Những Cuốn sách tôi đã đọc hồi còn bé [1]

09:02 04/10/2011
HOÀNG PHỦ NGỌC TƯỜNGNhững cuốn sách đã giữ một vị trí đặc biệt trong thế giới tuổi thơ của tôi; trước hết là những sách giáo khoa tôi đã học trong những ngôi trường đầu tiên của đời mình, dưới thời Pháp thuộc.

Hoàng Phủ Ngọc Tường (trái) và Nguyễn Trọng Tạo năm 1986 - Ảnh: TL

Dù trong hoàn cảnh đất nước bị nô lệ, và dù những hạn chế hiển nhiên của chúng, tôi cho rằng những nhà sư phạm thời đó đã soạn ra những sách "giáo khoa thư" không đến nỗi tồi. Những bài vở trong đó thí dụ như "Ai bảo chăn trâu là khổ", như "Chốn quê hương đẹp hơn cả", từ bao giờ đã ràng buộc tâm hồn tôi với cái mảnh đất nguồn cội ấy của mỗi người Việt Nam, gọi là "làng", dù cho đến lúc đó, tôi chưa bao giờ nhìn thấy làng tôi cả. Cũng như thế, những bài khác đã dạy cho tôi, bằng một giọng mộc mạc nhưng gây ấn tượng mạnh về lòng biết ơn cha mẹ và thầy giáo, về tình bạn, v.v... Riêng bài ca dao "Con cò mà đi ăn đêm" thì ở mỗi độ tuổi của đời người tôi lại cảm nhận một cái hay riêng của nó, và cho đến bây giờ, tôi cảm thấy rằng tôi vẫn chưa đi thấu tận cùng vẻ đẹp của bài học thuộc lòng thuở nhỏ ấy. Đọc bài thơ "Quê Hương" của Giang Nam, tôi nhận ra rằng những trang sách thời thơ ấu xa xôi kia vẫn tiếp lục giữ sức nuôi dưỡng lâu dài của nó, để cuối cùng phát triển thành tình cảm lớn của nhà thơ. Nói điều này, tôi chỉ muốn lưu ý thêm một chút, về tầm quan trọng của việc chọn và soạn các sách giáo khoa dùng ở các trường phổ thông cơ sở, đặc biệt là cho học sinh cấp I. Bởi vì những cuốn sách "Tiếng Việt" đó, không phải chỉ là tập đọc, chính tả và ngữ pháp, mà còn đưa các em ngay từ phút đầu, tiếp cận với cái mà sau này chúng sẽ hiểu là "văn học". Cách đây ba năm, cháu bé của tôi vào lớp Một, và tôi thường giúp cháu trên cuốn sách học vần của cháu. Tôi nhớ có một bài học đại để như thế này: "Bé có ba vỏ hến, chú Tư cho Bé sáu vỏ hến, vậy Bé có chín vỏ hến". Bài học có tranh minh họa hẳn hoi, ôi, những chiếc vỏ hến! Tôi không hiểu chú Tư và những vỏ hến kia sẽ giúp ích gì cho tâm hồn của các cháu, trong khi một năm trước đó, ở mẫu giáo, các cháu đã biết dùng màu để vẽ những bông hoa. May mà những bài học vô lý kiểu ấy đã bị loại bỏ khỏi những sách giáo khoa mới. "Tôi đã học văn như thế nào?" Theo tôi, câu trả lời đúng cho mọi người sẽ là: "Tôi đã học văn trước tiên từ chính bài học chữ cái vỡ lòng của tôi".

Tuổi đọc sách của tôi bắt đầu vào những năm đầu kháng chiến chống Pháp. Gia đình tôi rời Huế về sống ở vùng kháng chiến, giữa một thung lũng yên tĩnh ở miền rừng núi tỉnh Quảng Trị cũ. Có người anh ở làng lên chơi, mang cho tôi mượn một chồng sách, thuộc tủ "Sách Hồng" và "Truyền Bá". Tôi vừa rời một ngôi trường Pháp, lần đầu tiên tôi thực sự tiếp xúc với văn học qua hai tủ sách thiếu nhi ấy; và tôi đã bị cuốn hút hoàn toàn vào thế giới tuổi thơ, mà tôi cảm thấy thực sự là thế giới của tôi. Tôi mê sách đến độ mỗi tháng một lần, tôi lại theo ba hoặc mẹ tôi về làng, đến nhà bác tôi để đổi lấy sách mới. Làng tôi ở vùng sâu gần thị xã: từ vùng tự do về, chúng tôi phải vượt đường quốc lộ vào ban đêm, phải mặc màu trắng để nằm lẫn vào những đụn cát mỗi khi gặp xe tuần tiểu của địch. Nhà bác tôi ở nông thôn, không hiểu sao lại nhiều sách đến thế, cơ man nào là sách thiếu nhi thành một kho dự trữ vô tận cung cấp món ăn tinh thần cho tôi suốt hơn ba năm tôi sống ở miền rừng hẻo lánh. Thường ngày khi nắng lên, tôi ôm một bó sách băng qua đồi, đến nơi đọc sách riêng của tôi: ấy là một khu mộ cổ im mát suốt ngày dưới bóng những cây cổ thụ, nằm giữa một cánh rừng sim muồng và trăm thứ quả dại đầy mật ngọt, tôi tha hồ ăn cho đến cuối mùa thu. Chính nơi cái "thư viện" hoang dã đó, tôi đã ngốn hầu hết các sách thiếu nhi xuất bản hồi tiền chiến, với những tác giả mà trong lặng lẽ, đã trở thành những bậc thầy của tâm hồn tôi: Xuân Diệu, Thâm Tâm, Thạch Lam, Tô Hoài, v. v... Ai đã đọc đều biết, toàn bộ hai tủ sách ấy đều gồm những phóng tác các truyện cổ dân gian, sự tích các anh hùng dân tộc kể theo dạng truyền thuyết, truyện loài vật và những câu chuyện đời có ngụ ý giáo dục. Tôi nhớ đặc điểm riêng của hai tủ sách đó: Sách Hồng thường tươi vui nhẹ nhàng, và sách Truyền Bá, in trên giấy gió, chứa đựng những tình đời, tình người hơi bùi ngùi nhưng bao giờ cũng đầy ưu ái, nhân hậu, làm tôi nhớ lâu. Trong số này, có hai tác phẩm đều là của Tô Hoài, có lẽ đã phát động ở nơi tôi những nét của tính cách lâu dài về sau: "Con chim gi sừng", đã đánh thức một lần và mãi mãi trong tôi nỗi ước mơ được đi khắp đất nước, và "Dế Mèn phiêu lưu ký" giúp tôi phát hiện tình bạn như một sức mạnh kỳ diệu của tâm hồn.

Do đọc nhiều, trí phán đoán từ lúc nào cũng đã hình thành trong tôi, đầu tiên là dưới dạng trực giác nhậy cảm. Truyện "Chú Bé Tý hon" của Pe-rôn [2] làm tôi thích thú về trí thông minh tuyệt vời của chú, nhưng tôi lại thấy ghê rợn khi nghĩ rằng ở đâu đó lại có những bố mẹ vì nghèo đói đã tìm mọi cách phĩnh con, đem thả chúng vào rừng để giành lấy phần ăn về mình. Còn cái ông Quách Cự người Tàu trong truyện Nhị Thập Tứ Hiếu - do mẹ tôi kể lại - thì cũng vì đói, đã đem chôn sống con để giành phần bánh nuôi mẹ; chuyện này cũng làm tôi vừa cảm động vừa ớn xương sống. Tôi liên hệ hai cảnh đói đó với hoàn cảnh trong truyện Dế Mèn: khi đói quá sắp chết thì Dế Dũi đã đưa càng cho Dế Mèn đề nghị bạn ăn lấy thịt mình để mà sống. Tôi nhận ra rằng chính Mèn và Dũi mới là nhân vật của tâm hồn tôi, đã làm tôi chảy nước mắt.

Trước khi tạm biệt khu rừng này, tôi muốn giới thiệu một nét riêng về nó, có liên quan đến câu chuyện tôi đang trình bày: đó là một vùng đồi và thung lũng đẹp nhất mà tôi đã từng sống, dù rằng sau này tôi đã có dịp trải qua gần mười năm sống với rừng núi thời chống Mỹ. Hồi chiến tranh đó, giặc Pháp ít khi càn lên vùng này, pháo và bom cũng hầu như không có, tuổi thơ của tôi cứ việc sa đà với thiên nhiên quanh tôi. Tôi gia nhập vào một cộng đồng xã hội mới là những bạn nhỏ chăn bò, mùa xuân đi bẫy chim, mùa hạ lang thang ăn trái chín trên đồi, mùa thu đặt lờ bắt cá dọc những con suối và mùa đông mang tơi lá đi hái nấm dưới những bụi cây muồng. Tôi không bao giờ quên được cái mặt hồ xanh biếc ấy trong thung lũng xóm Mộ, nơi tôi và lũ bạn ngồi lại nhóm lửa nướng ăn những vật nhỏ săn bẫy được, vừa ngắm bóng những đàn chim trời lặng lẽ bay qua mặt nước. Cũng không bao giờ tôi tìm thấy lại được ở bất cứ một nơi nào khác, những đêm trăng vằng vặc ấy, mấy chị em tôi nép mình sau những gốc sim mải mê ngồi xem đàn thỏ rừng nhảy múa dỡn trăng trên thảm cỏ bát ngát của cái vườn hoang nọ... Thiên nhiên trong cuộc vận động mùa màng kỳ ảo của nó đã in vào tâm hồn thơ bé của tôi một dấu ấn không bao giờ phai mờ; và sau này trở thành một tình cảm bầu bạn không thể thiếu được khi tôi suy nghĩ về một mảnh đất. Dù có một vài người nghĩ khác, tôi vẫn quả quyết rằng thói quen chăm chú theo dõi các cảnh tượng của tạo vật là một thái độ có ích đối với nhà văn, bởi vì thiên nhiên sẵn sàng mang đến vô vàn những thông tinh về cái đẹp của vũ trụ, và thẩm mỹ là một trong những chức năng của văn học. Nhưng không phải chỉ có cái đẹp ngoại vật, thiên nhiên là yếu tố thống nhất biện chứng với ý niệm về Tổ quốc, với tình yêu Tổ quốc, thiên nhiên chính là diện mạo sâu thẳm của Tổ quốc.

Cho phép tôi quay lại với câu chuyện về những cuốn sách của tôi.

Năm thứ ba của cuộc kháng chiến chống Pháp, tôi theo gia đình về sống ở làng quê, làng tôi bấy giờ đã trở thành khu hoạt động của du kích. Tôi trở lại tiếp tục việc học ở một ngôi trường đặt trong một cái đình làng cổ tại thị trấn Chợ Sãi; mỗi lần đi về, chúng tôi luôn luôn được các chú tự vệ hướng dẫn đúng vị trí an toàn để vượt qua cái hàng rào chiến đấu ngăn cách giữa làng tôi và khu vực địch kiểm soát. Tôi giữ mãi suốt đời hình ảnh người thầy giáo dạy tôi năm ấy, khuôn mặt vuông và gầy, da trắng xanh, giọng nói hết sức dịu dàng và cái nhìn thật buồn. Thường thầy tôi vẫn mang theo một em bé gái, để cho nó nói bi bô và chạy vòng quanh trong lớp. Đó là đứa con duy nhất còn lại của thầy tôi, vợ và các con khác của thầy đã bị giặc Pháp bắn chết trong một làng quê ở Vĩnh Linh. Tôi ngồi ở bàn đầu, ngay trước mặt của thầy; có hôm cả lớp đang cắm cúi làm toán, tôi chợt nghe mấy tiếng "tôc, tôc" rất khẽ. Tôi ngẩng lên nhìn: từ đôi mắt buồn bã của thầy tôi, những giọt nước mắt lăn tròn, rơi xuống quyển sổ gọi tên. Tôi hiểu, đó là vết thương chiến tranh đang chảy máu trong trái tim thầy. Từ đó, những ngày chủ nhật tôi thường lên nhà thầy để chơi đùa với em bé con thầy. Hôm ấy, thầy dúi vào tay tôi một cuốn sách nhỏ, và dặn: "Ở dưới ấy (ở làng tôi) hãy đọc cẩn thận, Tây nó nghi". Đó là cuốn "Thù nhà nợ nước" của nhà văn Lý Văn Sâm. Tôi mang về đọc luôn một hơi, hôm sau mang trả thầy tôi và xin mượn cuốn khác. Chẳng bao lâu, thầy tôi đã hết sách đề cho mượn. Thấy tôi quá ham đọc sách, thầy cho tôi tiền để tôi lên thị xã tự tìm mua lấy. Tôi dò theo bảng danh mục ghi các cuốn sách đã xuất bản và sách "đón đọc", tôi mua và đọc không sót cuốn nào của Nhà xuất bản Tân Việt Nam: Thù nhà nợ nước, Mười năm nuốt hận, Mây trôi về Bắc, Bên kia phòng tuyến Pháp, Mẹ cũng chết vì tổ quốc, Xin đắp mặt tôi mảnh lụa hồng... hầu hết đều là của Lý Văn Sâm. Tất cả tủ sách đó đều chỉ có một đề tài, về cuộc kháng chiến chống Nhật và chống Pháp ở Nam Bộ, không hiểu bằng cách nào vẫn xuất bản công khai đều đều ở Sài Gòn hồi đó. Lại giống như cảnh băng qua đường quốc lộ ban đêm mấy năm trước, bây giờ tôi lòn qua hàng rào chiến đấu, hoặc là chạy băng đồng qua những cuộc càn của Pháp, luôn luôn với những cuốn sách Lý Văn Sâm trong tay. Nhưng bây giờ tôi đã là độc giả của những cuốn sách thiếu nhi khác, trong đó tất cả nhân vật đều lao mình trong lửa khói của cuộc kháng chiến đang diễn ra quanh tôi hàng ngày. Rồi một buổi tối, một chú cán bộ vào nhà, gọi tôi giao nhiệm vụ: dùng bước chân để đo chiều dài, rộng của trụ sở quận lỵ Triệu Phong của địch. Tôi làm việc đó một cách dễ dàng, vẽ cả bản sơ đồ bố trí của địch quanh căn cứ và nộp cho chú chỉ nội trong tối hôm sau. Vâng, tôi là một độc giả đã trưởng thành.

Nhớ năm ấy ở trên rừng, nghe đài phát thanh giới thiệu Hội Văn nghệ Giải Phóng có tên nhà văn Lý Văn Sâm làm Tổng thư ký tôi đã kêu lên một tiếng vui mừng tưởng như gặp lại người cũ vừa thoát ly kháng chiến. Anh em quây lại yêu cầu tôi giới thiệu về nhà văn, và đều chưng hửng khi nghe tôi trả lời: "Tôi chưa hề biết nhà văn Lý Văn Sâm là ai cả, ngoài những cuốn sách thiếu nhi của ông tôi đã đọc cách đây hai mươi năm". (Nhân đây, tôi xin phép nói thêm một điều: với tư cách độc giả trung thành, tôi vẫn mong đợi một tuyển tập Lý Văn Sâm; lý do là văn học dành cho thiếu nhi về cuộc kháng chiến chống Pháp quả thật là hiếm hoi).

- "Tôi đã học văn như thế nào?". Thực tình là hồi ấy tôi chưa bao giờ có ý học để làm văn cả. Tôi chỉ đọc sách theo nỗi ham mê hồn nhiên, và may mắn thay tôi đã gặp được những cuốn sách tốt (dù chỉ là tốt ở một vài mặt nào đó đi nữa), theo tôi nghĩ. Những cuốn sách đó, phù hợp với trình độ tiếp thu của tôi ở từng lứa tuổi, đã nói với tôi một cách dịu dàng, về lòng nhân hậu biết yêu thương con người tình yêu lẽ phải, dần dần đi đến tình cảm yêu quý và kính trọng đối với Tổ quốc và nhân dân của của mình. Để trở thành nhà văn, tất nhiên là còn phải làm nhiều việc khác, phải được đào tạo ở nơi mà Mắcxim Goócki từng gọi là "trường đại học" của ông chính là thực tiễn CUỘC SỐNG, và còn phải lao động nghệ thuật, vân vân... Nhưng ở bất cứ nhà văn chân chính nào, tôi cũng đều nhìn thấy những nét lớn đó của nhân cách, là lý tưởng Tổ quốc và chủ nghĩa nhân đạo.

Và như vậy thì những cuốn sách tốt luôn luôn là ngọn gió góp lại từ bốn phương, để đem gieo vào tâm hồn người đọc trẻ tuổi của chúng những hạt giống quý không chờ đợi, những "mầm mống văn học". Hóa ra tôi chỉ nói chuyện về tuổi thiếu nhi thôi sao? Vâng, nhưng mà Lép Tôn-xtôi đã từng nói với sự cường điệu cố ý, rằng tất cả những tri thức thu thập được trong quãng đời về sau của ông thì chẳng có gì quan trọng hơn so với những gì ông đã hiểu biết được trong thời thơ ấu.

Huế tháng 11-1985
H.P.N.T
(17/2-86)


--------------------
(1) Trong loạt bài cộng tác của các nhà văn với Sở Giáo dục Nghĩa Bình dưới đề tài "Tôi đã học văn như thế nào?"
(2) Nhà văn viết truyện thiếu nhi Pháp (1628 - 1703)












Đánh giá của bạn về bài viết:
0 đã tặng
0
0
0
Bình luận (0)
Tin nổi bật
  • ANNIE FINCH  

    Chúng tôi khát khao cái đẹp thi ca, và chúng tôi không e dè né tránh những nguồn mạch nuôi dưỡng chúng tôi. Chúng tôi sẵn sàng với chủ nghĩa Toàn thể hình thức (omniformalism), cho một thi pháp phong phú và mở rộng, giải phóng khỏi những doanh trại của những cuộc chiến thi ca đã chết rấp.

  • Chuyên luận THƠ NHƯ LÀ MỸ HỌC CỦA CÁI KHÁC (Nxb. Hội Nhà văn - Song Thuy bookstore, 2012, 458tr) gồm ba phần: Phần một: THƠ NHƯ LÀ MỸ HỌC CỦA CÁI KHÁC, Phần hai: CHÂN TRẦN ĐẾN CÁI KHÁC, Phần ba: NHỮNG NẺO ĐƯỜNG CỦA CÁI KHÁC.

  • NGUYỄN QUANG HUY

    (Khảo sát qua trường hợp "Người sông mê" qua cái nhìn của lí thuyết Cổ mẫu)

  • NGUYỄN HỮU TẤN

    Trong buổi lễ mừng thọ thất tuần, Sigmun Freud đã từng phát biểu: “Trước tôi, các thi sĩ và triết gia đã sớm phát hiện ra vô thức, còn tôi chẳng qua cũng chỉ khám phá ra những phương pháp khoa học để nghiên cứu vô thức mà thôi”.

  • Tóm lược bài nói chuyện trao đổi một số vấn đề về tình hình văn học Xô viết những năm 80, đặc biệt là sau Đại hội 27 của GSTS V. Xmirnốp trong chuyến thăm Huế với Chi hội Nhà văn Bình Trị Thiên của đoàn cán bộ Học viện văn học Gorki (Liên Xô cũ) do nhà thơ Valentin Xôrôkin, phó Giám đốc Học viện và GSTS Vladimia Xmirnốp đã sang Việt Nam giảng dạy tại trường Viết văn Nguyễn Du năm 1987.

  • Tỳ kheo THÍCH CHƠN THIỆN

    Theo Spaulding - The “New Rationlism”, New York, Henry Holt and Conpany, 1918, pp. 106 - 107 -, Aristotle nêu lên ba nguyên lý cơ bản của tư duy:

  • TRẦN NGUYÊN HÀO

    Năm 1987, tổ chức Giáo dục - Khoa học - Văn hóa của Liên hiệp quốc, UNESCO trong cuộc họp Đại hội đồng lần thứ 24 (tại Paris từ 20/10 đến 20/11) đã ra Nghị quyết phong tặng Chủ tịch Hồ Chí Minh danh hiệu kép: “Anh hùng giải phóng dân tộc, nhà văn hóa lớn”.

  • ĐỖ HẢI NINH

    Quan sát hành trình Thơ mới, nhiều nhà nghiên cứu cho rằng, vào đầu thập kỷ 40 của thế kỷ XX, Thơ mới bắt đầu có dấu hiệu chững lại, thậm chí khủng hoảng về cảm hứng và thi pháp.

  • JU. LOTMAN

    Từ “biểu tượng” (symbol, còn được dịch là tượng trưng, biểu trưng, phù hiệu, kí hiệu) là một trong những từ nhiều nghĩa nhất trong hệ thống các khoa học về kí hiệu(1).

  • PHẠM TẤN HẦU

    Trong bản tham luận về mảng thơ trên trang viết đầu tay của Tạp chí Sông Hương do anh Hoàng Dũng trình bày tôi thấy có chủ ý nói đến tính khuynh hướng. Tuy nhiên, vấn đề này chưa được đặt ra một cách chặt chẽ, sâu sắc. Theo tôi, nếu hướng cuộc thảo luận đến một vấn đề như vậy chắc sẽ đem đến cho những người viết trẻ nhiều điều bổ ích hơn.

  • ĐỖ VĂN HIỂU

    Tóm tắt
    Trước tình trạng môi trường toàn cầu đang ngày một xấu đi, giữa thập niên 90 của thế kỷ 20 Phê bình sinh thái đã ra đời với sứ mệnh cao cả là phân tích chỉ ra căn nguyên văn hóa tư tưởng dẫn đến nguy cơ sinh thái, nghiên cứu quan hệ giữa con người và môi trường tự nhiên.

  • LƯỜNG TÚ TUẤN

    Việc lý luận văn học thống nhất coi “ngôn ngữ là chất liệu của văn học” đã không vì thế mà dành cho cái chất liệu ấy một vị trí xứng đáng trong những luận thuyết và “diễn giải” của mình.

  • PHAN TUẤN ANH

    “Chẳng ai đi dưới bóng hàng cọ mà lại không hề hấn gì”… Ở đời, trong cuộc chơi, cả hai bên đều phải đi qua dưới bóng hàng cọ”.
                   (Nguyễn Xuân Khánh) [2,806]

  • TRẦN THIỆN KHANH

    “Mai kia, những cái tầm thường, mực thước sẽ mất đi, còn lại chút gì đáng kể của thời này, đó là Hàn Mạc Tử.”
                                (Chế Lan Viên)

  • CARSON MCCULLERS

    Khi tôi là một đứa bé chừng bốn tuổi, tôi cùng người bảo mẫu của mình đi ngang qua một tu viện.

  • MANU JOSEPH

    Xét về quan điểm và màu tóc của 50 nhà văn được lắp ghép cho một hội nghị kì quặc ở Edinburgh, thì cái giáo đoàn đó có thể gọi là “50 Sắc Xám.”  Tuy nhiên trong suốt năm ngày hội nghị, khởi đầu từ ngày 17 tháng Tám, hầu hết các nhà văn nhìn nhận rằng họ bị đẩy lui bởi loại sách kém học thức, loại sách bán chạy hơn tất cả các công trình của họ cộng lại.

  • NGUYỄN HỒNG TRÂN  

    …Minh triết là sự làm sáng tỏ một cách khôn khéo những chuyện trong trời đất có liên quan đến cuộc sống vật chất và tinh thần của con người trong xã hội một cách chân thực, rộng rãi, sâu sắc và nó có những năng lượng tiềm tàng rất quý giá đối với sự phát triển tâm đức và trí tuệ con người…

  • WALTER BENJAMIN 

    (Trích trong tác phẩm Illuminations do Hannah Arendt biên tập và đề tựa, 1968, bản dịch từ tiếng Đức của Harry Zohn)

  • NGUYỄN HỮU QUÝ 

    1.
    Tôi luôn tin rằng các nhà thơ đích thực là những người rất lương thiện. Bởi ngọn bút của họ (bây giờ có thể là bàn phím) hướng về tình thương yêu và sự cao đẹp của con người.

  • ĐOÀN HUYỀN

    Xuất hiện ở Việt Nam đã gần một thế kỉ, đến thời điểm này chủ nghĩa hiện thực tuy không còn giữ địa vị của một khuynh hướng sáng tác thống soái nhưng điều đó không có nghĩa những người cầm bút Việt Nam đã thực sự thoát khỏi từ trường của khuynh hướng sáng tác này.