Nỗi đau lặng thầm

10:47 12/01/2010
NGUYỄN THỊ THU HƯƠNG Tối rằm trăng sáng tịnh không một gợn mây. Hương ngọc lan dậy thơm một góc vườn. Theo chiều gió hương thơm lan tỏa khắp khoảng sân bày la liệt chậu cảnh tỉa uốn đủ hình dạng.

Minh họa: Đặng Mậu Tựu

Người đàn bà ngồi xếp bằng lặng lẽ tay lần tràng hạt, tay chầm chậm gõ mõ. Bà ngồi tĩnh tâm như đang nhập thiền, chỉ những vật trang sức trên cổ, trên tay là không chịu yên. Chúng cứ rực lên lấp loáng mỗi khi luồng sáng từ chuỗi đèn viền quanh khung ảnh phật Quan Thế Âm trên bàn thờ chớp tắt chớp đỏ. Khuôn mặt người đàn bà cũng từng lượt sáng lên đỏ hồng, căng bóng theo ánh đèn điện.

Bên ngoài cánh cửa phòng khép hờ, cô bé ngồi bệt trên nền gạch hoa dỏng tai lắng nghe. Tiếng mõ vẫn nối nhau đều đặn vang lên trong phòng qua kẽ hở của cánh cửa. Lúc lúc nó ngước nhìn đồng hồ treo tường. Chiếc kim phút nhấc từng chút một uể oải. Nó thu người ngồi bó gối chờ đợi. Nó bắt đầu nhẩm đến quên thời gian. Một… hai… hai sáu… hai bảy… năm mươi… năm mốt… chín tám… chín chín… Gió hây hây thổi. Hương ngọc lan thoang thoảng dễ chịu. Nền gạch hoa mát rượi. Tiếng mõ gõ nhịp buồn buồn bao lấy vuốt ve khiến nó gật gù muốn lả đi trong chuỗi đếm lặng thầm.

Bên trong cánh cửa người đàn bà vẫn tĩnh tọa trên chiếc đệm bọc nhung. Năm ngón tay múp míp đeo nhẫn gần hết chậm rãi lần đi lần lại từng hạt tròn bóng nhẵn trong xâu chuỗi hạt. Tiếng mõ vẫn nhịp đều theo những ngón tay lần hạt. Gương mặt người đàn bà ngời lên vẻ thành kính. Chiếc áo dài lam ôm lấy thân người đầy đặn càng làm tăng thêm sự trầm mặc, thâm nghiêm của gian phòng. Từ chuỗi đèn màu ánh sáng vẫn loang loáng như đẩy lùi sự luân chuyển của thời gian, khiến không gian trong phòng như ở cõi nào xa xôi huyền hoặc. Chừng như mọi sự thế trần ai đều dừng lại bên ngoài cánh cửa, trừ hương ngọc lan dìu dịu lãng đãng giữa thực giữa hư…

- Sen!

Cô bé giựt mình. Tiếng mõ im bặt làm nó tỉnh hẳn. Nó nhổm phắt dậy, quỳ xổm trên sàn nhà, luống cuống xỏ từng chiếc dép vải mềm vào từng bàn chân đưa ra trước mặt.

- Mày lại ngủ gật phải không?

Người đàn bà dận từng bước chân xuống sàn nhà sau mỗi lượt chiếc dép được xỏ vào, gằn giọng.

Cô bé lấm lét theo sau người đàn bà sang phòng bên. Nó đi như một cái bóng. Những bước chân líu ríu theo thói quen mỗi tối giờ đã như muốn nhập vào nhau xiêu vẹo trên mặt gạch lát nhẵn lì. Người đàn bà đưa mắt ra hiệu, nó dừng lại bên cửa phòng. Lúc này, nó chỉ muốn được lăn đùng ra giường đánh một giấc ngon lành sau một ngày làm việc mệt mỏi.

- Vào đi!

Cô bé cố giương hai mí mắt đã nặng trĩu, xoay tay nắm, đẩy nhẹ cửa đi vào. Người đàn bà trong chiếc áo ngủ kiểu cách nằm thẳng đuột trên mặt nệm bọc vải hoa sặc sỡ. Nó đi đến, sè sẹ quỳ bên mép giường đưa tay lần bóp nhẹ hai bả vai tròn mẫm. Từ hai bả vai bàn tay nó chuyển dọc theo sống lưng cũng mướt mát thịt, xoa đều. Đôi tay nó mỗi lúc một nhẹ dần trên phần cơ thể mềm bệu của người đàn bà. Cảm giác đó đưa nó trở lại cơn buồn ngủ vừa bị gián đoạn ban nãy. Nó không sao cưỡng nổi. Trước mặt nó, mọi cái bỗng chao đi chao lại nhập nhòa nhập nhằng…

- Mạnh… thêm … đi…

Giọng rền rền ngái ngủ kéo dài khiến bàn tay cô bé khựng lại như sực tỉnh. Mười đầu ngón tay lại miết mạnh suốt sống lưng. Hai mắt người đàn bà nhắm nghiền nét mặt thơ thới. Nó chăm chăm nhìn gương mặt người đàn bà. Nó nhớ đến mẹ nó. Gương mặt của mẹ nó có được đầy đặn vậy đâu. Lần gặp mẹ gần đây nhứt nó thấy hai má mẹ đã hóp vào làm cho chiếc cằm như dài ra. Còn đôi mắt thì to lắm nhưng buồn sao sao ấy. Cứ nhìn nó là mắt mẹ có nước. Mỗi lần về nó lại thấy mặt mẹ tóp thêm một ít, mắt thì có nước nhiều hơn. Giờ mà có mẹ ở đây thì sướng biết mấy, nó rưng rưng nghĩ.

Trên giường nệm người đàn bà vẫn nằm yên thanh thản. Nó lại thèm ngủ. Cơn buồn ngủ cứ xoáy lấy nó, chạy rần rần khắp người như luồng điện làm tê dại dần cơ thể nó. Nó cố mở to đôi mắt, chỉ có đôi mắt là còn gắng gượng chống chọi lại được cơn buồn ngủ.


Người đàn bà trở mình, mắt vẫn nhắm nghiền hất mặt chỉ vào cánh tay. Những ngón tay cô bé bám lấy cánh tay như theo quán tính. Lại bóp lại xoa, nó xòe mười ngón tay nối nhau vẫn chưa vòng giáp được bắp tay cứ trì nặng trên mặt nệm êm ru. Nó thử ráng nhưng vẫn không làm sao được. Hai bàn tay cứ dại đi cứng ngắc. Nó không dám nghỉ. Nó nghĩ đến mẹ nó. Nhiều đêm giữa cơn buồn ngủ, nó như nhìn thấy người đàn bà đang nằm đó là mẹ nó. Vậy là nó yên tâm gật gù cho đến khi nghe tiếng gọi mới chợt tỉnh. Lúc đó, nó lại nhớ lời mẹ dặn: “Ráng nghe lời dì nghe con. Dì cũng như mẹ thôi. Dì sẽ lo cho con mọi thứ”. Người đàn bà nằm kia là bà con với nó. Nó gọi bà ta bằng dì. Cho tới giờ nó chỉ biết có vậy, thậm chí không biết là dì ruột hay dì họ hàng xa. Mẹ nó không nói cho nó biết, nó cũng không hỏi mà chi. Khi về đây nó mới biết người mà nó kêu bằng dì chỉ sống một mình. Ngôi nhà và sân vườn của người dì nó quá rộng làm cho nó ngợp. Ban đầu nó thấy lạ sao bà ta chỉ ở một mình nhưng nó đâu dám hỏi han chi. Vài ngày sau nó mới biết chồng bà đã mất. Nó biết được điều đó vì ngày nào cũng vào quét dọn gian phòng có đặt tủ thờ với bức ảnh lộng kiến loáng bóng. Mới thấy nó cũng sờ sợ, sau rồi thành quen. Hình như bà còn có một đứa con, con trai. Nó thấy khung cảnh bà bồng đứa bé treo ở phòng ngủ mỗi tối vào xoa bóp. Không biết chừ nó ra sao rồi, chẳng nghe bà ta nhắc tới.

Ban ngày người dì thường ra ngoài. Bà làm gì nó không biết, chỉ thấy xách túi đi giữa buổi đã về, gần chiều lại đi nữa. hàng ngày chỉ mình nó ở nhà. Suốt ngày nó cặm cụi quét dọn, giặt giũ, lau chùi đủ thứ lặt vặt. Bà bày nó cách dùng bếp ga, nồi cơm điện, máy giặt những ngày đầu mới về ở. Nó sướng lắm, ở nhà nó làm sao có những thứ đó. Mỗi lần bật nút bếp ga kêu tách một cái, nhìn ngọn lửa phụt lên nó lại nhớ tới cảnh mẹ nó hì hụi nhen lửa bằng rơm khô rứt từ đụn rơm ở góc sân, khói và bụi tro túa lên đến chảy nước mắt. Cái máy giặt còn sướng hơn, hễ bỏ quần áo vào bật nút là nó tự giặt. Đâu phải lóc cóc mang ra bến sông rồi cặm cụi chà xát như mẹ nó, chưa nói nước sông thì bữa đục bữa trong. Ở đây từ sàn nhà, tường gạch, nồi xoong, chén dĩa, bếp lò… cái gì cũng bóng loáng đến mát lạnh. Nếu mà mẹ và mấy đứa em nó được ra đây ở chắc mọi người sẽ thích lắm. Cứ mỗi khi làm việc là nó hay nghĩ đến ở nhà…

Một ngày của nó coi như xong khi đã xoa bóp cho người dì sau mỗi buổi lễ phật trước khi ngủ. Thường thì nó cũng gật gà gật gù được một lúc trong khi người dì đang mơ màng đi vào giấc ngủ. Hồi còn ở nhà nó có biết xoa bóp là chi. Đâu có ai nghĩ tới chuyện đó. Chỉ khi lên đây dì nó mới sai làm. Mấy bữa đầu nó thấy khó và mỏi tay lắm, người dì cứ la hoài. Chừ thì nó làm quen rồi. Mỗi lần được về quê, nó cứ muốn mẹ nó nằm yên một lúc cho nó xoa bóp. Nhưng mà có được đâu, mẹ nó lúc nào cũng tất tả luôn tay luôn chân. Chờ hoài không được nó ngủ mê đi, khi thức dậy trời đã sáng. Tới chừ mẹ nó cũng chưa biết là nó đã biết xoa bóp rồi. Lần nào từ nhà trở lên thành phố nó cũng tiếc vì chuyện đó. Nó cứ tự an ủi nhất định lần về sau…

- Thôi, xuống xoa bóp cổ chân…

Trong cơn gà gật nó nghe lảng vảng giọng nói mớ ngủ của người dì. Nó lết đi bằng hai đầu gối trên sàn nhà sạch bong lúc này trở nên lạnh tanh, lùi về cuối giường. Chừng như nó đứng dậy sẽ dứt khỏi giấc ngủ ngà ngật hạnh phúc đó.

Nó cố hướng sự tập trung vào đôi bàn tay đang di đi di lại trên bắp chân duỗi thẳng bất động. Gian phòng im lìm. Nó lắng nghe và nhận ra hương ngọc lan bảng lảng trong đêm. Chỉ ngửi thoáng qua nó đã nhận ra bởi quen thuộc mùi hương này tự bao lâu nay rồi, tựa như nó đã quen với tiếng mõ mỗi đêm vẳng ra từ sau cánh cửa. Nó không biết và không hiểu những lời kinh mà thỉnh thoảng nó nghe người dì lẩm nhẩm một mình hoặc mang ra giảng giải với nó. Nhưng nó cảm thấy dì nó khác lắm lúc chuẩn bị vào phòng niệm kinh và sau khi trở ra, như là hai con người vậy. Nó thấy người dì với chiếc áo dài lam có gì đó gần gũi với nó hơn. Những lúc ngồi bên cánh cửa chờ tiếng mõ dứt, hương ngọc lan như dẫn dắt ý nghĩ nó vào cõi mơ màng. Nó ngơ ngẩn nghĩ đến gương mặt chân thánh của phật bà Quan Thế Âm. Một cảm giác lạ lùng dậy lên trong nó. Nó thấy an bình và ấm áp như đang được ở cùng với mẹ nó. Trong ý nghĩ trẻ thơ của nó, phật bà cũng như là mẹ nó.

Nó sực nhớ mẹ nó đâu có thờ Phật và tối tối niệm phật như dì nó ở đây. Nó chỉ thấy mẹ còm cõi làm lụng mong kiếm đủ gạo nuôi mấy đứa em nó hết ngày này qua ngày khác. Mẹ nó chẳng bụng dạ nào làm gì cho ai phải buồn, phải khổ. Nó đã định sẽ kể cho mẹ nghe điều này nhưng nó chưa kể được. Lần về nhà nào mấy đứa em cũng bu lấy nó, nó mừng quá là quên tuốt đi hết. Mẹ nó đâu để cho nó nói, cứ ôm nó riết mà nó cũng thích vậy nữa. Còn cha nó thì lặng thinh, gương mặt bần thần nhìn nó thật khó hiểu. Nhưng mà nó quên ngay, được ở nhà là nó vui rồi.

Vào ngày giỗ nội nó mới được về. Ngày đó với nó là ngày tết. Trong lòng nó cứ ngong ngóng đến ngày được về ở bên cha mẹ và mấy em nó. Người dì hay nói với nó những lúc nó xoa bóp: “Mày ra đây ở không phải là để trừ nợ đâu mà trông chừng. Tao nuôi dùm cho mẹ mày đỡ miệng ăn thôi, chớ nhờ đỡ gì được mày. Coi như tao làm phước”. Vậy là nó không dám hỏi mẹ mà cũng không dám hỏi người dì dù chỉ một câu. Nỗi mong ngóng của nó dồn lại cho ngày được về giỗ nội.

Nó đã thấy bả vai nhoi nhói nhức. Hai đầu gối tê đơ. Mười ngón tay mỏi cứng. Nó cố mở đôi mắt cay xè nhìn lên khuôn mặt người dì. Đôi mắt bà nhắm khịt như lúc mới vào. Nó không sao đoán biết được bà ta đã ngủ thật chưa. Đêm nào nó cũng xoa bóp nhưng không sao xác định được. Cơn buồn ngủ cùng nỗi nhớ nhà làm cho nó mụ mẫm đi.

Đầu nó nặng ì. Hương ngọc lan thì cứ lãng đãng bên người như cố dằng nó ra khỏi cơn buồn ngủ đang níu kéo. Những ngón tay nó lơi dần vuột khỏi bắp chân tròn lẳn mướt rượt… Nó thấy mình nhẹ hẫng tung tăng nhảy chân sáo trên con đường làng sau mùa gặt. Nó hít lấy hít để hương rạ khô ngon ngót quấn lấy mỗi bước chân. Nó chạy hoài chạy hoài mong mau về nhà. Mấy đứa em nó mặt đầy mũi dãi túa ra mừng rỡ, kéo nó chơi những trò chơi như lúc còn ở cùng cha mẹ. Trước hiên nhà trên bậc thềm đất, mẹ nó ngồi gương mặt dàn dụa nước. Nó như quên hết mọi nỗi mệt nhọc trong ngày, quên hết những lúc dằng kéo chống lại cơn buồn ngủ mỗi tối bên mép giường người dì… Mà thật ra nó cũng không muốn nhớ tới những điều đó. Nó không muốn cho mẹ nó biết…

Nó bỗng giựt mình, cảm thấy có bàn chân đạp mạnh vào đầu. Đầu nó bị bật khỏi mép giường. Cùng lúc tiếng chuông chùa ngân lên từng hồi thanh thoát vòng vọng. Nó vụt dậy giương đôi mắt ngái ngủ nhìn quanh dớn dác. Ngỡ như tiếng mõ sau cánh cửa vừa dứt, nó quờ tìm đôi dép vải chạy lại bên cửa, nghệch mặt chờ.

Đồng hồ trên tường thủng thỉnh gõ bốn tiếng. Hương ngọc lan vẫn dào dạt thơm suốt gian phòng.

N.T.T.H
(119/01-99)






 

Đánh giá của bạn về bài viết:
0 đã tặng
0
0
0
Bình luận (0)
Tin nổi bật
  • NHẤT LÂMKinh thành Huế năm Bính Thìn, thiên hạ xôn xao vì một vụ án đại hình gây bất bình trong cả nước, và để lại cho hậu thế một nỗi tiếc thương khôn nguôi cho hai nhà chí sĩ.

  • XUÂN ĐÀILàng Tân Mỹ Đông nằm dưới chân núi Tịnh Hồng, trước năm 1975 là vùng của quốc gia, nói cho ngay ban ngày quốc gia điều khiển về hành chính, ban đêm “việt cộng” kiểm soát mọi mặt. Trong làng nhiều người đi lính hai phía, phía nào cũng có sĩ quan cấp tá, cấp úy và binh nhất, binh nhì…

  • TRẦN DUY PHIÊN1. Xuống tới biền, Lê và tôi thấy chú Phip và hai con bò đứng bên giàn cày. Chẳng chào hỏi, chúng tôi bắt tay vào việc. Tôi tiếp tục đắp bờ mương ngăn đất trồng rau với cái tum đổ nước vào sông Dakbla, còn Lê lo chỉ việc cho chú ấy.

  • QUỲNH VÂN"Lục bình vừa trôi vừa trổ bôngLục bình không kịp dừng để tím..."

  • TRÚC PHƯƠNGÔng già ngồi trên chiếc ghế bố làm bằng manh bao phía dưới bóng cây đa lão – trụ sở của Hội những người bán máu kia, sinh năm 1919, tròn 82 tuổi.

  • NGUYỄN THỊ THÁI Ngoài vườn có tiếng đánh sạt. Lại một chiếc tàu cau rơi. Con Vàng buồn bã đứng dậy, thất thểu đi ra. Hình như tiếng rơi khiến nó đau lòng.

  • HÀ KHÁNH LINH "Con gái PhổỞ lỗ trèo cau"

  • TÔ VĨNH HÀChỉ còn ít phút nữa, cái công việc căng thẳng, vừa đơn điệu vừa nặng nề của chúng tôi sẽ kết thúc: Buổi chấm thi sau cùng của một mùa tuyển sinh đầy sóng gió…

  • TRẦN DUY PHIÊN - Cắp vở qua bên chú Kỳ nhờ chú chỉ cho mà học! - Mẹ tôi nói. Tôi vẫn giả bộ không nghe. Những con tò he bằng đất do tôi nặn lấy chưa khô. Tôi mà bỏ đi có người phá - Nói thế mà không thủng tai ư? - Mẹ đảo mắt tìm một vật gì đó làm roi.

  • HOÀNG THÁI SƠN Dì Ty khép cửa rồi ngồi vào góc giường lôi tiền dưới gối ra đếm. Hai tờ hai mươi ngàn, một mới, một cũ gấp đôi gần đứt rời; hai tờ mười ngàn, một mới, một cũ dính vẩy cá; một tờ năm ngàn quăn góc; hai tờ một ngàn dính mực và âm ẩm. Sáu mươi bảy ngàn cả thảy. Đếm lần nữa: sáu mươi bảy ngàn. Rồi dì mở rương, xếp tiền vào từng ô.

  • NGUYỄN THANH VĂN"Làm sao em biết bia đá không đau…"

  • PHẠM NGỌC TUÝTất cả chỉ vì con nhỏ đó: Nó tên thật là gì, tôi không rõ. Tú gọi nó là nhỏ Mai, nó gầy và xinh. Nói rằng nó xinh, e chưa đủ. Nó ngầu, nó phá, nó là con bé nghịch như quỷ.

  • MẠC DO HÙNGBố nhắn tôi mời Sĩ về làng tu sửa bức tượng Thành Hoàng. Sĩ nghe tôi nói, trầm ngâm: "Cho mình thời gian suy nghĩ, Bỏ nghề lâu quá rồi, không hiểu đôi tay có còn cảm giác!"

  • TRÚC PHƯƠNGDừng lại nghỉ chân, chị Dần tựa lưng vào gốc cây cơm nguội râm bóng bên con đường ngoằn ngoèo dẫn lên dốc Lưng Mây. Mấy cô gái Stiêng quảy gùi đi ngược ra phố trấn chốc chốc gởi lại nụ cười tự nhiên như hoa cỏ cho người phụ nữ miền xuôi đi thăm người nhà trong trại.

  • LÊ GIA NINHMột danh nhân nào đó đã nói rằng: "Người đàn bà có hai lần dễ thương. Một lần trên giường cưới và một lần trên giường chết". Riêng tôi, tôi thấy mỗi tháng người đàn bà có thêm một lần dễ thương nữa. Đó là kỳ nhận lương của chồng.

  • QUỐC THÀNH Năm ấy lên cao nguyên thăm anh bạn, biết tôi lần đầu đến anh dẫn ra trung tâm xã coi cho biết, cũng là lúc dân đi rẫy về. Ngược chiều chúng tôi là một ông già, mắt nhìn xuống miệng cứ lẩm bẩm: "Muộn rồi, Muộn rồi". Tôi nghĩ ông vội đi đâu đó, chắc nóng lòng lắm.

  • ĐÀO DUY HIỆPNgày xưa có một chàng trai rất lịch sự. Anh thường có nhiều khách đến nhà chơi.

  • TRẦN THỊ TRƯỜNGCái tin đám ma ông S chỉ có chiếc quan tài rỗng dù dấu kín đến mấy cũng cứ lan đi. Mấy "nhà báo trẻ" cứ nhớn nha nhớn nhác muốn gặp thân nhân phỏng vấn, ghi hình nhưng nhìn thấy cái vẻ lãnh đạm của H. bác sĩ quân y, con trai ông, liền co cả lại.

  • NGUYỄN HỮU THÔNGChao ơi? Xin chào Thầy, lâu ngày ghê.Tôi lúng túng một hồi mới nhận ra cô Sen. Trước mắt tôi bây giờ là một thiếu phụ với nụ cười tươi, rạng rỡ, nhưng vẫn không làm phai đi trên khuôn mặt gầy những vết hằn khốn khó.

  • ĐOÀN LÊ               Tặng anh tôi Anh làm khoa học, tôi là diễn viên nhà hát. Riêng điều đó đã không hợp nhau. Nhưng tuổi trẻ không chịu nghĩ chín chắn, chúng tôi cứ yêu nhau bất chấp mọi giông bão ở cả hai phía gia đình.