Nỗi đau lặng thầm

10:47 12/01/2010
NGUYỄN THỊ THU HƯƠNG Tối rằm trăng sáng tịnh không một gợn mây. Hương ngọc lan dậy thơm một góc vườn. Theo chiều gió hương thơm lan tỏa khắp khoảng sân bày la liệt chậu cảnh tỉa uốn đủ hình dạng.

Minh họa: Đặng Mậu Tựu

Người đàn bà ngồi xếp bằng lặng lẽ tay lần tràng hạt, tay chầm chậm gõ mõ. Bà ngồi tĩnh tâm như đang nhập thiền, chỉ những vật trang sức trên cổ, trên tay là không chịu yên. Chúng cứ rực lên lấp loáng mỗi khi luồng sáng từ chuỗi đèn viền quanh khung ảnh phật Quan Thế Âm trên bàn thờ chớp tắt chớp đỏ. Khuôn mặt người đàn bà cũng từng lượt sáng lên đỏ hồng, căng bóng theo ánh đèn điện.

Bên ngoài cánh cửa phòng khép hờ, cô bé ngồi bệt trên nền gạch hoa dỏng tai lắng nghe. Tiếng mõ vẫn nối nhau đều đặn vang lên trong phòng qua kẽ hở của cánh cửa. Lúc lúc nó ngước nhìn đồng hồ treo tường. Chiếc kim phút nhấc từng chút một uể oải. Nó thu người ngồi bó gối chờ đợi. Nó bắt đầu nhẩm đến quên thời gian. Một… hai… hai sáu… hai bảy… năm mươi… năm mốt… chín tám… chín chín… Gió hây hây thổi. Hương ngọc lan thoang thoảng dễ chịu. Nền gạch hoa mát rượi. Tiếng mõ gõ nhịp buồn buồn bao lấy vuốt ve khiến nó gật gù muốn lả đi trong chuỗi đếm lặng thầm.

Bên trong cánh cửa người đàn bà vẫn tĩnh tọa trên chiếc đệm bọc nhung. Năm ngón tay múp míp đeo nhẫn gần hết chậm rãi lần đi lần lại từng hạt tròn bóng nhẵn trong xâu chuỗi hạt. Tiếng mõ vẫn nhịp đều theo những ngón tay lần hạt. Gương mặt người đàn bà ngời lên vẻ thành kính. Chiếc áo dài lam ôm lấy thân người đầy đặn càng làm tăng thêm sự trầm mặc, thâm nghiêm của gian phòng. Từ chuỗi đèn màu ánh sáng vẫn loang loáng như đẩy lùi sự luân chuyển của thời gian, khiến không gian trong phòng như ở cõi nào xa xôi huyền hoặc. Chừng như mọi sự thế trần ai đều dừng lại bên ngoài cánh cửa, trừ hương ngọc lan dìu dịu lãng đãng giữa thực giữa hư…

- Sen!

Cô bé giựt mình. Tiếng mõ im bặt làm nó tỉnh hẳn. Nó nhổm phắt dậy, quỳ xổm trên sàn nhà, luống cuống xỏ từng chiếc dép vải mềm vào từng bàn chân đưa ra trước mặt.

- Mày lại ngủ gật phải không?

Người đàn bà dận từng bước chân xuống sàn nhà sau mỗi lượt chiếc dép được xỏ vào, gằn giọng.

Cô bé lấm lét theo sau người đàn bà sang phòng bên. Nó đi như một cái bóng. Những bước chân líu ríu theo thói quen mỗi tối giờ đã như muốn nhập vào nhau xiêu vẹo trên mặt gạch lát nhẵn lì. Người đàn bà đưa mắt ra hiệu, nó dừng lại bên cửa phòng. Lúc này, nó chỉ muốn được lăn đùng ra giường đánh một giấc ngon lành sau một ngày làm việc mệt mỏi.

- Vào đi!

Cô bé cố giương hai mí mắt đã nặng trĩu, xoay tay nắm, đẩy nhẹ cửa đi vào. Người đàn bà trong chiếc áo ngủ kiểu cách nằm thẳng đuột trên mặt nệm bọc vải hoa sặc sỡ. Nó đi đến, sè sẹ quỳ bên mép giường đưa tay lần bóp nhẹ hai bả vai tròn mẫm. Từ hai bả vai bàn tay nó chuyển dọc theo sống lưng cũng mướt mát thịt, xoa đều. Đôi tay nó mỗi lúc một nhẹ dần trên phần cơ thể mềm bệu của người đàn bà. Cảm giác đó đưa nó trở lại cơn buồn ngủ vừa bị gián đoạn ban nãy. Nó không sao cưỡng nổi. Trước mặt nó, mọi cái bỗng chao đi chao lại nhập nhòa nhập nhằng…

- Mạnh… thêm … đi…

Giọng rền rền ngái ngủ kéo dài khiến bàn tay cô bé khựng lại như sực tỉnh. Mười đầu ngón tay lại miết mạnh suốt sống lưng. Hai mắt người đàn bà nhắm nghiền nét mặt thơ thới. Nó chăm chăm nhìn gương mặt người đàn bà. Nó nhớ đến mẹ nó. Gương mặt của mẹ nó có được đầy đặn vậy đâu. Lần gặp mẹ gần đây nhứt nó thấy hai má mẹ đã hóp vào làm cho chiếc cằm như dài ra. Còn đôi mắt thì to lắm nhưng buồn sao sao ấy. Cứ nhìn nó là mắt mẹ có nước. Mỗi lần về nó lại thấy mặt mẹ tóp thêm một ít, mắt thì có nước nhiều hơn. Giờ mà có mẹ ở đây thì sướng biết mấy, nó rưng rưng nghĩ.

Trên giường nệm người đàn bà vẫn nằm yên thanh thản. Nó lại thèm ngủ. Cơn buồn ngủ cứ xoáy lấy nó, chạy rần rần khắp người như luồng điện làm tê dại dần cơ thể nó. Nó cố mở to đôi mắt, chỉ có đôi mắt là còn gắng gượng chống chọi lại được cơn buồn ngủ.


Người đàn bà trở mình, mắt vẫn nhắm nghiền hất mặt chỉ vào cánh tay. Những ngón tay cô bé bám lấy cánh tay như theo quán tính. Lại bóp lại xoa, nó xòe mười ngón tay nối nhau vẫn chưa vòng giáp được bắp tay cứ trì nặng trên mặt nệm êm ru. Nó thử ráng nhưng vẫn không làm sao được. Hai bàn tay cứ dại đi cứng ngắc. Nó không dám nghỉ. Nó nghĩ đến mẹ nó. Nhiều đêm giữa cơn buồn ngủ, nó như nhìn thấy người đàn bà đang nằm đó là mẹ nó. Vậy là nó yên tâm gật gù cho đến khi nghe tiếng gọi mới chợt tỉnh. Lúc đó, nó lại nhớ lời mẹ dặn: “Ráng nghe lời dì nghe con. Dì cũng như mẹ thôi. Dì sẽ lo cho con mọi thứ”. Người đàn bà nằm kia là bà con với nó. Nó gọi bà ta bằng dì. Cho tới giờ nó chỉ biết có vậy, thậm chí không biết là dì ruột hay dì họ hàng xa. Mẹ nó không nói cho nó biết, nó cũng không hỏi mà chi. Khi về đây nó mới biết người mà nó kêu bằng dì chỉ sống một mình. Ngôi nhà và sân vườn của người dì nó quá rộng làm cho nó ngợp. Ban đầu nó thấy lạ sao bà ta chỉ ở một mình nhưng nó đâu dám hỏi han chi. Vài ngày sau nó mới biết chồng bà đã mất. Nó biết được điều đó vì ngày nào cũng vào quét dọn gian phòng có đặt tủ thờ với bức ảnh lộng kiến loáng bóng. Mới thấy nó cũng sờ sợ, sau rồi thành quen. Hình như bà còn có một đứa con, con trai. Nó thấy khung cảnh bà bồng đứa bé treo ở phòng ngủ mỗi tối vào xoa bóp. Không biết chừ nó ra sao rồi, chẳng nghe bà ta nhắc tới.

Ban ngày người dì thường ra ngoài. Bà làm gì nó không biết, chỉ thấy xách túi đi giữa buổi đã về, gần chiều lại đi nữa. hàng ngày chỉ mình nó ở nhà. Suốt ngày nó cặm cụi quét dọn, giặt giũ, lau chùi đủ thứ lặt vặt. Bà bày nó cách dùng bếp ga, nồi cơm điện, máy giặt những ngày đầu mới về ở. Nó sướng lắm, ở nhà nó làm sao có những thứ đó. Mỗi lần bật nút bếp ga kêu tách một cái, nhìn ngọn lửa phụt lên nó lại nhớ tới cảnh mẹ nó hì hụi nhen lửa bằng rơm khô rứt từ đụn rơm ở góc sân, khói và bụi tro túa lên đến chảy nước mắt. Cái máy giặt còn sướng hơn, hễ bỏ quần áo vào bật nút là nó tự giặt. Đâu phải lóc cóc mang ra bến sông rồi cặm cụi chà xát như mẹ nó, chưa nói nước sông thì bữa đục bữa trong. Ở đây từ sàn nhà, tường gạch, nồi xoong, chén dĩa, bếp lò… cái gì cũng bóng loáng đến mát lạnh. Nếu mà mẹ và mấy đứa em nó được ra đây ở chắc mọi người sẽ thích lắm. Cứ mỗi khi làm việc là nó hay nghĩ đến ở nhà…

Một ngày của nó coi như xong khi đã xoa bóp cho người dì sau mỗi buổi lễ phật trước khi ngủ. Thường thì nó cũng gật gà gật gù được một lúc trong khi người dì đang mơ màng đi vào giấc ngủ. Hồi còn ở nhà nó có biết xoa bóp là chi. Đâu có ai nghĩ tới chuyện đó. Chỉ khi lên đây dì nó mới sai làm. Mấy bữa đầu nó thấy khó và mỏi tay lắm, người dì cứ la hoài. Chừ thì nó làm quen rồi. Mỗi lần được về quê, nó cứ muốn mẹ nó nằm yên một lúc cho nó xoa bóp. Nhưng mà có được đâu, mẹ nó lúc nào cũng tất tả luôn tay luôn chân. Chờ hoài không được nó ngủ mê đi, khi thức dậy trời đã sáng. Tới chừ mẹ nó cũng chưa biết là nó đã biết xoa bóp rồi. Lần nào từ nhà trở lên thành phố nó cũng tiếc vì chuyện đó. Nó cứ tự an ủi nhất định lần về sau…

- Thôi, xuống xoa bóp cổ chân…

Trong cơn gà gật nó nghe lảng vảng giọng nói mớ ngủ của người dì. Nó lết đi bằng hai đầu gối trên sàn nhà sạch bong lúc này trở nên lạnh tanh, lùi về cuối giường. Chừng như nó đứng dậy sẽ dứt khỏi giấc ngủ ngà ngật hạnh phúc đó.

Nó cố hướng sự tập trung vào đôi bàn tay đang di đi di lại trên bắp chân duỗi thẳng bất động. Gian phòng im lìm. Nó lắng nghe và nhận ra hương ngọc lan bảng lảng trong đêm. Chỉ ngửi thoáng qua nó đã nhận ra bởi quen thuộc mùi hương này tự bao lâu nay rồi, tựa như nó đã quen với tiếng mõ mỗi đêm vẳng ra từ sau cánh cửa. Nó không biết và không hiểu những lời kinh mà thỉnh thoảng nó nghe người dì lẩm nhẩm một mình hoặc mang ra giảng giải với nó. Nhưng nó cảm thấy dì nó khác lắm lúc chuẩn bị vào phòng niệm kinh và sau khi trở ra, như là hai con người vậy. Nó thấy người dì với chiếc áo dài lam có gì đó gần gũi với nó hơn. Những lúc ngồi bên cánh cửa chờ tiếng mõ dứt, hương ngọc lan như dẫn dắt ý nghĩ nó vào cõi mơ màng. Nó ngơ ngẩn nghĩ đến gương mặt chân thánh của phật bà Quan Thế Âm. Một cảm giác lạ lùng dậy lên trong nó. Nó thấy an bình và ấm áp như đang được ở cùng với mẹ nó. Trong ý nghĩ trẻ thơ của nó, phật bà cũng như là mẹ nó.

Nó sực nhớ mẹ nó đâu có thờ Phật và tối tối niệm phật như dì nó ở đây. Nó chỉ thấy mẹ còm cõi làm lụng mong kiếm đủ gạo nuôi mấy đứa em nó hết ngày này qua ngày khác. Mẹ nó chẳng bụng dạ nào làm gì cho ai phải buồn, phải khổ. Nó đã định sẽ kể cho mẹ nghe điều này nhưng nó chưa kể được. Lần về nhà nào mấy đứa em cũng bu lấy nó, nó mừng quá là quên tuốt đi hết. Mẹ nó đâu để cho nó nói, cứ ôm nó riết mà nó cũng thích vậy nữa. Còn cha nó thì lặng thinh, gương mặt bần thần nhìn nó thật khó hiểu. Nhưng mà nó quên ngay, được ở nhà là nó vui rồi.

Vào ngày giỗ nội nó mới được về. Ngày đó với nó là ngày tết. Trong lòng nó cứ ngong ngóng đến ngày được về ở bên cha mẹ và mấy em nó. Người dì hay nói với nó những lúc nó xoa bóp: “Mày ra đây ở không phải là để trừ nợ đâu mà trông chừng. Tao nuôi dùm cho mẹ mày đỡ miệng ăn thôi, chớ nhờ đỡ gì được mày. Coi như tao làm phước”. Vậy là nó không dám hỏi mẹ mà cũng không dám hỏi người dì dù chỉ một câu. Nỗi mong ngóng của nó dồn lại cho ngày được về giỗ nội.

Nó đã thấy bả vai nhoi nhói nhức. Hai đầu gối tê đơ. Mười ngón tay mỏi cứng. Nó cố mở đôi mắt cay xè nhìn lên khuôn mặt người dì. Đôi mắt bà nhắm khịt như lúc mới vào. Nó không sao đoán biết được bà ta đã ngủ thật chưa. Đêm nào nó cũng xoa bóp nhưng không sao xác định được. Cơn buồn ngủ cùng nỗi nhớ nhà làm cho nó mụ mẫm đi.

Đầu nó nặng ì. Hương ngọc lan thì cứ lãng đãng bên người như cố dằng nó ra khỏi cơn buồn ngủ đang níu kéo. Những ngón tay nó lơi dần vuột khỏi bắp chân tròn lẳn mướt rượt… Nó thấy mình nhẹ hẫng tung tăng nhảy chân sáo trên con đường làng sau mùa gặt. Nó hít lấy hít để hương rạ khô ngon ngót quấn lấy mỗi bước chân. Nó chạy hoài chạy hoài mong mau về nhà. Mấy đứa em nó mặt đầy mũi dãi túa ra mừng rỡ, kéo nó chơi những trò chơi như lúc còn ở cùng cha mẹ. Trước hiên nhà trên bậc thềm đất, mẹ nó ngồi gương mặt dàn dụa nước. Nó như quên hết mọi nỗi mệt nhọc trong ngày, quên hết những lúc dằng kéo chống lại cơn buồn ngủ mỗi tối bên mép giường người dì… Mà thật ra nó cũng không muốn nhớ tới những điều đó. Nó không muốn cho mẹ nó biết…

Nó bỗng giựt mình, cảm thấy có bàn chân đạp mạnh vào đầu. Đầu nó bị bật khỏi mép giường. Cùng lúc tiếng chuông chùa ngân lên từng hồi thanh thoát vòng vọng. Nó vụt dậy giương đôi mắt ngái ngủ nhìn quanh dớn dác. Ngỡ như tiếng mõ sau cánh cửa vừa dứt, nó quờ tìm đôi dép vải chạy lại bên cửa, nghệch mặt chờ.

Đồng hồ trên tường thủng thỉnh gõ bốn tiếng. Hương ngọc lan vẫn dào dạt thơm suốt gian phòng.

N.T.T.H
(119/01-99)






 

Đánh giá của bạn về bài viết:
0 đã tặng
0
0
0
Bình luận (0)
Tin nổi bật
  • 1.
    Ở xóm Bà Tàu, mỗi lần nhắc tới cái ác của Quản Ló thì ai nấy thảy đều tội nghiệp và cảm thông bà Tám Hội Đồng, má đẻ Quản Ló. Vì, “Sanh con ai nỡ sanh lòng/ Nuôi con ai chẳng vun trồng cho con” (Ca dao). Và, như lời người xưa: “Cha mẹ sanh con, trời sanh tánh”.

  • TRẦN THÚC HÀ  

    Ngọn núi Quảng Đại Sơn thuộc huyện Bồn Tân, tỉnh Hoàng Hải bên bờ biển phía tây nước Cao Ly. Núi không cao lắm, cách thành trì Ủng Tân một quãng ngắn. Trên đỉnh núi có tảng đá bằng mà rộng.

  • THU LOAN   

    Ông đã sống ở thị xã Cao nguyên những năm 80. Nhấp nhô những con dốc cao cao. Đường lổn nhổn sỏi đá. Đạp xe như cóc nhảy vì ổ gà.

  • NGUYỄN NGỌC LỢI   

    Nửa chiều đó Huế mưa. Tiết cuối thu nắng nhẹ, đẹp suốt dọc đường, vậy mà đến Huế, xe vừa dừng bánh thì mưa đổ xuống. Mưa quất rào rào, gió thốc hơi nước lọt qua khe cửa buôn buốt lạnh. Lái phụ từ phía đầu xe gọi khách xuống.

  • TRẦN BĂNG KHUÊ   

    1.
    “Tôi đảm bảo câu chuyện mà tôi sắp kể đây hoàn toàn bắt đầu bởi một giấc mơ. Một giấc mơ kỳ quặc, chúng là những bức tranh lạ lẫm không đầu không cuối, không hề có bất kỳ sự kết nối nào”.

  • LÊ ANH HOÀI    

    Hàm có mặt trong một đêm thơ của một câu lạc bộ mang tên “Vĩnh Cửu”. Bà cô của Dung làm chủ tịch câu lạc bộ này.

  • PHẠM NGỌC TÚY

    1.
    Tám mươi bảy tuổi, bà rên rỉ, chép miệng suốt ngày. Giọng nói còn tốt, đầu óc chưa lú lẫn, nếu không có cô cháu gái một hôm ghé xuống nhà thăm phát hiện ra bà đau nằm một chỗ, thỉnh thoảng hay lên về bới xách không biết sẽ còn chuyện gì xảy ra nữa?

  • DIỆU PHÚC

    Năm tôi lên bốn, chị đã lên mười. Người ta nói chị mãi là đứa trẻ bốn tuổi. Tôi không hiểu vì sao lại thế.

  • KIỀU BÍCH HẬU  

    1. Ngày cuối tuần, Andras bồn chồn đi đi lại lại trong căn hộ của mình trên tầng bốn toàn nhà cổ tại phố Bartok Bela.

  • MCAMMOND NGUYEN THI TU

    Cuộc sống là như bước chân lên một con thuyền mà nó chuẩn bị ra khơi và chìm
                                        (Shunryu Suzuki)

  • LTS: Bạn đọc đã từng quen biết Phạm Thị Hoài qua tập truyện "Mê lộ" và tiểu thuyết "Thiên sứ" (tác phẩm đã được dịch sang tiếng Pháp với tựa đề “La messagère de Cristal", do Phan Huy Đường dịch, Nxb Phụ nữ ở Paris phát hành. Nxb Turino (Ý) cũng dự định cho ra mắt tác phẩm này bằng tiếng Ý vào tháng 5 sắp tới, đồng thời Nxb Rowohl (Đức) cũng đã ký hợp đồng in 12 nghìn bản tiếng Đức.

  • TRẦN TRUNG CHÍNH

    Tám mươi lăm phần trăm dân thành phố chúng ta, chưa cần hỏi ý kiến về tình trạng vệ sinh thành phố, đều kêu rằng: "Thành phố rất bẩn".

  • TRẦN BẢO ĐỊNH

    1.
    Thấy sóng lắp liếm bờ chờ con  nước nhảy, lão Bảy nói:
    - Sớm mai, con ở nhà!
    - Ở nhà chi, tía?

     

  • TRU SA  
    Viết riêng cho một người  

    Đèn tắt là hết, chỉ còn đôi mắt tỉnh bơ cùng tiếng thở nhẹ. Đường ray vẫn đầy đá dăm, thứ vật lót giúp bánh tàu không đổ nhào.

  • NGUYỄN THẾ HÙNG    

    Anh Thuyên nhà bên xóm Bến sang xóm tôi cưới chị Linh. Chị Linh xinh, da trắng, tóc dài nên nhiều anh trong xóm tôi mê, vậy mà chị lại đi lấy người xóm Bến.

  • PHAN TRUNG HIẾU

    Cha con tôi trú trong một căn nhà tuyềnh toàng cạnh đường cái quan. Mái nhà tranh cũ kỹ, đen xỉn một gam màu lạnh giữa nhà nhà mái tôn, mái ngói, gạch ốp sáng choang. Cũng chả lấy thế làm buồn.

  • HẠ NGUYÊN

    Đêm thứ mười tám tôi mới lọt được vào căn nhà của em. Bấy giờ đang quá khuya và sự vắng ngắt như nhìn xói vào làm tôi kinh sợ. 

  • NGUYỄN THỊ ANH ĐÀO   

    21 giờ đêm, tôi rời khởi phòng làm việc sau một ngày. Từ tầng sáu của tòa nhà nhìn xuống, khu phố Loan bắt đầu lên đèn.

  • TRẦN THÚC HÀ     
           Tặng H.V.T   

    Cha ông, là một nhà tạc tượng có tiếng ở chốn Thăng Long. Năm 1397 dưới triều Trần Thiếu đế, Hồ Quý Ly cho xây thành Tây Đô, cha ông được mời đến khắc chạm nội thất trong điện tiền.

  • LÊ THỊ HOÀI NAM

    Mười một giờ! Mười một giờ ba mươi! Mười hai giờ! Thư vẫn chưa về. Hôm nay là ngày nghỉ của cô ấy? Trước đây, mấy khi anh để ý đến chuyện đi về của vợ nhưng mỗi lần về muộn, Thư đều báo trước. Bây giờ cô ấy đi đâu? Hay lại...