Nói với giấc mơ

08:29 02/03/2018

THANH NHƯ

1.
Bé Ty ré lên tầm nửa đêm. Bố chồm dậy và mẹ cũng thế.

Minh họa: Nhím

Bé Ty ôm tréo lấy ngực mẹ.

- Con sợ...

Bố nhìn mẹ, đoán bé Ty vừa gặp ác mộng.

- Một con thú đen đuổi theo con.

Mẹ vỗ về:

- Thôi nào, chỉ là giấc mơ, không thật. Bây giờ ngủ tiếp nhé. Nó đi rồi.

Bố hỏi rất nhanh:

- Con thú ả, thú gì?

Mẹ nhăn mặt:

- Bố để con ngủ. Nào con, nằm xuống. Con nằm giữa, không có thú nào vô được nhà mình cả.

- Nhưng con thấy rõ ràng con thú đuổi theo, dữ lắm.

- Thú gì? - Bố gằn giọng hỏi lại.

- Con không biết.

- Thôi ngủ. - Bố gắt.

2.

Cả nhà dậy trưa. Sáng tinh bố mẹ mở mắt, thấy bé Ty đã chơi đùa với hai con mèo mướp, như hồi đêm không xảy ra chuyện gì.

Bố ngủ tiếp, thì mẹ dụi tay vào sườn:

- Này, bố nó dậy chở bé Ty đi Vườn Thú xem hồi đêm nó mơ thấy con gì.

Bố sực tỉnh, bung chăn. Phải biết đích thị loài thú gì mà dám đuổi con gái rượu của bố chạy ré cả đêm.

3.

Chủ nhật. Người vô Vườn Thú tấp nập, trẻ con phần nhiều. Bố mua một gói kẹo cùng mấy quả chuối để bé Ty cho lũ khỉ ăn, trêu ghẹo chúng; dặn không được đụng vào con nào khác, chỉ nhìn. Bố giải thích, khỉ là Tổ tiên của loài người.

- Tổ tiên là sao bố?

- Nghĩa là... như... con là con của bố, bố là con của ông, ông là con của... ông nữa..., ông nữa là con của... khỉ.

Một con khỉ nhảy chồm tới bám vào lưới sắt, áp cái bụng thưa lông trắng và chĩa bộ phận tục ra ngoài. Bố kéo bé Ty rời ngay.

Đến chuồng gấu, bố chỉ tay hỏi:

- Đây là con thú đuổi con đêm qua?

Bé Ty lắc đầu.

Bố dẫn bé Ty đến chuồng lũ mèo, nhiều màu, chỉ vài con đen tuyền. Bé Ty lại lắc đầu, bảo con này nhỏ mà cũng hiền như hai con mướp ở nhà. Bố dẫn tiếp đến chuồng chó lai. Bé Ty tự ngoảy đi.

Bố nhăn mày: “Không có trong Vườn Thú, có là con ma”.

Bé Ty chợt hỏi:

- Ma là con gì hả bố? Nó màu đen à?

Bố cười khẩy lắc đầu.

- À không, con ma là bố tưởng tượng ra thôi. Cũng như hồi đêm con mơ thấy con thú gì đó...

- ...con ma bố ạ.

- Bố không nói thế… Con thú con thấy hồi đêm chỉ là... con thú trong mơ, khỏi cần bận tâm.

- Nhưng lỡ đêm nay nó đuổi con nữa thì sao?

Bố thấy đã gần quay trở lại chỗ chuồng khỉ, nên cầm tay bé Ty dẫn theo lối khác.

- Không đâu, đêm nay con sẽ mơ thấy những con thú tại đây, chúng rất hiền phải không nào.

Bé Ty gật đầu, mút kẹo cây, nhảy tưng tưng.

4.

Nghỉ ở nhà không phải học, chiều bé Ty còn được bố mẹ chở dạo phố ăn quà, sau đó vào công viên chơi trượt ván, đi tàu điện, cưỡi ngựa... Tối, ăn xong bé Ty ngủ liền một mạch tới sáng. Bố và mẹ yên tâm số một.

Mai, lúc bố đến nhà trẻ đón, cô giáo như mẹ hiền thông tin:

- Bé Ty ngồi trầm tư suốt buổi, không ăn không nói, cũng chẳng khóc. Ở nhà có chuyện à?

Bố lắc, hỏi “con sao vậy?”; bé Ty lắc đầu như bố.

Đêm đó không ai bảo bé Ty nằm trong cùng kẻo ngã xuống nền nhà, mà cho nằm giữa bố và mẹ hẳn hoi. Bé Ty ngủ ngon, không giật mình la hét sợ sệt, có nhoẻn miệng cười giữa khuya.

5.

(…)

Bé Ty nhẹ như bông, chạy như bay. Con thú đen cũng vèo cái ngang bằng, rồi vượt lên. Té ra nó không phải đuổi bé Ty. Nó chạy về phía rừng. Cụp - chân bé Ty tự dưng cha- m mặt đất, vấp phải gốc cây ngã dúi mặt. Con thú đen phanh gấp, bốn chân dồn lại, thân cong vồng đoạn giữa. Nó quay nhìn. Bước chậm. Tới bên, nó dùng sừng lật bé Ty ngửa lại, liếm chút máu trên mặt. Bé Ty cảm thấy ran rát, tỉnh, tròn mắt. Đưa tay xoa mặt, hết nhem nhuốc.

- Mẹ ơi...

6.

- Dậy rồi hả con. - Mẹ lên tiếng.

- Cục cưng của bố dậy rồi à? Nào, ra rửa mặt.

- Mặt con sạch rồi. Con vừa thấy...

- Giấc mơ đẹp phải không? - Bố ghẹo: Con lại gặp con thú đen chứ gì?

- Nó liếm sạch mặt cho con.

Mẹ cười với bố:

- Bé Ty cũng biết đùa rồi đấy. Thôi ngoan nào, ra rửa mặt con.

7.

Mẹ thay bố đón bé Ty.

Cô giáo:

- Bé Ty vẫn nhác ăn, hỏi nó bảo nhớ một người bạn. Hỏi nữa được biết một người bạn trong mơ. Cháu nó gần đây nằm mộng thấy gì à?

Lắc đầu - mẹ dối.

8.

Mẹ bảo:

- Bố nó phải chở con về quê chơi vài ngày. Bác sĩ tâm lý bảo bé Ty cần khung cảnh làng quê để làm dịu thần kinh... Thành phố ngột ngạt quá. Mà lâu rồi mình cũng chưa về thăm ngoại.

Bố gật gù tiếp thu, ngồi xuống giường, không nói, nhìn lén bé Ty chơi ngoài sân với mèo. Meo meo.

9.

Thời gian quay một tuần. Đêm thứ sáu. Ngày mai thứ bảy, ngày kia chủ nhật, bố và mẹ tính sẽ đèo bé Ty về thăm quê ngoại. Hai người ngủ ngon.

Riêng bé Ty ngồi dậy trong mơ, con thú đen liếm lên má bé thay cho lời chào, bắt đầu hướng rừng mà chạy.

Bé Ty gọi:

- Này bạn ơi, sao bạn phải chạy? Có ai đuổi theo đâu?

- Người ta sắp đuổi đến nơi rồi. Anh em họ hàng của mình đã bị làm thịt... Đang có một nghi lễ và chúng mình sẽ thành vật tế thần vào sáng sớm mai.

Bé Ty tới bên con thú đen. Nước mắt nó chảy rất nhiều. Bé Ty ôm cổ nó.

- Bạn ơi... sao người ta lại làm thịt anh em nhà bạn vậy chứ?

- Vì chúng mình không có ích nữa. Mình phải chạy về rừng trước lúc trời sáng.

- Nhưng về rừng bạn có sống được không? Hay là bạn tới Vườn Thú…

Con thú đen buồn rầu không nói. Đến bây giờ bé Ty mới nhận ra mũi miệng nó đang rỏ máu.

10.

Bố cầm lái, bé Ty ngồi giữa, mẹ sau nốt. Xe chạy gần hai tiếng mới rẽ vào một con đường nhỏ, từ đấy bắt đầu xuất hiện đồng ruộng xanh non màu mạ, nhiều bù nhìn đứng dang tay nhát chuột. Ruộng chưa gieo, máy phành phạch. Chỗ nào cũng được cày bừa bằng máy. Bé Ty đứng hẳn lên, nhìn bên này bên kia, ô hô gọi mấy đứa trẻ mặt mày đen nhẻm ở mương nước dọc ruộng. Bầy cò thản nhiên sà xuống rỉa cánh tắm nắng.

Chợt nhiên bé Ty chỉ tay í ới gọi cuống lên:

- Kìa... bạn con. Con thú đen... Bố dừng lại mau lên!

Bố phanh. Xe giật ngược. Hai chân bố còn xạt xuống cỏ. Mẹ thì suýt ngã, hốt hoảng cứ ơi ới “gì vậy con”.

Bé Ty tuột khỏi yên xe, chạy băng trên những thửa ruộng ẩm ướt. “Con thú đen” còn xa lắm. Nó đang gặm cỏ. Mặt trời nhô cao. Một màu vàng óng loang tận núi đồi xa hút.

T.N  
(TCSH348/02-2018)

 

 

 

Đánh giá của bạn về bài viết:
0 đã tặng
0
0
0
Bình luận (0)
  • NGUYỄN KHẮC PHÊ

    Cuộc thi viết văn cho tuổi thiếu nhi hè 94 của tỉnh ta do điều kiện tổ chức có hạn, chỉ tập hợp được các em ở địa bàn thành phố Huế. Tuy vậy, cuộc thi đã đạt được những thành quả đáng mừng, đã khẳng định và phát hiện thêm một số em có năng khiếu sáng tác văn học.

  • TRƯƠNG ĐỨC VỸ NHẬT
                      
                             (15 tuổi)


  • Nguyễn Thành Thi - Tô Diệu Lan - Trần Xuân Kỳ - Dương Huy - Nguyễn Thị Quý Trân - Nguyễn Thị Thanh Nhật

  • DIỆU HIỀN (13 tuổi)

    Bình minh. Biển trải dài mút mắt. Nước biển xanh như ngọc bích. Những con sóng liên tiếp vỗ bờ mang theo bao nhiêu là bọt biển.

  • NGUYỄN NGỌC THẮNG

    Cô bé bị tật từ thuở mới lọt lòng, chín tuổi rồi mà cô chỉ phát được những âm thanh méo mó. Bố mẹ không cho cô đến trường nữa, sau nửa năm đầu tiên đi học.

  • HOÀNG DẠ THI (14 tuổi)

    Trung thu đến bao giờ cũng gợi lên trong lòng tôi một nỗi buồn nhớ. "Trung thu năm trước" ư? Cái "năm trước" ấy đã trôi xa, rất xa; kể từ khi em tôi còn sống. Trung Thu với những kỷ niệm êm đềm, chẳng bao giờ quay trở lại của hai chị em mình...


  • Nguyễn Văn Thanh - Nguyễn Ngọc Phú - Nguyên Hào - Trịnh Tuấn Khanh


  • Lê Thị Xuân - Hoàng Vân - Trịnh Tuấn Khanh

  • TRUNG SƠN

    Chủ nhật 5-7-1992, trong nắng sớm rực rỡ, công viên Phu Văn Lâu bỗng như xuất hiện một vườn hoa đủ màu sắc và thật sinh động. Đó là 118 em thiếu nhi tham dự cuộc thi vẽ trong sinh hoạt hè với chủ đề "Uống nước nhớ nguồn" của Nhà văn hóa thiếu nhi Huế.

  • TRƯƠNG ĐẶNG THÙY ANH    

    Nơi góc phố tấp nập với hàng bằng lăng tím trải dài con đường phía trước, ngôi nhà màu vàng nho nhỏ với tấm rèm cửa trắng, lấp ló cô bé xinh xắn đang đọc sách chăm chú. 


  • Nguyễn Ngọc Phú - Nguyễn Văn Thanh

  • TÔ DIỆU LIÊN

       (8 tuổi, lớp 2)


  • Su Su - Dương Thuấn - Phạm Thị Liên Minh - Vũ Năng Thi


  • Quyên Gavoye - Nguyễn Ngọc Phú - Nguyễn Văn Thanh

  • ĐOAN TRANG    

    Nhà tôi ở xóm Loài. Tôi chẳng hiểu tại sao người ta lại đặt tên nó như vậy, có lẽ đơn giản là để gọi và phân biệt giữa các xóm khác trong thôn.

  • NGUYỄN THỊ THANH TÚY

    Sáng nay tôi thức dậy sớm. Đẩy nhẹ cánh cửa, tôi nghe một làn gió mát dịu phả vào mặt, vào cổ, vào sâu đến tận cõi lòng.

  • BÌNH NHIÊN     

    Chuột cố nội nằm trên ghế dựa hướng về ti vi màn hình, tay cầm điều khiển bấm xem hết kênh này đến kênh khác.


  • Nguyễn Văn Thanh - Nguyễn Thanh Hải