Những kỷ niệm từ họa sĩ Đinh Cường

09:13 27/01/2016

PHAN NGỌC MINH

1. Năm 2004, tôi triển lãm tranh tại Foyer du Vietnam - Paris, do ông Võ Văn Thận, là nhà thơ kiêm phụ trách quán bảo trợ. Tại đây tôi đã gặp gỡ được nhiều bạn bè Việt Pháp, trong không khí thân thiện ấm áp… 

Họa sĩ Đinh Cường và họa sĩ Phan Ngọc Minh

Nhưng có một kỷ niệm không bao giờ quên ở đó là một cú điện từ Mỹ gọi đến, người đầu dây tự giới thiệu là họa sĩ Đinh Cường, anh nói: “Nhà phê bình Đặng Tiến báo tin, mình gọi để chúc mừng triển lãm tranh của bạn…”. Dù trước đó, tôi chỉ biết tên tuổi anh qua thông tin tác phẩm chứ chưa quen biết hay gặp gỡ bao giờ, nhưng anh nói chuyện, hỏi thăm kết quả về triển lãm, rất là thân thiện như đã quen nhau từ lâu rồi. Và từ đó, chúng tôi trở thành bạn thân thiết.

2. Trong lần triển lãm tranh ba tác giả (Đinh Cường, Hoàng Đăng Nhuận và Phan Ngọc Minh) tại Gallery Chiêu Ê, Huế (2010), có vài người bạn từ Hà Nội vào dự khai mạc triển lãm, đã chọn mua bức chân dung sơn dầu Trịnh Công Sơn, nhờ tôi hỏi giá để xin gửi tiền cho anh. Sau đó, anh đã giao bức tranh cho khách với giá rất đặc biệt tình thân.

Tháng 11/2013, triển lãm tranh Đinh Cường và tôi, tại Gác Trịnh, trên đường Nguyễn Trường Tộ (Huế), tôi giới thiệu hai người bạn yêu tranh tại Đà Nẵng là cô Hồng Nga và anh Tống Văn Thụy. Sau khi xem ảnh (vì không ra dự khai mạc được) chọn tranh, mỗi người lấy một bức. Hai người liên hệ để nhờ tôi chuyển đúng số tiền đề trong bảng giá. Anh bảo bạn của Minh quá tuyệt vời! Cho mình giảm các bạn một ít, để khuyến khích các bạn tiếp tục sưu tập tranh anh em.

3. Đâu hơn 10 năm trước, nhân một lần về Việt Nam, anh và vài người bạn trên đường từ Huế về lại Sài Gòn, ghé lại Đà Nẵng thăm bạn bè, chúng tôi hẹn gặp nhau tại một quán bar. Đây cũng là lần đầu tiên anh và tôi gặp nhau, trong ly bia thân tình, dù vội vã, anh tranh thủ nhờ tôi đưa đi thăm nhà văn Nguyễn Văn Xuân. Hôm đó, thầy Xuân (tên thân mật anh em thường gọi), dù đang nằm trên giường bệnh nhưng gặp lại bạn cũ, thầy hớn hở vô cùng. Anh thăm hỏi, tặng quà và chụp ảnh lưu niệm rồi chia tay trong niềm xúc động lưu luyến.

Kỷ niệm với anh Đinh Cường còn rất nhiều điều để nói. Chẳng hạn một lần cùng anh thăm nhà văn nữ Quế Hương, hẹn cà phê. Trong khoảnh khắc gặp bạn cũ tình thân từ thời ở Huế, gặp lại, anh không nói gì nhiều, vội vã lấy giấy bút vẽ chân dung bạn, không chỉ vẽ Quế Hương mà cả phu quân của nhà văn nữa. Hay một lần khác, trở lại Đà Nẵng, cùng anh đến thăm nhà bạn Nguyễn Quang Chơn - một người yêu và sưu tập tranh Đinh Cường - có vài bạn văn nghệ đến chung vui, gồm Trần Phương Kỳ (nhà nghiên cứu ChămPa), nhà văn Trần Trung Sáng, anh cũng vẽ chân dung hai người thân yêu nhất của gia đình bạn mình. Đó là hai bức chân dung tặng bạn, đẹp để đời.
 

Bùi giáng Đà lạt. Tranh Đinh Cường

4. Anh gửi tặng rất nhiều thứ ấn tượng,  nhất là tập album tranh in màu rất đẹp, gồm khoảng 30 bức tranh vẽ chân dung Bùi Giáng, có in dòng đề: “Đinh Cường vẽ Bùi Giáng”. Bức vẽ ở trang đầu tiên, ký Bùi Giáng buồn… (1972), Bùi Giáng Sài gòn (1982), Bùi Giáng Đà lạt (1992),… cho đến Bùi Giáng chết (1998). Có lẽ đây là series tranh chân dung đẹp nhất vẽ về Bùi Giáng - một thi sĩ quái kiệt của Sài thành một thời. Tập tranh chân dung này sau đó đã đăng trên một số tờ báo uy tín trong nước.

Cào lá ngoài sân đêm là tập thơ của Đinh Cường, do Thư Ấn Quán in tại Hoa Kỳ 2014, sách dày trên 150 trang, in thơ và nhiều phụ bản chân dung của thân hữu văn nghệ do anh vẽ: Thanh Tâm Tuyền, Phạm Công Thiện, Nguyễn Đức Sơn, Trịnh Công Sơn, Bửu Ý, Ngọc Dũng, Trần Vàng Sao, Bửu Chỉ, Lê Khắc Cầm, Lê Uyên Phương,…

Và gần đây nhất, anh gửi tặng tôi tập sách Đi vào cõi tạo hình do Văn Mới xuất bản năm 2015, in tại Mỹ, là tập khảo luận mỹ thuật, viết về các họa sĩ, nhà điêu khắc nổi tiếng, phần lớn xuất thân từ trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương như: Lê Phổ, Mai Thứ, Nguyễn Gia Trí, Nguyễn Đỗ Cung, Bùi Xuân Phái, Tôn Thất Đào, Lê Văn Đệ, Văn Đen, Tạ Tỵ, Võ Đình, Điềm Phùng Thị,… Đây là tập sách rất cần thiết, góp thêm phần tư liệu về những họa sĩ ưu tú của mỹ thuật Việt Nam thế kỷ 20.

Một người bạn thân của Đinh Cường, điêu khắc gia Phạm Văn Hạng đã nhận xét: “Đinh Cường là một nghệ sĩ tài danh, sống hết mình với nghề, sống đẹp với bạn bè, là một - người - hiền”.

Đúng như vậy! Đinh Cường không chỉ để lại hàng ngàn họa phẩm cho đời. Ông còn làm thơ, viết báo, tiểu luận hội họa, tạp ghi về bằng hữu, đã đăng trên nhiều báo, tạp chí trong và ngoài nước; và hơn thế nữa, ông là một nghệ sĩ dấn thân đích thực, sống trọn đạo với nghề, đã Sáng tạo và Hiến dâng.

Tôi tin rằng những gì anh đã để lại cho đời, trong lòng bằng hữu bè bạn và công chúng yêu nghệ thuật sẽ là những kỷ niệm đẹp mãi mãi không thể nào mờ phai được.

Cuối đông, 09/01/2016
P.N.M  
(SH324/02-16)

 

 

Đánh giá của bạn về bài viết:
0 đã tặng
0
0
0
Bình luận (0)
  • THANH THẢO

    Thì cũng là chuyện lang thang cơ nhỡ thôi, nhưng đây là lang thang vào một tạp chí văn học, và cơ nhỡ “gửi” một ít bài thơ của mình.

  • NGUYỄN  HỮU TẤN
               Bút ký dự thi

    Mỗi khi nhớ tới câu hát “thường những buổi trưa buồn hỏi mình khe khẽ… con đường nào, con đường nào dẫn đến những ngày xưa” thì trong lòng lại nghe nhớ huyễn hồ tàn xanh mát rượi mấy con đường ở Huế.

  • NGUYỄN ĐÌNH BẢY
    (Nguyên Giám đốc Sở Công an TT Huế kể)

    NGUYỄN QUANG HÀ ghi
                                  Hồi ký

  • Kỷ niệm 50 năm ngày thành lập Công an nhân dân

    NGUYỄN QUANG HÀ

  • NGUYỄN QUANG HÀ
                        Ghi chép

    Tôi nhớ làm lòng, như một quyển sách hay gối trên đầu giường, về kỷ niệm trở về mảnh đất xưa đã từng nuôi chúng tôi thời chiến tranh.

  • TRẦN BĂNG KHUÊ

              Bút ký dự thi

  • TÔ NHUẬN VỸ

    Cứ sắp đến Tết và vào những ngày Tết người ta hay bàn soạn và bàn luận về các món ăn, về sự ăn uống ngày Tết. Không có ăn thì chẳng còn là ăn Tết mà.

  • VÕ MẠNH LẬP

    1. Trong huyết mạch giao thông quốc lộ có hai cái đèo chắn ngang dải đất miền Trung như những bức tường để phân định địa giới của Bình Trị Thiên, đó là Đèo Ngang nằm vắt qua dãy núi Hoành Sơn và đèo Hải Vân cắt ngang dãy núi Bạch Mã nằm ở phía Nam từng được mệnh danh Thiên hạ đệ nhất hùng quan.

  • TRANG THÙY
           Bút ký dự thi

    Mạ tôi kể rằng, mạ theo học nghề hương từ lúc mới 10 tuổi ở chùa Tường Vân. Do thương mạ chăm chỉ chịu khó mà không biết chữ nên mạ vừa được dạy nghề làm hương vừa được Hòa thượng Thích Chơn Trí dạy cho biết chữ.

  • LINH THIỆN

    Thấm thoắt mà đã bốn mươi năm, kể từ ngày ba chở tôi đi thi đại học trên chiếc xe đạp cọc cạch. Hồi ấy, rất ít người có xe máy.

  • HÀ KHÁNH LINH

    Một ngày vào hạ tuần tháng 5.1983 có một sự kiện làm cho giới văn nghệ sĩ, báo chí, và những người quan tâm đến đời sống văn hóa văn nghệ lấy làm hoan hỉ phấn chấn, đó là sự ra đời của Tạp Chí Sông Hương số 1 phát hành trên phạm vi cả nước.

  • ANH THƠ
              Hồi ký (trích)

    "Tiếng chim tu hú" là tập II của "Từ bến sông Thương” - hồi ký dài của Nữ sĩ. Tác phẩm này sẽ ra mắt bạn đọc một ngày sắp tới. Đoạn dưới dây là các chương 3 và 4 của phần "Đường lên xứ Lạng”.

  • VÕ MẠNH LẬP

    Quê hương của cựu chiến binh Huỳnh Hồng ở Thừa Thiên Huế, nhưng sau ngày nghỉ hưu, anh lập gia đình và định cư ở Đà Nẵng.

  • TẾ HANH

    Trước Cách mạng tháng 8-1945 tôi chỉ gặp Thanh Tịnh có một lần mặc dầu tôi sống đến 8 năm ở Huế và Thanh Tịnh là một nhà văn nổi tiếng sinh trưởng ở Huế.

  • HÀ KHÁNH LINH

    Những ngày nửa đầu tháng 12/2021 dư luận rộ lên sự cố Quốc Ca Việt Nam bị tắt tối 6/12/2021 khi chuẩn bị khai trận bóng đá tuyển Việt Nam với tuyển Lào vòng bảng AFF Cup 2020 - vì vấn đề… bản quyền (!)…

  • L.T.S.: Một nét đặc trưng của đời sống văn hóa đô thị nói chung là sự hiện diện những tổ chức văn hóa nghệ thuật tự nguyện: nhóm, hội, thi xã, tao đàn v.v...

  • NGUYỄN ĐẮC THÀNH

    Tết ở quê, người làng luôn tự túc mọi thứ. Giản đơn, bình dị, không khoa trương, nhưng luôn đem lại một không khí rất khác, ấm cúng, sum vầy.

  • NGUYỄN ĐÌNH HỒNG

    Tiếng súng của Nam Bộ - Sài Gòn đi đầu chống thực dân Pháp làm nức lòng cả nước, sôi sục căm thù bọn xâm lược.