Những người bạn chăn trâu

14:47 01/11/2019

PHI TÂN  

Hồi trước, khi làng xã tôi còn đoàn đội tập thể hay hợp tác xã sản xuất nông nghiệp thì đàn trâu ở làng cũng của hợp tác luôn. Trâu được các hộ xã viên nhận về nuôi để ăn chia công điểm. Nhà mô có nuôi trâu thì con cháu trong nhà phải nghỉ học sớm để chăn trâu hàng ngày.

Ảnh: internet

Người đi chăn trâu gọi theo tiếng địa phương là chự trâu (giữ trâu) riêng trẻ con đi chăn trâu ở làng tôi còn gọi là đồ trâu. Ở xóm Kế của tôi có đến gần chục đứa con nít đi chăn trâu. Vừa rồi về quê, gặp một người bạn từng là đồ trâu một thuở đã nhắc tôi kể lại những chuyện chăn trâu cắt cỏ một thời... Người bạn đồ trâu đầu tiên của tôi là chú Thìn. Chú tuổi Thìn hơn tôi 9 tuổi. Khi chú chăn trâu thì tôi mới lên 6 tuổi. Nhà chú Thìn ở bên kia đường lối của xóm, cách nhà tôi khoảng 20m. Con trâu của chú Thìn là con trâu Rầy nhỏ con nhưng khôn ngoan và rất biết nghe lời chủ. Những buổi trưa hè, khi chú Thìn cột trâu nghỉ ở ngã ba đầu xóm dưới mấy bụi tre cán giáo. Lũ con nít chúng tôi vẫn thường xuống bỏ cỏ cho con Rầy ăn rồi dùng nhánh cây đuổi ruồi cho nó. Chú Thìn chỉ cần nói: “Nẹp đi Rầy!” là con Rầy ngoan ngoãn, quỳ hai chân trước rồi nằm xuống cho mấy thằng con nít trong xóm ngồi lên lưng chơi.

Lần đầu tiên tôi được ngồi lên lưng cưỡi trâu là ngồi lên lưng con Rầy. Bữa đó, chú Thìn nổi hứng nói mi ưa cưỡi trâu ra rào tắm khôn? Tất nhiên là tôi đồng ý ngay lập tức. Tôi được ngồi trước, chú Thìn ngồi sau ôm chặt tôi, ban đầu thì cho con Rầy đi chậm, sau đó chú dùng roi thúc cho con Rầy lao nhanh trên con đê từ cánh đồng làng ra sông Ô Lâu. Khỏi nói cảm giác khoái chí của tôi lúc đó. Tôi ngửa mặt lên trời hứng gió và hét thiệt to giữa đồng làng trong tiếng cười khoan khoái của chú Thìn... Chú Thìn được ba tôi tin tưởng giao trông coi giúp anh em tôi mỗi lần tôi xin được đi ra sông hay vô độn cát chơi. Có lần, có đoàn hát Bội Thanh Bình về diễn dưới chợ Biện làng Thế Chí Tây, anh em tôi được ba tôi đồng ý cho đi coi với chú Thìn. Ba chú cháu ăn cơm tối sớm và cuốc bộ gần năm cây số mới tới điểm hát Bội. Chú Thìn hai tay hai bên cầm chặt tay hai anh em chúng tôi nhưng đến đoạn chen lấn vô cổng thì tôi bị sổng và lạc vào đám đông. Phải gần 15 phút sau chú Thìn mới tìm ra tôi, chú vừa tức mình lại vừa tức tôi: “Tau nói rồi phải nép sát vô người tau chơ. Mi mà đi lạc thì tau ăn nói với ba mi răng”. Nộ xong một hồi chú lại thấy tội cho đứa nhỏ là tôi nên móc túi lấy mấy hào mua cho anh em tôi mấy cái kẹo cau để vừa ăn vừa coi Phạm Công Cúc Hoa. Đến đoạn mẹ Cúc Hoa hiện hồn về gặp hai anh em Nghi Xuân - Tấn Lực, tôi sợ quá cúi mặt không dám coi. Chú Thìn nói coi hát Bội mà sợ chi mi; tôi liếc qua chú thấy chú đang chảy nước mắt...

Chú Thìn bỏ quê đi mấy chục năm rồi. Cái vườn nhà cũ của chú cũng đã bán cho chủ mới từ lâu. Nhớ có lần, chú đi Quy Nhơn thăm nhà ông cậu của chú ở trong đó. Chừng mười ngày nửa tháng thì về nhưng chú lại “giả dọng Dinh”. Dắt trâu đi qua đám ruộng của bác Chiu đang xuống cấy, chú nói vui “Ruộng chưa cuốc mà đã cái (cấy)”. Bác Chiu đang cày ruộng vừa tức cười vừa bực vì mệt, nộ chú một tăng: “Mi đừng có giả giọng lung tung thằng Thìn, tau lên tau đá cho xuống bờ chừ...”. Chuyện về chú Thìn thì nhiều lắm. Nhưng tôi nhớ nhất là có thời gian chú làm thầy bói. Khi đó chú đã nghỉ chăn trâu, trong cơn túng thiếu chú nghĩ ra cách coi bói để kiếm tiền. Chú cũng lập một cái am thờ, cũng lên đồng như một thầy bói rành nghề. Rứa mà không ít người trong làng tôi và cả làng trên làng dưới đều tới để chú coi bói. Không biết chú nói cái chi nhưng cũng có người khen thầy Thìn coi hay. Được mấy ngày, chú Don phó du kích xã dẫn người lên dở am đòi bắt chú. Không biết căn cớ răng, vừa khi dở cái am thì chú Don lên cơn đau bụng. Rứa là chú Thìn nói thánh thần bắt mấy đứa không biết chi mà làm tầm bậy. Chú coi bói cũng chừng một tháng thì ba tôi lên nói chuyện tâm tình với chú Thìn. Ông quá biết tính nết của chú, biết rõ chú Thìn bày trò nên khuyên giải nhẹ nhàng. Rứa là sau đêm đó, chú Thìn lặng lẽ dở am không hành nghề bói toán nữa.

Chú Thìn là lứa chăn trâu của hợp tác xã đầu tiên ở xóm tôi. Sau chú Thìn, xóm Kế của tôi có thêm anh Thịnh ở đầu xóm, anh em thằng Lợi ở giữa xóm và ở cuối xóm sát chân độn cát có anh Cu nữa. Anh Thịnh “Pháp” cao to quê ở làng Hương Lâm nhưng về làng ngoại ở với ông bà ngoại và chăn trâu. Buổi sáng anh Cu ngồi trên lưng con Ve đi xuống xóm, thằng Lợi cũng mở cửa chuồng trâu dắt con Vồ và anh Thịnh dắt con Thỏ đi ra ngã ba. Đàn trâu của xóm tôi thong thả đi xuống xóm kêu lên mấy tiếng tìm bầy và xuống cánh đồng làng nhập bầy với mấy con trâu của các xóm khác. Trong nhóm đồ trâu, anh Thịnh luôn là người nói nhiều nhất và cũng là người có nhiều chiêu trò nhất. Câu vè mà anh Thịnh thích đọc là “Mồng năm ngày tết ăn chơi- Ba thằng chự vịt mang tơi lè kè”. Có thể hiểu nôm na ý của câu này là nghề chăn trâu vẫn sướng hơn nghề chăn vịt, những ngày tết có thể cột trâu trong chuồng cho ăn cỏ để đi chơi, chứ chăn vịt thì phải thả đồng hàng ngày... Thực ra hồi đó đồ trâu sướng nhất là những ngày mùa. Buổi sáng thả trâu ra mấy cánh đồng lúa mới gặt xong, buổi chiều thì dẫn trâu tới mấy nhà trong đội để trâu đạp lúa. Đồ trâu cũng được chủ nhà mời ăn bữa lỡ rồi cả cơm tối như mấy bạn gặt. Khi trâu đạp lúa thì mấy thằng ngồi lại với nhau ở mấy đám rơm khô trạo miệng. Thường thì có những cuộc cại chắc (cãi nhau) không đầu không cuối giữa anh Thịnh với anh Cu. Như có lần anh Cu nghe ai nói đó là có nước Nhựt Bổn, anh Thịnh cãi phăng là làm chi có nước như rứa chỉ có nước Nhật Bản thôi. Chẳng ai chịu ai, đến khi hai anh dẫn con Ve và con Thỏ đến sân nhà tôi để đạp lúa, anh Thịnh mới kêu tôi ra nói mi đi học có nghe thầy cô dạy nước Nhựt Bổn không? Tôi lắc đầu nói chỉ có nước Nhật Bản rứa là anh Thịnh được nước nói anh Cu nói tầm bậy tầm bạ.

Cũng cần nói về con Ve của anh Cu một chút. Đó là một con trâu khôn và hiền. Cả đội tôi ai cũng thích con trâu ni vì nó cày bừa hay đạp lúa đều giỏi cả. Trên sừng nó không biết ai khắc con số 25 khá rõ. Con Ve lại được anh Cu chăm sóc chú đáo nên béo tròn và đen nháy. Có một điều lạ là ngoài anh Cu và mấy bạn đồ trâu, con Ve không chịu bất cứ ai ngồi trên lưng mình cả. Nó cũng chẳng thích đánh nhau, thấy con Cui hay con Ve ôn Thạc là nó te cò bỏ chạy... Có lẽ con Ve hiền là do chủ nó cũng hiền. Anh Cu ít khi tham gia vô mấy vụ bẻ chuối, moi khoai trộm vặt như mấy bạn đồ trâu khác. Cãi nhau với anh Thịnh thì hay thua mà thua thì cười chứ không cay cú chi cả. Mỗi lần chia phe chơi “lính đi lính bắn” anh Thịnh trưởng một nhóm, anh Cu trưởng một nhóm thì anh Thịnh khi mô cũng to mồm hơn. Nhưng khi anh Cu nổi giận cự lại thì anh Thịnh có vẻ sợ... Tôi không nhớ là anh Cu nghỉ chăn trâu năm mô, chỉ nhớ là con Ve của anh già và đổ gục trong một đêm lạnh thấu xương và từ đó anh Cu không chăn trâu nữa vì anh thương con Ve. Anh Thịnh lớn lên cũng trở về quê cũ với cha mẹ. Bây chừ anh Thịnh đã định cư ở Mỹ. Còn anh Cu, tôi nhớ khi còn sinh viên, một ngày cuối tuần về nhà nghe mẹ tôi nói: Chú Cu đi đãi vàng trong Tây Nguyên bi sập hầm nên mất rồi, tội nghiệp bữa trước chú xuống nhà mình chơi nói chuyến ni em đi về là lo cưới vợ...

Nhà bác Toàn ở cạnh nhà tôi có đến 8 đứa con. Bác đặt tên con thiệt hay: Toàn Dân Hạnh Phúc Thắng Lợi Vinh Quang. Nhưng đó là tên đi học, chứ tên tục ở nhà thì vô cùng xấu đúng theo kiểu người nhà quê ngày trước đặt tên xấu cho con để mong con cái không bị thần linh quở trách. Thằng Thắng và thằng Lợi trạc tuổi với tôi có tên tục là Địt và Ẻ. Hai thằng lớn lên đi học cỡ lớp 3 lớp 4 chi đó thì nghỉ học để chăn trâu. Tôi vẫn còn nhớ cái chuồng trâu của nhà bác Toàn ở ngay cạnh ngõ vô nhà bác. Nhưng không nhớ những con trâu mà anh em thằng Lợi được đặt tên là chi. Có điều tôi vẫn còn nhớ cảnh con trâu cái của thằng Lợi đẻ vào một buổi chiều. Con nghé vừa lọt lòng mẹ đã biết tự đứng lên tìm tới trâu mẹ để bú sữa... Có lẽ nhà bác Toàn nuôi trâu lâu nhất ở xóm tôi khi mà hợp tác xã khoán trâu cho nhóm hộ xã viên rồi sau đó bán cho xã viên thì bác Toàn vẫn còn nuôi trâu... Anh em thằng Lợi chăn trâu cắt cỏ và rành rẽ nhiều chuyện từ tát cá đến bắn chim. Có những ngày hai anh em dắt trâu đi đến chiều tối về không thèm ăn cơm vì đã quá no với những trái củ đã hái lượm được ngoài đồng hay trên rú cát.

Thằng Lợi hơn tôi một tuổi nhưng lại học sau tôi một lớp và cũng nghỉ học sớm. Hồi nhỏ nó nói ngọng và rất thích đi đập bậy. Cũng chẳng ai dạy cả nhưng thằng Lợi có cú ra chân rất lợi hại, cái chân nó vung thẳng đứng lên tận mặt đối thủ. Nó lại có máu liều. Mỗi lần xung trận thằng Lợi đều phát câu cửa miệng tục tĩu và lao vô đánh. Hắn hứng vài cú đấm của đối phương rồi bất ngờ vung chân đá trúng mặt địch thủ một cách bất ngờ, rứa là thắng trận. Nhưng cũng có những lần thằng Lợi thất trận. Lần thứ nhất là cuộc chạm trán với con Thủy ở xóm Khe. Cũng như mọi lần vô trận hắn mạnh mẽ câu cửa miệng “… ết ôi” (… chết thôi) nhưng chỉ nói được một lần là thằng Lợi khựng lại vì đối thủ là con gái. Nó cũng không sử dụng cú đá thần sầu như thường lệ rứa là thằng Lợi bị con Thủy xung vô cào cấu túi bụi và đành lên tiếng “ĐMua”. Chứng kiến trận thua này tôi biết là do thằng Lợi không muốn ra đòn với con gái. Lần thứ hai là cuộc chạm trán với thằng Chiến cũng là người trong xóm Kế. Thằng Chiến vốn to khỏe nhưng lại không có những cú ra đòn như thằng Lợi. Vì đó trước khi vô trận hai thằng giao ước là chỉ chơi đập chứ không vật. Nhưng khi xung trận thằng Chiến lật kèo vật thằng Lợi xuống đường dùng 2 chân kẹp cổ không cho nhúc nhích chi được. Thằng Lợi thua ức lắm.

Tôi là hàng xóm nên chơi khá thân với anh em thằng Lợi. Mỗi lần hai thằng hái được mấy trái cây dại ngon tôi cũng được chia phần. Rồi có mấy lần tôi đi theo anh em thằng Lợi ra thả trâu ở các bãi cỏ ven biển, xin khoai của người ta lấy củi khô đốt nướng ăn. Những củ khoai nướng ở những đống củi giữa cát vừa cháy sém vỏ là lấy ra thổi ăn răng mà ngọt bùi đến thế! Bù lại thỉnh thoảng tôi phải đưa sách kể chuyện đọc cho chúng nó nghe. Tuổi thơ thân thiết là vậy nhưng chừ lại ít gặp nhau. Thằng Lợi lấy vợ ở ngoài xóm rú Trụ Sơn cung cúc làm ăn ít giao du với ai. Thằng Thắng lận đận tình duyên nên tính tình trái gió trở trời… Bây chừ về làng tôi vẫn thấy đàn trâu của nhà ai nhởn nhơ gặm cỏ trước cánh đồng làng nhưng tôi phóng mắt tìm mãi, tìm mãi chẳng thấy bóng mục đồng mô cả.

P.T  
(SHSDB34/09-2019)



 

 

Đánh giá của bạn về bài viết:
0 đã tặng
0
0
0
Bình luận (0)
  • Báo Tin Tức Chúa Nhựt, 3.11.1940 mở đầu bằng mấy hàng như sau: “Hai mươi chín tháng Chín Annam (20 Octobre 1940). Thêm một ngày đáng ghi nhớ. Một người đã mất: cụ Sào Nam Phan Bội Châu

  • Với giọng văn sinh động, pha chút hài hước, hình minh họa ngộ nghĩnh, phù hợp với lứa tuổi học trò: “Chuyện kể về thầy trò thời xưa”, “Những tấm lòng cao cả” hay bộ văn học teen “Cười lên đi cô ơi”… sẽ đem đến cho độc giả nhiều cung bậc cảm xúc và hoài niệm.

  • Trong tất cả các Ni sư Phật giáo mà tôi được biết và chịu ơn hoằng pháp vô ngôn, có lẽ người gần gũi với tôi nhất trong đời là Cố Đại Trưởng lão Ni chúng – Sư Bà Cát Tường - nguyên trụ trì chùa sư nữ Hoàng Mai ở Thủy Xuân – Huế.

  • LTS: Nhà thơ, nhà văn Thanh Tịnh năm 78 tuổi sức khỏe không còn như buổi thanh niên, nhưng ngòi bút của ông vẫn còn cái sung sức của một người đã từng yêu du lịch và làm nghề hướng dẫn khách du lịch toàn Đông Dương. Xin trân trọng giới thiệu với bạn đọc những trang hồi ký đầy lý thú của Thanh Tịnh.

  • NGUYỄN XUÂN HOA

    Tôi không có dịp được học với thầy Phạm Kiêm Âu, người thầy nổi tiếng ở Huế, nhưng lại có cơ duyên cùng dạy ở trường nữ trung học Đồng Khánh với thầy trong các năm 1974 - 1975.

  • Vậy là nhà thơ Phạm Ngọc Cảnh đã về cõi thiên thu giữa một sáng mùa thu Hà Nội lay phay gió mù u!...Trước khi chưa kịp được vuốt mắt, dường như đôi đồng tử của ông vẫn còn lưu giữ lại hình ảnh đau đáu về con sông Cụt quê nhà.

  • Với một tướng lãnh võ biền, thì mục tiêu cuộc dẹp loạn là đánh tan loạn quân, rồi ca khúc khải hoàn, ăn mừng chiến thắng.

  • PHÙNG TẤN ĐÔNG

    Đời của nó như thể bềnh bồng
    Cái chết của nó như thể an nghỉ

                               F.Jullien
    (Dẫn nhập cuốn “Nuôi dưỡng đời mình - tách rời hạnh phúc” - Bửu Ý dịch, 2005)

  • THANH TÙNG

    Hiệp định Genève ký kết, sông Bến Hải tưởng chỉ là giới tuyến tạm thời, không ngờ đã trở thành ranh giới chia cắt đất nước Việt Nam hơn 20 năm. Nỗi đau chia cắt và biết bao câu chuyện thương tâm, cảm động đã diễn ra ở đôi bờ Hiền Lương kể từ ngày ấy. Nhiều cuộc tình đẫm máu và nước mắt. Có những đôi vợ chồng chỉ ở với nhau đúng một đêm. Có người chồng Bắc vợ Nam, khi vợ được ra Bắc thì chồng lại đã vào Nam chiến đấu, đời vợ chồng như chuyện vợ chồng Ngâu.

  • Thưởng thức là ngưỡng cửa của phê bình. Chưa bước qua ngưỡng cửa ấy mà nhảy vào cầm bút phê bình thì nhất định mắc phải những sai lầm tai hại. Không còn gì ngượng bằng đọc một bài người ta đem dẫn toàn những câu thơ dở và những câu ca dao dở mà lại đi khen là hay”. (Vũ Ngọc Phan, trích từ Hồi ký văn nghệ, tạp chí Văn Học, Hà Nội, số 4 năm 1983, trang 168).

  • VƯƠNG TRÍ NHÀN

    I
    Hè phố Hà Nội vốn khá hẹp, chỉ có điều may là ở cái thành phố đang còn lấy xe đạp làm phương tiện giao thông chủ yếu này, người đi bộ có phần ít, phía các phố không phải phố buôn bán, vỉa hè thường vắng, bởi vậy, nếu không quá bận, đi bộ lại là cái thú, người ta có thể vừa đi vừa nghỉ, thoải mái.

  • Gặp người thư ký của cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng năm xưa, tôi có dịp biết thêm những tình tiết mới quanh câu chuyện hơn 30 năm về trước khi tiểu thuyết “Búp sen xanh” của nhà văn Sơn Tùng được tái bản lần đầu.

  • THẾ TƯỜNG
                   

    "Quê hương là chùm khế ngọt
    cho con trèo hái cả ngày"

  • Một nhà báo Pháp sắp đến Việt Nam để tìm lại một di sản chiến tranh, nhưng ở một khía cạnh nhân văn của nó - đó là những con người, địa điểm từng xuất hiện trong các bức ảnh mà nữ phóng viên chiến trường nổi tiếng Catherine Leroy ghi lại trong cuộc tấn công Mậu Thân vào thành phố Huế. 

  • Thanh Minh là bút danh chính của Nguyễn Hưu(1), người làng Yên Tập, tổng Phù Lưu, huyện Can Lộc, nay là xã Tân Lộc, huyện Lộc Hà, tỉnh Hà Tĩnh.

  • LTS: Nhà văn Lan Khai tên thật là Nguyễn Đình Khải, sinh năm Bính Ngọ 1906 ở Tuyên Quang, song lại có gốc gác dòng họ Nguyễn ở Huế. Ông nổi tiếng trên văn đàn Việt Nam từ những năm 1930 - 1945, được mệnh danh là “nhà văn đường rừng”, để lại hàng trăm tác phẩm văn học, trong đó có gần 50 cuốn tiểu thuyết.

  • Thực tế lịch sử gần 70 năm qua đã khẳng định rằng Cách mạng Tháng 8 năm 1945 và sự ra đời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa là kết quả của hành trình 30 năm tìm đường cứu nước của Bác Hồ và là kết quả tất yếu từ công lao to lớn của Bác chuẩn bị cho việc tiến hành cuộc cách mạng giải phóng kể từ ngày Bác về nước.

  • Tháng Bảy âm. Tháng cô hồn. Mồng một âm đã rả rích mưa báo hiệu cho một tháng âm u của Tiết Ngâu. Sắp rằm, tâm trí chợt như hửng ấm khi tiếp được cái giấy Hà Nội mời dự lễ khánh thành nhà bia và Khu tưởng niệm đồng bào ta bị chết đói năm 1945. Chợt nhớ, công việc này đã manh nha từ hơn mười năm trước…

  • LTS: Nguyễn Hưu, bút danh Thanh Minh, sinh năm 1914, quê huyện Can Lộc, hoạt động báo chí và văn học từ những năm 1934 - 1935. Ông là nhà báo, nhà thơ, dịch giả Hán - Nôm, nhà nghiên cứu văn hóa dân gian, nhà quản lý văn hóa văn nghệ có nhiều thành tựu và cống hiến. Ông là Hội trưởng Hội văn nghệ Hà Tĩnh đầu tiên. Nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh của ông [21.8], VHNA sẽ lần lượt đăng một số bài viết về ông.

  • Vùng quê nghèo chúng tôi nằm sát chân núi Hồng Lĩnh có Hàm Anh (nay là xóm 1 xã Tân Lộc) từng sản sinh ra một Tiến sĩ xuất thân Đệ nhị giáp (Hoàng giáp) (1499) đời Lê Hiến tông tên là Phan Đình Tá (1468-?)