Những góc nhìn về 'Tùng gai'

09:31 26/06/2015

HOÀNG THỤY ANH

Mùa hè treo rũ
Trong cái hộp hai mươi mét vuông
Ngổn ngang màu
Ký tự chen chúc như bầy ngỗng mùa đông
Ngày lên dây hết cỡ
                            Chật
Dâng đầy lên ngực
Chuông nhà thờ chặt khúc thời gian

 

Không gian, thời gian, vạn vật đều trong trạng thái ngột ngạt, chật chội, bức bách như sợi dây đàn căng hết cỡ. Trạng thái ấy tạo sinh những đối cực: sinh - tử, mặt đất - bầu trời; ánh sáng - bóng tối; khổ đau - hân hoan,... và làm nên vùng thẩm mĩ riêng cho Tùng gai(*) của Bạch Diệp. Chị chấp nhận hai mặt của cuộc đời, phóng chiếu chúng thành cảm hứng sáng tạo, bày tỏ nỗi niềm và lí tưởng nghệ thuật bằng những cảm xúc dạt dào, nữ tính.

1.

Tùng gai là tiếng nói trải lòng về tình yêu, hạnh phúc, cuộc sống. Những câu thơ đi ra từ trái tim sẵn sàng chấp nhận sự đày ải vừa run rẩy vừa dữ dội. Tình yêu mãnh liệt ấy nhập vào câu chữ nó bồi đắp nên nhiều câu thơ hay, ray rứt, thổn thức, với ngôn ngữ tượng hình đẹp và buồn: Những vệt buồn chảy trên tấm toan mùa đông; Ngày vội vã che ngực áo tiếng thở dài/ Đêm giấu giọng cười nơi mắt bão; Bầu ngực chảy theo tiếng thở dài mùa nước; Biển duỗi phơi trăng; Thời gian cày sới nát nhừ những giấc mơ;... Tiếng thơ trong Tùng gai đầy tâm trạng là chuỗi dài khao khát kiếm tìm chân lý cuộc sống, khao khát nhận thức lại giá trị cuộc sống, hướng đến chân thiện mỹ. Tiết nhịp thơ trong Tùng gai như đổ dồn lên câu chữ, thắt chặt, bó buộc, níu kéo người đọc vào vòng vây đối thoại. Tác giả không làm dáng hay cách tân thơ mình mà thơ cứ tự nhiên thấm vào lòng người bằng những lời tự vấn, những câu hỏi day dứt về bản thể của tình yêu. Cuộc sống “con người đặc như sương mù”, làm sao có thể tìm được “màu bình yên”? Chị đặt ra nhiều câu hỏi trước những hiện tượng tưởng như quen thuộc nhưng lại tạo được sự bất ngờ, ẩn ý: Sao người ta cần thêm một ngày nói dối/ Khi triệu triệu năm khổ đau vì nói dối (Tùng gai). Nói dối là một hiện tượng được con người sử dụng rộng rãi trong đời sống nhằm thỏa mãn, đáp ứng những nhu cầu của mình. Nếu con người cẩn trọng, cân nhắc trong từng lời ăn tiếng nói thì thế giới của chúng ta sẽ ngập tràn lòng yêu thương, hòa ái biết bao. Chị không đưa ra câu trả lời mà tiếp tục xoáy vào lòng người bằng giả định: Nếu những lời nói dối được đánh dấu bằng những nét vạch/ Thì trên mặt vô số kẻ ngổn ngang vết sẹo/ Và thượng đế không phải bận rộn/ Sắp đặt đẩy đưa (Vết sẹo). Rồi chị tiếp tục lật lại vấn đề: “Làm sao cho đá có tâm hồn?/ Khi ngoài phố cỗi cằn như sa mạc”. Cách chị tự vấn, không giải quyết triệt để vấn đề là hướng để ngỏ khéo léo, người đọc tự đi tìm câu trả lời, giải mã cho cái thế giới “Vắng quá sự sẻ chia trên mặt đất”.

Trong tình yêu, chị sẵn lòng hy sinh “sự kiêu hãnh” của người con gái, “nép mình” bên cạnh người thương dù biết trước tình yêu ấy mong manh, dễ vỡ. Trái tim yêu tha thiết, nồng nàn, vị tha, vẫn không thể che giấu nổi nỗi âu lo, khắc khoải về sự chia xa:

Cái ranh giới này thật mong manh
Em cố ghì níu bằng những giọt máu ứ đầu ngón tay
Hố nước mắt cạn khô
Tiếng kêu nghẹn run nhịp thở
Bờ kia xa lạ
Anh bước thêm bước nữa
Là ta mất nhau

                        (Đa mang)

Động từ “ghì níu” đặt chị vào vị thế bị động. Nhưng đến hai câu cuối của khổ thơ, tâm thế chị lại ở vị trí chủ động. Ý thức nữ tính đã giúp chị giải tỏa ẩn ức, vượt ra khỏi những trói buộc của đạo đức và xã hội, khẳng định, nhấn mạnh tiếng nói trong tình yêu của mình. Khi ngang trái, chị tự vượt qua nỗi buồn bằng lời trách nhẹ nhàng, điềm đạm, đằm thắm: Để biết yêu nhiều đến thế/ Một ngày sao lại xa nhau (Trên chiếc ghế của anh). Kiểu ngầm tự đối thoại vậy thôi thế mà xót xa, chạnh lòng! Không anh. Nỗi buồn của chị cứ thấm vào ngày, xoáy vào kí ức, nhìn đâu cũng thấy lòng đớn đau: “Em nhìn ngày bằng con mắt khác/ Không anh. Kí ức rỗng trắng màu/ Ngọn gió thôi cũng đượm màu da diết/ Chạm vào ngày đã thấy mình đau” (Trên chiếc ghế của anh). Vì vậy, đọc Tùng gai, chúng ta không khó để lẩy ra một loạt từ ngữ mang sắc thái trầm, đầy tâm trạng như: oằn, đau, rũ, réo rắt, buốt, cay đắng, mong manh, rỗng, ngột ngạt, sợ hãi,...

Như thế, chị tìm kiếm, luận giải ý nghĩa, giá trị của cuộc đời không phải bằng cách phản ánh nó mà bằng cách đưa ra một hệ thống nghi vấn. Chị như đang tự đối thoại với chính mình, với mọi người. Và tự trong câu hỏi đã hàm chứa cách đánh giá, câu trả lời về giá trị tình yêu, cuộc đời của một người đàn bà dịu dàng, vị tha nhưng tiềm ẩn một sức sống mạnh mẽ, cam chịu.

2.

Xu hướng khai thác những vùng mờ của tiềm thức, vô thức là cách để thể nghiệm hiện thực sâu sắc hơn, khám phá miền bí ẩn trong tâm hồn con người. Giấc mơ, cõi mơ ở Tùng gai xuất hiện khá nhiều, 20 lần/40 bài. Bạch Diệp không có ý xây dựng một thế giới vô thức ma mị, huyền bí mà hướng về một thế giới đầy kỉ niệm của tuổi thơ. Ẩn giấu trong miền sâu của vô thức, là một cái tôi đầy khao khát sống lại tuổi thơ của chính mình. Kí ức tuổi thơ hiện hữu ken dày “chật” những giấc mơ của chị: “Chật những giấc mơ tuổi thơ. Khao khát ấu thơ được tái hiện bằng những hình ảnh ám dụ khéo léo. Bếp lò làm sao đun nhừ được sự vật vô hình? Hay đó là ngọn lửa lòng đang cháy rực về cội nguồn của biết bao yêu thương: “Bếp lò sôi/ Đun nhừ giấc mơ tôi/ Khát màu xanh phía chân trời nơi có anh và mẹ/ Miên man màu nắng xa xôi” (Một mình ở Gotha). Giấc mơ thuở còn rám nắng đôi má trẻ thơ về một vầng trăng cổ tích, về ngày mùa rộn ràng, về khói bếp quyện màu xám nâu của đồng ruộng, về bữa cơm chiều lam lũ,... nhen nhúm ước ao bình yên, ngọt ngào, giúp nhà thơ gột rửa “nỗi đau thị thành” đối diện với những va đập cuộc đời:

Trên chiếc nôi sóng xanh
Con mơ giấc bình yên qua lời ru của mẹ
Ước một dòng sông không màng khổ đau, không xích neo thừng cỏ
Đò mọc cánh hát lời ca mênh mông”

                        (Giấc mơ những con đò)

Giấc mơ về tuổi thơ là cái neo để Bạch Diệp giải thoát tâm hồn mình, tìm được sự an nhiên trong cuộc mưu sinh vất vả, tất bật. Đọc Tùng gai, chúng ta luôn bắt gặp nỗi quay quắt của kẻ li hương ước mơ được trở về nơi chôn nhau cắt rốn để được là chính mình, được cảm nhận vòng tay ấm áp của người thân: “Đất quê không lời/ Nắng mưa bịn rịn/ Vòng quẩn vòng quanh/ Xa mấy cũng đếm ngày về” (Mùa gieo hạt). Giữa chốn ồn ào, chị thấy mình lạc lõng, lẻ loi, như bị sợi dây thừng thít chắt: “Tôi mơ cánh đồng tuổi thơ tôi/ Trong căn phòng như cái tổ chim giữa phố/ Đôi khi trần nhà cứ thấp dần/ Ép xuống từng nhịp thở/ Tôi ngơ ngác/ Mình là ai đây” (Giấc mơ trở về). Câu hỏi “Mình là ai đây gợi nhớ đến câu hỏi “Ta là ai...” (trong bài thơ Hai câu hỏi) của Chế Lan Viên. Nếu câu hỏi của Chế Lan Viên nhằm khẳng định bản ngã, cá tính sáng tạo độc đáo thì trong câu thơ của Bạch Diệp, việc cảm giác như bị cắt đứt mọi kết nối với thế giới bên ngoài không phải vì bế tắc, mà đó là biểu hiện của nỗi hoài nghi về sự hiện hữu và đơn độc của chị trong cuộc sống.

Cõi mơ dẫu chỉ là ảo ảnh, nhưng nó là phương tiện để Bạch Diệp mở rộng biên độ sáng tạo. Đồng thời, cõi mơ còn biểu hiện sức sống, vẻ đẹp chiều sâu tâm hồn của nhà thơ Bạch Diệp.

3.

Góp phần làm nên ám ảnh, cái riêng về cảm xúc, là cách Bạch Diệp sử dụng “sự mới lạ” trong cấu trúc so sánh. Chị vận dụng linh hoạt các cấu trúc so sánh. Có lúc đầy đủ các thành tố, lúc khuyết thiếu, mở rộng hoặc đảo một trong các thành tố. Chị chú trọng nâng cao yếu tố chuẩn so sánh. Trong một khổ thơ, so sánh được sử dụng liên tiếp:

Có gì đó
Như hơi thở ẩm ướt
Êm ái giữa mùa lá mục
Như ngạt dông
Chầm chậm chiếm hữu

                        (Thang máy)

Với thi nhân, việc quan trọng là phải khoác cái mới cái lạ vào nghệ thuật so sánh. Nếu yếu tố so sánh nghèo nàn câu thơ mất hết cảm xúc và vẻ đẹp của nó, cũng như không có khả năng khơi gợi sự đồng sáng tạo nơi người đọc. Tùng gai có nhiều câu so sánh khá thú vị. Câu thơ “Ký tự chen chúc như bầy ngỗng mùa đông” ám gợi về cái ao cũ chật hẹp, giam hãm, cầm tù mọi sự sáng tạo. Chị không chấp nhận người nghệ sĩ cứ dẫm chân một chỗ, đứng ngoài cuộc mà phải bứt phá trong sáng tạo, nếu không, thơ ca chỉ là những lời sáo rỗng vô vị: “Cứ viết đi viết lại như lời lải nhải của kẻ mất trí. Lấy con người làm sự vật so sánh, Bạch Diệp chọn mi mắt làm đối tượng so sánh: “Vệt sáng đường chân trời như vòng mi khép”. Những vệt sáng rực rỡ cuối cùng của một ngày tàn như vòng mi khép lại gợi vẻ đẹp mong manh, kì diệu. Hoặc cách sử dụng yếu tố chuẩn so sánh trong câu thơ: “Anh đi trời đổ mưa dài/ Thành phố như tấm thảm len sũng nước” cũng tạo được hiệu ứng biểu cảm. Đan cài hoán dụ và so sánh, người đọc như đồng cảm nỗi buồn, cô đơn của tác giả. Như vậy, việc Bạch Diệp dụng công các yếu tố chuẩn so sánh ít nhiều đã làm mới thi ảnh và nâng được cảm xúc Tùng gai cao hơn.

4.

Ngoài ra, khám phá màu sắc trong tập Tùng gai cũng góp phần thể hiện am hiểu về “hội họa”, đấy là những đối cực trong tâm hồn Bạch Diệp. Mỗi màu sắc trong thơ Bạch Diệp đều có ngôn ngữ riêng, cảm xúc riêng. Tùng gai là một bức tranh “ngổn ngang màu”: xanh, đỏ, nâu, xám, trắng, đen, vàng, tím, lam,... nhưng không gây nhàm chán. Màu sắc của tâm hồn chị trước nỗi đau thân phận. Đêm của Bạch Diệp là “đêm men màu rượu chát”, tồn tại hai mặt đối lập, vừa đắm say men/màu tình yêu vừa chất chứa khổ đau, đắng cay. Gió, đối tượng vô hình, trong mắt chị, đấy là ngọn gió của tình yêu, của nỗi nhớ: “Ngọn gió thôi cũng đượm màu da diết”. Tác giả còn lồng kết màu của đất, của quê hương với màu bàn tay con người: “Màu ruộng chiều nâu rám bàn tay”. Chỉ một màu nâu thôi, vừa nói được biết bao nỗi vất vả, tảo tần, khơi dậy trong lòng người đọc những tình cảm sâu đậm. Cũng màu nâu ấy, ở một câu thơ khác, người đọc không nguôi ám ảnh bởi sự kết hợp những gam màu trầm trong đôi “mắt nâu màu rêu cát” của những đứa trẻ sinh ra và lớn lên gắn với mạn thuyền. Dường như bao nhiêu khát vọng, ước mong lẫn nỗi cơ cực đều ẩn sâu trong đôi mắt ấy:

Những đứa trẻ lớn cùng sông
Lưng trần mắt nâu màu rêu cát
Chữ cái rơi đầu ngón tay lấm mùi bùn nước
Ngỡ ngàng mơ cổng trường xa

                        (Giấc mơ những con đò)

Màu xanh được lặp đi lặp lại đến 24 lần, chiếm số lượng nhiều nhất so với các sắc màu khác trong tập thơ. Màu xanh gợi sự yên bình, thanh thản. Nếu màu nâu, gam màu trầm, Bạch Diệp thường dùng để nói đến thân phận con người thì màu xanh dùng để gợi vẻ đẹp trong lành, sức sống bất diệt của thiên nhiên và vạn vật: Tiếng chim thả đồng xanh giọng hót; Tháng năm trời vãi nắng xanh; Huế đã vô mùa mưa xanh rét ngọt, Vũ khúc Tam giang xanh ngời ngợi,... Màu xanh như là biểu trưng cho niềm hi vọng của chị về một cuộc sống tươi đẹp ngay trong cõi phố “Con người đặc như sương mù”. Màu xanh của chị gắn liền với sự khởi đầu đẹp như câu chuyện cổ tích của tuổi thơ: Trăng cổ tích xanh đường quê lầy lộ”, gắn liền với cái non tơ của tình yêu đầu đời, thanh khiết, thủy chung trong “Người chơi guitare bass”: Nụ hôn xanh, Tháng ngày xa anh/ Xanh một miền kỷ niệm.

Nếu nâu và xanh là sự trộn lẫn giữa thực và cảm xúc, thì màu trắng trong thơ Bạch Diệp đan xen giữa thực và hư ảo. Màu trắng là gam chủ đạo choán hết vùng kí ức của chị. Cụm từ “kí ức” luôn đi kèm với sắc trắng khiến vùng kí ức của chị cứ hư thực khói huyền: Trắng lạnh vùng kí ức rỗng; Không anh. Kí ức rỗng trắng màu; Trắng bãi bờ kí ức; Dòng kí ức trắng không tì vết; Tẩy trắng vùng trời kí ức,... Màu trắng hư ảo vừa vẫy gọi Bạch Diệp miên man trong tiềm thức vừa ngăn cản khát vọng sống, khát vọng yêu của tác giả.

Soi chiếu cuộc sống bằng tư duy hướng nội, Tùng gai toát lên vẻ đẹp đầy nữ tính, với những giãi bày sâu lắng, triết lí. Tuy nhiên, sự giải bày chỉ mới thăng hoa cảm xúc của Bạch Diệp chứ chưa đủ để Tùng gai hướng đến sự hoàn thiện, cách tân về mặt hình thức. Vượt qua được thử thách này, chúng tôi tin rằng, thơ của chị sẽ sắc sảo hơn, độc đáo hơn. Nhưng có một điều không thể phủ nhận, những lát cắt tâm hồn ấy đã làm nên giọng điệu, cách nhìn nhận, đánh giá khác biệt của Bạch Diệp. Tùng gai xứng đáng là tập thơ của sự suy tư, sâu lắng, ẩn chứa cảm xúc thiết tha, dào dạt.

H.T.A
(SH316/06-15)

-------------------
(*) Tùng gai, Nxb. Văn học, 2014.





 

Đánh giá của bạn về bài viết:
0 đã tặng
0
0
0
Bình luận (0)
Tin nổi bật
  • UYÊN PHƯƠNG 

    Bạn đang sống ở Thủ đô Hà Nội ngàn năm cổ kính hay giữa Sài Gòn hoa lệ vàng rực ánh nắng hoặc giả có thể ở bất cứ thành phố náo nhiệt nào trên đất nước Việt Nam? Bạn đang hòa mình vào nhịp sống đô thị với đầy ắp sự văn minh, hiện đại nhưng cũng khá ồn ào và bụi bặm, thậm chí có lúc bạn cảm thấy chán nản muốn rời xa sự xô bồ và ngột ngạt của chúng?... Vào lúc ấy, chắc hẳn bạn sẽ rất vui nếu được đi đâu đó vài ngày… Cảm giác khi tạm rời xa nơi thành phố cũng rất tuyệt”.

  • LÊ VIỄN PHƯƠNG

    Thơ Tân hình thức Việt - Tiếp nhận và sáng tạo” là công trình Tạp chí Sông Hương phối hợp với Nhà xuất bản Thuận Hóa ấn hành vào tháng 6 năm 2014.

  • Nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên - gọi thân mật là Nguyên “đầu bạc” (vì mái đầu bạc trắng từ lúc còn trẻ) - một người xứ Nghệ “thuần chủng” cha ở Nghệ An, mẹ ở Hà Tĩnh, nhưng đang là Chủ tịch Hội Nhà văn Hà Nội.

  • HỒ ĐĂNG THANH NGỌC

    Có thể nói cuốn “An lạc mùa chay - Món chay dâng Mẹ” của nhà thơ, chuyên gia ẩm thực Hồ Đắc Thiếu Anh (Nxb. Phụ Nữ, 2014) vừa được Nhà sách Phương Nam ấn hành trong tháng tám vừa qua, là cuốn sách thực hành về sự an lạc.

  • Tiếp sau Huỳnh Thúc Kháng, Phan Châu Trinh..., đến lượt Phan Khôi được mở hội thảo khoa học tại quê hương Quảng Nam hôm qua 6.10, đúng 127 năm ngày sinh của ông, để vinh danh một con người đa tài.

  • (Phỏng vấn đối thoại với các nhà văn Nguyễn Đình Thi, Nguyên Ngọc và nhà thơ Trần Dần)

  • Hữu Loan [1916-2010 là khuôn mặt văn học đặc biệt trong nền thi ca Việt Nam đương đại từ non 70 năm nay. Ông làm thơ hay, hiện đại, tân kỳ, nhưng tên tuổi thường xuất hiện theo thời sự.

  • Tiểu thuyết "Công chúa nhỏ" của Frances Hodson Burnett kể câu chuyện về cô tiểu thư thất thế, nhưng vẫn mang trong mình cốt cách lớn.

  • (Vài cảm nhận khi đọc “BÀN TAY NHỎ DƯỚI MƯA” tiểu thuyết của nhà văn TRƯƠNG VĂN DÂN
    (cty vh Phuong Nam-Nxb Hội Nhà văn, 2011)

  • “Lịch sử không bao giờ lầm lẫn, nhà văn Lan Khai là người có công với nước”. Câu nói đó của Thiếu tướng Hoàng Mai đã khẳng định những cống hiến của Lan Khai đối với cách mạng và nền văn học nước nhà. Từ thành tựu sáng tác cho đến nhận định của các nhà văn, nhà báo tiền bối (Trần Huy Liệu, Hải Triều, Vũ Ngọc Phan...) về Lan Khai, chúng ta càng thấy tự hào về một con người, một nhà văn đáng kính đã làm trọn thiên chức của mình đối với dân tộc...

  • “Những năm chiến tranh, miền Trung là túi bom túi đạn, và nguồn lực đất nước cũng dồn về đây. Nhiều nhà văn nhà thơ, nhiều tác phẩm VHNT nổi tiếng cũng xuất hiện từ vùng đất này. Còn hiện nay, dù đội ngũ tác giả ở miền Trung có thưa hơn, nhưng những con người miền Trung dù đi đâu cũng vẫn mang theo truyền thống sáng tạo độc đáo, giàu khí chất của miền đất này. Đó là một cuộc mở mang và bồi đắp tâm hồn trên dọc dài đất nước…”

  • Khi cầm bộ sách này trong tay thì hình ảnh nhà nho yêu nước Phạm Phú Thứ không còn bị khuất lấp trong lớp sương mù thời gian mà hiện ra rờ rỡ, rõ ràng trước mắt chúng ta với một tâm thế mới.

  • “Có lần tôi hỏi anh Học: Tư tưởng cách mệnh của mày nảy ra từ hồi nào? ​Anh đáp: Từ năm độ lên mười tuổi! Hồi ấy tao còn học chữ Nho ở nhà quê...”.

  • NGÔ MINH

    Trong các tập thơ xuất bản ở Huế trong mấy năm lại đây, "Ngọn gió đi tìm" là một trong số rất ít tập được đọc giả mến mộ, có thể nói được rằng: đó là một tập thơ hay! Tập thơ tạo được sự cuốn hút, sự nhập cuộc của người đọc.

  • “Với Lịch sử Việt Nam từ nguồn gốc đến giữa thế kỷ XX, GS Lê Thành Khôi đã trình bày lịch sử không phải lịch sử chính trị, mà là lịch sử của con người”, GS Phan Huy Lê nói về cuốn sử quý vừa ra mắt tại VN sau nhiều năm ở nước ngoài.

  • Sự nát tan của các giá trị tinh thần trong đời sống hiện đại được Trần Nhã Thụy đưa vào tiểu thuyết mới bằng văn phong hài hước, chua chát.

  • Cuốn sách "Trăm năm trong cõi" của giáo sư Phong Lê viết về 23 tác giả khai mở và hoàn thiện diện mạo văn học hiện đại Việt Nam.

  • Trên tạp chí Kiến thức ngày nay số 839 ra ngày 01-12-2013 có đăng  bài Kỷ niệm về một bài thơ & một câu hỏi chưa lời giải đáp của Nguyễn Cẩm Xuyên. Vấn đề nêu lên rất thú vị: đó là cách hiểu chữ giá trong bài thơ Cảnh nhàn của Nguyễn Bỉnh Khiêm. Bài thơ này trong nguyên văn chữ Nôm không có tên gọi. Những người soạn giáo khoa đã căn cứ vào nội dung đặt tên cho bài thơ là Cảnh nhàn và đã được đưa vào giảng dạy trong nhà trường trước đây.

  • Ký ức về những tháng ngày mải miết hành quân trên đất Campuchia, những phút giây nén lòng nhớ về quê hương, gia đình… vẫn chưa bao giờ nhạt phai trong tâm thức những người cựu chiến binh Đoàn 367 đặc công-biệt động trong kháng chiến chống Mỹ năm xưa.

  • LÊ VIỄN PHƯƠNG

    (Nhân đọc Thơ Việt Nam hiện đại, tiến trình & hiện tượng của Nguyễn Đăng Điệp, Nxb. Văn học, 2014)