PHẠM GIAI QUỲNH
1.
Đây là một nơi như thế, Viễn buông một câu không đầu không cuối khi xách hành lý của Khanh lên và dẫn cô vào trong nhà nghỉ tạm.
Minh họa: TÔ TRẦN BÍCH THÚY
Một nơi như thế? Khanh nghiêng đầu nhìn anh, tò mò hỏi lại rồi lại nhìn sang cái mốc lộ giới sơn đỏ một đầu ngay cạnh mình, trên đó vạch hai chữ: Mường Chiềng - 0km. Tất nhiên cô biết mình đương ở nơi đâu, nhưng sau khi nghe Viễn nói, cô lại cảm thấy tên địa danh và cả mảnh đất dưới chân này trở nên phi thực, hơi mông lung và mơ hồ.
Men ánh nhìn theo đường cái, có thể thấy được ngọn đồi thấp xanh rì phía xa, bóng mặt trời đỏ chói phủ xuống vẩn theo những sợi mây mảnh tạo thành những mảng sáng tối không đều nhau, như thể cắt xẻ phong cảnh thành nhiều mảnh ghép. Trong gió thu, người ta có thể ngửi được mùi cỏ cháy và rơm rạ hun nồng khen khét, thảng hoặc lại có bóng người lùa gia súc đi ngang.
Nơi tôi sinh ra và lớn lên, Viễn đáp, nhưng nó không phải câu trả lời phù hợp với ý mà Khanh muốn hỏi.
Mù mờ như sương, đấy là ấn tượng đầu tiên của Khanh về Viễn, cô biết anh không ra vẻ, anh chỉ cảm thấy mình không tồn tại ở đây mà thôi. Bởi đôi lúc, cô cũng như vậy.
2.
Đi từ đường cái, nơi mà xe khách ngừng lại, xuống dưới một đoạn là thấy được khu chợ ở đây, những kiot chợ được bán lại hoặc cho thuê để ở và tiện bán hàng.
Chúng tôi sống ở đây từ đầu thế kỷ, Viễn bảo, rồi bật cười hài lòng với cách nói này, như thể nơi này đã tồn tại rất lâu rồi.
Song dẫu anh không nhắc nhỏm tới, Khanh cũng có thể cảm nhận được điều ấy, giống như sự tù đọng, sự tù đọng đánh vào cá thể từ mọi hướng, từ mùi ẩm mốc, mùi thức ăn, mùi đồ sống đồ chín trộn lẫn với nhau, mùi đồ khô được chứa đầy trong những túi nilon, trong những thùng xốp, mùi bìa carton, mùi mồ hôi từ những cơ thể sống, mùi mỹ phẩm và dầu gội tỏa ra từ hiệu cắt tóc nằm ở giữa chợ, mùi sắt và than đá của hàng rèn nằm ở gần cuối. Tất thảy làm cho khoảng không gian rất nhỏ này trở nên choáng ngợp với những ai mới đặt chân vào, hai vai tựa hồ có một sức ép vô hình đè lên, chùng nặng xuống. Vì mọi người trong chợ đều biết rõ nhau cho nên sự xuất hiện của Khanh làm cho tất thảy chú ý tới, cô ngại ngùng cúi đầu, thỉnh thoảng hơi gật nhẹ và nhoẻn miệng cười gượng thay cho lời chào. Viễn xách đồ đưa cô đi một mạch xuống cuối chợ, sự nhanh nhẹn của anh khiến cô cảm thấy biết ơn.
Vẻ u ám của chợ dần biến mất, Khanh duỗi thẳng lưng, hít thở bầu không khí đã bớt ngột ngạt hơn, dẫu vẫn còn mùi ngai ngái nồng nồng chẳng thể tránh thoát.
Trời sẩm tối, lác đác trong một vài bụi cây nhỏ ánh lên đốm sáng lập lòe, là ánh vàng xanh của đám đom đóm mà Khanh thích từ khi còn bé. Ở đây đang mất điện, cô nhận ra khi chung quanh không có lấy ánh sáng nào khác trừ những bóng đèn dự trữ năng lượng với ánh sáng hấp háy chớp tắt. Nom chúng, cô lại liên tưởng tới sinh mệnh mong manh và ngắn ngủi của mình.
- Tôi đã dọn dẹp sẵn chỗ ở cho cô, gian nhà đó hơi nhỏ nhưng được cái cũng thoáng mát - Viễn vừa đi vừa nói.
Khanh gật đầu. Cô thấy cổ chân mình đau nhức, toàn thân cũng mệt rã rời. Ngay khi được dẫn tới chỗ nghỉ, chào tạm biệt Viễn xong, cô bèn rúc ngay vào trong tấm chăn chần bông có mùi ẩm mốc lưu cữu, ngủ một giấc. Một giấc thật sâu, chẳng mộng mị, cũng chẳng giật mình tỉnh dậy giữa đêm khuya. Một giấc thật sâu, kéo dài tới khi tiếng gà gáy vang rộn khắp nơi, tiếng bước chân người và tiếng gọi nhau bên ngoài đánh thức cô dậy.
Viễn sống ở trong căn nhà sàn gần như liền kề với chỗ Khanh, có thể nói đó là nhà chính, còn nơi cô nghỉ tối qua giống như một gian làm cho khách mà thôi, bây giờ cô mới có dịp nhìn chung quanh. Vách tường làm bằng gỗ ghép có đôi chỗ chưa được mài kỹ, còn hằn lên những dăm gỗ sần sùi, nom như những vết sẹo; góc phòng chất mấy bao hạt giống, có lúa, có ngô; lại nhìn lên sẽ thấy trên cao có một cái kệ lèn đầy chăn gối. Khanh tò mò đứng lên giường, dát giường dằn xuống theo sức nặng của người bên trên nghe rin rít, cô với tay lên lần theo từng đường thêu và khâu trên chiếc gối vuông, sau đó vì cảm thấy bất tiện, cô kéo luôn nó xuống và ngồi xem xét. Cốt gối dày nặng, nếu đã quen nằm trên gối bông thì sẽ cảm thấy nó hơi cứng, hoa văn bên trên được dệt rồi viền lại bằng các đường thêu kim tuyến, tuy đơn giản nhưng Khanh biết để có thể làm ra được một tấm vải thế này sẽ tốn thời gian và công sức thế nào.
Tôi thích những đồ vật mang hơi thở của người thợ làm ra nó, Khanh bảo, nó khước từ mọi quy luật vận hành như vũ bão của thế giới, tập trung trở lại với bên trong, tự nở hoa kết quả và cuối cùng mục ruỗng, nhưng sự mục ruỗng này lại mang tới cơ man hạt giống giúp cho chu trình mới được khai sinh.
Bên ngoài vẫn chưa sáng hẳn, cô với điện thoại để xem đồng hồ theo thói quen. Bốn giờ sáng, vậy là cô đã ngủ gần mười tiếng, ruột cồn lên vì cơn đói, xét ra cô đã không ăn gì suốt cả ngày hôm qua rồi. Khanh lục tìm trong đống hành lý, tìm được hộp bánh quy mua được ở bến xe thành phố, vừa ăn vừa kiểm tra tin nhắn mới gửi đến. Nhìn thấy dãy số đó, tay cô chững lại, sau đó lùa nốt miếng bánh quy đương cắn dở vào miệng. Là Linh, Khanh nghiêng nghiêng đầu trông ra bên ngoài, cô chưa mở tin ra vội mà đứng lên đẩy cửa ra trước. Luồng không khí ban sớm se lạnh tràn vào, mang theo hơi sương buốt ẩm thấm đẫm vào lồng ngực giúp cô tỉnh táo hơn sau giấc ngủ dài.
Tin nhắn dài, nhưng nội dung chỉ tập trung vào một điểm, ấy là Linh muốn quay lại với cô. Khanh tựa vào cây cột bên cạnh, ngóng mắt nhìn vào bóng tối, trăng chưa lặn hẳn, rải xuống đất một màu nhờ nhờ, thảng hoặc đã có tiếng bước chân người dậy sớm chuẩn bị ra đồng hoặc lên rẫy, đàn gà nhà ai bị đánh động kêu lên mấy tiếng, tiếp theo đó là chuỗi những tiếng gà gáy tưởng chừng chẳng thể đứt đoạn cứ vậy mà vang lên, đánh rộn cả một khoảng không gian thinh lặng.
Khanh không trả lời ngay mà tắt điện thoại đi, đúng lúc ấy, cô chợt nhận ra nhà Viễn đã sáng đèn.
3.
Nếu cứ đi tiếp như thế này, biết đâu có thể tới tận chân trời, Khanh bảo khi xách dao rựa và gùi đi theo chân Viễn lên đỉnh ngọn đồi nơi mà anh đang làm việc.
Viễn không đáp lại câu nói đó của Khanh, nhưng anh lại hỏi một câu khác:
- Sao cô lại biết đến việc tôi đang tìm người giúp canh tác? Tôi chỉ đăng thông tin này trong nhóm những người mà tôi quen biết thôi.
Khanh cười:
- Bạn tôi đưa cho tôi thông tin này.
Viễn ngạc nhiên ngoảnh lại, song chợt bảo cô đứng yên, rồi gẩy bỏ con sâu róm đang bò trên cổ áo của cô xuống, lầm bầm chẳng biết đang nói với cô hay nói với mình:
- Chẳng mấy chốc là kéo kén.
Và tiếp tục, anh hỏi:
- Bạn của cô tên là gì?
- Trác. - Khi nhắc tới cái tên này, ánh sáng trong mắt của Khanh dường như lụi tắt, nhưng rồi cô lấy lại tinh thần rất nhanh - Anh biết chị ấy chứ?
- Tôi biết, chúng tôi từng học chung hồi đại học, nghe nói sau này cô ấy cũng theo đuổi mảng thời trang bền vững. Gần đây Trác khỏe không?
Một thoáng ngập ngừng lướt qua trên gương mặt Khanh, song cô vẫn cười mà nói:
- Chị ấy khỏe, bây giờ chắc chị ấy đang đi du lịch đâu đó rồi.
- Phải, từ hồi còn học với nhau thì con bé ấy đã hay thơ thẩn lang thang khắp nơi rồi.
Bấy giờ chúng tôi còn suốt ngày trêu chọc Trác, Viễn bảo, nhưng rốt cuộc thì sau này tôi cũng là một kẻ thơ thẩn như vậy, như thể mất đi gốc rễ, bởi thế không có nơi nào để dừng chân, bởi thế nên mới không có nơi nào để quay về.
4.
Khu đất mà Viễn đang cải tạo nằm cách nhà anh không xa lắm, nhưng vì đường đi gập ghềnh trúc trắc, rừng luồng ở chân đồi ken dày như muốn giam chân người ta vào trong ma trận của mình, nên Khanh cảm thấy họ đã đi rất lâu, lâu đến mức mà cô không tưởng tượng được. Bỗng nhiên muốn chụp lại hình ảnh một chiếc lá sắc bén chìa ra cứa vào tay mình để gửi cho Trác, thì Khanh sực nhớ mình đã để quên điện thoại ở nhà, dẫu sao bây giờ thì cô cũng không liên lạc với ai nữa, thế giới ngoài kia đã không còn can hệ gì tới cuộc sống của cô.
Ở giữa khu rừng, có một con đường mòn đi bởi dấu chân người, tạo thành một vệt trắng kéo dài, dưới ánh nắng, nom như một con trăn khổng lồ kéo thẳng lên đỉnh đồi trơ trọi. Cơn khó thở kéo đến, Khanh thấy hai mắt hoa lên, cô luôn là người hiểu rõ sức khỏe mình nhất, vội vàng nói:
- Từ từ đã, cho tôi ngồi nghỉ một lát.
Viễn dừng chân, thấy sắc mặt cô đã tái đi, nhợt tựa giấy, anh biết dấu hiệu này, bèn đón lấy đồ đạc trên tay Khanh, dìu cô ngồi xuống từ từ. Khanh nhắm chặt mắt lại, bên tai ù lên, cơ hồ có hàng trăm con ong vỡ tổ ùa ra bủa vây lấy mình. Viễn tìm trong túi áo, móc ra được một viên kẹo, bóc ra đưa cho Khanh:
- Cô ngậm tạm cái này vào, kẹo ho thôi nhưng chí ít cũng có đường.
Khanh không nói được gì, chỉ quơ tay lên để Viễn đặt viên kẹo đó vào tay mình. Chẳng biết thời gian đã trôi qua ra sao, mãi một lúc sau, Khanh mới cảm thấy dễ thở hơn, cơn choáng váng qua đi, chỉ để lại sự tỉnh táo hơn bao giờ hết. Cô ngẩng đầu nhìn Viễn đang tựa vào gốc bương lớn trước mặt, khói thuốc tỏa ra kéo thành một vệt dài. Anh hơi nhướng mày lên khi thấy cô hồi lại:
- Cô sao rồi?
- Đã ổn. - Khanh cười rồi cứ thế nhìn Viễn chằm chằm.
Viễn nheo mắt:
- Sao cô lại nhìn tôi như thế?
- À không, anh làm tôi nhớ lại một chuyện.
- Chuyện gì?
- Trước đây tôi cũng từng đi leo núi như vậy, Yên Tử. Một bận leo núi suýt chết. - Khanh vừa cười vừa kể như thể chuyện đó chẳng hề liên quan tới bản thân mình - Nhưng vị hôn phu của tôi bấy giờ lại cứ vậy mà leo lên, để tôi ngồi lại giữa lưng chừng núi.
5.
Nhát cuốc bổ xuống, tảng đất ẩm mục chen lẫn cỏ gấu bửa lên mang theo cơ man những rễ củ ngang dọc, nhựa củ cỏ gấu bám vào lưỡi cuốc tỏa ra mùi hương nhè nhẹ hơi ngái, chỉ một chốc đã chẳng phân biệt được đâu là mùi đất đâu là mùi cỏ. Viễn ngồi xuống rũ đất khỏi đám cỏ gấu rồi cho vào trong một bao dứa con riêng được cắt ra khâu lại từ một chiếc bao tải to nào đó.
Ở cuối xóm có một ông lang, Viễn bảo với Khanh khi nhận ra được cô đang nhìn mình, củ cỏ gấu này còn một tên khác là hương phụ, tác dụng cầm máu khá tốt. Bố tôi từng nói, rằng không bỏ đi bất cứ thứ gì chính là cách khác tôn trọng mọi thứ mà đất đã ban tặng.
Khanh nhặt một củ gấu lên, cời móng tay vào lớp vỏ, rồi cười:
- Tôi sẽ lấy nó.
- Cô cứ cầm lấy thôi, dù sao thì chẳng mấy chốc chúng sẽ mọc lại. Chẳng thể nào diệt hết nổi, nên bằng một cách khác, ví như móc nối việc thu hoạch và làm cỏ với nhau, cô sẽ cảm thấy ít căm ghét loài cỏ dại cứ bám víu vào vụ mùa hơn.
Hai người cứ vậy lia cuốc và liềm, Khanh thấy hơi đau lưng bèn chống tay đứng thẳng lên, duỗi người một cái, cô quay lại nhìn điểm khởi đầu kể từ lúc họ bắt tay vào làm việc. Một quãng xa. Mặt trời lên tới đỉnh đầu, ở khoảng đất trắng này, người ta càng cảm nhận rõ hơn được ánh nắng ran rát, song chỉ thoáng chốc, cơn gió tạt ngang qua lại khiến cho toàn thân buốt lạnh. Khanh phóng ánh nhìn về phương xa, chỉ thấy bạt ngàn xanh thẳm và núi đồi trùng điệp, thấp thoáng có những ngọn đồi xói lở trơ đất đang được cải tạo để trồng lại một vài loại cây có khả năng giữ đất, nếu cô nhớ không nhầm thì ba năm trước, ở đây đã xảy ra một trận lũ quét. Nhà cửa, ruộng vườn, thậm chí là con người cứ vậy biến mất trong cơn phẫn nộ của đất trời, chẳng một ai thoát khỏi nó. Nhưng rồi, lại từ nơi vết thương của đất ấy, cây cối vẫn tiếp tục mọc lên, như thể chưa hề có chuyện gì xảy ra, trám lành vào những chốn đồi núi sứt sẹo.
Họ ngồi nghỉ chân dưới một gốc cây sổ, ngay bên cạnh là lạch nước nhỏ chạy dọc và mất hút đằng xa, thảng hoặc sẽ thấy đôi ba con nhện nước nhún chân nhảy từ chỗ này sang chỗ khác.
Và rong rêu.
Khanh đăm đắm nhìn ngắm những hòn sỏi nằm trong lòng lạch đương được dòng nước róc rách ruộm nắng gột rửa, rêu quấn vào chúng nom như bộ tóc ma quái thường xuất hiện nơi giấc mộng đi lạc hướng. Tựa bị thôi miên. Cơ hồ cô trông thấy nụ cười của Trác trước khi mất, không một dấu hiệu nào cả, chỉ biết vào cái ngày mà Hà Nội mưa tầm tã, Trác gọi điện cho Khanh, cười khanh khách như trẻ con được phát quà, bảo rằng cô đang rất vui. Có vẻ rằng Trác đã uống quá chén, Khanh quen với tật xấu này của bạn mình nên cô khuyên Trác về nghỉ sớm.
Ừ, chị đang chuẩn bị nghỉ ngơi rồi, lần này chắc sẽ thoải mái lắm đây, Trác bảo, chị muốn được lên núi Khanh ạ, nơi này ngột ngạt quá.
Chị ngủ dậy rồi dọn dẹp đồ, chị em mình sẽ tới chỗ mà Viễn đang làm dự án, Khanh khuyên nhủ một cách nhỏ nhẹ, sau đó chị em mình sẽ lên núi, nếu có chè thì sẽ hái chè như lần trước chị em mình từng hái.
Trác đột nhiên thở dài một hơi, rồi bảo: Nếu em mệt rồi thì hãy dừng lại, dẫu sao thì từ trước tới nay chị cũng từng bảo Linh không phải là nơi đáng nương tựa. Nếu đã không có người đáng để nương tựa, thì chẳng thà cứ vậy đi.
Em biết, Khanh cười, lần này em sẽ nghe lời chị, mau nghỉ ngơi đi. Hẹn gặp lại chị vào ngày mai.
Đáp lại lời của Khanh, chỉ có âm thanh vòi nước xối dài, âm thanh đó cuối cùng cứ thế xối mãi vào cuộc đời cô, dầu có trải qua bao nhiêu năm cũng chẳng thể xóa nhòa.
*
- Mảnh đất này bằng ba quăng dao của bố tôi đấy, Viễn cười.
- Anh không phải người ở đây nhỉ, ý tôi là người bản địa? - Khanh hấp háy mắt khi mồ hôi rỏ từ trán xuống nhòe vào viền mi, cô kéo tay áo lau cho khỏi xót.
- Gia đình tôi lên đây theo diện khai hoang, đã lâu lắm rồi, phải, đã lâu lắm rồi… - Viễn nheo mắt cười nhìn Khanh.
Viễn vén mảnh giấy đậy phía trên một cái gùi nhỏ, lấy một gói lá chuối ra đưa cho Khanh. Bên trong là một món gì đó trông như bánh cốm mà cũng không phải, Khanh chụm tay đỡ lấy gói lá ủ đầy những hạt gạo nếp dẹt mang màu vàng xanh đó lên, chỉ thấy mùi thơm ngòn ngọt, bùi bùi, dìu dịu đưa. Viễn lấy thêm một gói tương tự, mở ra cắn một miếng và ăn.
- Hồi xưa anh làm gì ở xuôi? - Khanh bỗng nhiên cảm thấy tò mò với người đàn ông này, cất tiếng hỏi.
Viễn hóm hỉnh đáp lại:
- Tôi từng làm nhiều việc là đằng khác, chỉ trừ cướp của giết người thôi.
Nói tới đây, anh bật cười:
- Tôi đùa cô đấy, kế toán, trợ lí giám đốc, tài xế, đủ cả.
Khanh vẫn chăm chú lắng nghe, cô cắn một miếng “bánh cốm”, nó khác hoàn toàn với món mà cô từng ăn, từa tựa cốm ngào đường mà cũng không hẳn, cảm giác dẻo dính hơi ngọt này khiến cô dễ chịu, mùi khói ảm vào từng hạt nếp non, có thể khiến ta cảm nhận được công sức của người làm ra nó. Viễn ngừng lại một chút, sau đó tiếp lời:
- Lang bạt chừng năm năm, rồi cũng chẳng thu lại được gì cả. Cái chính là tôi luôn cảm thấy mình tách biệt với mọi thứ đang diễn ra chung quanh, không sao hòa nhập nổi.
- Tôi hiểu.
6.
Kết thúc một ngày làm việc, dẫu toàn thân mỏi mệt nhưng tinh thần lại thoải mái, dội đẫm mình trong chậu nước được đun lẫn ngải cứu và bồ kết, Khanh tưởng như mình đã có thể làm hòa được với thế gian này. Bước ra ngoài khi trời đã tối hẳn. Lạnh. Cái lạnh thấm suốt vào mạch máu. Khanh khẽ rùng mình một cái, toan chạy ngay vào phòng thì thấy ngoài sân có tiếng lách tách, kèm theo đó là mùi khói, mùi thịt ướp mẻ nướng. Cô tò mò nhìn về hướng nhà Viễn, thấy anh đang loay hoay ngoài sân, ánh vàng lửa rực hắt tỏ một nửa khuôn mặt.
Ánh mắt đó là ánh mắt của một người đã gần như buông bỏ thế giới, Khanh nói, tôi không thể xác định được rõ ràng những người từng tiếp cận chung quanh mình, trong một thoáng, tôi bỗng nhiên sợ hãi, sợ hãi rằng người đàn ông này sẽ biến mất trước mắt tôi giống như Trác từng làm.
Khanh bước đến chỗ Viễn, thấy cô, anh ngẩng đầu lên cười rồi đẩy cái ghế mây bên cạnh ra:
- Cô ngồi xuống đây đi, tôi đi lấy thêm ghế.
Khanh quấn gọn chiếc khăn tắm đang lau tóc lại, nhét vào lòng, xòe hai tay ra hơ lửa, ngắm nghía những đốt ngón tay gầy guộc. Trác từng bảo Khanh là người yêu bản thân mình tới mức quên cả những người chung quanh. Viễn ngồi đối diện với cô, lật trở mấy xiên thịt nướng, mỡ chảy xuống rỏ vào than phát ra mấy tiếng lèo xèo.
- Hơi khét rồi. - Khanh bật cười.
- Không sao, không chết được. - Viễn nhún vai đưa cho cô một xiên thịt đã chín.
Khanh đón lấy, đúng lúc này thì điện thoại của cô rung lên. Nhìn thấy tên người liên lạc với mình, cô chần chừ một lát rồi bắt máy. Cô lặng yên nghe, Linh vẫn cố gắng giải thích và xin lỗi cho những gì mình đã gây ra, rằng cái chết của Trác là ngoài ý muốn, rằng những điều mà anh nói với Trác không hề mang ác ý, anh chỉ sợ rằng nếu Khanh rung động với Trác thì anh sẽ mất cô. Nét mặt của Khanh đanh lại, cô nở nụ cười, nghe xong bèn dập máy.
Khanh nhướng mày một cái, thổi cho thịt nguội bớt rồi cắn một miếng. Viễn cời thêm than ra, hỏi:
- Uống ít rượu chứ?
Khanh lặng lẽ nhìn anh thay cho lời đồng ý. Viễn lại đứng dậy đi vào nhà. Khanh ngẩng đầu lên, trước mắt chỉ thấy nghìn dặm trăng sao đồng vọi, sáng lấp lánh, ở đây, ngân hà chảy dài, giống như dòng ngân hà ngày cô được bố mẹ đưa đi ngắm trên đỉnh núi. Quá khứ đôi khi như gió chớp mưa sa vĩnh viễn không thể xóa nhòa, đôi khi lại chỉ như làn sương mờ chỉ sau một đôi năm hoặc thậm chí một đôi tháng là đã bị bào mòn, san phẳng chẳng còn tăm tích. Bố mẹ mất tích ở nơi mà họ đi ngắm sao, mấy ngày hôm sau người ta tìm được thi thể của họ dưới vách đá, khi được tìm thấy tay họ vẫn níu chặt lấy nhau.
Tai nạn, sau cái kết luận gọn gàng này là chuỗi ngày cô bị đẩy từ nhà này sang nhà khác, cứ thế lưu lạc cho tới khi trưởng thành. Bởi quá trình lớn lên bất thường cho nên cô chưa bao giờ hiểu được người khác.
Viễn đưa cho Khanh một chén rượu mắt trâu, cô phì cười:
- Này, nếu uống hết chén này thì chắc mai anh sẽ phải làm việc một mình đấy.
- Nếu cô không uống được thì nhấp cho vui thôi - Viễn bảo - Đẹp đúng không? Bầu trời đầy sao ở đây.
Khanh chiêu một ngụm rượu nhỏ, rượu nặng đến mức cô có thể cảm nhận rõ đường chảy của nó đi vào trong dạ dày mình, cô ôm chén trong lòng bàn tay:
- Đẹp nhưng buồn, bố mẹ tôi mất trong một đêm đầy sao.
Viễn khẽ gật đầu, cái gật đầu này của anh khiến Khanh thoải mái, chí ít đấy không phải là lòng thương hại. Bỗng nhiên cô hỏi:
- Anh đã kết hôn?
Viễn tỏ ra hơi ngạc nhiên:
- Sao cô biết?
- Tôi cũng không biết nữa, chỉ linh cảm được thôi.
Viễn trầm ngâm:
- Không hẳn vậy, chúng tôi chưa làm thủ tục, dọn về sống với nhau. Dễ cũng phải cách đây ba bốn năm rồi. Sau đó thì cô ấy có thai, lúc đó định đi đăng ký và chuẩn bị cho đám cưới thì cô ấy bỏ đi. Tôi cũng không làm được gì.
- Còn đứa trẻ?
Viễn im lặng. Khanh hít sâu một hơi rồi thở dài, không hỏi thêm nữa.
- Chuyện của cô thì sao? Việc cô đi đến đây liệu có khiến cho người ở nhà lo lắng không?
Khanh dốc nốt chén rượu, nở nụ cười:
- Chỉ là một mối quan hệ đã đến hồi kết mà thôi. Tôi mong có thể xây đắp một gia đình như cha mẹ tôi đã từng, họ rất yêu thương nhau, nhưng hẳn vì vậy nên trời xanh đố kỵ chăng?
Thực ra chuyện đời của mỗi người có rất nhiều thời đoạn tương tự nhau, tỉ như chuyện của Khanh, tỉ như chuyện của Viễn. Linh từng nói rằng cô quá lý trí, lúc nào cũng giữ đường lui cho mình. Nhưng cô biết rằng kể từ sau khi cha mẹ qua đời, trái tim cô đã nguội lạnh, không dung nạp ai ngoài chính bản thân, làm mọi thứ để trốn thoát mọi nguy cơ khiến mình bị thương tổn. Vì thế chuyến đi này là quyết định mạo hiểm của cô, tìm tới một nơi xa lạ, làm quen với những người xa lạ, làm một công việc xa lạ, dừng chân ở một nơi xa lạ.
Khi Viễn đưa Khanh về phòng thì trời đã khuya lắm rồi, sương ngày một dày hơn, anh nhìn cô bước vào trong rồi định trở ra. Bấy giờ Khanh đột ngột bảo:
- Tôi muốn trồng một cây táo trong vườn nhà anh.
Viễn ngoảnh lại nhìn cô hồi lâu, sau rốt khẽ nói:
- Được, ngày mai tôi sẽ đưa cô đi tìm cây giống.
Khanh cười, sao rơi vào đáy mắt.
*
Tôi có một con sâu trong người, Khanh chỉ vào ngực áo mình và bảo, nó nằm ở đây, ngay bên trong tim tôi. Thế nên tôi có thể chết bất cứ lúc nào.
Chẳng phải ai trong mỗi chúng ta cũng đều có một con sâu trong người sao? Viễn lại bảo, anh biết Khanh không nói đùa, nhưng anh cũng không muốn hùa theo cô.
Nghe vậy, Khanh bật cười cuối cùng thu lại thành một cái cười mỉm, phóng tầm mắt về phía xa xăm, trỏ ngón tay theo hướng ánh nhìn: “Tôi muốn đi về nơi kia, tới tận cùng thế giới.”
Ở đây chính là tận cùng thế giới, Viễn nói.
P.G.Q
(TCSH396/02-2022)
PHAN TUẤN ANH- Anh ơi lên xe đi, xe chạy suốt Bắc Nam đấy.- Có đi Vinh hả anh, bao nhiêu tiền vậy?- Ôi dào! mấy chục ngàn thôi, lên nhanh đi anh ơi.
HOÀNG THỊ NHƯ HUYĐiện thoại di động trong túi rung lên báo tin nhắn đến, Luân uể oải mở ra xem. Khuya rồi sao còn ai nhắn tin nhỉ? Một số máy lạ với một dòng tin lạ hiện ra: “Bạn ơi tôi không biết bạn là ai nhưng tôi muốn bạn biết tôi sắp lìa xa cuộc sống này. Tôi đang tuyệt vọng”.Đúng là đồ khùng! Đồ dở hơi!
HOÀNG TRỌNG ĐỊNHPhòng giam chật chội, tối tăm... Gần trần có một lỗ thông hơi. Bên ngoài lỗ thông hơi là bức tường tôn xám xỉn. Khe hở dài chừng 10 mét, rộng chừng 3 tấc, nằm song song và gần sát với mặt đường bên ngoài. Đứng trong phòng giam, từ lỗ thông hơi nhìn qua khe hở của bức tường, chỉ có thể thấy những bước chân người đi.
NGUYỄN TRƯỜNGThấy tôi ngồi chăm chú đọc thư, miệng cứ tủm tỉm cười, vợ tôi mới giả giọng, hỏi đùa:- Có việc chi thích thú mà cười một chắc rứa?- Có chuyện vui bất ngờ đấy em ạ! - Tôi vừa trả lời vừa kéo tay vợ ngồi xuống, rồi đọc lại một mạch toàn văn bốn trang thư của ba tôi từ Huế mới gửi vào.
VIỆT HÙNGGa H. một đêm mưa phùn ảm đạm.Khách chờ tàu nằm la liệt dọc các hành lang.Tôi bước vào phòng đợi, trong tâm trạng không vui mà cũng chẳng buồn. Tìm một chỗ ngồi bất kỳ…
TRẦN KIÊM ĐOÀN Ngôi nhà một thời là tổ ấm trên đồi bỗng trở thành rộng gấp đôi, gấp ba và vắng vẻ như một tòa lâu đài cổ từ khi Bé Út dọn ra khỏi nhà để lên miền Bắc học. Đứa con 18 tuổi trên đất Mỹ nầy rời nhà đi học xa thường có nghĩa là đang bước vào đời, ra khỏi vòng tay cha mẹ, thật khó lòng về lại. Những bước tiếp nối là học ra trường, kiếm việc làm, chọn nhiệm sở như cánh buồm đưa tuổi trẻ ra khơi. Bất cứ nơi nào có thể an cư lạc nghiệp trên 50 tiểu bang sẽ là nơi đất lành chim đậu. Tuổi thành niên tiêu biểu của văn hóa Âu Mỹ là tự lập, gắn liền với vai trò chuyên môn và xã hội chứ không phải quanh quẩn với đời sống gia đình.
ĐỖ PHẤNĐêm rất khuya dưới chân núi H. Khó khăn lắm chúng tôi mới tìm được một con đò bằng tôn móp méo xác xơ. Chẳng hiểu ban ngày trông nó thế nào. Có lẽ đây là chiếc đò bị cấm lưu hành? Không thể có mặt ở bến vào ban ngày. Cũng là cấm làm phép. Dòng suối không có chỗ nào đủ sâu để có thể chết đuối.
ĐỖ KIM CUÔNGBây giờ bạn bè ít được gặp anh lang lang trên phố. Thảng hoặc dăm bữa nửa tháng, có khi hơn mới tóm được anh. Ấy là khi anh phải ra khỏi nhà đi nạp bài cho những tờ báo mà anh thường cộng tác, hoặc đi nhận nhuận bút một vài bài thơ lẻ in trên báo.
VŨ NAM TRỰC Truyện ngắn
TRẦM NGUYÊN Ý ANHÔng Nhâm bước chầm chậm theo con đường tráng xi-măng ngoằn ngoèo trong con hẻm nhỏ. Căn nhà ông ở cuối xóm, một trệt, một lầu... mới tinh. Cánh cửa sắt đóng im ỉm. Ông ngồi bệt xuống nền xi-măng vì chân ông đã mỏi. Lẽ ra, khi mấy đứa con ông chưa bàn nhau cất lại căn nhà, ông đã có thể đẩy cánh cửa rào bằng tre và đàng hoàng bước vào nhà mình.
XUÂN CHUẨNĐể rồi tôi kể cho ông nghe về lai lịch cái quạt, để ông ông khỏi coi tôi là Thằng Bờm có cái quạt mo. Cái thời quạt điện quạt đá, máy lạnh mà cứ bo bo cái quạt kè, thỉnh thoảng lại đạp phành phạch như mẹ hàng cá thách lên giữa chợ. Cũng chẳng có gì li kỳ, hay mùi mẫn rơi lệ, chỉ là chuyện đời tầm phào.Hai ông trải chiếu ngồi giữa sân, nhâm nhi chén trà, ông Thân nói với đại tá Tiến về hưu như vậy khi đại tá ngỏ ý thích cái quạt kè của ông.
TRẦN THỊ TRƯỜNG Bim chào đời vào lúc kém 19 phút. Trăng hạ tuần phun nhẹ màu đục của sữa vào bầu trời. Hôm sau trời lất phất mưa. Bố nói với bà ngoại trước khi đi làm: "Nếu không thấy con về thì bà giúp con cùng nhà con nuôi cháu". Câu nói ám ảnh làm trí tưởng tượng của bà ngoại nhiều lần thắt lại. Sau này nhiều khi bà ngoại sợ cả cái bóng của mình.
NAM TRUNG Ông Hãnh cứ đi tới đi lui trong phòng khách nhà ông, vừa đi vừa quạu cọ lẩm bẩm: thằng Hùng nó nói vậy là nó có ý coi thường mình, nó dám trứng khôn hơn vịt. Rồi mày sẽ biết tay ông. Ông sẽ cho mày còn lâu mới được vào Đảng, ông sẽ bác tất cả những đề xuất về mày...
HOÀNG THÁI SƠNKhi tôi lớn lên thì nội tôi đã mất từ lâu nhưng thỉnh thoảng dân làng vẫn nhắc đến người với niềm cảm mến về những chuyện không ít ly kỳ. Ông tôi rất khoẻ, người tròn vo, đen như sừng, tục danh Cu Trắt - phương ngữ vùng quê tôi nghĩa là nhỏ và rắn chắc. Ông ham mê võ thuật, thạo côn quyền, thuở trai thường đóng vai ông địa trong đám múa lân. Đám múa năm nào hễ thiếu ông là coi như nhạt trò, dân làng chẳng ai buồn xem. Người ta đồn ông tôi tài ba lỗi lạc, như có thể đi trên lửa, nhảy qua nóc nhà, còn những thứ chui vào hậu cung đình làng mà không cần dở ngói là xoàng... Kho chuyện về ông ngày càng dày do mồm miệng dân gian thêu dệt thêm, tuy nhiên trong đó nhiều chuyện là có thật.
PHAN XUÂN HẬUTôi trở về quê sau mười năm xa cách. Quê tôi nằm cuối con sông Vẹn, con sông này là nhánh của sông Dinh, bắt nguồn từ dãy núi Gám, chảy qua bến Dền. Nơi đây xưa kia là kinh đô của vua Dền. Vua Dền tụ tập lực lượng chống lại nhà Trần khi đó đang trấn áp nhà Lý. Vua Dền là hậu duệ của Lý Thái Tổ, ông không chịu sự chuyên quyền của vua tôi Trần Thủ Độ bèn lập căn cứ ở miền Tây Yên Thành, tức quê tôi, và Dền là kinh thành của ông, dân quen gọi ông là vua Dền.
NGUYỄN VĂN VINHTết Mậu Thân năm ấy tôi tròn mười sáu tuổi. Soi gương, tôi thấy y xì một con bé tóc lơ xơ hoe nắng, xấu tệ.
CHÂU DIÊNĐơn vị của tôi đi bộ từ một tỉnh miền Trung, lên qua Mường Phăng thì Điện Biên đã giải phóng. Sau một tháng đi bộ nhưng gần như chạy bộ, chúng tôi được phép nghỉ lại hai ngày ở một bản, hồi đó bản này nằm khá sâu trong rừng, nhưng nay thì nó đã ở bên một nhánh đường mới làm dẫn ra phố huyện Tuần Giáo để nối vào con đường số 6 chạy tuốt lên Điện Biên Phủ.
NGUYỄN TRƯỜNGLàng Hạ nằm phía hạ nguồn sông La Ngà. Đất chật. Người đông. Đói nghèo thành nếp. Hồi hai bên đánh nhau, nơi đây là vùng địch hậu. Giải phóng hơn chục năm mà làng Hạ đói nghèo vẫn hoàn nghèo đói. Không ít người bỏ làng đi xa chẳng thèm ngoái cổ nhìn lại. Vậy mà hơn mười năm lại đây, nhờ vực dậy cái nghề tơ tằm truyền thống vốn có từ xưa, làng Hạ đang trở thành một làng nghề giàu có nhất nhì trong vùng. Nhà cũ lỗi thời phá đi xây mới. Đường làng bùn lầy được thay bê-tông. Trường tiểu học tranh tre nứa lá hồi nào nay lên hai tầng. Điện lưới dọc ngang khắp làng đã đẩy năng suất ươm tơ kéo sợi lên cao chưa từng thấy. Chất lượng tơ tằm đạt chuẩn xuất khẩu. Hàng bán chạy hơn cả tôm tươi. Thu nhập người dân ngày một cao.
LÊ TRÂMNgồi với tôi và Kh là một đôi nam nữ còn khá trẻ. Chàng thanh niên, theo lời gã, vừa mới về từ Thái Lan sau khi trúng một hợp đồng béo bở. Gã là đại diện của một công ty xuất nhập khẩu nổi tiếng ở bên ấy.
NGÔ TỰ LẬPCó lẽ tôi đã ngủ rất lâu trước khi bị lay dậy một cách dữ dội. Tôi cố nằm thêm, mặc dù đó không phải là thói quen của một người lính cũ. Thường thì tôi bật dậy ngay. Trước khi tôi vào lính, cha tôi, một đại tá từng trải ba cuộc chiến tranh, chỉ dặn mỗi một câu: “Hãy chồm dậy ngay tiếng còi báo động đầu tiên!”. Lời dạy của ông tôi làm theo trong suốt thời gian tại ngũ và cả khi giải ngũ. Nhưng có những lúc ta không làm chủ được mình. Tôi thấy mình đau ê ẩm và phải một lúc khá lâu sau tôi mới chậm chạp mở mắt.