan Âm và cả Đức mẹ Maria, treo trên các giá lót nỉ màu hổ phách lóe sáng trong tủ kính, bỗng nhộn lên bởi cái tin từ cửa hiệu cầm đồ Hòa Lợi truyền ra: Mẹ của ông chủ hiệu này đang hấp hối.
NGUYÊN NGUYÊN
Tôi nghe thấy tiếng bước chân của bóng tối, bên thềm cửa. Chút ánh sáng của ngày tàn bị hút tuột xuống cuối đường hầm tăm tối, âm thanh vọng lại nghe khô khốc và buồn bã vô cùng.
TRẦN HUIỀN ÂN
Năm tôi mười tuổi, buổi tối ngày giỗ Dì Sơ, mẹ tôi với nét mặt trang nghiêm mà xúc động nói cho tôi biết Dì Sơ chính là người sinh ra tôi.