Những bước chân bên ngoài cái khe hở

15:45 10/09/2009
HOÀNG TRỌNG ĐỊNHPhòng giam chật chội, tối tăm...  Gần trần có một lỗ thông hơi. Bên ngoài lỗ thông hơi là bức tường tôn xám xỉn. Khe hở dài chừng 10 mét, rộng chừng 3 tấc, nằm song song và gần sát với mặt đường bên ngoài. Đứng trong phòng giam, từ lỗ thông hơi nhìn qua khe hở của bức tường, chỉ có thể thấy những bước chân người đi.

Có bước chân của một người con gái, ngày hai lần sáng đi chiều về, đã bước những bước định mệnh vào trong tình yêu của một người đàn ông đang ngồi trong phòng giam. Tình yêu là gì? Có lẽ đây là câu hỏi ngu xuẩn nhất trong tất cả những câu hỏi ngu xuẩn nhưng con người vẫn cứ mãi mãi hỏi. Hỏi, bởi lẽ con người mãi mãi mang trong trái tim máu thịt một khát vọng là muốn siêu hình miền thân xác bơ vơ của chính mình. Và như thế, không lý do, không nguyên nhân, người đàn ông ấy đã yêu thương một người con gái mà ông chưa từng thấy mặt. Cô ta là... những bước chân ở bên ngoài cái khe hở!

Ông vào tù vì một tai nạn giao thông. Đúng hơn là vì một thoáng lãng trí mà chiếc xe ông đang điều khiển lạc tay lái đâm sầm vào một chiếc xe khác chạy ngược chiều. Cuộc đời rơi vào một ngã rẽ lạ hoắc mà ông không hề lường trước. Một vòng xoáy tối tăm, bí ẩn của dòng thác định mệnh. Song điều làm ông kinh ngạc không phải là những gì phi lý xảy ra từ một tai hoạ bất ngờ, mà là... tình yêu! Làm sao ông, một người đàn ông bốn mươi lăm tuổi từng trải việc đời, người đã giã từ tất cả những ước vọng hư phù hoa thị để chuyên tâm vào một niềm đam mê duy nhất là nghiên cứu lịch sử của những nền văn minh cổ, lại có thể bị hệ lụy vì tình yêu? Và đó là một tình yêu quá ư kỳ dị! Bởi lẽ, làm sao ta có thể yêu thương một người khi mà ta chưa từng hay biết gì về người đó? Nàng chỉ là những bước chân! Những bước chân bên ngoài cái khe hở. Đôi lúc, ông tự phân tích tâm lý mình và tự mỉm cười chế giễu. Đó chỉ là một trạng thái của tâm tư bị ức chế, ông tự nghĩ, khi một người phải ngồi trong một căn phòng tối cách biệt với cõi sống bên ngoài, thì bất kỳ một dấu hiệu nào của sự sống cũng dễ mang lại một sự ngộ nhận rằng đó là tình yêu. Nhưng, những bước chân của người con gái đó, ngày hai lần sáng đi chiều về, như thách thức những suy nghĩ thuần lý của ông, như luồn lách theo những rãnh tối đen ngòm trong chính vùng ánh sáng lộng lẫy của sự phán đoán, để đi vào trong sâu thẳm tâm tư ông, gây cho ông một cơn đau bình thường nhất trên những gì vô thường. Ông mường tượng những bước chân của cô ta mang tình yêu của ông mà trải dài theo con đường bên ngoài. Rồi những con đường... Những con đường bên ngoài cái khe hở. Những con đường cùng khắp thế giới quạnh hiu.

Ông đã làm quen với những bước chân của cô ta đâu chừng ba năm thì cánh cửa phòng giam bật mở. Người cai ngục nói với ông: "Anh đã mãn hạn tù. Theo tôi, đi làm giấy tờ xuất trại". Đó là một buổi sáng mùa xuân và khu vườn nhà ông vẫn trổ đầy hoa dẫu hơn ba năm qua không có người chăm sóc. Nắng vàng loả xoả trên hai cánh cổng sắt xanh như muốn thức tỉnh niềm quên lãng đã đóng kín vào bên trong một vùng không gian ngưng đọng trên những tầng lá mục rữa và bụi bặm. Hoa lá xôn xao dịu dàng. Cả đến những mảng rêu xanh trên bức tường bao quanh khu vườn, cũng trong suốt dưới nắng. Ông sống một mình. Niềm vui của ông là sưu tầm sách, trồng hoa và nghiên cứu lịch sử cổ đại. Song, điều ông quan tâm bây giờ không phải là hoa, là sách, hay là những tập bản thảo ông viết về lịch sử đã vàng bệch bụi mờ, mà là... con đường bên ngoài cái trại giam. Do đó, sau khi lo liệu cho những công việc đời thường đã bị gián đoạn trong suốt thời gian ở tù, ông vội vã đến một quán nước bên con đường đó. Vẫn còn sớm, chưa phải thời gian cô ta đi làm về, song ông muốn đắm mình trong nỗi niềm phấp phỏng chờ mong xôn xao mà ông đã đánh mất từ lâu lắm, gần 20 năm về trước. Con đường khá nhộn nhịp bởi xe cộ và người bộ hành. Và bất kỳ một người con gái nào đi bộ ngang qua quán nước, cũng làm nhảy nhót lên niềm hy vọng về một cuộc hạnh ngộ trong lòng ông. "Nếu cô ta đã có gia đình- ông tự nghĩ- thì ta sẽ phải làm gì? Mà thế gian này chán vạn gì những kẻ thất tình. Lúc đó cứ để cho thời gian tự giải minh những sự kiện đã làm nên chính nó. Còn nếu còn độc thân, cô ta có yêu thương được ta không, một ông già 45 tuổi đời?". Ông lại mỉm cười bâng quơ như tự chế giễu - thói quen của ông. Tuổi trẻ ông đã trải qua nhiều cuộc tình. Rất nhiều cô gái yêu ông và điều này cũng làm ông khốn đốn không ít. Rồi hữu hạn tính của con người bộc lộ ra dần theo thời gian, ông chỉ còn yêu thích những gì đơn sơ tươi vui như hoa lá cỏ cây, những gì như nhiên an bình tựa những ý tưởng thanh thản trong những quyển sách xưa cổ... Gia sản của cha mẹ để lại cho phép ông khỏi phải bận tâm đến việc mưu sinh, và ông dành hết thời gian tìm hiểu những nền văn minh xa xưa mà ông yêu thích. Nhưng tai nạn xảy ra... Và giờ đây ông đang ngồi đây để chờ... những bước chân của một người con gái không quen biết!

Cho đến khi những cái đèn đường bật sáng như những đôi mắt đỏ lom lom chong lên nhìn một thứ bóng tối nhù nhoà đang còn vướng vất một vài sợi nắng cuối cùng của hoàng hôn, ông vẫn không nhìn ra cô ta. "Em đã không đi làm việc hôm nay.". Ông thầm nghĩ và tự an ủi niềm thất vọng của mình. Nhưng rồi, ngày hôm sau, ngày hôm sau nữa, và tất cả những ngày hôm sau của cả 3 năm sau, ông vẫn không tìm ra những bước chân của người con gái đó. Có khi, ông tự nghĩ, hình ảnh những bước chân của người con gái đó chỉ là sự tự ám thị của tâm tư ông trong cơn hụt hẫng của yêu thương và ác mộng, đang muốn vươn về một cõi thực đã xa cách giữa những tháng ngày định mệnh. Hay đó là một bóng ma từ trong dị sử vòi vọi xa xôi đã tìm về gặp gỡ theo cơn đồng cảm hư linh nào đó, bởi lẽ, từ lâu lắm rồi mọi cảm xúc của ông dường như đã chia lìa với hiện tại? "Không. Cô ta là sự thật". ông tin như thế. Mãi mãi tin như thế. Bởi chính cô ta đã cứu sống ông trong những tháng ngày băng hoại đoạ đày của cả tâm tư và thân xác. Ông phải tìm ra người con gái đó. Phải tìm ra cô ta dầu phải tìm khắp cả thế gian.

Rồi từ một người đàn ông lịch sự, đứng đắn, được mọi người quý mến và trân trọng, ông đã trở thành một người lẩm cẩm dưới mắt mọi người. Có lần, một người bạn ngồi cùng ông ở một quán nước bên hè phố, đã ngạc nhiên vì thái độ của ông khi một cô gái xấu xí đi ngang qua, thốt lên: "Sao thế? Nhịp chân của cô ta trái nhịp với nhịp tim của cậu à?" Ông lạnh lùng nhìn bạn. Không một lời nói. Không một sự giải thích. Đứng dậy trả tiền và bước ra khỏi quán. Bạn ông chỉ còn biết há hốc mồm ra kinh ngạc. Hơn ba năm qua, dưới con mắt mọi người, ông có một thói quen quái dị: Hốt hoảng rồi sững sờ khi nhìn bước chân của những người con gái không quen biết.


Em! Thế là cuối cùng tôi cũng gặp lại em. Những bước chân của em đã lún sâu vào tiềm thức và vô thức của tôi đến nỗi, tôi có thể cảm nhận được sự hiện diện của nó không bằng ánh mắt mà bằng một giác quan khác. Nên chi, không gian chung quanh tôi như đặc quánh lại vì một niềm vui vĩnh cửu và một nỗi buồn vô hạn ngay trước khi có sự hiện hữu của những bước chân. Những bước chân! Những bước chân bên ngoài cái khe hở định mệnh. Từ trong bệnh viện, tôi theo những bước chân em lang thang cùng khắp những con đường mịt mờ phố bụi. Những bước chân như muốn đi về một nơi vô định. Những con đường rồi lại những con đường. Không gian như gãy đổ và thời gian như đang chảy ngược dưới những bước chân đi. Vâng. Thời gian triển hạn vùn vụt vào tương lai vô hạn hay quay ngược về quá khứ vô biên, để bỏ mặc mình tôi nơi đây với hình hài rách nát của định mệnh vô danh. Em! Tôi không có một con mắt thứ ba để nhìn em, chỉ những bước chân! Những bước chân bên ngoài cái khe hở. Những bước chân trôi nổi trong một thế giới mà tất cả mọi căn nguyên và nền tảng vừa mới sụp đổ. Những bước chân! Những bước chân! Tôi sợ nó lại biến mất như cái ngày tai hoạ mà cánh cửa nhà giam há ra như cái mõm của một con quái vật, để thả tôi vào trong một thế giới tàn bạo- tàn bạo vì không có em- còn hơn cả thế giới ở trong lòng con quái vật đó.

Đêm đã xuống. Em vẫn đi. Đi mãi. Đường phố thưa vắng người và em sẽ dễ dàng nhận ra có người đang đi theo mình. Song dường như em không lưu ý đến điều đó. Một niềm cô độc khủng khiếp và một nỗi tuyệt vọng lớn lao nào đó, chia cắt sự hiện hữu của em với thế giới chung quanh. Và chính vì cảm nhận được điều đó, mà bao lần tôi định tiến lên bắt chuyện với em nhưng rồi lại không dám. Đêm đã khuya. Em đứng bên bờ sông. Đối thoại với một ai đó vô hình. Rồi tôi bỗng rùng mình khi em quay lại nhìn tôi. Đó là lần đầu tiên tôi nhìn thấy mặt em trong suốt cả buổi chiều theo em hôm ấy. Nếu như tập tính giống loài được di truyền qua nhiều thế hệ, thì cũng có thể gọi tập tính đó là kinh nghiệm, và tôi, lần đầu tiên trong đời tôi có kinh nghiệm rất rõ ràng rằng, có một cái gì đó thuộc về tôi nhưng không phải là tôi, nó ở bên ngoài tôi, nó có đã từ lâu lắm, lâu lắm trước khi tôi có mặt trên đời này, trăm ngàn năm về trước. Cái đó là em. Em quen thuộc với tôi đến nỗi, điều đó làm quặn thắt trong lòng tôi một niềm đau chưa từng quen thuộc. Tôi bước lên mấy bước và bắt gặp ánh mắt em: Em không nhìn thấy tôi, em đang nhìn một cái gì đó ở bên ngoài hiện thực. Tôi sững sờ vài phút trước khi một ý nghĩa loé sáng: Em đang muốn chấm dứt cuộc đời mình. Và khi em quay người lại thì tôi phóng mình lao đến nhưng đã không còn kịp: Em đã rơi tõm xuống dòng nước đen ngòm.

Có lẽ dòng nước đen đúa nhơ bẩn kia đã hút tôi sâu vào trong lòng nó với một sức mạnh vô biên. Nó nhận chìm cuộc sống tôi từ khi đó. Tôi cũng không hiểu là tôi đã cứu sống hay đã giết chết em. Tôi đã bắt gặp em ở bên ngoài cả cõi sống và sự chết. Bởi lẽ, có một sự bi thảm nào đó vượt xa rất nhiều tất cả mọi tàn bạo mà ta có thể hình dung và chịu đựng được trong cả cõi chết và sự sống. Sự bi thảm đó hoàn toàn không có tên gọi. Bởi chỉ có những người sắp chết muốn thổ lộ tình yêu và van xin một lời tha thứ với người thân của mình, mà không còn hơi sức để nói nên lời, thì mới biết được tên gọi của niềm bi thảm đó.

Tôi không còn hay biết gì nữa. Chỉ biết rằng, sau cái đêm ấy chừng hai tháng, cái đêm mà em nhảy xuống dòng sông, tôi đã đi tìm em suốt 20 năm trời không gặp. Còn bây giờ...


Cô đăm đăm nhìn chồng.

- Em đã lấy hai người chồng trong một ngày.

- Sao cơ?

- Chồng em chết vì tai nạn ngay trong ngày cưới. Đó là mối tình đầu tiên. Anh ấy dường như đã lo lắng cho em mọi chuyện. Hoàn toàn tuyệt vọng. Với lại, không gia đình, không người thân, không công việc, không tiền bạc, em quyết định tự tử. Đêm ấy, bên bờ sông, một người đàn ông đã cứu em.

- Tình cờ ư?

- Không. ông ta đi theo em. Đi theo em từ trong bệnh viện. Chồng em trút hơi thở cuối cùng trong phòng cấp cứu.

- Tại sao ông ta đi theo em?

Đôi mắt cô trừng trừng nhìn vào một cái gì đó không có hình thể.

- Những bước chân! Những bước chân! Những bước chân bên ngoài cái khe hở.

- Những bước chân... gì cơ?

- Ông đi theo chỉ vì... ngộ nhận. Đi theo chỉ vì bước chân của em giống với bước chân của một người con gái...

- Ai?

Cô bật khóc.

- Bản thân ông cũng không biết đó là ai. Chưa từng thấy mặt. Ông chỉ nhìn cô ta qua một cái khe hở từ trong tù ra, mà đâm ra yêu thương...

- Rồi sau đó?

- Em đã lấy ông, ngay đêm ấy. Em không còn biết mình là ai.

- Sau đó em sống không có hạnh phúc? Ý anh muốn nói là em không tìm thấy một tình yêu với ông ta?

- Hạnh phúc thì không. Nhưng... Em yêu ông. Chưa từng yêu ai như yêu ông. Và mãi mãi sẽ không bao giờ yêu ai như yêu ông.

- Vậy, tại sao em lại bỏ ông ta mà ra đi?

Cô lại bật khóc.

- Có những người chỉ có một tình yêu duy nhất. Phải. Tình yêu duy nhất. Ông là người như thế. Em đã lừa dối ông. Em giả vờ như chính em là cái người con gái đã đi bên ngoài cái khe hở tàn bạo đó. Anh hiểu không, lúc đó em hoàn toàn tuyệt vọng. Nhưng rồi, làm sao em có thể mãi mãi lừa dối tình yêu dường như cũng... duy nhất của đời mình! Em ra đi. Em ra đi sau khi để lại cho ông một bức thư, giải thích em không phải là người con gái bên ngoài cái khe hở.


Người đàn ông ấy đã chết trong tay tôi. Ông ta hoàn toàn không giống với những bệnh nhân đang sắp chết mà tôi từng thấy: Ông hoàn toàn lạnh lùng vô cảm trước cái chết thật của mình nhưng lại vô cùng băn khoăn xao xuyến trước cái chết sẽ xảy ra với một ai đó đang còn sống. Ông ta chết nhưng ý nghĩa của cái chết lại là một cái chết khác. Nói khác đi, khi đang còn sống thì ông ta đã chết vào trong cái chết mường tượng của một ai đó cũng đang sống nhưng sẽ chết, còn khi đang chết thì chính cái chết giả dụ kia lại là sự sống cuối cùng của ông. Cái chết của ai thế nhỉ? Chắc là một người con gái nào đó. Những người yêu nhau vẫn thường không muốn chết trước người mà mình yêu đó sao. Họ sợ cho nỗi cô độc tuyệt đối của người yêu lúc chết! Họ muốn chia sẻ! Thật ngu ngốc! Cái gì tuyệt đối thì làm sao mà chia sẻ cơ chứ! À! Không hiểu sao tôi vẫn nhớ từng chữ câu nói đứt đoạn cuối cùng của ông ấy: "Em đã hiểu lầm! Hiểu lầm! Hiểu lầm! Trời ơi! Cái khe hở! Bên ngoài cái khe hở làm gì có một tình yêu! Anh chỉ biết em! Chỉ yêu em! Người yêu duy nhất của anh!". Ông ta nói với ai thế nhỉ? Chao ôi!

Dạo này tôi đã sinh ra lẩm cẩm: Triệu chứng tâm thần sau những tháng năm cận kề cái chết. À! Mà ai đó lại để trên người ông một bó hoa hồng nhỉ? Thật vô duyên! Hoa hồng để dành cho tình yêu và sự sống. A! Mà có tình yêu và sự sống nào mà lại không chết? Tại sao tôi cứ nghĩ mãi về người đàn ông thế nhỉ? Quên ông ta đi! Đã hết ca làm việc. Tôi phải rời bệnh viện. Bệnh viện một ngày có thể có bao nhiêu người chết. Đã đến giờ tan ca.

H.T.Đ
(187/09-04)



Đánh giá của bạn về bài viết:
0 đã tặng
0
0
0
Bình luận (0)
Tin nổi bật
  • TRẦN HẠ THÁP

    1.
    Nguyên Biệt nhô đầu lên khỏi lèn đá thì sự cố xảy ra. Gã đang mang bầu nước lấy ở suối về. Một vệt màu sậm hình vòng cung bay ra như ánh chớp.

  • THÁI NGỌC SAN

    Cách đây mười lăm năm tôi có viết một truyện ngắn về vợ chồng ông Lâm. Truyện ấy sau khi đăng trên một tờ báo văn nghệ Sài Gòn tôi liền nhận được một lá thư của ông. Lá thư vỏn vẹn chỉ có một câu như sau: "Cậu là một thằng mất dạy!".

  • HOÀNG THU HÀ

    Không biết ai đã đặt tên cho cái hồ này như thế. Hồ nằm cách xa thành phố khoảng chín mươi cây số, dưới thung lũng của đồi núi mọc đầy cây dương liễu. Bấy giờ đang là mùa hè phương nam, gió thoáng đãng và ẩm ướt thổi từ đại dương vào khiến sự hoang vu của hồ càng xao động hơn.

  • LTS: Tác giả Hoàng Trọng Định (Hoàng Nguyệt Xứ, sinh 1959) là một nhà văn xứ Huế ít người biết đến đã vĩnh viễn ra đi từ hai năm trước, sau khi chọn cho mình một lối sống cô độc và chết trong im lặng, với một cái tên ẩn dật trong giới cầm bút. Truyện ngắn của Hoàng Trọng Định có cách tổ chức hình tượng nghệ thuật độc đáo và khác biệt. Tác phẩm của anh là kiểu dạng của một truyện ngắn ý niệm được chuyên chở bằng lớp ngôn ngữ đẫm chất triết học.

  • THÁI BÁ TÂN

    Các bạn thử hình dung một chuyện thế này: Có đôi trai gái yêu nhau, rất yêu nhau. Cưới xong được ít hôm thì chàng trai lên đường ra trận, để lại người vợ trẻ ở nhà một mình vừa làm lụng vất vả, vừa mỏi mòn chờ đợi.

  • HỒNG NHU

    Mỗi lần không vừa ý tới điều gì đó, với ai đó trong nhà hay nói rộng ra là trong thiên hạ, cha tôi thường buột ra một câu nói mà nếu không phải là người làng thì không thể nào hiểu được: "Cứ như là thằng Đô"!

  • LÊ VŨ TRƯỜNG GIANG

    Khi chàng ngồi dậy giữa bãi chiến trường ngổn ngang xác người, chàng không còn nhìn thấy gì cả ngoài một vùng đêm tối tăm nhờ nhợ. Cái thứ đen đặc rộng lớn đó đã nuốt vào trong lòng nó những tiếng giục la, tiếng hét thất thanh, rên xiết giã từ sự sống, và cả nỗi đau khốn cùng của những kẻ bị thương, vô vàn sự tiếc nuối trong cuộc tử sinh vô nghĩa.

  • Trên mặt đất, trong bầu trời - Trái tim xôn xao

  • LÊ ANH HOÀI

    Cùng với tiếng loảng xoảng của cái gáo tôn trên nền xi măng khu vệ sinh, tiếng lệt xệt dép nhựa là tiếng khan khan của cô Đ “Mày dậy chưa? Gớm, con gái con lứa gì mà ngủ ngáy ghê thế. Hôm qua mày lại mơ cái gì mà tao thấy mày cứ nghiến răng kèn kẹt. Khiếp quá, đêm nằm cứ nghiến răng thế sau này chồng nào chịu nổi?”

  • MAI NINH

    Ông ta bị giục lên xe lúc 2 giờ chiều, không kịp nói. Người đàn bà leo sau chắn ngang cửa, che mất cô gái đứng dưới đường. Giọng cô lẫn giữa tiếng người gọi nhau và trong gió lùa dưới mấy tấm tôn đập mải miết:
    - Ông nhớ nằm nghỉ và thưởng thức trà nhà vua đấy.

  • NGUYÊN QUÂN  

    Lão Đạo vẫn ngồi chò hỏ, kiểu ngồi đặc trưng đôi chân trần dính kết bùn đất trên giường ruộng của nền văn minh lúa nước. Hai khuỷu tay lòi cục, trơ xương, chống tựa lên hai đầu gối cũng lòi cục trơ xương. Bốn khớp linh động tỳ lên nhau, trở thành bất động.

  • ĐỖ NGỌC THẠCH

    Hứa Tam Giang là dòng dõi Trạng Ngọt Hứa Tam Tỉnh ở làng Vọng Nguyệt (làng Ngọt) xã Tam Giang, huyện Yên Phong tỉnh Bắc Giang.

  • NGUYỄN THỊ MINH DẬU

    Thực ra mà nói, cái bức tường ngăn ấy nó chẳng có tội tình gì! Nhưng dưới con mắt của tôi thì nó lại là nguồn gốc của nỗi bất hạnh.

  • ĐOÀN LÊ

    Cơn mưa, sầm sập đổ hồi suốt buổi chiều đó, nàng ngồi cạnh cửa sổ ngắm mưa qua làn kính. Tôi ngồi chếch phía sau ngắm nàng.

  • ĐẶNG NGUYÊN SƠN

    Cây Đời. Cây là họ. Đời là tên. Cũng như bao loại Cây khác của dòng dõi nhà Cây trong cánh rừng nhiệt đới.

  • NGUYỄN ĐỨC TÙNG

    Cô ngồi trước ba máy đánh chữ, cái trước mặt màu kem đã sờn, hai cái xanh ngọc hai bên còn mới. Bàn làm việc hướng vào vách, bên phải là cửa sổ nhìn ra con đường tráng xi măng cũ gần bến đò.

  • VỊ TĨNH

    Ngày xưa mái tóc mẹ xanh, bay trong gió làm vướng chân bao gã si tình. Mắt mẹ là một vườn quả chín, và đôi môi đỏ dù mím lại vẫn không giấu được men say chực trào ra làm chao đảo cả những trái tim sắt đá. Mẹ đã từng tự hào vì điều đó biết bao.

  • LÊ VŨ TRƯỜNG GIANG  

    Nó bảo, mày và tao chơi trò âm dương cách biệt đi. Tao âm, mày dương.
    Anh hỏi, để làm gì?
    Thì là trò chơi, thử cho biết. Mày đeo cái mặt nạ này vào.

  • THÁI NGỌC SAN

    Kính tặng anh T.L
    và anh em TNXP ở Tây Nguyên