Niềm tin vượt qua dịch bệnh

10:02 29/05/2020

VŨ NHIÊN    

Những ngày giáp Tết, giữa rộn ràng bánh mứt, chợ hoa, giữa những cơn mưa phùn nhè nhẹ và chút gió xuân hây hẩy gợn mình, đây đó trên mặt báo đã có những tin tức về loại dịch mới khi ấy gọi là Corona bùng phát ở thành phố Vũ Hán, Trung Quốc.

Ảnh: internet

Tôi lướt qua mặt báo vô tình như thể một chuyện bình thường hằng ngày và không hề để ý tới sự nghiêm trọng của nó. Dường như, cả thế giới khi ấy và quanh tôi mọi người đều tất bật chuẩn bị đón Tết, vui xuân, ngây ngất rạo rực, đầy sức sống. Xen lẫn trong các câu chuyện năm mới, thông tin về dịch tại Trung Quốc tràn ra như thể góp thêm chuyện bình thường của cuộc sống trong ngày xuân ý vị. Trước Tết, chỉ nghe phong phanh vài trăm trường hợp mắc bệnh lạ, con số sẽ tăng lên và báo đài bắt đầu đưa ra những bình luận không mấy khả quan. Đến ngày mồng Một tết (25/1/2020), tôi ngồi chơi với đứa em từ trong Sài Gòn ra và nghe đọc tin hơn 1400 người nhiễm virus Corona, một số người tử vong và chính quyền Trung Quốc cho biết tình hình khó kiểm soát. Tôi chưa bao giờ hình dung được một khoảng rỗng và tối đang căng ra trên bầu trời đâu đó đè ngụp lên những trái tim, những giấc mơ chưa kịp bung nở. Ra Tết, bắt đầu ghi nhận có một số trường hợp người dân nhiễm tại Việt Nam và đến ngày 13/2, Bộ Y tế thông tin ca nhiễm virus corona thứ 16 tại Việt Nam là bệnh nhân ở tỉnh Vĩnh Phúc, bố của nữ công nhân về từ Vũ Hán. Chính quyền sau đó ra các quyết định tiến hành theo dõi, giám sát chặt chẽ những người có tiếp xúc gần với những bệnh nhân mắc Covid-19 tại các địa bàn phát hiện các ca bệnh; người nghi mắc bệnh được cách ly, lấy mẫu xét nghiệm. Con số 16 trường hợp tuy không nhiều so với các nước khác nhưng là một con số báo động và chính quyền sau đó đã cho ra các thông báo, chỉ thị cấp bách, kịp thời. Đầu tiên là việc học sinh, sinh viên được nghỉ học, một số hoạt động tụ tập đông người bị đình chỉ. Chúng tôi trong những ngày đó đang trù tính, chuẩn bị cho các hoạt động, kế hoạch sau tết đành ngậm ngùi chấp nhận. Mùa xuân đã không còn nguyên vẹn, tôi không còn có dịp đứng bên sông ngắm bơi chải hằng năm trên sông Vực quê nhà, không có cơ hội đi xem vật làng Sình. Những dự liệu cho Ngày thơ Việt Nam, chương trình Viếng mộ thi nhân và một vài hội thảo khác đều bị tạm dừng dù đã chuẩn bị khá chu toàn.

Tôi dành một khoảng thời gian đọc báo, cập nhật tình hình và học hỏi các biện pháp phòng ngừa dịch cũng như tìm hiểu căn nguyên của dịch bệnh. Ngày 11/2, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) thông báo tới toàn thế giới tên gọi chính thức của bệnh viêm phổi do virus corona gây nên là Covid-19. Theo đó chữ “Co” là viết tắt của “corona”, “vi” của “virus” và “d” là “dịch bệnh” (disease), “19” là năm 2019, thời điểm phát hiện chủng virus. Tiếp đó, ngày 11/3, Tổ chức Y tế thế (WHO) chính thức công bố căn bệnh viêm đường hô hấp cấp (Covid-19) do chủng mới của vi rút corona gây ra là “đại dịch toàn cầu”, trong bối cảnh dịch bệnh đã lan đến nhiều quốc gia và lãnh thổ với nhiều hậu quả nghiêm trọng. Bệnh dịch chủ yếu lây nhiễm qua các giọt dịch phát tán ở khoảng cách tiếp xúc gần khi một người bệnh ho, hắt hơi hay nói chuyện. Và cách phòng tránh cơ bản nhất là tránh tụ tập đông người, đeo khẩu trang, giữ khoảng cách ít nhất là 1m đến 2m với những người khác; thường xuyên tẩy trùng các bề mặt đồ dùng vật dụng; rửa tay thường xuyên và đúng cách, tránh chạm vào mắt, mũi, miệng.

Một số thông tin khiến tôi chú ý, chẳng hạn trong khi toàn cầu đang háo hức đón giây phút giao thời, ngày 30/12/2019, tại Vũ Hán, bác sĩ Li Wenliang phát đi tín hiệu đầu tiên về một loại virus mới mà ông cho là rất nguy hiểm. Với kinh nghiệm của một bác sĩ, ông cho rằng virus này giống SARS - loại virus dẫn đến dịch bệnh toàn cầu năm 2003 và có thể tái hiện thảm cảnh của một đại dịch mới. Bác sĩ này sau đó đã qua đời rạng sáng 7/2 sau thời gian chiến đấu với virus tại Bệnh viện Trung ương Vũ Hán, nơi ông làm việc. Trên thực tế, lời cảnh báo này đã cho thấy đó không phải là tin đồn, Vũ Hán và sau đó là nhiều tỉnh thành Trung Quốc xuất hiện hàng chục nghìn người mắc căn bệnh lạ do virus này. Rồi dần dần, dịch bắt đầu lan ra, năm nghìn, mười nghìn, sáu mươi nghìn, trăm nghìn người và đến ngày 5/4/2020 là hơn một triệu người, lan từ Trung Quốc qua châu Á, châu Âu, qua Mỹ, qua Úc, châu Phi một cách nhanh chóng. Tôi chợt liên tưởng đến trong tiểu thuyết Dịch hạch (La peste) của Albert Camus ra đời năm 1947, hình thành nhiều cực hành động trong dịch bệnh, có người thờ ơ, có người quyết liệt, có người giấu giếm thông tin một cách cực đoan. Tác phẩm không chỉ bày biện ra tất cả những động thái ứng xử của con người trước vấn đề sinh tử mà còn thể hiện một hiện thực không bao giờ cũ của nhân loại. Ấn tượng nhất là nhân vật bác sĩ Bernard Rieux, đã cùng với bạn bè và đồng nghiệp lao vào cuộc chiến đấu với bệnh dịch để cứu Oran, thành phố biển của Pháp nằm ở phía Bắc Algérie. Rieux đã quyết liệt cho rằng: “nếu không điên thì cũng mù, không mù thì cũng hèn nhát mới cam chịu buông tay trước dịch hạch”. Ông đã làm hết sức mình để cùng mọi người đẩy lùi dịch bệnh với một tâm huyết: “sức lực tôi đến đâu thì tôi bảo vệ họ đến đó.... Và bây giờ hàng triệu y bác sĩ trên thế giới cũng đang căng mình chống dịch. Nhiều bác sĩ đã làm việc kiệt sức, bị lây nhiễm và vĩnh viễn ra đi mãi mãi.

*
Đại dịch Covid-19 đã lan ra khắp thế giới, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và toàn bộ sinh hoạt của các cư dân trên địa cầu. Các quốc gia như Trung Quốc, Italia, Tây Ban Nha, Mỹ... đã chịu nhiều thiệt hại nặng nề về nhân mạng và các hệ lụy khác. Nhiều người mất đột ngột trên đường. Người dân Mỹ ở New York cầu cứu và họ kịp vui khi một tàu bệnh viện tới trợ giúp chữa bệnh như những trẻ thơ chờ cha mẹ về. Hàng ngày, hằng trăm thông điệp, chính sách của WHO, của các chính phủ trên thế giới được đưa ra, thực thi và cũng bấy nhiêu nỗi lo âu, bất lực trước tình hình dịch bùng phát và bao giờ vaccine được tìm ra.

Ở nước ta, ngay từ khi dịch bệnh bùng phát, Chính phủ đã có những động thái để kiểm soát dịch, bảo vệ nhân dân. Tính đến tháng 3 năm 2020, đại dịch Covid-19 tại Việt Nam có thể chia thành hai giai đoạn lây nhiễm chính, với 22 ngày cả nước không ghi nhận thêm ca nhiễm mới nằm giữa hai giai đoạn. Từ ngày 6/3 đến những ngày đầu tháng 4, Việt Nam bắt đầu ghi nhận hàng loạt các trường hợp mới liên tiếp mỗi ngày, phần lớn trong số đó là những người đến từ vùng có dịch trên thế giới và đi kèm là sự lây lan trong cộng đồng diễn ra với nhiều chiều hướng phức tạp.

Những khó khăn của cuộc sống do tác động của dịch bệnh ngày càng biểu hiện rõ rệt trên nhiều lĩnh vực đời sống. Đất nước bước vào một thách thức trước diễn biến mới khó lường của dịch Covid-19, có thể làm nhịp phát triển chậm lại, xáo trộn đời sống của toàn dân và nhiều gian khó, bộn bề ảnh hưởng đến từng cá nhân, từng gia đình, mỗi tập thể, doanh nghiệp và cả nước. Sự cấp bách, lo lắng không chỉ ở số người nhiễm bệnh, tử vong, mà từ những tác động đến xã hội, nhất là khi kinh tế bị đình trệ, cuộc sống người dân lâm vào khó khăn. Đại dịch tạo ra rất nhiều tác động khác nhau, đối với cá nhân đó là một thách thức lớn thậm chí nhiều người đã tỏ ra khủng hoảng trong bối cảnh của mỗi nhà, thì mỗi cá nhân phải cố gắng điều chỉnh các hành vi của họ. Việc ở nhà, cách ly xã hội không phải là chuyện dễ thích nghi đã tạo ra sự chán nản và lo lắng. Sự thách thức nhất là niềm tin, tính cố kết xã hội, hay nỗi hoang mang về tâm lý, nhận thức và những hành động, suy nghĩ ngược lại với lợi ích chung trong cuộc chiến chống dịch. Bản thân tôi, những ngày sống cách ly xã hội cảm giác ngày dài ra khác thường, mọi thứ im ắng, bao gương mặt thân quen lướt qua trí nhớ rồi chìm đi đâu đó trong những thanh âm trên tivi, trên chiếc loa phường nhắc nhở mọi người về vệ sinh phòng dịch.

So với nhiều nước trên thế giới đang chiến đấu với Covid-19, đất nước chúng ta phải đối mặt với nhiều trở ngại như ngân sách ít hơn, mật độ dân số cao và hệ thống y tế còn những hạn chế. Ngay ở giai đoạn đầu của dịch bệnh, chúng ta đã thực hiện đóng cửa các trường học, siết chặt biện pháp kiểm soát biên giới với các nước có dịch bệnh. Nước ta đã sớm cách ly nhiều cộng đồng, nhiều nơi để tránh sự lây lan do có nhiều trường hợp nhiễm bệnh và có nguy cơ lây nhiễm ở đây. Một trong những lý do cho sự kiểm soát dịch, hạn chế lây nhiễm cho đến nay trong công tác chống dịch là huy động được sức mạnh của toàn dân thông qua các chiến dịch, qua tin nhắn và tuyên truyền. Bên cạnh đó còn có một ứng dụng trên điện thoại thông minh để mọi người dân khai báo tình trạng sức khỏe của họ và việc khai báo không chính xác có thể bị phạt. Việt Nam cũng mạnh tay đối phó với nạn lan truyền của tin tức giả về dịch bệnh. Chính quyền các cấp đã huy động nhanh chóng lực lượng nhân viên y tế và quân đội tham gia chống dịch.

Lời kêu gọi của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng: “Toàn thể dân tộc Việt Nam ta hãy cùng chung sức, đồng lòng vượt qua mọi khó khăn, thách thức để chiến thắng đại dịch Covid-19!”, như nhắc nhở nhân dân nghe Tổ quốc gọi tên mình, sẽ chiến đấu chống dịch theo những cách khác nhau, phù hợp với hoàn cảnh mới, phương cách mới. Và với lời kêu gọi của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc: “mỗi người dân là một chiến sĩ trên mặt trận phòng chống dịch” với tinh thần “Chống dịch như chống giặc” đã khơi gợi tinh thần chủ động, nắm bắt tình hình và ý thức chấp hành của người dân khắp cả nước. Gần đây nhất, ngày 31/3/2020, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 16/CT-TTg về các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19 bảo đảm giãn cách xã hội, giữ khoảng cách giữa người với người, cộng đồng với cộng đồng. Nhằm giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm cộng đồng, yêu cầu người dân ở nhà, hạn chế tối đa ra ngoài trong vòng 15 ngày. Mục tiêu của Chỉ thị đưa ra là không để lây lan dịch trong cộng đồng ở mức độ cao, có thể dẫn tới phá vỡ hệ thống cơ sở điều trị. Đây là giai đoạn cần huy động tổng lực, cần phối hợp nhuần nhuyễn, nghiêm túc, “khóa chặt từ bên ngoài, dập dịch từ bên trong, nhất là các ổ dịch, tìm cho được các trường hợp lây nhiễm”. Thời điểm này, Chính phủ cũng quan tâm đối với người nghèo và bảo đảm cuộc sống cho người dân.

Chỉ cần lướt trang Nhật ký mùa dịch Covid-19 của báo Tuổi trẻ với hàng loạt câu chuyên ấn tượng như: “Ấm lòng từng quả bí, chục trứng, mớ rau… bà con gửi vào khu cách ly”, “3 người bỏ dở chén trà, mua 1,5 tấn gạo chia cho người nghèo trước giờ cách ly”, “Các bác sĩ Việt Nam đã cứu sống chúng tôi…”. Những điều tốt đẹp đã giúp nhiều người tạm quên đi những khó khăn, làm sưởi ấm trái tim yêu thương đồng loại, tương thân tương ái những lúc khó khăn, hoạn nạn. Cuộc chiến với dịch bệnh nguy hiểm chỉ có sự lựa chọn duy nhất là tinh thần đoàn kết của thế giới, giữa nhân dân và chính quyền, giữa cộng đồng này và cộng đồng khác, giữa những cá nhân lấy sự tồn vong, sức khỏe lên trên hết.

*
Trong tình hình đó, Thừa Thiên Huế là địa bàn trọng điểm về du lịch, dịch vụ, thu hút nhiều dân cư sinh sống và làm việc; trong đó, có nhiều du khách, du học sinh, người lao động nước ngoài đến từ các quốc gia và vùng lãnh thổ, các tỉnh, thành có dịch bệnh Covid-19. Ngay từ những ngày đầu, thực hiện chủ trương của Trung ương, tỉnh đã có những chỉ đạo sát sao, kịp thời hành động khi có những diễn biến dịch trên địa bàn, luôn đề cao cảnh giác, luôn chủ động, sẵn sàng mọi điều kiện ứng phó với mọi tình huống. Ngày 09 tháng 3, Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế đã ban hành Chỉ thị số 43-CT/TU về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng, chống, khống chế dịch bệnh Covid-19. Ngày 13/3, ông Phan Ngọc Thọ - Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, Trưởng Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 đã thành lập “Sở chỉ huy tiền phương” nhằm phòng chống dịch Covid-19 tại Trụ sở UBND tỉnh. Tỉnh đã triển khai họp trực tuyến với các sở ngành, địa phương vào các cuộc họp giao ban đầu giờ sáng. Với tinh thần “chống dịch như chống giặc”, “Sở chỉ huy tiền phương” đã phát huy hiệu quả, luôn trong tư thế sẵn sàng chiến đấu, phục vụ nhân dân. Chính các cuộc họp triển khai nhanh gọn, tập trung vào các nội dung quan trọng, phát sinh hàng ngày, tháo gỡ những vướng mắc trong công tác xử lý tại các địa phương, hoạt động linh hoạt, không kể ngày hay đêm, nói đến đâu làm đến đó đã đem lại hiệu quả tích cực trong công tác phòng chống dịch tại tỉnh Thừa Thiên Huế. Đặc biệt, Chủ tịch tỉnh Phan Ngọc Thọ khẳng định rằng: “Tôi chịu trách nhiệm trước Thủ tướng, các đồng chí chủ tịch cấp huyện phải chịu trách nhiệm trước tôi. Địa phương nào để xảy ra tình trạng người dân phát hiện đối tượng cần cách ly mà chính quyền chưa nắm thì lãnh đạo địa phương đó phải chịu hoàn toàn trách nhiệm”. Sự quyết tâm trong chỉ đạo và hành động của người đứng đầu chính quyền tỉnh là nguồn động lực, là sự tin tưởng để các cấp, các ngành quyết liệt thực hiện đợt cao điểm phòng, chống dịch bệnh Covid-19, tập trung ứng phó dịch bệnh đang diễn biến phức tạp.

Về tình hình dịch, đầu tháng 3, tỉnh Thừa Thiên Huế ghi nhận trường hợp đầu tiên nhiễm Covid-19 là một phụ nữ người Anh, ca thứ 30 tại Việt Nam và chồng bà, bệnh nhân 49. Sau đó, thêm các ca bệnh 31 và 33 được chuyển từ Quảng Nam ra Bệnh viện Trung ương Huế cơ sở 2 điều trị, các bệnh nhân đều là người nước ngoài. Tất cả các bệnh nhân Covid-19 này đến thời điểm hiện tại đều đã được điều trị tốt, nhiều lần xét nghiệm cho kết quả âm tính và được cho xuất viện. Họ nói rằng vô cùng biết ơn các bác sĩ ở Bệnh viện Trung ương Huế cơ sở 2 đã chăm sóc, điều trị khỏi bệnh. Tính đến ngày 7/4, Thừa Thiên Huế không còn trường hợp nào dương tính với Covid-19. Công tác được chú trọng nhất là kiểm soát dịch, cách ly các công dân từ nước ngoài về để ngăn ngừa nguy cơ mang dịch về địa phương. Trên địa bàn tỉnh hiện có 8 khu cách ly tập trung đã và đang tổ chức cách ly cho khoảng gần 6000 người. Để phục vụ cơm nước miễn phí cho hơn 1.000 người tại 4 khu cách ly, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Thừa Thiên Huế đã điều động hàng trăm cán bộ chiến sĩ của đơn vị lo nấu ăn, dọn dẹp vệ sinh môi trường. Ngoài ra, có hơn 50 cán bộ chiến sĩ quân y túc trực 24/24 giờ để kiểm tra sức khỏe hàng ngày cho công dân. Chung sức cùng lực lượng quân đội, nhiều giáo viên, học sinh, đoàn viên thanh niên các địa phương đã tình nguyện đến các khu cách ly để giúp đỡ các chiến sĩ quân đội lo cơm nước cho người cách ly. Với tinh thần luôn coi các công dân đến cách ly như người thân yêu ruột thịt của mình và phục vụ chu đáo mọi thứ để bà con an tâm cách ly, bảo đảm sức khỏe và sớm được về nhà đoàn tụ.

Người em trai của tôi làm trong ngành y tế, những ngày này liên tục đi trực dịch tại các khu cách ly. Công việc nhiều áp lực, đi đêm đi ngày khiến gia đình thấp thỏm. Nhưng có biết bao gia đình như thế, tạm xa nhau để lên tuyến đầu chống dịch. Tôi động viên em: “Cố lên! Mọi thứ sẽ ổn thôi”. Sự mạnh mẽ và tự tin trong những lúc như thế này là cần thiết. Chống dịch không phải ngày một ngày hai, đó là ý chí của cả cộng đồng, cùng chung tay vì một mục đích đẩy lùi dịch bệnh trên lãnh thổ Việt Nam.

*
Tinh thần phòng chống dịch được đề cao, trong đó nhiều sáng kiến đã được ứng dụng và phát huy rất hiệu quả. Cái khó ló cái khôn và bao giờ cũng được người Việt Nam nuôi dưỡng, linh hoạt ứng phó với các tình huống khẩn cấp. Ngày 19/3, Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp với Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Thừa Thiên Huế (CDC) kích hoạt, đưa vào sử dụng Trung tâm Giám sát điều hành mạng lưới CDC toàn tỉnh và triển khai ứng dụng hỗ trợ thông tin phòng, chống dịch Covid-19. Người dân sẽ tương tác với Trung tâm Giám sát, điều hành mạng lưới CDC qua ứng dụng Covid-19, là một phần của Dịch vụ đô thị thông minh tỉnh Thừa Thiên Huế, bao gồm các tính năng: Phản ánh nghi nhiễm; yêu cầu hỗ trợ y tế; bảo vệ bản thân; hỏi đáp thông tin; tin tức chính thống; thông tin sai lệch; xác minh thông tin; thông báo, cảnh báo. Trung tâm tiếp nhận phản ánh của người dân đối với các trường hợp phát hiện ca nghi mắc Covid-19, thu thập dữ liệu di chuyển dân cư từ ngoài tỉnh đến các vùng dân cư trên địa bàn; thu thập dữ liệu khách lưu trú cũng như các nghiệp vụ thu thập khác liên quan đến việc người dân, khách du lịch ra vào địa bàn. Trên cơ sở đó, tỉnh tiến hành nghiệp vụ sàng lọc và phân loại, triển khai bản đồ số nhằm nhận diện các phản ánh, yêu cầu hỗ trợ y tế cũng như thông tin các nguồn lực trong quá trình tác nghiệp hỗ trợ công tác giám sát dịch bệnh tại địa phương.

Bệnh viện Trung ương Huế đã cải tiến xe điện tử điều khiển từ xa, vốn là xe ô tô đồ chơi điều khiển từ xa của trẻ em, phục vụ bệnh nhân tại khu cách ly những người mắc Covid-19. Đó là sáng kiến của thạc sĩ Huỳnh Phúc Minh, trưởng đơn vị quản lý dịch vụ buồng bệnh Bệnh viện Trung ương Huế. Các nhân viên y tế đã đặt tên xe Robot này là “Robot Tâm An” với ý nghĩa chữ Tâm nhắc đến trái tim, lương tâm con người, chữ An hướng đến sự bình an. Chiếc xe này có thể thay thế nhân viên y tế trong công đoạn đưa thức ăn vào cho bệnh nhân và các vật tư y tế khác tránh tiếp xúc gần dễ bị lây nhiễm trong quá trình điều trị. Xe có thể điều khiển bằng giọng nói từ xa, có thể giao tiếp giữa bệnh nhân và người hướng dẫn thông qua màn ảnh của camera. Chú Robot Tâm An nay đã trở nên gần gũi với các nhân viên y tế của Bệnh viện Trung ương Huế, mang đến niềm vui và những điều tốt đẹp cho người bệnh. Từ khi robot Tâm An bắt đầu hoạt động, nó đã phát huy được nhiều thế mạnh của mình, trở thành một nhân viên y tế đặc biệt giải quyết một phần công việc vất vả của các y, bác sĩ trong mùa dịch đối với việc chăm sóc người bệnh. Một tin vui khác, một robot đã được khoa Điện - Điện tử của Trường Cao đẳng Công nghiệp Huế chế tạo, hoàn thiện trong khoảng 10 ngày. Robot có thể thay cho con người làm một số việc vận chuyển đồ dùng, tư trang thiết yếu tại các khu cách ly tập trung có nhiều người nghi nhiễm dịch bệnh Covid-19. Robot được điều khiển thông qua ứng dụng (app) trên hệ điều hành Android của điện thoại đi động thông minh có kết nối wifi. Ngay sau khi hoàn tất, thử nghiệm, robot được chuyển giao cho Bệnh viện thành phố Huế để phục vụ khu cách ly tập trung phòng chống dịch Covid-19.

Nhiều học sinh, giáo viên cũng đã có những ý tưởng, sáng kiến tiêu biểu như việc chế tạo những chiếc máy rửa tay sát khuẩn tự động do thầy và trò Trường THPT A Lưới sáng chế. Thiết bị sử dụng rất tiện lợi, chỉ cần đưa tay vào ngăn rửa đã được thiết kế sẵn, cảm biến sẽ phát hiện và mạch điều khiển máy bơm tự động phun dung dịch sát khuẩn đã được bố trí dưới dạng các tia nhỏ. Việc sử dụng máy trước tiên tiết kiệm được thời gian, tiết kiệm được dung dịch sát khuẩn trong điều kiện kinh phí eo hẹp ở các trường học và hạn chế lây lan do tiếp xúc nếu có virus dịch. Ngoài ra, đội ngũ kỹ thuật của Công ty cổ phần Cấp nước Thừa Thiên Huế (HueWaCo) đã chế tạo hàng chục chiếc máy rửa tay sát khuẩn tự động để trao tặng cho lực lượng phòng dịch tại tỉnh Thừa Thiên Huế. Những sản phẩm mới này góp phần không nhỏ vào hiệu quả phòng dịch cho các thành viên trên tuyến đầu.

*
Ở một hướng khác, nhiều tập thể, cá nhân đã cùng đồng hành. Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố Huế đã phát động “tiếp sức” cho tuyến đầu chống dịch Covid-19. Chị em phụ nữ đến từ các phường Trường An, phường Kim Long, Phú Thuận, Thuận Lộc, Chợ Đông Ba… đều có mặt trong đội hình tình nguyện. Người góp công, người góp của, đội hình tình nguyện phụ nữ Huế lập tức có mặt “tiếp sức” cho tuyến đầu chống dịch tại các khu cách ly tập trung của tỉnh, cùng lực lượng hậu cần tham gia nấu bếp và hỗ trợ hàng trăm suất ăn cho người cách ly. Một chị đã viết trong nhật ký tình nguyện: “Chị em phụ nữ dù vất vả, dù rất mệt vẫn luôn luôn sẵn sàng, luôn tiếp tục đi làm nhiệm vụ”.

Nhiều tập thể cá nhân trong ngành y tình nguyện tham gia vào tuyến đầu chống dịch Covid-19. Điển hình là 18 y bác sĩ, điều dưỡng, kỹ thuật viên của Khoa Ngoại Chấn thương chỉnh hình và Thần kinh sọ não của cơ sở 2 Bệnh viện Trung ương Huế, đã ký đơn tập thể gửi Ban Giám đốc bệnh viện xin tình nguyện. Trong đơn, nhóm y bác sĩ này viết: “Tự hào là chiến sĩ áo trắng, chúng tôi nhận thức được trách nhiệm, vai trò tiên phong của mình trong giai đoạn khó khăn này. Vì vậy, chúng tôi đồng lòng, tự nguyện viết đơn này xin Ban Giám đốc cho phép chúng tôi được tham gia trực tiếp trong công tác chăm sóc, điều trị bệnh nhân Covid-19 tại bệnh viện hoặc những nơi khác”. Sự cống hiến, xông pha vào tuyến đầu chống dịch của các y bác sĩ là tấm gương điển hình của những “chiến sĩ áo trắng” trước dịch bệnh. Người viết bài này cảm động khi đọc lại một trang nhật ký của điều dưỡng Đặng Quốc Bảo đang có mặt trong đội ngũ y bác sĩ của Bệnh viện Trung ương Huế trực tiếp chăm sóc bệnh nhân Covid-19 luôn đối mặt với nguy cơ lây nhiễm bất cứ lúc nào. Anh để lại những dòng tâm cảm khiến người đọc phải xót xa: “Nếu có chuyện gì chỉ biết xin lỗi vợ, xin lỗi con, hãy tiếp bước những gì ba chưa hoàn thành”.

Trên tuyến đầu, còn có những áo xanh tình nguyện chống dịch Covid-19, họ là thế hệ trẻ những học sinh, sinh viên tham gia hỗ trợ tại các khu cách ly. Họ cùng vào bếp, hỗ trợ công tác hậu cần, san sẻ vơi bớt phần nặng nhọc trong những ngày căng mình chống dịch cho nhân viên các khu cách ly. Nhiều thanh niên tình nguyện phát khẩu trang, nước sát khuẩn miễn phí, hiến máu nhân đạo, hỗ trợ kinh phí chống dịch… Những việc làm thiết thực này không chỉ thể hiện trách nhiệm của từng cá nhân, tổ chức trong phòng, chống dịch bệnh mà còn lan tỏa tinh thần đoàn kết, “tương thân tương ái” trong cộng đồng. Tôi thấy bóng dáng tuổi trẻ mình trong đó, về những ngày cùng đội quân tình nguyện lên Nam Đông, A Lưới giúp đồng bào, về những chiến dịch dọn dẹp đường phố, đạp xe vì môi trường... Tinh thần của các bạn trẻ tình nguyện đã khiến “hậu phương” như chúng tôi tin tưởng vào ý chí, nghị lực và sự cống hiến của các bạn trẻ trong cuộc chiến với đại dịch. Hương đã cùng nhiều sinh viên khác đứng trong đội ngũ các sinh viên y khoa hăng hái lên đường, nhận nhiệm vụ tham gia vào các chốt kiểm dịch để đo thân nhiệt, khai báo y tế của tỉnh Thừa Thiên Huế. Những tuổi xanh ấy thắp lửa, sáng ngời biết bao.

Bên cạnh đó, UBND thành phố Huế đồng ý, định kỳ hàng tuần vào lúc 22 giờ đêm khi đã vắng người, một nhóm doanh nghiệp trẻ tình nguyện đảm nhận việc phun thuốc khử trùng trên tuyến phố đi bộ dọc sông Hương kết nối với cầu gỗ lim, nơi có nhiều người dân đi bộ thể dục cùng các điểm công cộng thường có nhiều người qua lại.

Và trong một diễn biến khác, ngày 4/4, Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Thừa Thiên Huế phát lời kêu gọi: “Chúng ta đã chứng kiến toàn dân tộc Việt Nam đang đoàn kết cùng chính quyền quyết đẩy lùi nạn dịch. Tinh thần cộng đồng trách nhiệm đẩy lùi dịch bệnh đang diễn ra khắp nơi; tinh thần tương thân tương ái đang lan truyền trong xã hội; các bác sĩ, chiến sĩ nơi tuyến đầu đang gồng hết sức mình để ngăn chặn vi rút Covid-19 lây lan... Trong bối cảnh đó, văn nghệ sĩ Thừa Thiên Huế không thể đứng ngoài cuộc chiến chống dịch Covid-19”. Liên hiệp Hội đã phát động phong trào sáng tác tác phẩm văn học nghệ thuật trong toàn thể văn nghệ sĩ Thừa Thiên Huế để phát huy tinh thần dân tộc, động viên y bác sĩ, các chiến sĩ cùng toàn thể nhân dân trong cuộc chiến chống virus Covid-19, và đóng góp lương thực, thực phẩm, tiền mặt... vào “Quỹ văn nghệ sĩ giúp đồng bào khó khăn vì dịch Covid-19”. Những hành động thiết thực của văn nghệ sĩ đã tương trợ, đồng lòng cùng chính quyền và nhân dân vượt qua khó khăn của đại dịch, thể hiện tinh thần, trách nhiệm của văn nghệ sĩ với đất nước.

Và còn nhiều, nhiều nữa những tấm lòng, những gương điển hình của hàng ngàn chiến sĩ, đồng bào cùng chung sức, chung lòng chống dịch Covid-19. Đất nước ta, nhân dân ta đang làm được điều đó và sự hiệu quả đã thể hiện trong những ngày đầu tháng 4 cam go, thử thách khi các ca nhiễm đã dừng lại, ít đi đã động viên cho chúng ta phần nào.  

*
Chúng ta nhìn xa hơn rằng nhân loại đã từng đối mặt với nhiều thảm trạng như dịch bệnh, chiến tranh và bao giờ cũng có những kết quả cuối cùng. Tôi đọc Dịch hạch của Camus rút ra bài học rằng “giữa lúc gặp tai họa, trong con người có nhiều điều đáng khâm phục hơn là cái đáng khinh ghét”. Lại lấy một câu hiện thực của bác sĩ Rieux trong Dịch hạch từng nói: “Cứu rỗi nhân sinh là một chữ quá lớn đối với tôi. Tôi không nhìn xa như thế. Tôi chỉ chú ý đến sức khỏe. Sức khỏe con người trước tiên”. Và có lẽ, các chính quyền và các y bác sĩ trên thế giới đều nghĩ như thế. Cuộc đấu tranh này còn dài vì loài người không thể tự loại bỏ bệnh dịch, dù được đẩy lùi thì mầm bệnh vẫn lẩn khuất đâu đó. Chúng tồn tại giống như cái thiện và cái ác, cái mất và cái còn, cái khó và cái trí để con người luôn cảnh giác. Như nhiều người đã nghĩ, chỉ có sức mạnh của sự đoàn kết, đoàn kết của nhân loại, đoàn kết của các quốc gia, đoàn kết người dân và chính quyền mới có thể giúp chúng ta đủ sức mạnh chiến thắng.

V.N
(TCSH374/04-2020)



 

Đánh giá của bạn về bài viết:
0 đã tặng
0
0
0
Bình luận (0)
  • 1. Trung tâm văn hóa tôi muốn đề cập ở đây là thành phố Huế của tỉnh Thừa Thiên Huế. Đã là một Trung tâm văn hóa thì bao giờ cũng quy tụ nhiều nhân tài lớn, trên nhiều lĩnh vực, từ mọi miền đất nước, thậm chí từ cả ngoài nước, trải qua nhiều thế hệ, nhiều thử thách khó khăn mới vun đắp lên nổi một truyền thống, mà có được truyền thống văn hóa lại càng khó khăn hơn. Trong bài viết này tôi chưa đề cập tới những nhà khoa học, những nhà văn hóa và văn nghệ sĩ xuất sắc đang sống và hoạt động tại Thừa Thiên Huế, mà tôi chỉ muốn nói tới chủ yếu các vị đã qua đời nhưng đã để lại dấu ấn sâu đậm, lâu dài cho mảnh đất này, góp phần quan trọng hình thành nên truyền thống văn hóa Huế.

  • Trên thế giới có nhiều nền văn hóa khác nhau. Trong mỗi nước, ngoài mẫu số chung về nền văn hóa của cả dân tộc, còn có văn hóa vùng miền được phân định căn cứ vào đặc điểm nhân văn riêng của từng nơi. Nơi nào có được tính cách nhân văn đặc thù thì nơi ấy có văn hóa địa phương hay văn hóa bản địa. Một từ mà các nhà văn hóa học năng sử dụng khi đề cập đến lĩnh vực này là “bản sắc”. Nếu dùng từ bản sắc làm tiêu chí để nhận diện văn hóa thì Việt Nam có nền văn hóa riêng của mình, trong đó có văn hóa Huế.

  • Tôi quê Hà Tĩnh, nhưng lại sinh ra ở Huế, khi ông cụ tôi ngồi ghế Phủ Doãn, tức là “sếp” cái cơ quan đóng bên bờ sông Hương ở giữa Bệnh viện Trung ương Huế và Trường Hai Bà Trưng - Đồng Khánh xưa, nay đang được xây dựng to đẹp đàng hoàng gấp nhiều lần ngày trước. (Thời Nguyễn phong kiến lạc hậu, nhưng lại có quy chế chỉ những người đậu đạt cao và thường là người ngoại tỉnh mới được ngồi ghế Phủ Doãn để vừa có uy tín, học thức đối thoại được với quan chức trong Triều, vừa tránh tệ bênh che hay cho người bà con họ hàng chiếm giữ những chức vụ béo bở. Nói dài dòng một chút như thế vì nhiều bạn trẻ thời nay không biết “Phủ Doãn” là chức gì; gọi là “Tỉnh trưởng” cũng không thật đúng vì chức Phủ Doãn “oai” hơn, do Huế là kinh đô, tuy quyền hành thực sự người Pháp nắm hầu hết).

  • *Từ tâm thức kính sợ trời đất đến lễ tế Giao: Từ buổi bình minh của nhân loại, thiên nhiên hoang sơ rộng lớn và đầy bất trắc, với những hiện tượng lạ kỳ mưa gió, lũ lụt, sấm chớp, bão tố... đã gieo vào lòng người nhiều ấn tượng hãi hùng, lo sợ. Bắt nguồn từ đó, dần dần trong lịch sử đã hình thành tập tục thờ trời, thờ đất, thờ thần linh ma quỷ. Đó là nơi trú ẩn tạo cảm giác an toàn cho con người thuở sơ khai. Ở phương Đông, tập tục thờ cúng trời đất, thần linh gắn liền với việc thờ cúng tổ tiên, ông bà, phổ biến từ trong gia đình đến thôn xóm, làng xã. Khi chế độ quân chủ hình thành, một số triều đình đã xây dựng những “điển lệ” quy định việc thờ cúng trời đất, thần linh, với những nghi thức trang trọng, vừa biểu thị quyền uy tối thượng của nhà vua, vừa thể hiện khát vọng mong cầu quốc thái dân an, thiên hạ thái bình, phong hoà vũ thuận của muôn dân.

  • Sông Hương thuộc loại nhỏ của Việt Nam, nhưng với Thừa Thiên Huế có thể nói là “tất cả”. Hệ thống sông Hương cung cấp nước, tạo môi trường để phát triển gần như toàn bộ nền kinh tế - xã hội của Thừa Thiên Huế, đặc biệt sông Hương còn là biểu tượng của Huế, hai bên bờ mang nặng di sản văn hoá nhân loại. Nhưng đồng thời nó cũng đưa lại những trận lụt lớn vào mùa mưa, nhiễm mặn vào mùa hè...

  • Huế được Chính phủ xác định là một trong 5 thành phố cấp quốc gia, nằm trong khu vực kinh tế trọng điểm của miền Trung, cơ cấu kinh tế từng bước chuyển dịch theo hướng công nghiệp, dịch vụ du lịch. Quá trình phát triển đô thị, Huế đồng thời cũng đứng trước những thử thách mới, còn nhiều bất cập nhưng Huế vẫn giữ được nét kiến trúc riêng. Hình ảnh một thành phố mà kiến trúc và thiên nhiên hoà quyện, phải chăng đó là bản sắc Huế, khó trộn lẫn với bất kỳ một đô thị nào khác trong cả nước.

  • I. Toàn cầu hóa và lý luận văn học: I.1. “Toàn cầu hóa” làm cho “thế giới trở nên phẳng” (Thomas F.Fredman). Lý luận văn học là một lĩnh vực khoa học nhằm cắt nghĩa, lý giải, khái quát văn chương, đặt trong khung cảnh đó, nó cũng được “thế giới hóa”, tính toàn cầu hóa này tạo nên một mặt bằng chung, hình thành một ngôn ngữ chung. Từ đó mới có sự đối thoại, tiếp biến học hỏi lẫn nhau giữa các nền lý luận của các châu lục, quốc gia tạo nên một thể thống nhất trong đa dạng.

  • Đêm Nguyên tiêu 15 tháng giêng Quý Mùi 2003, thực hiện chủ trương của Hội Nhà văn Việt Nam, Hội Văn học Nghệ thuật Thừa Thiên Huế, Chi hội Nhà văn Việt Nam tại TTH đã tổ chức trên sông Hương một đêm thơ rất tuyệt vời. Ban tổ chức cho biết Hội Nhà văn Việt Nam đã được phép quyết định kể từ năm nay lấy ngày 15 tháng giêng âm lịch hằng năm làm Ngày Thơ Việt Nam. Quyết định ấy lay động tâm trí tôi vốn đang ưu tư với Huế Thành phố Festival, thay vì đọc thơ, trong đêm Nguyên tiêu ấy tôi đã phác họa sơ lược về một Festival thơ. Không ngờ ý kiến của tôi được Đêm thơ Nguyên tiêu hưởng ứng và các nhà thơ đã đề nghị tôi nên thực hiện một Hồ sơ cho Festival Thơ.

  • Trí thức trong bất cứ thời đại nào và ở đâu cũng là một nguồn lực quan trọng, là sức mạnh tinh thần nối kết truyền thống của dân tộc với thành tựu trí tuệ của thời đại. Khi nguồn lực trí tuệ của đội ngũ trí thức gắn kết được với sức mạnh cộng đồng thì xã hội sẽ có những chuyển biến tích cực. Ngược lại, nguồn lực trí tuệ không được phát huy thì năng lực phát triển của xã hội sẽ bị suy thoái. Thừa Thiên Huế có một thời là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hoá của Đàng Trong và trở thành kinh đô của cả nước. Vì thế Huế đã từng là nơi hội tụ nhiều thế hệ trí thức tinh hoa của đất nuớc. Lớp trí thức lớn lên tại Thừa Thiên Huế có điều kiện tiếp cận với những thiết chế và sinh hoạt văn hoá, học thuật có tầm cở quốc gia (Quốc Tử Giám, Quốc Sử Quán, Hàn Lâm Viện, Thái Y Viện. Khâm Thiên Giám.. ), năng lực trí tuệ của trí thức ở kinh kỳ có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển, cả trên lĩnh vực tư duy sáng tạo và quản lý, thực hành.

  • I. Sự hình thành và phát triển hệ thống đường phố ở Huế: Trước khi Huế được chọn để xây dựng kinh đô của nước Việt Nam thống nhất, đất Phú Xuân - Huế kể từ năm 1738 đã là nơi đóng đô thành văn vật của xứ Đàng Trong dưới thời chúa Nguyễn Phúc Khoát. Rồi Phú Xuân lại trở thành kinh đô Đại Việt của nhà Tây Sơn. Năm 1802, Nguyễn Phúc Ánh toàn thắng quân Tây Sơn; từ Thăng Long ông trở về Phú Xuân, chọn lại đất ấy, lấy ngày lành, lên ngôi vua, xưng hiệu là Gia Long. Tháng 5 năm 1803, nhà vua sai người ra ngoài bốn mặt thành Phú Xuân, xem xét thực địa, định giới hạn để xây dựng kinh thành mới. Trên cơ sở mặt bằng thành Phú Xuân cũ, lấy thêm phần đất của 8 làng cổ lân cận, mở rộng diện tích để xây dựng nên một kinh thành rộng lớn hơn trước. Cùng với việc xây dựng thành quách, cung điện, nha lại, sở ty... thì đường sá trong kinh thành cũng được thiết lập.

  • Thừa Thiên Huế là thủ phủ Đàng Trong thời các chúa Nguyễn, là kinh đô của cả nước dưới thời Tây Sơn và triều Nguyễn, nay là cố đô, một trong những trung tâm văn hoá và du lịch quan trọng của Việt Nam , trải qua quá trình đô thị hoá, vừa mang dấu ấn của một đô thị cổ phương Đông, vừa có đặc trưng của một đô thị mới. Để góp phần định hướng phát triển và tổ chức quản lý vùng đất nầy, một trong những việc cần làm là nên soát xét lại kết quả của quá trình đô thị hóa để lựa chọn những giải pháp quản lý phù hợp.

  • Trong quá khứ, mảnh đất Phú Xuân - Huế đã được chọn để đóng đô thành của các chúa Nguyễn ở Đàng Trong, rồi đến kinh đô Đại Việt của nhà Tây Sơn Nguyễn Huệ, sau nữa là kinh đô Việt Nam thống nhất dưới thời họ Nguyễn Phúc trị vì và cuối cùng trở thành cố đô từ sau Cách mạng Tháng 8.1945. Huế đã và đang là thành phố Festival - một thành phố lễ hội mang nhiều thành tố văn hóa đặc trưng của Việt Nam theo một quy chế đặc biệt. Để có cái nhìn khách quan về lịch sử, thiết nghĩ, chúng ta hãy điểm lại vài nét quá trình đi lên của thành phố Huế để trở thành đô thị loại I - đô thị đặc biệt hôm nay.

  • Hội nghị cán bộ Việt Minh mở rộng vào cuối tháng 4 đầu tháng 5/1945 diễn ra trên đầm Cầu Hai đề ra chủ trương lớn để phát triển phong trào cách mạng tỉnh Thừa Thiên Huế, chuẩn bị cùng cả nước khởi nghĩa cướp chính quyền khi có thời cơ. Sau hội nghị, phong trào cách mạng phát triển đều khắp trong toàn tỉnh. Đầu tháng 8, được tin quân đội Nhật bị quân đồng minh đánh bại ở nhiều nơi, nhất là ở Mãn Châu Trung Quốc, Thường vụ Việt Minh dự đoán ngày Nhật theo chân phát xít Đức bị đánh bại không còn xa, đã quyết định đẩy mạnh chuẩn bị khởi nghĩa. Giữa tháng 8 được tin Nhật Hoàng sẵn sàng đầu hàng, Thường vụ Việt Minh chỉ đạo các huyện khởi nghĩa. Sau khi tất cả các huyện phụ cận Huế khởi nghĩa thành công, ngày 20/8 Thường vụ Việt Minh triệu tập 6 huyện bàn quyết định chọn ngày 23.8.1945 là ngày khởi nghĩa giành chính quyền. Cũng ngay chiều ngày 20.8.1945 phái đoàn Trung ương có cụ Hồ Tùng Mậu, anh Nguyễn Duy Trinh và anh Tố Hữu đã đến Huế, vì Huế là thủ đô của chính quyền bù nhìn lúc bấy giờ. Khởi nghĩa ở Huế mang sắc thái đặc biệt có tính chất quốc gia. Ta giành lại chính quyền không phải từ tay một tỉnh trưởng mà là từ triều đình nhà Nguyễn - Bảo Đại ông vua cuối cùng, bên cạnh Bảo Đại lại có cả bộ máy chính quyền Trần Trọng Kim do Nhật lập ra. May mắn thay đoàn phái bộ Trung ương vào kịp thời nên vẫn giữ nguyên ngày khởi nghĩa (23.8.1945). Đêm 20.8.1945 cuộc họp của phái đoàn Trung ương và Thường vụ Tỉnh ủy thông qua kế hoạch khởi nghĩa của tỉnh và cử ra Ủy ban khởi nghĩa gồm có: anh Tố hữu là Chủ tịch đại diện cho Trung ương, tôi làm Phó Chủ tịch (PCT) đại diện cho Đảng bộ và Mặt trận Việt Minh địa phương cùng một số ủy viên: Lê Tự Đồng, Lê Khánh Khang, Hoàng Phương Thảo, Nguyễn Sơn...

  • Ba mươi năm trước, cùng với lực lượng cách mạng, những người làm Báo Cờ Giải Phóng của Đảng bộ Thừa Thiên Huế sôi nổi chuẩn bị số báo đặc biệt và có mặt trong đoàn quân tiến về giải phóng quê hương. Tháng 10/1974, chúng tôi được tham gia hội nghị Tỉnh ủy mở rộng bàn về đẩy mạnh nhiệm vụ đánh kế hoạch bình định, mở rộng vùng giải phóng nông thôn đồng bằng, phối hợp có hiệu quả với các chiến trường, góp phần giải phóng miền Nam, Thường vụ Tỉnh ủy giao nhiệm vụ cho Báo Cờ Giải Phóng ra số báo đặc biệt, nội dung phong phú, hình thức hấp dẫn để chuyển tải khí thế cách mạng miền Nam và trong tỉnh, đưa mệnh lệnh, lời kêu gọi của Mặt trận Dân tộc Giải phóng Thừa Thiên Huế và các chính sách của Mặt trận đối với vùng giải phóng.

  • Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước vĩ đại của dân tộc, lực lượng an ninh huyện Phú Vang đã nêu cao chủ nghĩa anh hùng cách mạng, với 95 thương binh, 135 liệt sĩ và không có một cán bộ, chiến sĩ nào đầu hàng phản bội, lực lượng an ninh huyện Phú Vang và 4 cán bộ an ninh huyện đã được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu cao quý “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân”.

  • Trong mọi thời đại Hoàng đế và kẻ sĩ có mối quan hệ đặc biệt. Đó là mối quan hệ giữa người cầm quyền và người trí thức có nhân cách và tài năng. Khi Hoàng đế là minh quân thì thu phục được nhiều kẻ sĩ, khi Hoàng đế là hôn quân thì chỉ có bọn xu nịnh bất tài trục lợi bên mình còn kẻ sĩ bị gạt ra ngoài thậm chí có khi bị giết hại. Lịch sử bao triều đại đã chứng minh điều đó. Mối quan hệ giữa Hoàng đế Quang Trung Nguyễn Huệ và La Sơn Phu tử Nguyễn Thiếp của thế kỷ XVIII là cuộc hội ngộ lớn, mang đến nhiều lợi ích cho quốc gia và có ý nghĩa cho muôn đời. Nguyễn Huệ và Nguyễn Thiếp đều sống trong bối cảnh triều Lê suy tàn, chúa Trịnh lộng hành, chúa Nguyễn mới nổi dậy. Sau gần 300 năm hết nội chiến Lê Mạc đến Trịnh Nguyễn phân tranh đời sống nhân dân vô cùng khốn khổ. Trong bối cảnh đó Nguyễn Huệ cùng anh là Nguyễn Nhạc dựng cờ khởi nghĩa, Nguyễn Thiếp cáo quan về ở ẩn.

  • Năm 2008 là một năm khá kỳ lạ và đặc biệt của loài người. Nửa năm đầu, cả nhân loại thăng hoa với các chỉ số chi tiêu mà ngay cả các chiến lược gia kinh tế cũng phải bàng hoàng. Nửa năm cuối, quả bóng phát triển, ổn định bị lưỡi dao oan nghiệt của khủng hoảng đâm thủng nhanh đến nỗi hàng ngàn đại gia bị phá sản rồi, vẫn chưa lý giải nổi hai chữ “tại sao”. Bất ổn và đổi thay còn chóng mặt hơn cả sự thay đổi của những đám mây. Không phải ngẫu nhiên mà người Nhật lại chọn từ “thay đổi” (kanji) là từ của năm, vì B. Obama đã chiến thắng đối thủ bằng chính từ này (change)...

  • Bạn đọc thân mến! Hiệp hội Đo lường Thời gian quốc tế đã quyết định kéo dài thời gian của năm 2008 thêm 1 giây, và chúng ta đã chờ thêm 1 giây để đón chào năm mới. Sau thời khắc 23 giờ 59 phút 59 giây của ngày 31.12.2008, không phải là giây đầu tiên của năm mới mà phải sau thời khắc 23 giờ 59 phút 60 giây cùng ngày, năm 2009 - năm lẻ cuối cùng của thế kỷ 21, mới chính thức bắt đầu. Nhân loại đã có thêm một giây để nhìn lại năm cũ và bước sang năm mới. Và trong một giây thiêng liêng ấy, chắc chắn nhiều ý tưởng sáng tạo đã xuất hiện, nhiều tác phẩm nghệ thuật vừa hoàn tất, âm tiết cuối của câu thơ cuối một bài thơ vừa được nhà thơ viết xong và buông bút mãn nguyện. Cùng với ly rượu vang sóng sánh chúc mừng năm mới được nâng lên, cái đẹp, cái cao cả tiếp tục xuất hiện để phụng sự nhân loại và chắc chắn, những nụ hôn của tình yêu thương đã kéo dài thêm một giây đầy thiêng liêng để dư vị hạnh phúc còn vương mãi trên môi người.

  • Tham luận tại cuộc tọa đàm “Văn học trẻ Huế- nhìn lại và phát triển” của nhà thơ trẻ Lê Vĩnh Thái: "một lần ngồi uống cà phê tôi được một nhà thơ, người anh trong Hội thống kê về đội ngũ sáng tác trẻ nữ của cố đô Huế chỉ có vỏn vẹn chưa đầy 5 người mà tuổi đã ngoài 30, còn tuổi từ 20, 25 đến 30 thì không thấy!?... "

  • Từ cuối tháng 6. 2008, trên mạng Internet, cùng lúc có những bài viết về nhiều nhà văn, nhà thơ ở Huế như Hoàng Phủ Ngọc Tường, Nguyễn Đắc Xuân, Nguyễn Khoa Điềm, Trần Vàng Sao, Tô Nhuận Vỹ và ở Quảng Trị, Quảng Bình. Các bài viết được đăng tải trên các báo điện tử nước ngoài (hoặc sách in ra được các tờ báo đó đưa lên mạng), cả trên tờ báo của một tổ chức chống nhà nước Việt Nam cực đoan nhất, và trên blogs của một số nhà văn trong nước (được một số báo điện tử nước ngoài nối mạng sau đó). Mục đích khác nhau nhưng các bài đó, tạm xếp vào hai loại, có một điểm giống nhau: DỰNG ĐỨNG những sự kiện của cuộc đời và hoạt động của các nhà văn nhà thơ này.