Nỗi đau lặng thầm

10:47 12/01/2010
NGUYỄN THỊ THU HƯƠNG Tối rằm trăng sáng tịnh không một gợn mây. Hương ngọc lan dậy thơm một góc vườn. Theo chiều gió hương thơm lan tỏa khắp khoảng sân bày la liệt chậu cảnh tỉa uốn đủ hình dạng.

Minh họa: Đặng Mậu Tựu

Người đàn bà ngồi xếp bằng lặng lẽ tay lần tràng hạt, tay chầm chậm gõ mõ. Bà ngồi tĩnh tâm như đang nhập thiền, chỉ những vật trang sức trên cổ, trên tay là không chịu yên. Chúng cứ rực lên lấp loáng mỗi khi luồng sáng từ chuỗi đèn viền quanh khung ảnh phật Quan Thế Âm trên bàn thờ chớp tắt chớp đỏ. Khuôn mặt người đàn bà cũng từng lượt sáng lên đỏ hồng, căng bóng theo ánh đèn điện.

Bên ngoài cánh cửa phòng khép hờ, cô bé ngồi bệt trên nền gạch hoa dỏng tai lắng nghe. Tiếng mõ vẫn nối nhau đều đặn vang lên trong phòng qua kẽ hở của cánh cửa. Lúc lúc nó ngước nhìn đồng hồ treo tường. Chiếc kim phút nhấc từng chút một uể oải. Nó thu người ngồi bó gối chờ đợi. Nó bắt đầu nhẩm đến quên thời gian. Một… hai… hai sáu… hai bảy… năm mươi… năm mốt… chín tám… chín chín… Gió hây hây thổi. Hương ngọc lan thoang thoảng dễ chịu. Nền gạch hoa mát rượi. Tiếng mõ gõ nhịp buồn buồn bao lấy vuốt ve khiến nó gật gù muốn lả đi trong chuỗi đếm lặng thầm.

Bên trong cánh cửa người đàn bà vẫn tĩnh tọa trên chiếc đệm bọc nhung. Năm ngón tay múp míp đeo nhẫn gần hết chậm rãi lần đi lần lại từng hạt tròn bóng nhẵn trong xâu chuỗi hạt. Tiếng mõ vẫn nhịp đều theo những ngón tay lần hạt. Gương mặt người đàn bà ngời lên vẻ thành kính. Chiếc áo dài lam ôm lấy thân người đầy đặn càng làm tăng thêm sự trầm mặc, thâm nghiêm của gian phòng. Từ chuỗi đèn màu ánh sáng vẫn loang loáng như đẩy lùi sự luân chuyển của thời gian, khiến không gian trong phòng như ở cõi nào xa xôi huyền hoặc. Chừng như mọi sự thế trần ai đều dừng lại bên ngoài cánh cửa, trừ hương ngọc lan dìu dịu lãng đãng giữa thực giữa hư…

- Sen!

Cô bé giựt mình. Tiếng mõ im bặt làm nó tỉnh hẳn. Nó nhổm phắt dậy, quỳ xổm trên sàn nhà, luống cuống xỏ từng chiếc dép vải mềm vào từng bàn chân đưa ra trước mặt.

- Mày lại ngủ gật phải không?

Người đàn bà dận từng bước chân xuống sàn nhà sau mỗi lượt chiếc dép được xỏ vào, gằn giọng.

Cô bé lấm lét theo sau người đàn bà sang phòng bên. Nó đi như một cái bóng. Những bước chân líu ríu theo thói quen mỗi tối giờ đã như muốn nhập vào nhau xiêu vẹo trên mặt gạch lát nhẵn lì. Người đàn bà đưa mắt ra hiệu, nó dừng lại bên cửa phòng. Lúc này, nó chỉ muốn được lăn đùng ra giường đánh một giấc ngon lành sau một ngày làm việc mệt mỏi.

- Vào đi!

Cô bé cố giương hai mí mắt đã nặng trĩu, xoay tay nắm, đẩy nhẹ cửa đi vào. Người đàn bà trong chiếc áo ngủ kiểu cách nằm thẳng đuột trên mặt nệm bọc vải hoa sặc sỡ. Nó đi đến, sè sẹ quỳ bên mép giường đưa tay lần bóp nhẹ hai bả vai tròn mẫm. Từ hai bả vai bàn tay nó chuyển dọc theo sống lưng cũng mướt mát thịt, xoa đều. Đôi tay nó mỗi lúc một nhẹ dần trên phần cơ thể mềm bệu của người đàn bà. Cảm giác đó đưa nó trở lại cơn buồn ngủ vừa bị gián đoạn ban nãy. Nó không sao cưỡng nổi. Trước mặt nó, mọi cái bỗng chao đi chao lại nhập nhòa nhập nhằng…

- Mạnh… thêm … đi…

Giọng rền rền ngái ngủ kéo dài khiến bàn tay cô bé khựng lại như sực tỉnh. Mười đầu ngón tay lại miết mạnh suốt sống lưng. Hai mắt người đàn bà nhắm nghiền nét mặt thơ thới. Nó chăm chăm nhìn gương mặt người đàn bà. Nó nhớ đến mẹ nó. Gương mặt của mẹ nó có được đầy đặn vậy đâu. Lần gặp mẹ gần đây nhứt nó thấy hai má mẹ đã hóp vào làm cho chiếc cằm như dài ra. Còn đôi mắt thì to lắm nhưng buồn sao sao ấy. Cứ nhìn nó là mắt mẹ có nước. Mỗi lần về nó lại thấy mặt mẹ tóp thêm một ít, mắt thì có nước nhiều hơn. Giờ mà có mẹ ở đây thì sướng biết mấy, nó rưng rưng nghĩ.

Trên giường nệm người đàn bà vẫn nằm yên thanh thản. Nó lại thèm ngủ. Cơn buồn ngủ cứ xoáy lấy nó, chạy rần rần khắp người như luồng điện làm tê dại dần cơ thể nó. Nó cố mở to đôi mắt, chỉ có đôi mắt là còn gắng gượng chống chọi lại được cơn buồn ngủ.


Người đàn bà trở mình, mắt vẫn nhắm nghiền hất mặt chỉ vào cánh tay. Những ngón tay cô bé bám lấy cánh tay như theo quán tính. Lại bóp lại xoa, nó xòe mười ngón tay nối nhau vẫn chưa vòng giáp được bắp tay cứ trì nặng trên mặt nệm êm ru. Nó thử ráng nhưng vẫn không làm sao được. Hai bàn tay cứ dại đi cứng ngắc. Nó không dám nghỉ. Nó nghĩ đến mẹ nó. Nhiều đêm giữa cơn buồn ngủ, nó như nhìn thấy người đàn bà đang nằm đó là mẹ nó. Vậy là nó yên tâm gật gù cho đến khi nghe tiếng gọi mới chợt tỉnh. Lúc đó, nó lại nhớ lời mẹ dặn: “Ráng nghe lời dì nghe con. Dì cũng như mẹ thôi. Dì sẽ lo cho con mọi thứ”. Người đàn bà nằm kia là bà con với nó. Nó gọi bà ta bằng dì. Cho tới giờ nó chỉ biết có vậy, thậm chí không biết là dì ruột hay dì họ hàng xa. Mẹ nó không nói cho nó biết, nó cũng không hỏi mà chi. Khi về đây nó mới biết người mà nó kêu bằng dì chỉ sống một mình. Ngôi nhà và sân vườn của người dì nó quá rộng làm cho nó ngợp. Ban đầu nó thấy lạ sao bà ta chỉ ở một mình nhưng nó đâu dám hỏi han chi. Vài ngày sau nó mới biết chồng bà đã mất. Nó biết được điều đó vì ngày nào cũng vào quét dọn gian phòng có đặt tủ thờ với bức ảnh lộng kiến loáng bóng. Mới thấy nó cũng sờ sợ, sau rồi thành quen. Hình như bà còn có một đứa con, con trai. Nó thấy khung cảnh bà bồng đứa bé treo ở phòng ngủ mỗi tối vào xoa bóp. Không biết chừ nó ra sao rồi, chẳng nghe bà ta nhắc tới.

Ban ngày người dì thường ra ngoài. Bà làm gì nó không biết, chỉ thấy xách túi đi giữa buổi đã về, gần chiều lại đi nữa. hàng ngày chỉ mình nó ở nhà. Suốt ngày nó cặm cụi quét dọn, giặt giũ, lau chùi đủ thứ lặt vặt. Bà bày nó cách dùng bếp ga, nồi cơm điện, máy giặt những ngày đầu mới về ở. Nó sướng lắm, ở nhà nó làm sao có những thứ đó. Mỗi lần bật nút bếp ga kêu tách một cái, nhìn ngọn lửa phụt lên nó lại nhớ tới cảnh mẹ nó hì hụi nhen lửa bằng rơm khô rứt từ đụn rơm ở góc sân, khói và bụi tro túa lên đến chảy nước mắt. Cái máy giặt còn sướng hơn, hễ bỏ quần áo vào bật nút là nó tự giặt. Đâu phải lóc cóc mang ra bến sông rồi cặm cụi chà xát như mẹ nó, chưa nói nước sông thì bữa đục bữa trong. Ở đây từ sàn nhà, tường gạch, nồi xoong, chén dĩa, bếp lò… cái gì cũng bóng loáng đến mát lạnh. Nếu mà mẹ và mấy đứa em nó được ra đây ở chắc mọi người sẽ thích lắm. Cứ mỗi khi làm việc là nó hay nghĩ đến ở nhà…

Một ngày của nó coi như xong khi đã xoa bóp cho người dì sau mỗi buổi lễ phật trước khi ngủ. Thường thì nó cũng gật gà gật gù được một lúc trong khi người dì đang mơ màng đi vào giấc ngủ. Hồi còn ở nhà nó có biết xoa bóp là chi. Đâu có ai nghĩ tới chuyện đó. Chỉ khi lên đây dì nó mới sai làm. Mấy bữa đầu nó thấy khó và mỏi tay lắm, người dì cứ la hoài. Chừ thì nó làm quen rồi. Mỗi lần được về quê, nó cứ muốn mẹ nó nằm yên một lúc cho nó xoa bóp. Nhưng mà có được đâu, mẹ nó lúc nào cũng tất tả luôn tay luôn chân. Chờ hoài không được nó ngủ mê đi, khi thức dậy trời đã sáng. Tới chừ mẹ nó cũng chưa biết là nó đã biết xoa bóp rồi. Lần nào từ nhà trở lên thành phố nó cũng tiếc vì chuyện đó. Nó cứ tự an ủi nhất định lần về sau…

- Thôi, xuống xoa bóp cổ chân…

Trong cơn gà gật nó nghe lảng vảng giọng nói mớ ngủ của người dì. Nó lết đi bằng hai đầu gối trên sàn nhà sạch bong lúc này trở nên lạnh tanh, lùi về cuối giường. Chừng như nó đứng dậy sẽ dứt khỏi giấc ngủ ngà ngật hạnh phúc đó.

Nó cố hướng sự tập trung vào đôi bàn tay đang di đi di lại trên bắp chân duỗi thẳng bất động. Gian phòng im lìm. Nó lắng nghe và nhận ra hương ngọc lan bảng lảng trong đêm. Chỉ ngửi thoáng qua nó đã nhận ra bởi quen thuộc mùi hương này tự bao lâu nay rồi, tựa như nó đã quen với tiếng mõ mỗi đêm vẳng ra từ sau cánh cửa. Nó không biết và không hiểu những lời kinh mà thỉnh thoảng nó nghe người dì lẩm nhẩm một mình hoặc mang ra giảng giải với nó. Nhưng nó cảm thấy dì nó khác lắm lúc chuẩn bị vào phòng niệm kinh và sau khi trở ra, như là hai con người vậy. Nó thấy người dì với chiếc áo dài lam có gì đó gần gũi với nó hơn. Những lúc ngồi bên cánh cửa chờ tiếng mõ dứt, hương ngọc lan như dẫn dắt ý nghĩ nó vào cõi mơ màng. Nó ngơ ngẩn nghĩ đến gương mặt chân thánh của phật bà Quan Thế Âm. Một cảm giác lạ lùng dậy lên trong nó. Nó thấy an bình và ấm áp như đang được ở cùng với mẹ nó. Trong ý nghĩ trẻ thơ của nó, phật bà cũng như là mẹ nó.

Nó sực nhớ mẹ nó đâu có thờ Phật và tối tối niệm phật như dì nó ở đây. Nó chỉ thấy mẹ còm cõi làm lụng mong kiếm đủ gạo nuôi mấy đứa em nó hết ngày này qua ngày khác. Mẹ nó chẳng bụng dạ nào làm gì cho ai phải buồn, phải khổ. Nó đã định sẽ kể cho mẹ nghe điều này nhưng nó chưa kể được. Lần về nhà nào mấy đứa em cũng bu lấy nó, nó mừng quá là quên tuốt đi hết. Mẹ nó đâu để cho nó nói, cứ ôm nó riết mà nó cũng thích vậy nữa. Còn cha nó thì lặng thinh, gương mặt bần thần nhìn nó thật khó hiểu. Nhưng mà nó quên ngay, được ở nhà là nó vui rồi.

Vào ngày giỗ nội nó mới được về. Ngày đó với nó là ngày tết. Trong lòng nó cứ ngong ngóng đến ngày được về ở bên cha mẹ và mấy em nó. Người dì hay nói với nó những lúc nó xoa bóp: “Mày ra đây ở không phải là để trừ nợ đâu mà trông chừng. Tao nuôi dùm cho mẹ mày đỡ miệng ăn thôi, chớ nhờ đỡ gì được mày. Coi như tao làm phước”. Vậy là nó không dám hỏi mẹ mà cũng không dám hỏi người dì dù chỉ một câu. Nỗi mong ngóng của nó dồn lại cho ngày được về giỗ nội.

Nó đã thấy bả vai nhoi nhói nhức. Hai đầu gối tê đơ. Mười ngón tay mỏi cứng. Nó cố mở đôi mắt cay xè nhìn lên khuôn mặt người dì. Đôi mắt bà nhắm khịt như lúc mới vào. Nó không sao đoán biết được bà ta đã ngủ thật chưa. Đêm nào nó cũng xoa bóp nhưng không sao xác định được. Cơn buồn ngủ cùng nỗi nhớ nhà làm cho nó mụ mẫm đi.

Đầu nó nặng ì. Hương ngọc lan thì cứ lãng đãng bên người như cố dằng nó ra khỏi cơn buồn ngủ đang níu kéo. Những ngón tay nó lơi dần vuột khỏi bắp chân tròn lẳn mướt rượt… Nó thấy mình nhẹ hẫng tung tăng nhảy chân sáo trên con đường làng sau mùa gặt. Nó hít lấy hít để hương rạ khô ngon ngót quấn lấy mỗi bước chân. Nó chạy hoài chạy hoài mong mau về nhà. Mấy đứa em nó mặt đầy mũi dãi túa ra mừng rỡ, kéo nó chơi những trò chơi như lúc còn ở cùng cha mẹ. Trước hiên nhà trên bậc thềm đất, mẹ nó ngồi gương mặt dàn dụa nước. Nó như quên hết mọi nỗi mệt nhọc trong ngày, quên hết những lúc dằng kéo chống lại cơn buồn ngủ mỗi tối bên mép giường người dì… Mà thật ra nó cũng không muốn nhớ tới những điều đó. Nó không muốn cho mẹ nó biết…

Nó bỗng giựt mình, cảm thấy có bàn chân đạp mạnh vào đầu. Đầu nó bị bật khỏi mép giường. Cùng lúc tiếng chuông chùa ngân lên từng hồi thanh thoát vòng vọng. Nó vụt dậy giương đôi mắt ngái ngủ nhìn quanh dớn dác. Ngỡ như tiếng mõ sau cánh cửa vừa dứt, nó quờ tìm đôi dép vải chạy lại bên cửa, nghệch mặt chờ.

Đồng hồ trên tường thủng thỉnh gõ bốn tiếng. Hương ngọc lan vẫn dào dạt thơm suốt gian phòng.

N.T.T.H
(119/01-99)






 

Đánh giá của bạn về bài viết:
0 đã tặng
0
0
0
Bình luận (0)
Tin nổi bật
  • TRẦN TRUNG CHÍNH

    Tại sao tôi lại không thể tự do làm việc theo ý mình, phiền đến ai đâu, có thể ích lợi là đằng khác!

  • PHẠM NGỌC TÚY

    1.
    Không biết từ lúc nào chị mất đi khuôn mặt thật của chính mình. Nó chỉ còn là chiếc bóng.

  • ĐỖ QUANG VINH

    Tôi đang ở trên một con thuyền nhỏ giữa đại dương với một cột buồm duy nhất. Cánh buồm rũ xuống một cách thảm hại vì không bắt được một cơn gió nào.

  • Lưu Hồng Cúc sinh năm 1955 tại Sài Gòn - Tham gia phong trào SVHS năm 1970. Học Trường kịch nghệ Sài Gòn năm 1971. Vào bưng và ra học tiếp Trường NTSK Hà Nội năm 1974. Đã công tác tại Báo Phụ nữ Thành phố HCM.

  • TẠ DUY ANH

    Một hôm viên chánh án của tòa án nọ nhận được lá đơn kiện kỳ lạ chưa từng có. Để độc giả đỡ sốt ruột, người kể xin miễn miêu tả nét mặt viên chánh án khi đọc xong đơn.

  • VŨ THANH LỊCH

    Tin thông báo, chuyến bay vê- nờ-hai-năm-tám của hãng hàng không... dự kiến khởi hành vào mười sáu giờ ba mươi phút sẽ khởi hành vào mười tám giờ năm lăm phút do thay đổi kế hoạch bay...”.

  • NGUYỆT CHU

    Chị gục xuống bên cạnh bàn tay nhỏ xíu của đứa con gái bé bỏng. Những ngón tay mảnh mai dường như vẫn đang run lên trong những cơn đau vô hình.

  • HOÀNG THỦY XUÂN

    Đó là một mảnh giấy nhỏ ông nhặt được. Một mảnh giấy cỡ bằng một bàn tay nhỏ, một mảnh giấy trắng nhưng đã bị nước mưa và bụi bẩn biến thành màu vàng nhạt. Một mảnh giấy chỉ bằng một bàn tay nhỏ và hoàn toàn trống trơn, không có bất cứ một chữ viết hay một hình vẽ nào trên đó.

  • NGUYÊN QUÂN  

    Quán cà phê nằm bạ dưới gầm cầu, một con đường nhỏ hẹp chạy ngang qua quán.

  • TRẦN BĂNG KHUÊ

    1. Nàng quyết định không rời khỏi căn phòng hẹp của mình. Nàng chán cái cảm giác phải kéo tấm rèm mỗi ngày cạnh cửa sổ đầu giường, lúc mười hai giờ, khi nàng tỉnh giấc.

  • TRU SA

    Tặng Người Ăn Gió

    Sự ngon giấc, nguy hại hơn trái nổ trong túi ngực. Náu mình vào giấc ngủ, con người mất cảnh giác và đoạn tuyệt với mọi cảnh quan ngoài thế giới.

  • PHẠM THANH HÀ

    Mùa hè ập đến đột ngột và tỏ ra khắc nghiệt ngay từ những ngày đầu tiên. Mặt đường nhựa như bị đun cho đến nóng chảy dưới chân, nóng đến nỗi sự xuất hiện của những nụ hoa loa kèn trắng xanh và e ấp cũng chẳng đem lại được một ấn tượng gì đáng kể.

  • LÊ THỊ HOÀI NAM

       Tưởng nhớ Phan Quang Định

  • NGUYỄN THỊ DUYÊN SANH     
           
        (Tặng mùa Vu Lan hiếu hạnh)

  • TRẦN BẢO ĐỊNH   

    1.
    - Đại vương! Muốn làm chuyện lớn phải biết bỏ qua chuyện nhỏ!
    Giáo Phép dùng cách dạy học trò, cố thuyết phục đại vương làm theo ý tưởng của mình.

  • HOÀNG TỐ MAI

    "Ta muốn nhìn bông hoa đen nở nụ, trên cánh mỏng là đường diềm trắng gấp khúc uốn lượn, giá mà ta được nhìn thấy".

  • NGUYỄN THỊ ANH ĐÀO

    1.
    Dòng sông đó đã chết. Trơ đáy. Những cọng cỏ đôi bên bờ sông bây giờ cũng chát khét như mùi đất. Sự sống ở đó mơ hồ như chưa thể từng có một mầm sống nơi này.

  • ĐỨC BAN

    Từ thành phố N. lên xứ Kẻ Xá đâu đấy, người ta bảo, có thể đi đường bộ bằng ô tô, hoặc đáp thuyền gắn máy ngược sông Duềnh. Võ My chọn đi đường sông.

  • LÊ THỊ KIM SƠN

    Đừng có cười nữa, đừng có cười nữa mà. - Lời nói nửa như van nài, nửa như ra lệnh của Thy làm cho cơn cười ngặt nghẽo của Kha trở nên im bặt.

  • NGUYỄN VĂN UÔNG

    Không biết cái tục thờ ngài đội Cóc ở làng ấy xuất phát từ bao giờ. Có người bảo là chỉ mới hơn trăm năm trở lại đây, khi làng thỉnh tôn tượng tự nhiên của ngài vào an vị trang nghiêm trong gian đầu tả nội đình, hướng mặt nhìn bao quát tiền đường, nơi mỗi kỳ tế tự, các bô lão lễ bái hiến tế, cung nghinh long thần thổ địa.